|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Sau một hồi nói chuyện qua điện thoại, Dung báo cho tôi:
“Bác biết chuyện gì xẩy ra cho ba cháu chưa?”
“Chưa. Chuyện gì?“
“Ba cháu đã vào chùa, xuống tóc đi tu từ hơn nửa năm nay. Ba cháu hiện tu ở một chùa gần thành phố bác ở. Ba cháu không cho ai biết chuyện ông đi tu. Dấu, không cho biết tu ở chùa nào. Cháu mới tìm ra. Cháu định tháng tới qua thăm, và rủ bác cùng đi luôn. Gặp bác chắc Ba cháu mừng lắm.”
“Bác cũng mong gặp ba cháu. Lâu rồi, ba cháu và bác chưa gặp lại nhau. À, tại sao ba cháu có quyết định đi tu? Sao lại phải dấu chuyện tu hành. Ði tu, chứ có phải đi tù đâu mà dấu diếm. Còn mẹ cháu thì sao?”
Dung ậm ừ, như không muốn nói. Một lúc sau mới trả lời:
“Mẹ cháu vẫn bình thường. Vẫn oai phong như cũ. Thật ra ba cháu không cho ai biết tu nơi nào, vì sợ mẹ cháu đến phá đám. Bốn tháng trước, ba cháu tu tại một chùa gần West Virginia, mẹ cháu đến làm ồn ào, bắt ba cháu trở về. La mắng cả sư cụ, xỉ vả ông ta đủ điều, còn phao vu lên rằng sư cụ đồng tính luyến ái với ba cháu. Thiệt tình! Mẹ cháu nói rằng, ba cháu đức mỏng, đừng tu làm chi cho phí công. Lỡ có lên được niết bàn, cũng chỉ đi bưng ống nhổ cho thiên hạ, vì kém công đức. Về địa ngục, may ra còn được đi làm thơ ký, gác gian, đỡ nhọc nhằn hơn, bởi tội lỗi cũng không nhiều lắm. Nhà chùa khuyên ba cháu đi tìm nơi khác tu. Ý họ muốn đuổi khéo. Ba cháu ra đi, như đi trốn. Thật buồn.”
Tôi cười khà khà, rồi an ủi Dung, người con gái út của bạn cũ:
“Thôi, cháu đừng buồn. Ði tu để giải thoát khỏi mọi khổ đau, hệ lụy. Biết đâu rồi Ba cháu cũng thành một thứ Phật nho nhỏ nào đó. Cháu biết không, ngày xưa Ðức Thích Ca Mâu Ni nửa đêm cũng trốn hoàng cung ra đi, bỏ lại vợ con, ngai vàng, để tìm đạo. Trường hợp ba cháu, sao cũng có phần tương tự.”
“Thôi, để gặp bác, cháu sẽ nói nhiều hơn. Không chừng bác có thể khuyên ba cháu trở về. Ba cháu chỉ còn có bác, người bạn thân nhất, chưa buồn giận ba cháu thôi. Ba cháu thường hay nhắc đến bác với giọng thân thiết lắm.”
Hai tuần sau, tôi lên phi trường San Francisco đón Dung, con gái út của Hùng, người bạn cũ từ thời còn cắp sách đến trường. Hai bác cháu từ nhiều năm không gặp, đã nhận ra nhau ngay. Dung giống mẹ của cháu thời còn con gái. Nhỏ nhắn, trắng trẻo, mặt hơi xương, có nụ cười toét hai vành môi ra đến mang tai, nụ cười tinh nghịch, dí dỏm. Ba mẹ của Dung là bạn cũ ngày xưa. Thật ra, mẹ Dung là em gái của bạn tôi. Tôi biết bà từ khi mũi xanh còn hít vào trồi ra và dùng tay áo quẹt mũi. Bà xem tôi như ông anh trong gia đình, hay vòi vĩnh bánh quà.
Dung ôm ngang người tôi và nói:
“Lạ thật, bác không thay đổi gì cả, cháu nhận ra bác ngay. Tóc bác còn dày và đen. Ðầu ba cháu hói láng, chỉ còn cái vành tóc thưa sau đầu thôi”.
Tôi cười với cháu:
“Ðầu bác cũng ‘phồn vinh giả tạo’ cháu à. Bác nhuộm tóc. Còn ba cháu, có tóc đâu mà gọi xuống tóc đi tu? Ông ta đã láng như sư cụ từ lâu rồi mà!”
Hai bác cháu cùng về trên con đường xa lộ có xe cộ nêm cứng và khói bụi lù mù. Cái giọng nói nhão nhẹt, ướt rượt kéo dài những tiếng sau cùng của Dung, làm tôi nhớ đến bà Thu, mẹ của Dung. Bà là người con gái út trong một gia đình toàn anh trai, nên được cưng chìu, và nhõng nhẽo với các anh, với cha mẹ, và cả với mọi người chung quanh. Bà thông minh, học giỏi, ganh đua với bạn bè, không chịu thua ai. Khi lên đại học, bà đỗ ba cái bằng cử nhân cùng một năm. Thông minh, học giỏi nên bà thường kiêu hãnh. Bà lạm bàn cả chuyện chính trị, kinh tế. Nhiều khi bà nói hăng say đến nước bọt đóng trắng bên mép. Mỗi lần có vấn đề lâm vào một cuộc tranh luận với bà, tôi thường thoái thác:
“Thôi, anh chịu thua cô. Khi nào cô cũng có lý hơn người khác cả. Tội gì tranh luận thắng cô, để cô nhè nước mắt ra, ai dỗ cho được.”
“Thua phải có chầu phở, bún bò gì chớ. Thua không thôi ai mà chịu cho.”
Rồi bà cười hăng hắc thích thú, không giữ gìn ý tứ gì cả.
Tôi liếc nhìn qua cô cháu gái đang ngồi, hai tay đan nhau, tôi nói:
“Cháu giống mẹ cháu quá. Từ dáng điệu cho đến giọng nói.”
Dung có vẻ không bằng lòng sự so sánh của tôi. Mặt cháu hơi buồn. Im lặng một lát, Dung nói nho nhỏ:
“Không giống đâu bác à. Mẹ cháu cứng rắn lắm. Cháu mềm yếu, có lẽ cháu giống ba cháu nhiều hơn.” Tôi nói nho nhỏ:
“Ðúng. Mẹ cháu cứng rắn. Bác biết điều đó từ thời bà còn nhỏ. Nhưng có chết ai đâu?” Dung nói nhỏ như hơi thở:
“Có. Chết một đời ba cháu.”
Hai bác cháu im lặng cho đến khi về đến nhà. Vợ tôi đón và thân mật ôm lấy Dung: “Trời, cháu giống hệt mẹ cháu.” Dung lại thoái thác:
“Không giống đâu bác.”
Vợ tôi không hiểu ý nói tiếp:
“Giống hệt như đúc ra từ một khuôn. Từ dáng điệu, cử chỉ, giọng nói, ướt và ngọt như mật đổ ra đầy bàn. Thôi cháu thay áo quần, tắm rửa đi rồi ăn cơm. Ðường xa, bay nhiều giờ mệt nhọc. Tiếc hai thằng con trai của bác lấy vợ sớm quá, không thì cháu về làm dâu nhà bác cũng vui.”
Trong bữa ăn tối, Dung đưa nhận xét:
“Hai bác sao hạnh phúc quá. Tâm đầu ý hợp. Bác trai nói gì, bác gái cũng đồng ý vui vẻ. Bác gái nói gì, bác trai cũng phụ họa, thân mật. Ba mẹ cháu không được như vậy. Mẹ cháu khi nào cũng đầy cả uy quyền. Khi nào cũng khích bác, chê bai. Ba cháu có khi im lặng đến rợn người.”
Vợ tôi nói với cháu:
“Cãi nhau làm chi hở cháu? Vợ chồng tranh hơn thua làm chi? Hơn cũng chẳng được cái gì, khi thua lại bực mình, và gia đình mất vui. Ngày xưa, bác cũng thích cãi vã, hay cằn nhằn, nhưng rồi học được trong sách vở, học được từ bạn bè, thay đổi dần dần, và thấy không khí gia đình vui vẻ, thân mật, ấm cúng hơn. Hạnh phúc gia đình phải tạo ra, không phải tự nhiên nó đến với mình. Trồng cây cũng phải tưới bón đều đặn, hạnh phúc gia đình cũng phải xây dựng, chăm bón không ngừng.”
Dung nhìn vợ tôi với ánh mắt hơi buồn và hỏi:
“Mục tiêu tối thượng của con người trên thế gian này là đi tìm hạnh phúc, thế nhưng sao không có một ngôi trường nào mở ra, để dạy cách sống hạnh phúc cho mọi người? Trường dạy về khoa học, nhân văn, xã hội có quá nhiều. Nhưng cái môn học quan trọng nhất là sống sao cho hạnh phúc, lại không có một ngôi trường nào cả, cũng không là một bộ môn nhỏ của những trường lớn. Sao vậy hở bác?”
Nghe câu hỏi ngộ nghĩnh, tôi cười:
“Có chứ, có khắp nơi, như nhà chùa, nhà thờ, đền thánh. Ở những nơi đó, các vị tu sĩ cũng giảng dạy tín đồ, sống sao cho hạnh phúc. Tìm hạnh phúc cho riêng mình, và đem hạnh phúc rải rắc cho những người bất hạnh chung quanh. Kinh điển dạy con người làm lành, tránh ác. Ðem kiếp sau ra hù dọa, để ngăn ngừa cái ác, cái xấu. Phải biết kiêng, biết sợ một cái gì đó, mới dễ dàng ngăn cản cái xấu trong mỗi người bùng dậy. Ngoài ra, còn có những khóa hội thảo, sách viết về hạnh phúc cũng tràn đầy trên thị trường, đọc không hết, sợ không đủ tiền để mua. Ngay cả kinh Phật, kinh Thánh, kinh Koran cũng là những cuốn sách dạy về hạnh phúc đó cháu à.”
“Không. Cháu muốn nói đến một ngôi trường chính thức, để người ta theo học một cách nghiêm chỉnh. Có cấp bằng, có thi cử đàng hoàng. Có học kỹ mới thấm, chứ đọc qua, nghe qua, sẽ mau quên lắm, và chỉ biết lơ mơ, nhớ lơ mơ cho nên không thi hành những điều học được. Bởi vậy, nên trên thế gian này, chính con người làm khổ con người nhiều nhất. Con người gây rắc rối cho con người nhiều nhất. Bác có đồng ý không?”
Tôi nhìn Dung, tuổi trẻ sao có những ý nghĩ chín chắn, lạ lùng. Chuyện gì đã xẩy ra trong đời cháu, để cháu có những suy tư đó? Dung ngần ngại nhìn hai vợ chồng tôi và tiếp:
“Bác không đồng ý rằng chính con người gây tai vạ, gây khổ đau cho con người nhiều hơn thiên tai, thú dữ và các thứ khác sao? Từ tranh chấp thế giới, chiến tranh, cho đến tranh chấp chính trị, tranh chấp quyền hành. Con người bày ra để làm khổ nhau, trong lúc đó, khi nào cũng hô hào, tuyên bố rằng nhân danh hạnh phúc, để tạo ra những khổ đau, khó khăn cho người khác. Cháu thấy trong các cơ sở chính phủ, cơ sở kinh doanh thương mãi, và cả những người hành nghề tư nữa, lâu lâu cũng có một khóa tu nghiệp. Ðể người ta ôn lại nghề nghiệp, và theo kịp các kỹ thuật tân tiến, để khỏi thụt lùi và lạc hậu. Nhưng không có lớp tu nghiệp nào về hạnh phúc gia đình. Ðể người ta nhắc nhở và dạy bảo đúng cách làm cha mẹ, làm con cái, làm anh em, làm chồng làm vợ. Không trường, không lớp, cho nên mỗi người tự học lấy, tự tìm lấy, có người may mắn học được những điều hay, tốt, có người thiếu may mắn, không học được gì cả, hoặc học được toàn điều xấu xa, mà không biết đó là xấu, nguy hại, phá vỡ hạnh phúc họ đang kiếm tìm.
Cháu nghĩ phải có những khóa tu nghiệp thường xuyên về gây dựng hạnh phúc, bắt mỗi người làm cha, làm mẹ, làm con, làm chồng làm vợ, phải tham dự hàng năm, hoặc hàng hai năm một lần. Ðể đừng quên, để nhắc nhở, để học thêm. Bởi cuộc đời này, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, cũng chỉ để tìm kiếm và vun xới cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình mà thôi. Quan trọng như vậy, sao thiên hạ không đặt thành vấn đề. Những người cầm quyền, nhân danh đem lại hạnh phúc cho nhân dân, cũng không có một ngân khoản, một cơ quan chính thức nào chăm lo cho vấn đề quan trọng này.”
Tôi nói đùa: “Hay cháu mở một cơ sở kinh doanh, một trường đại học dạy hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân. Kêu gọi các nhà đầu tư, bán cổ phiếu sinh lời. Một ngôi trường đại học mới, cho tất cả mọi công dân, là môn học bắt buộc, phải tu nghiệp hằng năm, nếu không sẽ bị phạt vạ.”
Cả ba chúng tôi đều cười vui vẻ. Dung nói tiếp trong ánh mắt tinh nghịch:
“Phải đó bác à. Gia đình lục đục, li dị, con cái hư hỏng, gây tội ác, vợ chồng giết nhau, tốn kém ngân sách của quốc gia nhiều lắm, dân chúng phải đóng thuế để trang trải cho cái thiếu hạnh phúc trong xã hội. Phí tiền quá. Bác nói trường đại học? Cháu nghĩ rằng, phải mở lớp từ sơ đẳng trở đi. Vì cháu thấy nhiều gia đình, nhiều người lớn tuổi, có đủ thứ bằng cấp, bằng cấp cao, nhưng xử thế như một kẻ không có chút hiểu biết nào về ý niệm hạnh phúc. Phải xem họ như những kẻ thất học về bộ môn xây dựng hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc cho người chung quanh. Có thể họ thông thái về khoa học, nhân văn, xã hội, nhưng họ như một kẻ thất học về thứ quan trọng nhất, thứ mà họ cố công theo đuổi trong đời người, là sống cho hạnh phúc.”
Vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Dung. Buổi tối trước khi ngủ, vợ tôi thầm thì:
“Khổ đau nào đã làm cho con bé chừng đó tuổi có những ý nghĩ lạ lùng kia? Tội nghiệp. Trường dạy hạnh phúc? Ðâu phải vô lý. Ðời cũng là một trường học, phải vấp ngã, phải đớn đau, mới nhận chân ra ý nghĩa, tìm được vài phần chân lý.”
Tôi thao thức nghĩ đến bà nội tôi, học vấn của bà rất ít, chỉ đọc được năm ba chục chữ nho. Bà dạy con, dạy cháu qua ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ. Việc nào cũng có một câu thích ứng, khôn ngoan để nói ra. Nhắc đi nhắc lại mãi, làm nó len vào ký ức của con cháu, không thể quên, không phai được. Những câu như: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chồng giận thì vợ làm ngơ, đừng đổ thêm dầu lửa vở nhà thiêu. Một câu nhịn chín câu lành. Thương người như thể thương thân. Ðiều mình không muốn đừng làm cho người khác. Anh em như thể tay chân. Ðược mùa chớ phụ môn khoai. Vân vân và vân vân.”
Trong đầu bà tôi, có cả một kho tàng ca dao, những câu nói khôn ngoan của người xưa, mỗi ngày bà nhắc đi nhắc lại cho con cháu nghe, như những lời hướng dẫn cách ứng xử trong cuộc đời thường. Ông anh con bác tôi, thường chế nhạo bà, sửa câu nói của bà, để cười, và nói thầm với tôi: “Một lần nhịn, chín lần nó cưỡi lên đầu mình. Anh em như thể râu ria. Ðược mùa, tội gì đớp môn khoai...” Ðó là thời anh còn nhỏ, lớn lên, tôi cũng nghe anh dạy con cái bằng những ca dao của bà tôi thường nói ngày xưa.
Buổi sáng thứ bảy, sau bữa điểm tâm, tôi chở Dung lên chùa thăm ba của cháu. Trời mát, nắng vàng, cỏ cây xanh tươi. Xa lộ vắng, ít xe, tay lái khoan thai, và trí óc thư dãn. Tôi vặn nhạc. Tiếng nhạc vui tươi, dồn dập, như đổ thêm nguồn sống đất trời.
“Trời đẹp quá bác nhỉ. Nhạc vui làm tinh thần hăng hái thêm. Có khi nào bác nghe nhạc buồn không? Nhạc Việt Nam mình, nhiều bài nghe buồn đứt ruột, buồn đến rã rời thân xác, mềm nhũn tâm trí ra.”
“Có, thỉnh thoảng bác cũng nghe nhạc buồn. Ðể khơi một chút đau đớn, một chút nhớ thương, đưa hồn đi lạc về kỷ niệm xa xưa. Cũng như một chút khoái lạc trong xa xót mênh mang. Nhưng chỉ thoáng chốc thôi và không thường xuyên. Hai bác thường ngày nhắc nhủ nhau rằng, chuyện không vui nên quên liền đi, chuyện bực mình đừng than vãn, rán nói với nhau những chuyện vui, những lời tử tế.”
Dung tròn mắt: “Lạ thật, chưa ai dạy cho cháu những điều bác vừa nói. Ba mẹ cháu ít khi nói chuyện với nhau bằng giọng tử tế. Có thể nào bác khuyên khéo ba cháu trở về với gia đình không? Mẹ cháu buồn lắm, cứ ngẫn người ra, cháu sợ mẹ buồn rồi phát bệnh, thì khổ lắm.”
“Ðể xem, bác không dám hứa, khi thuận bác sẽ nói.”
Hai bác cháu vào chùa. Chùa nguyên là một căn nhà được thiết kế lại, phòng khách lớn làm niệm Phật đường. Có một tượng Phật ngồi với cái đầu quá to và dài so với thân mình. Phần nhà xe được nới rộng, che mái chạy dài ra ngoài sân sau, làm trai phòng. Sư cụ đưa chúng tôi ra sau vườn. Hùng, bạn tôi, bố của Dung, mang bà-ba màu tro nhạt, đang ngồi giặt áo quần bằng tay, bên vòi nước. Hùng ngững đầu lên nhìn, với vẻ ngạc nhiên. Hai tay anh còn dính đầy bọt xà phòng. Anh vội vã đứng dậy, ôm chầm Dung và tôi vào hai vòng tay mừng vui, nói: “Khỉ. Ai cho các người tới đây quấy rầy kẻ tu hành!”
Tôi trả lời:
“Phật có cấp giấy phép cho tôi đến thăm ông. Ðừng lộn xộn. Tu là bỏ hết bạn bè, bỏ con cái hay sao?”
Bạn tôi xả xà phòng bộ áo quần nâu, rồi treo lên dây phơi nắng, như ngày xưa còn ở Việt Nam. Dung nhìn theo bố với ánh mắt thương cảm:
“Ở đây không có máy giặt hay sao?”
“Chùa không có. Chỉ giặt một bộ thôi, giặt tay cho mau. Ba chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi. Hai ngày, thay ra phải giặt liền.”
Hùng đưa chúng tôi vào trai phòng, ngồi trên băng dài nói chuyện. Trà đậm chát trong bình thủy được rót ra ba chén nhỏ. Hùng cười, nụ cười rất hiền và đầy thương mến, hỏi Dung:
“Cả nhà vẫn bình thường chứ?”
Dung nhìn bố, chớp mắt, buồn buồn, giọng hơi hạ xuống:
“Không bình thường ba ạ. Mẹ con xuống tinh thần, và mong ba trở về sớm.”
Hùng nhìn con gái, rồi nhìn tôi. Hơi lúng túng, sau một tiếng thở dài, Hùng nói một hơi dài:
“Dung à. Nhân sẵn có bác đây, ba nói ra cho con nghe, cũng để bác chia sẻ tâm sự của ba. Ba muốn nói với bác từ lâu, nhưng chưa có dịp. Ðời ba, có ba lần sung sướng nhất, xem như chết đi sống lại. Lần thứ nhất là ra khỏi trại tù cộng sản. Thoát tù, ai không sung sướng cho được? nhất là thứ tù không có án, không có thời hạn giam giữ. Lần thứ hai là khi vượt biển, đặt chân lên đất Mã Lai, dù bị dân họ đánh đập, xua đuổi, nhưng thấy được ánh sáng tự do trước mắt. Mừng đến khóc. Và lần thứ ba, ra khỏi chính nhà mình, vào chùa đi tu.
Ba thấy mình như một kẻ mang án chung thân thoát được ngục tù. Trong ba lần đó, đem so sánh, thì lần sau cùng này xem như sung sướng, khoan khoái nhất. Ba là một kẻ nhu nhược, hèn nhát. Ba tên là Nguyễn Hổ Hùng, ba xấu hổ với cái tên của mình. Chẳng có hùng hổ tí ti nào cả. Ðáng ra, phải đổi thành Nguyễn Dun Dế mới đúng. Chính ba cũng tự khinh mình. Tại sao? Tại vì ba thương các con, không muốn các con thấy gia đình lục đục, mất hạnh phúc. Không muốn gieo vào tâm trí non nớt của các con những muộn phiền về một gia đình thiếu hòa thuận. Nó sẽ có thể ảnh hưởng đến suốt đời, ảnh hưởng tới việc học, tới tương lai sau này của các con.
Nhưng ba cũng đã làm gương xấu cho các con về sự bất lực, yếu đuối, bị ức hiếp, chèn nén mà nín lặng chịu đựng. Mẹ con đã ức chế ba trong mấy chục năm nay. Nói ra thì xấu hổ, nhưng có thực, ban đầu chỉ vì muốn yên nhà yên cửa nên chịu nhịn, nhưng dần dà về sau, nó thành nỗi hèn nhát, sợ hãi. Cái sợ nó xâm chiếm trong ba, không biết từ bao giờ, nhưng lo sợ thường trực. Sợ mẹ con. Khi nào cũng nơm nớp sợ. Nghe tiếng mẹ con ho cũng giật mình, nghe tiếng dép của mẹ con, trong lòng cũng không yên. Nghe tiếng mẹ con nói gì đó với ai, cũng lo vì lỡ mẹ nói với ba, mà ba không nghe kịp, sẽ có gây gỗ, có lôi thôi. Trở thành phản xạ có điều kiện, như con chó trong thí nghiệm tâm lý, cứ nghe tiếng chuông là chảy nước miếng. Ba sợ mẹ con gây gỗ, khóc lóc, cằn nhằn, nói những điều khinh bạc làm ba đau đớn, gán cho ba những tội lỗi ba không hề sai phạm. Sự lấn ép của mẹ con, mỗi ngày một chút, từ từ, tiệm tiến, nhưng vững chắc và quá đáng.
Ngay từ khi ba mới bảo lãnh được cho mẹ và các con từ trại tị nạn đến Mỹ, mẹ con ngày đêm khóc lóc, tra hỏi ba làm gì trong bao nhiêu năm, mà không mua được căn nhà, phải đi ở thuê. Mẹ con còn nói rằng ba không gởi tiền về nuôi gia đình. Không gởi tiền về, làm sao mẹ sống phong lưu, đi nghỉ mát hàng tháng ở Vũng Tàu, Đà Lạt. Rồi đi vượt biển mấy lần mất tiền, bị lừa. Không gởi tiền về làm sao mà đi vượt biển được. Hồi ba mới đến Mỹ, tiếng Anh tiếng u còn ấm ớ, nghe không được, nói không ra hơi, phải đi làm lao động chân tay, lương tối thiểu. Công việc khi có, khi không. Làm một lúc ba việc, ba nơi khác nhau. Ngày đi làm thợ gói hàng, tối đi làm an ninh canh gác, thứ bảy chủ nhật theo các nhóm người xứ Nam Mỹ đi hái trái ớt, hái dâu cho các nông trại. Trời nóng như lửa đốt trên lưng. Làm việc lãnh lương theo khối lượng dâu, ớt hái được. Cong lưng trên ruộng dâu suốt ngày, cái lưng đau như muốn gãy đôi. Hai tay đen kịt như nhúng bùn vì màu nhựa cây, phải chờ lột da mới hết màu đen điu. Mỗi đêm chỉ ngủ có ba bốn giờ. Bao nhiêu tiền làm được gom góp gởi về cho mẹ con, hy vọng có ngày gia đình sớm đoàn tụ. Ba chỉ ăn mì gói, hột gà, gà kho quanh năm. Nhà cũng không dám thuê, chỉ chia phòng ở trọ. Thế mà mẹ con cứ khóc lóc, cả ban ngày, ban đêm, những khi đi chợ, đi chơi, hỏi tiền để đâu cả. Ðem cho con bồ nào. Những dằn vặt này, kéo dài cho đến gần cả chục năm cũng chưa dứt. Ba khổ tâm lắm, giải thích cách nào mẹ con cũng không nghe, không chịu hiểu. Ban đầu thì không hiểu, nhưng về sau, giả vờ không hiểu. Ba cũng thông cảm, vì không phải chỉ mình ba bị ở trong hoàn cảnh này, nhiều bạn bè ba cũng phải chịu cái dằn vặt tương tự của những người vợ qua sau.
Hỏi sao ai cũng mua nhà, mà ba không mua được. Tiền để đâu? Con biết, phải cả hai vợ chồng cùng đi làm, và làm công việc có đồng lương kha khá, mới gồng mình lên mua được căn nhà. Chứ mới qua Mỹ, chưa có việc chuyên môn, chưa công việc lương khá, và bao nhiêu tiền dể dành, cứ lo chuyển về Việt Nam cho vợ con cả. Lấy gì để mua nhà. Ai bán cho. Ngân hàng nào cho vay. Có mua được, cũng làm sao đủ tiền trả hàng tháng? Mẹ con than vãn, so sánh với những gia đình khác. Khi nào cũng thở dài, thở ngắn, cằn nhằn và chê bai. Ba cũng đã làm hết sức mình, nhưng không làm sao cho mẹ con bằng lòng. Có lẽ ba cũng có phần lỗi, vì không đủ tài cán, không đủ may mắn để làm ra thật nhiều tiền, và có những phương tiện vật chất như mẹ con mong muốn.
Trong nhà, ba như một tù nhân, một tên đầy tớ, một tên nô lệ. Mẹ con như một bà chủ, một bà mẹ chồng khắc nghiệt đời xưa, luôn luôn dòm ngó, phê bình, nạt nộ ba. Ba co rúm người lại trước cái nhìn quắc mắt của mẹ con. Trong bữa ăn, nếu ba vô tình làm rớt hạt cơm, hay chút thức ăn ra bàn, mẹ con mắng ba xối xả, chê bai và nói những lời tàn nhẫn trước mặt con cái, trước mặt bà con, họ hàng. Bởi vậy, nên trong mỗi bữa cơm, trong lòng ba cũng không yên, cũng lo lắng sợ vô tình làm rớt giọt canh, rơi cọng rau. Mất hết cả tự nhiên, mất hết cả sinh thú trong khi ẩm thực. Lo lắng, khi nào cũng lo lắng không nguôi. Còn mẹ con nhiều lần làm đổ cả tô canh, làm rớt cả dĩa thức ăn ra sàn nhà, vỡ tan tành, cũng không ai dám nói một lời nhỏ. Những lúc này, ba chỉ an ủi mẹ con rằng không can gì, ai cũng có lúc sẩy tay. Nói lời an ủi, cũng sợ bị quật lại bằng những câu nói đau lòng.
Khi ba quét nhà, lau chùi bàn ghế, mẹ con cũng đưa mắt dòm ngó vào các hốc kẹt để tìm cọng rác bỏ sót, đưa ngón tay quẹt vào góc bàn, xem có còn bụi bám hay không. Ðể rầy rà ba, chê ba cẩu thả, làm biếng. Và bắt ba phải quét lại, chùi lại. Khi ba rửa chén bát, mẹ con cũng đứng chỉ huy và cằn nhằn, tại sao không rửa cái này trước, cái kia sau, và giảng giải về cách tổ chức công việc cho khoa học.
Ba đã từng rửa chén bát nồi niêu ở nhà hàng, cả ngàn cái mỗi ngày, chưa có ông chủ bà chủ nào chê bai than phiền cả. Những khi ba đang dở tay làm một công việc gì đó, như đang đứng trên thang cưa cây, hoặc sơn lại bức tường, mà mẹ con nhờ làm việc khác, dù việc nhỏ nhặt đến đâu, cũng phải buông tay để làm ngay, không làm liền sẽ có ồn ào, làm liền thì mẹ con lại chê bai trách mắng ba tại sao không dẹp cái thang, tại sao còn để thùng sơn đó. Việc gì ba làm, mẹ con cũng trách móc, uống nước chưa xong, mẹ con cũng lườm mắt hỏi sao không cất cái ly ngay, và chê ba làm biếng. Cất con dao vào chạn, mẹ con cũng kiếm cớ để phàn nàn, nhăn nhó. Áo quần đang thay, chưa cất kịp, cũng la hoảng lên. Con biết hết những điều đó. Ba nhắc lại cho bác nghe, để bác biết cho tình cảnh của ba. Mỗi lần lái xe cho mẹ con đi đâu, như cả một cực hình, dọc đường, cứ thế mà mẹ con ra rả than vãn đủ chuyện, chê trách ba đủ điều, bới móc chuyện xưa từ mấy chục năm trước để mắng mỏ ba, dù cho ba không hề sai phạm. Khi lái xe trên đường, mẹ con như ông tướng ra lệnh, với giọng hách dịch sai bảo, lái mau, lái chậm lại, quẹo phải, quẹo trái. Chưa nghe mẹ con ra lệnh với cái giọng dịu dàng bao giờ. Ba là chồng, không phải tài xế, cũng không phải đứa nô lệ.
Nói với tài xế với giọng hách dịch như vậy, họ cũng bỏ việc, hoặc mắng lại cho nhục nhã. Mỗi khi lái xe, ba vừa bực mình vì những lời khó nghe của mẹ, vừa lo lắng sợ đi lạc đường. Nếu chỉ lạc đường một đoạn ngắn, mẹ con làm như trời đất long lở, làm như ba phạm tội sát nhân không bằng. Mấy lần, người khác bất cẩn, cọ quẹt vào xe mình, thế mà ba lãnh đủ, bị mẹ con cằn nhằn, xỉ vả, nhiếc móc ba cả năm trời. Rồi thỉnh thoảng cũng còn nhắc lại. Rồi những khi mẹ con đọc báo, xem truyền hình, thấy những chuyện xấu xa xẩy ra trong xã hội, mẹ con xỉ vả, chửi bới, trách móc, làm như chính ba là kẻ tội phạm. Đến khi ba phát cáu, gắt lên, mà mẹ con cũng không tha, cứ tiếp tục hành hạ ba bằng những ngôn từ không tử tế. Vào tiệm ăn, bao giờ mẹ con cũng giận ba, vì không lấy đũa muỗng kịp thời cho mẹ, vì không lấy đủ khăn giấy, hoặc pha trà cho mẹ con quá đầy, quá vơi.
Chưa bao giờ đi ăn tiệm chung với mẹ con, mà ba được quyền lựa chọn món ăn mình thích. Bởi vậy, những buổi trưa đi làm, ba thích ngồi ăn một mình trong tiệm, thấy lòng thanh thản, nhàn nhã, và sung sướng lắm. Thế nhưng nhiều khi mẹ con cứ bắt ba bới cơm theo, để tiết kiệm tiền. Mỗi sáng đi ra khỏi nhà, đến sở, ba cảm thấy bình yên, sung sướng, và thấy bạn bè, đồng nghiệp tử tế với mình quá. Ngồi trong sở, ba thấy vui hơn ngồi trong chính ngôi nhà mình. Trong sở, ba được xem như người cẩn thận, chăm chỉ, thường được giao cho phụ trách những dự án khó khăn. Thế nhưng, mẹ con xem ba như người cẩu thả, làm biếng, cái gì ba làm, mẹ cũng chê bai. Mỗi buổi chiều tan sở, ba nấn ná để về nhà chậm hơn, lái xe chậm hơn, vì về đến nhà, tự nhiên cái nỗi lo sợ dâng lên trong lòng. Mở cửa nhà, mà lòng không vui, nghe tiếng mẹ con nói đã giật mình, hoảng hốt. Có khi về nhà, phải đi nhè nhẹ, sợ mẹ con biết ba đã về. Mỗi đêm, ba cũng không có quyền thức đêm đọc sách, xem truyền hình, mẹ con ra lệnh đi ngủ, phải gấp gấp thi hành. Không thì tru tréo lên, làm ầm nhà ầm cửa. Ba như một đứa bé hai, ba tuổi, phải tuân phục tuyệt đối. Ba đọc sách, xem truyền hình, mẹ con cũng kiểm soát, cũng bảo phải đọc loại sách này, sách kia, phải xem đài này, đài kia. Không cho ba xem, đọc những sách, những chương trình truyền hình ba thích. Ðêm nằm ngủ bên mẹ con, cũng không dám trở mình nhiều, sợ mẹ con mất ngủ, thức giấc dậy phàn nàn, cau có. Cái lo đi cả vào giâc ngủ, nhiều đêm ác mộng thấy bị mẹ con dằn vặt, cằn nhằn. Ngay cả bây giờ, xa mẹ con vạn dặm, những giấc ác mộng đó vẫn chưa thôi.
Áo quần của ba, cũng phải mặc những thứ mẹ con mua, ba không có quyền lựa chọn áo quần cho ba. Tự mua cái áo, sẽ có chuyện rầy rà, mỗi lần đem cái áo đó ra mặc, mẹ con kiếm cớ chỉ trích, gây gỗ, và nói những lời đau lòng khó nghe. Bởi vậy, có những cái áo ba không dám đụng đến. Ba phải mặc những thứ áo quần mẹ mua cho, dù không ưa, không thoải mái.
Mỗi khi mua xe, mua nhà, là ba không dám có ý kiến, cứ đưa ý kiến ra, trước hết sẽ bị chê bai, khích bác. Nếu không, thì sau này, có bất cứ chuyện gì nhỏ nhặt xẩy ra cho căn nhà, cho chiếc xe, mẹ con níu lấy ba để đổ lỗi, làm tình, làm tội từ năm này qua năm kia. Khổ lắm. Ba cứ để cho mẹ con toàn quyền quyết định. Làm gì thì làm. Nhưng cũng có khi chẳng được yên đâu. Nếu có chuyện bất trắc, mẹ con trách cứ ba vô trách nhiệm, để mẹ con phải gánh vác một mình. Những khi trong nhà có thứ gì hư hỏng, ba phải sửa chữa, và làm với nỗi lo lắng, bất an, sợ sửa không được, mẹ con chê bai, nhục mạ, nói những lời hỗn láo khó nghe. Nếu kêu thợ sửa những thứ lặt vặt, thì mẹ con cứ lãi nhãi ba bất tài, vô dụng, vụng về.
Mẹ con phong tỏa kinh tế, không cho ba giữ tiền, mỗi khi tìm thấy tiền trong túi ba, mẹ con gây gổ, ồn ào. Hàng tháng, khi nhận được kết toán chương mục của ngân hàng, mẹ con dò tìm, hạch xách hỏi ba với giọng tra vấn, tại sao có mục này, tại sao có mục kia, trong lúc chỉ có mẹ con ký ngân phiếu và lấy tiền mà thôi. Ba bảo cứ đến hỏi ngân hàng, còn ba không biết. Nói thế cũng bị mắng mỏ, rằng không biết gì cả. Mẹ con sợ ba gởi tiền giúp đỡ những người bà con bên quê nhà. Ðã giữ hết tiền, mà mẹ con khi nào cũng xa gần chửi bới bà con, bạn bè ba, là ăn bám, làm biếng, tham lam. Khi ba nghèo khó, ba chịu ơn không biết bao nhiêu người, khi có chút tiền bạc, khá lên, thì không ai nhờ vả ba được một xu nào. Ba tự xấu hổ với lương tâm. Có những bà con bên nhà đau yếu, khó khăn, ba phải mượn tiền bạn bè để gởi về giúp đỡ. Ba còn nợ của bác đây mấy ngàn đồng, đã nhiều năm, chưa trả được một xu. Ba đợi đến sang năm, đủ tuổi lãnh non tiền an sinh xã hội, rồi thanh toán luôn.
Ba sợ nhất những khi bị thất nghiệp. Mỗi lần thất nghiệp phải chịu đựng sự dày vò của mẹ con. Mẹ con chê bai ba, đổ cho ba nhiều tội, cho rằng vì ba vô trách nhiệm, làm biếng, nên bị cho nghỉ việc. Mẹ con nói rằng, nếu ba khá hơn, người ta cho người khác nghỉ, chứ không phải ba. Mẹ con dằn vặt ba ngày đêm, và thúc hối ba đi tìm việc, làm như ba không muốn tìm ra việc. Chưa xong, mẹ con còn bêu rếu, đi đâu, gặp ai, cũng rêu rao ba bị cho nghỉ việc vì kém cỏi. Dù cho cái sở của ba làm có bị phá sản, mẹ con cũng đổ lỗi cho ba. Những khi này, mẹ con cho rằng ba ăn bám vào vợ. Ba tin rằng, đời ba chưa hề ăn được của mẹ con một miếng cơm nào. Có ăn của mẹ con được một miếng cơm, thì e cũng phải hộc ra ba bụm máu.
Ba còn nhớ cái thời mẹ con được công ty cho một chức vụ nhỏ, làm trưởng toán, có ba người nhân viên làm việc dưới quyền. Cái thời này, mẹ con càng hùng hổ hơn. Làm như bà xếp, kẻ chỉ huy tất cả mọi sự. Miệng phán ra toàn mệnh lệnh. Ba càng sợ hãi hơn. Bà con quen biết cũng phải khó chịu lây.
Một điều, cho đến ngày nhắm mắt, ba cũng còn ân hận, là chuyện bà nội con. Ông nội con mất khi ba còn bé. Bà buôn tảo bán tần, nuôi ba học hành đến nơi đến chốn. Có nghề nghiệp vững vàng, có chút địa vị trong xã hội. Biết bao nhiêu công phu, khó khăn, hy sinh để nuôi nấng ba. Thế nhưng, khi ba bảo lãnh được bà nội qua đây, mẹ con hất hủi, dằn vặt, nói nặng, nói nhẹ, để bà không sống nổi với con cháu, phải về lại bên quê nhà. Rồi bà mất, mà ba không về được. Ba khổ tâm lắm lắm. Không có gì bù đắp, không có gì chuộc lại những mất mát trong lòng ba. Ba hèn nhát, để vợ đối xử với mẹ như vậy. Không ai có thể dung thứ cho ba cả. Ba có tu mấy mươi kiếp cũng không chuộc lại được tội của ba. Ba biết bà nội đứt ruột đứt gan khi thấy ba đớn hèn, sợ mẹ con như sợ cọp dữ. Ba đã nói, cái sợ như một phản ứng có điều kiện, nó nhập vào trong tiềm thức, ăn sâu vào trong não bộ. Lý trí không điều khiển được cái nỗi sợ trong lòng.
Còn chuyện vợ chồng, thì cái sợ nó che khuất cả tình thương yêu. Ðiều sau đây, đáng ra ba chỉ nói riêng với bác, nhưng con có thể nghe để học kinh nghiệm cho đời sống gia đình tương lai. Vợ chồng không còn tình yêu say mê, những khi gần gũi thể xác, thì cũng chỉ như một việc trả nợ quỷ thần, làm cho xong bổn phận, và khó khăn lắm mới có thể khởi đầu. Nhiều khi ba tưởng mình đã bị bất lực.
Bạn bè gần của ba, ai cũng biết và tránh không muốn đến nhà. Cái thái độ của mẹ con làm họ khó chịu. Những khi có bạn bè từ xa đến thăm, ba lo lắng lắm. Mẹ con chỉ nấu giúp bình trà, hay làm một tô mì gói, cũng than vãn, cằn nhằn rằng không có sức để hầu hạ bạn của ba. Có khi mẹ con không ra chào họ. Khách cũng buồn vì nghĩ chủ nhà không muốn tiếp họ. Sau khi khách về, lòng ba lo lắng lắm, sợ sóng gió dậy lên trong gia đình.