|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên sang xâm lăng lần thứ hai (1284-1285) và lần thứ ba (1287-1288), Quốc công Tiết chế Hưng-Đạo đại vương Trần-Quốc-Tuấn đã được sự phụ tá của nhiều tướng tài, trong đó đáng kể nhất là Phạm-Ngũ-Lão, gia tướng và đồng thời cũng là hiền tế của Vương, và sau này lại còn là nhạc phụ của một vị vua nhà Trần nữa.
Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt
(nguồn: viettoon.net)
Phạm Ngũ Lão (1255-1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hầu, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Có tài liệu viết ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh (968-980).
Theo sách Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan Kế Bính, gia đình ông vốn làm nghề nông, đến ông mới theo học Nho (tr. 114).
Năm Phạm Ngũ Lão ngoài 20 tuổi, giữa ông và Trần Hưng Đạo đã có một cuộc hạnh ngộ khác thường, mở đầu cho một liên hệ mật thiết giữa hai người về cả hai phương diện công và tư.
Sách Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ trong bài "Phạm Ngũ Lão" đã kể chuyện hạnh ngộ đó như sau:
"Ông Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, lúc còn hàn vi, thường ngồi xếp bằng tròn ở bên đường cái quan, chẻ tre đan sọt. Chợt khi ấy, Hưng Đạo đại vương kéo quân từ Vạn Kiếp về kinh. Quân tiên phong thét ông đứng dậy, ông cứ ngồi xếp bằng tròn mà đan, hình như không nghe gì. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi, ngọn giáo mắc vào đấy không rút ra được, nhưng ông vẫn cứ ngồi yên. Khi võng Hưng Đạo Vương đến, Vương mới hỏi: "Đùi nhà ngươi bị đâm như thế, sao không biết đau, mà lại cứ ngồi như vậy?" Ông thưa rằng: "Tôi đương nghĩ mấy câu trong binh thư, nên không nghe thấy gì cả". Vương bèn dừng võng lại, hỏi thử binh cơ mưu lược, thì ông ứng đối trôi chảy. Vương lấy làm lạ, cho lên xe đưa về, rồi gả con gái nuôi cho." (1)
Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Theo một số tài liệu, người con gái được Hưng Đạo Vương gả cho Phạm Ngũ Lão chính là con gái ruột của Vương, quận chúa Anh Nguyên. Tuy nhiên, vì qui luật của nhà Trần, công chúa cũng như quận chúa, nghĩa là những người con gái hoàng tộc Trần, chỉ được gả cho những người trong hoàng tộc thôi; trong khi đó Vương lại yêu mến Phạm Ngũ Lão, một nhân tài kiệt xuất ngoài hoàng tộc, hết sức muốn có ông làm con rể, cho nên Vương đã đổi họ cho quận chúa, biến Anh Nguyên thành con gái nuôi để có thể gả cho Phạm Ngũ Lão.
Từ đó, Phạm Ngũ Lão trở thành gia tướng của Trần Hưng Đạo. Vương nhận thấy ông tài năng, khí độ vượt hơn mọi người, nên đã dạy bảo thêm. Các tài liệu không cho biết Vương đã dạy bảo ông những gì, nhưng chúng ta có thể suy đoán ít nhất cũng là học thuật, binh pháp, cùng là đạo làm tướng, vốn là những điều tâm đắc mà Vương đã trình bày trong sách Binh Thư Yếu Lược của Vương. Phạm Ngũ Lão đã trở nên người học trò tuyệt vời và người cộng tác đắc ý nhất của Vương, không bao giờ làm cho Vương phải thất vọng.
Vương đã tiến cử ông lên vua Trần Thánh Tông (tại vị năm 1258-1278).
Tương truyền vua thấy ông là người có sức lực, lại thêm có học thức, nên cho ông quản lĩnh các vệ sĩ, nhưng các vệ sĩ không phục, xin đấu sức với ông. Ông chấp nhận, nhưng xin phép vua về nhà ba tháng để thu xếp việc nhà trước. Khi trở lại triều đình, ông đã đấu quyền với các vệ sĩ và không ai địch nổi. Ông lại thách tất cả các vệ sĩ ra đấu cùng một lúc, nhưng họ cũng không cách nào đánh lại ông, lúc đó họ mới chịu phục. Vua cho ông theo Hưnhg Đạo Vương.
Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lăng Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều chiến công hiển hách.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên sang xâm lăng lần thứ hai, năm 1285, ông đã cùng Chiêu Minh Đại Vương Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải, con thứ của vua Trần Thái Tông (tại vị năm 1225-1258) và em của vua Thánh Tông, đánh quân giặc ở Chương Dương (xã Chương Dương, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội ngày nay) và Hàm Tử (nay ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và đánh đuổi giặc ra khỏi kinh thành Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp (nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và giết được hai phó tướng danh tiếng của nhà Nguyên là Lý Quán và Lý Hằng. Ngay cả viên tổng chỉ huy quân xâm lăng là Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Toghan), con trai của vua Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt (Qubilai qan, Kubilai khan, Khubilai khan, Kublai khan; khả hãn Mông Cổ năm 1260-1280 và vua Trung Quốc, với hiệu Thế Tổ, năm 1280-1295) khi rút lui cũng phải đối đầu cánh quân Phạm Ngũ Lão.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xăm lăng lần thứ ba, ông cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng (còn gọi là sông Vân Cừ, chảy giữa hai huyện Yên Hưng thuộc tỉnh Quảng Ninh và Thủy Yên thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay). Trong trận này, quân Trần bắt sống được các tướng Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích (AJuruyci), Ô Mã Nhi (Omar). Phạm Ngũ Lão còn tiếp tục truy kích đoàn quân xâm lăng Nguyên khi chúng rút lui bằng đường bộ, đến nỗi chính Thoát Hoan cũng phải chui ống đồng trốn về nước.
Ngoài ra, Phạm Ngũ Lão còn ba lần cầm quân đi trừng phạt Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301, vì quân Ai Lao đã nhiều lần sang đánh phá, cướp bóc, quấy nhiễu Đại Việt.
Thực vậy, tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294; sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép là tháng 7), thượng hoàng Trần Nhân Tông (2) tự làm tướng, đích thân đem quân đi đánh Ai Lao. Trung Thành Vương (không rõ tên) đem quân đi tiên phong và bị giặc vây hãm. Phạm Ngũ Lão đem quân đến giải vây và tung quân nghênh chiến, đánh tan quân giặc, bắt được người và súc vật rất nhiều. Khỉ về, ông được vua Trần Anh Tông (tại vị năm 1293-1314) ban cho kim phù (binh phù bằng kim loại; cũng có thể hiểu là binh phù làm bằng vàng).
Rồi đến năm Đinh Dậu (1297), Ai Lao lại đem quân xâm phạm, chiếm giữ sông Chàng Long (có lẽ ở thượng lưu sông Mã). Ông được vua Anh Tông phái đem quân đến đánh úp giặc khiến quân Ai Lao bị thua chạy và đã lấy lại được đất cũ. Nhân việc này, ông được vua ban cho vân phù (binh phù có hình sắc mây).
Tới đây Ai Lao vẫn chưa chịu yên. Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), quân Ai Lao lại sang cướp ở miền Đà Giang (nay là tỉnh Hưng Hóa), nên vua Anh Tông sai ông đi dẹp. Ông gặp quân giặc ở động Mường Mai (nay là huyện Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình), cùng giặc giao chiến và bắt được rất nhiều tù binh. Vua rất vui mừng, phong ông làm Thân Vệ Đại Tướng Quân và ban cho qui phù (binh phù hình con rùa).
Về việc đánh thắng quân Ai Lao, có truyền thuyết nói rằng khi còn hàn vi, chưa theo Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão đã từng sang Ai Lao làm nghề chăn voi cho vua nước đó. Ông cầm lá cờ đỏ dạy voi, hễ phất lá cờ thì voi phải quì xuống hết. Cho nên sau này khi đem quân đi đánh Ai Lao, thấy quân Ai Lao thúc voi xông vào trận, ông bèn phất lá cờ đỏ, voi trông thấy hiệu lại phục cả xuống, nên ông đã phá được quân Ai Lao.
Ngoài ra, ông còn cho chặt tre đực, dài độ một trượng, chồng chất bên vệ đường. Khi gặp quân của ông, giặc thúc voi tiến lên thì ông vớ lấy tre ở những đống bên đường, đập vào chân voi. Voi bị đau gầm rống lên, chạy ngược về, giày xéo cả quân Ai Lao. Nhờ đó ông đã thúc quân đánh tràn sang và quân Ai Lao bị đại bại.
Chẳng những nhiều lần đánh thắng Ai Lao, ngay cả Chiêm Thành cũng đã từng bị Phạm Ngũ Lão đánh bại.
Chiêm Thành nhiều lần đem quân sang đánh phá Đại Việt, nên tháng 8 năm Mậu Ngọ (l318), vua Trần Minh Tông (tại vị năm 1314~1329) sai Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn (chú ruột và đồng thời cũng là nhạc phụ của vua) đem quàn đi đánh Chiêm Thành. Trong trận chiến này, tộc tướng nhà lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đã bị tử trận. Phạm Ngũ Lão, quản lĩnh quân Thiên Vũ (hay quân Thiên Thuộc, theo sách Cương Mục), đã tung quân ra đánh tập hậu, khiến quân Chiêm bị thua chạy, bắt được tù binh rất nhiều, và chúa Chiêm là Chế Năng chạy sang nước Qua Oa (còn gọi là Hạ Cảng hay Thuận Tháp, ở phía tây nam Chiêm Thành) cầu viện. Khi về triều, Phạm Ngũ Lão dược vua phong cho tước Quan Nội Hầu (tước quan cho phép được vào nội đình), ban cho phi ngư phù (binh phù hình con cá bay hay cá chuồn), và còn cho con ông làm quan.
Vì có nhiều chiến công nên ông đã được nhiều lần thăng chức cao cấp trong quân đội. Tháng 5 năm Canh Dần (1290), vua Trần Nhân Tông trao cho ông, lúc đó đang là Hạ Phẩm Phụng Ngự, chỉ huy Hữu Vệ Quân Thánh Dực; đến tháng 10 năm Mậu Tuất (1298), vua Anh Tông phong ông làm Kim Ngô Hữu Vệ Đại Tướng Quân thống lĩnh các quân Thượng Chân Đô (sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết là Thượng Đô), Thủy Dạ Thoa Đô và Chân Kinh Đô (Cương Mục viết là Chân Kim Đô) ; rồi đến tháng 4 năm Kỷ Hợi (1299) vua lại bổ dụng ông làm Thân Vệ Tướng Quân, kiêm quản lĩnh quân Thiên Thuộc phủ Long Hưng; tháng 1 năm Nhâm Dần (1302), theo lệnh vua Anh Tông, ông đem quân đi đánh nghịch thần làm loạn tên là Biếm (không rõ họ) và giết được y, nên được phong làm Điện Súy và được ban hổ phù (binh phù hình con hổ).
Một người con gái của Phạm Ngũ Lão, hiệu là Tĩnh Huệ, là thứ phi của vua Anh Tông.
Ngày 1 tháng 11 năm Canh Thân (1320), Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ vua ban cho ở vườn cau trong thành, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, một ân điển rất đặc biệt. Ngoài ra, ông còn được phong làm thượng đẳng phúc thần và nhân dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, (ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay). nơi thờ Trần Hưng Đạo.
Phạm Ngũ Lão là người phóng khoáng, khảng khái, có chí khí lớn. Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật và lại đối đãi quân sĩ tựa như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, phản ảnh rất trung thành đạo làm tướng mà Trần Hưng Đạo đã biểu đạt trong sách Binh Thư Yếu Lược. Quân đội do ông chỉ huy đều thân yêu nhau như cha con anh em một nhà. Đội quân phụ tử đó đi tới đâu không ai dám chống, đánh đâu thắng đấy, tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không.
Vua Tự Đức nhà Nguyễn (tại vị năm 1848-1883) đã phê bình về việc Phạm Ngũ Lão đối xử với binh sĩ rằng: "Đây là chỗ đắc lực của những người làm tướng nghìn xưa." (Cương Mục, Chính Biên, Lời Phê, q. 91 tờ 17; bản Việt dịch của nhóm Hoa- bằng, tập 1, tr. 590)
Trong Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên đã đưa ra nhận xét sau:
"Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như học vấn của Hưng Đạo Vuông tỏ ra ở bài hịch, học vấn của Phạm diện súy thì thấy ở câu thơ, không đặc chuyên về việc võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai vượt hơn các ông... " (BK, q. 6, tờ 38a-38b)
Tuy xuất thân trong quân ngũ, Phạm Ngũ Lão lại rất chăm đọc sách, thích làm thơ. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Đáng tiếc là hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật loài (Tỏ Lòng) và Vãn Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
A. Thuật Hoài
Đại ý bài thơ thất tuyệt này nói rằng cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu nay, ba quân khí thế hùng dũng như báo, như hổ át sao Ngưu (3). Làm thân nam nhi nếu như chưa trả xong nợ công danh, thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu (4).
Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Bài thơ này đã được nhiều người dịch sang thơ Việt ngữ.
Bài thơ dịch thứ nhất, theo nhiều người, là của Trần Trọng Kim với nhan đề là Tỏ Lòng.
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Một bài dịch thứ hai là của Phan Kế Bính, in trong sách Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện.
Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân tỳ hổ át sao Ngâu.
Cong danh nếu để còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ Hầu.
Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Trong sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có in một bài dịch tương tự, với câu 2 lại là "Ba quân hùng hổ khí thôn ngưu" và ghi là "có người dịch ra nôm" (q. I, tr. 164, cước chú 2).
Bài dịch thứ ba là của Bùi Văn Nguyên in trong sách Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam, Tập II: Văn học Việt Nam thế Kỷ X - Thế Kỷ XVII.
Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Cao Huy Giu cũng đã dịch sang thơ Việt ngữ, in trong bản Việt dịch sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Vung giáo non sông đã mấy thu,
Ba quân tựa cọp nuốt phăng trâu.
Công danh trai chửa đền xong nợ,
Những thẹn nghe bàn chuyện Vũ Hầu.
Sau đây là bài dịch của Hoàng Văn Lâu in trong một bản Việt dịch khác sách Toàn Thư:
Vung giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân tua cọp nuốt trôi trâu.
Trai chưa trả nợ công danh được,
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.
Hai câu đầu nói lên tinh thần hiên ngang bất khuất cần phải có của một nam nhi, nhất là khi đất nước bị giặc ngoài xâm lăng, biểu tượng bằng khí thế và công nghiệp của chính tác giả Phạm Ngũ Lão và quân sĩ của ông.
Hai chữ "hoành sóc" (= cầm ngang ngọn giáo) đặt trong khung không gian "giang sơn" và thời gian "kháp kỉ thu" (= biết bao nhiêu mùa thu trong mấy năm), cộng với hình ảnh "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu", tạo nên hình ảnh của vị dũng tướng nói riêng và quân đội nói chung hiên ngang bất khuất, không sợ giặc mạnh hung tàn, như đã từng được biểu đạt qua câu trả lời của Thái sư Trần Thủ Độ "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác", khi được vua Trần Thái Tông hỏi lúc quân Mông Cổ sang xâm lăng lần thứ nhất (1257-1258); cũng như qua câu trả lời của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rằng: "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng giặc" khi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông sang xâm lăng lần thứ hai vua Thánh Tông hỏi ý Vương là có nên hàng giặc hay không, v.v.
Hai câu cuối biểu đạt đạo lý làm nam nhi của Phạm Ngũ Lão. Theo ông, nam nhi có nghĩa vụ phải phục vụ quốc gia dân tộc, mà, theo quan miệm xưa, gọi là "công danh trái" (nợ công danh). Nếp cái nghĩa vụ đó chưa thực hiện được thì người nam không xứng đáng được hưởng thụ những lợi ích khác, chẳng hạn, không xứng đáng được nghe kể về những thành tích của một danh nhân yêu nước thương dân Trung Quốc là Vũ Hầu Chư Cát Lượng (181-234), người đã có nhiều công lao giúp chúa là Lưu Bị (162- 223) trong sự nghiệp cố gắng phục hồi lại vương triều Hán (206 TCN - 9 SCN và 25-220) để cứu vãn nước nhà bị chia cắt vì những tham vọng của cha con Tào Tháo (155-220) và của Tôn Quyền (181-252) gây ra chiến tranh liên miên khiến cho nhân dân bị đồ thán.
B. Vãn Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chẳng những là nhạc phụ của Phạm Ngũ Lão mà lại còn là người đã hướng dẫn và tạo cho ông cơ hội đẻ làm tròn chí nguyện làm trai của mình là phụng sự quốc gia dân tộc. Do đó, khi Vương qua đời (ngày 20 tháng 8 năm Canh Tí, l300), ông đã viết một bài "vãn" đại ý nói rằng tiếng chuông Trường Lạc (5) vang lên một hồi, gió thu xào xạc không dẹp tan được mối buồn thương khôn xiết. Tấm gương sáng cửa triều đình nay đã mất rồi, bức trường thành vạn dặm ai đã làm cho sụp đổ? Mưa che mờ sông dài, tưởng như bầu trời đang tuôn lệ máu; mây sa xuống đường chập chùng như cố xóa đi hàng mi sầu. Ngước xem từ cú tao nhã không chút cầu kỳ quá đáng, tình cá nước sâu đậm hiện rõ trong lời thơ vịnh.
Trường Lạc chung thanh đệ nhất chùy,
Thu phong tiêu táp bất thắng bi.
Cửu trùng minh giám kim vong hĩ,
Vạn lý trường thành thục hoại chi.
Vũ ám trường giang không lệ huyết,
Vân đê phức đạo tiêu sầu mi.
Ngưỡng quan khuê tảo từ phi dật,
Ngư thủy tình thâm kiến vịnh thi.
(Tiếng chuông Trường Lạc một hồi vang,
Gió thu xào xạc sầu chẳng tan.
Gương sáng cửu trùng nay đã mất,
Trường thành vạn dặm sụp vì ai?
Mưa phủ sông dài, trời lệ máu,
Mây xa phức đạo xóa mi sầu.
Ngước xem văn chương thực tao nhã,
Tình sâu cá nước hiện trong thơ.)
Bài vãn bày tỏ nỗi tiếc thương của cả nước đã mất đi một người từng cùng quân sĩ xông pha ngoài chiến trường chống lại cường địch là quân Nguyên Mông trong 3 lần chúng sang xâm lăng Đại Việt, một tấm gương sáng về lòng trung quân ái quốc, một bức trường thành kiên cố bảo vệ giang sơn xã tắc. Ngoài ra, bài vãn còn ca tụng văn chương hết sức tao nhã, không chút cầu kỳ thái quá, và lòng yêu nước của Hưng Đạo Đại Vương thể hiện trong thơ.
(Dallas Texas)
CHÚ THíCH:
(1) Bản Việt dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, nxb. Văn học, Hà Nội, 1972; nxb. Đông Nam Á, Paris, in lại, 1985, tr. 127-128.
(2) Tháng 3 năm Quí Tị 1293 vua Nhân Tông (tại vị năm 1278-1293), nhường ngôi cho con là Trần Thuyên, tức vua Anh Tông, và được tôn làm Thái thượng hoàng đế.
(3)Nguyên tác "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" có nghĩa là ba quân khí thế hùng dũng tựa như hổ báo có thể nuốt trọn một con bò (theo một thuyết) hay có thể át sao Ngưu (theo một thuyết khác).
(4) Tức Gia Cát Lượng, người có công rất lớn với nhà Thục Hán (221- 265) nên được phong tước Vũ Lượng Hầu.
(5) Trường Lạc vốn là tên một cung điện do nhà Tần (221-206 TCN) xây và gọi là cung Hưng Lạc; đến năm 202 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang (tại vị năm 206-194 TCN) đã cho tu sửa lại và đổi tên là cung Trường Lạc, để làm nơi triều bái của các chư hầu và quần thần, rồi từ đời Hán Huệ Đế Lưu Doanh (tại vị năm 194-187 TCN) trở đi cung Trường Lạc dùng làm nơi mẫu hậu của các vua ở. Cung bị phế bỏ trong niên hiệu Thiên Bảo (742-756) đời vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (tại vị năm 713-756). Di tích cung Trường Lạc ngày nay còn ở trong cổ thành Trường An tại tây bắc thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Tuy nhiên, trong bài này, từ "Trường Lạc" ám chỉ hoàng cung của vua Trần và câu "Truờng-Lạc chung thanh" có ý chỉ tiếng chuông từ trong hoàng cung vang lên.
- Câu Đối Tết Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
- Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông Tạ Quốc Tuấn Thơ
- Cảnh Tết Xưa Tạ Quốc Tuấn Nhận định
- Sứ Thần Giang Văn Minh Không Làm Nhục Quốc Thể Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
- Danh Tướng Thi Nhân Phạm Ngũ Lão Tạ Quốc Tuấn Khảo luận
• Danh Tướng Thi Nhân Phạm Ngũ Lão (Tạ Quốc Tuấn)
• Phạm Ngũ Lão (Phan Kế Bính)
• Thuật Hoài (Phạm Ngũ Lão)
• Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)
• Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)
• Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Anh Thư (Song Thao)
• Ít Điều Cần Biết Về Nhà Giáo Dục Chu Văn An (Trần Huy Bích)
• Thích Quảng Độ: Chiều Đông (Trần Trung Đạo)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |