1. Head_

    Doãn Dân

    (.0.1938 - 29.4.1972)

    Trọng Lang

    (2.10.1906 - 29.4.1986)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Võ Phiến Một Đời Cầm Bút (Liễu Trương) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      10-02-2015 | VĂN HỌC

      Võ Phiến Một Đời Cầm Bút

        LIỄU TRƯƠNG
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà văn Võ Phiến
          (1925 - 2015)

      Để ca tụng sự ham thích đọc sách, nhà văn kiêm nhà thơ Pháp Valery Larbaud (1881-1957) đã chọn cái tựa đề như sau cho một cuốn sách của ông: «Ce vice impuni, la lecture» (Đọc sách, cái thói hư không trị được). Cũng như bao nhiêu người khác, tôi mắc phải cái «thói hư» đó. Đọc sách cho ta cái thú đi vào thế giới thiên hình vạn trạng do tác giả tạo ra, và là cái thú mà ta có thể có ngay từ thuở nhỏ. Nhưng nếu nói về việc đọc sách của Võ Phiến thì tôi xin có một lời thú: tôi được biết tác phẩm của ông rất muộn. Giữa lúc tiếng tăm ông lừng lẫy trên văn đàn miền Nam, thì ở Pháp tôi không hề biết đến cái tên Võ Phiến. Mãi đến thập niên 80, tình cờ đọc bài tùy bút «Ngày xuân êm đềm» tôi bỗng cảm thấy bị cuốn hút. «Ngày xuân êm đềm» là một văn bản có thể được liệt vào thể loại mà nhà phê bình văn học Pháp Jean-Yves Tadié gọi là «Le récit poétique» (Truyện kể thi vị). Kể từ đó, tôi đi tìm sách của Võ Phiến để đọc, và đã miệt mài với những tác phẩm của ông.


      Đối với giới nghiên cứu văn học, trong tác phẩm của Võ Phiến có những đề tài lý thú để khai thác. Chẳng hạn Võ Phiến và tuổi thơ, tuổi thơ hiện diện trong 1 tiểu thuyết, 7 truyện ngắn, 3 tùy bút và 2 bài thơ, tại sao tuổi thơ đã trở nên một ám ảnh dai dẳng đối với Võ Phiến? Ám ảnh thứ hai là ham muốn, ham muốn là động lực của nhiều cốt truyện. Hoặc đề tài: Võ Phiến và dòng văn học kỳ ảo, thái độ của Võ Phiến như thế nào đối với di sản của Bồ Tùng Linh? Hoặc Võ Phiến và thể loại tùy bút, ở miền Nam thời 54-75, có hai nhà văn viết tùy bút nổi tiếng: Vũ Bằng và Võ Phiến, riêng về Võ Phiến, tùy bút của ông rất đa dạng và có sức lôi cuốn. Hoặc một đề tài khác nữa, đó là hiện tượng liên văn bản trong tác phẩm của Võ Phiến. Theo thuyết liên văn bản thì không một tác phẩm nào được sáng tác một cách biệt lập, mà nó là sự tồn tại của những tác phẩm đã có trước. Những gì tác giả đã đọc được tích lũy trong ký ức, trong tiềm thức, và về sau có thể được tác giả dùng lại một cách vô thức, nhưng nó được biến hóa bởi tài năng, nghệ thuật, văn hóa và thời đại của tác giả. Qua các truyện và tùy bút, Võ Phiến đã vẽ lên một cảnh làng quê Việt Nam với những nhân vật như anh Bốn Thôi, anh Ấm Sứt, anh Ba Càng Cua, anh Hai Mỏ Gãy, anh Năm Cán Vá, chị Bốn Chìa Vôi v.v … Cả một thế giới nông dân hiện lên dưới ngòi bút của Võ Phiến, nhưng qua một trí tưởng tượng mang đậm ảnh hưởng của Tây phương. Tôi đã tìm ra dấu ấn của Alphonse Daudet trong các truyện ngắn: «Người tù», «Về một xóm quê», «Thác đổ sau nhà» và trong tiểu thuyết «Một mình», dấu ấn của Somerset Maugham trong bài tùy bút «Lại thư nhà» và trong truyện ngắn «Anh em», dấu ấn của Maupassant trong truyện «Đêm xuân trăng sáng» (1), dấu ấn của Dino Buzzati trong những bài thơ về thời gian và cái chết và trong bài tùy bút «Xem sách», dấu ấn của Michel Butor trong tiểu thuyết «Một mình». Sau cùng là dấu ấn của Marcel Proust hiện diện trong tác phẩm viết trước và sau năm 75; đặc biệt hiện tượng trí nhớ đột xuất, không chủ tâm (la mémoire involontaire) trong truyện của Proust, mà chiếc bánh hình quả bàng (madeleine) là một biểu tượng, đã gây ấn tượng cho Võ Phiến. Ảnh hưởng các nhà văn Tây phương có tác dụng làm phát triển trí tưởng tượng của Võ Phiến. Các đề tài vừa kể thuộc lĩnh vực nghiên cứu văn học. Bài này chỉ mong cống hiến bạn đọc một cái nhìn khái quát về cuộc đời cầm bút của Võ Phiến.


      Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, nhưng trước khi mang cái tên chính thức Đoàn Thế Nhơn, ông tên Đoàn thế Cẩn. Ông sinh năm 1925, tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Gần làng Trà Bình có xóm Bồ Địch là nơi Võ Phiến đã trải qua những ngày thơ ấu. Sau này, ở hải ngoại, ông có làm một bài thơ tựa đề là «Bé Bồ Địch», đoạn cuối của bài thơ làm nổi bật hai hình ảnh tương phản của một Võ Phiến thời thơ ấu ở quê nhà và của một Võ Phiến về già lưu lạc nơi xứ người:

      Từ xóm xưa, em bé ấu niên

      Đảo mắt nghiêng tai hướng về bốn phương mờ mịt

      Em có thấy đâu hình ảnh lão già mỏi mệt

      Đang loay hoay quờ quạng dọn một chỗ nằm

      Nơi lục địa xa xăm. (Thơ thẩn, tr. 72)

      Trước ngày Võ Phiến chào đời, thân phụ, vốn làm giáo học ở làng Hoài Ân, tỉnh Bình Định, từ giã làng quê để đi làm ăn xa. Để tưởng nhớ người cha xa xôi tên Đoàn Thế Cần, Võ Phiến thoạt đầu được đặt tên Cẩn, Đoàn Thế Cẩn. Khi Võ Phiến được bảy tuổi, thân phụ trở về làng, hai cha con nhìn nhau bỡ ngỡ. Một thời gian sau, Võ Phiến có một người em tên Đoàn Thế Hối, sinh năm 1932. Năm Võ Phiến lên chín tuổi, gia đình làm giấy khai sinh để ông thi bằng yếu lược. Thân phụ bèn đổi tên Cẩn thành tên Nhơn, Đoàn Thế Nhơn. Rồi thân phụ lại ra đi, lần này đem theo thân mẫu và người em. Võ Phiến ở lại sống với bà nội và người em của ông nội tên Đoàn Thế Đại mà Võ Phiến gọi là «ông Chín», Võ Phiến được ông Chín chăm sóc và chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Người ông trong truyện «Về một xóm quê» chính là ông Chín. Một người khác trong gia đình cũng được đưa vào truyện và tùy bút dưới cái tên «ông tú Từ Lâm», đó là người em của bà nội của Võ Phiến, tên Lê Đình Mẫn. Chính cụ Lê Đình Mẫn đã dạy thơ Đường cho Võ Phiến. Hằng năm thân mẫu trở về thăm Võ Phiến, cho đến năm 1945, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ thì gia đình của ông biệt tăm. Mãi đến năm 1956, ông tìm lại được gia đình ở Trà Vinh, và được biết ngoài Đoàn Thế Hối ông còn có thêm năm người em. Ông đưa gia đình về sống ở Qui Nhơn. Riêng Đoàn Thế Hối đã gia nhập hàng ngũ cộng sản, và viết văn dưới bút hiệu Lê Vĩnh Hòa. Lần cuối cùng Võ Phiến gặp lại Lê Vĩnh Hòa là vào năm 1964. Năm 1967, Lê Vĩnh Hòa chết trong một cuộc oanh tạc ở Hậu Giang.


      Học xong trường làng, trường huyện, Võ Phiến học trung học ở Qui Nhơn. Năm 1942, ông ra Huế học ở trường Thuận Hóa. Cái may mắn của Võ Phiến là có được bốn vị thầy danh tiếng: Chế Lan Viên, Lam Giang, Hoài Thanh và Đào Duy Anh. Ở Qui Nhơn ông học với Chế Lan Viên, tuy chỉ được vài tháng nhưng cũng đủ để Chế Lan Viên nhận thấy người học trò của mình có năng khiếu về văn chương và đáng được khuyến khích. Vị thầy thứ hai ở Qui Nhơn là Lam Giang, nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo, đã cùng với Lê Văn Hòe soạn cuốn «Tầm nguyên tự điển», và cùng với Vũ Tiến Phúc viết cuốn «Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX». Lam Giang là tác giả của những công trình biên khảo như : «Thảo luận luật thơ» (1942), «Triết học đại cương» (1943). Chính Lam Giang đã khuyến khích Võ Phiến cầm bút. Ở Huế, Võ Phiến là học trò của Hoài Thanh và Đào Duy Anh. Hoài Thanh, như mọi người đều biết, là tác giả cuốn «Thi Nhân Việt Nam (1932-1941)», cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ. Hơn nửa thế kỷ sau, lòng khâm phục của Võ Phiến đối với Hoài Thanh vẫn nguyên vẹn. Trong một bài phỏng vấn của tạp chí «Văn Học», năm 2000, Võ Phiến tuyên bố rằng Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan là hai nhà phê bình «kiệt xuất». Sau cùng Đào Duy Anh, một học giả nổi tiếng, là vị thầy có lòng hào hiệp đã giúp đỡ Võ Phiến, một học sinh nghèo, thông minh và học giỏi.


      Những năm học ở Huế, từ 1942 đến 1945, là thời kỳ phát triển năng khiếu văn chương, Võ Phiến vốn say mê đọc sách, đã khám phá hai kho tàng sách ở Huế: thư viện Bảo Đại và tủ sách của Đào Duy Anh. Chế Lan Viên mà ông gặp lại ở Huế khuyên ông đọc hai tác giả Pháp: Proust và Alain. Võ Phiến cũng đọc Baudelaire, Valéry, A. Maurois, A. Gide, Tolstoi, Edgar Poe v.v…, và ông bắt đầu tập viết văn. Ông viết một cuốn sách phỏng theo cuốn «Les Nourritures terrestres» của A. Gide, vài bài phê bình thơ và một số tùy bút, bài tùy bút đầu tiên «Đêm đông» được đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, năm 1943, ký tên Đắc Lang. Sau Cách mạng tháng tám, Đào Duy Anh ra Hà Nội phụ trách khoa Lịch Sử ở đại học. Võ Phiến theo chân thầy ra Hà Nội, học ở trường Văn Lang. Cuối năm 1946, Võ Phiến trở về Bình Định, tham gia sinh hoạt kháng chiến. Cuối năm 1947, ông làm thuế quan ở Gò Bồi. Năm 1948, ông lập gia đình với cô Võ Thị Viễn Phố. Trong thời gian này ông dạy học tại trường Trung Học Bình Dân Liên khu V, và tiếp tục viết lách. Ông viết một tập tiểu luận nhan đề «Tiêu khiển», một bài tiểu luận về hát bội và một cuốn sách về thiên văn tựa đề «Trên trời».


      Chẳng bao lâu Võ Phiến tỏ ra bất mãn với chế độ cộng sản. Năm 1951, một nhóm người trong đó có Lam Giang rủ ông tham gia một tổ chức chống cộng. Năm 1952, những người trong nhóm bị bắt, và năm 1953, bị truy tố trước tòa án nhân dân; riêng Võ Phiến lãnh án 5 năm tù. Nhưng ông chỉ ở tù 2 năm, vì tháng 9 năm 1954, theo Hiệp định Genève, các tù nhân chính trị đôi bên đều được phóng thích. Cuối năm 1954, Võ Phiến trốn ra Huế để tránh sự theo dõi của cộng sản. Nhờ sự giúp đỡ của Võ Thu Tịnh, một người cũng từng dạy học ở Liên khu V, Võ Phiến vào làm việc tại Nha Thông tin Trung phần, rồi làm trưởng ty Thông tin Quảng Trị. Hơn nửa năm sau ông xin chuyển về Bình Định. Trong thời gian ở Huế lần thứ hai, Võ Phiến có dịp đọc các nhà văn Mỹ như Hemingway, Steinbeck, Faulkner và một số nhà văn đã từng sống dưới những chế độ độc tài như Arthur Koestler, Virgil Gheorghiu, ông cũng đọc được trọn bộ «A la recherche du temps perdu» của Proust. Chính trong thời gian này ông đã khởi đầu văn nghiệp của ông, dưới bút hiệu Võ Phiến, bằng cách cộng tác với tờ «Mùa lúa mới», xuất bản năm 1955, do Võ Thu Tịnh và Đỗ Tấn chủ trương. Bút hiệu Võ Phiến, do cái tên Viễn Phố đọc lái, được dùng để nói lên nỗi nhớ thương người vợ trẻ bị kẹt lại ở Liên khu V.


      Trở về Bình Định, Võ Phiến tự xuất bản 2 tập truyện «Chữ Tình» (1956) và «Người tù» (1957). Ông cũng gởi bài vào Sài Gòn đăng trên «Sáng tạo» và «Bách khoa». Năm 1959, ông được thuyên chuyển vào Sài Gòn, làm chủ sự ở Văn hóa vụ. Kể từ nay Sài Gòn là đất dụng võ của ông.


      Những sáng tác của Võ Phiến chẳng bao lâu gây nhiều chú ý, ông được tặng giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, năm 1960, với cuốn «Mưa đêm cuối năm». Kể từ năm 1961, ông là thành viên của Hội đồng giám khảo của Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc. Năm 1962, ông thành lập nhà xuất bản Thời Mới để tự in sách của mình và sách của các cây bút trẻ, đồng thời để giới thiệu các trào lưu hiện đại.


      Võ Phiến cũng cộng tác với các tạp chí «Sáng tạo», «Thế kỷ 20», «Văn», «Khởi hành», «Mai», «Tân văn» và nhất là «Bách khoa». Sở dĩ tạp chí này có tuổi thọ dài nhất cũng là nhờ sự cộng tác kiên trì của bộ ba: Nguyễn Hiến Lê – Vũ Hạnh – Võ Phiến. Trên «Bách Khoa» Võ Phiến đã cho đăng những sáng tác, biên khảo, dịch thuật của ông và ông đảm nhiệm mục điểm sách và thời sự văn học nghệ thuật. Về công việc dịch thuật, Võ Phiến đã dịch một tiểu thuyết của Stefan Zweig: «Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà», một tiểu luận của André Maurois: «Các trào lưu của tư tưởng hiện đại», và một tiểu thuyết của Dostoievski: «Ông chồng muôn thuở». Trong 3 bản dịch Võ Phiến ký tên Tràng Thiên. Ngoài ra, có một dạo ở Sài Gòn nhạc sĩ Phạm Duy bị công kích nặng, có kẻ viết cuốn sách «Phạm Duy đã chết như thế nào?». Võ Phiến, vì tình bạn, đã dịch và đăng trên «Bách khoa» một số bài của Georges Gauthier, một nhạc sĩ Canada, đã từng ca ngợi nhạc của Phạm Duy. Bản dịch này được ký tên Thu Thủy. Võ Phiến cũng có dịch chung với Nguyễn Minh Hoàng «Truyện hay các nước». Tóm lại, trong các bản dịch Võ Phiến tránh ký bút hiệu chính, vì ông cho đó là một công việc phụ. Trong một thư gửi cho tôi, năm 1995, ông nói về dịch thuật ông không có sự chọn lựa đắn đo gì. Nhân một lúc rảnh rỗi, ông muốn làm một công việc nhẹ, có thể kết thúc nhanh, trong khi chờ đợi một đề tài sáng tác.


      Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, Võ Phiến là một thành viên của Hội đồng Văn hóa Giáo dục Miền Nam từ 1970 đến 1974, và là giáo sư văn chương tại Đại Học Hòa Hảo ở Long Xuyên và Đại Học Phương Nam ở Sài gòn từ 1973 đến 1975.


      Tháng 4 năm 1975, Võ Phiến cùng gia đình rời Việt Nam di tản qua Mỹ. Lúc đầu ông sống ở Minneapolis. Kể từ năm 1977, ông định cư ở Los Angeles, tại đây ông làm công chức ở sở Thuế vụ, rồi ở sở Hưu bổng cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1994. Qua năm 2003, ông dời về Orange County. Ở Mỹ, Võ Phiến bị mổ tim hai lần, năm 1985 và năm 1992.


      Sau ngày bỏ nước ra đi, Võ Phiến đã trải qua nhiều cơn khủng hoảng tinh thần. Nhưng rồi ông cũng nhanh chóng cầm bút trở lại. Ông cộng tác với các báo «Hồn Việt» ở California, «Việt Báo» ở Washington D.C. và «Quê Mẹ» ở Paris. Đầu năm 1978, ông chủ trương tờ «Văn Học Nghệ Thuật», đây là tờ báo đầu tiên ở hải ngoại về văn học nghệ thuật, nhưng không may mắn sống lâu vì thiếu phương tiện tài chánh. Sau đó ông cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ. Năm 1983, Võ Phiến nhận được trợ cấp của Chương Trình Nghiên Cứu Đông Dương thuộc Ủy Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Hoa Kỳ (Indochina Studies Program, Social Science Research Council) để thực hiện bộ sách «Văn Học Miền Nam 1954-1975».


      Ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, Võ Phiến suốt đời là một công chức, viết văn là nghề tay trái, hơn thế, nó là một đam mê khiến ông sáng tác không ngừng. Tuy nhiên biến cố năm 1975 đã gây một chuyển hướng trong tác phẩm của ông.


      Về số lượng thì trước 1975 Võ Phiến có: 3 tiểu thuyết, 26 truyện ngắn, 60 bài tùy bút, 77 bài tiểu luận, 18 bài tạp luận, 5 bản dịch, 7 bài thơ. Từ 1975 đến năm 2000, ông có 1 tiểu thuyết, 13 truyện ngắn, 31 bài tùy bút, 21 bài tiểu luận, 6 bài đối thoại, 44 bài thơ và bộ sách «Văn Học Miền Nam» gồm 7 cuốn.


      Vậy đã có một chuyển hướng về thể loại sau 1975. Phần truyện đã giảm bớt nhiều, phần thơ dồi dào hơn và được trình bày trong tập thơ đầu tiên tựa đề « Thơ Thẩn », lại có thêm phần nhận định về văn học. Tại sao Võ Phiến làm thơ nhiều sau năm 75 ? Ông có cho tôi biết ông làm thơ mỗi lần ông bị khủng hoảng tinh thần, như khi bỏ nước ra đi, khi ông bị mổ tim và những lúc ông cảm thấy mình già nua sắp lìa đời. Và tại sao sau cuốn tiểu thuyết «Nguyên vẹn» và 13 «Truyện thật ngắn», viết sau 75, Võ Phiến không còn sáng tác truyện nữa? Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Australia of South Melbourne, năm 1996, Võ Phiến tuyên bố rằng sau hai mươi năm sống ở xứ người, ông vẫn có cái cảm tưởng sống bên lề xã hội của người ta, cái nhìn của ông về xã hội đó là cái nhìn bàng quan, mà cái nhìn bàng quan thì không gây được xúc cảm cần thiết cho việc sáng tác. Vậy Võ Phiến đổi thể loại và cũng đổi hình thức tùy bút. Sau 75, một số tùy bút của ông trở thành những bức thư, như 13 bài «Thư gửi bạn» và 6 bài «Lại thư gửi bạn». Ngoài ra còn có một hình thức mới, đó là những bài đối thoại. Đối thoại về bom nguyên tử, về dịch thơ, tả cảnh v.v… Những thay đổi đó cho thấy Võ Phiến khi viết cần có một người đối diện, dù là một người tưởng tượng, để đối thoại. Phải chăng để cảm thấy bớt trống trải, bớt cô đơn nơi xứ người?


      Nói chung, tác phẩm của Võ Phiến có thể được chia ra 2 phần, phần sáng tác : truyện, tùy bút và thơ, và phần suy tưởng, nhận định về văn học.


      Võ Phiến xây dựng truyện, tùy bút và thơ xung quanh hai chủ đề lớn : ra đi và hoài cổ. Nhiều nhân vật của ông đã ra đi từ một nơi chốn mà họ gắn bó. Chị Lê và ông tú Từ Lâm, trong truyện «Đàn Ông», đã bỏ làng ra đi, truyện «Hoạt Cảnh II» cho thấy người dân trong làng phải lên đường để đi đến một vùng đất mới, ông cụ Hoa Lan trong «Ngày xuân êm đềm» cũng từ giã làng quê để theo con cháu đến sống ở thành thị. Có những sự ra đi từ thành phố Qui Nhơn như trong tiểu thuyết «Giã từ», trong các bài tùy bút «Thư nh໫Ngày xuân êm đềm»; đặc biệt trong «Ngày xuân êm đềm» sự ra đi từ Qui Nhơn được chuẩn bị lâu ngày, cuối cùng biến thành sự ở lại. Nhưng sự ra đi tức tưởi nhất, bi thảm nhất, là việc phải rời bỏ quê hương Việt Nam năm 1975, như trong cuốn tiểu thuyết «Nguyên vẹn», trong vài bài thơ và trong các bài tùy bút viết sau 75. Trong chuyến ra đi này, Võ Phiến liên tưởng đến Kinh Kha, một nhân vật thời Chiến Quốc. Trong thơ cổ có câu: «Kinh Kha một đi không trở lại». Trong bài thơ «Đáp bạn Chu Ly», Võ Phiến ví mỗi người dân Việt Nam bỏ nước ra đi như một Kinh Kha:

      Chuyến đi năm ấy là đi suốt

      Mỗi người miễn cưỡng một Kinh Kha.

      Và chính Võ Phiến cũng là một Kinh Kha:

      Bạn rằng nhớ buổi tiễn đưa

      Kinh Kha, bạn hỏi, bây giờ ra sao ?

      – Kinh Kha bước thấp bước cao

      Kéo lê kiếm bạc đi vào Hư Vô. (Thơ thẩn, tr. 59-60)

      Và sự ra đi cuối cùng, sự ra đi vĩnh viễn là cái chết. Nhiều bài thơ của Võ Phiến đã mang cái ám ảnh của sự chết, và sự chết luôn luôn được trình bày như một chuyến ra đi.


      Ra đi nhưng vẫn ngoảnh lại để nhìn quá khứ, vì quá khứ cần thiết để tạo nên cội nguồn. Hoài cổ của Võ Phiến có hai chiều hướng : hoài cổ về nước Trung Quốc thời xưa và hoài cổ về quá khứ của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc là cái nôi văn hóa đã ảnh hưởng lâu dài đến văn hóa Việt Nam. Trong tiểu thuyết «Đàn Ông», ông tú Từ Lâm biến nước Trung Quốc xa xưa thành một huyền thoại:

      «Trong nước Tàu cổ cái gì còn lại có thể sờ mó được ấy là những đồ sứ. Cho nên ông tú Từ Lâm bênh vực đồ sứ […] Bởi vì cái gì của Tàu thì càng xưa nó mới càng thiệt là của Tàu. Cái chén màu đen đời Tần, cái ấy mới cảm động làm sao ! Cầm tới món chén dĩa ấy như chạm nhằm lịch sử Cổ Trung Hoa trên mười đầu ngón tay.» (2)

      Trong bài tùy bút «Ngày của Chúa», khi nghĩ đến cuộc sống quay cuồng, hối hả ở xứ người, Võ Phiến viết:

      «Nước Mỹ này thuộc về thời buổi mới; người Mỹ hễ ra đường là cứ bổ nhào tới như ma trật đám quải. Khó tìm ra một người Mỹ biết đi đứng khoan thai […] Thỉnh thoảng nên ghé qua khu phố Tàu mà xem cách thức người ta vận chuyển hai chân […] họ đưa chân lững thững lờ thờ. Trên các nẻo đường họ biểu diễn những bước chân trung cổ, những bước chân mang nặng năm nghìn năm lịch sử. Những bước chân dù đang diễn ra trước mắt nhưng đã là một di tích. Cái đám dân Đông phương ấy, họ biểu diễn một truyền thống văn hóa, một quan niệm nhân sinh bằng chân, bằng cặp giò lơi xịch, ơ hờ thế sự.» (3)

      Nhưng sâu đậm nhất là nỗi hoài cổ về quá khứ của dân tộc Việt Nam. Tác giả bài tùy bút «Lại thư nhà» khi bé không tiếp cận lịch sử Việt Nam qua lời giảng dạy của thầy giáo ở trường mà qua lời kể của người bà, một bà cụ quê mùa thích kể những chuyện đời xưa mà bà gọi là «mọi lần». Trong truyện «Thị Thành», Trần Hùng hãnh diện về ngôi nhà từ đường họ Trần, vì nó nhắc nhở anh ta nhớ đến ông tổ cách đây ba trăm năm từ Hải dương vào gây dựng cơ nghiệp tại làng Thạch kỳ. Đối với Trần Hùng việc khai phá, việc thành lập ngôi làng cũng thuộc về lịch sử Nam tiến.


      Nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt Nam, Võ Phiến dành sự ca ngợi cho ba vị vua: vua Lê Thánh Tông, vua Quang Trung và vua Gia Long. Vua Lê Thánh Tông có công mở rộng bờ cõi, đánh chiếm Đồ Bàn năm 1470 và đuổi quân Chiêm thành tới đèo Đại Lãnh. Vua Quang Trung, quê ở Bình Định như Võ Phiến, được ca ngợi vì khí phách ngang tàng, lẫm liệt. Võ Phiến nhắc rằng vua Quang Trung là người có sáng kiến dùng một chiếc võng cho ba người lính: một người nằm, hai người khiêng, luân phiên thay đổi nhau. Do đó việc di chuyển được liên tục mà binh lính đỡ mỏi mệt, sẵn sàng thi hành chiến lược đánh chớp nhoáng của nhà vua. Võ Phiến còn đưa ra một giả thuyết cho rằng vua Quang Trung đã dùng bánh tráng để làm lương thực cho binh lính rất tiện lợi. Sau cùng, vua Gia Long là người đã cho đào kinh khơi ngòi, mở mang miền đất mới trong Nam, và là vị vua có nhiều tình cảm với người trong Nam, quý cây trái miền Nam. Cảm tình của Võ Phiến đối với ba vị vua vừa kể là do lòng tha thiết của ông đối với lịch sử của Bình Định và lịch sử của miền Nam nói chung.


      Hoài cổ của Võ Phiến cũng thể hiện qua sự tạo dựng những nhân vật nhà nho lỗi thời, như người ông trong truyện «Về một xóm quê», như ông tú Từ Lâm, đó là những nhà nho lạc loài trong một xã hội Việt Nam theo Tây học. Một nhân vật khác, ông Năm Chéo, trong truyện «Ông Năm Chéo» viết sau 75, tuy không phải là một nhà nho nhưng ông có một tâm hồn nhà nho, ông thông Hán văn, rành sử Trung Quốc và ông là một người biết trọng trung hiếu tiết nghĩa.


      Tập tùy bút «Quê hương», viết trong thời khói lửa, khi quân đội viễn chinh Mỹ, Đại Hàn v.v… ồ ạt tràn đến miền Nam, đã nói lên sự lo sợ mai kia sẽ có nhiều mất mát về cái ăn cái uống, về cách thức trang phục của dân tộc, về phong tục tập quán, một nỗi lo sợ cho sự sống còn của văn hóa Việt Nam, đó cũng là dấu hiệu tâm trạng hoài cổ của Võ Phiến.


      Ngoài ra Võ Phiến cũng có cái nhìn đầy luyến tiếc về xã hội Việt Nam khi xưa. Trong bài tùy bút «Người Mỹ bạc tình», nhân nói về cách tổ chức xã hội Mỹ khiến con người không cần đến những ràng buộc tình cảm, Võ Phiến gợi lại hình ảnh của xã hội Việt Nam thời xưa:

      «(Còn) trong xã hội nông nghiệp nước ta ngày xưa con người mọc rễ thật sâu tại mỗi địa phương. Khi người ta đã sống từ đời nọ sang đời kia, kiếp này sang kiếp khác bên cạnh nhau thì bảo sao mà giao tình không thâm thúy ? Từ bé tới lớn cùng tắm ao tắm suối với nhau, đánh bi đánh đáo với nhau, cùng học một trường một thầy, cùng đi cày đi cấy bên nhau, cây xoài quí của vườn nhà này là do hột giống nhà kia đem biếu, cô gái nhà kia là con dâu nhà nọ, ông bác già nhà này ngã ngựa nếu không nhờ cậu cả nhà kia kịp thời cứu đỡ thì đã qui tiên v.v… Ân nghĩa chằng chịt, kỷ niệm chập chồng.» (4)

      Phần hai của tác phẩm gồm những suy tưởng, nhận định về văn học. Võ Phiến là một nhà văn luôn băn khoăn về vấn đề sáng tác, cho nên ngay từ khi còn ở trong nước ông đã có nhiều suy tưởng về những vấn đề liên quan đến văn học. Chẳng hạn : Nhà văn có trách nhiệm gì trong xã hội? (5), Hồn của ngôn ngữ là gì? (6), Thế nào là một tác phẩm lớn? (7), Kỹ thuật viết tiểu thuyết (8) v.v… Trong thời gian này, ông chăm chú theo dõi trào lưu Tiểu thuyết mới ở Pháp.


      Ra hải ngoại, Võ Phiến và các nhà văn miền Nam đương đầu với một thực tế phũ phàng mà trong lịch sử văn học Việt Nam giới cầm bút chưa hề biết đến, đó là vấn đề sáng tác xa quê hương, xa cội nguồn, một trải nghiệm đầy khắc khoải. Ngay từ «ngày thứ 300 trên đất khách quê người», nói theo Võ Phiến, ông đã nhận định rằng : «Ngôn ngữ nó phản ảnh trung thành nếp sống xã hội […] Tiếng nói của dân tộc, nó sống như một cơ thể.» (9) Và tiếng nói của dân tộc thì chỉ có ở quê nhà. Lâu ngày kẻ viết văn ở nước ngoài không dùng được cái ngôn ngữ sống động của dân tộc nữa. Võ Phiến nhận xét rằng các tác giả trẻ đã và đang sáng tác mạnh ở hải ngoại đều thuộc thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, do đó họ vẫn còn giữ được văn hoá Việt Nam và tiếng mẹ đẻ. Và lớp người đọc cũng cùng thế hệ hay thuộc những thế hệ trước. Nhưng khi thời của các cây bút trẻ ở hải ngoại hiện nay qua đi thì còn ai để tiếp tục viết và còn ai để tiếp tục đọc, vì các thế hệ đi sau sẽ rời xa tiếng mẹ đẻ để dùng ngôn ngữ của nơi họ cư ngụ. Đối với Võ Phiến, viết văn ở hải ngoại có nhiều trăn trở, người viết vừa viết vừa tự hỏi mình thuộc về dòng văn học nào đây. Và Võ Phiến đã sáng suốt kết luận rằng văn học hải ngoại không có tương lai. Nếu những người cầm bút chỉ tạm thời ở hải ngoại, và nếu cảm nghĩ của họ không quá xa cảm nghĩ của người dân trong nước thì dòng văn học Việt Nam ở nước ngoài một ngày kia có hy vọng trở về nhập vào dòng văn học quốc nội. Tuy nhiên niềm hy vọng đó không thoát khỏi những hoài nghi, vì sự khác biệt giữa cuộc sống trong nước và cuộc sống ở hải ngoại.


      Ngoài những suy tưởng về tương lai của văn học hải ngoại, văn học nói chung vẫn là đề tài trăn trở của Võ Phiến, ông đã gửi gắm những suy tư của ông trong những bài như: «Viết sách nuôi cây», «Văn phong, nhân cách», «Cái văn cái vẽ», «Nhà văn», «Viết chơi» v.v… Trong khi Mai Thảo cho rằng văn chương là chuyện đùa nghịch, Mai Thảo muốn nói đùa nghịch với chữ nghĩa, thì đối với Võ Phiến văn chương là phản kháng. «Đoạn trường tân thanh» là phản kháng, nếu không, nó đã không «đoạn», nó đã là «toàn trường», là «toàn hảo trường tân thanh». «Chinh phụ ngâm» là phản kháng, nếu không nó đã là «Phu phụ hoan ca». Theo Võ Phiến, văn chương mà không phản kháng là văn chương minh họa và là một điều bất thường.


      Sự ra mắt của bộ sách «Văn Học Miền Nam» là một biến cố văn học. Trong bài tựa cuốn «Văn Học Miền Nam tổng quan», Võ Phiến nêu lên những lý do khiến ông bắt tay vào một công trình tổng kết lớn lao. Lý do thứ nhất là «cả một thế hệ văn học không có phê bình» và lý do thứ hai là «việc hủy diệt văn hóa phẩm miền Nam sau 75». Cũng trong bài tựa đó, Võ Phiến không tự nhận mình là một nhà phê bình, một nhà viết lịch sử văn học, ông cho rằng những gì ông viết về các tác giả miền Nam là những nhận xét liên quan đến nền văn học và các nhà văn một thời mà thôi. Nhưng đó là một cách nói khiêm tốn. Hẳn Võ Phiến không phải là một nhà phê bình chuyên nghiệp, có một phương pháp phê bình khoa học như ta thường thấy ở Tây phương. Nhưng trước khi đọc các tác phẩm, Võ Phiến đã có sẵn một kiến thức rộng rãi, đã tự trang bị cho mình một quan điểm thẩm mỹ được nghiền ngẫm trong nhiều năm, một nguyên tắc chủ đạo theo đó nhận định về một tác giả là nhận định về tâm hồn. Theo Võ Phiến: «Trình bày thành công là thổi linh hồn vào nghệ phẩm» (10). Điều quan trọng đối với Võ Phiến là phong cách của tác giả, mà phong cách là cái «dung mạo của một tâm hồn», bắt được một tâm hồn bằng lương tri, bằng trực giác trong một tác phẩm tức là bắt được cái đẹp. Do đó việc nhận định về văn học của Võ Phiến đã dựa trên một nền tảng vững chắc, nhất quán. Quan niệm của Võ Phiến khiến chúng ta liên tưởng đến lời thổ lộ của Hoài Thanh trong bài «Nhỏ to» : «Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn.» (11)


      Ở đây chúng ta có thể ngừng lại để tự hỏi: «Còn Võ Phiến? Phong cách của ông là gì?» Phong cách của Võ Phiến là cái giọng của ông. Việc dùng khẩu ngữ của Võ Phiến cho độc giả cái cảm tưởng thân mật, gần gũi; khẩu ngữ và cách nói nhã nhặn, dí dỏm và duyên dáng tạo nên cái giọng độc đáo của ông.


      Khi nhận định về văn học, Võ Phiến không tránh khỏi kinh nghiệm của một nhà văn, nhưng ông cố quên mình là một nhà văn để tự đặt mình trong tâm trạng của người đọc, tò mò và hăm hở đi tìm cái đẹp trong tác phẩm. Tất nhiên trong tương lai sẽ có những nhà phê bình, những nhà chuyên về lịch sử văn học có thể đi xa hơn trong công việc nghiên cứu văn học miền Nam, với những phương tiện đầy đủ hơn, những phương pháp khoa học hơn. Nhưng trong hiện tại, bộ sách «Văn Học Miền Nam» của Võ Phiến phải được xem như một công trình nhận định về văn học miền Nam. Sau năm 1975, Võ Phiến là người đầu tiên trình bày những nhận định về văn học miền Nam, trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn về tư liệu.


      Nói đến Võ Phiến cũng là cơ hội để nhắc đến nền văn học miền Nam thời 54-75. Ước mong trong tương lai các nhà viết lịch sử văn học sẽ nhấn mạnh vào cái sự kiện là nền văn học đó tuy nó có một tuổi thọ rất ngắn, nhưng nó đã hình thành và phát triển trong một thời kỳ then chốt của lịch sử Việt Nam, một thời kỳ xen kẽ giữa hai chế độ : chế độ thuộc địa và chế độ cộng sản thời thống nhất thiếu tự do. Trong thời kỳ 54-75 ở miền Nam, mặc dù có sự kiểm duyệt của chính quyền vì tình trạng chiến tranh, các nhà văn vẫn có cái may mắn được sống trong một bầu không khí tự do, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Võ Phiến đã nhắc lại cái tinh thần tự do, phóng khoáng của thời đó như sau:

      «Ở miền Nam Việt Nam thời 54-75, giữa hoàn cảnh chiến tranh, đã phát triển một nền văn nghệ khác hẳn. Trên sách báo tha hồ nở rộ những tràng cười sảng khoái, công kích điều sai chuyện quấy, đùa giễu những phần tử xấu xa […] Nạn nhân là từ hạng những tay cầm đầu một tỉnh cho đến các vị cầm đầu cả nước. Tiếng cười cợt ngang nhiên, hể hả râm ran khắp cùng trên mặt sách báo.» (12)

      Cuộc đời của Võ Phiến là một cuộc đời tận tụy với văn học. Trong thời gian hai mươi năm, Võ Phiến đã góp phần vào việc xây dựng văn học miền Nam bằng những sáng tác, biên khảo của ông, bằng những hoạt động nhằm mục đích làm phát triển văn học. Ông là chứng nhân của thời đại, và là một chứng nhân nhập cuộc, khẳng định lập trường của mình. Tác phẩm và những suy tưởng của ông phản ánh những bước thăng trầm của lịch sử, của văn học. Ở hải ngoại, dù bao khó khăn, dù sức khỏe suy yếu, ông không ngần ngại bắt tay vào một công trình dài hơi, đòi hỏi nhiều can đảm, để bênh vực văn học miền Nam, để cứu nền văn học đó khỏi sự hủy diệt, sự lãng quên. Có thể nói, Võ Phiến là một nhà văn đầy nhiệt huyết với quê hương và dân tộc.


      Liễu Trương

      Nguồn: lieutruong.com

      Chú thích


      (1) Xem bài « Võ Phiến và Maupassant » của Liễu Trương, Văn Học, California, số 199, tháng 11-2002.

      (2) Võ Phiến, Tiểu thuyết II, tr. 63-64.

      (3) Võ Phiến, Sống và Viết, tr. 39.

      (4) Võ Phiến, Tạp luận, tr. 330.

      (5) Võ Phiến, Viết trong tiếng súng, Tạp bút, tr. 125.

      (6) Võ Phiến, Ăn và Đọc, Tạp bút, tr. 61.

      (7) Võ phiến, Tác phẩm lớn tác phẩm nhỏ, Tạp bút, tr. 51.

      (8) Võ Phiến, Tạp bút – Phần II.

      (9) Võ Phiến, Thư gửi bạn đọc, Tùy Bút II, tr. 240.

      (10) Võ Phiến, Viết, tr.21.

      (11) Hoài Thanh, « Thi Nhân Việt Nam (1932-1941) », Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Hà Nội, 1943, Đông Nam Á Paris tái bản 1986, tr. 392.

      (12) Võ Phiến, Đàm thoại, tr. 188.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nụ Cười Của Nàng Joconde Liễu Trương Nhận định

      - Hiện tượng sách dịch ở miền Nam thời 54-75 Liễu Trương Nhận định

      - Truyện "Bóng Đè" của Đỗ Hoàng Diệu một huyễn tưởng của vô thức Liễu Trương Nhận định

      - Sứ Mạng Của Người Cầm Bút Theo Linh Mục Thanh Lãng Liễu Trương Nhận định

      - Đi Vào Giấc Mơ Thổ Với Trần Vũ Liễu Trương Nhận định

      - Võ Phiến Một Đời Cầm Bút Liễu Trương Nhận định

      - Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Ở Pháp Liễu Trương Khảo luận

    3. Bài viết về nhà văn Võ Phiến (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Võ Phiến

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Thơ Với Thẩn (Lê Hữu)

      Tiếng Việt Diệu Kỳ Qua Góc Nhìn Của Nhà Văn Võ Phiến Và GS. Duyên Hạc Lê Thái Ất (Người Xứ Vạn)

      Bài phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách Cuối Cùng của Võ Phiến (Trúc Chi)

      Võ Phiến Một Đời Cầm Bút (Liễu Trương)

      Lễ tưởng niệm nhà văn Võ Phiến - 'ông già tinh quái' (Ngọc Lan)

      Chim và Rắn: cái nhìn tương đối trong văn chương Võ Phiến (Đặng Tiến)

      Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến (Đặng Tiến)

      Bốn Mươi Năm Võ Phiến Nhà Văn Lưu Đầy (Ngô Thế Vinh)

      Với Nhà Văn Võ Phiến: Thơ Như Con Sông Đào, Tùy Bút Như Con Sông Thiên Nhiên (Trần Văn Nam)

      Đôi Nét về Võ Phiến (Nguyễn Hưng Quốc)

      Võ Phiến Những năm 1960 (Nguyễn Vy Khanh)

      Nghĩ về Võ Phiến và cuốn Văn Học Miền Nam, Tổng Quan (Bùi Vĩnh Phúc)

      Võ Phiến (Học Xá)

      Tưởng niệm nhà văn Võ Phiến (1925-2015): Trúc Chi, Nguyễn Tường Thiết, Liễu Trương, Trùng Dương, Trần Văn Nam...

      Võ Phiến Với Văn Học Miền Nam (Đặng Tiến)

      Võ Phiến (tienve.org)

      Võ Phiến (Nguyễn Hưng Quốc)

      Đọc tác phẩm cuối cùng của Võ Phiến (Nguyễn Hưng Quốc)

      Phong cách Võ Phiến (Nguyễn Hưng Quốc)

      Hành Trình Văn Chương Võ Phiến (Du Tử Lê)

      Võ Phiến (Thụy Khuê)

      Võ Phiến, cuối cùng tôi được gặp (Luân Hoán)

      Tìm hiểu thế giới nhân vật của Võ Phiến (Nguyễn Mộng Giác)

      Võ Phiến (Nguyễn Tà Cúc)

      Một Góc Nhìn Võ Phiến (Trần Yên Hòa)

      Giới thiệu nhà văn Võ Phiến (Mặc Lâm, RFA)

      Nhà văn Võ Phiến qua đời tại California (Mặc Lâm, RFA)

       

      Tác phẩm của Võ Phiến

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Một Người, Một Người... (Võ Phiến)

      Hoàng Hương Trang (Võ Phiến)

      Nhà biên khảo Giản Chi (Võ Phiến)

      Tô Thùy Yên (Võ Phiến)

      Phạm Công Thiện (Võ Phiến)

      Về Bộ Văn Học Miền Nam (Võ Phiến trả lời phỏng vấn)

      - Văn Học Miền Nam Tổng Quan

       (vietnamvanhien.net)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Hồi tưởng lại 32 năm trước về chuyến đi Định Mệnh của tàu Trường Xuân (Phạm Ngọc Lũy)

      Linh Bảo - Tác Giả Tầu Ngựa Cũ Qua Đời (Trần Mộng Tú)

      Vài suy nghĩ nhân đọc Mây trên đỉnh núi của Nguyên Vũ (Đỗ Trường)

      Giới thiệu tác phẩm Mắt Ngọc của Dương Thượng Trúc (Điệp Mỹ Linh)

      Chữ Tâm trong văn học Việt (Thái Công Tụng)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)