1. Head_

    Bé Ký

    (.0.1938 - 12.5.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-2-2018 | THƠ

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông

        TẠ QUỐC TUẤN
      Share File.php Share File
          

       


          Vua Trần Nhân Tông
      Tượng đá thế kỷ XV tại Yên Tử (Quảng Ninh). Nguồn: Từ Điển Văn Học, bộ mới.

      Trong thời nhà Trần (1225-1400), đa số các vua, bắt đầu từ vị đầu tiên là Thái tông Trần Cảnh (sinh năm 1218, tại vị năm 1225-1258, mất năm 1277), sau một thời gian trị nước, đã nhường ngôi cho con cháu rồi đi tu đạo Phật, và một số vị còn làm thơ nữa, nhưng không ai tài giỏi về cả ba phương diện chính trị, tôn giáo, và văn học cho bằng vua Nhân tông húy Trần Khâm (sinh năm 1258, tại vị năm 1278-1293, mất năm 1308), người gần đây còn được tôn là Phật hoàng.


      Về phương diện chánh trị, vua Nhân tông được mọi người tôn sùng nhất qua việc hai lần khéo léo lãnh đạo quốc gia trong công cuộc chiến đấu chống quân Nguyên (Mông Cổ năm 1271 đổi quốc hiệu là Nguyên) xâm lăng làn thứ 2 (năm 1284-1285) và thứ 3 (năm 1287-1288) và cả hai lần đều đại thắng. Vua còn được nhớ tới vì sáng kiến triệu tập hội nghị các bô lão trong nước tại điện Diên Hồng (tháng chạp năm Giáp thân 1284) để hỏi ý kiến toàn dân nên chiến hay hòa trước nguy cơ quân Nguyên sang xâm lăng.


      Về phương diện tôn giáo, sau khi đánh bại quân thù và ổn cố tình hình trong nước, xây dựng lại những đổ vỡ do quân thù tạo nên, và biết rằng chúng không dám bén mảng tới nữa, năm 1293 vua đã nhường ngôi cho con trai trưởng là hoàng thái tử Trần Thuyên, tức vua Anh tông (1293 - 1314), rồi lui về gia hương ở phủ Thiên Trường (xem một đoạn bên dưới), và bắt đầu xuất gia tu đạo Phật. Chẳng bao lâu sau, vua Nhân tông, lúc đó được tôn làm thái thượng hoàng đã lập một thiền phái Phật giáo hoàn toàn Việt Nam, phái Trúc Lâm, ở trên núi Yên Tử (vì vậy môn phái này thường được gọi là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử). Vua là sơ tổ của phái Trúc Lâm.


      Lại nữa, về phương diện văn học, vua còn có một tâm hồn thi nhân cao thượng và ngay từ trước khi xuất gia đi tu đã sáng tác nhiều thi phẩm bằng Hán văn và quốc âm nổi tiếng. Vua đã để lại cho đời nhiều tác phẩm tôn giáo và thi phẩm còn lưu truyền tới nay, như Thiền Tâm Thiết Chùy Ngữ Lục, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, v.v.


      Đề mục thi tác của vua Nhân tông thuộc nhiều loại: chiến tranh, tình cảnh con người, cảnh chùa đất Phật, cảnh sắc quê hương, thiên nhiên và cả xuân nữa. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ cứu xét những bài thơ xuân của vua Trần Nhân tông thôi.


      Vua Trần Nhân tông đặc biệt yêu mến mùa xuân và đã làm nhiều bài thơ xuân, trong đó vua cho thấy ngài đã đạt đến cảnh giới giác ngộ, thoát ly khỏi trần tục. Xin kể vài thí dụ.


      A. Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng


      Trong một ngày xuân vua Trần Nhân tông đã về viếng Chiêu Lăng (nay ở huyện Đông Hưng thuộc tỉnh Thái Bình), nơi an táng của tổ phụ là vua Thái tông, và có một cảnh tượng ở đây đã tạo nên cảm hứng cho nhà vua làm bài thơ Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng.


      Khi vua đi yết Chiêu Lăng thì có đầy đủ nghi trượng và thị vệ và hàng nghìn ngôi nhà dọc đường đều trang nghiêm cung kính, lại có các quan đ ủ bảy phẩm theo hầu. Lúc tới Chiêu Lăng, vua thấy có một người lính già tóc bạc phơ ngồi luôn miệng kể những chuyện đã xảy ra trong đời Nguyên Phong.

      Trượng vệ thiên môn túc,

      Y quan thất phẩm thông.

      Bạch đầu quân sĩ tại,

      Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

      Ngô Tất Tố đã dịch sang thơ Việt ngữ, nhan đề Ngày Xuân Thăm Chiêu Lăng, như sau:

      Nghi vệ nghìn nhà tĩnh,

      Xiêm đai bảy phẩm thông.

      Lính già phơ tóc bạc,

      Kể chuyện thủa Nguyên Phong.

      Trong đời Nguyên Phong có những biến cố gì khiến cho đến cả người lính già cũng phải luôn miệng kể lại?


      Nguyên Phong (1251-1258) là niên hiệu cuối cùng của vua Trần Thái tông (hai niên hiệu trước đó là Kiến Trung, 1225-1232; và Thiên Ứng Chính Bình, 1232-1251). Theo sử sách, trong đời này có năm biến cố đáng chú ý.


      Thứ nhất, mùa xuân tháng hai năm Tân hợi (1251), vua Thái tông ban yến ở nội điện, các quan đều tham dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay ca hát, có người đội mo nang, cầm dùi làm tiểu lệnh. Điều này chứng tỏ vua tôi đều vui chơi với nhau rất thân thiết, không gò bó vào lễ pháp.


      Thứ hai, mùa xuân tháng giêng năm Nhâm tí (1252), vua Thái tông thân đem quân đi đánh Chiêm Thành, vì Chiêm Thành đã nhiều lần xua quân đánh cướp bóc dân cư nước Việt ở ven biển. Đến mùa đông tháng chạp thì thắng trận, bắt được vợ của vua Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp khác cùng nhân dân Chiêm Thành.


      Thứ ba, tháng sáu năm Quí sửu (1253), lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Châu Công Cơ Đán và á thánh Mạnh Tử, cùng vẽ tranh 72 hiền nhân (học trò xuất sắc của Khổng Tử) để thờ. Rồi đến tháng tám lập Giảng Võ Đường, tháng chín xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng tứ thư lục kinh. Những hoạt động này nhằm mở mang việc học, nâng cao dân trí, cũng như đào luyện quân sĩ để bảo vệ quốc gia.


      Thứ tư, tháng sáu năm Giáp dần (1254) bán ruộng công cho nhân dân mua làm ruộng tư. Đây là một biện pháp nhằm cải thiện đời sống của nhân dân và đồng thời cũng phát triển kinh tế quốc gia.


      Thứ năm, tháng chạp năm Đinh tị (1257), quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, sau khi đánh chiếm được tỉnh Vân Nam của Trung Quốc (lúc đó do nhà Tống cai trị, 960-1280) đã sang xâm lăng nước Đại Việt. Vua Thái tông thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Tuy nhiều lần bại trận, nhưng cuối cùng, sau 12 ngày chiến đấu gian nan, quan quân đã phá tan quân xâm lăng, khiến chúng phải chạy trốn về nước.


      Mặc dù các biến cố này đều quan trọng, nhưng dưới con mắt người lính già chúng ta thấy chỉ có hai biến cố đáng được ghi nhớ là việc đánh thắng Chiêm Thành năm 1252 và việc đánh đuổi quân xâm lăng Mông Cổ ra khỏi bờ cõi năm 1257. Cả hai vụ này đều do vua Thái tông trực tiếp tham dự, tuy công cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng Mông Cổ được đặt dưới quyền tiết chế (tức là quyền tổng chỉ huy) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.


      Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Chúng tôi không đồng ý với tác già Ngô Tất Tố nói rằng "đời ấy thật là thái bình, thịnh trị, khiến cho người ta nhớ mãi không quên" (l). Đành rằng những biến cố thứ nhất, thứ ba và thứ tư kể trên là những biến cố nói lên sự thái bình thịnh trị trong những năm cuối cùng tại vị của vua Thái tông, nhưng còn có hai biến cố thứ hai và thứ năm là những biến cố của đau thương, của tang tóc, của tan vỡ, nhất là biến cố thứ năm, mà không một người dân nào có thể quên được.


      Trong con mắt của người lính già, có thể là do méo mó nghề nghiệp, chỉ có những chiến thắng ngoại địch mới đáng kể, đáng nhớ và đáng được nhắc lại mà thôi. Hơn nữa, sự luôn miệng kể lại những chuyện trong đời Nguyên Phong của người lính già chắc hẳn chỉ có những chuyện chiến thắng quân xâm lăng Mông Cổ mới đáng nhắc đi nhắc lại, vì nó nói lên được cái oai hùng của triều đình nhà Trần, nhất là của vua Thái tông, nói riêng và của dân tộc Đại Việt nói chung trong công cuộc bảo quốc an dân.


      Về thời gian vua Trần Nhân tông sáng tác bài thơ này, chắc là trong khoảng từ sau năm 1278 tới trước năm 1293. Sở dĩ chúng tôi nghĩ như vậy là vì hai lý do.


      Thứ nhất, vua Thái tông phải đã qua đời và được an táng ở Chiêu Lăng thì mới có việc vua Nhân tông, cháu nội của vua Thái tông, đi viếng lăng mộ được. Theo sử sách, vua Thái tông nhường ngôi cho vua Thánh tông (phụ thân của vua Nhân tông) ngày 24 tháng 2 năm Mậu ngọ (1258) và qua đời ngay 1 tháng 4 năm Đinh sửu (1277) ở cung Vạn Thọ tại kinh thành Thăng Long (nay là thành phố Hà Nội), rồi đến ngày 4 tháng 10 cùng năm được an táng tại Chiêu Lăng.


      Thứ hai, vua Nhân tông phải còn đang tại vị thì mới có việc vua đi yết Chiêu Lăng với đầy đủ nghi trượng, thị vệ, và các quan lại đủ 7 phẩm đi theo hầu, như được diễn tả trong hai câu đầu của bài thơ. Sau khi vua Nhân tông nhường ngôi cho vua Anh tông rồi, vì mặc dù là thái thượng hoàng, mọi xê dịch của ngài không có đủ các nghi tiết nói trên, nhất là sau khi đi tu, vua đã coi mình là một tăng sĩ bình thường như mọi tăng sĩ khác, cho dù ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm. Chúng ta biết vua Nhân tông lên ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu dần (1278, tức là 1 năm sau khi vua Thái tông qua đời) và nhường ngôi ngày 9 tháng 3 năm Quí tị (1293).


      Chỉ có điều là chúng ta không biết vua Nhân tông bái yết Chiêu Lăng năm nào.


      Căn cứ vào những điều sử sách ghi chép, trong khi đang chiến đấu chống quân Nguyên sang xâm lăng lần thứ hai, vua Nhân tông đã cùng với thượng hoàng Thánh tông đi bái yết các lăng (hiểu là kể cả Chiêu Lăng) ở Long Hưng ngày 15 tháng 5 năm Ất dậu (1285).


      Một lần đi bái yết Chiêu Lăng khác là vào ngày 17 tháng 3 năm Mậu tí (1288), sau khỉ đánh thắng quân Nguyên sang xâm lăng lần thứ ba, vua đã hướng dẫn quần thần và đem theo những tù binh bắt được, như đại vương Tích Lệ Cơ, nguyên soái Ô Mã Nhi, tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, nguyên soái Điền (không rõ tên), cùng các vạn hộ (tướng chỉ huy vạn quân), thiên hộ (tướng chỉ huy nghìn quân) về làm lễ dâng thắng trận tại Chiêu Lăng.


      Theo thiển ý của chúng tôi, rất có thể là vua Nhân tông sáng tác bài thơ này trong lần đi bái yết Chiêu Lăng lần thứ hai, vào ngày 17 tháng 3 năm Mậu tí. Suy đoán của chúng tôi dựa vào ba lý do sau:


      Thứ nhất, theo âm lịch, ngày 17 tháng 3 vẫn còn ở trong mùa xuân, mặc dù là cuối xuân (mộ xuân), như vậy rất hợp với nhan đề Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng (tuy chúng ta không rõ nhan đề do chính vua hay do người đời sau đặt ra).


      Thứ hai, trong bài thơ có nói đến người lính già kể chuyện đời Nguyên Phong, nghĩa là nói đến sự đánh thắng quân Mông Cổ sang xâm lăng lần thứ nhất (1257). Điểm này phù hợp với việc vua Nhân tông đã đánh thắng quân Nguyên (tức Mông Cổ) sang xâm lăng lần thứ ba (1287-1288) và, như nói ở một đoạn trên, đã đem bọn tướng sĩ tù binh Nguyên đến Chiêu Lăng làm lễ dâng thắng trận.


      Thứ ba, từ sau khi vua Nhân tông nhường ngôi cho vua Anh tông cho đến khi ngài qua đời ngày 3 tháng 11 năm Mậu thân (1308), không thấy sử sách chép đến việc vua đi viếng Chiêu Lăng nữa, mà chỉ chép các nơi vua trú ngụ ngoài kinh thành Thăng Long là Vũ Lâm, Thiên Trường và núi Yên Tử, hoặc là những lần vân du núi Chí Linh, sang Chiêm Thành, v.v.


      Tuy bài thơ Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng lấy khung thời gian sáng tác là mùa xuân, nhưng toàn bài không hề miêu tả cảnh xuân hay biểu đạt cảm xúc, ý nghĩ của vua Trần Nhân tông đối với hoặc do cảnh xuân mang lại, như những bài thơ xuân khác của nhà vua.


      B. Xuân Hiểu


      Một buổi sáng ngủ dậy, mở cánh cửa sổ nhìn ra bên ngoài, vua không ngờ là mùa xuân đã về. Một đôi bướm trắng vỗ cánh đuổi theo những cánh hoa bay. Cảnh tượng này đã gợi hứng cho nhà vua làm nên bài thơ Xuân Hiểu.

      Thuỵ khởi khải song phi

      Bất tri xuân dĩ qui.

      Nhất song bạch hồ điệp,

      Phách phách sấn hoa phi.

      Bản dịch thơ Việt ngữ của Ngô Tất Tố mang nhan đề Buổi Sớm Mùa Xuân.

      Ngủ dậy ngỏ song mây,

      Xuân về vẫn chửa hay.

      Song song đôi bướm trắng,

      Phấp phới sấn hoa bay.

      Một người dịch khác là Trần Lê Văn cũng dùng một nhan đề

      Ngủ dậy, mở cửa sổ,

      A, xuân về rồi đây!

      Kìa một đôi bướm trắng,

      Nhằm hoa phơi phới bay.

      Tuy bài thơ Xuân Hiểu tả một cảnh sáng mùa xuân đẹp, nhưng nó còn mang một ý nghĩa khác. Nó cho thấy vua hoàn toàn không quan tâm đến thời gian, đến độ xuân tới lúc nào mà ngài cũng không hay, cho đến một hôm mở cửa sổ nhìn ra ngoài trông thấy những cảnh tượng mùa xuân đem lại mới chợt nhận thấy là xuân đã đến.


      Một người bình thường không thể nào không biết tới những sự thay đổi của bốn mùa, chứ đừng nói đến một ông vua là người, do chức trách, hàng ngày phải theo dõi và được báo cáo về tất cả những biến chuyển trong nước cũng như sự tuần hoàn của thiên nhiên. Đấy là chưa kể tới việc làm lịch từ nghìn xưa được coi là một trong những trách vụ quan trọng, nếu không thể nói đó là trách vụ quan trọng nhất, của một ông vua. Mọi sinh hoạt của quốc dân đều căn cứ vào việc này. Vì vậy, chỉ có những người đã tu luyện đến trình độ coi tất cả mọi sự trong thế gian là huyễn ảo, không có gì là quan trọng, đáng quan tâm hay bận tâm, mới có thể lãng quên thời gian, không biết gì đến sự tuần hoàn của vũ trụ thiên nhiên.


      Tuy nhiên một khi biết là xuân đã tới, nhà vua cũng hãy còn thưởng thức được cái đẹp do mùa xuân mang lại, chứ trái tim ngài chưa đến nỗi bị cứng như đá, lạnh như băng. Hơn nữa, sự thưởng thức cái đẹp của nhà vua cũng rất cao. Ngài không cần phải dùng nhiều lời, nhiều hình ảnh để diễn tả cái đẹp ấy. Chỉ với một đôi bướm trắng phấp phới chạy đuổi theo những bông hoa đang bay, ngài đã cho chúng ta một bức tranh không những là tuyệt đẹp mà còn là cái đẹp khách quan của thiên nhiên nữa. Nói cách khác, nhà vua thấy sao vẽ lại như vậy, không hề gửi gấm tâm tư vào trong bức tranh, cho nên chúng ta không thấy những hoài niệm, những luyến tiếc về những gì đã qua đi, đã mất đi. Chúng ta cũng không thấy cả những mong ước, những hoài vọng của nhà vua. Nói cách khác, nhà vua đã gạt bỏ quá khứ lẫn vị lai, mà chỉ nghĩ đến hiện tại thôi.


      Chúng tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói về lời bàn của Ngô Tất Tố cho rằng bài thơ Xuân Hiểu của vua Trần Nhân tông là "bức tranh vẽ cảnh buồn" (2) . Chúng tôi không tìm thấy một câu, một chữ, một hình ảnh nào có thể chứng tỏ bài thơ Xuân Hiểu vẽ một cảnh buồn cả. Ngay cả việc nhà vua lãng quên thời gian cũng không thể coi là một trạng thái đáng buồn; trái lại, nó chứng tỏ nhà vua đã tu luyện được đến giai đoạn không để cho lòng mình bị ý niệm thời gian ảnh hưởng.


      Bài thơ Xuân Hiểu của vua Trần Nhân tông còn làm chúng ta nhớ tới một bài thơ của thi sĩ Trung Quốc Mạnh Hạo Nhiên (689-740) mang cùng một nhan đề là Xuân Hiểu và cùng một thái độ của người đã không màng đến sự đời, thờ ơ với thời gian qua lại và ngắm cảnh đẹp của xuân một cách hết sức khách quan.

      Xuân miên bất giác hiểu,

      Xứ xứ văn đề điểu.

      Dạ lai phong vũ thanh,

      Hoa lạc tri đa thiểu.

      Trần Trọng San đã dịch bài thư này sang thơ Việt ngữ, theo thể lục bát, với nhan đề là Sáng Xuân

      Ngủ say không biết sáng rồi,

      Chim xuân chốn chốn vang trời hót ca.

      Đêm về gió táp mưa sa,

      Hoa kia rơi rụng biết là bao nhiêu.

      Một người dịch khác là Trần Trọng Kim. Dịch giả cũng dùng thể lục bát và đặt nhan đề là Sáng Ngày Mùa Xuân.

      Giấc xuân trời sáng không hay,

      Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi.

      Đêm qua mưa gió tơi bời,

      Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.

      Xuân Vãn


      Khác với bài Xuân Hiểu, có lẽ được vua Trần Nhân tông sáng tác lúc còn đang tại vị, vì thơ cho thấy nhà vua chưa hoàn toàn gạt bỏ được ảnh hưởng của thiên nhiên, mặc dù đã tu luyện được tới mức quên cả ý niệm thời gian và không màng tới nhân sự, bài Xuân Vãn được làm ra sau khi nhà vua đã nhường ngôi cho vua Anh tông và xuất gia làm đầu đà, và theo lời Nguyễn Lang, vua ngồi trên bồ đoàn nhìn mùa xuân qua với tâm trạng bình thản và thanh thoát (3).


      Thực vậy, bài thơ không phải là cảnh tượng chiều xuân mà là mượn khung thời gian mùa xuân để nói lên tư tưởng của mình.


      Vua nói rằng khi còn trẻ tuổi, ngài đâu có hiểu được cái lẽ sắc không của nhà Phật; do đó mỗi khi mùa xuân tới thì đầu óc lòng dạ ngài chỉ để vào trong trăm hoa đua nở mà thôi. Trái lại, nay ngài đã khám phá ra được bộ mặt thực của chúa Đông (4) rồi, nên khi mùa Xuân tới, ngày chỉ ngồi trên bồ đoàn đặt trên tấm phản thiền mà ngắm những bông hoa rực rỡ rơi rụng.

      Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

      Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.

      Như kim khám phá Đông hoàng diện,

      Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

      Người thứ nhất dịch bài thơ này sang Việt ngữ là Ngô Tất Tố với nhan đề Chiều Xuân:

      Thuở trẻ chưa từng lẽ sắc không,

      Ngày xuân hoa nở rộn tơ lòng.

      Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

      Chiếu cọ, giường sư ngắm bóng hồng.

      Người dịch thứ hai là Nguyễn Lang, với tựa đề Cuối Xuân.

      Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không,

      Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng.

      Diện mục xuân nay từng khám phá,

      Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng.

      Người dịch thứ ba là thiền sư Thích Thanh Từ (dịch giả không đặt nhan đề cho bản dịch).

      Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

      Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

      Chúa xuân nay bị ta khám phá,

      Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

      Vua Trần Nhân tông cho thấy ngài nhìn mùa xuân bằng con mắt của một tu sĩ xuất thế, khác hẳn con mắt của người còn ở trong tình trạng nhập thế. Hơn nữa, ngài còn dùng bài thơ Xuân Vãn để trình bày hai giai đoạn trong tiến trình tư tưởng, hay nói cho đúng hơn, tiến trình giác ngộ của mình


      Trong giai đoạn thứ nhất khi nhà vua chưa xuất gia và còn ở trong tuổi niên thiếu, nên chưa hiểu được cái lẽ "sắc tức thị không, không tức thị sắc" (sắc tức là không, không tức là sắc), nghĩa là chưa đạt được tâm thức giác ngộ. Do đó nhà vua mới thấy lòng mình rộn ràng, rung động trước cảnh đẹp mùa xuân đem lại, mà không biết rằng những cái đẹp đó chẳng qua chỉ là những cái đẹp của hiển sắc, nghĩa là những cái đẹp hiển hiện cho ta thấy; hơn nữa, chúng là những cái đẹp của ngoại sắc, của những vật có hình chất trong thế gian.


      Bước sang giai đoạn thứ hai, sau khi đã xuất gia và thấu triệt nguyên lý sắc không, nhà vua đã khám phá ra được bộ mặt thực của xuân. Ngài thấy rằng tất cả những gì mà người ta cho là đẹp do mùa xuân mang lại chẳng qua chỉ là tổng hợp của các nhân duyên, các yếu tố, các nhân tố mà thành, chứ tự tính vốn không có. Các yếu tố, nhân tố hay nhân duyên đó không có tượng trạng bền vững hay bất biến. Vì thế, cái đẹp này là cái đẹp không tướng, nó chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu, chẳng có hình chất mà cũng chẳng không có hình chất, chẳng sinh mà cũng chẳng diệt, chẳng dơ mà cũng chẳng sạch, chẳng thêm mà cũng chẳng bớt. Như vậy, những cái coi là đẹp đó đâu còn phải là đẹp nữa. Vì đã hiểu được như vậy, nhà vua có được một tâm trạng bình thản, không náo nức mà cũng chẳng u sầu, có thể ngồi trên tấm thảm bồ đoàn mà ngắm, chẳng phải là những bông hoa nở rộn thắm tươi đẹp đẽ, mà là những bông hoa héo tàn, rơi rụng, lòng không chút cảm xúc, không thương tiếc sự héo tàn của bông hoa cũng như sự hủy hoại thân xác của mọi sinh vật do thời gian tuần hoàn đem lại.


      D. Xuân Cảnh


      Mặt khác, trong bài Xuân Hiểu vua Trần Nhân tông cho thấy ngài mới chỉ đạt đến giai đoạn quên cả thời gian, nhưng vẫn chưa quên thưởng thức các vẻ đẹp của thiên nhiên, còn với bài Xuân Cảnh nhà vua tỏ ra đã đạt đến giai đoạn coi thế sự không có gì quan trọng, không đáng lưu luyến, bởi vì tất cả chỉ là hư không, là huyễn ảo.

      Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

      Họa đường diêm (5) ảnh mộ vân phi.

      Khách lai bất vấn nhân gian sự,

      Chỉ bạng lan can khán thúy vi.

      Bài này đã được hai người dịch sang thơ Việt ngữ, dùng cùng nớt nhan đề là Cảnh Xuân.


      Người dịch thớ nhất là Ngô Tất Tố.

      Chim hót dề dà, liễu tả tơi,

      Thềm hoa mây phủ, bóng nhà dài.

      Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân sự,

      Tựa bức lan can chỉ ngắm trời.

      Người dịch khác là Nguyễn Lang.

      Liễu rủ hoa hồng chim hót ca,

      Mây chiều in bóng trước hiên nhà.

      Khách vào, thế sự không cần hỏi,

      Chỉ tựa lan can ngắm cỏ hoa.

      Bài thơ Xuân Cảnh có ý nói là trong khung cảnh một ngày xuân, với hoa dương liễu nở nồng đậm, với tiếng chim hót thưa và chầm chậm, với áng mây chiều trôi chiếu xuống mái nhà tới thềm họa đường, có một người khách tới chơi. Tuy nhiên, người khách chẳng hỏi han gì về những sự việc nhà gian, mà chi tựa vào lan can ngắm bầu trời xanh biếc thôi.


      Tất cả những hình tượng này nói lên trạng thái siêu thoát của một người (ở đây hiểu là chính nhà vua) đã thành công trong việc tách mình khỏi cõi nhân gian và hội nhập với vũ trụ vô hạn vô biên, vô cùng vô tận, vô thủy vô chung. Trạng thái ấy đã ảnh hưởng đến vạn vật trong vũ trụ: mọi hoạt động của thiên nhiên cũng như của động vật, của thực vật, và của con người đều trở nên thong thả, nhẹ nhàng, nhàn nhã, không chút vội vàng hấp tấp.


      Xin mở một dấu ngoặc ở đây.

      Đáng tiếc là hai câu thơ đầu của nguyên tác đã không được diễn tả đúng trong bản dịch Việt ngữ của cả Ngô Tất Tố lẫn Nguyễn Lang.


      Câu thứ nhất nguyên tác, "Dương liễu hoa thâm, điểu ngữ trì", được Ngô Tất Tố dịch là "Chim hót dề dà, liễu tả tơi". Tuy cụm từ "chim hót dề dà" đã diễn tả được ý khoan thai, chậm rãi ngụ trong cụm từ nguyên tác "điểu ngữ trì" (chim nói [= hót] chầm chậm), nhưng cụm từ "liễu tả tơi" đã làm hỏng cụm từ nguyên tác "dương liễu hoa thâm". Từ "thâm" ở đây mang nghĩa "sâu, nồng nàn, đậm", tức là diễn tả một trạng thái chủ động, chìm và lâu, mà từ Việt ngữ tương đương là "nồng đậm". Trái lại, cụm từ "liễu tả tơi" của Ngô Tất Tố diễn tả một trạng thái bị động, nhanh và mạnh, ngụ ý là hoa dương liễu đã bị gió đánh mạnh khiến trở nên tơi tả.


      Mặt khác, câu dịch của Nguyễn Lang, "liễu rủ hoa hồng chim hót ca", lại đi quá xa câu nguyên tác. Tuy cụm từ "liễu rủ" có thể tạm (xin nhấn mạnh là tạm") coi là diễn tả được một phần nào ý trầm lặng của nguyên tác, nhưng cụm từ "hoa hồng" ở đây lại quá lạc đề. Trong câu nguyên tác, và đồng thời trong toàn bài thơ nữa, không có từ nào hay ý nào khiến người đọc có thể hiểu là vua Trần Nhân tông muốn nói đến "hoa hồng"! hay "hoa màu hồng" hoặc "hoa úa hồng". Theo thiển ý của chúng tôi nên thay từ "hồng" bằng từ "nồng" mới đúng với ý từ "thâm" của nguyên tác. Tệ hơn nữa là cụm từ "chim hót ca" hoàn toàn không lột được ý chim hót thưa thưa, chầm chậm của nguyên tác; trái lại, nó diễn tả tiếng chim hót líu lo, nhanh và dồn dập, vốn là hình tượng thường thấy trong tiếng hót của chim.


      Câu thứ hai nguyên tác, "Họa đường diêm ảnh mộ vân phi", diễn tả ý mây chiều bay in bóng trên mái của họa đường. Đây là một hình ảnh động. Trái lại, cả câu dịch của Ngô Tất Tố, "Thềm hoa mây phủ, bóng nhà dài", lẫn câu dịch của Nguyễn Lang, "Mây chiều in bóng trước hiên nhà", đều mang lại một hình ảnh tĩnh. Đấy là chưa kể cả hai không diễn tả được nghĩa của cụm từ "họa đường" (= phòng tranh, phòng vẽ). Tuy nhiên, nếu so sánh hai câu dịch này chúng ta thấy câu của Nguyễn Lang dù không lột hết ý của tác giả nhưng tương đối vẫn gần với câu nguyên tác hơn.


      Kết Luận


      Thơ của vua Trần Nhân tông đã biểu lộ tư chất của một con người nghệ sĩ, với những tiếng nói trữ tình, âm hưởng cuộc đời trần thế, luôn luôn phát hiện giá trị cái đẹp, trong giới hạn thực tại, những suy tưởng triết học Phật giáo và cuộc sống đời thường.


      Tạ Quốc Tuấn

      Văn Hóa Việt Nam, số 48 (Mùa Xuân 2010)

      Chú Thích:

       

      (l) Ngô Tất Tố, Việt Nam Văn Học: Văn Học Đời Trần, Khai-trí, Sài Gòn, 1960; Đại Nam, Glendale, California, in lại, không ghi năm in lại, tr. 189.

      (2) Ngô Tất Tố, sđd., tr. 191.

      (3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Lá Bối, Sài Gòn, 1973; in lần thứ 2, Paris, 1977, tập 1 tr. 329.

      (4) Bài thơ dừng từ "Đông hoàng", còn gọi là "Đông quân", nghĩa là thần xuân.

      (5) Từ viết bằng Hán tự với bộ trúc (= cây tre) và chữ chiêm (= nói nhiều, lắm lời; cấp, cho; đến), và có nghĩa là mái nhà chìa ra trên thềm nhà, phải đọc là "diêm" (dư liêm thiết, diêm vận), nhưng người Việt-nam quen đọc là "thiềm".


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Câu Đối Tết Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

      - Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông Tạ Quốc Tuấn Thơ

      - Cảnh Tết Xưa Tạ Quốc Tuấn Nhận định

      - Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

      - Danh Tướng Thi Nhân Phạm Ngũ Lão Tạ Quốc Tuấn Khảo luận

    3. Thơ và bài viết về Thơ (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Thơ và Bài viết về Thơ:

        Cùng Mục (Link)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Gọi Yêu Dấu & Trong Giấc Mơ Nào (Trần Yên Hòa)

      Tản mạn về bài thơ "Lời nguyện của rừng" (Trần Đăng Hồng)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

        Thơ Dịch:

       (Vietnamese Poetry translated into English)

       

      Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:

       

      Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

      Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)

      Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)

      Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)

      ......

      Huỳnh Sanh Thông dịch:

       

      Thăng Long (Nguyễn Du)

      Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)

      Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)

      Thăng Long Thành Hoài Cổ

       (Bà Huyện Thanh Quan)

      ......

      Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:

       

      Cùng khổ (Bùi Chát)

      Hoa sữa (Bùi Chát)

      Bài thơ một vần (Bùi Chát)

      ......

      Các tác giả khác dịch:

       

      Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)

      Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)

      Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)

      ......

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Thơ Cổ:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )

      Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)

      Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)

      Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)


      Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)

      Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)

       

       

        Thơ Tuyển:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)

      Bài Tế Chiến Sĩ Quốc Gia Trận Vong (Việt Thần)

      Sám Hối (Trần Đức Thạch)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Trang Thơ các Tác Giả:

       

      Cùng Chỉ Số - Lưu Trữ (Link) Chu Ngạn Thư   Chu Trầm Nguyên Minh   Hồ Minh Dũng   Hoàng Anh Tuấn   Hoàng Hương Trang   Lê Hữu Nghĩa   Lê Phương Nguyên   Lê Văn Trung   Mai Trung Tĩnh   Minh Đức Hoài Trinh  

       

        DANH NGÔN (Proverbs)

       

         • Chí Khí

         • Xử Thế

       

        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)