|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Ở Việt Nam xưa, mỗi khi Tết đến người ta luôn luôn được chứng kiến nhiều cảnh tượng đặc biệt làm nên hình dáng Tết Việt Nam mà ngày nay tuy vẫn còn nhưng đã biến đổi. Ở đây chúng tôi xin chọn hai cảnh tượng Tết qua nét bút họa của hai thi nhân hiện đại.
Bức họa thứ nhất là cảnh chợ Tết quê miền rừng núi do Đoàn Văn Cừ (1913-2004), người được gọi là nhà thơ thôn ca" (l), phác lên trong bài thơ Chợ Tết.
Bài thơ tả chân này gồm ba đoạn, được tác giả trình bày cách nhau bằng một dấu sao (*): đoạn một gồm 15 câu, đoạn hai 23 câu, đoạn ba 6 câu và mỗi câu có 8 chữ.
Đoạn một miêu tả cảnh thiên nhiên vào những ngày cuối năm, giáp Tết, và những con người trên đường đi đến chợ Tết.
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Đoạn hai kể những hoạt động của con người ở trong chợ.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mãi ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rợi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà sống màu thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Đoạn ba phác họa cảnh chợ vãn, người người lên đường trở về nhà.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm.
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Bài thơ Chợ Tết là một bức tranh tuyệt đẹp và sống động, với đủ mọi cử chỉ, mọi âm thanh, mọi màu sắc, đôi khi còn cả ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, khôi hài nữa.
Còn gì đẹp cho bằng cảnh:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;...
Lại thêm cảnh:
Sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Kèm theo là cảnh sống động:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Đấy là chưa kể còn những cảnh sống động khác, như là: "Người mua bán ra vào đầy cổng chợ", "Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ", "Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rợi".
Lại còn có những cảnh nào là ngộ nghĩnh "Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu, Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau", nào là hóm hỉnh "Con trâu đứng vờ dim mắt ngủ, Để lắng nghe người khách nói bô bô", và nhất là cành khôi hài "Áo cụ lý bị người chen sấn kéo, Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra."
Những cảnh đẹp trên lại còn được làm sống động thêm với những âm thanh đủ loại, nhịp độ, cung điệu: tiếng "có yếm thắm che môi cười lặng lẽ", tiếng "người khách nói bô bô", tiếng cụ đồ nho "miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ", tiếng người chị "gọi" lũ trẻ con, tiếng "cười rũ rợi" của mấy cô gái, cũng như tiếng đôi bồ của anh hàng tranh quẩy kêu "kĩu kịt", tiếng "chuông tối bên chùa văng vẳng đánh".
Như thế vẫn chưa hết. Thi nhân đã dùng nhiều màu sắc để tô điểm thêm bức tranh: (a) đỏ: "dải mây trắng đỏ", "những thằng cu áo đỏ", "cô yếm thắm", "đồi thoa son", "câu đối đỏ", "những mẹt cam đỏ chót tựa son pha"; (b) hồng lam: "sương hồng lam"; (c) trắng: "con đường viền trắng", "sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa", "tóc trắng phau phau" của bà cụ lão bán hàng, thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết"; (d) xanh: "mép đồi xanh", "áo the xanh"; (e) vàng: "con bò vàng", "ánh dương vàng"; (f) tía: "tia nắng tía", (g) nâu: "chiếc khăn nâu" của chú hoa man; và (h) thâm: chiếc "màu thâm như cục tiết" (ý tác giả nói là "mào thâm") của con gà sống.
Mặt khác, điều khiến người ta phải chú ý là tuy bài thơ nói rằng "người mua bán ra vào đầy cổng chợ", nhưng dường như đa số những người ở trong chợ là những người bán (tác giả nói tới 5 người) hay người đi xem (ít nhất cũng là 5 người), chứ không phải là người mua (tác giả chỉ nói tới 1 người).
Người bán thì như là anh hàng tranh, thầy khóa, bà cụ lão bán hàng, chú hoa man, anh chàng bán pháo.
Người đi xem thì thấy có cụ đồ nho, cụ lý, lũ trẻ con và chị của chúng, mấy cô gái (câu 33). Tất cả những người này, ngoại trừ "lũ trẻ con", cũng có thể là người mua. Đó chỉ là suy luận thôi, chứ bài thơ không có câu nào hay ý nào cho thấy họ là người mua cả.
Trong khi đó chúng ta biết chắc là có 1 người mua gà.
Ngay cả súc vật cũng không bị tác giả bỏ quên. Bài thơ đã đề cập tới lợn, bò vàng, trâu và gà sống.
Tuy nhiên, cuộc đời con người có hợp thì phải có tan: đó là lẽ thường. Phiên chợ Tết, cũng vậy, dù có "tưng bừng" đến đâu cũng có lúc phải tan. Do đó, khi tiếng "chuông tối bên chùa văng vẳng đánh" là lúc "những người quê lũ lượt trở ra về". Thế nhưng hai câu kết của bài thơ, "Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê, Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ", lại khác thường: nó diễn tả nỗi thê lương, ảm đạm của những người đi chợ, dù là người bán hay kẻ mua, thậm chí cả những người đi xem nữa, sau một ngày sống trong bầu không khí náo nhiệt. Sự thê lương, ảm đạm này còn cho thấy có lẽ việc bán hàng không được nhiều như ý muốn: người bán hàng và người đi xem thì nhiều, còn người mua thì ít.
Bức họa thứ hai là cảnh ông đồ ngồi viết câu đối Tết.
Ở Việt Nam thời xưa, vào khoảng 10 ngày trước Tết người ta thường thấy xuất hiện, trong thành phố, một vài ông đồ nghèo ngồi sau những chiếc bàn nhỏ tại một dãy vỉa hè hay mặt tiền của một căn nhà, hay, ở vùng quê, trong những chiếc lều nhỏ (thường chỉ là một tấm vải hay manh chiếu che mưa nắng) vào phiên chợ Tết. Các ông ngồi đó để viết thuê những câu đối xuân (gọi là "xuân liễn"). Những câu đối được ông đồ viết trên những tờ giấy hồng điều bằng những nét chữ vàng chữ bạc cho những ai muốn có để dán trên tường, trên vách trong nhà hay dán trước của..., để nhận lấy một số tiền nho nhỏ. Đồ nghề của ông chỉ có cái tráp, mấy ngòi bút lông lớn nhỏ, một nghiên mực mài sẵn, một tập giấy hồng điều hay giấy gạch cua đã rọc. Nếu trong năm, nhà người mua có tang chế thì ông đồ dùng loại giấy màu vàng hay xanh lá cây. Những câu đối thì hoặc là khi khách đến mua ông mới nghĩ những câu thích hợp mà viết ra hoặc là những câu chúc thông thường ông đã chép sẵn và người mua cứ việc xem câu đối nào thích hợp hay ưng ý thì chọn mua. Mặc dù nền Nho học đã cáo chung từ đầu thời Pháp thuộc (1862-1945), nhưng những ông đồ vẫn xuất hiện trong lớp áo xơ bông, ngồi run lập cập trên manh chiếu để nắn nót viết những câu chữ Nho mà người mua không tự viết được hay không có khả năng tự sáng tác.
Trong bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ chúng ta đã được giới thiệu hình ảnh một thầy khóa gò lưng hí hoáy viết thơ xuân trong phiên chợ Tết miền quê. Hình ảnh này còn được Vũ Đình Liên (1913-1996) gợi lại trong một bài thơ chỉ hoàn toàn nói về nhân vật này thôi. Đó là bài Ông Đồ.
Bài thơ, gồm 5 đoạn, mỗi đoạn 4 câu và mỗi câu 5 chữ, đại ý nói rằng năm nào cũng như năm nào, đến mùa hoa đào nở thì người ta lại thấy xuất hiện ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ, ngồi ở ngoài đường phố đông người qua lại. Ông ngồi đó để viết những câu đối Tết mà người ta thuê ông viết. Những nét chữ ông viết rất đẹp, hất lên, cong xuống, hùng dũng, lả lướt như phượng múa rồng bay. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, số người thuê ông viết cứ ít dần đi, khiến cho ông không có mấy cơ hội trổ tài và đồng thời số tiền kiếm được cũng mất dần đi. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục ngồi, cho dù những người qua đường không còn ai chú ý ông nữa và đến cả trời cũng không có lòng thương xót ông, khiến~cho mưa bụi bay, lá vàng rơi xuống giấy đỏ ông dùng để viết câu đối. Cho tới năm nay, hoa đào một lần nữa lại nở, nhưng người ta không còn thấy ông đồ đâu nữa. Chắc là ông đã chết, bởi vì chỉ có cái chết mới khiến cho ông không ra ngồi viết thuê câu đối nữa. Chẳng biết là hồn ông bây giờ trôi đến tận phương nào.
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm,
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Bài thơ tiêu biểu tình hoài cổ và lòng thương người của Vũ Đình Liên.
Tình hoài cổ của thi nhân được thể hiện bằng sự tưởng nhớ đến người xưa cảnh cũ, mà ở đây là ông đồ già năm năm cứ vào dịp mừng đón Tết ông lại mang khăn gói ra ngồi ngoài cửa, ngoài đường phố, trên vỉa hè hay trong túp lều nơi phiên chợ để giúp người biểu đạt mơ tưởng của mình vào năm tới và cũng là để kiếm được chút tiền nho nhỏ. Hành động này của ông cứ tiếp tục mãi, dù càng ngày càng ít người thuê ông viết, cho tới khi ông giã biệt cõi đời.
Mặt khác, qua bài thơ, Vũ Đình Liên đã biểu đạt lòng thương người của mình, mà, trong một bức thư đề ngày 9.1.1941 gửi cho Hoài Thanh và Hoài Chân, tác giả của cuốn Thi Nhân Việt Nam, thi nhân đã nói rằng "Ông [đồ] chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn." (2)
Thi nhân thương cho kiếp sống của nhà nho trong thời buổi Nho học bị suy tàn do chính sách cai trị của thực dân Pháp đã thay thế nền Nho học mà Việt Nam theo đuổi trong ngót 2.000 năm, tiêu biểu bằng việc chúng chấm dứt khoa cử đặt căn bản trên Nho học vào cuối thế kỷ thứ 19 (ở Nam kỳ) và đầu thế kỷ thứ 20 (ở Bắc kỳ và Trung kỳ), và thay thế bằng giáo dục Pháp. Những nhà Nho không có khả năng, hoàn cảnh, điều kiện, không chấp thuận nền văn hóa ngoại lai tôn thờ vật chất và cá nhân, và nhất là không muốn khom mình cúi đầu phục vụ ngoại nhân, đã bị yếu thế, phải sống trong nghèo nàn cùng khốn.
Tuy ngày nay vào dịp cuối năm chợ Tết vẫn còn tiếp diễn ở thành thị cũng như thôn quê, và vẫn còn có người ngồi viết câu đối như thời của Vũ Đình Liên, nhưng những cảnh tượng này không còn làm nức lòng người, không gây được nhiều ấn tượng như cảnh tượng Đoàn Văn Cừ và Vũ Đình Liên miêu tả nữa.
CHÚ THÍCH:
(1) Sở dĩ Đoàn Văn Cừ được gọi như vậy là vì đại đa số tác phẩm văn chương của ông đều là những bài ca của làng quê, viết về làng quê, ca ngợi làng quê.
(2) Hoài Thanh & Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, tác giả tự xuất bản ở Huế, 1942, sau đó được tái bản nhiều lần; Xuân Thu, Sài Gòn, in lại năm 1967, và ở Hoa kỳ (Los Alamitos, California) in lại một lần nữa, nhưng không cho biết in lại theo ấn bản nào, cũng không ghi năm in lại, tr. 78 và cước chú 1.
- Câu Đối Tết Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
- Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông Tạ Quốc Tuấn Thơ
- Cảnh Tết Xưa Tạ Quốc Tuấn Nhận định
- Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
- Danh Tướng Thi Nhân Phạm Ngũ Lão Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
• Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)
• Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)
• Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
• Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)
• Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)
• Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)
• Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)
• Vùng Hoa Thịnh Đốn: Ra Mắt Sách Ngô Minh Hằng (Huỳnh Mai Hoa)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |