|
Trần Trọng Kim(.0.1883 - 2.12.1953) | Văn Đen(.0.1919 - 2.12.1988) | Đàm Trung Pháp(.0.1941 - 2.12.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
(Ghi chép sau buổi chuyện trò về thơ cùng bạn hữu)
“Thơ là sự bay bổng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào bay lên được thì gọi là thơ.”
Tôi nhớ đã buột miệng thốt ra câu ấy trong buổi trà đàm về thơ, khi một người đề nghị mỗi người lần lượt trả lời ngắn gọn câu hỏi cũng ngắn gọn, “Thơ là gì?”
“Bay đi đâu?” người nào đó hỏi.
“Muốn bay đi đâu thì bay,” tôi nói, “bay ra ngoài thế giới ngôn ngữ của đời thường.”
Thơ bay bổng làm con người cũng muốn bay bổng theo. Đọc được câu thơ hay, bắt được một ý thơ hay thật là sảng khoái và có cảm giác bềnh bồng tựa hồ… bay là là mặt đất. Chỉ bay là là thôi, chỉ đủ để cảm thấy lâng lâng. Cái cách tạo cho người ta cảm giác ấy, là thơ, là nghệ thuật của thơ. Và người làm thơ phô diễn cái nghệ thuật ấy bằng “ngôn ngữ thơ”.
Những bài thơ thất bại là những bài thơ không cho được cái cảm giác ấy, là những bài thơ nằm bất động trên trang giấy. Người đọc dửng dưng, liếc mắt qua rồi đi thẳng, không buồn ghé lại. Những bài thơ hay không nằm im một chỗ, chúng được người hái như hái những bông hoa nở ven đường. Chúng bay ra khỏi trang thơ, đậu vào trái tim người, ở lại với người. Chúng đến được với người, tương tác, giao cảm với người thông qua ngôn ngữ thơ.
“Thơ là gì?”, câu hỏi ấy không mới. Đã từng có cả trăm cả ngàn câu trả lời giống và không giống nhau, và người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm những câu trả lời khác. Do không đạt được thỏa thuận chung về câu trả lời chính xác nhất, cuộc trà đàm xoay qua câu hỏi khác, “Thi sĩ là ai?”, khi mà mẫu thi sĩ “là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” không còn hợp thời trang nữa.
“Theo chỗ tôi nhận xét,” tôi nói, “qua những người làm thơ quen biết. Thi sĩ là người được ông trời phú cho cái giác quan đặc biệt mà người khác không có. Giác quan ấy giúp nhà thơ bắt được một ý thơ vụt bay qua và ghi xuống bằng ngôn ngữ thơ. Không có giác quan ấy thì chịu, không làm thơ được cho dù có đánh vật với chữ nghĩa hay làm thơ… tự do.”
“Thơ là thơ, ngôn ngữ thơ là… cái quái gì vậy?” Anh bạn ngồi cạnh tỏ vẻ sốt ruột, quay sang tôi hỏi, chắc vì thấy tôi cứ thơ thẩn đi ra đi vào.
Thực tình, ngôn ngữ thơ cũng chẳng là cái quái gì, lắm khi chỉ là nói cho ra vẻ, như là “nói đến thơ là phải nói đến ngôn ngữ thơ”, hoặc ngôn ngữ thơ của thi sĩ này thi sĩ nọ. Có người còn chịu khó viết đến cả cuốn sách chỉ để nói về dạng ngôn ngữ này. Thử tìm cách nào đó minh họa cho cái “từ” hay “cụm từ” (chữ trong nước) nghe riết quen tai này.
“Thế này nhé,” tôi nói, “giá dụ ông hỏi thăm sức khỏe người bạn mình, và anh ta chép miệng trả lời rằng ‘Dạo này bết bát quá, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, lâu lâu cứ phải vịn câu thơ mà đứng dậy’, chắc hẳn ông sẽ nghĩ người bạn này… có vấn đề.”
Cái “vấn đề”, nếu có, chỉ là anh chàng mượn ý câu thơ của Phùng Quán,
Có những phút ngã lòng,
tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!
Anh ta nói bằng ngôn ngữ thơ của Phùng Quán, anh ta mang ngôn ngữ thơ vào trong sinh hoạt đời thường, khiến người nghe không hiểu chi cả, tưởng mình nghe nhầm.
Câu thơ không phải là cây gậy hay chiếc nạng để chống hay vịn vào được.
Hoặc, đọc câu thơ,
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu? (1)
chẳng ai lấy làm thắc mắc làm sao mà chiếc giỏ xe be bé ấy lại “chở” được cả một mùa hè. Thế nhưng, giá dụ anh chàng nào đó bỗng lớn tiếng với cô nữ sinh, “Này này, em chở mùa hè của tôi đi đâu đấy?” hẳn cô nữ sinh sẽ ngơ ngác, chả hiểu anh chàng này nói cái gì.
Hoặc, nghe câu hát,
Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng vàng, quét cả mùa thu (2)
cũng chẳng ai lấy làm thắc mắc “quét thế nào được”. Thế nhưng, giá dụ hỏi một người đang cầm chổi lúi húi trước sân nhà “Chị quét cái gì đấy?” và nhận được câu trả lời “Ô tôi quét nắng vàng đấy mà, quét cả mùa thu luôn”, chắc người hỏi phải trợn tròn mắt, há hốc mồm.
Những “vịn câu thơ” hay “chở mùa hè” hay “quét mùa thu” là những dạng ngôn ngữ thơ. Những chữ nghĩa và cách nói lạ lùng ấy chỉ nghe, chỉ thấy ở trong thơ, có điều, khi đọc hay nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào trong văn vần, văn xuôi hoặc thể loại văn chương nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ cả.
“Hoặc thế này nhé,” tôi nói thêm. “Thử so sánh câu hát xẩm,
Hỡi cô hàng nước kia ơi,
dừng chân đứng lại cho tôi nhủ cùng
và câu ca dao (hay câu thơ của Bàng Bá Lân),
Hỡi cô tát nước bên đàng,
sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
có thể chỉ ra được dễ dàng ngôn ngữ thơ nằm ở đâu, trong câu lục bát nào.”
Câu thơ hay thường có ý tứ mới, lạ, diễn đạt bằng chữ nghĩa mới, lạ, đôi lúc gây những bất ngờ thú vị. Ngôn ngữ thơ có thể là chữ nghĩa, như những câu thơ trên, hoặc là ý tưởng, là hình ảnh hay âm điệu.
Ý tưởng chẳng hạn, thử đọc câu thơ quen thuộc của Lưu Trọng Lư trong bài “Đôi mắt”.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em
Chỉ có thi sĩ mới giỏi “hư cấu” đến vậy. Sau này, ta còn gặp ít câu lục bát như,
Câu thơ đậu trong điệu hò
Hồn tôi đậu giữa lòng đò trăng soi (3) Hoặc,
Biệt ly dù ở ga nào
Cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên (4)
Hoặc, câu thơ này,
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu (5)
Ngoài đời thường, chẳng thấy ai nói năng kiểu ấy cả. Nhiều lắm người ta chỉ nói “nghe lòng hoang vắng”, “nghe hồn mênh mang”… Những câu chữ, những kiểu vẽ vời, ví von không có trong đời thực, nhưng lại gieo vào lòng người những cảm xúc rất thơ.
Hình ảnh chẳng hạn, có khá nhiều, như câu thơ quen thuộc của Nguyên Sa trong “Tám phố Saigon”.
Guốc cao gót nhỏ, mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
Thường thì không ai tả vạt áo dài thướt tha như thế cả. Không có dải trăng thu, dải mây vương nào quyện tà áo bồng bềnh như thế cả. Hình ảnh được nhà thơ vẽ ra, tô đậm chất thơ và đọng lại về lâu về dài trong tâm tưởng người yêu thơ.
Ngô đồng, Huế - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Âm điệu chẳng hạn, như câu thơ quen thuộc của Bích Khê trong “Tỳ bà”.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông
Nghe câu thơ, nghe thấy ngay cái âm điệu của mùa thu. Thử đọc khẽ hay đọc thầm trong đầu câu thơ toàn vần “bằng” ấy, nghe “tiếng thu” vọng về. Nhiều người có thể không biết cây ngô đồng ra sao, thậm chí thay “cây ngô đồng” bằng tên cây lá nào khác cũng thanh “bằng”, vẫn “nghe” ra được cái buồn buồn man mác, vời vợi của mùa thu.
Âm điệu trong ngôn ngữ thơ có thể là ngữ điệu, vần điệu hay nhịp điệu. Khi nói trong thơ có nhạc hay câu thơ có nhạc tính chính là từ những âm điệu này.
Câu thơ hay như bông hoa lạ và đẹp. Bắt được câu thơ hay như bắt gặp một vẻ đẹp làm xao xuyến. Thường thì người ta ít khi nhớ được toàn bài thơ nào, hầu hết chỉ nhớ một vài câu hay hay. Như thế cũng đủ để yêu một bài thơ.
Ngôn ngữ thơ tạo bản sắc riêng cho thi sĩ, cũng tựa mỗi ca sĩ có giọng hát riêng; hoặc hơn thế nữa, tạo được một “trường phái thơ”. Ta vẫn nghe những “ngôn ngữ thơ của Bùi Giáng”, “của Phạm Thiên Thư”, “của Tô Thùy Yên”…, là cách nói định hình một giọng thơ riêng, khó mà bắt chước được. Có bắt chước, có giả giọng, cũng dễ nhận ra ngay.
Giả dụ tôi viết xuống câu thơ này,
tôi viết tên tôi cho đỡ buồn
lê văn hữu
không ít người sẽ chỉ ra ngay đấy là thơ nhái, là ăn theo ý thơ của một thi sĩ quen tên.
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền (6)
Ngôn ngữ trong thơ cần sáng tạo hơn là vay mượn, rập khuôn người đi trước. Có mới mà không hay hoặc có hay mà không mới đều kém sức hấp dẫn.
“Đi tìm cái mới là một hành trình, đặc biệt là đi tìm cái mới trong ngôn ngữ.” Ocean Vương, nhà thơ Mỹ gốc Việt, bày tỏ quan niệm sáng tác. “Mỗi áng thơ là DNA của một con người, không ai giống ai. Thơ văn, là dấu vân tay của cuộc hành trình làm người.”
Thường, nói đến ngôn ngữ người ta dễ nghĩ đến tiếng nói và chữ viết. Tuy thế vẫn có những dạng ngôn ngữ biểu cảm khác, như ngôn ngữ cơ thể, là cử chỉ điệu bộ, là ánh mắt giọng cười, hoặc như tiếng thông reo vi vu, tiếng suối chảy róc rách, tiếng sóng vỗ rì rào… Chúng không phải “ngôn”, cũng chẳng phải “ngữ”, vậy mà trông thấy, nghe thấy chúng, ta như hiểu được chúng “nói” gì.
Ngôn ngữ thơ cũng không khác bao nhiêu, cũng không chỉ có ở trong thơ. Ta thường nghe những câu như “Cảnh sông nước này trông thơ mộng quá!” hoặc “Tên quán cà-phê này nghe thi vị quá!” hoặc “Tấm ảnh thật nên thơ” hoặc “Bức tranh nhiều chất thơ”. Nhiều bức họa là những “bức tranh thơ”, đẹp tựa bài thơ. Những nét chấm phá nào làm cho bức tranh ấy có “nhiều chất thơ” cũng được kể là dạng ngôn ngữ thơ. “Gọi thế nào cho đúng?” sẽ không ít người phân vân, “ngôn ngữ thơ hay ngôn ngữ tranh?”
Ngôn ngữ thơ không chỉ có vậy, nhiều người còn đẩy dạng ngôn ngữ này đi xa hơn nữa. “Ngôn ngữ thơ là gì?”, cũng tựa như “thơ là gì?”, mỗi người hiểu một cách, hiểu cách nào cũng gọi là hiểu.
Bài này cũng không đi xa hơn, chỉ đủ cho một buổi mạn đàm bỏ túi; và hơn thế nữa, đủ cho ông bạn tôi “nhất trí” với tôi rằng ngôn ngữ thơ chẳng là cái quái gì cả và cũng chẳng có gì là ghê gớm.
“Thôi được rồi,” sau cùng anh ta nói. “Từ nay tôi sẽ đọc thơ cách khác, xem thử có bắt được ngôn ngữ thơ nào trong một bài thơ.”
Tôi chắc người làm thơ nào cũng mong thơ mình được đọc theo cách ấy.
“Đọc thơ cách khác”, tôi cũng từng làm như vậy. Có những bài thơ hay tôi từng đọc đi, đọc lại. Mỗi lần đọc một cách khác, lại thấy hay một cách khác. Những bài thơ không bao giờ cũ.
Lê Hữu
(1) “Chút tình đầu”, Đỗ Trung Quân
(2) “Góp lá mùa xuân”, Trịnh Công Sơn
(3) “Trong khi chờ thanh xuân”, Phan Ni Tấn
(4) “Hôm nay”, Nguyễn Tất Nhiên
(5) “Ngồi lại bên cầu”, Hoài Khanh
(6) “Phục sinh”, Thanh Tâm Tuyền
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
• Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Gọi Yêu Dấu & Trong Giấc Mơ Nào (Trần Yên Hòa)
• Tản mạn về bài thơ "Lời nguyện của rừng" (Trần Đăng Hồng)
• Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)
• Tưởng Tượng và Hư Cấu Trong Thơ (Ngu Yên)
Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:
Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)
Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)
Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)
Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
......
Huỳnh Sanh Thông dịch:
Thăng Long (Nguyễn Du)
Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)
Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)
(Bà Huyện Thanh Quan)
......
Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:
Cùng khổ (Bùi Chát)
Hoa sữa (Bùi Chát)
Bài thơ một vần (Bùi Chát)
......
Các tác giả khác dịch:
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)
Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)
Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)
• Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )
• Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)
• Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)
• Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)
• Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)
Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)
Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)
• Chí Khí
• Xử Thế
• Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |