1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Trận Đống Đa Với Chính Nghĩa Của Dân Tộc (Nguyễn Đăng Thục) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      3-07-2013 | TIỂU LUẬN

      Trận Đống Đa Với Chính Nghĩa Của Dân Tộc

        NGUYỄN ĐĂNG THỤC


           Vua Quang Trung

      Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng giêng sau Tết Nguyên đán năm ngày và trước ngày khai hạ hai ngày, nhân dân Hà thành kéo nhau lũ lượt tốp năm tốp ba, "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" ra ngoại ô về phía đông đầu ấp Thái Hạ, dưới chân một đồi đất cao để kỷ niệm ngày giỗ Đống Đa hay là ngày giỗ trận. Dân chúng nói với nhau rằng, cái đồi đất ấy chính là đống xương vô định của quân sĩ chết trong trận đại chiến quyết thắng của vua Quang Trung đánh đuổi giặc ngoại xâm Tôn Sĩ Nghị.


      Quân Thanh đã được Thăng Long

      Một hai rằng thế đã xong việc mình.

      Dùng dằng chẳng chịu tiến binh

      Nhác đường phòng thủ mống tình dãi hoang.

      Ngụy Tây nghe biết sơ phòng

      Giả điều tạ tội quyết đường cất quân.

      Dặm trường nào có ai ngăn

      Thùa hư tiến bước đến gần Thăng Long.

      Trực khu đền lũy Nam Đồng

      Quân Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang.

      Vua Lê khi ấy vội vàng

      Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.

      Qua sông lại sợ truy binh

      Phù kiều chém đút, quân mình thác oan.

      (Đại Nam Quốc sử diễn ca, cửa Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Nxb Sông Nhị, Hà Nội).


      Trên đây là một đoạn sử tranh đấu oanh liệt của Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng đế Quang Trung ngày 25 tháng 1 năm Mậu Thân 1788, tự xưng mình thống lĩnh quân thủy bộ ra đánh Bắc Hà, đánh đuổi quân xâm lăng để danh chính nghĩa quốc gia bằng một cử chỉ anh hùng dân tộc. Vua Quang Trung tự thân đốc quân phá vỡ quân binh của nhà Lê ở sông Giản Thủy, bắt sống quân Trung Hoa Ở Phú Xuyên, vây phá đồn giặc ở Hạ Hồi và Ngọc Hồi ở Hà Đông ngày 5 tháng giêng trong bầu không khí khai xuân của toàn dân Bắc Hà. Nhiều tướng lãnh Mãn Thanh tử trận, trong số đó có đại tướng Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa gần Nam Đồng nay là ngoại ô Hà Nội. Nghi Đống bị vây hãm ở đây phải thắt cổ tự tử. Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị chạy trốn sang Bắc Ninh rồi bị đuổi bạt về Trung Hoa.


      Trưa ngày mồng 5 tháng giêng, vua Quang Trung vào thành Thăng Long, áo bào đen thuốc súng. Theo truyền thuyết trong dân gian thì khi vua Quang Trung trẩy quân đến làng Ngọc Hồi, dân làng làm cỗ bàn bánh trái đem ra khao lạo quân nhà vua và tỏ ý hoan nghênh cử chỉ chính nghĩa của vua đến giải phóng nước nhà khỏi ách Mãn Thanh nên họ có yết lên bốn chữ "Hậu lai kỳ tổ" nghĩa là vua đến thì dân được sống lại. Vua Quang Trung trước lòng nhiệt thành ấy của dân làng Ngọc Hồi hết sức hoan hỷ vỗ về ủy lạo, nhưng không muốn phiền nhiễu nhân dân, trong các thực phẩm dâng lên, vua đã ý nhị chỉ chọn lấy cái bánh chưng, tiêu biểu cho dân tộc tính nông nghiệp trong ngày Tết Nguyên đán ở Bắc Hà. Và vua ban cho làng Ngọc Hồi bốn chữ "Hiếu nghĩa khả gia" nghĩa là lòng hiếu nghĩa khá khen là đẹp.


      Cử chỉ ấy của vua Quang Trung quả đã cảm thông với tâm hồn dân tộc, cũng như Nguyễn Thiếp đã có công giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh trong một trận, không phải vì tài độn số mà là nhờ sự thông cảm với tâm hồn dân tộc qua chiếc "bánh chưng" vậy. Theo Đào Khê nhàn thoại, đăng trong số Xuân Trung Bắc năm 1939, thì "nguyên khi Tôn Sĩ Nghị chiếm đóng Thăng Long, có giao cho viên đề lĩnh họ Đinh là người của Lê Chiêu Thống cầm đầu một toán quân canh gác kho khí giới và lương thảo, vua Quang Trung khi kéo quân đến Nghệ An có đến vấn Nguyễn Thiếp là người đã ngồi dạy học ở nhà đề lĩnh họ Đinh ngoài Bắc. Ngày mồng 3 Tết năm Kỷ Dậu (1789), Đinh thấy Nguyễn Thiếp từ Nghệ An gửi ra biếu chiếc bánh chưng, trong nhân bánh có đề tờ mật dụ của vua Quan Trung. Đinh bèn nghe Nguyễn Thiếp khuyên bảo, làm theo lời mật dụ ấy, đứng làm nội ứng ngầm đốt kho khí giới, lương thực và súy phủ ở Thăng Long vào đêm mồng 4 rạng mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu" (theo Hoa Bằng chú dẫn trong Quang Trung, Bốn Phương, tr. 196).


      Xem thế đủ thấy Quang Trung đã thành công vì cảm thông đến tâm hồn tín ngưỡng truyền thống của nông dân tức là của dân tộc. Và sự cảm thông ấy không phải ở lời nói suông mà là cử chỉ vô tư đồng tình, quên mình vào nhân dân, lấy tâm hồn nhân dân làm tâm hồn mình, từ tín ngưỡng đến tình cảm, từ ý chí đến hiểu biết. Bởi thế mà vua Quang Trung cũng như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã gợi đến ý nghĩa tượng trưng của chiếc bánh chưng ngày Tết, để rung động vào tiềm thức xa xăm từ thời thần thoại Hồng Bàng của nông dân Việt Nam. Tuy vua Quang Trung tự biết có thừa tài thao lược, thừa sức vũ lực để đánh đuổi quân Mãn Thanh cũng như quân Xiêm La đã mượn danh nghĩa nhà Lê, nhà Nguyễn để xâm lăng, nhưng Ngài cũng tự biết mình là võ biền nên đã tôn thờ Nguyễn Thiếp một bạch diện thư sinh làm phu tử. Và La Sơn phu tử hẳn thuộc nằm lòng câu nói của Khổng Phu tử: "Dân vô tính bất lân" nghĩa là "nhân dân không tín ngưỡng thì không đứng vững được" (Luận ngữ). Cái tín ngưỡng của dân tộc là tín ngưỡng truyền thống của nông dân, vì dân tộc Việt Nam cho mãi đến nay vẫn còn là một dân tộc nông nghiệp. Bởi thế mà Nguyễn Thiếp, một Nho sĩ lão thành không khuyên Quang Trung đem tín ngưỡng Khổng giáo cho dân mà lại trở về tín ngưỡng Tổ tiên với chiếc bánh chưng là biểu hiện trải qua hàng mấy ngàn năm.


      Tại sao Nguyễn Thiếp để giúp Quang Trung những sáng kiến có hiệu lực mà không ra nhận chức gì của vua Quang Trung, cả đến nhận những tặng phẩm cũng không dám nhận? Có lẽ ông còn đòi ở Quang Trung cái chính nghĩa dân tộc quang minh chính đại vượt cả lên trên cực diện Nam-Bắc phân tranh của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, cơ hội ấy đã đến với Quang Trung. Chúa Nguyễn trong Nam đã mất chính nghĩa sau khi mời quân Xiêm vào xâm chiếm nên bị Quang Trung bấy giờ còn là Nguyễn Huệ đánh cho đại bại ở miền Tiền Giang. Đến lượt vua Lê Chiêu Thống, thừa hưởng cái chính nghĩa dân tộc của nhà Lê đánh đuổi quân Minh, bỗng chốc vác voi về dày mồ, đem quân Thanh vào dày xéo đất nước nên cũng mất chính nghĩa hơn ba trăm năm của một triều đại "văn hiến chi bang". Đấy thực lại là một cơ hội rất tốt cho người anh hùng tranh thủ chính nghĩa bằng cách giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm.


      Nước Việt ngàn năm truyền miệng trẻ

      Oai vũ thần binh trận Đống Đa!

      Nước Việt ngàn năm danh Nguyễn Huệ.

      Chu diệt quân Thanh phá Bắc Hà.

      (Của Minh Tuyền do Hoa Bằng dẫn trong Tri Tân?, tr.2. số 35 ngày 18-2-1942).


      Và ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), về sau đối với nhân dân Bắc Hà đã tự động trở nên ngày "giỗ trận", đồng bào kéo nhau đến chùa Đồng Quang trên đồi La Sơn tục gọi là Đống Đa để kỷ niệm ngày thắng trận của vua Quang Trung, người anh hùng của dân tộc:


      Áo vải cờ đào

      Giúp dân dựng nước biết bao công trình.


      Để đối chiếu chính nghĩa, với ngụy quyền của Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh để bảo vệ dòng họ:


      Tà vấn Thanh lai đắc nhất vương

      Giải giao nghịch tặc chuyển vi cường?

      Long thành thử địa y hà tự.

      Thanh sứ tùng lai dỗng nhất trường.

      nghĩa là:

      Hỏi Tàu lai được việc gì

      Để cho quân giặc có bề mạnh thêm?

      Long thành này hãy chờ xem

      Sứ Tàu qua nữa càng thêm não nùng!

      (Thăng Long hoài cố do Nguyễn Văn Tố trích dịch trong Tri Tân số 34).


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Như thế tưởng đã minh bạch chính nghĩa quốc gia lấy quyền lợi dân tộc làm tiêu chuẩn do nhân dân đã công nhận bằng ngày "giỗ trận Đống Đa" mồng 5 tháng giêng. Vậy mà đoạn sử ca trên kia dưới triều nhà Nguyễn còn viết là "Ngụy Tây" để gọi chính quyền Tây Sơn Quang Trung, thì biết rằng vấn đề chính tà theo sử sách của triều đại thực cũng khó mà phân biệt.


      Sự thật có được tôn trọng nữa không hay là tôn giáo, khoa học, văn học, sử học, chính trị học ... chỉ còn là những bè đảng riêng tư, đua nhau tranh cướp chính nghĩa, mạnh được yếu thua, được làm vua thua làm giặc?


      Nếu thực chính nghĩa chỉ là quyền lợi hay mưu lược xảo quyệt mà sự thật không được tôn thờ thì sao Nguyễn Huệ phải lấy danh nghĩa phù lê diệt Trịnh để ra Bắc Hà lần thứ nhất. Sau khi quân Trịnh đã dẹp rồi, trong tay có đủ binh lực để thay thế ông vua già nằm bệnh chờ chết, sao Nguyễn Huệ lại phải khiêm tốn trước giường bệnh vua Lê Hiển Tông:


      - "Tôi vốn là kẻ áo vải ở tây Sơn, nhân thời thế mà nổi dậy. Bệ hạ tuy không cho ăn cơm, áo mặc, nhưng tôi ở cõi xa, bấy lâu vẫn kính mến thánh đức. Bữa nay được nhìn thấy mặt trời, đủ thỏa được tấc lòng khao khát. Họ Trịnh vô đạo, hiếp đáp hoàng gia nên trời mượn tay tôi: một trận phá diệt ngay đặng ấy là nhờ ở đức bệ hạ cả!".


      - Vua Lê ủy lạo: "Ấy là võ công của tướng quân cả chứ quả nhân nào có tài đức gì!".


      - Nguyễn Huệ khiêm tốn: "Tôi chỉ cốt tôn phù đâu dám kể tới công lợi. Việc ngày nay thật xảy ra như thế thật bởi lòng trời xui nên hết thảy. Kể tới việc binh thì tôi cất đặt đặng quân lính, điều khiển đặng chiến thuyền; song le tôi có sức chi khiến được nước lụt phải cạn, gió đông nam phải thổi mạnh? Thế là trời có ý xui bệ hạ phấn chấn kiên cường thống nhất bờ cõi. Từ giờ xấp đi, bệ hạ cầm cương nẩy mực, khiến cho trong êm ngoài ấm, tôi đây cũng được nhờ ơn". (Quang Trung, tr.66).


      Nguyễn Huệ ở đây còn tôn kính ý trời với thánh đức vua Lê, đấy là luận điệu bề ngoài, tuy trong bụng đã muốn xưng đế xưng vương. "Ta mang vài vạn quân ra đây, một trận dẹp yên Bắc Hà. Vậy thì một thước đất, một người dân bây giờ không phải của ta thì của ai vào đây nữa. Dẫu ta muốn xưng đế, xưng vương chi chi ai dám làm gì ta đặng?" (tr.88, Sđd).


      Thế thì tại sao Nguyễn Huệ không dám xưng đế, xưng vương như ý muốn trong lòng, mà phải khách sáo luận điệu "phù Lê diệt Trịnh"? Là vì nhờ khẩu hiệu ấy mới chinh phục được lòng người, dù là lòng người dân ngu, nhưng "dân ngu nhi thần" nghĩa là dân tuy ngu nhưng sức mạnh như thần lực Nguyễn Huệ còn sợ lòng người, cho nên phải mượn lá cờ hiệu "phù Lê diệt Trịnh" làm chính nghĩa. cái chính nghĩa ấy của nhà Lê hơn ba năm chưa mất hẳn, cho nên Nguyễn Nhạc biết điều hơn khi nói:


      "Tôi nghe ngày xưa đức Thế tổ mở mang ra nước Nam Việt, công đức thật là tầy trời. Tuy tôi ở lánh trong phía biển Nam, song cũng là đất của đức Thái tổ khai thác".


      Cái chính nghĩa của nhà Lê, sở dĩ được lâu bền là nhờ trời và người hiệp lực giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ròng rã hai mươi năm chiến đấu để giải phóng đất nước và dân tộc khỏi ách đô hộ ngoại lai. Bởi thế mà trận Đống Đa của Nguyễn Huệ, đánh đuổi quân Thanh đã mang lại chính nghĩa cho vua Quang Trung, cái chính nghĩa mà Lê Chiêu Thống đã bỏ mất khi rước Tôn Sĩ Nghị vào bảo vệ cho một họ của mình, coi nhẹ ý dân, tức là ý trời, của dân tộc vẫn tin tưởng. Chắc vào cái tin tưởng chính nghĩa thiêng liêng ấy mới có Trần Công Xán khảng khái đáp lại lời hạch sách của Nguyễn Huệ bấy giờ là Bắc Bình vương:


      "Thuở xưa đức Lê Thái Tổ bình định giặc Ngô, gây dựng lại nước nhà, công đức như trời biển. Đến vua Thánh Tông chăm lo việc nước, thiên hạ thái bình, điển tắc truyền đến muôn đời, từ cửa Nam Quan vào Nam, từ núi Đại Lĩnh ra Bắc đều là thần dân, không nơi nào mà không tôn kính, trung gian bị giặc Mạc tiếm quyền, nhân dân trong nước đem lòng oán giận. Lúc ấy Tiên chúa nhóm họp được các đồng chí, sau đó Trịnh vương ban hành hiệu lệnh khắp trong nước cũng chỉ vì lấy danh nghĩa tôn phù nhà Lê, cho nên người dân hưởng ứng; tuy mấy đời gần đây, có sự hiếp chế, nhưng chính sóc còn đó, lễ nhạc không đổi, thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê.


      Đại vương ngự giá ra Bắc, lần đầu tiên mà thẳng đến được kinh thành, cũng là do tấm lòng nghĩa cử, tôn phù nhà Lê, cho nên người người tin phục, nếu không thế thì vào nước người, có phải dễ dàng đâu!


      Đức Tiên đế mới thấy Đại vương lần đầu, đà đem lòng kính trọng, trước sách phong hiệu Thượng công, kế tiếp phong tước Vương, đó là điển lễ cũ của bản triều, chớ không phải là báo đáp không được thịnh tình, xin chớ cho là lạt lẽo. Còn việc đem hết đất đai trao trả cho nhà Lê, là thuận theo lòng trời vậy".


      Nói thế biết rằng sẽ bị giết, nhưng một lòng tin tưởng vào chính nghĩa, nên trước khi chết còn để lại lời cách ngôn cho đời sau:


      Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học!

      Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vưu?

      Nghĩa là:

      Đạt đức Nho có ba (trí, nhân, dũng), dẫu chưa hay xin học hỏi!

      Lòng này chung thủy không hai, thực hành chất phác dám trách ai?


      Đấy là chính nghĩa trả bằng cái chết của sứ thần Trần Công Xán cuối thời nhà Lê, khiến cho Nguyễn Huệ phải chờ đến trận Đống Đa mới dám xưng là Quang Trung Hoàng đế (1788).


      Nguyễn Đăng Thục

      (Tập san Sử Địa số 9&10: Đặc khảo về Quang Trung)

      --------

      1. Quang Trung anh hùng dân tộc, Hoa Bằng, Bốn phương xuất bản.

      2. Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia Văn phái, Mai Lĩnh xuất bản.

      3. Trần Công Xán sự trạng, Đinh Nho Linh dịch, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.

      4. Đại Nam Quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Sông Nhị xuất bản.

      5. Tạp chí Tri Tân.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thái Độ "Kẻ Sĩ" Triều Quang Trung Nguyễn Đăng Thục Tiểu luận

      - Trận Đống Đa với chính nghĩa của dân tộc Nguyễn Đăng Thục Tiểu luận

      - Dân tộc tính Nguyễn Đăng Thục Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)