17-11-2012 | NHÂN VẬT
Đặng Dung, Bậc Anh Hùng Lỡ Vận và bài thơ "Cảm Hoài"
Vô Ngã PHẠM KHẮC HÀM
Bài liên quan:
 Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma (Bao lần mài thanh gươm Long Tuyền dưới ánh trăng) Nét vẽ Ngọc Dũng - Tài liệu của tạp chí Khởi Hành
Khi quân Tầu lấy cớ "phù Trần
diệt Hồ" sang cướp nước ta, con cháu
nhà Trần đã dựng cờ khởi nghĩa chống
lại. Nhưng vận nước chưa tới nên cuối
cùng cuộc khởi nghĩa thất bại. Khi bị
bắt giải về Tầu, các lãnh tụ kháng
chiến đều tự sát, nêu gương muôn thuở
anh hùng. Trong các vị ấy, có một
nhân vật phi thường, đó là Đặng Dung.
Nguyên ông này là con cửa tướng
Đặng Tất, một bộ tướng của Giản Định
Đế, sinh quán tại Tả Thiên Lộc, huyện
Phi Lộc, (huyện Can Lộc tỉnh Nghệ An ngày nay).
Vì giận Giản Định Đế [1407-1409]
đã nghe lời gièm pha mà giết oan cha
mình nên Đặng Dung đã bỏ ông ta mà
tôn Trần Đế Quí Khoáng lên làm vua,
và được phong làm Đồng Bình Chương Sự.
Trong năm năm kháng chiến, nhiều
lần trực tiếp đánh nhau với quân Tầu.
Một đêm vào tháng 9, năm 1413, ông
cầm đầu một toán quân quyết tử, đánh
úp trại của tướng giặc là Trương Phụ,
phá thuyền bè, khí giới và nhẩy lên
thuyền định bắt sống viên tướng Tầu.
Nhưng vì trời tối, nên hắn trốn thoát được.
Lấy một chống mười, nghĩa quân bị
tiêu diệt dần dần. Cuối cùng, quân hết,
tướng chết, ông bị giặc bắt giải về Yên Kinh.
Trên đường đi, ông đã tự sát.
Là một võ tướng sống giữa sa
trường, ông chỉ để lại một tác phẩm,
nhưng lại là một tuyệt tác văn chương,
thiên thu bất hủ, đó là bài Cảm hoài.
Phiên âm:
CẢM HOÀI
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài, phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ, vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
ĐẶNG DUNG |
感懷
世 事 悠 悠 奈 老 何
無 窮 天 地 入 酣 歌
時 來 屠 釣 成 功 易
運 去 英 雄 飲 恨 多
致 主 有 懷 扶 地 軸
洗 兵 無 路 挽 天 河
國 讎 未 報 頭 先 白
幾 度 龍 泉 戴 月 磨
|
Nhắc lại bối cảnh lịch sử của bài thơ CẢM HOÀI
Họ Hồ mất nước [1407], Giản Định
Đế nhà Trần liền khởi nghĩa ở Thuận
Hoá, nhân dân hưởng ứng rất đông.
Đang đánh cho quân Tầu tan tác thì
Giản Định Đế cũng u mê và dại dột
như cha, đã giết hại cột trụ của kháng
chiến là Nguyễn Cảnh Chân và Đặng
Tất [1409]. Nghĩa quân bèn bỏ ông để
phò Trần Đế Quí Khoáng lên ngôi hiệu
là Trùng Quang. Cuộc kháng chiến
mất hẳn sức mạnh.
Năm 1409, Giản Định Đế bi giặc bắt
giải về Kim Lăng, vua Trùng Quang
tiếp tục tháng chiến. Cuối cùng, quân
chết, tướng tan, bị bắt giải về Tầu
[1409-1413]; trên đường đi, vua tôi
tuẫn tiết như những chân chính anh
hùng [l414]. Bốn năm sau, Lê Lợi
dựng cờ ở Lam Sơn [1418], lấy máu
một loạt các tước Bá, tước Hầu của
quân Tầu để rửa đất nước [1427].
Dịch Nghĩa:
Việc đời dằng dặc, (nhưng) già (rồi), biết làm sao?
Trời đất vô cùng nhập vào trong tiếng hát say.
Gặp thời, làm đồ tể, đi câu, thành công cũng dễ,
Vận hết, anh hùng nuốt hận nhiều.
Hết lòng với chúa, có hoài bão đỡ trục trái đất,
Muốn rửa giáp binh nhưng vô phương kéo lại sông Ngân.
Quốc thù chưa báo đầu bạc trước,
Bao lần đội ánh trăng mài kiếm
Lời Bàn:
Có thể coi bài thơ này như là một
bài thơ tuyệt mệnh, làm trước khi tác
giả sa vào tay giặc [năm 1413]. Bài thơ
nói lý do tại sao cuộc phục quốc lại thất bại.
Trải năm trăm năm, bài thơ đã làm
rung động biết bao nhiêu thế hệ vì cái
cảm khái bi hùng của nó. Lã Tử Tấn
đời Lê đã phê bình ngắn gọn: "Phi hào
kiệt chi sĩ, bất năng." (Không là hào
kiệt trong đám kẻ sĩ, không làm được).
SĨ là học giả mà cũng là người quân
tử, hào kiệt là người có tài năng xuất
chúng, nên phê bình tác giả là "bậc hào
kiệt trong đám kẻ SĨ" là đã ca tụng hết
lời. Mà đúng vậy: Tác giả là một chiến
sĩ gan cùng mình, võ công xuất chúng,
cho nên ban đêm mới dám một mình
một kiếm xông vào giữa trại giặc để
bắt Trương Phụ là chủ soái quân thù.
Nhưng trời chưa tựa lòng người thì
đành phải chịu.
Đánh giá bài thơ là "chỉ có bậc anh
hùng xuất chúng trong đám kẻ sĩ mới
làm nổi" cũng không phải là quá lời.
Thực thế, văn học sử cận đại có những
bài thơ cảm khái của các tướng lãnh
Cần Vương, hoặc bi phẫn của những
nhà cách mạng bất đắc chí, nhưng
không có bài nào làm ta cảm xúc như
bài này. Đặc biệt là hai câu phá đề quá
đẹp đã khơi trong lòng ta một cảm giác
u hoài mênh mông. Một bầu trời đẹp và
buồn hiu hắt thoáng hiện như trong
một giấc mơ.
Ta hãy đọc lại bài thơ.
Câu [1]:
Thế sự du du, nại lão hà?
Thế sự du du - thế sự ở đây không
phải là sự kiện lạnh lùng của lịch sử
mà là sự việc cảm nhận bằng trái tim.
Du du, nói về sự vật, có nghĩa là dài
dằng dặc, xa thăm thẳm; nói về tình
cảm, có nghĩa là buồn mênh mông, nhớ
thương vời vợi... Vậy thế sự du du có
nghĩa là việc đời ngổn ngang trăm mối,
dằng dặc không cùng, mà cũng có
nghĩa là xót xa day dứt.
Từ ngữ "thế sự du du" mang một âm
hưởng mênh mông nên làm dấy lên
trong tiềm thức một cảm giác u hoài
khó tả, nhưng nó đã diễn tả một cách
chính xác tâm sự rối bời, đau xót của
một mãnh tướng bị dồn vào bước đường cùng.
Nại lão hà: (già rồi, biết làm sao?)
Tiếng thở dài của một chiến sĩ gục ngã
nghe buồn hơn tiếng khóc.
Câu [2]:
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
"Trời đất vô cùng nhập vào trong
tiếng hát say," câu thơ mở ra một
khoảng trời đất mang mang vô tận.
Hình ảnh đẹp quá nhưng nắm bắt ý
nghĩa chính xác thì thực là khó khăn!
Thế nào là "Trời đất nhập vào trong
tiếng hát say?" Nhập vào có nghĩa là
hoà hợp làm một, hợp nhất với, hay
nói một cách cụ thể, là phần tinh thần
cao siêu hợp nhất với phần thể chất
thô sơ, ví dụ như trong câu: "Thần linh
nhập vào xác đồng." Vậy "Trời đất
nhập vào trong tiếng hát say" có thể
hiểu một cách đơn giản là: "Trong
tiếng hát say có cả một trời đất bao la."
Ý nghĩa như vậy rất rõ ràng, nhưng
"trời đất bao la" có liên hệ gì tới những
sự đau thương của tác giả?
Hình như không có liên hệ nào cả,
ngoài tính chất mênh mông của sự đau
thương. Thực thế, nhà thơ đã mất quá
nhiều, mất nước, mất hy vọng, mất
chiến hữu, nỗi đau của ông mênh mông
như trời đất. Cái mênh mông ấy phổ
vào trong tiếng hát say, tác động vào
tiềm thức người đọc, gây nên một cảm
giác mang mang khó tả, như có một
ngọn gió lạnh ở bên kia thế giới thổi về.
Thực ra, một bài thơ hay, một bản
nhạc làm rung cảm hay một bức tranh
vẽ nhập thần, thường chỉ nên lấy tâm
mà thưởng thức, không nên dùng lý trí
mà phân tích. Vì cái đẹp cũng như khói
như sương, nhìn thấy đấy, nhưng nắm
bắt thì nó sẽ lọt qua kẽ tay. Ở đây cũng
vậy. Hồn của câu thơ là hồn của tác
giả. Có ai nắm được linh hồn đâu?
Nhà thơ bản chất là một ông tướng,
cô đơn trong nỗi đau mênh mông, nên
ông than vãn với trời với đất. Nên
cũng có thể nói là trời đất đã nhập vào
tiếng hát cuồng say...
Cái thần của bài thơ cô đọng trong
hai câu đầu, những câu sau, [3,4,5,6,7]
chỉ giải thích và làm sáng tỏ hai câu
ấy. Thực thế, trong
Cáu [3-4]:
Thời lai, đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
nhà thơ nhận định thành bại chỉ là do
vận nước, không phải vì có tài hay bất tài.
Câu [5-6}:
Trí chúa, hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
nói về hoài bão của đời mình: phò vua
[trí chúa], cứu quốc [phù địa trục],
muốn đưa nhân dân đến thanh bình
[tẩy binh], nhưng không có cách xoay
lại càn khôn: Vô lộ vãn thiên hà.
Câu [7] là lời than thở về sự thất bại
đau đớn nhất trong đời:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Nhưng câu chót [8] chấm dứt bài thơ
tuyệt mệnh lại làm ta sửng sốt vì cái vị
trí tuyệt kỳ của nó. Đó là một sự quyết
tâm sắt thép:
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
(Bao lần mài lưỡi Long Tuyền dưới trăng)
Nghĩa là tuyệt mệnh nhưng đâu có tuyệt vọng!
Nên trong lời than vẫn ngời lên ánh
thép. Bài thơ có hậu là ở chỗ đó! Có
hậu không phải cho bản thân tác giả
mà cho hậu vận của đất nước! Đây
chính là sự kỳ diệu của thi ca.
Đúng vậy, mười lăm năm sau nghĩa
quân Lam Sơn đã rửa lưỡi Long Tuyền
bằng máu của An Viễn hầu Liễu
Thăng, Bảo Định bá Lương Mình, Binh
Bộ thượng thư Lý Khánh cùng hàng
chục danh tướng khác của triều Minh.
Người viết bài này xin phỏng dịch:
VÔ NGÃ phóng dịch
Việc đời mờ mịt,
Già rồi, tính sao đây?
Trong tiếng hát say,
Chứa cả một bầu trời đau xót.
Thời tới, mổ heo xây nghiệp lớn,
Vận cùng, cái-thế cũng xuôi tay!
Ta muốn nâng trái đất,
Xoay lại địa cầu,
Dựng lại nước,
Nhưng hỡi ơi!
Khôn xoay nổi cơ trời.
Quốc thù chưa trả đầu đã bạc,
Luỡi Long Tuyền bao năm mài dưới nguyệt,
Phó sao đành,
Cho con nước trôi xuôi.
VIÊN LINH dịch
Sự thế lan man thốt tuổi già
Đất trời mù mịt thấm men ca.
Gặp thời kẻ chợ1 thành công dễ
Lỡ vận anh hùng nuốt hận qua.
Giúp nước từng mong xoay mạch đất
Giải binh không kế kéo Thiên Hà.2
Quốc thù chưa trả đầu xanh bạc
Gươm báu3 mài trăng đã mấy thu.
1. Kẻ chợ là dịch bóng hai chữ đồ, điếu.
Đồ: mổ thịt. Đíếu: câu cá. (Theo Tản Đà,
Phàn Khoái trước là "thằng bán thịt," Hàn
Tín là "thằng đi câu,") vậy ở đây Đặng
Dung có ý nói Phàn Khoái, Hàn Tín gặp
thời nên thành công kbông khó khăn gì. (Chú thích của dịch giả bài thơ.)
2. Đỗ Phủ có câu: "An Đắc tráng sĩ văn
thiên hà, tẩy tận giáp binh trường bất
dụng," nghĩa là "Mong sao được người tráng
sĩ kéo sông Ngân trên trời xuống để rửa
hết các đồ giáp binh, không bao giờ dùng
đến nữa." (Chú thích của Hư Chu, trong Văn
Đàn Bảo Giám, dịch giả bài thơ sao lục.)
3. Gươm báu: nguyên bản 1à Long Tuyền.
Trương Hoa đời Tấn đêm đêm thấy giữa
sao Đẩu và sao Ngưu có vệt hào quang màu
đỏ, bèn mời nhà thiên văn Lôi Hoán tới hỏi
vì sao? Hoán nói đó là do cái tinh khí của
bảo kiếm ở đất Phong Thành xông lên. Hoa
cho Hoán đến làm quan cai trị Phong
Thành, mục đích là tìm lấy bảo kiếm. Hoán
lần dấu vết, đào được dưới nền nhà ngục
một cái hòm đá chôn sâu bốn trượng, mở ra
thì thấy bên trong có hai thanh gươm báu,
một thanh có khắc hai chữ Long Tuyền,
một thanh có khắc hai chữ Thái A. Từ
đó vệt hào quang màu đỏ trên trời biến
mất. (Chú thích của dịch giả bài thơ.)
[Bài trên đây là một Tiết trong đại
tác phẩm Văn Thơ Lý Trần của nhà
thơ, nhà biên khảo Phạm Khắc Hàm,
cuốn đầu sẽ do Khởi hành xuất bản vào cuối năm 2008.]
Phạm Khắc Hàm
Tạp chí Khởi Hành số 140 tháng 6.2008, trang 12
Lý Đông A và bài thơ Vết Bô Cô về Cha con Đặng Dung
Vết Bô Cô
Bài Vết Bô Cô in trong tập Đạo Trường Ngâm, do Lý Đông A sáng tác năm 1944.
Người anh hùng cứu quốc đứng lên hô,
Quyết đem thân sống chết với quân Ngô.
Tiếng Cần Vương vừa hầm hè bến Mộ,
Sóng ba quân đà cuồn cuộn non Bô.
Đây non Bô sừng sững bến Huyền Hà,
Biết bao vàng với máu đất đem pha,
Bao sĩ tử hồn oan ngậm cây cỏ,
Vì quân Ngô giày xéo nước non nhà.
Lòng phẫn hận một đêm sấm sét hô,
Trong ngoài kênh dàn dụa máu quân Ngô.
Oai Tuyên Đức bạt theo hồn Trương Phụ.
Đầy thành mà sụp đổ dưới non Bô.
Thành đâu xây sừng sững bến Huyền Hà,
Sắc dòng thu lẫn sắc lúa mùa pha,
Công Nguyễn, Đặng giống nòi ai biết cả.
Bà A Đào thành ấy ruộng riêng nhà.
Bà A Đào muôn năm công vẫn còn,
Máu Trưng Vương gái Việt hồn sắt son,
Kiếm nương tử, mưu anh thư nào khác,
Giết quân thù lặn lội vì nước non.
Sử sách viết nhiều về hai cha con anh hùng Đặng Tất và Đặng Dung,
những công thần của nhà Trần và cũng là những anh hùng chống quân
Minh. Đặng Tất là người từng chém được quan nhà Minh là Binh bộ
Thượng thư Lư Tuấn và Đô ty Lữ Nghị, còn Mộc Thạch may mắn chạy thoát.
Bài sau đây trích từ sách Đại Nam Nhất Thống chí
do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn.
Bài thơ dịch bài Cảm hoài [hay Thuật hoài] trong bộ sách trên là một bài dịch chuẩn xác và hay.
Đặng Tất: nguyên người Hóa Châu, sau dời đến ở huyện Can Lộc,
cuối đời Trần làm đại tri châu Hóa Châu. Bấy giờ Giản Định Đế nhà Trần lên ngôi ở
Mô Độ Trường Yên, bị tướng Minh Trương Phụ phá hành dinh phải chạy đến
Nghệ An; ông nghe tin giết quan lại nhà Minh và đem quân đến hội, dâng con gái vào
hậu cung. Giản Định Đế phong ông tước quốc công, cùng nhau lo việc khôi phục. Tất
đánh bắt được tướng đầu hàng quân Minh là Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật lệ,
rồi điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến ra
đánh Đông Đô. Đi đến đâu thì quan lại cùng hào kiệt các nơi đều hưởng ứng vui theo,
đánh tan được quân Minh ở bến đò Bô Cô, chém được quan Minh là Binh bộ thượng thư
Lưu Tuấn và Đô ty Lữ Nghị. Mộc Thạnh thì chạy thoát được. Từ đấy quân uy vang dậy.
Sau hoạn quan Nguyễn Quỹ gièm là Đặng Tất chuyên quyền, Giản Định Đế đem lòng ngờ vực,
ông bèn bị giết.
Đặng Dung: con Đặng Tất, giận vì cha phải chết oan, đem quân Thuận Hóa
về Thanh Hóa, rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, đổi niên hiệu là Trùng Quang.
Quý Khoáng cho ông làm đồng bình chương sự. Trương Phụ cướp Nghệ An, vua Trùng Quang
chạy vào Hóa Châu. Phụ phạm thành Hóa Châu, đánh nhau to ở kênh Thái Già; hai quân đương
cầm cự nhau, Dung ban đêm đánh úp dinh của Phụ, nhảy lên thuyền Phụ muốn bắt sống, nhưng
không biết rõ hình dạng thế nào, Phụ bèn nhảy sang thuyền nhỏ trốn thoát, quân Minh
gần vỡ. Sáng hôm sau, Phụ thấy Dung ít quân lại đến đánh Dung vỡ, Dung bị Phụ bắt được
giải sang Yên Kinh. Đi giữa đường, ông nhảy xuống sông tự tử. Có để lại bài thơ "Thuật hoài" rằng:
"Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca,
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài, phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ, vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma".
nghĩa là:
Nỗi đời còn rối đã già sao!
Trời đất vô cùng, say hát ngao.
Gặp bước điếu đồ nên việc dễ,
Lỡ thời hào kiệt tủi thân nhiều.
Thờ vua trục đất ôm lòng đỡ;
Rửa kiếm sông Ngân kéo lối nao?
Thù nước chưa đền đầu đã bạc.
Long Tuyền dưới nguyệt luống mài dao.
Sau người ta lập đền thờ chung với cha là Đặng Tất ở thôn Tả Hạ, xã Can Lộc.
Lý Đông A
Tạp chí Khởi Hành số 140 tháng 6.2008, trang 12

|