|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Lê Hữu
Lê Hữu viết nhiều thể loại, đề tài, từ truyện ngắn đến các bài khảo luận, nhận định về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ tiếng Việt... Ông đã cho in ba tác phẩm. Cuốn Âm nhạc của một thời (Giờ Ra Chơi, 2011) là tác phẩm có giá trị và hiếm thấy viết về nền âm nhạc miền Nam, di sản văn hóa có sức sống bền vững nhất và tác động nhiều mặt đến các thế hệ tiếp nối ở trong và ngoài nước. Ông viết với một tâm hồn lãng mạn của văn chương, của nhạc và thơ và trong cả cách đặt tên cho các bài viết.
Cuốn Ngôn ngữ ngậm ngùi (T.Vấn & Bạn Hữu, 2016) là tuyển tập các bài nhận định về ngôn ngữ tiếng Việt trước và sau năm 1975. Cuốn Quà tặng giữa mùa dịch (Giờ Ra Chơi, 2022) là tập truyện gồm những câu chuyện sống thực mang hơi thở của cuộc sống thường ngày, phóng tác từ các mẩu tin gây chú ý trên các trang báo Mỹ.
Trong cộng đồng, Lê Hữu từng tham gia việc điều hành một trường dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho trẻ em, Trường Việt Ngữ Văn Lang tại vùng Southwest Seattle, nơi có đông cộng đồng người Việt cư ngụ. Ông cũng nỗ lực hình thành Hội Cao Niên với nhiều hình thức sinh hoạt ở vùng này.
Dưới tàn cây thấp rộng trong công viên Green Lake Hark, người đàn ông khiếm thị có bộ râu quai nón màu trắng bạc ngồi lặng lẽ trên băng ghế. Ông mặc chiếc áo overshirt dài tay kẻ sọc màu xanh đậm, cầm trên tay chiếc gậy dò đường màu trắng và đỏ. Tiết trời mát dịu, không còn se se lạnh như mấy hôm trước đây. Ông thấy dễ chịu, có cảm giác từng làn gió nhè nhẹ mơn trớn trên da thịt.
"Hôm nay là Chủ Nhật đây, hẳn là đông vui hơn mọi ngày,” ông nghĩ. Thỉnh thoảng ông quay đầu sang phải, sang trái, nghe ngóng. Ông nghe lào xào bên tai đủ mọi âm thanh lớn nhỏ, xa gần.
Tiếng động gần nhất ông nghe được là tiếng chân ai đó bước lần về phía mình. Im lặng. Ông nghe rõ những tiếng hít vào, thở ra đều đặn, chầm chậm, ở ngay bên cạnh mình. Người này chắc đang vận động tay chân cho bài tập thể dục dưỡng sinh nào. Tiếng thở ra một hơi dài sảng khoái, rồi tiếng băng ghế động đậy, tiếng áo quần sột soạt của ai đó vừa ngồi xuống chỗ trống bên cạnh ông. Một cánh tay hay bàn tay nào chạm nhẹ vào vai ông.
“Ô... xin lỗi,” giọng một thanh niên.
“Không hề chi. Xin chào.” Ông dịch người sang bên, chừa rộng chỗ cho người mới ngồi vào.
“Chào chú.” Chàng thanh niên quay sang ông, “Cháu tên Dan.”
“Tôi tên Mac,” người đàn ông khiếm thị nói.
Dan là một thanh niên trạc 30 tuổi, cao ráo, trắng trẻo, đeo kính râm, khuôn mặt khá điển trai.
Mac lắng tai nghe tiếng chim hót líu lo, thật gần, như là ở ngay trên đầu ông vậy.
“Bây giờ là mấy giờ nhỉ?” Mac quay sang, hỏi.
“Cháu không có đồng hồ,” Dan lúng túng. "Chắc khoảng 11 giờ sáng.”
“Hôm nay có vẻ tốt ngày nhỉ,” Mac gợi chuyện.
“Vâng...,” Dan ngần ngừ, “một ngày đẹp trời.” Chàng trai bắt tréo chân, quay mặt nhìn sang phía khác.
“Này Dan,” Mac bỗng lên tiếng, sau vài phút im lặng, “cậu thấy được những gì, kể cho tôi nghe với?”
“Xin lỗi, cháu... không hiểu?” Dan quay lại, nhíu mày, hỏi.
“Nếu không phiền cậu,” Mac nói, giọng ngập ngừng, "cậu có thể tả sơ cho tôi nghe những gì cậu trông thấy được ở quanh đây.”
“Ồ vâng, vâng. Xem nào... Bầu trời trong vắt. Nắng lấp lánh trên những ngọn thông xanh.”
Mac hơi nhô người về trước, có vẻ chờ được nghe tiếp.
“Mấy chú bồ câu lững thững đi dạo. Bầy chim sẻ chuyền cành, rượt đuổi nhau ríu ra ríu rít. Lại thêm mấy chú chim Goldfinch lông màu vàng thật đẹp từ đâu bay lại.”
“Tiếng chim hót thật vui tai,” Mac nói. “Cậu trông thấy gì nữa?”
“Nhiều người đang đi bộ trên con đường mòn chạy quanh bờ hồ. Có người đi dạo thong thả, có người đi nhanh thật nhanh. Có người đi một mình, có người đi một nhóm với nhau. Một cô gái đẹp dắt theo chú chó nhỏ lông xù màu trắng chạy loăng quăng. Một cậu bé trượt ván từ xa phóng tới suýt đâm sầm vào cô, may mà cô lách người tránh kịp.”
“Hú hồn!... Dạo này nhiều người chịu khó vận động quá nhỉ. Cậu thấy gì nữa?”
“Một anh chàng người Á đông đang chạy bộ giật lùi, thoạt đầu chạy chầm chậm rồi càng lúc càng nhanh mà không đụng vào ai cả.”
“Chạy bộ giật lùi? Không đụng ai cả, kể cũng tài thật.”
“Cũng chẳng tài cán gì,” Dan nói. “Chả là vì chạy đến đâu thì mọi người vội vàng tránh dạt ra cả vì sợ bị đụng phải.”
“Vui nhỉ!” Mac bật cười ha hả.
“Một bà mẹ trẻ đẩy chiếc xe nôi bên trong có đứa bé gái xinh xắn, ông bố thì cõng cậu con trai ngồi vắt vẻo trên vai. Ố ồ... một chú chim bay vụt qua mổ vào túi bắp rang trên tay cậu bé làm cậu giật bắn người. Hai bố con loạng choạng đến suýt ngã. Bà mẹ chỉ đứng cười.”
“Ha ha... Vui quá! Cậu thấy gì nữa, Dan?”
“Từng đàn hải âu màu trắng bạc bay lượn trên mặt hồ. Bầy vịt lội lúp xúp dưới mé hồ giành giật từng mẩu bánh mì được mấy đứa trẻ đứng trên bờ ném xuống. Còn nữa, một cặp vợ chồng, những đứa con nhỏ và bạn bè ngồi quanh chiếc bàn picnic. Ở đầu bàn là cậu bé chừng mười tuổi ngồi trên chiếc xe lăn. Nhiều bong bóng đủ màu sắc máng trên chiếc xe cậu và quanh bàn. Trước mặt cậu là chiếc bánh kem sinh nhật hình tròn có cắm mấy ngọn nến xanh đỏ tím vàng.”
“Happy Birthday cậu bé!” Mac nói. “Một ngày vui cho cả nhà... Còn gì nữa không?”
“Xem nào... Bên tay phải của chú, trên bãi cỏ rộng, một cô gái đeo kính râm mặc bikini có thân hình gợi cảm vừa nằm tắm nắng vừa đọc sách báo gì đó.”
Mac hấp háy mí mắt, mỉm cười.
“Còn phía tay trái chú, một đôi tình nhân nằm dài trên thảm cỏ. Chàng trai bỗng nhỏm dậy, nhón một trái cherry trong chiếc hộp nhựa đặt lên môi cô gái. Cô vừa hé môi thì chàng trai giật tay về, cứ thế... Sau cùng, cô gái nằm ngửa há miệng rộng cho chàng trai thả trái cherry vào.”
“Tình yêu luôn có vị ngọt của trái cây. Ai cũng có một thời để yêu.” Mac nói, ngửa mặt lên trời, mắt nhắm nghiền lại như muốn tận hưởng những thời khắc sảng khoái.
“Chú cũng từng có một thời để yêu, phải không?” Dan hỏi, mỉm cười. “Vẫn chưa hết, một đôi trai gái khác ngồi bên nhau dưới vòm cây xanh kia. Chàng trai ôm chiếc đàn guitar vừa đệm đàn vừa cất tiếng hát, cô gái ngả đầu lên vai chàng và hát theo. Chú nghe thấy tiếng đàn chứ?”
“Chịu,” Mac nghiêng một bên tai, “tôi không nghe ra.”
“Cháu cũng không nghe được, chỗ này hơi xa. Không rõ họ hát bài gì.”
“Bài ‘Mùa hoa anh đào'.” Mac cất giọng, khe khẽ, "Mùa xuân sang có hoa anh đào. Mầu hoa tôi trót yêu từ lâu...” (*)
“Ô... chú không nghe thấy tiếng đàn nhưng lại nghe được tiếng hát?”
“Đùa cho vui vậy,” Mac cười, “có nghe ngóng được gì đâu. Tự nhiên tôi nhớ tới khúc hát có giai điệu Nhật ấy.”
“Chú hát hay đấy chú Mac. Chắc là chú có kỷ niệm nào với bài hát ấy?”
Im lặng. Mac lại nhắm nghiền mắt, đầu hơi cúi xuống. Một lát, ông ngẩng lên.
“Tôi yêu hoa anh đào,” ông hạ giọng, nói chậm rãi, “đúng ra là yêu mầu hoa anh đào, từ lâu lắm, khi tôi còn trẻ. Hoa mầu trắng, mầu hồng nhạt, hồng đậm, mầu nào cũng đẹp cả.” Ngừng một chút, ông nói thêm, “Nói đúng hơn nữa, tôi yêu mầu hoa của người tôi yêu. Nói thế cậu hiểu được chứ? Khi ta yêu một người nào là yêu cả những gì người ấy yêu, có phải vậy không?”
“Cháu không rõ lắm, hẳn là chú Mac nói đúng vì chú đã từng yêu.”
“Cậu chưa yêu ai bao giờ sao?” Mac hỏi. “Lạ nhỉ!”
“Đúng ra là có,” Dan nói. “Cháu yêu một người không yêu cháu. Cô ấy yêu và lấy một người khác.”
“Lạ nhỉ!” Mac thốt lên, lặp lại hai tiếng ấy. “Một chàng trai đáng yêu và có duyên như cậu.”
“Cám ơn chú Mac, cháu chưa được ai khen như vậy.”
“Nếu cậu không thật đẹp trai thì cũng không đến nỗi xấu xí,” Mac nói, “nhưng cậu hẳn phải đẹp trai.”
“Ha ha...” Dan bật cười. “Người ta vẫn nói ‘trông mặt bắt hình dong’ còn chú chỉ nghe tiếng nói thôi mà biết được con người. Chú Mac ơi, tình yêu vẫn có những cái không tài nào giải thích được.”
“Vậy là cậu còn biết rành về tình yêu hơn tôi đấy,” Mac gật gù. “Ta nói chuyện khác đi... Cậu còn trông thấy gì nữa không, nhìn kỹ xem?”
“Lạ thật!...” Dan bỗng kêu lên. “Ở đằng kia có cây hoa anh đào nở rộ, màu hồng phơn phớt như chú nói. Nhìn màu hoa là thấy ngay mùa xuân.”
“Ô, vậy sao?” Mac nhóm người dậy. “Tuyệt quá! Vậy là mùa xuân ở Seattle đến sớm đấy. Tôi yêu những cánh hoa màu hồng phấn ấy. Tôi cũng yêu cả thiên nhiên, cả con người ở quanh đây.”
“Cái park này là một thế giới thu nhỏ đấy, chú Mac ơi!”
Mac nghiêng người về phía chàng trai, lim dim mắt, mỉm cười, khuôn mặt như sáng lên.
Trên băng ghế đâu lưng với hai người là một phụ nữ trẻ, mặc bộ quần áo thun thể thao. Không rõ cô ngồi đấy từ lúc nào, chắc là tạm nghỉ mệt sau một vòng chạy bộ. Cô gái nhìn trời đất bâng quơ, không mấy để ý đến câu chuyện của hai người, cho đến lúc tiếng hát của ông già khiếm thị cất lên thì cô quay ngược ra sau, lắng nghe.
Hoa anh đào nở rộ?! Làm gì có chuyện đó. Cô đưa mắt nhìn quanh, nhìn trước nhìn sau, nhìn xa nhìn gần. Chẳng thấy hoa hòe nào cả, chỉ có những mầm tulip mới nhú lên khỏi mặt đất báo tin mùa xuân đang đến gần.
“Hoa anh đào ở đâu nào?” cô gái quay nhìn Dan, hỏi. “Chỉ cho tôi xem với.”
Dan không trả lời, làm như không nghe thấy.
“Xin lỗi chú,” chàng trai quay sang Mac. “Cháu có việc phải đi bây giờ.”
“Cám ơn, cám ơn Dan nhiều lắm! Cậu thật là tử tế.”
Mac quơ quơ bàn tay tìm bờ vai Dan, bóp nhè nhẹ mấy cái. “Cuộc sống thật ý nghĩa, thật tươi đẹp.”
“Vâng,” Dan mỉm cười. “Cháu mới phải cám ơn chú chứ, được nghe chú nói chuyện thật là thú vị. Chúc chú Mac một ngày vui nhé!”
“Tôi vui lắm. Cậu cũng vậy nhé, Dan!”
Cô gái chăm chú nhìn chàng trai. Sau cặp kính râm lớn, trông anh chàng có một vẻ gì bí ẩn. Không nhìn cô, anh chậm rãi cúi khom người, thòng một cánh tay xuống dưới băng ghế, kéo ra một chiếc gậy màu trắng từa tựa chiếc gậy của ông già khiếm thị ngồi cạnh. Rồi anh đứng thẳng người dậy, một tay sửa lại gọng kính râm, một tay cầm chiếc gậy trắng khua khua nhẹ về phía trước. Rồi anh chầm chậm bước lần xuống thảm cỏ, men theo lối đi dành cho người đi bộ trên con đường mòn vòng quanh bờ hồ. Mũi gậy lúc quơ quơ, lúc gõ gõ xuống mặt đường theo một nhịp đều đặn.
Cô gái ngồi bật dậy, nhìn theo mãi tấm lưng thẳng và dáng đi thong thả, tự tin của chàng trai cho đến lúc bóng anh khuất dần sau một khúc quành. Cô nhìn quanh cái park trống vắng. Mùa xuân đang còn ở nơi đâu, vẫn chưa thấy đến. Ông già khiếm thị vẫn còn ngồi đó, im lìm. Cô bước lại gần ông, ngồi vào chỗ chàng trai vừa mới rời đi.
“Ô... tôi thấy rồi, đẹp quá!” Cô gái reo lớn tiếng, cố ý cho ông già nghe thấy, “Hoa anh đào nở rộ!”
(*) “Mùa hoa anh đào”, nhạc Thanh Sơn (Tâm Đoan trình bày)
** Viết phỏng theo chuyện phim ngắn The bench, đạo diễn Cameron Burnett.
- Hoa anh đào nở rộ Lê Hữu Phóng tác
- Nhạc Việt miền Nam, di sản văn hóa bất diệt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa Lê Hữu Khảo luận
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “người lính già không bao giờ chết” Lê Hữu Nhận định
- Ngày xuân, dạo chơi Phố Ông Đồ Lê Hữu Tản văn
- Ông già Noel vô tích sự Lê Hữu Truyện ngắn
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
• Lê Hữu, Người Tìm Ngọc Trong Đá (Hoàng Lan Chi)
• Giới Thiệu Tác Phẩm Mới: Quà Tặng Giữa Mùa Dịch (Học Xá)
• Lê Hữu: Âm Nhạc Của Một Thời (T. Vấn)
• Lê Hữu và Một Thời Âm Nhạc (Phạm Xuân Đài)
• Nhạc phổ thơ, thơ phổ nhạc (Bích Huyền)
• Chút Duyên Văn Nghệ (Bích Huyền)
• Lê Hữu (Học Xá)
- Lê Hữu: Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi (T.Vấn)
- Lê Hữu- Âm Nhạc của một thời
(hoanglanchi.com)
- Tiểu sử tóm tắt (hocxa.com)
• Hoa anh đào nở rộ (Lê Hữu)
• Nhạc Việt miền Nam, di sản văn hóa bất diệt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (Lê Hữu)
• Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “người lính già không bao giờ chết” (Lê Hữu)
• Ngày xuân, dạo chơi Phố Ông Đồ (Lê Hữu)
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
- Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Đông
Tác phẩm của Lê Hữu trên mạng:
(hoanglanchi.com)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
• Hoa anh đào nở rộ (Lê Hữu)
• Sleepless in Seattle (Phạm Hảo)
• Lời Mở Đầu Thi Sử "Việt Nam Địa Linh Nhân Kiệt" (Việt Nữ Hoan Châu)
• Nữ Sĩ Lão Thành Việt Nữ Hoan Châu Ra Mắt 2 Sách ‘Địa Linh Nhân Kiệt’ và ‘Việt Nam Tranh Đấu Sử (Việt Báo)
• Trang Thơ (Thanh Nam)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |