1. Head_

    Trúc Phương

    (.0.1939 - 18.9.1995)

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể (Tạ Quốc Tuấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      10-2-2014 | NHÂN VẬT

      Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể

        TẠ QUỐC TUẤN
      Share File.php Share File
          

       

      Trong cuộc bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài hơn 22 thế kỷ, Việt Nam vì là nước nhỏ bé nên luôn luôn bị Trung Quốc nếu không thôn tính, xâm chiếm thì cũng là áp bức, đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, hay ít nhất cũng là coi thường, khinh thị. Do đó, ngày xưa, mỗi khi triều đình Việt Nam cử người đi sứ Trung Quốc bao giờ cũng rất thận trọng trong việc lựa chọn người, nhất là người làm Chính sứ, để có thể ngăn chặn những mưu mô của vua quan Trung Quốc có hại cho nền độc lập, sự vẹn toàn của quốc gia, hay ít nhất thì cũng có thể đối đáp những thách đố mà vua quan Trung Quốc thường hay đề ra để thử tài năng, tinh thần, chí khí của sứ thần Việt Nam, ngõ hầu không làm nhục quốc thể. Thường xuyên nhất là vua quan Trung Quốc đưa ra những vế đối hiểm hóc, hay đặt ra các cuộc xướng hoạ thơ phú với nhiều hàm ý. Bởi vậy, đại đa số, nếu không thể nói là toàn thể, những người được cử đi sứ đều là những người bác học tài cao xuất chúng, văn chương chữ nghĩa hơn đời, và đặc biệt là phải có khí tiết.


            Mộ Thám hoa Giang Văn Minh. Bốn chữ Hán: THIÊN CỔ ANH HÙNG.

            Ảnh: Đỗ Ngọc Sơn (Nguồn: xuandienhannom.blogspot.com)


      I. Sứ Thần Giang Văn Minh


      Các sứ thần Việt Nam hầu hết là đã chứng tỏ tài ba tuyệt vời của mình, khiến vua quan Trung Quốc phải khâm phục, nể vì. Có người còn được vua Trung Quốc phong làm trạng nguyên, dù không hề tham dự một khóa thi cử nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những người không được may mắn, dù đã trổ tài đối đáp cứng cỏi tuyệt diệu: có người đã bị giữ lại không cho về nước, lại có người còn bị vua chúa Trung Quốc giết nữa, mặc dù Trung Quốc luôn mồm rêu rao là "hai nước bang giao không giết sứ giả".


      Một trong những ngươi bất hạnh đó là Chính sứ Giang Văn Minh, người bị vua Trung Quốc hành hình vì đã đối đáp rất đanh thép với vua Trung Quốc trước mặt bá quan văn võ triều đình Trung Quốc và các sứ thần ngoại quốc.


      Đáng tiếc là các tài liệu xưa không viết mấy về vị sứ thần trí dũng song toàn này. Trong khi bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán triều Nguyễn hoàn toàn không viết một tí gì về ông, thì bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chỉ đề cập tới ông có 4 lần:


      Lần thứ nhất nói về việc ông thi đậu năm 1628:

      "Mậu thìn, mùa xuân... Tháng hai, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ nhóm Giang Văn Minh 18 người." (BK, q. 18, tờ 25b; q. 21, tờ 13a).


      Sách chép tiếp là:

      "Mùa hạ, tháng tư, thi Đình; vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi việc thiên hạ và chính sách của triều đình; cho Giang Văn Minh đỗ tiến sĩ cập đệ tam danh..." (BK, q. 18, tờ 26a- 26b; q. 21, tờ 13a).


      Lần thứ hai nói về việc ông được sai lên cửa ải đợi mệnh năm l630:

      "Canh Ngọ... Mùa đông, tháng mười... Sai nhóm Công bộ thượng thư Tuyền quận công Nguyễn Duy Thời, Binh khoa đô cấp sụ trung Giang Văn Minh, cấp sự trung Lê Khả Trù, Hàn lâm viện hiệu thảo Thân Khuê, lên cửa quan đợi mệnh." (BK, q. 18, tờ 28a).


      Ngoài ra, trong một phần khác, sách cho hay "cửa quan" nói ở đây là "Nam Quan" (BK, q. 21, tờ 15 b).


      Lần thứ ba nói về việc ông được cử làm đốc thị năm 1631:


      "Tân Mùi... Mùa đông... Tháng 11, sai Bắc quân đô đốc phủ Tả đô đốc phó tướng Tây quận công Trịnh Tạc thống lĩnh bản bộ tướng sĩ và các dinh kỳ và các quan binh châu Bố chính dưới quyền đi trấn giữ xứ Nghệ An, lấy Thái Bộc tự khanh Giang Văn Minh làm đốc thị..." (BK, q. 18, tờ 30a; q. 21, tờ 17b).


      Lần thứ tư nói về việc ông đi sứ nhà Minh năm 1637:

      "Đinh Sửu... Mùa đông... Tháng 12... Sai chính sứ Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, phó sứ là nhóm Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê hai [sứ] bộ sang tuế cống nhà Minh." (BK, q. 18, tờ 34b)


      Tuy nhiên, việc ông đối đáp với vua nhà Minh mà hậu quả là đã bị vua Minh hành hình (sẽ nói ở một đoạn bên dưới) lại không được sách nói tới.


      Vì vậy chúng ta phải dùng các tài liệu thứ yếu khác để tìm hiểu về ông.


      Giang Văn Minh, tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, người xã Mông Phụ (tên nôm là Kẻ Mía), tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Ty (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).


      Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Đường Lâm cũng là quê hương của 2 nhân vật nổi tiếng thời xưa: một là Phùng Hưng, người năm 791 đã khởi binh vây An Nam Đô Hộ phủ đánh bọn đô hộ Trung Quốc, khiến cho tên Đô hộ là Cao Chính Bình lo sợ đến thành bệnh ở lưng mà chết, và được tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; còn người thứ hai là Ngô Quyền năm 938 đã đánh tan quân xâm lăng Nam Hán trên sông Bạch Đằng và bắt sống được con trai của vua Nam Hán Cao Tổ Lưu Cung (tại vị năm 917-942) là Giao Vương Lưu Hoàng Thao đem giết đi, giành lại độc lập cho quốc gia, và xưng vương (sử gọi là Tiền Ngô Vương; tại vị năm 939-944).


      Về năm sinh và mất của Giang văn Minh, có tài liệu viết là năm 1573-1638, lại có tài liệu viết là 1582-1639. Đối với năm sinh của ông, chúng ta không có cách nào xác định được. Còn về năm mất của ông, chúng tôi sẽ trình bày trong một đoạn bên dưới.


      Ông học giỏi và đã thi đỗ Hội nguyên, rồi lại đỗ Đình nguyên Thám hoa ở khóa thi Đình khoa Mậu thìn, trong năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1629) đời vua Lê Thần Tông (tại vị năm 1619-1643), tức năm 1628. Vì khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu Tiến sĩ) hay Bãng nhãn (đỗ thứ hai Tiến sĩ) nên ông là người đỗ Tiến sĩ cao nhất trong cả khóa thi.


      Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Tính theo thuyết ông sinh năm l573 thì khi đỗ Thám hoa ông đã 55 tuổi, còn tính theo thuyết ông sinh năm 1582 thì lúc đó ông 46 tuổi.


      Khi làm quan ông nổi tiếng là rất thanh liêm, cương trực và có tài ứng đối nhanh, giỏi. Theo Toàn Thư, như đã trích dẫn bên trên, ông đã từng giữ các chức Binh Khoa Đô Cấp Sự Trung, Thái Bộc Tự Khanh (văn bia của chùa Hoa Nghiêm ghi là "Đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại Phu, Thái Bộc Tự Khanh"; xem phần II bên dưới). Ngoài ra, ông có tước Phúc Lộc Hầu (cũng xem phần II bên dưới).


      Ngày 30 tháng 12 năm Đinh sửu, năm thứ 3 niên hiệu Dương Hòa (l635-1643), tức năm 1637, ông và Thiêm Đô Ngự Sử Nguyễn Duy Hiểu được cử làm Chính sứ cùng với bốn Phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai sứ bộ sang nhà Minh (1368-1644) cầu phong và nộp tuế cống. Sứ bộ của Giang Văn Minh tới kinh đô nhà Minh là Bắc Kinh (từ năm 1421; nay là thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc) vào năm 1638.


      Lúc này, mặc dù nhà Mạc, cai trị miền Bắc nước Việt từ năm 1527, đã bị diệt năm 1592 khi quân chúa Trịnh bắt được rồi chém đầu vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp (tại vị năm 1562- 1592) và con trai là Vũ An Vương Mạc Toàn bị bắt năm 1593, nhưng con cháu nhà Mạc cũng đã chạy được lên vùng Cao Bằng, Thái Nguyên, và được nhà Minh ủng hộ nên đã trấn giữ vùng núi bắc bộ được thêm 85 năm nữa (l593-l677). Vì thế, nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt, với cả hai nhà Hậu Lê và Mạc, với mục đích để cho cuộc nội chiến giữa hai nhà Lê và Mạc kéo dài có lợi cho Trung Quốc. Đó cũng là nguyên nhân, sau khi tới Bắc Kinh, sứ bộ Đại Việt phải ăn chực nằm chờ ở dịch xá gần một năm trời mới được vào triều kiến vua Minh.


      Đến khi được vào triều kiến, sứ thần Đại Việt dâng biểu cầu phong quốc vương, nhưng vua Minh là Trang Liệt Đế Chu Do Kiểm (tại vị năm 1628-1644; thường được gọi là Sùng Trinh, theo tên niên hiệu) "trao cho bộ bàn, họ cho rằng không có văn bản cũ để lại để có thể tra xét được, nên không cho, mà chỉ ban sắc thư tưởng lệ thôi" (theo lời tâu của sứ thần Nguyễn Duy Hiểu với qua Lê Thần Tông khi về nước; Toàn Thư, BK, q. 21, tờ 23a). Mục đích của vua Minh là nhằm ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.


      Ngoài ra, biết Giang Văn Minh có văn tài, nên để thử tài ông và đồng thời cũng để thị uy với Đại Việt, Minh Sùng Trinh đã ra một vế đối như sau:


      Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

      (Cột đồng tới nay rêu đã xanh).


      Vế đối có ý ngạo mạn, châm chọc, muốn hạ nhục sứ bộ nước Đại Việt bằng cách nhắc lại việc năm 43 Mã Viện (14 TCN - 49 SCN) đời Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú (tại vị năm 25- 58), sau khi đem quân Hán sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhăn dân Việt do hai chị em bà Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo (năm 40) đã dựng một cột đồng ở biên giới với lời nguyền thâm độc "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (cột đồng gãy thì Giao Chỉ sẽ diệt vong).


      Giang Văn Minh nghe xong, vô cùng tức giận, nhưng đã bình tĩnh đối lại ngay không chút do dự:


      Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

      (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)


      Vế đối của ông rất chọi, rất chỉnh, rất đanh thép, lại thể hiện được khí phách hiên ngang bất khuất của nhân dân Việt Nam bằng cách nhắc lại việc sông Bạch Đằng (còn gọi là sông Vân Cừ; sông chảy giữa hai huyện Yên Hưng thuộc tỉnh Quảng Ninh và Thủy Nguyên thuộc tỉnh Hải Phòng) ba lần đỏ máu quân xâm lăng Trung Quốc:


      - (a) lần thứ nhất khi Ngô Quyền diệt quân Nam Hán và bắt giết thái tử Nam Hán là Giao Vương Lưu Hoằng Thao năm 938 (đã nói ở một đoạn bên trên);


      - (b) lần thứ hai khi vua Lê Đại Hành (tại vị năm 980-1005) phá tan giặc Tống xâm lăng và bắt giết tướng Tống là Hầu Nhân Bảo năm 981; và


      - (c) lần thứ ba khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (kh. 1232-1300) năm 1288 đã đại phá giặc Nguyên trong lần chúng sang xâm lăng lần thứ 3 (l287-l288). Sau ba lần bị đánh thảm bại trên sông Bạch Đằng này, Trung Quốc không dám đem quân sang xâm lăng Đại Việt một thời gian dài.


      Trước mặt bách quan văn võ của Minh triều và sứ thần các nước khác, vế đáp của Giang Văn Minh đập thẳng vào mặt vua Minh, làm cho nhà vua bẽ mặt, nên vua nổi giận, ra lệnh trói ông lại, gắn trám đường vào miệng và mắt ông rồi cho người mổ bụng xem gan mật sứ thần An Nam to lớn đến đâu.


      Sau đó, vua Minh còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân rồi mới cho sứ bộ Đại Việt đem thi hài ông về nước. Mùa thu năm Kỷ Mão, sứ bộ về tới cửa quan (Toàn Thư, BK, q. 18, tờ 35b; q. 21, tờ 23a).


      Về tới nước, khi thi hài Giang Văn Minh được rước đi qua xã Đường Lâm, quê nhà của ông, dân chúng đã ra đón và xin vua cho được chôn ông tại đây. Vua chuẩn y cho ý nguyện của họ.


      Thi hài ông được quàn tại ngôi nhà Quán Sứ trước khi chôn cất. Quán Sứ là một ngôi nhà cổ nằm ven đường đất đỏ, mái ngói dày nặng có các cột vuông bằng đá ong chống đỡ, vòm mái uốn cong như hình vành trăng khuyết, là nơi quàn thi hài những anh hùng liệt sĩ.


      Theo Nguyễn Xuân Diện, thi hài Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đống (các tài liệu khác viết là Gò Đông), thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán nhỏ (hiện có dạng ngôi nhà), gọi là quán Giang, là nơi linh cữu ông được quàn (1).


      Vua Lê Thần Tông và Thanh Đô vương Trịnh Tráng (tại vị năm 1623-1657) đã thân hành đến bái kiến linh cữu ông và cho cử hành lễ quốc tang trọng thể. Vua thân viết bài văn tế, trong đó có đoạn (2):


      ...Thực bất hữu sinh,

      sinh tử khoa giáp;

      Thực bất hữu tử,

      tử ư quốc sự.

      Sinh như công gia,

      kỳ sách gia vinh;

      Tử như công gia,

      kỳ tử do sinh...


      (... Ai chẳng có sống,

      sống nơi khoa giáp;

      Ai chẳng có chết,

      chết vì việc nước.

      Sống mà như ông,

      sống là hiển vinh;

      Chết mà như ông,

      chết cũng như sống...)


      Vua còn truy tặng ông chức Công Bộ Tả Thị Lang, tước Vinh Quận Công, và ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng muôn thuở).


      Tới đây chúng tôi xin có một nhận xét về ngày Giang Văn Minh bị hành hình.


      Một số tài liệu, như bài "Chuyện Một Ông Trưởng Đoàn Ngoại Giao Việt Nam" của Nguyễn Xuân Diện, hay bài "Vị Sứ Thần 'Bất Nhục Quân Mệnh' Giang Văn Minh" của Phùng Thành Chủng nói ông bị hành hình vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão tức năm 1639.


      Trái lại, bài "Giang Văn Minh" trên mạng điện tử wikipedia.com lại tự mâu thuẫn: bài mở đầu bằng việc ghi năm sinh của ông là 1573 và năm mất là 1638 và còn viết thêm rằng ông "bị vua Minh Tự Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi", nhưng trong phần Giai Thoại, sau khi kể việc ông bị vua Minh hành hình, đã viết rằng "sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (l639)."


      Trong khi đó, Toàn Thư có một đoạn kể như sau:


      "Kỷ-mão... Tháng tư... hai Công Bộ Thượng Thư Thiếu Phó Tuyền Quận Công Nguyễn Duy Thời cung nhóm Nguyễn Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Phúc Khánh lên cửa quan đợi mệnh, đón sứ thần về nước." (BK, q. 18, tờ 35a-35b)


      Tuy nhiên, trong một đoạn khác, sách lại viết rằng:


      "Kỷ-mão... Mùa thu. Sai Nguyễn Duy Thời lên của quan, đón sứ thần Nguyễn Duy Hiểu về nước..." (BK, q. 21, tờ 23a)


      Đọc hai đoạn này chúng ta không khỏi thắc mắc là Giang Văn Minh đã thực sự bị hành hình ngày nào.


      Nếu chúng ta theo đoạn trích dẫn thứ nhất của Toàn Thư thì Giang Văn Minh phải bị hành hình trước tháng tư, bởi vì, (a) như đã trình bày trong một đoạn bên trên, sau khi hành hình Giang Văn Minh rồi, vua Minh mới cho sứ bộ Việt đưa thi hài ông về nước; (b) chỉ khi đó sứ bộ Việt mới có thể tâu trình triều đình Đại Việt biết thời gian sứ bộ rời Bắc Kinh về nước; và (c) nhận được tờ trình rồi, chắc là vào tháng 4 âm lịch, triều đình Đại Việt mới phái những nhân vật kể trên lên cửa quan đón sứ bộ về. Hiểu như vậy thì thuyết cho rằng Giang Văn Minh bị hành hình ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão không chấp nhận được.


      Còn như theo đoạn trích dẫn thứ hai của Toàn Thư thì mãi đến mùa thu triều đình Đại Việt mới phái Nguyễn Duy Thời lên cửa quan đón sứ bộ Nguyễn Duy Hiểu, và lẽ dĩ nhiên là cả thi hài Giang Văn Minh nữa.


      Điểm khiến chúng ta chú ý là, không giống đại đa số các trường hợp khác, trong đó khi nói về một biến cố nào bao giờ Toàn Thư cũng kể tên mùa trước rồi đến tên tháng (âm lịch), như khi viết về một biến cố xảy ra cũng trong năm Kỷ Mão, Toàn Thư đã chép rằng "Mùa hạ, tháng tư, nhắc rõ lại lệ kiện về nhân mạng." (BK, q. 21, tờ 22b). Trái lại trong đoạn trích dẫn trên, sách chỉ viết tên mùa mà thôi.


      Theo lối tính của người Việt Nam, mùa thu kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Do đó, từ "mùa thu" dùng ở đây hiểu là việc phái Nguyễn Duy Thời có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Chúng tôi nghĩ rằng rất có thể là sau tháng 6, bởi vì Toàn Thư chỉ chép có một sự việc xảy ra trong tháng 6 âm lịch mà thôi. Đó là:


      "Tháng sáu, nhắc bảo về kỳ hạn tiến quân. Đưa thư cho ty Hồ Nhuận doanh Quy Đạo thuộc Quảng Tây nước Minh, và quan các châu Yên Bình, Quy Thuận, Hạ Phiên, Hướng Vũ, hẹn hợp sức đánh Cao Bằng." (3)


      Liền sau sự việc này, Toàn Thư mới kể việc phái Nguyễn Duy Thời lên cửa quan đón sứ đoàn Nguyễn Duy Hiểu về nước.


      Hiểu như vậy, chúng ta có thể chấp nhận thuyết cho rằng Giang Văn Minh bị hành hình ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão, bởi vì sau ngày này, nhất là sau khi vua Minh cho phép sứ bộ mang thi hài Giang Văn Minh về nước, sứ bộ tâu trình triều đình biến cố và ngày sứ bộ về nước, cùng là việc triều đình phái Nguyễn Duy Thời lên cửa quan nghênh đón.


      Cũng nên nói thêm là từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày 2 tháng 6 âm lịch ở Đường Lâm lại có lễ tế Giang Văn Minh.


      Nhúng nhận xét trên còn không cho phép chúng ta chấp nhận thuyết cho rằng Giang Văn Minh mất năm 1638 (Mậu Dần), bởi vì:

      - (a) việc cử ông làm chính sứ hướng dẫn phái đoàn sang nhà Minh xảy ra ngây 30 tháng 12 năm Đinh Sửu (1637), tức ngày áp Tết;

      - (b) tiếp đến việc lựa chọn thu thập các cống vật và triệu tập các nhân viên tùy tùng (như: thư ký, thông dịch viên, người dắt ngựa cho các quan, người hầu hạ các quan, người vác cờ biển hay lọng, người khiêng các thùng cống vật, v. v.) phải mất một thời gian;

      - (c) rồi sứ bộ phải đi mất 1, 2 tháng mới tới kinh đô nhà Minh (khoảng cách từ kinh đô nhà Hậu Lê là Tây Đô ở tỉnh Thanh Hóa ngày nay đến kinh đô nhà Minh là Bắc Kinh khoảng 2,450 cây số); và

      - (d) tới Bắc Kinh rồi, sứ bộ còn phải chờ đợi gần 1 năm trời mới được vua Minh cho triều kiến. Do đó, năm mất của ông không thể là năm 1638 (Mậu Dần) được.


      II. Chùa Hoa Nghiêm và Văn Bia của Giang Văn Minh


      Các tài liệu không cho rõ lúc sinh thời Giang Văn Minh có trước tác văn chương nào không. Hiện nay chỉ thấy có một bài văn khắc trên một tấm bia của chùa Hoa Nghiêm (thường được gọi là "Hoa Nghiêm tự bi") ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng thuộc tỉnh Thái Bình, trên đó có ghi người soạn văn bia là Giang Văn Minh.


      Theo Hoàng Văn Lâu viết trong bài "Chùa Hoa Nghiêm và Bài Văn Bia của Thám Hoa Giang Văn Minh" (4), Hoa Nghiêm tự bi là một trong sáu tấm bia đá hiện có trong chùa, tất cả đã ghi nhiều điều về lịch sử chùa, về lịch sử văn hóa, phong tục của địa phương.


      Về phần Hoa Nghiêm tự bi, bia cao 0,7 mét, rộng 0,5 mét, trán bia trang trí hình lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời), chung quanh bia trang trí hình dây leo. Bia khắc chữ 2 mặt. Các dòng lạc khoản của bia cho biết:


      - (a) người soạn văn bia vào năm thứ 2 niên hiệu Dương Hòa (tức năm 1636) là Phúc Lộc Hầu Giang Văn Minh, người đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn, chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Thái Bộc Tự khanh;

      - (b) người viết chữ là sinh đồ Nguyễn Khắc Kiện; và

      - (c) người khắc bia là Mậu Tài Bá Nguyễn Công Khoa.


      Bài văn bia cho biết xã Vô Song là nơi danh thắng thuộc huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, có ngôi chùa tên là Hoa Nghiêm, và ca ngợi vận hội thái bình vì trên có thánh thiên tử (chỉ vua Lê Thần Tông) ngự ngôi báu cai trị đất nước, nhờ Đại Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Sư Phụ Thanh Đô Vương (tức chúa Trịnh Tráng) gây dựng nền trị bình, định kế yên thiên hạ, ủy nhiệm các quan tài giỏi, dựa vào sức phụ bật của các đại thần, nên vũ trụ sinh xuân, cơ đồ thống nhất. Bia sau đó cho biết việc trùng tu chùa khởi công vào ngày lành tháng 11 năm Ất Hợi (l635) là làm lại hành lang hai bên tả hữu, một dãy nhà trong, mà theo văn bia là "Rường, cột chạm khắc, quy mô đổi mới, từ xưa chưa hề có, sau này không thể hơn, thực là cảnh Bồng Lai có một không hai". Sau hết, mục đích của việc dựng bia, khắc văn, là để truyền mãi công đức tới vô cùng, khiến cho người vui làm điều thiện, mắt nhìn bia, miệng đọc văn bia phát thiện tâm, hưởng phúc lộc... tuổi thọ càng cao, sự nghiệp lâu bền...


      Qua bài văn bia này chúng ta còn biết được là trước khi đi sứ năm 1637, Giang Văn Minh đã có một thời gian trị nhậm ở trấn Sơn Nam Hạ, dưới trướng của Tây Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc phó tướng Thủy Quận Công Lê Hồng Quốc.


      Như vậy, Hoa Nghiêm tự bi lưu giữ một tác phẩm của Giang Văn Minh chưa thấy sưu tập ở thư tịch nào.


      Kết Luận


      Nói tóm lại, Giang Văn Minh là người vừa có tài văn tự, vừa có tài coi quân, và nhất là có chí khí quật cường, không sợ cường quyền, và đã tạo nên một thành tích hiển hách về ngoại giao mà ít người có được. Ngay cả kể từ khi Việt Nam khôi phục lại nền độc lập khỏi tay thực dân Pháp cho tới ngày nay, không có một nhà ngoại giao Việt Nam nào có thể sánh với ông được. Tuy có thể có người có tài văn tự hay có tài coi quân, nhưng không ai có chí khí quật cường, dám đối đáp với cường quốc khi quốc thể bị làm nhục.


      Tạ Quốc Tuấn

      Tạp chí Văn Hóa Việt Nam số 63
      (MÙA ĐÔNG 2013)

      Chú Thích:


      (l) Nguyễn Xuân Diện, "Chuyện Một Ông Trưởng Đoàn Ngoại Giao Việt Nam", trong nguyenxuandien.blogspot.com ngày 1.10.2010.

      (2) Phùng Thành Chủng dẫn trong bài ("Vị Sứ Thần 'Bất Nhục Quân Mệnh' Giang Văn Minh" trong vanchuongviet.org, ngày 23.3.201l.

      (3) Toàn Thư, Bản Kỷ Thực Lục Tục Biên, q. 21, tờ 23a; bản dịch Việt ngũ do Ngô Thế Long thực hiện theo ấn bản Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhóm Phạm Công Trứ. Xem bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, Tập III, Phụ lục I, tr. 340.

      (4) Bài này được đăng trong Thông Báo Hán Nôm Học 2000, tr. 228- 231, và được in lại trên mạng điện tử Đại Tạng Kinh Việt Nam.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Câu Đối Tết Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

      - Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông Tạ Quốc Tuấn Thơ

      - Cảnh Tết Xưa Tạ Quốc Tuấn Nhận định

      - Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

      - Danh Tướng Thi Nhân Phạm Ngũ Lão Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

    3. Nhân Vật (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Nhân Vật

        Cùng Mục (Link)

      Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)

      Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)

      Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Anh Thư (Song Thao)

      Ít Điều Cần Biết Về Nhà Giáo Dục Chu Văn An (Trần Huy Bích)

      Thích Quảng Độ: Chiều Đông (Trần Trung Đạo)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)


      Danh Nhân Trong Và Ngoài Nước


      Phim Tài Liệu

       

      L'exode du Nord Viet Nam


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
       

        DANH NGÔN


        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)