|
Lê Mộng Bảo(..1923 - 8.10.2007) | Trần Tuấn Kiệt(.0.1939 - 8.10.2019) | Đinh Tiến Mậu(.0.1935 - 8.10.2020) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Mạch Nha • Miêng • Phan Thị Trọng Tuyến • Trần Thị Diệu Tâm
• Đỗ Quỳnh Dao • Đặng Mai Lan • Mai Ninh
Paris không chỉ là một thủ đô văn hóa mà còn là biểu tượng cho tự do dân chủ, cho nhân quyền. Sau biến cố 1975, các văn nghệ sĩ lưu vong có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Riêng Ờ Pháp số người cầm bút cũng không ít, đặc biệt phái nữ đã tập trung nơi đây như một lực lượng hùng hậu: Đỗ Quỳnh Dao, Đặng Mai Lan, Miêng, Mạch Nha, Mai Ninh, Trần Thị Diệu Tâm và Phan Thị Trọng Tuyến là những cây bút đem lại cho vườn văn học Việt Nam ở hải ngoại một nét trẻ trung, tươi mát.
Ảnh trên, từ trái sang: Hàng sau: Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Liễu Trương,
Đặng Mai Lan, Trần Thị Diệu Tâm. Hàng ngồi: Mạch Nha, Miêng, Đỗ Quỳnh Dao,
Y Nguyên, 2003. (Nguồn: báo Ngày Nay)
Vào đầu thế kỷ 20, Paris của André Gide, Marcel Proust, Paul Valéry, Paris của chủ nghĩa siêu thực có cái hào quang sáng chói của một thủ đô văn hóa và cái ma lực thu hút những tâm hồn yêu văn thơ, nghệ thuật, vì Paris là một huyền thoại. Các nhà văn, nhà thơ Mỹ châu La tinh như Alfonso Reyes, Ricardo Guiraldes, Ruben Dario, Gomez Carillo, nhà họa sĩ Diego Rivera, v.v... quan niệm rằng trong đời họ ít nhất phải có một lần đi Paris như một chuyến đi xa để kết nạp. Nhà thơ Ni-ca-ra-goa Ruben Dario tuyên bố. "Tôi mơ đến Paris từ nhỏ, đến nỗi mỗi khi đọc kinh, tôi thường xin Chúa đừng để tôi chết mà không được biết Paris. Đối với tôi, Paris là một thiên đường, ở đấy, chắc người ta thở được cái thực chất của hạnh phúc trên trần thế (1).
Sau Đệ nhất thế chiến, một số nhà văn, nhà thơ Bắc Mỹ như Gertrude Stein, Ernest Hemingway, Ezra Pound, Scott Fitgerald, v.v... cũng chọn Paris làm đất dụng võ. Cuộc sống của họ thường lăn lóc trong sự nghèo khó, lắm lúc chơi vơi, Hemingway cho rằng Paris là đô thành tốt nhất để một nhà văn được viết văn và ông gọi Paris là Paris của tuổi trẻ chúng tôi, vào thời chúng tôi sống rất nghèo và rất hạnh phúc (2).
Vào cuối thế kỷ 20, một số nhà văn nghệ sĩ Việt Nam cũng hiện diện ở Pháp, đương nhiên trong một hoàn cảnh khác, do lịch sử đưa đẩy. Paris không chỉ là một thủ đô văn hóa mà còn là biểu tượng cho tự do dân chu, cho nhân quyền. Sau biến cố 1975, các văn nghệ sĩ lưu vong có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Riêng ở Pháp số người cầm bút cũng không ít, đặc biệt phái nữ đã tập trung nơi đây như một lực lượng hùng hậu: Đỗ Quỳnh Dao, Đặng Mai Lan, Miêng, Mạch Nha, Mai Ninh, Trần Thị Diệu Tâm và Phan Thị Trọng Tuyến là những cây bút đem lại cho vườn văn học Việt Nam ở hải ngoại một nét trẻ trung, tươi mát.
Đỗ Quỳnh Dao, Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến là những người sang Pháp du học trước năm 1975, mỗi người chuyên một ngành khoa học, đã có sự nghiệp vững vàng. Họ tha thiết với nguồn cội, đau cái đau chung của người Việt xa quê hương, nhưng cái nhìn của họ về con người, về cuộc sống không bị bứt rứt bởi những trăn trở, lo âu của những kẻ bị bắt buộc lìa xa quê hương. Đặng Mai Lan, Miêng, Trần Thị Diệu Tâm là những người đến Pháp sau 1975, tâm hồn họ không tránh khỏi những băn khoăn, suy nghĩ về những mất mát. Trường hợp Mạch Nha hơi khác: cô đến Pháp vào lúc cuộc sống của người Việt ở hải ngoại nói chung, ở Pháp nói riêng đã được ổn định.
Mạch Nha là một tác giả rất trẻ, cầm bút vào cuối thập niên 90. Tuy chưa có tác phẩm xuất bản nhưng cô đã có một số truyện, tùy bút và thơ đăng trên tạp chí Văn, Văn Học và Thế Kỷ 21.
Trong truyện của Mạch Nha có những cảnh ăn uống hấp dẫn (Bún ốc Anh Bảo), những kỷ niệm thời thơ ấu ở quê nhà (Sông Lấp), cảnh ba thế hệ phụ nữ mòn mỏi chờ đợi một người đi tù cải tạo không trở về (Tết Ấy), hay những cảnh sống ở Pháp với những chuyến xe lửa hàng ngày từ nhà đến sở làm, những mẫu người thô thiển gặp trong môi trường nghề nghiệp (Hạt Thịt, Ngước Mắt Nhìn Trời), với khu chợ Tầu ở quận 13 (Lính Mới).
Đặc biệt truyện Bún ốc Anh Bảo đã đoạt giải nhất, Giải Văn 1999 của Giới Trẻ Việt Nam ở Âu Châu do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Pháp tổ chức. Trẻ không có nghĩa rụt rè, sống trong xã hội Tây Phương, Mạch Nha không tránh khỏi đề tài nóng bỏng về đồng tính luyến ái, và cô đã mạnh dạn đi vào tâm trạng của một người phụ nữ đồng tính luyến ái trong truyện Có Một Lần Mê.
Mạch Nha là một cây bút có nhiều triển vọng, cô còn những năm dài tháng rộng để xây dựng một văn nghiệp đầy hứa hẹn.
Trong số bẩy tác giả, Miệng là người cầm bút sớm nhất, trước 1975, đã đoạt giải nhất truyện ngắn do tuần báo Hoa Tình Thương tổ chức năm 1972, và tập truyện ngắn đầu tiên Đôi Mắt được xuất bản ở Sài gòn năm 1973. Năm 1999, ở Pháp, Miêng cho ra mắt một Tuyển tập Truyện ngắn.
Truyện của Miêng đã gây chú ý với những cái tựa chỉ gồm một hay hai từ. Nhưng phải nói đặc điểm của Miêng là tính đa dạng, đa dạng về đề tài: hiện thực, kỳ ảo; về nhân vật: trong thế giới truyện của Miêng có nhiều hạng người, người lớn, trẻ con, tu sĩ, người quê mùa, mộc mạc, kẻ lưu manh, độc ác, v.v...
Miêng đã tạo nên những nhân vật đậm nét, như vị linh mục trong truyện Cái Giếng, đầy lòng bác ái, tin người, nhưng một hôm nghe một con chiên thú tội giết vợ, vị linh mục bị khủng hoảng tinh thần và từ đấy bị kẻ thú tội ám hại; như người cha trong Trăn Trối, đang hấp hối trên giường bệnh bỗng ý thức sự thất bại của mình trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam cho đứa con lai; hoặc như bà cụ trong truyện Hy Sinh, bà quá thương đứa con đi lính với tất cả sự quê mùa, thật thà của bà, đến nỗi bà không hiểu được cái tin đứa con đã tử trận, v.v...
Đa dạng về hình thức của truyện: bên cạnh những truyện dài trung bình có những truyện rất ngắn như Ai Thương, Biển, Già, Đứa Con, Trăn Trối, đặc biệt Biển vừa ngắn gọn vừa sâu sắc, chất chứa nhiều hình tượng, nhiều tình cảm cô đọng.
Đa dạng về kỹ thuật kể truyện, có những truyện kết thúc bất ngờ như Biển, Nghịch Cảnh, Quá Khứ, Tự Tin. Trong Quá Khứ tác giả xen kẽ độc thoại nội tâm của cả hai nhân vật chính: trong các đoạn viết chữ nghiêng, tuy nhân vật được trình bày ở ngôi thứ ba, nhưng các đoạn này phải được xem như những mẫu độc thoại nội tâm, ở đây hồi ức gợi lên những hình ảnh của quá khứ, làm gián đoạn lời kể truyện của cô gái với người yêu. Trong truyện cuối Tự Tin, Miêng áp dựng kỹ thuật độc thoại nội tâm của Tây phương: dòng tâm thức tuôn ra không ngừng và được nuôi dưỡng bởi những liên tưởng, những đoạn văn này dài liên miên, không chấm phết. Truyện Đứa Con hoàn toàn được xây dựng bằng đối thoại với những tình tiết bất ngờ như một màn kịch ngắn.
Ngoài việc sáng tác, Miêng còn có một sở thích khác: dịch thuật, và đã có một Tuyển tập truyện dịch xuất bản năm 2001, gồm những tác giả nổi tiếng thuộc Á châu: Hwang Sun-Won, Shiga Naoya, Phi châu: Naoum Babil, Mỹ châu: O'Henry, Fernando Ainsa, Âu châu: Tchekhov, Alberto Moravia, Milan Kundera, Jim Phelan. Dịch thuật là một cách giới thiệu với độc giả Việt Nam văn học thế giới, đồng thời làm cho tủ sách Việt Nam thêm phong phú. Miêng đã làm cái công việc đáng khen đó, nhưng có lẽ Miêng cũng ý thức rằng đối với một tác giả, quyền ưu tiên phải được dành cho việc sáng tác, dịch thuật chỉ đến sau.
Nếu Miêng là người viết sớm, khi còn ở quê nhà, thì ngòi bút của Phan Thị Trọng Tuyến đã đi tiên phong trên đất Pháp sau 75 (3). Trong thời gian khoảng chín năm, Phan Thị Trọng Tuyến đã có ba tập truyện xuất bản: Mùa Hè Một Nơi Khác (1986), Một Trang Đời (1991) và Mùa Xuân và Những Con Dã Tràng (1995).
Sống là không ngừng đặt câu hỏi, phá bỏ mọi khuôn khổ, đảo lộn hết những trật tự. Sống cũng là nuối tiếc thời đã qua, con đưòng đã đi. Sống là luôn luôn nhớ về và nhớ tới: hiện tại, tương lai và quá khứ. Các câu trên đây kết thúc truyện Thứ Bẩy, Xóm Tầu, Xóm Việt và đã tóm tắt cái nhìn của Phan Thị Trọng Tuyến về cuộc đời và về thời gian.
Nhìn về quá khứ, tác giả đã tìm những nét đẹp của tuổi thơ, như trong các truyện: Chim Vườn Cũ, Hỏi Thăm Những Cá Cùng Chim, Đám Cháy và nhất là truyện Những Đời Trăng Mới Lớn Lên được viết với một giọng tinh nghịch, chẳng hạn khi tác giả kể chuyện bọn con trai mới lớn đàn hát cho đám trẻ con nghe: Có anh tốt giọng như Anh Ngọc, Duy Khánh, Hữu Nghĩa, có anh đỏ mặt tía tai, gân cổ nổi lên bằng sợi dây lòi tói mà âm thanh ra một cách khó nhọc, có anh ồ ồ ông ổng ào ào leo tràn ra ngoài khuôn nhạc, rượt nốt nhạc chạy trối chết. Hoặc khi hai cô bé nói chuyện về đường kinh: Huệ mê đọc truyện như tôi, học trước tôi một lớp, đậu vào đệ thất trường Trưng Vương năm ngoái, cách đây vài tháng khoe với tôi rằng "tao mới có đường kinh". Hỏi tới tấp nó chỉ tủm tỉm hé lộ từng mảng bí mật, khiến tôi kinh hoàng chờ đợi vì nó hăm "thế nào mày cũng bị à". "Ừa, chảy máu nhều lắm"... "Nhiều là bao nhiêu?" "Chảy ồng ộc." "Trời! Mấy tháng lận?" "xùi! ba ngày, một tuần thôi." "Mà chảy chỗ nào?" Mày ngu quá vậy, mà thôi, nói trước làm chi... mai mốt bị rồi biết!"
Khi cái nhìn hướng về hiện tại và tương lai, tác giả vẽ lên hai thế giới: cuộc sống yên bình của người sinh viên Việt Nam du học và lập nghiệp ở Pháp, và một nước Việt Nam với bao vật đổi sao dời. Qua các truyện của Phan Thị Trọng Tuyến, chiến tranh hệ tư tưởng sau 75 ở miền Nam biến thành chiến tranh ngôn từ. Người dân khổ vì đời sống vật chất khó khăn (Chuyện Tử Sinh, Bến Phiêu Du), khổ vì những khắc nghiệt của chế độ mới (Trái Chanh Tội Nghiệp, Bóng Đêm Cuối Cùng), khổ vì những thất bại trong cuộc vượt biên (Một Chuyến Đi, Trèo Lên Trái Núi). Tuy thế, hiện tại và tương lai ở hải ngoại không phải là thiên đường. Trong trí luôn luôn mơ về quê hương Bến Tre như một ám ảnh. Và cảnh sống dồn dập, vội vã ở hải ngoại, biến con người thành cái máy, được gợi lên trong truyện Đêm Kể Chuyện: Lâu lắm rồi tôi không có thì giờ để một mình đối diện với trăng sao, thưởng thức tách trà thơm, quên hết quá khứ vị lai, quên luôn hiện tại. Quên đời với cuộc chạy đua hàng ngày, chạy hụt hơi mà cứ đinh ninh rằng mình đang sống. Chạy băng băng trên ra lộ. Chạy hộc tốc vào sở làm, chạy đua với đồng hồ, chạy đua và đồng nghiệp. Vội vàng ăn uống, vội vàng hầu hạ chủ nhân, chiều chuộng khách hàng...
Đối với người nữ trong truyện của Phan Thị Trọng Tuyến, định mệnh làm cho tình yêu và hạnh phúc ở ngoài tầm tay (Nắng Mưa Là Bệnh Của Trời, Tình Thiên Thu, Lấy Nhau Chẳng Đặng, Giương Cung Bắn Nhạn, Ngoài Cõi Gió).
Tác giả có cái nhìn sâu sắc về tâm lý người phụ nữ Việt Nam trong nhiều tình huống. Trong một quê hương khói lứa, Nguyệt trong truyện Một Trang Đời cảm thấy phải gấp rút tận hưởng cuộc đời. Nguyệt nói: ... Cho nên phải sống cái hiên tại, phải tận hưởng cái khoảnh khắc yên lành, giữa hai trận hành quân, giữa hai màn pháo kích, phải mở mắt ngắm nhìn cái màu vàng kỳ diệu phủ lên cây cỏ, nhà cửa trước khi hỏa châu tắt ngấm.
Và trong khi mọi người bàn tán xôn xao về việc mất còn của đất nước, có ai nghĩ đến thân phận một người con gái du học ở xứ người, cô đơn, lạc lõng, rồi bỗng thấy cuộc đời vô nghĩa lý như Trâm trong truyện Người Im Lặng và Tôi Nói Bâng Quơ? Trâm không mãn nguyện với cái quan niệm truyền thống về người phụ nữ: Trâm như chua chát bừng tĩnh "Thì ra rồi đây tất cả bọn con gái chúng ta đều phải lấy chồng đẻ con, đi vào vòng lẩn quẩn, làm những chiếc răng cưa cho guồng máy khổng lồ, tiếp tục cuộc nhân sinh...".
Và viễn ảnh của một tương lai không mấy rực rỡ đã đưa Trâm vào cõi chết. Có khi người phụ nữ mệt mỏi trước bao khó khăn của đất nước, của cuộc đời, bỗng có cái nhìn triết lý buông xuôi, theo thuyết tiền định. Chị Thắm trong Mùa Xuân và Những Con Dã Tràng kêu lên: Em bé ạ, sinh ra làm người Việt Nam là em đã mang bộ áo dã tràng rồi. Không phải vô tình mà đất nước trải dài bên cạnh Thái Bình Dương, tha hồ mà xe cát. Nghĩ cùng nghĩ cạn đi, tao với mày đang làm gì ở đây? Có phải đang xe từng thùng cát gửi về biển mẹ? Cát nào cũng xe được tất!
Phan Thị Trọng Tuyến tha thiết với văn hóa dân gian; đời sống miệt vườn, thế giới nghệ thuật cải lương, nhạc vọng cổ và những câu ca dao được tác giả đưa vào truyện. Đặc điểm của Phan Thị Trọng Tuyến là dùng văn nói miền Nam và đã tạo nên hình ảnh một miền Nam đáng yêu, đầy tình người.
Nếu Phan Thị Trọng Tuyến cho chúng ta thưởng thức giọng Nam duyên dáng, Trần Thị Diệu Tâm cho chúng ta nghe tiếng Huế dịu dàng. Năm năm sau khi đặt chân lên đất Pháp, Trần Thị Diệu Tâm cho xuất bản tập truyện đầu tay: Người Về (1992). Đời sống ổn định nơi xứ ngưòi làm tăng sức sáng tác, và hai tập truyện kế tiếp đã được ra mắt: Rong Biển (1997) và Phía Bên Kia Mặt Trăng (2001). Tác giả dùng kinh nghiệm bản thân và nhiều yếu tố tự truyện để viết về những cuộc biến thiên. Những truyện trong hai tập Người Về và Rong Biển được dựng lên quanh hai chủ đề: mất mát và hội nhập.
Như bao nhiêu người đã lìa bỏ quê hương, Trần thị Diệu Tâm mang một vết thương của mất mát. Nhưng ở tác giả này, sự mất mát không khởi đầu từ năm 1975 mà từ năm 1954, trong truyện Vỹ Tuyến, hai cô nữ sinh thân nhau đã bị vỹ tuyến 17 chia lìa, trong Người Về, một người đàn ông đi kháng chiến, phải vĩnh viễn mất mẹ và vợ. Đến năm 1975, những mất mát còn vô cùng to lớn hơn. Truyện Nhớ Ngày Di Tản làm sống lại bầu không khí loạn lạc, hoang mang của những ngày cuối cùng ở thành phố Đà Lạt, và nỗi đau xót phải đột ngột xa lìa nhà cửa, vườn tược.
Trong truyện dài Rong Biển, An Hiên đã mất quê hương, mất chồng, mất mẹ, và tự ví mình như nhánh rong biển. Có thể nói Huế tượng trưng cho sự mất mát lớn, xứ Huế của tuổi thơ, của thời con gái, sau này dù có lưu lạc ở Đà Lạt, Sàigon, Paris, thì tình thương Huế vẫn chung thủy, đậm đà, tình thương dành cho những người con gái Huế suốt đời chỉ biết dạ thưa với số phận (Phía Bên Kia Mặt Trăng), dành cho những kẻ đã từng sống trong thứ văn hóa ngục tù và trói buộc của xứ Huế (Áo Trắng Trời Mưa). Có xa Huế mới thấy thương nhớ Huế, nhớ vô hạn tuổi con gái của mình (Áo Trắng Trời Mưa).
Võ Phiến trong tùy bút Hội An đề cao Quảng Nam và người dân xứ Quảng, họ có nhiều ý chí, can đảm, luôn sẵn sàng xuống đường để đấu tranh, bênh vực lý tưởng của họ. Trần Thị Diệu Tâm cũng biết tôn vinh xứ Huế của mình : ... Thật ra Huế còn một khuôn mặt khác, ít ai hiểu nổi, do mặc cảm khác nhau, trộn lẫn nhau. Huế tạo nên một lớp người trẻ, uống nước sông Hương êm đềm, mà lòng luôn dậy sóng. Suốt đời chung thân tìm kiếm lý tưởng. Huế khao khát một điều gì đó, có cảm giác mình đang mang một sứ mạng lịch sử do người xưa để lại. Cái âm ỉ trong lòng Huế làm ngột ngạt cả thành phố (Bông Hải Đường).
Sau khi đã mất mát tất cả, Paris hiện đến như người tình Tự Do thật đẹp, và: Hình ảnh đầu tiên trên xứ Pháp đã được Hiên đóng khung vàng khung bạc treo vào lòng (Mùa Lúa Mới). Hội nhập vào xã hội Pháp là làm quen với nếp sống, với văn hóa Pháp, và cũng là cơ hội để suy nghĩ về vấn đề tình yêu và hôn nhân với người khác chủng tộc. Thu trong Một Ngày Cuối Đông thắc mắc tại sao cô bạn lại có thể yêu một người không cùng chủng tộc với mình, không cùng chung tiếng nói với minh, và nhất là không có những kỷ niệm của quê hương để nhắc nhở.
Trong truyện Ngày Hè Trên Biển, người phụ nữ Việt Nam lấy chống Pháp tâm sự: Đối với xứ sở này tôi là người ngoại quốc, nhưng khi sống với Bertrand tôi cảm thấy mình là người ngoại quốc đến lần thứ hai. Chữ "người ngoại quốc" không những chỉ hiểu trên ý nghĩa biên giới chủng tộc, quốc gia. Mà còn có một nghĩa quan trọng hơn, đó là người xa lạ. Xa lạ trong tâm.
Tôi ước chi những bữa cơm có người đối diện gắp chung với mình một món ăn, chấm chung với mình một chén nước mắm xắn ớt...
Khi cái nhìn về mất mát và hội nhập đã được thể hiện qua hai tập truyện đầu: Người Về và Rong Biển, ngòi bút của Trần Thị Diệu Tâm đã tiến thêm một bước trong sự thăm dò tâm lý con người với tập truyện thứ ba: Phía Bên Kia Mặt Trăng. Tác giả nêu lên ảo tưởng của con người về tình thương yêu (Thương Hoài Ngàn Năm, Điệp Ngữ Tình yêu, Hình Nhân, Như Có Như Không, Chốn Cũ), về sắc đẹp và sự trẻ trung (Giọt Nước Mắt Xi- li-côn), hoặc về sự nổi danh (Cơn Mộng, Con Gián).
Từ năm 2000 đến 2002, có ba cây bút mới đã xuất hiện ở Pháp: Đặng Mai Lan với tập truyện Phòng 111, Mai Ninh với tập truyện Hợp Âmm Trong Vùng Sân Khuất và Đỗ Quỳnh Dao với tập truyện Con Nữ.
Trong tác phẩm đầu tay Con Nữ, Đỗ Quỳnh Dao xóa mọi biên giới để chỉ nhìn con người và sự đau khổ của con người. Tác giả có cái nhìn đầy nhân ái về nỗi cô đơn của một cô bé tật nguyền, ngồi xe lăn (Phải Chi), về những hoài nghi, bứt rứt, mặc cảm của những người đồng tính luyến ái (Con Nữ, Xó Tối), về bệnh tâm thần của một cô gái không muốn lớn (Lisa, Thỏ Mười Sáu), và về những đau đớn trong thể xác với cái chết gần kề (Sợi Tình, Cuộn Khói Mong Manh, Sau Cô, Cơn Bão Sóng). Trong các truyện của Đỗ Quỳnh Dao, chủ đề trội nhất là thân phận của người phụ nữ, trước tiên qua hình tượng người vợ đau khổ vì chồng. Trong Nói Một Mình, cô gái và mẹ cô đều là nạn nhân của những ông chồng vũ phu, tàn nhẫn, truyện Ríu Rít Tiếng Chim kể tâm trạng một người đàn bà đến năm 50 tuổi khám phá chồng mình ngoại tình và dần dần ý thức người chồng không yêu mình và cũng chẳng yêu ai, anh ta chỉ thích đi từ chinh phục này đến chinh phục khác.
Người chồng trong Đối Gương không ngoại tình nhưng rất ích kỷ và độc tài, người vợ nhịn nhục, chịu đựng cho đến ngày bị chồng gây áp lực, buộc chị phá thai. Nhưng nếu người phụ nữ được chồng thương yêu thì lại lâm trọng bệnh và sắp lìa đời (Sợi Tình, Cuộn Khói Mong Manh). Và nếu không chết vì bệnh hoạn khi còn trẻ thì tuổi già băng giá, cô đơn như trong truyện Sau Cô, Cơn Bão Sóng. Cũng trong truyện này, tác giả đã nêu lên một vấn đề mấu chốt, tiếng Pháp gọi là euthanasie, liên quan đến triết lý, đạo đức, tôn giáo, pháp lý và lương tâm của người y sĩ, đó là có nên giúp một bệnh nhân chết nhanh để tránh mọi đau đớn? Một vấn đề hiện đại mà các xã hội Tây phương chưa giải quyết được.
Truyện của Đỗ Quỳnh Dao hướng về nội tâm, trong Phải Chi, độc giả đi vào nội tâm của một cô bé tàn tật, sống lủi thủi một mình trong khi bà mẹ đi làm; có khi chuyện được trình bày như một sự qua lại giữa ngoại giới và nội tâm của nhân vật. Do đó, cùng trong một truyện, khi nhân vật được nhìn từ ngoại giới thì được trình bày ở ngôi thứ ba, nhưng khi tác giả đưa người đọc vào nội tâm của nhân vật thì nhân vật xưng "tôi" (Sợi Tình) hay xưng "mình" (Lisa, Thỏ Mười Sáu). Nội tâm của nhân vật trong truyện Con Nữ là nơi giằng co của hai bản năng nam và nữ xung khắc, như có hai tiếng nói trong một con người đang cãi nhau.
Đặng Mai Lan là cây bút nữ đến với văn chương bằng lời than thở nhẹ nhàng. Trong suốt mười ba truyện của tập Phòng 111 vọng lên một tiếng nói nhất quán của một người nữ, tiếng nói của một tâm hồn đa cảm, đa sầu. Hai tĩnh từ được tác giả thường nhắc đến là cô đơn và lãng mạn. Các truyện của Đặng Mai Lan đều được xây dựng quanh chủ đề tình yêu phôi pha. Tuy tình yêu không được như mong muốn nhưng vẫn có sự chờ đợi thầm kín, và trong sự chờ đợi khắc khoải đó thân xác bơ vơ, thèm khát âu yếm, vuốt ve:
Sao mình không dám úp mặt vào bờ vai ấy, một ước mơ nhỏ nhoi của những lần tha thiết nhớ... (Về Một Nơi Khác).
Đến lúc này tôi lại thấy thèm muốn được dựa vào vai anh (Chiêm Bao). [...] và tôi bỗng nghe thèm quá đỗi một vòng tay, một hương hơi ấm êm quen thuộc, một ngày nào đã mất hút, xa xôi... (Trong Sương Mù).
Tôi khao khát quá một vai áo để nép mình vào ấm áp (Đêm Ngày).
Hãy nghe Đặng Mai Lan nói về sự cô đơn của thân xác:
Ôi những sợi tóc! Tôi vuốt ve chúng như thế rất lâu với hai con mắt buồn rầu ngó về quá khứ [...] Những ngón tay, sợi tóc và đôi môi chúng đều cô đơn và buồn bã như nhau nên quấn quít tìm đến nhau (Trong Sương Mù).
Ngay lúc hạnh phúc đến, nó cũng mong manh ngắn ngủi:
Nàng áp mặt trên lưng anh. Phiến lưng mà nàng nghĩ rằng suốt cả một đời chẳng bao giờ nàng có thể dựa vào đó êm ái và mềm mại như lúc này (Trên Từng Đốm Lửa).
Trong truyện của Đặng Mai Lan hình tượng cánh cửa hiện lên như một lối thoát mời gọi hay một rào cản tình yêu:
Chúng tôi dấu giếm mọi người chung quanh, len lén mở cánh cửa đời, mời nhau bước vào không ai hay biết (Chiếc Bóng).
[...] Cánh cửa định mệnh muôn đời khép kín dửng dưng, không còn một cơ hội nào có thể mở ra cho tôi gặp lại chàng nữa (Trong Sương Mù).
Tôi như nghe tiếng ập của một cánh cửa đóng. Và tôi đau đớn với cái âm thanh dội lại trong trí tưởng tượng của mình (Phía Ngoài Hạnh Phúc).
Đặng Mai Lan đã chọn khướu giác để nói lên sự nhạy cảm của một tâm hồn:
Mùi thơm của tóc lẫn mùi xà bông gội nhẹ nhàng thoảng lên mũi, như thầm thì vỗ về một nỗi nào đó rưng rưng, xót xa, buồn tủi (Trong Sương Mù).
Hay để tả sức quyến rũ của người đàn ông:
Làm sao tôi xóa được cái mùi hương đầy kích thích ấy? Mùi hương nhẹ nhàng nhưng ào ạt vũ bão... nó dậy trong tôi những cảm giác ngây ngất ngày cũ (Cơn Mưa).
Người đàn ông nép sát vào tường, tôi nghiêng người bước tới. Mùi nước hoa thoảng nhẹ. Tôi sựng người quay lại như vừa giật mình thức giấc, ở một cơn ngủ gật gù (Đêm Ngày).
Đọc Đặng Mai Lan chứng ta có cảm tưởng bị thu hút vào nội giới của người kể truyện, một nội giới đầy mộng mơ, u buồn. Mỗi truyện ngắn của Đặng Mai Lan là một tiếng thở dài.
Với tập truyện Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất, gồm mười truyện ngắn, Mai Ninh đã dành cho độc giả ít nhiều ngạc nhiên. Có thể nói sự tan vỡ là chủ đề chính yếu của các truyện của Mai Ninh. Tan vỡ trong một không gian trải dài trên hai lục địa, vì không gian của Mai Ninh, cũng như không gian của Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Thị Diệu Tâm và Mạch Nha, có bên kia và bên này. Đây là lời người con gái về thăm quê nhà: Lòng chẳng yên, tôi bật chiếc truyền hình, đã tới giờ tin tức. Bên kia thế giới của tôi đang bừng bừng sôi động, Gorbachev tuyên bố perestroika, nơi bức tường Bá Linh người ta tiếp tục reo hò đập ra từng hòn gạch. Bên này, vài hình ảnh chớp qua mau chóng quá, như những lằn sét lóe nhanh ngoài trời (Mây Một Ngày).
Bên kia, bên này, hai thế giới khác biệt. Bên này là thân phận người con gái Việt Nam vào thời chiến và sau thời chiến, bên kia là cuộc đời muôn mặt nhưng rồi cùng quy tụ về một sự thật của con người: tình yêu. Bên này là Miên và Đăng hai kẻ yêu nhau trong một quê hương khói lửa và phải xa lìa nhau (Nến Sau Kẽ Liếp). Còn Mây, cô gái đã mất người yêu trong cuộc chiến, giờ đây sống lây lất trong điên dại, nửa tỉnh nửa mê, trên một quê hương thanh bình (Mây Một Ngày).
Bên kia, bên trời Âu, có những tình yêu bị đứt đoạn bởi cái chết (Bão Cát, Ngồi Mãi Bóng Đêm, Biển Đầm, Ẩm Ướt Những Cơn Mưa), tình yêu cũng có thể tàn tạ vì thời gian, vì lòng người (Đêm Rượu Đợi, Vách Mận Trắng), và tình thân giữa người với người cũng có thể tan biến vì cái chết (Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất). Nếu không bị cái chết đe dọa, tình yêu cũng có thể là cái gì xa vời, khó đuổi bắt (Mưa Đá Âm Dương).
Mai Ninh có một lối viết thoáng đạt về tình dục. Tác giả lật tung, phá vỡ những cấm kỵ thường giam cầm một cây bút nữ trong khuôn sáo, đồng thời vẫn giữ được nét thanh nhã. Trong truyện của Mai Ninh, thiên nhiên (rừng sâu, thú hoang, gió, bão, sông, biển, v.v...) được dùng để làm ẩn dụ cho tình dục dữ dội, hung bạo:
Thân thể Mélisa tràn đầy, mê rực, mãn khai. Nàng cuốn tôi vào trong thăm thẳm bạo vũ của rừng sâu, loài thú hoang gầm lên trong cuộc quần thảo chẳng nương tha để rồi dốc hết hơi thở, hất nhau ra, lịm đi sau cuộc chiến (Biển Đầm).
Và cảnh làm tình sau đây là một bùng nổ của dồn nén, một sự nổi loạn của tình yêu mòn mỏi chờ đợi, và là sức mạnh vũ bão của tiềm thức. Sau hai mươi năm, Yên gặp lại Luân và Yên đã yêu một cách tuyệt vọng năm mười sáu tuổi. Luân hẹn sẽ lên ngôi nhà trên núi với Yên trong dịp lễ Giáng Sinh. Nhưng Luân không đến nơi hẹn, quá thất vọng Yên trao thân cho người đàn ông gù lưng, quản gia của ngôi nhà: Người đàn ông gù dịu dàng này bỗng lốc lên trở thành cơn bão, còn tôi cố ghì hai vạt áo chống đỡ, nhưng bất lực. Gió lồng lộng quật xuống cả khu rừng mà lâu nay tôi dấu mình trong đó đợi Luân. Cây cối đổ tung, tan hoang theo dòng nước mê cuồng. Được rồi, hãy trôi di, trôi di dòng sông. Phải cuồng nộ lên, chảy xiết đi cho tức tốc ào ra tới biển. Phái phá tan, đập cho vỡ tung những con đê và ghềnh thác dựng lên sừng sững trong tôi từ năm mười sáu ấy (Đêm Rượu Đợi).
Bàn về tình yêu trong xã hội Tây phương, người ta không thể làm ngơ trước vấn đề đồng tính luyến ái. Trong truyện của Miêng có đề cập sơ qua về vấn đề này. Mạch Nha tuy đi thắng vào đề tài, nhưng dừng lại ở một đam mê đơn phương. Đỗ Quỳnh Dao cho nhân vật của mình sống lại thứ đồng tính luyến ái độc chiều, như Mạch Nha, hoặc khai thác khía cạnh tâm lý của vấn đề. Mai Ninh đi xa hơn, trong truyện Mây Một Ngày có cảnh đầy gợi dục khi Mây mút ngón tay của Vân, cô bạn thân vừa hồi hương, và cảnh hai người con gái làm tình.
Truyện của Mai Ninh có những hình tượng có giá trị tượng trưng. Bông hồng cát trong truyện Bão Cát bị vỡ vụn tượng trưng cho mối tình tan vỡ của N., một thanh niên Pháp, đối với M., một cô gái Việt Nam. Trong Đêm Rượu Đợi, ngôi mộ của bà chủ nhà trên núi hiện diện nhiều lần trong truyện tượng trưng cho cái chết của tình yêu của Yên. Và vòng kẽm gai sau đây tượng trưng cho cơn lốc của chiến tranh Việt Nam: Những vòng kẽm gai dưới chân chòi gác chạy tròn tròn, thoáng chốc rủ nhau vượt qua mặt đường, ùa đến quấn xoắn lấy tôi và chị Hạc (Nến Trong Kẽ Liếp).
Mai Ninh tạo cho mình một ngôn ngữ riêng, một bút pháp riêng: Anh Vân chớp mau cặp mắt nãy giờ vẫn đậu trên vai tôi (tr.143). Cách đây gần nửa thế kỷ, Thanh Tâm Tuyền, trong một bài thơ có câu: Thời gian mềm (4). Nay Mai Ninh viết: Tiếng Huế mềm (tr.131). Và đây là phản ứng của một nhân vật đứng trước một bức tranh trừu tượng: Nhưng khi mắt dừng lại trên tấm tranh thứ hai thì tôi bị một luồng điện mạnh rút qua. Những mảng màu đập vào nhau, bắn ra như máu, như nước, như lửa cùng một lúc. Nó làm hồn tôi bấn loạn (Ẩm Ướt Những Cơn Mưa).
Cảnh vật trong truyện của Mai Ninh mang nhiều tính chất ẩn dụ: Thành phổ này mọc từ biển lên núi, vừa nhấp nhô khép mình ẩn náu, lại chĩa đứng sỗ sàng. Biển xanh dưới chân chừng hoang mang, cứ chực men lên, hớp lấy những màu tường hồng đủ gam đậm nhạt (Vách Mận Trắng).
Sấm nổ tung xẻ đôi trời đất, rầm rầm ồ ạt. Bao nhiêu luồng điện phẫn nộ choé những lằn sét xanh rực kim khí, điên loạn chém ngang dãy núi (Vách Mận Trắng).
Trong những thập niên 60-70 ở miền Nam, sự hiện diện của phái nữ trên văn đàn được xem như một hiện tượng đáng mừng. Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH., v.v... bỗng nhiên ồ ạt xuất hiện trên các báo, các tạp chí. Sách của họ như Thở Dài, Vết Thương Dậy Thì của Túy Hồng, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Người Tình Ngoài Mặt Trận, Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca hay Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, vừa xuất bản đã gây tiếng vang. Hiện tượng đó là một bước tiến dài của người nữ trong lãnh vực văn học.
Nhưng sau 1975, chúng ta càng vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong nền văn học hải ngoại sự hiện diện của người nữ càng tăng lên bội phần. Có khoảng 20 cây bút nữ về văn xuôi được giới thiệu trong bộ sách Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 do Trương Đình Nho chủ trương, đó là chưa kể từ 1995 đến nay 2003 còn nhiều cây bút nữ khác đã nhập cuộc.
Có thể đặt câu hỏi vì sao trong cuộc sống lưu vong người phụ nữ Việt Nam, ngoài công việc trong gia đình còn phải đương đầu với mưu sinh, với những vấn đề hội nhập, phải chịu ảnh hưởng và áp lực của văn hóa xứ người, bỗng nhiên mạnh dạn cầm bút và với một thành phần đông đảo. Hiện tượng viết văn của phái nữ trong hoàn cảnh này cho thấy viết văn là một nhu cầu, có người viết để tìm lại quá khứ đã mất, để tự an ủi mình, có kẻ viết để tìm bắt cái đẹp, để nhận định thái độ, thế đứng của mình v.v...
Riêng các nhà văn nữ sống ở Pháp, họ đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam hải ngoại bằng một tâm hồn tha thiết với cội nguồn, và đồng thời văn hóa Pháp cũng đã biến đổi và làm phong phú thêm cái nhân sinh quan của họ. Trong tâm thức họ, Đông Tây được hòa hợp khiến cho trí tưởng tượng và nghệ thuật viết được dồi dào hơn, tâm lý con người trở nên phức tạp hơn. Trong một bối cảnh đa văn hóa, các nhà văn nữ vẫn giữ được phong cách riêng của mình.
Shan Sa, cô gái Trung Quốc 17 tuổi, sang tị nạn ở Pháp năm 1990, sau biến cố Thiên An Môn.
Lúc đó cô không hề biết một chữ Pháp. Ngày nay Shan Sa trở nên một nhà văn chuyên nghiệp với ba tác phẩm: Porte de la Paix céleste, Les quatre vies du saule, La joueuse de go. Cô còn là một họa sĩ với tác phẩm Le miroir du calligraphe. Đặc điểm của Shan Sa là tất cả các tác phẩm của cô đều nói về quê hương Trung Quốc, về văn hóa Trung Quốc, nhưng cô lại viết bằng Pháp ngữ. Cô mượn một ngoại ngữ để diễn đạt tâm tư của mình.
Trường hợp của Shan Sa làm chúng ta liên tưởng đến các nhà văn nữ của chúng ta ở Pháp, họ cũng tị nạn như Shan Sa, hoặc sống trên đất Pháp từ lâu, nhưng vẫn dùng tiếng mẹ đẻ để nói lên những cảm xúc thầm kín, để nói về quê hương, về tình người, đặc biệt ba tác giả: Đỗ Quỳnh Dao, Mai Ninh và Phan Thị Trọng Tuyến, tuy hấp thụ văn hóa Pháp đã lâu năm nhưng vẫn nâng niu, quý trọng tiếng mẹ đẻ. Một bằng chứng rất đẹp về tình yêu quê hương.
(Paris, 2003)
Chú thích:
(l) Jacqueline Baldran, Paris, Carrefour des arts et des lettres 1880-1918, L'Harmattan, 2002.
(2) Ernest Hemingway, Paris est une fête, Gallimard, 1964.
(3) Trong những thập niên 60-70, Minh Đức Hoài Trinh là cây bút nữ đã từng hoạt động ở Pháp, nhưng trong một bối cảnh lịch sử khác, khi chưa có nền văn học Việt Nam ở hải ngoại.
(4) Thanh Tâm Tuyền, Bài Ngợi Ca Tình Yêu - Đen, Tạp chí Sáng Tạo, số 8, tháng 5-1957.
- Nụ Cười Của Nàng Joconde Liễu Trương Nhận định
- Hiện tượng sách dịch ở miền Nam thời 54-75 Liễu Trương Nhận định
- Truyện "Bóng Đè" của Đỗ Hoàng Diệu một huyễn tưởng của vô thức Liễu Trương Nhận định
- Sứ Mạng Của Người Cầm Bút Theo Linh Mục Thanh Lãng Liễu Trương Nhận định
- Đi Vào Giấc Mơ Thổ Với Trần Vũ Liễu Trương Nhận định
- Võ Phiến Một Đời Cầm Bút Liễu Trương Nhận định
- Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Ở Pháp Liễu Trương Khảo luận
• Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)
• Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)
• Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |