|
Tô Thùy Yên(.0.1938 - 21.5.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Tác giả: Colin Bowles sinh ra tại Anh và sinh sống tại Úc từ năm hai mươi tuổi. Ông là một nhà văn chuyên nghiệp trong suốt nhiều năm qua và cũng là một nhà báo tự do. Ông là tác giả trên hai mươi tác phẩm và được dịch ra trên mười hai ngoại ngữ. Hiện nay ông sống tại vùng Tây Nam nước Úc cùng với hai người con.
*
Bản tin đánh đi của hãng Thông tấn Quốc Tế:
Thứ Năm ngày 14 tháng 11 năm 1977.
Manila, Phi Luật Tân: Đỗ Văn Phúc, một ngư dân tại một làng tên là Cuzon trên một hòn đảo xa xôi đang chuẩn bị để tự mình đóng đinh trên một thập tự giá trước ngôi nhà thờ trong làng dưới sự chứng kiến của trên bốn trăm người.
Ngư dân này nói là anh ta chuẩn bị làm việc này do lời hứa với Thiên Chúa để đổi lấy mạng sống của đứa con gái của anh ta. Đứa bé này bị chứng bệnh nóng sốt và đang chờ chết nhưng sau đó nó hoàn toàn bình phục.
Chính quyền và nhà thờ địa phương đã nỗ lực thuyết phục và ngăn cản việc này nhưng không có kết qủa.
Ngày mai, từ bình minh tới hoàng hôn, do sự trợ giúp của hai người anh em, Phúc sẽ giữ lời hứa với Thiên Chúa.
Bây giờ tôi đang nói chuyện với ông trong căn phòng tối này. Ông không nhận ra giọng nói của tôi cũng như chưa bao giờ gặp tôi cả. Nét mặt tôi cũng xa lạ với ông. Tôi tên là Quỳnh, Lê Thị Quỳnh, ra đời đã được hai mươi bốn mùa hè trong làng, vâng, làng Cuzon này. Tôi là vợ của Đỗ Văn Phúc, một ngư phủ tại đây. Chúng tôi nghèo lắm, có lẽ trên đời này không còn ai nghèo hơn chúng tôi cả.
Làng tôi nằm thu mình trong cánh tay của một cái vịnh, những cây gồi bên bờ biển lúc nào cũng bị cong mình dưới làn gió như thể có bàn tay nào uốn chúng vậy. Những con két có màu đỏ, màu xanh ríu rít suốt ngày trên những ngọn cây nổi bật giữa màu xanh của đám cây rừng. Bãi biển lúc nào cũng náo động của tiếng sóng vỗ hay tiếng đùa dỡn của đàn trẻ trong làng. Lúc nào cũng vậy, đó là sinh hoạt của làng tôi từ muôn năm nay. Thế giới không biết đến chúng tôi, ngoại trừ tiếng chuông nhà thờ nhắc nhở chúng tôi vào mỗi ngày chủ nhật hay ngày lễ.
Ngôi lều của chúng tôi nép mình gần bãi cát, chiếc thuyền chèo gỗ là nguồn sống của chúng tôi.
Mỗi ngày từ mờ sáng, đàn ông trong làng kéo thuyền xuống biển trong làn nước xanh biếc yên lặng. Họ tung lưới ra thu hoạch mùa màng trong vịnh. Chúng tôi, những người vợ nhìn theo, cầu nguyện cho hôm nay thâu hoạch được nhiều. Nhưng năm nay không hiểu tại sao lại ít tôm cá hơn mọi năm. Biển cả là người bạn của chúng tôi. Chúng tôi sung sướng và coi nó là bạn thân thiết mỗi khi thu hoạch khá, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ coi nó như một bà già khô cằn khó chịu vì không cho chúng tôi bao nhiêu. Mỗi khi đi biển về, những người đàn ông thường có cái nhìn buồn chán và khó chịu. Họ nhổ nước miếng trên bãi cát. Nồi cơm của chúng tôi vơi dần vì không có tiền mua gạo, tôi cầu mong sao cho đàn cá sớm trở lại. Công vệc hàng ngày của tôi là vá lưới giúp cho chồng, nhưng nhiều tháng nay tôi rảnh rỗi vì ít cá nên lưới không bị rách.
Anh Phúc mong muốn gửi đứa con gái tới trường ở đảo Batangay nhưng với tình hình hiện nay, cơm không đủ dằn bụng thì làm sao nghĩ tới việc gửi con đi học được. Nhìn thấy nó lúc nào cũng đói và gầy ốm tôi không cầm lòng được. Được cái là con bé không khóc và hình như nó cũng rắn rỏi. Mỗi đêm trong căn lều bé nhỏ, chúng tôi đều qùi gối chỉ với lời cầu xin đơn giản nhất: Xin cho đủ ăn, cho đứa con mạnh khỏe mau lớn và những lời chúc lành cho nhau. Có rất nhiều điều chúng tôi muốn cầu xin, nhưng đó là những điều hiện nay chúng tôi cần nhất.
Vào những ngày chủ nhật, người ta không đi biển mà tới ngôi nhà thờ xây bằng những viên đá màu trắng. Chúng tôi qùi dưới chân hình tượng bà mẹ với đứa con và người đàn ông trên cây thập tự giá với nét mặt đau đớn. Có một điều thầm kín thật to lớn qua những hình tượng này nhưng tôi nghĩ ngay cả vị tu sĩ cũng không nhận ra được. Ông ta chúc lành cho chúng tôi, mặc chiếc áo vàng để nghe chúng tôi xưng tội. Một đồng tiền của chúng tôi đóng góp cho nhà thờ thật chẳng ra gì nhưng có giá trị thật lớn. Nếu hiến nhiều hơn thì chúng tôi chẳng còn gì để ăn.
Trong làng, những mùa này kế tiếp mùa kia chậm chạp qua đi. Chúng tôi không ghi nhận ngày hay tháng trôi đi mà chỉ nhận biết thời gian qua những cơn mưa và hơi lạnh trong bầu không khí cũng như sự di chuyển của mặt trời. Đời sống thật quá khó khăn, nhưng tôi có tình yêu của chồng tôi, được anh cầm tay an ủi mỗi khi thế giới này làm cho tôi tuyệt vọng. Khi chúng tôi quây quần bên nhau, một người đàn ông, một người đàn bà và đứa con, tiếng cười của anh thật nhẹ và ấm áp. Tôi cũng vui lây với anh. Anh yêu ngôi mặt trăng toả luồng ánh sáng cho trần thế, anh yêu tiếng nhạc qua tiếng cười của đứa con gái hay tiếng nước chẩy róc rách của con suối. Hạnh phúc ngập tràn trong tôi mỗi khi anh cười nhẹ, tay vuốt tóc tôi. Anh là một nguồn hạnh phúc của tôi.
Dưới ánh trăng, tôi ôm anh chặt, cảm thấy chiếc ngực nở nang và cánh tay vạm vỡ. Anh khỏe mạnh, chẳng phải chỉ có thân hình mà còn là tình thương yêu của anh dành cho hai mẹ con tôi. Cũng như những người đàn ông khác, anh mong ước có nhiều quyền lực hơn, nhưng tôi hiểu tận trong trái tim anh, anh đau khổ khi biết mình chỉ là một ngư dân bình thường mà thôi. Có lẽ tôi hiểu anh hơn cả anh hiểu chính bản thân anh nữa. Đôi khi tôi thấy trong đáy mắt anh một mối buồn thầm kín khi chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn mà chỉ có một chút thức ăn mà anh kiếm được. Có một đám mây mù trong đáy mắt và tôi biết là trái tim anh đang chẩy máu.
Thế giới này không mắc nợ chúng tôi gì cả mà chúng tôi chỉ tự mình thương hại và tự an ủi thôi. Bị nghèo đói và là một ngư dân là một phần trong thế giới này. Đối với anh Phúc, là một người chồng tốt, người cha tốt, đó là một phần của linh hồn anh, có thể nói không một người giầu có nào cũng có một tâm hồn như anh. Anh ban cho chúng tôi tình yêu thương, anh đứng thẳng trong thế gian này mặc dù không bao giờ khác hơn một người nghèo cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.
Ngày nào cũng vậy, ngoại trừ chủ nhật, anh cùng những người đàn ông khác làm việc quần quật trong vịnh. Công việc thực là cực nhọc, mặt trời thiêu đốt lưng và các bắp thịt thật đau đớn. Tôi thường nhìn anh bò dài trên chiếc thuyền dưới ánh nắng mặt trời nóng cháy. Ánh nắng này làm đôi mắt nhức nhối và da nứt nẻ, nhưng đổi lại vào mỗi chiều tối khi mà những ngôi sao lấp lánh chiếu trên bầu trời lại đưa anh về nhà trong tiếng cười của đứa con gái chúng tôi.
Trong bóng tối mờ ảo, từ trên bãi biển con bé Cẩm Nhi nhìn những chiếc thuyền hiện lên dần từ xa rồi nghe tiếng nói của những ngư phủ khi họ kéo thuyền lên bờ. Khi bóng đêm đã bao phủ hoàn toàn cũng là lúc công việc đã xong hết, chồng tôi chậm chạp bước về hướng chiếc lều thì Cẩm Nhi chạy tới đón anh. Tiếng cười của nó làm nhẹ hẳn gánh nặng trên vai anh. Ngày nó ra đời, cả thế giới này rung chuyển vì sự hiện diện của nó, sự tươi đẹp của một mầm sống mới mang phước lành cho loài người. Một chút tĩnh lặng chào đón một đứa bé mới chào đời. Sự nhiệm màu đó không bao giờ thêm hoặc bớt cho riêng ai, ngay cả cho chúng tôi, những người nghèo nhất trên thế gian này.
Chúng tôi mong muốn Cẩm Nhi có anh chị em, nhưng lời yêu cầu này bị từ chối. Nghĩ lại thì sự ban phước của Chúa cho chúng tôi có một đứa bé này cũng đầy đủ rồi. Tính tình dễ thương và vui vẻ của nó làm trái tim cha mẹ nó ấm áp hẳn. Thấy nó chạy từ bãi biển về, người dính đầy cát, tôi ôm chặt lấy nó. Tính ngây thơ của con bé làm tôi nhớ lại tới chính tôi hồi còn nhỏ trước khi phải gánh vác những công việc nặng nhọc và quên dần đi những vẻ đẹp của những viên sỏi trên bãi biển hay những con chim nhỏ trên cây.
Một ngày kia, nó bắt được con chim có chiếc cánh bị gãy, cả hai chúng tôi nuôi và băng bó cho nó tới khi chiếc cánh lành và khỏe lại. Tôi nói là nên thả ra để nó trở về với bầy. Con bé không khóc mà tung con chim ra. Như vui mừng được tự do trở lại, nó ríu rít hót lên vài tiếng cám ơn rồi biến dạng vào đám cây xanh trong rừng. Con bé như hiểu được ý nghĩa yêu là không nên chiếm làm của riêng cho mình. Chúng tôi dạy cho nó những chữ mà nó cần biết và chúng tôi cũng học từ nó những chữ mà chúng tôi đã quên. Đó là những chữ Yêu Thương, Thượng Đế, Hoà Bình, Chăm Sóc. Sau này khi nó lớn lên, tôi hy vọng là nó vẫn nhớ những chữ này.
Con bé vui tươi với đời sống quanh nó. Tình yêu của nó với mọi người thật rộng rãi và không đòi hỏi. Tôi là mẹ nó nên hiểu thật rõ là có một sợi dây thiêng liêng cột chặt con bé với cha nó. Sợi dây này biểu hiện ra thật rõ khi hai người ở gần nhau và ngay cả khi xa nhau nữa và tôi cũng không thể chia xẻ được. Đôi lúc nó nói với chúng tôi những khát vọng ảo tưởng, chúng tôi im lặng nghe những mơ ước của đứa trẻ. Nó nói về những đứa bạn hay những nơi mà nó đã tới mà chưa bao giờ chúng tôi biết. Tôi mong sao mình đừng quá mau già, quá chán ngán với chuyện của nó hay cảm thấy mệt mỏi khi nghe một đứa trẻ nói chuyện.
Càng ngày nó càng cao, thân hình trẻ màu nâu sậm rắn chắc. Tiếng của nó trộn lẫn với la hét của những đứa trẻ khác bên ngoài vọng về là những nhịp điệu quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Nhưng hôm nay lại khác hẳn, hôm nay nó lại hờ hững với mọi việc, ngay cả không ăn gì dù chỉ một chút mà tôi nấu cho nó. Người nó nóng ran, thỉnh thoảng lại khóc nữa. Chắc là con bé đau ốm gì đây, da nó có sắc vàng và khô, trán rịn mồ hôi. Nó nằm im trên chiếc chõng tre, tai nghe tiếng sóng vỗ vọng lại. Khi mà những ngư phủ kéo thuyền lên bãi, cơn sốt trở nên tệ hại hơn. Đến khi bãi biển trở nên tối đen thì chồng tôi trở về nhà một mình.
Ngày hôm sau anh không đi biển mà ở nhà với hai mẹ con tôi. Suốt ngày anh quanh quẩn bên cửa còn tôi thì trườn trên trán con bé với chiếc khăn thấm nước lạnh. Tôi kể chuyện cổ tích cho nó trong khi tim tôi quặn đau. Tôi ngồi suốt cả ngày bên nó để đợi viên bác sĩ, ông ta đến từ Batangal. Khi mặt trời xuống thấp chiếu những tia nắng vàng ửng xuống trần thế thì anh mới đưa ông ta vào nhà. Bầy trẻ con trong làng nghe tiếng ho của chiếc xe hơi trên con đường đất thì ùa chạy theo. Ông ta đã già, khoảng sáu mươi tuổi, tóc đã bạc, chiếc áo dính đầy mồ hôi, tay xách một chiếc thùng bằng da màu đen và nói rất ít với chúng tôi. Ông nghe nhịp đập của tim con bé, nét mặt nghiêm trọng. Tôi nhìn anh Phúc thì thấy các bắp thịt trên cơ thể anh căng thẳng khi ông ta cúi xuống khám cho con gái chúng tôi.
Viên y sĩ nói là con bé bị nóng sốt và chúng tôi phải cầu nguyện thật nhiều. Tôi nhìn ông ta cầu khẩn, nhưng chẳng được đáp ứng gì. Ông ta ra xe sau khi để lại vài viên thuốc cùng mùi mồ hôi, mùi rượu mạnh và thuốc lá. Có lẽ tại quá bận hoặc là tại chúng tôi quá nghèo nên ông ta không dành cho chúng tôi nhiều thời giờ hơn được.
Đêm nay con bé chịu những cơn nóng rồi lạnh, bệnh tật cứ luẩn quẩn bên nó. Chẳng làm gì được trước sự hành hạ đau đớn này, chúng tôi nằm bên nó nghe nó khóc khi phải chống trả với cơn bệnh, cơ thể nó vật vã đớn đau. Chồng tôi cũng chẳng khá gì hơn, trong bóng tối tôi thấy anh qùy gối bên chiếc chõng tre, kéo chiếc chăn đắp kín cho nó và tay xoa mớ tóc đã ướt đẫm mồ hôi của nó.
Giờ này đứa con gái độc nhất còn trong vòng tay của tôi mà ai đó muốn lấy lại sau khi đã cho. Thà rằng đừng cho gì cả thì tốt hơn. Trước đó vị tu sĩ đã chúc lành cho cơ thể tí hon của nó rồi mà. Cả buổi tối, anh không nói năng gì mà chỉ hít vào những hơi thật dài.
Tôi sợ hãi … tôi sợ một sự việc gì sẽ xẩy ra.
Khi Cẩm Nhi mới sinh, tôi nhìn theo anh Phúc trải nắm tro theo luồng gió. Chúng tôi đã khóc cùng với nhau, mừng là đã đuổi ma qủi đi khỏi. Nhưng tôi lại rùng mình dưới ánh nắng mặt trời vì có cái gì thì thầm bên tai. Tôi không thể chịu đựng được nếu tôi mất nó.
Ngày hôm sau là ngày chủ nhật, chúng tôi đi nhà thờ để cầu nguyện. Vị tu sĩ nói với chúng tôi là phải tin tưởng vào Chúa. Nhưng mà khi nghe tiếng con tôi khóc, tôi không hiểu được phải tin như thế nào đây. Có phải Chúa của vị tu sĩ này không phải là Chúa của tôi chăng. Chúa của ông ta là vị thần của sự cai trị và ra lệnh. Vị tu sĩ của chúng tôi không phải chịu đựng những gì mà chúng tôi phải gánh chịu thì làm sao ông ta khuyên chúng tôi được. Muốn biết thế nào là đói thì người đó phải không có thức ăn, muốn biết thế nào là khát thì phải không có nước uống. Con gái Cẩm Nhi của chúng tôi khóc vì không đủ sức mạnh chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật. Còn vị tu sĩ kia có thực phẩm, có nước uống lại không có con cái thì ông ta không phải chịu đựng như ước muốn của Chúa được.
Tôi nổi giận và chán nản. Ngước nhìn lên Người trên cây thập tự giá, tôi thấy máu kia đang chẩy cùng với tôi. Trong những chiếc gai nhọn, bàn tay và bàn chân chẩy đầy máu có dấu vết của sự tha thứ, sự an ủi và sự bao dung gì đó. Tôi phải đưa con tôi tới đây với Người mới được.
Chồng tôi nói là Chúa đang trừng phạt chúng tôi. Nhưng tôi lại nghĩ Chúa không phải là con người. Chúa không phán xét hay có thiên kiến như con người tầm thường vẫn làm. Chúa là ngọn gió thổi từ biển vào đất liền, là một vị thần linh, là không khí, là hơi thở. Tôi không dám nói những điều suy nghĩ này cho chồng tôi biết vì sợ anh ấy nổi giận. Anh ấy xin Chúa tha tội và cứu giúp con gái chúng tôi. Đối với anh, cơn bệnh của con gái một cái ách buộc lên vai anh ấy.
Thần chết luẩn quẩn quanh con gái nhỏ của chúng tôi, ví như con cá mập trong vịnh, nó đợi cơ hội, từ sâu nổi lên đớp lấy nạn nhân. Tôi biết là chồng tôi sẵn sàng nhào tới giữa hàm răng con vật và đứa con gái để che chở cho nó.
Anh ở lại trong nhà thờ thật lâu, còn tôi trở về căn lều nhỏ một mình. Những người khác thì hối hả cùng với con cái của họ đi trước tôi. Tôi không oán trách hay khó chịu và cũng hiểu điều đó. Khi trong làng có đứa bé nào bị nóng sốt, người ta phải lo sợ cho con cái của họ. Con tôi còn nhỏ lắm, cơn nóng sốt làm thân thể nó co dựt như đứng trước cơn lốc và khi cơn rung qua đi, linh hồn của nó như bị sức mạnh nào đó mang đi mất.
Con gái Cẩm Nhi của tôi thật tội nghiệp, người nó lả đi, hơi thở mong manh như cơn gió ban chiều. Trái tim của tôi cho tôi hay là không còn hy vọng gì nữa nhưng tôi vẫn cầu nguyện, cầu xin cho nó đừng bỏ chúng tôi. Khi chợp mắt nó cũng rên lên những tiếng nhỏ, chiếc chõng tre ướt đẫm mồ hôi. Suốt đêm tôi chỉ quanh quẩn bên nó. Buổi tối khi chồng tôi trở về, anh không nói câu nào, không nhìn đứa con gái mà anh yêu quí biết chừng nào. Chúng tôi cũng chẳng nói với nhau câu nào cho đến khi những tia nắng ban ngày đã mờ mờ hiện rõ. Con bé thấy bầu không khí ngột ngạt quanh đây thì khóc nhiều hơn.
Tối hôm nay, tình trạng của con gái tôi trở nên tồi tệ hơn. Nó yếu quá không thể khóc cũng như không trở mình được nữa. Viên y sĩ trở lại, ông ta cúi đầu khi nói lên những điều làm chúng tôi sợ hãi. Trời đã tối đen, dưới ánh sáng của ngọn nến, những hình bóng in lên tường như bầy quỷ sứ đang nhẩy múa chờ đưa linh hồn của con tôi đi. Tất cả đều im lặng ngoại trừ tiếng gió đêm rít lên và tiếng sóng đập vào bờ. Viên y sĩ lắc đầu khi sờ vào mạch máu đang yếu dần trên cổ con bé. Con gái tôi đang đi dần vào cõi chết. Liều thuốc duy nhất bây giờ chỉ còn là lễ ban phước của vị tu sĩ trong nhà thờ thôi. Ông ta vội vã rời khỏi lều chúng tôi như thể không muốn là một nhân chứng cho một sự ra đi của một linh hồn.
Khi vị y sĩ đi khỏi, chồng tôi chậm chạp bước ra cửa rồi tiến ra bãi biển, anh lội xuống nước và khóc nức nở.
Ánh nắng ban mai chiếu sáng dần trên biển cả. Những làn gió mát thi nhau lướt trên bãi cát. Mùi hương thơm của loài hoa đại thoang thoảng quyện trong không khí, trong sương mai. Tôi nghe tiếng cầu nguyện của anh từ trong góc lều. Anh qùi gối trong bóng tối bên cạnh chiếc chõng tre của Cẩm Nhi, thì thầm lời khấn nguyện. Suốt nhiều tiếng đồng hồ anh không rời khỏi con bé. Những con qủi kia không dám vồ lấy con chúng tôi khi có anh bên cạnh. Nước mắt tôi không ngừng tuôn chẩy. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì đã chợp mắt một lúc. Sự mệt mỏi kéo tới khi chẳng còn một chút hy vọng nào nữa. Tôi không cứng dắn như chồng tôi, anh không chịu cúi đầu trước khi bác sĩ tuyên bố lời cuối cùng. Tôi nhìn anh, thân hình lực lưỡng của anh phủ phục bên cạnh chiếc chõng tre và tôi nghe lời hứa của anh khi muốn đánh đổi mạng sống của đứa con gái với khổ nạn trên cây thánh giá.
Trong ánh sáng mờ ảo của buổi sáng sớm, thình lình anh trở nên một nguời nào đó, khác hẳn một ngư phủ hàng ngày. Tình yêu của anh đã bay vút lên cao suốt chín từng mây gặp được Thiên Chúa.
Cơn gió lạnh buổi sáng qua các khe hở luồn vào căn lều làm tôi rùng mình. Hình như có linh hồn nào đang len lỏi vào trong nhà của chúng tôi, tôi nghe thoang thoảng có tiếng hít vào và thở ra. Tôi vẫn còn run sợ khi mặt trời lên cao và chồng tôi đang sửa soạn tham gia vào đám đàn ông ra biển. Nét mặt anh trầm lặng hẳn và hình như có một quả quyết lạ lùng nào mà tôi không hiểu được. Anh chuẩn bị lưới như mọi ngày, còn con tôi đang ngủ bình yên như những ngày trước khi bị bệnh. Anh mặc chiếc áo vải, đeo con dao bên hông rồi nhẹ nhàng hôn lên má tôi. Nỗi đau khổ như biến hẳn trên gương mặt anh. Những tia nắng đầu ngày xuyên qua khe cửa như những ngón tay thò vào căn lều của chúng tôi.
Trước khi bước ra khỏi cửa, tôi hỏi anh có giữa lời hứa với Chúa không thì anh làm như không hiểu tôi nói gì. Tôi biết là anh không muốn nói cho tôi hay chuyện này. Đây là một chuyện riêng giữa anh và Thiên Chúa trên cao, tôi không dính dáng gì tới. Nhìn anh đẩy chiếc thuyền ra bãi như công việc bình thường mỗi ngày, tôi thấy hôm nay chúng tôi hạnh phúc hơn hẳn những ngày khác bởi vì con gái tôi đang bình phục. Tôi sợ lắm, sợ vì nếu con gái tôi chết thì anh cũng không thể sống được.
Tôi ngồi bên cạnh Cẩm Nhi cảm thấy như có tiếng rầm rì của thiên thần trong hơi thở và trong tiếng tim đập nhè nhẹ của nó. Tôi ngồi đợi người nào đó tới để đưa nó đi, nhưng khi mặt trời lên cao, bàn tay của cơn nóng sốt như đã rời khỏi nơi đây và nét nhợt nhạt của thần chết trên má nó đã mờ dần. Thoạt đầu tôi sợ, không dám hy vọng, nhưng khi nghe tiếng thở mạnh và sâu, mạch máu nhanh dần thì tôi biết là sự sống đang trở lại trong cơ thể nó. Cả một dòng suối nước mắt đổ ra, cả một ngọn núi sầu khổ nổ bùng tràn xuống thành một nỗi nguôi ngoai và biết ơn khôn cùng. Những người đàn bà trong làng vây quanh căn lều của chúng tôi, họ qùi xuống ca ngợi lòng thương yêu của Chúa và Đức Mẹ. Tôi cám ơn mọi người nhưng trong tận trong đáy lòng, tôi không hiểu có phải Chúa đã cứu con gái tôi là Chúa mà chồng tôi đã đánh đổi với lời hứa kia không.
Tôi nóng lòng đợi chồng tôi trở về để báo cho anh biết về phép lạ này, để thấy anh cười lại sau bao nhiêu ngày đen tối của chúng tôi. Tôi đợi bóng hình những con thuyền thấp thoáng trở về khi ngôi mặt trời từ từ lặn xuống dưới làn nước xanh đen kia.
Rồi có tiếng những người đàn ông từ xa vọng lại. Cẩm Nhi từ từ ngồi dậy và lần ra cửa nhìn theo hình bóng của cha nó đang bước mệt mỏi trên bãi cát. Công việc nặng nhọc suốt một ngày lao động đè nặng lên vai anh. Nó cười và dang hai tay ra dưới một con thác nước mắt tràn ra từ đôi mắt của anh. Nó cố gắng bước vài bước về phía anh, còn anh nhẩy bổ về phía trước, nhấc bổng và ôm ghì lấy nó. Tiếng khóc của anh vừa mang ý nghĩa hạnh phúc lẫn đau đớn. Những người đàn ông bây giờ vây quanh chúng tôi, một người qùy xuống làm dấu, miệng lẩm bẩm hát ca ngợi Thiên Chúa. Tôi ôm lấy cả hai, bây giờ cả ba người chúng tôi là một.
Nhưng đêm hôm nay, một mối lo sợ lại hiện ra trong tôi. Tôi nghĩ là có phải đó là một giấc mơ chăng. Những lời mà anh đã giao ước với Chúa sẽ được thực hiện, nghĩa là …
Hôm nay chồng tôi tỏ lòng biết ơn trước bàn thờ. Trái tim của anh tràn ngập niềm vui, anh ca ngợi ơn đức của Đức Mẹ, của Chúa Giê Su, và hôn tay vị tu sĩ. Mọi người trong làng đứng nhìn anh nét mặt có vẻ sợ hãi. Anh được ban phép lành và hình như xa lạ hẳn với những người chung quanh. Anh đã được bàn tay vô hình nào đó vỗ về mà những người khác không hiểu được. Còn tôi thì im lặng và dấu mặt. Tôi lo sợ niềm hạnh phúc của chúng tôi bị tan biến vì lời hứa của anh. Có biết bao nhiêu người đàn ông đã phát ra những lời nói trong khi sợ hãi nhưng lại không để lại trong tim họ. Anh Phúc lại khác, anh có niềm tự hào và danh dự và anh bảo vệ nó như bảo vệ một kho tàng to lớn của một ông vua. Tôi cầu mong tất cả chỉ là một giấc mơ, chỉ như một cơn gió, thoảng qua rồi mất hút. Ánh mắt của chồng tôi làm tôi sợ hãi.
Niềm vui của chúng tôi biến mất khi ngày một dài ra, anh trở nên ít nói và một mình đi vào trong rừng. Tôi nhìn anh đi, đầu cúi xuống, hai vai nặng chĩu dưới sức nặng của một lời nguyền mà anh cho là phải thực hiện. Mắt anh như vẩn đục, như một người không còn tìm được con đường nào khác để cứu mình. Niềm vui đã trở thành một gánh nặng cho anh.
Rồi tối nay anh nói cho tôi biết lời giao ước của anh với Chúa. Tôi sợ hãi. Vì muốn chuộc mạng sống của con gái, anh sẽ chịu đóng đinh trên một thập tự giá suốt từ bình minh tới hoàng hôn như Chúa Giê Su đã từng chịu đóng đinh trên cây thánh giá để chuộc tội cho loài người. Tôi không nói được lời nào. Tim tôi và linh hồn tôi tràn ngập niềm đau đớn.
Tôi tưởng là anh đã cứu con gái mình bằng tình thương yêu vì trong mỗi linh hồn có một sức mạnh làm lành vết thương của người khác. Đầu tiên đời sống tạo ra bởi tình thương yêu và tình yêu này lớn mạnh dần lên. Một người nghèo khổ cũng có thể đứng thẳng lên khi mà tình thương của họ cao bằng linh hồn. Những ý nghĩ này được giữ im lặng và tôi cũng không thể nói ra được.
Câu chuyện về phép lạ và tình yêu của chồng tôi được lan chuyền từ làng này sang làng kia. Viên y sĩ lắc đầu nói chúng tôi được ơn trên ban phép lành, ông ta nói đó là việc làm của Chúa và chúng tôi phải là chứng nhân cho tình yêu của Người. Nhưng tôi thì lại nghĩ là ông ta không hiểu được những gì mà ông ta đã thấy. Mọi người cũng khuyên chồng tôi là không cần thiết phải chịu đau khổ thêm nhưng chồng tôi không nghe. Họ cũng nói với bổn phận của người vợ, tôi phải ngăn cản anh ta. Tôi yêu anh ấy nhưng không có quyền hành gì với anh cả. Tôi nói với họ là tôi sẽ cố gắng.
Anh tự làm một cây thánh giá bằng đôi tay của mình. Hôm nay anh chọn cây trong rừng, chặt lấy hai cành cây cứng rồi cột chặt với nhau. Mọi người trong làng đứng coi, nét mặt kinh hoàng trong bầu không khí yên lặng lạ lùng. Đàn ông thì lắc đầu, họ thì thầm với nhau. Tiếng chiếc rìu đập vào thân cây vang vọng quanh làng, tới nơi vị tu sĩ đang qùi gối trước tượng Chúa, bay tới những con thuyền đang nhấp nhô trên vịnh, ngay cả tới Batangal, hay qua cả những ngọn đồi che khuất ngôi làng nhỏ của chúng tôi với thế giới bên ngoài.
Hôm nay anh chuẩn bị cho mình và tiếng đồn lan ra thật nhanh. Đến mai, anh sẽ tự mình chịu khổ nạn trên cây thánh giá để trả món nợ mà anh đã hứa. Trong mắt anh, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của thế giới nào đó. Anh không ăn còn Cẩm Nhi cũng cảm thấy một điều gì lạ đang xẩy ra, nó mong mỏi được anh yêu nó hơn, nhưng anh bỏ nhà đi đâu mất mãi đến tối mới trở về ngủ. Có lẽ Chúa của anh ấy muốn đo lường mức độ cho hay sao đây. Chúa của anh ấy quá khó khăn tới tàn nhẫn và ác độc khi đã cho đi mà còn đòi lại. Theo tôi nghĩ, Chúa đã cứu mạng con chúng tôi là Chúa đã tới tự trong con tim, phải, sức mạnh đó tới từ ngay trong tim của anh. Đối với anh Phúc, sức mạnh của anh lại nằm trong bắp thịt ở lưng và đôi tay, còn cái ơn huệ có được đã cứu sống cho con chúng tôi phải tới từ bên ngoài, vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người. Anh thấy món nợ này phải trả.
Tôi nói với anh là sự đau đớn mà anh phải chịu sẽ không làm Chúa hài lòng. Con của chúng tôi đã lành bệnh và được ban phước lành. Chúa không đòi hỏi phải trả nợ và tình yêu sẽ thay thế sự đau đớn này. Anh không muốn hai mẹ con chúng tôi đi ra bãi dựng cây thánh giá. Tôi nói với anh là sự đau đớn mà anh chịu đựng không mang đến một kết quả nào, tôi biết là Chúa không muốn những việc như vậy xẩy ra.
Anh trả lời tôi bằng sự im lặng. Anh không muốn nghe những giọt nước mắt của tôi. Không gì có thể lay chuyển anh được. Anh phải giữ lời hứa với Chúa. Tôi xin anh cầu nguyện Chúa để có thể trả món nợ bằng cách khác, nhưng anh chỉ nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng rồi bước đi không nói một lời. Có lẽ là tôi đang nói với anh bằng một ngoại ngữ nào mà anh không hiểu. Tôi biết cái gì anh sắp làm, đó là lối sống của anh. Luật lệ mà anh tuân hành là do anh tự lựa chọn.
Có lẽ con tôi phải lớn nhanh và khỏe mạnh mà không cần những lời cầu nguyện của chúng tôi. Có lẽ phải viết trong sách vở là nó sống như vậy. Tôi nghĩ là chính anh tạo cho con bé khỏe mạnh, những điều cầu nguyện của anh đã bay vút lên cao, đã tới một nguồn nào đó. Nhưng mà trong mỗi người, linh hồn sẽ làm theo cách riêng của người đó, đối với anh điều mà anh hứa trong bóng đêm trong trái tim anh là Chúa mà anh phải vâng theo.
Trong đêm tăm tối, tôi lần bước ra bãi biển một mình để cầu nguyện. Tình yêu của tôi đối với anh có lẽ trên đời này không có gì sánh bằng, nhưng làm sao có thể ngăn cản được bánh xe đang quay? Tôi tự nghĩ tất cả mọi vật hiện hữu trên cõi đời này rồi sẽ tan biến đi. Đời sống trong chúng tôi không nhận biết chúng tôi, như ngọn gió kia chạm nhẹ vào người rồi biến đi đâu mất vậy. Tôi đã nhìn thấy những con bướm sặc sỡ bay lượn trên cành cây dương xỉ, nó khoe sắc đẹp suốt ngày, nhưng cuộc đời của nó chỉ kéo dài có một mùa hè thôi. Tôi cầu nguyện:
- Anh Phúc ơi, anh có một quyền lực cho chính đời sống của anh. Hãy ngưng việc tự hành hạ mình.
Cát trên bãi biển lóng lánh sáng do phản chiếu ánh sáng mặt trăng, biển cả trong màu bạc đang rên rỉ nhè nhẹ. Khi còn trẻ tôi đã chơi đùa tại bờ biển này, ngày tháng đó tràn đầy những tiếng hát và tiếng cười. Ngây thơ không có bổn phận nào ràng buộc, không có tội lỗi, không phải vất vả. Tuổi trẻ là quãng đời thật vui. Đời sống là sống với trái tim và sự phán xét những gì đã làm là do tự nhiên. Chúng tôi đã từ bỏ những ngày đó, làm cho thế giới này nhỏ lại, làm cho trái tim nặng nề hơn với nhiều vấn đề phức tạp.
Tôi cũng nhớ cha tôi thường bế tôi rồi đặt trên đầu gối, tôi nhớ tới những nếp nhăn màu nâu xẫm trên mặt, đôi tay to lớn cứng cáp, đôi mắt đen, tươi vui và cả tiếng cười ấm áp của ông nữa. Những chuyện ông kể làm thế giới này tươi đẹp ra. Tôi cũng còn nhớ rất rõ khi ông ngồi trên chiếc chiếu bên cạnh chiếc lưới, râu của ông có màu muối, kể cho tôi nghe những bí mật của biển cả.
Cha là một người tự trọng giống như chồng tôi vậy. Khi ông đã quyết định làm một việc gì thì không gì làm ông đổi ý được. Có lẽ đàn ông tìm được sự hãnh diện trong sức mạnh và sự can đảm trong nỗi đớn đau chăng?
Ngày mai sẽ phải tới và chồng tôi sẽ chứng tỏ sự can đảm trước Chúa của anh ấy. Nếu có quyền năng, tôi sẽ ra lệnh cho mặt trời đừng ló dạng. Đêm dần dần trôi, tôi ngồi đây nhìn sóng vỗ và từng làn sóng biển đang xô đẩy nhau tiến vào bờ, tim tôi vỡ ra từng mảnh.
Đêm đã chẩy khô cạn hết máu, để lại một vệt đỏ trên bầu trời, những đám mây đêm chạy hối hả về phía chân trời để lộ ra ngôi mặt trời ửng đỏ.
Một ngày lại đến.
Tôi mệt mỏi bước về phía căn lều trong khi chồng tôi nhìn theo. Trong một thoáng, cả hai chúng tôi cùng đợi … Nhưng rồi chúng tôi không đụng chạm nhau, tôi không dám nhìn vào mắt anh.
Khi mặt trời chưa nhô lên khỏi mặt biển thì chồng tôi đã mang cây thánh giá đi qua sân nhà thờ, nơi đây một người anh và một người em đang đợi. Tất cả đã được chuẩn bị. Chiếc thánh giá nặng làm những bước anh đi thật khó khăn. Dù cho trời còn sớm mà thân thể anh đã ướt đẫm mồ hôi. Ngoái cổ lại nhìn tôi, tôi thấy một nét sợ hãi thoáng hiện ra trong mắt anh.
Người trong làng đã chờ sẵn ở đây. Tất cả im lặng. Tôi thấy chiếc xe hơi to lớn màu đen của viên y sĩ đậu bên bờ tường màu trắng của nhà thờ. Ông ta quanh quẩn bên đám người đang chờ đợi dưới làn không khí sớm mai lành lạnh. Ông ta lén nhìn qua lớp ánh sáng còn xám đục của buổi rạng đông, nét mặt như không muốn nhìn nhưng không thể quay đầu đi được.
Chiếc thánh giá dựng trên mái ngói nhà thờ từ bao lâu nay im lặng như người lính gác bây giờ trông như mới mẻ và có một ý thật sâu xắc đối với chúng tôi. Viên tu sĩ không tới, ông ta nói là những gì chúng tôi đang làm là sai lầm và đánh mất linh hồn. Nhưng bây giờ ông ta đang cầu nguyện.
Những đứa trẻ cũng giữ im lặng, buồn ngủ và chờ đợi. Chúng cũng hiểu là sáng hôm nay có gì khác hẳn với những buổi sáng bình thường. Nhưng chúng không hiểu. Làm sao có thể cắt nghĩa cho chúng hiểu được?
Chúng tôi tiến vào giữa sân nhà thờ còn tôi theo chân anh. Anh sắp sửa làm cuộc trao đổi tình yêu với sự đau đớn. Ở nơi này, xa hẳn với thế giới bên ngoài, chúng tôi đang diễn một vở bi kịch và mọi người sẽ chứng kiến lòng can đảm của một người.
Hai người anh em giúp anh. Sự đau đớn của họ cũng chẳng thua gì anh cả vì họ cũng thương yêu anh. Tiếng đinh đóng qua đôi bàn tay, bàn chân anh sẽ xé nát trái tim họ.
Tôi ôm chặt con gái tôi khi anh chuẩn bị đối diện với sự đau đớn khôn cùng. Tôi dấu mặt nó trong ngực tôi để nó đừng nhìn thấy sự đau đớn của cha nó.
Rồi thời điểm nghiêm trọng đó cũng tới, chồng tôi bình tĩnh sẵn sàng hiến dâng thân mình trên cây thánh giá. Vâng, anh đã sẵn sàng. Tim tôi tràn ngập nỗi đau của anh. Bây giờ tôi mới hiểu rõ thế nào là nỗi thống khổ.
Mặt trời đang từ từ ló lên từ phương đông. Một ngày kéo dài bao lâu hả trời?
Khi ngôi mặt trời chìm dần xuống dưới những ngọn sóng biển thì người ta sẽ hạ cây thánh giá xuống. Hôm nay không một chiếc thuyền nào đi biển cả. Tất cả mọi người đàn ông trong làng tụ tập bên cây thánh giá để cầu nguyện.
Tất cả đều im lặng. Hôm nay chúng tôi đứng quanh đây để chứng kiến trong cái im lặng ma quái khi mà ngôi mặt trời nóng đỏ kia đang đòi món nợ từ nỗi đau đớn cùng cực từ người đàn ông kia. Cảnh tượng vẫn không đổi ngoại trừ tiếng cầu nguyện lầm rầm và tiếng sóng vỗ từ bờ biển vọng lại như đang đếm từng giờ, từng phút cho một ngày dài nhất của chồng tôi.
Như thể đã thoả mãn, ngôi mặt trời biến mất dần khỏi làng chúng tôi thì người ta hạ chồng tôi xuống. Tim anh đập thật nhẹ, anh không chẩy nước mắt. Thần sắc không còn thấy trong anh nhưng viên y sĩ nói là hơi thở của anh vẫn còn. Mặt anh hơi dài và mỏng lại, môi anh nứt nẻ vì nắng, đôi tay, đôi chân đọng máu.Tôi đợi trong căn lều khi người ta mang chồng tôi về. Tôi nhìn thấy viên y sĩ thấp thoáng trong đám người đứng ngoài cửa. Hôm nay ông ta đã đứng im lặng dưới cây thánh giá vĩ đại. Đôi mắt ông ta mở trừng trừng vì sợ hãi. Tôi tin là ông ta đã hiểu có sự hiện hữu cái gì đó ngoài mớ kiến thức về máu và thịt, có một cái gì khác về con người mà không bao giờ ông ta chứng kiến được qua chiếc kim chích, con dao mổ.
Viên y sĩ rửa vết thương của chồng tôi như thể đang săn sóc cho con ông ta vậy. Những nét khó chịu trước kia biến mất trên khuôn mặt, đôi tay của ông thật dịu dàng, sau đó ông cho chồng tôi uống viên thuốc giảm đau.
Mọi người nói là chồng tôi đã trả xong món nợ cho sự nhiệm mầu. Họ ca tụng anh là một người thật vĩ đại. Tôi nghĩ sự đau đớn của Domingo là cây thánh giá đã làm cho anh trở thành vĩ đại ngay trong linh hồn của anh, anh đã vượt qua được sự sợ hãi mà ít người đàn ông nào làm được. Không còn cách nào hơn cho cuộc trao đổi này, ngay cả trên thiên đàng nữa.
Viên y sĩ nắm tay tôi, đưa cho tôi ít thuốc cao dán. Sáng mai ông ta sẽ trở về tỉnh. Chồng tôi đã ngủ và con gái tôi trèo lên giường nằm bên cạnh. Khi viên y sĩ đi qua những khuôn mặt còn đang lấp ló ngoài cửa, ông ta im lặng chùi nước mắt và đi thẳng ra xe.
Tất cả rồi sẽ qua đi và chúng tôi sẽ trở lại đời sống bình thường.
- Tiếng Hát của Người Dân Chài Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Nikola Tesla Trần Hồng Văn Sưu tầm
- Bên Dòng Sông Tocantins Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Đoạn Kết Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Vết Sẹo Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bông Hồng Đen Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Con Thú Tật Nguyền Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Tiếng Hát của Người Dân Chài (Trần Hồng Văn)
• Biển Vẫn Dạt Dào (Vũ Thất)
• Bên Dòng Sông Tocantins (Trần Hồng Văn)
• Đoạn Kết (Trần Hồng Văn)
• Vết Sẹo (Trần Hồng Văn)
• Bóng Người Cùng Thôn (Vũ Thất)
• Bông Hồng Đen (Trần Hồng Văn)
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |