1. Head_

    Chu Tử

    (17.4.1917 - 30.4.1975)

    Hoài Linh

    (.0.1920 - 30.4.1995)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhạc Việt miền Nam, di sản văn hóa bất diệt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (Lê Hữu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      30-04-2025 | ÂM NHẠC

      Nhạc Việt miền Nam, di sản văn hóa bất diệt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       


      50 năm sau biến cố tháng Tư năm 1975, di sản văn hóa nào của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được xem là bền vững nhất để lại cho các thế hệ sau? Đến nay, nhiều người có chung câu trả lời: kho tàng âm nhạc miền Nam.


      Di sản ấy, kho tàng âm nhạc đồ sộ ấy, không chỉ được trân quý, bảo tồn mà còn được thế hệ tiếp nối kế thừa, tận dụng và phát huy hết mức trong mọi sinh hoạt văn hóa ở cả hai miền Nam Bắc.


      Nhạc vàng miền Nam, “tràn ngập lãnh thổ”


      “Nhạc vàng”, trong bài này, là cách gọi của người miền Bắc, đúng hơn là của nhà cầm quyền miền Bắc thời kỳ trong và sau chiến tranh. Cái “từ” này ở đâu ra và có nghĩa gì?


      Trước năm 1975, nhạc Việt ở miền Nam không có màu mè xanh, đỏ, tím, vàng chi cả. Tên gọi “nhạc vàng” cũng ít phổ biến. Nhiều lắm chỉ có ban nhạc của Đài truyền hình Sài Gòn mang tên Nhạc Vàng (do nhạc sĩ Phó Quốc Lân phụ trách) hoặc ít băng, dĩa nhạc ghi “Băng vàng”, “Nhạc vàng” chỉ với cái nghĩa là những bài nhạc chọn lọc được người yêu nhạc ưa chuộng về tình yêu quê hương, lứa đôi và thường là nhạc êm dịu. Trong khi đó, miền Bắc gọi chung những bài nhạc trữ tình thuở trước và nhạc miền Nam thời đất nước chia đôi là “nhạc vàng” với nghĩa “tiêu cực” (chữ dùng trong nước). Chữ “vàng” ngụ ý vàng vọt, vàng võ, héo hon, được/bị “nhà nước” xem là sản phẩm của “văn hóa đồi trụy của ngụy quyền miền Nam”, đồng thời cảnh báo người dân chớ có nghe hay hát hỏng loại nhạc ủy mị, ru ngủ và bệnh hoạn này mà rước vạ vào thân. Nhạc vàng, như thế chỉ là cách gọi chung chung, đặc biệt nhắm vào những bài nhạc phổ biến và được yêu chuộng ở miền Nam.


      Tuy thế, vẫn có những người yêu nhạc vàng đến độ phớt lờ lời cảnh báo nghiêm khắc ấy để rồi mang họa thật. Bản án nặng nề hơn 10 năm tù tội dành cho Lộc “Vàng”, Toán “Xồm” và “đồng bọn” ở Hà Nội năm 1968 với tội danh “tuyên truyền văn hóa đồi trụy” qua việc tụ tập, đàn đúm hát nhạc vàng là câu chuyện xót xa đến nay nhiều người vẫn chưa quên. Biệt danh “Lộc Vàng”, với chữ “Vàng” gắn liền với tên chàng trai 23 tuổi, như trái tim chàng luôn gắn bó, thủy chung với tình yêu nhạc vàng.


      Theo lời Lộc Vàng, “Những bài nhạc trữ tình trước năm 1954 được gọi là nhạc vàng. Tôi hay hát nhạc vàng nên bạn bè gọi tôi là ‘Lộc Vàng’. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này thật hay, thật trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”


      “Hát cho nhau nghe”, hóa ra “cụm từ” này đã được nhóm Lộc Vàng sử dụng ở miền Bắc từ dạo ấy. Chỉ có khác là chương trình hát chui này không kéo dài được lâu, dẫn cả nhóm vào vòng lao lý, chôn vùi cả một thời tuổi trẻ.


      Trong số những bài nhạc mà nhóm Lộc Vàng tụ tập đàn hát với nhau có thể kể tên ít bài như “Chuyển bến”, “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, “Suối mơ” của Văn Cao, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh, “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương… và một số bài của các nhạc sĩ miền Nam như “Tiếng đàn tôi” của Phạm Duy, “Hoài cảm” của Cung Tiến, “Ai về sông Tương” của Thông Đạt, “Hình ảnh một buổi chiều” của Lâm Tuyền, “Cô nữ sinh Đồng Khánh” của Thu Hồ, “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên, “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng…. Những bài kể trên cũng cho thấy nhạc vàng miền Nam bằng con đường nào đó đã “xâm nhập” được vào miền Bắc. Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả “Nụ cười sơn cước”, cũng cho biết, “Chưa giải phóng miền Nam mà tại miền Bắc đã vang lên, từ các gia đình cán bộ đến quán trà đầu phố, những tiếng hát Thái Thanh, Lệ Thu, Hà Thanh, Elvis Phương và nhất là Khánh Ly, cái giọng ma quái đã hút hồn cả những nhà lãnh đạo ‘có cỡ’ bằng những ca khúc của Trịnh Công Sơn.”(1)



      Nhạc vàng, như thế gồm cả những ca khúc thời tiền chiến (cách gọi tương đối). Tác giả những ca khúc này, một số ở lại miền Bắc sau ngày đất nước chia đôi, đã buộc phải gạt nước mắt chia tay những đứa con tinh thần mang số phận hẩm hiu của mình. Mãi đến sau năm 1975 những ca khúc “lãng mạn tiểu tư sản” này mới được “giải phóng” và các nhạc sĩ này mới có cơ hội được nghe ca sĩ… miền Nam hát nhạc của mình.


      Nhạc đỏ miền Bắc, trong khi đó, chỉ nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho toàn thắng”. Âm nhạc, tất nhiên cũng phải theo hướng “Nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Không có chỗ nào cho những câu hát viễn vông, mơ mộng như…

      Anh mong chờ mùa thu

      Tà áo xanh nào về với giấc mơ

      Màu áo xanh là màu anh trót yêu

      (“Thu quyến rũ”, Đoàn Chuẩn-Từ Linh).


      Hoặc,


      Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió

      đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây

      muôn kiếp bên nàng

      (“Dư âm”, Nguyễn Văn Tý)

      Những câu hát thật lạc lõng giữa một rừng “tiến quân ca” hừng hực khí thế, rõ ràng là “phản động”, là đi ngược lại đường lối, chính sách của “Đảng và nhà nước ta” và làm suy giảm tinh thần chiến đấu của “toàn quân, toàn dân ta”. Việc đàn đúm hát hỏng, phổ biến những bài nhạc này rõ ràng là cần phải lên án và trừng trị thật đích đáng để răn đe những kẻ còn tiếc nuối, tơ tưởng đến dòng nhạc vàng đồi trụy này.


      Sau tháng Tư năm 1975, cùng với chiến dịch bài trừ, tiêu hủy văn hóa phẩm độc hại, nhạc vàng miền Nam là một trong những món hàng quốc cấm, thậm chí bị chụp mũ, bị dán nhãn chính trị là “nhạc phản động”. Lớp trẻ ở thành phố bị xách động, lùa xuống đường phố hô khẩu hiệu, giăng biểu ngữ “Thanh niên, học sinh, sinh viên không nghe, không hát, không cất giữ loại nhạc nhảm nhí, ủy mị, phản động”.



      Người dân miền Nam, một phần không muốn bị chụp cho cái mũ “phổ biến nhạc phản động”, một phần sau cuộc đổi đời tối tăm mặt mũi chẳng ai còn hứng thú chuyện đàn địch hát xướng. Nhạc vàng thời kỳ này bị săn đuổi, truy lùng ráo riết phải tạm thời “di tản chiến thuật”, im hơi lặng tiếng, nhường chỗ cho “nhạc đỏ” hay “nhạc cách mạng” một mình một chợ, tha hồ múa gậy vườn hoang từ các sân khấu trình diễn đến những chiếc loa phường treo máng trên những cột điện dây nhợ chằng chịt.


      Nhạc đỏ, nếu không là những “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung (& Gia Dũng), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên), “Hát mãi với Trường Sơn” (Phạm Hồng Sơn), “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp & Phạm Tiến Duật) thì cũng là những “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp & Mô Lô Y Choi), “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), hay “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (Lư Nhất Vũ)…, những bài ca “năm tấn, mười tấn” cứ véo von, rầm rập đập vào tai người dân tội tình ngày này sang ngày khác.


      Lịch sử đã sang trang, chiến tranh đã đi qua, giang sơn đã thu về một mối, những bài nhạc đỏ gọi là “đi cùng năm tháng” ấy xem như đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ lịch sử và người trong nước cũng chẳng còn hứng thú gì để nghe đi nghe lại mãi, cho dù có là “nhạc đỏ trữ tình” mà cần thay đổi những “món ăn” khác cho dễ tiêu hóa hơn.


      Sớm nhận ra điều này, những tay nhạc sĩ của “phong trào nhạc trẻ” ở miền Nam ngày trước như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Quốc Dũng… cùng với các nhạc sĩ trong nước như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vy Nhật Tảo, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung… bèn ngồi lại bàn bạc, loay hoay tìm một con đường thoát, một lối ra. Từ đó, khơi dậy phong trào gọi là “Ca khúc chính trị”, khởi đầu chơi nhạc Liên Xô, Tiệp Khắc, Cuba… dần dà tiến đến nhạc pop rock của Tây phương, mô phỏng “nhạc trẻ” miền Nam với phong cách trẻ trung, sôi động và nhất là dễ nghe, dễ thở, dễ chịu hơn.


      Những nhóm “Ca khúc chính trị” này về sau gỡ bỏ hẳn cái đuôi “chính trị” khô cứng, nặng nề, đổi tên thành “Nhạc nhẹ” cho… nhẹ nhàng hơn, dễ nghe hơn, đi với những bài bản tự sáng tác, tự trình diễn, gọi là “tự biên, tự diễn” để lấp vào khoảng trống của nhạc Việt.


      Tên gì thì tên, những tên gọi đó cũng chỉ như những vỏ bọc che chắn và có tính cách giai đoạn như là những bước chuyển tiếp để dần dà trở thành dòng nhạc mới mẻ rất gần với “nhạc vàng” miền Nam, từ giai điệu, tiết điệu, thể điệu đến ca từ, đến cả cách đặt tựa, như “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), “Một thời áo trắng” (Nguyễn Văn Hiên), “Phượng hồng” (Vũ Hoàng & Đỗ Trung Quân), “Mong đợi ngậm ngùi” (Từ Huy), “Điệp khúc tình yêu” (Trần Tiến), “Gõ cửa tình yêu” (Nguyễn Đức Trung), “Chia tay tình đầu” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Bên em là biển rộng” (Bảo Chấn), “Nỗi nhớ mùa đông” (Phú Quang & Thảo Phương), “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng)… Cũng lá me xanh, cánh phượng hồng, cũng giọt nắng, giọt buồn, cũng sợi nhớ, sợi thương.


      Nhiều nhạc sĩ của dòng “nhạc cách mạng” cũng chuyển hướng sáng tác để dọn ra những món ăn tinh thần thích hợp với khẩu vị người yêu nhạc trong thời kỳ “đổi mới” này. Một dòng nhạc mới, nếu không hẳn là nhạc vàng thì cũng… vàng vàng, róc rách chảy vào sinh hoạt ca nhạc ở trong nước tự lúc nào.(2)


      Cứ thế, cùng với những lần xét duyệt nhỏ giọt cho phép phổ biến những bài nhạc của miền Nam trước năm 1975, nhạc vàng lần lần đi vào sinh hoạt ca nhạc trong cả nước, lần lần đẩy lùi nhạc đỏ ra khỏi các sân khấu trình diễn. Nhạc đỏ, nếu không biến mất thì cũng mờ nhạt, họa hoằn lắm được các “nghệ sĩ nhân dân, ưu tú” biểu diễn, hâm nóng lại để chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử trọng đại của “nhà nước ta” như lễ kỷ niệm “50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” sắp tới đây.


      Nhạc vàng, đến một lúc nào đó, không đợi nhà nước cho phép, trình diễn “vô tư” khắp hai miền Nam Bắc, từ những sân khấu, những phòng trà ca nhạc đến những quán karaoké với danh sách thật là dài những bài bản nhạc vàng, cho đến những quán xá lớn nhỏ ngoài đường trên phố và cả những người hát rong, những giọng ca đường phố kéo theo những thùng “loa kẹo kéo” nỉ non những bài nhạc vàng quen thuộc cho bà con thưởng thức miễn phí. Đến đây thì dòng nhạc này đã tuôn chảy tràn lan, từ thành phố đến thôn quê, từ trong nhà ra ngoài phố, nô nức xuống đường để “Hát cho dân tôi nghe”, như tên bài hát quen thuộc của Tôn Thất Lập thuở nào.


      Quả đúng như nhận định của Hoàng Hưng, nhà thơ, nhà báo miền Bắc quen tên, từng sinh sống ở miền Nam nhiều năm sau 1975: “Nhu cầu ca hát, một trong những nhu cầu tự nhiên nhất của con người, sau nhiều năm bị ‘nhạc đỏ’ độc quyền thống trị, đã bùng lên với ‘nhạc vàng’ khắp phố phường ngõ xóm (…) Đến mức bây giờ, nhạc ‘boléro’ một thời vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sài Gòn, nay đang ‘tràn ngập lãnh thổ’, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát.” (3)


      Từ “nhạc đỏ”, “nhạc cách mạng” cho đến “nhạc vàng” trong cả nước hiện nay là một quá trình chuyển đổi theo “quy luật tất yếu của lịch sử xã hội loài người” (nói theo lối nói quen thuộc của “Đảng và nhà nước ta”).


      Nhạc vàng của một thời vàng son đã được vực dậy, đã hồi sinh với sức sống mạnh mẽ. Nhà cầm quyền miền Bắc, sau những cố gắng bằng đủ mọi cách, nay hiểu ra rằng, không tài nào hủy hoại được kho tàng văn hóa ấy của người miền Nam, không tài nào chận đứng được mọi nẻo đường quay về của nền âm nhạc miền Nam.


      Nói như cách nói của nhà báo Huy Đức, tác giả Bên thắng cuộc (đang thụ án 30 tháng tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ”) thì trong cuộc đọ sức với nhạc đỏ miền Bắc, rõ ràng là nhạc vàng miền Nam đã toàn thắng, đã “tràn ngập lãnh thổ” để trở thành di sản văn hóa bất diệt của chính thể VNCH để lại cho các thế hệ sau.


      Nhạc vàng miền Nam, “trẻ mãi không già”


      Với người miền Nam từng nhiều năm gắn bó với đất nước quê hương mình, âm nhạc không đơn thuần là giải trí mà luôn gần gũi, thân thiết trong mọi sinh hoạt thường ngày và làm giàu thêm đời sống tinh thần của con người. Hơn thế nữa, lịch sử, vận mệnh nổi trôi của dân tộc cũng được tìm thấy qua dòng nhạc Việt.


      Âm nhạc tạo niềm hứng khởi, tin yêu vào cuộc sống hay mang đến nguồn thư thái, bình an trong tâm hồn như người bạn đồng hành. Mỗi bài nhạc yêu thích thường được gửi gấm những tâm sự, nỗi niềm hay gợi lại những kỷ niệm buồn vui đời người. Nghe một bài nhạc cũ, có được những phút thư giãn nhẹ nhàng như được sống lại những tháng năm tươi đẹp nhất của đời người.


      Sau biến cố tháng Tư năm 1975, nhạc Việt miền Nam, tân nhạc, cổ nhạc đều bị nhà cầm quyền miền Bắc cấm đoán, lên án và tìm đủ mọi cách để “xóa sổ” nhưng người miền Nam vẫn nuôi giữ mãi trong tim, vẫn gìn giữ tài sản văn hóa quý giá ấy bằng mọi hình thức và bằng tình yêu âm nhạc không hề nhạt phai. Cho đến một ngày “nhạc vàng” được chào đón trở lại, thênh thang “lối cũ ta về”, người yêu nhạc mừng vui như gặp lại người thân yêu sau những năm dài biền biệt xa quê.


      Hát nhạc vàng miền Nam là hát về một quê hương yêu dấu, một miền Nam thân yêu còn sống mãi trong tâm tưởng người Việt yêu tự do, dân chủ, nhân quyền và đất nước quê hương mình.


      Với người miền Bắc–đối tượng chịu tác động lớn nhất của sự chuyển đổi từ nhạc đỏ sang nhạc vàng–sau nhiều năm chỉ quen nghe quen hát một “dòng nhạc” vì không có sự chọn lựa nào khác, đã sớm bị nhạc vàng miền Nam chinh phục khi biết được rằng còn có một nền âm nhạc khác ở trong Nam không giống những bài nhạc đỏ khô khốc như những khẩu hiệu tuyên truyền. Nhạc vàng được ví như một trong những “món ngon vật lạ” ở trong Nam, là món “đặc sản” chỉ có ở trong Nam hay nói theo “từ” miền Bắc, là “đặc trưng” của nền âm nhạc miền Nam.


      Điều lý thú và hấp dẫn với người miền Bắc khi đặt chân lên miền Nam là sinh hoạt âm nhạc phong phú, nhiều màu sắc trên phần đất này. Từ những giàn máy cassette, những băng nhạc, dĩa nhạc, những giàn loa công suất lớn đến những sách nhạc, tờ nhạc, đến những bài hát và cả những giọng hát ngọt ngào miền Nam được nghe qua lần đầu, tất cả đều là những thứ lạ lẫm khiến họ phải sửng sốt, ngỡ ngàng.


      Người miền Bắc càng thêm sửng sốt và “tỉnh” hẳn người sau khi làm quen với lời ca tiếng nhạc, giọng hát câu hò miền Nam để từ đó thay đổi cái nhìn lệch lạc và nhận ra rằng, không giống như những gì họ được/bị nhồi nhét vào trong đầu và đã tin theo như vậy, “miền Nam ruột thịt” mà họ từng hy sinh biết bao gian khổ, biết bao xương máu để “giải phóng” lại là một xứ sở tươi đẹp đến như thế, một đời sống văn minh văn hóa đến như thế và con người sống chan hòa với nhau đến như thế.



      Nhạc vàng miền Nam, những bài hát, câu hát rộn ràng, tiết tấu nhộn nhịp vẽ lên khung cảnh của một đất nước yên vui, từ Sài Gòn, “hòn ngọc Viễn Đông”, đến những thành phố rộng lớn, những đường phố thênh thang. Những “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, những con người năng động, hiền hòa và cuộc sống muôn màu muôn vẻ là những gì mà người miền Bắc có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được. Cũng nhà báo, nhà thơ Hoàng Hưng, ngày đầu đặt chân lên Sài Gòn, đi giữa lòng thủ đô miền Nam mà ngỡ như lạc giữa kinh thành ánh sáng Paris: “Chỉ cần nhớ lại cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống đường Đinh Tiên Hoàng từ chuyến xe đò đường dài, tôi tưởng mình đang từ Việt Nam sang đến Paris.”(3)


      Cùng nhau đi tới Sài Gòn

      là nơi du khách dập dồn

      Từ năm châu tới viếng thăm Thủ Đô

      Dòng sông chen chúc tàu đò

      ngược xuôi buôn bán hẹn hò

      Người dân no ấm sống đời tự do

      (“Ghé bến Sài Gòn”, Văn Phụng & Huyền Linh)



      Làm sao không khỏi hụt hẫng, ngỡ ngàng khi nhạc vàng miền Nam làm tái hiện những mùa xuân thanh bình một thuở, là cái thuở mà bộ đội miền Bắc chưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chưa khăng khăng đòi “giải phóng miền Nam ruột thịt” cho bằng được dẫu có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.


      Anh cho em mùa xuân

      Trẻ nô đùa khắp trời

      Niềm yêu đời phơi phới

      Bàn tay thơm sữa ngọt

      Giải đất hiền chim hót

      Mái nhà xinh kề nhau…

      (“Anh cho em mùa xuân”, Nguyễn Hiền & Kim Tuấn)



      Những gì mà người miền Bắc hằng mơ ước khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại thì người miền Nam, khi chưa phải đương đầu với cuộc chiến tranh từ miền Bắc, đã có những năm sống yên vui thanh bình với đời sống “ấm no, hạnh phúc” thực sự, chứ không chỉ là khẩu hiệu suông như chiếc bánh vẽ mà người dân miền Bắc chưa một lần được cầm trên tay.


      Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

      Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

      Người thương gia lợi tức / người công nhân ấm no…

      Nước non thanh bình / muôn người hạnh phúc chan hòa

      (“Ly rượu mừng”, Phạm Đình Chương)



      Cũng là từ những bài nhạc vàng ấy, người miền Bắc mới biết mới hay rằng miền Nam Việt Nam từng có một thời như thế, một thời con người được sống cho ra con người, một thời được hít thở không khí tự do phơi phới trong một đất nước tự do, dân chủ. Mọi người dân lương thiện đều được quyền sống một cuộc sống yên bình, sung túc và nhân phẩm, nhân quyền đều được tôn trọng. Miền Nam, đấy là miền “đất lành”, là nơi chốn mà người Việt nào cũng muốn được sống, được gọi là quê hương. Tất cả, là những gì mà người dân miền Bắc hằng mơ ước từ bao năm và không ngờ được rằng thiên đường mơ ước ấy không xa, chính là đời sống miền Nam ở bên kia bờ Bến Hải.


      Với thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, qua dòng nhạc Việt này và qua những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, phần nào hình dung được đời sống người dân miền Nam trước năm 1975. Từ đó có được nhận thức đúng đắn về bối cảnh chính trị, về cuộc chiến Nam-Bắc hai miền để thấy được rằng VNCH là một quốc gia độc lập có chủ quyền, có nền văn hóa văn minh hơn hẳn miền Bắc, người dân sống đời tự do, chan hòa tình nghĩa đùm bọc yêu thương.


      Nhạc vàng miền Nam, với đối tượng trẻ trung này, còn là dòng nhạc trữ tình qua những câu hát ngọt ngào về tình yêu lứa đôi và quê hương tươi đẹp.


      Trả lại em yêu con đường học trò

      Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá

      Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó

      Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt

      (“Trả lại em yêu”, Phạm Duy)



      Miền Nam, những năm chưa được “giải phóng”, những năm chưa có tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố (“Đại bác ru đêm”, Trịnh Công Sơn) là những làng quê thôn xóm thanh bình, là những con đường kinh kỳ vui muôn ánh đèn đêm (“Tìm về”, Y Vân), là nếp sống tươi vui, là hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình lên phơi phới (“Ly rượu mừng”, Phạm Đình Chương).


      Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây

      Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!...

      Tiếng cười cùng gió / chan hòa niềm vui say sưa

      La là là la là / la là là la là

      Ôi, đời đẹp quá, đẹp quá, tràn bao ý thơ!

      (Sài Gòn”, Y Vân)


      Những trai thanh gái lịch dập dìu ngoài đường trên phố. Những nụ cười rạng rỡ luôn gắn trên môi.


      Tình yêu đón chờ, đêm tối về rủ nhau trên đường phố

      Dịu hương tóc thề, vai sát kề, đời như giấc mơ

      (“Đêm đô thị”, Y Vân)



      Giới trẻ trong, ngoài nước gần đây nói rằng, họ tìm đến những ca khúc của miền Nam ngày trước để qua đó phần nào tìm hiểu về lịch sử, về cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc, từ đó có được nhận thức đúng đắn về mọi sự kiện, biến cố qua dòng lịch sử của dân tộc. Được hỏi, “Em nhận thức được những gì, kể ra xem?” một bạn trẻ trong nước trả lời rằng, “Một trong những điều khiến em ngưỡng mộ là chính quyền miền Nam vừa xây dựng, vừa phát triển đất nước trong lúc vừa phải chống trả với cuộc chiến tranh đến từ miền Bắc, vậy mà vẫn cho người dân được hưởng mọi quyền tự do và vẫn đưa đất nước từ một chính thể dân chủ còn non trẻ lên trình độ văn minh văn hóa và sung túc ngang tầm với các quốc gia phát triển ở vùng Đông Nam Á.”


      Một bạn trẻ khác, cũng ở trong nước, khi được hỏi chỉ cười cười, nói rằng em thích nghe, thích hát nhạc vàng miền Nam, và nhạc vàng ấy qua bao tháng năm vẫn tràn đầy sức sống, vẫn trẻ mãi không già.


      Nhạc lính, một nhánh riêng của nhạc vàng


      Đặc biệt, trong số nhạc vàng miền Nam phổ biến và được yêu chuộng trong nước, có một nhánh riêng, không thể không nhắc đến, gọi là “Nhạc lính”.


      Nhạc lính là nhạc vàng? Thật vậy, chỉ có điều,


      Thứ nhất, nhạc lính ở đây không phải là nhạc lính miền Bắc, lính bộ đội, mà là nhạc lính miền Nam, lính VNCH. Thứ hai, những bài nhạc lính VNCH đi bên cạnh dòng nhạc vàng không phải là nhạc hùng, chiến đấu ca với nhịp bước quân hành. Ở đây là nhạc trữ tình êm dịu, là “đặc trưng” của nhạc vàng, thường là các thể điệu boléro, rumba, ballad, habanera, slow, slow rock. “Nhạc trữ tình”, cũng là cách gọi chung chung, thường là tình yêu lứa đôi, xen vào ít bài dân ca, tình tự quê hương.


      Gọi nhạc lính miền Nam là nhạc vàng vì cũng là nhạc trữ tình, cũng dạt dào yêu thương. Nhiều nhất vẫn là tình yêu đôi lứa, là chuyện đôi mình, chỉ có khác là giữa em gái hậu phương và những anh trai tiền tuyến.

      Nếu em không là người yêu của lính

      ai đem cánh hoa rừng về tặng em

      Ai băng gió sương cho em đợi chờ

      và những lúc anh về

      ai kể chuyện đời lính em nghe

      (“Người yêu của lính”, Anh Chương).


      Hoặc,


      Xin anh che chở / tấm đời nhỏ bé hậu phương

      như câu chuyện tình “Người hùng và giai nhân”

      Những cánh hoa hồng / bên hàng rào kẽm, hầm chông

      vẫn mong bàn tay người đem tưới vun trong vườn

      (“Cánh hoa thời loạn”, Y Vân)

      Nhạc lính miền Bắc, không giống như nhạc lính miền Nam, không được kể là nhạc vàng vì là… nhạc đỏ. Nhạc lính miền Nam, thường gọi là “nhạc mùa chinh chiến”, hát về tình yêu của những lứa đôi thời chiến, những em gái hậu phương có người yêu là lính chiến, những người vợ trẻ là chinh phụ thời nay, những bà mẹ già mòn mỏi ngóng tin con là lính trận miền xa và cả những tâm tình của người lính chiến gửi về người mình thương yêu.

      Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa

      cho lòng già nặng sầu thương

      Con đi say tình viễn xứ

      đâu có quên niềm cố hương

      (“Lá thư gửi mẹ”, Nguyễn Hiền & Thái Thủy).


      Hoặc,


      Đây những chiều hành quân / xóm nghèo dừng chân

      nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm

      (“Chiều biên khu”, Tuấn Khanh & Châu Ngân)

      Chiến tranh là cách ngăn, chia lìa khi quê hương còn mịt mù khói súng, còn tơi bời lửa đạn. Những nỗi niềm riêng đành gác lại vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi.


      Nếu biết người đi vì sông núi

      cách chia này cho hạnh phúc mai sau

      chắc em không buồn vì người đi cho lý tưởng

      (“Kể chuyện trong đêm”, Hoàng Trang)


      Nhạc lính đi vào đời sống trong một đất nước chiến tranh triền miên, trong đó người lính chiến nắm chắc tay súng giữ yên bờ cõi trở thành hình ảnh thân quen, gần gũi trong mắt và trong lòng người dân, từ thành thị đến thôn quê, từ những mẹ già đến những em thơ.



      Lạ một điều, không chỉ người trong nước, không chỉ người lính cũ VNCH mà đến cả người lính miền Bắc, những cựu chiến binh cũng thích nghe thích hát, thích nghêu ngao những bài nhạc lính miền Nam, như cũng muốn chia sẻ những tâm tình, những “buồn vui đời lính” qua lời ca, tiếng hát ấy.

      Tôi là lính, âm thầm tôi nghĩ thế thôi

      Trăm lần không bao giờ tôi giận cuộc đời

      (“Lính nghĩ gì”, Hoài Linh”).


      Hoặc,


      Con biết không về mẹ chờ em trông

      nhưng nếu con về bạn bè thương mong

      Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường

      không lẽ riêng mình êm ấm

      Mẹ thương con xin đợi ngày mai

      (“Xuân này con không về”, Trịnh Lâm Ngân)

      Những lời lẽ thiết tha đến chạnh lòng. Người lính ở cả hai miền, nghe những câu hát ấy cất lên đều không khỏi nghe lòng chùng xuống, nghe tim thắt lại.


      Người lính miền Bắc hát nhạc lính miền Nam là tìm thấy mình trong bài hát ấy. Khi cùng yêu thích một bài hát, cùng hát chung một câu hát; hơn thế nữa, cùng chia sẻ những cảm xúc về bài hát là chia sẻ sự đồng cảm, đồng tình.


      Những bài nhạc lính, nhạc vàng ấy cũng khiến những ai chưa hiểu nhiều về cuộc chiến tranh hai miền Nam-Bắc đến lúc cần phải “xem lại” những lời lẽ tuyên truyền thời chiến thời bình, bôi xấu bôi đen hình ảnh người lính miền Nam. Những “lính ngụy ác ôn” (cách gọi kích động lòng căm thù) chỉ là những người trai lên đường theo tiếng gọi của non sông trong một đất nước chiến tranh để giữ cho làng xóm ruộng vườn yên vui, cho nhà nhà đêm đêm tròn giấc ngủ trong lúc vẫn khát khao một ngày hòa bình về trên quê hương.


      Nếu một mai khi hòa bình

      anh sẽ trở về như giấc mơ

      cho từng ngón tay đan lại ái ân ngọt mềm

      Từng đêm không còn tiếng súng

      Ngủ đi em / ngủ cho yên…

      (“Lời cho người yêu nhỏ”, Trần Thiện Thanh)


      Đêm không còn tiếng súng… Anh sẽ trở về như giấc mơ, những câu hát thật là đẹp! Giấc mơ ấy cũng thật là đẹp. Đấy hẳn là giấc mơ của người lính chiến ở cả hai miền và của một dân tộc khao khát tự do, mơ ước thanh bình sau bao năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh.



      Hơn thế nữa, khi tìm đến những bài nhạc lính ấy, hẳn người lính miền Bắc cũng nhận thêm ra một điều, không giống như những bài “nhạc đỏ”, người lính miền Nam không hề nuôi giữ “lòng hận thù ngút trời” hay “lửa căm thù sục sôi” với người lính bên kia chiến tuyến mà chỉ có những lời giải bày thiết tha, chân tình.

      Đã mười năm qua / tôi vẫn nặng tình nhớ anh

      Đôi mình không thể tranh giành

      Đôi mình không thể căm hờn

      Cùng chung dòng máu / bao tình nghĩa cũ ân xưa

      Xin đừng gây oán gây thù / ngàn đời sau sẽ cười chê

      (“Người bạn mười năm qua”, Y Vân).


      Hoặc,


      Xin yêu thương đến cho vơi hận thù / để tiếng hát hôm nay

      Người chiến sĩ mơ say / bên đàn trẻ thơ ngây…

      (“Mùa xuân đầu tiên”, Tuấn Khanh)

      Làm gì có chuyện Xin yêu thương đến cho vơi hận thù, cũng làm gì có chuyện Tình yêu đây là khí giới / Tình thương đem về muôn nơi… (“Việt Nam, Việt Nam”, Phạm Duy) trong “nhạc đỏ” miền Bắc, cho thấy chỗ khác nhau giữa hai nền âm nhạc hai miền và cũng hiểu được vì sao người yêu nhạc trong nước lại quay lưng với “nhạc đỏ” để tìm đến “nhạc vàng”.


      Không khó để kể ra, những bài nhạc lính quen thuộc vẫn được người trong nước yêu chuộng, như những bài nói về nỗi ước mơ một ngày hòa bình, người lính trở về sau chiến tranh trong vòng tay chờ đợi của người mình thương yêu.

      Rồi có một ngày / một ngày chinh chiến tàn

      Anh trở về quê / vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu

      Với cây đa khóm trúc hàng cau

      Với con đê có chiếc cầu tre / đã bao năm vắng chân anh...


      Rồi anh sẽ sang thăm nhà em

      Với miếng cau với miếng trầu / ta làm lại từ đầu…

      (“Một mai giã từ vũ khí”, Ngân Khánh)

      “Ta làm lại từ đầu” trên quê hương mới, quê hương thanh bình. Cuộc sống mới bắt đầu từ đây. Người người sống chan hòa yêu thương, cùng chung sức chung tay đi xây lại những giấc mơ chưa tròn. Những tâm tình ấy của người Việt yêu đồng loại, yêu đất nước quê hương được gọi là tình tự dân tộc. Nhạc lính miền Nam mang đến tình tự dân tộc.


      Nhạc lính được người yêu nhạc vàng yêu thích có thể xem như một nhánh riêng của nhạc vàng miền Nam, và cũng gọi được là những “bài ca đi cùng năm tháng”, những “bài ca không bao giờ quên” như những cách gọi phổ biến ở trong nước.


      Nhạc vàng miền Nam, ngày về trong vinh quang


      Nhạc vàng, cái “từ” này được người trong nước dành cho nhiều thiện cảm, không còn mang nghĩa xấu xí của những kẻ đặt tên cho nó, gán cho nó, và làm mọi cách để cho nó biến đi.


      Nhạc vàng bây giờ mang nghĩa “tích cực”, nghĩa ấy tóm gọn trong mấy chữ “nhạc quý như vàng” và thường đi với những mỹ từ như “siêu phẩm nhạc vàng”, “tuyệt phẩm nhạc vàng”, “tuyệt đỉnh nhạc vàng”, “nhạc vàng muôn thuở”, “nhạc vàng bất hủ”, “nhạc vàng để đời”, “nhạc vàng vượt thời gian”, “nhạc vàng đi cùng năm tháng”…, kể ra không hết.


      Nhac vàng bây giờ như đã lột xác, thay da đổi thịt, không còn “đồi trụy”, cũng hết “phản động”, cũng chẳng còn “ru ngủ” được ai, mà ngược lại, người nghe còn tỉnh táo hơn bao giờ để chủ động chọn riêng cho mình dòng nhạc nào mình yêu thích, dòng nhạc nào thực sự là của mình.


      Mọi thủ đoạn cấm đoán, bôi xấu, miệt thị, lên án và cả xách động, “đấu tố” nhạc vàng của nhà cầm quyền miền Bắc chỉ nhằm phủ nhận và hạ thấp những giá trị văn hóa của miền Nam; hơn thế nữa, tận diệt bản sắc văn hóa của người miền Nam, trong đó có nền âm nhạc phong phú, khởi sắc.


      Từ cấm đoán triệt để, từ “xử lý” đích đáng những gì dính dấp tới nhạc vàng, đến phải cấp phép từng đợt những bài nhạc vàng được phổ biến, cho đến khi không còn cấm cản gì được nữa, vì người cấm vẫn cấm, người hát vẫn hát, người nghe vẫn nghe. Sau cùng, “nhà nước ta” cũng đành phải ra văn thư chính thức (tháng 1/2019) bãi bỏ việc xét duyệt, cấp phép những ca khúc của miền Nam trước năm 1975, có nghĩa là từ nay ai muốn hát gì thì hát, muốn nghe gì thì nghe. Tất cả, cho thấy “Không ai ngăn nổi lời ca’, như tên một ca khúc quen thuộc của La Hữu Vang trong các phong trào “sinh viên tranh đấu” lên đường xuống đường ở miền Nam một thời nào.


      Người yêu nhạc vàng trước đó cũng đã dập tắt mọi ổ kháng cự lẻ tẻ, yếu ớt của ít ca, nhạc sĩ, “nghệ sĩ nhân dân, ưu tú” tên tuổi gắn liền với dòng nhạc “truyền thống cách mạng”. Mọi cố gắng chận đứng nẻo đường quay về của nền âm nhạc miền Nam hay hủy hoại kho tàng âm nhạc của người miền Nam sau cùng chỉ là những cố gắng vô ích và vô vọng.



      Cho đến một lúc, nhà cầm quyền Hà Nội cũng phải thừa nhận giá trị nền âm nhạc này như bài nhận định trong nước trên tờ báo chính thống của “nhà nước ta” về một nhạc phẩm quen thuộc của miền Nam:

      Người ta yêu thích “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương bởi những giai điệu rộn ràng, tươi vui mang nhiều thông điệp ý nghĩa và tính nhân văn trong đó. Rõ nhất là trong phần ca từ với nội dung là những lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc Việt tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội nhân ngày năm mới.(…)


      Bởi vậy cho nên dù gần 70 năm đã trôi qua kể từ ngày được ra mắt, sức sống bền bỉ trường tồn của nhạc phẩm “Ly rượu mừng” vẫn còn mãi ghi dấu trong lòng bao thế hệ yêu nhạc và vẫn được cất lên đầy hào sảng mỗi dịp xuân về.(4)

      “Sức sống bền bỉ trường tồn” của nhạc phẩm này, như bài báo thừa nhận, cũng là sức sống bền bỉ trường tồn của di sản âm nhạc miền Nam với vô số nhạc phẩm giá trị từng được các thế hệ gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày hôm nay.


      Nhiều bài nhạc, đủ mọi thể loại, thể điệu, sau biến cố tháng Tư ấy tưởng đã xếp vào dòng nhạc hoài niệm, bỗng được vực dậy, hồi sinh mạnh mẽ, tái hiện ở mọi nơi mọi lúc. Nhạc vàng, như thế xem như có đến hai đời sống, cách nhau đến gần nửa thế kỷ. Đời sống sau, tuy là tái sinh nhưng lại sống hùng sống mạnh hơn vì được phổ biến tràn lan trong cả nước chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi miền Nam như thời kỳ trước năm 1975.(2)


      Dòng nhạc mà Lộc Vàng, người dám sống và chết cho tình yêu nhạc vàng, cho là “đã ngấm vào máu” của ông và bằng hữu ông thì bây giờ cũng đã ngấm vào máu vào tim của biết bao người, kể cả những người mới làm quen với dòng nhạc này. Âm nhạc miền Nam đã đi sâu vào lòng người, ở lại trong lòng người.


      Lạ một điều, đối tượng yêu và phổ biến nhạc vàng trong nước phần lớn là giới trẻ, thế hệ lớn lên sau chiến tranh. Chính đối tượng trẻ trung, đông đảo này đã thừa kế và tạo sức sống mới cho di sản âm nhạc miền Nam. Trong nước, người ta chơi lại các bài bản nhạc Việt miền Nam hoặc làm mới lại, hoặc nếu là sáng tác mới thì có khuynh hướng theo chân, tiếp nối dòng nhạc cũ mang sắc thái của nhạc vàng miền Nam. Qua đó, cho thấy di sản âm nhạc này không những được gìn giữ, bảo tồn mà còn được kế thừa, phát huy từ thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ hiện nay như là dòng “nhạc vàng miền Nam nối dài”.


      Jason Gibbs, tiến sĩ âm nhạc, nhà soạn nhạc người Mỹ, từng có nhiều chuyến thăm Việt Nam và nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc của đất nước này, cũng tỏ sự đồng tình, “Có lẽ di sản về Việt Nam Cộng Hòa có sức sống nhất ở Việt Nam ngày nay là âm nhạc.” (5)


      Thế hệ hôm nay và tiếp nối ở trong nước được thừa hưởng một di sản đồ sộ, quý giá và tận tình khai thác như một nhu cầu tự phát. Với người miền Nam, đấy còn là khối di sản đáng tự hào, được nuôi giữ mãi trong tâm tưởng người Việt về một nền văn hóa tri thức, nếp sống văn minh, lành mạnh của một đất nước, một lãnh thổ, một chính quyền hợp hiến hợp pháp. Chính điều này mới thực sự có ý nghĩa.


      Đến đây không thể không nhắc tới sự lên ngôi của “dòng nhạc trữ tình boléro” nổi lên như một hiện tượng lạ, tạo cơn lốc cuồng nhiệt, thống lĩnh mọi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong nước. Nhạc điệu boléro vốn là “đặc sản” âm nhạc của miền Nam, nay trở thành món ăn ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị người yêu nhạc miền Bắc sau bao nhiêu năm phải nhai đi nhai lại mãi những món khó tiêu và ngán đến tận cổ. Sau nhiều năm ngủ kỹ tưởng đã tắt lịm, “dòng nhạc boléro” một ngày kia được người yêu nhạc trong Nam ngoài Bắc lay gọi, vực dậy, nâng niu đắm đuối, “phấn khởi hồ hởi” công kênh, đội vương miện lấp lánh.


      Nhạc vàng được yêu thích qua những giọng ca vàng, nhờ vậy những ca sĩ tên tuổi của miền Nam còn ở lại trong nước, tuy giọng hát không còn được như xưa, vẫn được ngưỡng mộ, tôn vinh, ngồi chễm chệ trên hàng ghế giám khảo các cuộc thi hát nhạc vàng, tuyển lựa ca sĩ boléro. Nhạc vàng hôm nay lại tiếp tục sản sinh “những thần tượng mới”, tươi mới, trẻ trung và tràn đầy sức sống.


      50 năm sau ngày kết thúc chiến tranh hai miền, ít ai ngờ được rằng dấu ấn đậm nét nhất, di sản văn hóa bền vững nhất của chính thể VNCH chính là kho tàng âm nhạc đồ sộ của miền Nam, từng có một thời bị rêu rao là “nhạc đồi trụy”, một thời bị chụp cho cái mũ “nhạc phản động”.


      Nền âm nhạc miền Nam nói chung, gồm mọi hình thái, thể điệu tân, cổ nhạc, là di sản văn hóa quý giá của chính thể VNCH, vẫn trường tồn, vẫn không mất đi bao giờ. Hơn thế nữa, được trả về vị trí xứng đáng, là “gia tài của mẹ” để lại cho người thừa kế là các thế hệ sau chiến tranh.


      Nhạc vàng, nay “làm chủ tình hình” sinh hoạt ca nhạc trong làng nhạc Việt; nói cách khác, nhạc vàng đã “nhuộm vàng” mọi hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong cả nước.


      Nhạc Việt miền Nam, một thời phải mai danh ẩn tích, một thời phải lặng tiếng im hơi, nay được cả nước đón chào nồng nhiệt, đã có một ngày về trong vinh quang.


      Lê Hữu


      (1) Tô Hải, Hồi ký của một thằng hèn (Tập 1), Tuyển tập Blog Tô Hải, Sài Gòn, Việt Nam, 2014

      (2) Lê Hữu, “Nhạc vàng: Bên Thắng Cuộc”, Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ, 30/4/2019

      (3) Hoàng Hưng, “Về ảnh hưởng của văn hoá VNCH sau 1975”, Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ, 26/3/2025

      (4) Đình Phùng, “Ly Rượu Mừng, xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam”, Báo Pháp Luật Việt Nam online, 27/02/2021

      (5) Ngọc Lễ, “Hội thảo: ‘Nhạc Vàng’, di sản trường tồn của VNCH”, VOA Tiếng Việt, 31/10/2019


      Lê Hữu

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nhạc Việt miền Nam, di sản văn hóa bất diệt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa Lê Hữu Khảo luận

      - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “người lính già không bao giờ chết” Lê Hữu Nhận định

      - Ngày xuân, dạo chơi Phố Ông Đồ Lê Hữu Tản văn

      - Ông già Noel vô tích sự Lê Hữu Truyện ngắn

      - Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)