1. Head_
    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Con Đường Bi Đát - II (Nguyễn Ngọc Thạch) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-4-2023 | THỜI LUẬN

      Con Đường Bi Đát - II

        NGUYỄN NGỌC THẠCH
      Share File.php Share File
          

       

         • I. Con đường dẫn tới hiệp định chia đôi đất nước

         • II. Con đường xâm nhập và đánh phá Việt Nam Cộng Hòa

         • III. Con đường đưa đất nước tới chế độ cộng sản toàn trị lệ thuộc Nga Tàu

      *


      II. Con đường xâm nhập và đánh phá Việt Nam Cộng Hòa


           6- Ông Hồ tính tới cuộc chiến kế tiếp là nhuộm đỏ Miền Nam.



          Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch

      Hiệp định Genève năm 1954 đã tạm thời dập được đám cháy ở Đông Dương nhưng đống tro tàn vẫn không tàn, chỉ cần một chút gió là lửa lại bùng lên và người khơi lại ngọn lửa đó không ai khác hơn là Cộng Sản Việt Nam. Sau khi xây dựng miền Bắc theo hướng cũng cố và bành trướng sức mạnh cho đảng bằng mọi cách kể cả chém giết, dẫn đến những nỗi khổ ải của nhân dân, sự đổ vỡ của nền kinh tế, sự lạc hậu triền miên của xã hội. Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN liền nghĩ tới một cuộc chiến tranh kế tiếp là xâm lăng miền Nam. Bởi vì đích nhắm cuối cùng của Hồ Chí Minh với tư cách đảng viên Cộng Sản Quốc Tế 3, là góp phần vào cuộc cách mạng giải phóng giai cấp vô sản trên toàn thế giới.


      Bắt đầu từ 1957 Việt Cộng đã tiến hành các hoạt động đấu tranh chủ yếu là chính trị pha lẫn quân sự ở quy mô nhỏ. Việt Cộng đã thực hiện các cuộc khủng bố, ám sát và bắt cóc các viên chức xã ấp, phá hoại cầu đường, đốt phá chợ búa, pháo kích trường học v.v…Đồng thời Việt Cộng bắt đầu xây dựng lại lực lượng quân sự, phần lớn dựa vào số người đã nằm vùng, chỉ có một số nhỏ là người tập kết ra Bắc xâm nhập qua nhiều ngả khác nhau vào nội địa Nam Việt Nam. Vào ngày 10-8-1957 quân du kích VC mở cuộc tấn công đầu tiên vào một vị trí quân sự của Nam Việt Nam ở đồn điền Minh Thạnh thuộc quận Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương. Việt Cộng tăng cường đánh phá trong khoảng thời gian từ 1957-1959.


      Tương ứng với mức độ đánh phá của Việt Cộng ngày một mãnh liệt hơn. Vào tháng 5, 1959 Chính phủ Ngô Đình Diệm đã ban hành luật số 10/59 trừng phạt hầu như mọi sự dính líu đến Việt Cộng, nhằm cản trở hoạt động của đối phương, đồng thời răn đe những phần tử tiếp tay cho họ.


      Với nghị quyết Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 15 vào tháng 1, 1959 Hà Nội leo bước thang đầu tiên xâm nhập người và chíến cụ vào miền Nam. Tại Đại Hội III vào tháng 9, 1960 Hà Nội leo bước thang thứ hai mưu đồ thành lập một chính quyền liên hợp ở miền Nam. Tóm lại cuộc thôn tính Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt đã được tiến hành một cách có lớp lang. Chỉ ba tháng sau Đại Hội III, Hà Nội trình làng một mặt hàng mới “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”. Từng ngày, từng giờ, người dân khắp thế giới không ngừng được nghe, được đọc, được nhắc nhở những tin tức, những sự việc do các bộ máy tuyên truyền cộng sản chọn lọc tô chuốt và cuối cùng dấy lên các ấn tượng thuận lợi cho cộng sản. Biến không thành có, đổi một thành mười, chuyển mười thành trăm ngàn … vốn là nghệ thuật siêu đẳng trong tuyên truyền cộng sản. Trong khi đó phe Quốc Gia Việt Nam phải đứng trước những khó khăn, những phức tạp, những nan đề trong hiểm họa cộng sản một ngày một trầm trọng thêm. Sự thất thế của phe hữu ở Lào là một đòn nặng đối với Nam Việt Nam trong việc chống xâm nhập của quân Bắc Việt.


      Từ đầu năm 1964 Hà Nội bắt đầu cơ giới hóa việc vận chuyển người và súng đạn tiếp liệu vào miền Nam bằng đường bộ hành lang xâm nhập trên đất Lào và Kampuchea thân cộng. Hà Nội cũng khởi sự hiện đại hóa việc vận chuyển bằng đường biển, đưa nhiều chuyến tàu chở vũ khí và một số cán bộ cao cấp, trung cấp của đảng và quân đội vào chiến trường.


      Cuối năm 1964, Hà Nội cử đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam làm nhiệm vụ chỉ đạo tác chiến, để chuyển du kích chiến sang vận động chiến. Tướng Nguyễn Chí Thanh là một “anh hùng” trong quân đội CSBV, mà có lúc Lê Đức Thọ định cất nhắc vào ghế lãnh tụ thay thế thần tượng Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên (Vũ Thư Hiên là con của ông Vũ Đình Huỳnh, Bí Thư của Hồ Chí Minh, từng là một trong những đứa cháu gần gụi từng ngủ chung giường với ông Hồ) có viết về tướng VC Nguyễn Chí Thanh như sau: “Trong ông ta, ngoài tham vọng trở thành vĩ nhân còn có nét tàn bạo của tên quân phiệt … Nguyễn Chí Thanh chẳng hề làm tá điền, cũng không phải là thành phần cố nông, mà là tay chơi vùng Phong Điền Thừa Thiên. “Tay chơi” theo cách nói dân dã thời trước Cách Mạng Tháng Tám là ăn cướp, nhưng là dạng ăn cướp nghiệp dư, thỉnh thoảng mới hợp nhau lại đi kiếm chác rồi giải tán ai về nhà nấy”.


      Đến tháng 6, 1967 Nguyễn Chí Thanh trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình, và trước khi trở lại miền Nam, ngày 6 tháng 7, 1967 Bộ Chính Trị Trung Ương đảng mở tiệc tiễn đưa trước khi ông lên đường. Vì quá chén đêm đó, tướng Nguyễn Chí Thanh lên cơn đau tim rồi đột ngột từ trần, và hồi ấy loan tin đồn là ông ta chết vì trúng bom B52.


      Năm 1964 Hà Nội cũng đã điều thêm vào Nam các Trung Đoàn 95, 101, 81 của Sư Đoàn 325. Tính chung trong nội địa miền Nam đến cuối năm 1964 lực lượng Việt Cộng vào khoảng trên 100.000 quân và Hà Nội đã đưa vào Nam 165.600 súng các loại, trong đó có nhiều loại tối tân do các nước cộng sản chế tạo. Năm 1964 Hà Nội đã tăng cường tiềm lực chiến tranh ở Nam Việt Nam đến lúc mà Hoa Kỳ không thể nhân nhượng được nữa, nên sau cùng Mỹ phải tính đến chuyện đưa quân tham chiến.


           7- Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam Việt Nam


      Trước khi nhảy vào Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những vận động kín đáo nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Hà Nội bỏ ý định thôn tính Nam Việt Nam và một trong số những vận động đó đã được thực hiện qua trung gian của ông James B. Seaborn, Cao Ủy Canada trong Ủy Hội Quốc Tế Đình Chiến ở Đông Dương. Ngày 18 tháng 6, 1964 ông Seaborn đã gặp ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Bắc Việt chuyển lời Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đại ý nếu Hà Nội chấm dứt cuộc chiến ở Nam Việt Nam thì sẽ được Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao và sẽ có giao thương giữa hai miền Nam Bắc. Thêm vào đó Hoa Kỳ sẻ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế và sẽ rút dần nhân viên quân sự xuống đến mức do Hiệp Định Genève quy định năm 1954. Ông Phạm Văn Đồng đòi Mỹ phải rút lui, đòi phải có sự dàn xếp để có một chính phủ Liên Hiệp ở miền Nam Việt Nam và thống nhất hai miền. Hai tháng sau ông Seaborn lại gặp ông Phạm Văn Đồng, cũng như lần trước Bắc Việt vẫn khư khư lập trường củ. Đầu tháng 12, 1964 ông Seaborn đến Hà Nội lần thứ ba thăm dò xem giới lãnh đạo Bắc Việt có phản ứng mới nào không nhưng đã thất vọng. Bất kể Hoa Kỳ hành động như thế nào, Hà Nội vẫn nhất quyết thôn tính Nam Việt Nam. Nếu quan hệ giữa Nam Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ giới hạn giữa hai nước thôi thì có lẻ Hoa Kỳ đã không ngần ngại bỏ mặc. Song le vấn đề Việt Nam nằm trong mối quan tâm toàn cầu của Hoa Kỳ cho nên Hoa Kỳ không thể buông xuôi một cách dễ dàng.


      Ngày 8 tháng 2, 1965 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng trước sự chào đón của chính quyền và nhân dân địa phương. Thiếu Tướng Frederick J. Karch, người chỉ huy Lữ Đoàn được choàng vòng hoa mà nét mặt không vui. Về sau này ông đã viết: “Phải đổ bộ lên Bắc Việt chứ đừng đổ bộ vào Nam Việt Nam. Nếu chúng ta vào Đà Nẵng thì chúng ta sẽ mất dạng vào vùng thôn quê và chẳng còn có tăm hơi đâu nữa.”


      Sau hơn một năm trời đối đầu với Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam và chịu đựng một chiến địch oanh tạc dai dẳng của Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam, vào cuối năm 1966 Hà Nội đã khởi sự đi tìm một lối thoát cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 4, 1967 Hà Nội đã cử nhiều cán bộ cao cấp vào chiến trường miền Nam để nhận định tình hình tại chỗ đồng thời cũng triệu một số cán bộ lãnh đạo chiến tranh của họ ở miền Nam ra Hà Nội để báo cáo hoạt động cụ thể và bàn bạc kế hoạch mở cuộc tổng tiến công chiến lược.


      Tháng 7, 1967 Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt báo cáo lên Bộ Chính Trị đảng Lao Động Việt Nam kế hoạch đưa “cuộc chiến tranh cách mạng” lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp “tổng khởi nghĩa, tổng công kích” theo đó tập trung lực lượng quân sự, lực lượng chính trị tiến công đồng loạt, bất ngờ vào nơi địch sơ hở nhất là các thành thị, hướng trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.


      Mọi việc đang tiến hành theo hướng định sẵn thì thời cơ đã đến. Ở Hoa Kỳ dân chúng ngày càng tỏ ra bất mãn với cách thức điều hành cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó phong trào phản chiến ngày càng rầm rộ và quan trọng hơn nữa nội bộ đảng Dân Chủ bị lục đục vì đang là thời kỳ chuẩn bị bầu cử sơ bộ để đưa người ra tranh cử Tổng Thống vào cuối năm 1967.


           8- Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân.


      Đầu năm 1968, Cộng Sản mở cuộc “Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa” trong đêm 30 và mồng một Tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Cộng Sản đã tấn công đột nhập pháo kích 28 tỉnh lỵ, quận lỵ, thị trấn, ba trọng điểm của cuộc tấn công là Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế.


      Cuộc tấn công vô Sài Gòn do Hoàng Văn Thái Trung Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Bắc Việt đồng thời là Tư lệnh Miền trực thuộc Trung Ương Cục miền Nam điều khiển. Dưới quyền Hoàng Văn Thái có hai Bộ Tư lệnh tiền phương, cánh Bắc do Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ chỉ huy, và cánh Nam do Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng phụ trách. Trong những ngày cận Tết, Việt Cộng đã xâm nhập nội đô khoảng 13 Tiểu Đoàn chủ lực và đặc công. Khoảng 5 Trung Đoàn vùng ven đô và ba Sư Đoàn 5, 7, 9 các vùng phụ cận.


      Ở khu trọng điểm Đà Nẵng, do Bộ Tư Lệnh Quân Khu 5 VC trực tiếp điều khiển gồm 3 Tiểu Đoàn chủ lực, 1 Trung Đoàn pháo hỏa tiển ĐKB và một số đơn vị đặc công, trong khi Sư Đoàn 2 chủ lực hỗ trợ ở vòng ngoài.


      Ở khu trọng điểm Huế, Bộ Tư Lệnh Quân Khu Trị Thiên VC thành lập 5 đoàn, mỗi đoàn tương đương 1 Trung Đoàn, nhưng cũng có đoàn lên đến hai Trung Đoàn gồm bộ binh, công binh, pháo binh, đặc công, biệt động đội … Riêng mục tiêu cố đô Huế, VC tấn công với một lực lượng gồm 8 Tiểu Đoàn bộ binh, 3 Tiểu Đoàn đặc công, 6 đội biệt động và một số đại đội địa phương dưới sự yểm trợ của 1 Tiểu Đoàn pháo hỏa tiễn ĐKB.


      Với quan niệm về chiến tranh được coi là khoa học, với chiến lược được coi là tuyệt hảo, với chiến thuật được coi là thích nghi, và với việc bảo mật được coi là tuyệt đối, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội rung đùi chờ tin thắng trận. Quả nhiên tin thắng trận đã đến dồn dập nhưng chỉ có điều là qua đài phát thanh “Giải Phóng”, qua đài Hà Nội và qua phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ mà thôi, còn trên hiện thực chiến trường thì xác “quân giải phong” la liệt, súng ống của “quân giải phóng” bỏ lại ngổn ngang trên các thị trấn của Nam Việt Nam.


      Chưa bao giờ lực lượng võ trang của Cộng Sản lại thấm đòn nặng nề và rệu rã tinh thần như trong cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân. Philip Davidson, đại tướng 3 sao của Quân Lực Hoa Kỳ đã ca ngợi lòng dũng cảm và sự thành công của Quân Lực VNCH và cho biết “Với cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của VC, chính phủ VNCH đã thu đạt một thắng lợi to lớn đối với trí óc và con tim của nhân dân miền Nam”.


      Giải khăn sô cho Huế

      Tuy nhiên thành phố Huế bị hư hại rất nặng, gần 6.000 người bị chết và mất tích và 116.000 người mất nhà cửa trở thành dân tị nạn. Đặc biệt nhất là trong 25 ngày đêm chiếm đóng Huế, bộ đội của ông Hồ đã cho đất Thần Kinh nếm mùi Kách Mệnh Mác Xít (ông Hồ viết chử Kách Mệnh cho giống chử Nga Komintern là Quốc Tế Cộng Sản) nào là tòa án nhân dân, nào là đấu tố … Theo hồi ký của Nguyễn Trân cho biết có 5.800 người dân chết, trong đó 2.800 bị giết và chôn tập thể, ngoài ra là 790 hội viên hội đồng tỉnh, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hàng trăm quân nhân đi phép, 3 mục sư Việt Nam: Bửu Đồng, Hoàng Ngọc Bang, Lê Văn Hộ; 2 linh mục người Pháp Urban và Guy thuộc dòng Benedicto Thiên An Huế; 4 người Đức thuộc viện đại học Huế: bác sĩ Raimund Discher, Alois Alterkoster, Hort Gunther Krainick và vợ, một số người Phi Luật Tân. Tác giả liệt kê cụ thể số người bị giết tại 12 địa điểm, trong số có 4 địa điểm tại Gia Hội, tổng cộng 2326 người. Cố đô Huế với cảnh trí lịch sử nên thơ và nếp sống trầm mặc đã trải qua những ngày đêm máu lửa, chết chóc, hãi hùng và nhà văn Nhã Ca sau này đã viết “ Giải khăn sô cho Huế”.


      Nhưng éo le thay, vào lúc quân dân miền Nam Việt Nam phấn khởi trước sự thất bại quân sự lớn lao nhất từ trước tới nay của Cộng Sản thì cũng chính là lúc miền đất này phải chuẩn bị đương đầu với một nguy cơ khôn lường: Hà Nội mở cuộc “Tổng Công Kích- Tổng Khởi Nghĩa”, Washington chòm chèm món quà hòa bình sửa soạn bỏ cuộc.


      Dưới sự tác động của giới truyền thông Hoa Kỳ, công luận Hoa Kỳ đã chuyến hướng rõ rệt. Người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ đã mắc sai lầm khi can thiệp vào Việt Nam, và bất kể thực tế là Nam Việt Nam và Hoa Kỳ đã đánh bại cuộc Tổng Tấn Công của Hà Nội về mặt quân sự, phóng viên Walter Cronkite của đài truyền hình CBS vào tháng 2, 1968 đã bình luận: “Chúng ta thường quá thất vọng đối với sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Mỹ đến mức chẳng còn tin tưởng gì nữa vào tia chớp sẽ tìm được qua những đám mây đen kịt … “. Giới tài phiệt cũng xoay chiều, báo Wall Street viết: “Chúng tôi nghĩ rằng nếu người dân Mỹ chưa chuẩn bị thì nên chuẩn bị tinh thần để chấp nhận là triển vọng của toàn thể nổ lực ở Việt Nam có thể bị thất bại, nó có thể tan rã ngay dưới chân chúng ta. Tình hình quân sự đích thực đã làm cho những luận cứ triết lý chủ trương can thiệp trước kia trở thành phù phiếm … “


      Những tai to mặt lớn trong Quốc Hội Mỹ đều nhất mực ngãng ra. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy phát biểu: “Chúng ta phải thừa nhận một sự thực cơ bản là một thắng lợi quân sự hoàn toàn không thấy đâu cũng không gần kề mà sự thực thì ngoài tầm tay của chúng ta … “. Thượng nghị sĩ Mike Mansfield tỏ thái độ thoái thác hơn nữa: “Từ đầu, không phải trách nhiệm của người Mỹ, giành thắng lợi cho một nhóm người Việt Nam riêng biệt nào, hay đánh bại một nhóm người Việt Nam riêng biệt nào”. Thượng nghị sĩ William Fulbright nói không úp mở: “Đã đến lúc phải duyệt xét lại một cách quy mô những mục đích và mục tiêu trong chính sách ở Việt Nam …”


      Phe ông Hồ tự dưng vớ được của trời cho. Điều mà họ không mơ ước cũng như không làm được trên chiến trường thì công chúng Mỹ, do tác động phản chiến dưới nhiều hình thức khác nhau, đã làm dùm, nghĩa là phán quyết rằng Hoa Kỳ thôi can thiệp ở Việt Nam.


           9- Bắc Việt và Hoa Kỳ mở phiên họp đầu tiên.


      Ngày 13 tháng 5, 1968 Bắc Việt và Hoa Kỳ mở phiên hợp đầu tiên tại Paris. Lời mở đầu của Xuân Thủy trưởng phái đoàn Bắc Việt chẳng qua là bài xã luận đăng trên tờ báo đảng: “Mỹ là kẻ xâm lược phải đơn phương chấm dứt oanh tạc, thừa nhận quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, xuống thang chiến tranh , chấm dứt xung đột và không được đặt điều kiện gì”. Ngược lại ông Harriman trưởng phái đoàn Hoa Kỳ chủ trương xây dựng hòa bình trên căn bản Hiệp Định Genève 1954 và Hiệp Định Lào 1962. Điều mỉa mai thay là chính trưởng phái đoàn Hoa Kỳ ông Harriman lại thuộc nhóm phản chiến, với biệt danh “Đại sứ của hòa bình”, từng ký hiệp ước đem lại trung lập, một thứ hòa bình hão cho Lào năm 1962, để từ đó Bắc Việt mở rộng hành lang xâm nhập trên đất Lào vào miền Nam Việt Nam. Ông Harriman muốn đẩy nhanh tiến trình “hòa bình” theo chiều hướng này, và trớ trêu thay cho ông Cyrus Vance phó trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, cũng theo khuynh hướng bỏ cuộc.


      Hết phiên hợp này đến phiên hợp khác, hết tuần này qua tuần khác, phái đoàn Bắc Việt vẫn đưa ra những lời tố cáo buộc Mỹ là kẻ xâm lược, mọi cái trái về phía Mỹ và mọi cái phải về phía Bắc Việt. Rõ ràng là ngay những lời tuyên bố đầu tiên, Bắc Việt đã có kế hoạch sử dụng diễn đàn Paris để kêu gọi mạnh mẽ công luận Mỹ và thế giới, biến các cuộc hội đàm ở Paris thành một trò tuyên truyền.


      Từ trước đến nay các cuộc chiến tranh mà Cộng Sản tiến hành ở bất cứ chiến trường nào từ Đông sang Tây, không bao giờ là cuộc chiến thuần túy quân sự. Nó bắt nguồn từ chiêu bài đấu tranh giai cấp toàn cầu chủ yếu là chiêu bài chiến tranh ý thức hệ, lấy tuyên truyền làm vũ khí quyết định.


      Việc phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa chỉ đóng vai trò quan sát vào thời điểm Hoa Kỳ và Bắc Việt chính thức mở hội đàm ở Pháp cho thấy chẳng chóng thì chầy Nam Việt Nam sẽ rơi vào cảnh “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài”. Bài học của hội nghị Genève 1954 lại lởn vởn trong đầu óc những người Việt Nam không cộng sản.


      Trong khi đó nước Mỹ đang vào thời kỳ tranh cử, bên ngoài hội trường những cuộc biểu tình phản chiến hoành hành chưa từng thấy, bên trong đảng phái chia phe chống đối nhau quyết liệt về chiến tranh Việt Nam. Hà Nội hẳn nhiên đã nhận ra điều đó và chuẩn bị xuất chiêu buộc Hoa Kỳ phải bỏ cuộc nhanh hơn.


      Tại hòa đàm Paris, phái đoàn Bắc Việt gặng hỏi phái đoàn Hoa Kỳ xem có phải nếu họ chấp nhận xuống thang chiến tranh và chấp nhận để Việt Nam Cộng Hòa tham dự hòa đàm Paris thì Hoa Kỳ sẽ ngưng oanh tạc không. Washington liền chuẩn bị đáp ứng sự chuyển biến mới trong tình hình hòa đàm. Ngày 31 tháng 10, 1968 Tổng Thống Johnson lên đài truyền hình tuyên bố chấm dứt oanh tạc toàn thể lãnh thổ Bắc Việt.


      Hà Nội cười khẩy, họ lớn tiếng hô hào thắng lợi khiến Mỹ phải ngưng oanh tạc Bắc Việt và còn thúc giục Hoa Kỳ cứ việc hội, đại diện Nam Việt Nam có đến hay không cũng mặc. Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực với chính phủ Nam Việt Nam và cuối cùng ngày 27 tháng 11, ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Chánh Thành tuyên bố rằng sau nhiều tuần lể thảo luận, Nam Việt Nam đã quyết định cử một phái đoàn tham dự hòa đàm Paris.


      Hòa đàm Paris

      Ngày 7 tháng 12,1968 Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và một phái đoàn từ Sài Gòn sang Paris. Một tuần sau phái đoàn “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” cũng đến Paris. Bất kể Hoa Kỳ nói gì, tại Paris phái đoàn Bắc Việt và “Mặt Trận Giải Phóng vẫn nhất mực nói rằng phải hội đàm tay tư và phái đoàn “Mặt Trận Giải Phóng” là một phái đoàn riêng biệt với phái đoàn Bắc Việt.


      Trưởng phái đoàn Bắc Việt con người có cái tên Xuân Thủy, mà báo chí Mỹ dịch ra là “nước mùa xuân”, là một thầy lang thuốc bắc ở thị xã Sơn Tây, Bắc Việt. Ông ta chỉ định Nguyễn Thị Bình là một nhân viên trong bộ ngoại giao Bắc Việt đi theo sang Paris “mật đàm” trong phái đoàn “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Thế mà không ít dư luận báo chí quốc tế vẫn tin rằng phái đoàn này không bị cộng sản Bắc Việt chi phối và hết lời ca tụng Nguyễn Thị Bình.


      Việc sắp đặt chổ ngồi cũng phải thảo luận một cách khá gay go, hết ngày này qua ngày khác cho đến hôm 16 tháng 1, 1969 thì mới thỏa thuận được kiểu bàn thứ 14, gồm một bàn tròn chính giữa, hai bàn chử nhựt hai bên dành cho ban thơ ký. Thêm vào đó, các phái đoàn không trưng cờ cũng như không trưng bản tên.


      Tháng 1, 1969 Richard Nixon nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ. Ông Nixon đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ là nhờ cam kết mang lại hòa bình ở Việt Nam. Cho nên sau khi lên cầm quyền, Tổng Thống Nixon và bộ tham mưu cao cấp trong Nhà Trắng liền nghiên cứu tình hình và phác họa đường lối đối với vấn đề Việt Nam. Một nhân vật quan trọng nhất đối với chính sách mới của Hoa Kỳ về Việt Nam là ông Henry Kissinger đã xuất hiện.


      Ông Henry Kissinger là một người Đức gốc Do Thái ra đời năm 1923 ở ngoại ô thành phố Nuremberg. Khi phong trào bách hại người Do Thái dâng cao dưới chế độ quốc xã Hitler, gia đình Kissinger di cư qua Anh, sau đó sang Hoa Kỳ định cư ở New York. Trong khi học trung học tại Hoa Kỳ, ông là một học sinh xuất sắc. Hết trung học ông bị động viên vào quân đội, làm thông dịch viên tiếng Đức. Sau Thế Chiến II ông xuất ngũ và năm 1947 Kissinger bắt đầu học năm thứ nhứt trường đại học Harvard, rồi đậu cử nhân với hạng tối ưu. Sau đó đậu tiến sĩ về chính trị học và trở thành giáo sư của trường này. Ông Kissinger có viết một số sách về lãnh vực đối ngoại và trong đó có một đặc điểm của ông là phân biệt những người thư lại trong ngành ngoại giao với những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đảm nhận chức vụ đặc mệnh toàn quyền cho các chính phủ. Ông Kissinger dường như đã có mộng trở thành một “siêu chính khách” kiểu đó. Qua một bài viết trên tạp chí “Công việc đối ngoại” tháng 12, 1968 bày tỏ quan điểm của ông về vấn đề Việt Nam. Ông chủ trương thương thuyết chấm dứt chiến tranh Việt Nam như sau: “Hoa Kỳ và Bắc Việt thương thuyết rút lực lượng của mình, còn Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng dàn xếp với nhau về chính trị”.


      Trước áp lực đòi rút khỏi chiến tranh Việt Nam ngày càng mạnh, chính quyền Nixon một mặt tiến hành rút quân đơn phương, một mặt thăm dò phản ứng của Hà Nội. Ngày 15 tháng 7, 1969 Tổng Thống Nixon gửi một bức thư bí mật cho Hồ Chí Minh, đề nghị cùng hành động để tiến tới một nền hòa bình công chính đồng thời qua trung gian của ông Jean Sainteny, Hoa Kỳ đề nghị với Bắc Việt tiến hành thương thuyết bí mật.


      Ngày 25 tháng 7, 1969 tại một cuộc họp báo trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, Tổng Thống Nixon đã đề cập đến vai trò Hoa Kỳ ở Châu Á và Thái Bình Dương được mệnh danh là “Chủ thuyết Nixon” theo đó Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm bảo vệ các nước đồng minh chống lại cuộc tấn công hạt nhân, còn các nước phải có trách nhiệm phòng thủ chống lại cuộc tấn công quy ước và an ninh nội bộ, nói nôm na là chủ thuyết “duỗi ra”.


      Trước sức ép ngày càng gia tăng mạnh mẽ của phản chiến Mỹ, Tổng Thống Nixon tuyên bố sẽ đơn phương rút 25,000 quân Hoa Kỳ trước tháng 8, 1969.


      Ngày 4 tháng 8 đã có buổi họp mật đầu tiên giữa ông Kissinger và ông Xuân Thủy tại nhà ông Jean Sainteny.


      Ngày 2 tháng 9, 1969 ông Hồ đã “đi gặp cụ Mác cụ Lê” theo nguyên văn lời di chúc của ông.


      Ngày 24 tháng 11, 1969 Tổng Thống Nixon lên đài truyền hình trình bày “Chiến lược rút lui” của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam. Kế hoạch đó tựu trung nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho Nam Việt Nam để có thể tự vệ khi Hoa Kỳ rút lui.


      Ngày 20 tháng 4, 1970 Tổng Thống Nixon lên đài truyền hình thông báo sẽ rút 150.000 quân nữa khỏi Nam Việt Nam.


      Vào ngày 13 tháng 1, 1972 Tổng Thống Nixon tuyên bố sẽ rút 70.000 quân trong vòng ba tháng sắp tới và đến 1 tháng 5 thì chỉ còn 69.000 quân. Không những thế các lực lượng Đồng Minh khác cũng đã lặng lẽ ra đi.


      Kết hợp với phong trào đòi bỏ cuộc gia tốc của phản chiến Mỹ, Hà Nội cũng chuẩn bị "gia tốc" đánh phá miền Nam Việt Nam.


      Hội nghị Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng tháng 5, 1971 chủ trương phát triển thế tấn công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt trong thế thua.


      Trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn bỏ cuộc thì những đồng minh lớn của Cộng Sản Việt Nam vẫn không ngừng ủng hộ Hà Nội. Sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Thống Nixon vào tháng 2, 1972, Liên Sô lại tăng cường viện trợ quân sự cho Hà Nội nhất là về pháo, xe tăng, hỏa tiễn chống chiến xa, và hỏa tiễn chống máy bay thuộc loại mới nhứt để tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh, đồng thời dùng chiến tranh Việt Nam như một đòn bẩy để giành lợi thế trong quan hệ với Hoa Kỳ.


           10- Cuộc tấn công chiến lược năm 1972 của Hà Nội


      Hà Nội đã lên kế hoạch tác chiến năm 1972 được Quân Ủy Trung Ương thông qua. Kế hoạch xác định ba hướng chính của cuộc tấn công chiến lược là miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị Thiên. Trên mỗi hướng sử dụng từ 3 đến 4 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng.


      Đồng thời với việc chuẩn bị vật chất và lực lượng, Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt cũng chuẩn bị huấn luyện cho các đại đơn vị tiến hành chiến tranh quy ước. Tháng 11, 1971 tại Xuân Mai Hà Sơn Bình, Viện Khoa Học Quân Sự Bắc Việt và Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu chỉ đạo Sư Đoàn 308 Bộ Binh xây dựng một thao trường huấn luyện, sau đó tổ chức diễn tập chiến đấu hiệp đồng giữa Sư Đoàn 308 Bộ Binh với các đơn vị Xe Tăng, Pháo Binh, Pháo Cao Xạ. Trong diễn tập có bắn thử một số vũ khí mới được trang bị do Liên Sô sản xuất.


      Sơ khởi Bộ Chính Trị của Bắc Việt đứng đầu là Lê Duẩn chủ trương hướng tấn công chính nhằm vào Kontum - Pleiku, nhưng suy đi tính lại thấy khó ăn nên thay đổi quyết định và nhằm vào Quảng Trị - Thừa Thiên như tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương.


      Quân Ủy Trung Ương quyết định thành lập Đảng Ủy Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Trị Thiên và cử Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng làm Tư Lệnh, Thiếu Tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị làm Chính Ủy. Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.


      Vào lúc 11 giờ ngày 30 tháng 3, 1972, mặt trận Trị Thiên của đối phương mở màn bằng một cuộc pháo kích khoảng 10.000 trái với đủ mọi loại nhất là 130 ly vào toàn bộ phòng tuyến phía Nam vùng phi quân sự do Sư Đoàn 3 Bộ Binh VNCH trấn giữ. Trong ngày đầu tiên các đơn vị Nam Việt Nam đều sững sờ trước một cuộc pháo kích mãnh liệt chưa từng có trên chiến trường, và quân Bắc Việt ngang nhiên vượt sông Bến Hải tiến đánh Quảng Trị.


      Cũng cùng ngày 30 tháng 3, 1972, trên Cao Nguyên Trung Phần đối phương cũng bắt đầu nỗ súng ở khu vực Dakto - Tân Cảnh trước khi tiến đánh Kontum. Hà Nội đã điều vào đây Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Sư Đoàn 320A, các Trung Đoàn 28, 95, 12 và một Trung Đoàn Thiết Giáp đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Hoàng Minh Thảo, Đại Tá Hoàng Thế Môn, chính ủy mặt trận.


      Một ngày sau khi nổ súng ở giới tuyến và cao nguyên, ngày 1 tháng 4, 1972, Hà Nội khởi đầu chiến dịch Nguyễn Huệ ở khu vực phía Bắc Miền Đông Nam Phần với mục tiêu tối hậu là chiếm An Lộc. Với 3 sư đoàn chủ lực, 2 Trung Đoàn Độc Lập, 1 Sư Đoàn Pháo Binh và 1 Tiểu Đoàn Xe Tăng, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Trần Văn Trà Phó Tư Lệnh Miền và Thiếu Tướng Trần Độ chính ủy Miền.


      Sau khi nghi binh thu hút lực lượng của Quân Khu III Nam Việt Nam vào khu vực Tây Ninh, ngày 5 tháng 4 Việt Cộng thực hiện mủi tấn công chính ở Bình Long. Sư Đoàn 5 chủ lực Miền tăng cường 1 Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 và 1 Tiểu Đoàn Xe Tăng đánh vào Chi Khu Lộc Ninh, lúc đó do Chiến Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Nam Việt Nam bảo vệ. Chiến Đoàn 9 đã chống cự mãnh liệt. Đến ngày 8 tháng 4 đối phương tràn ngập Chi Khu Lộc Ninh, Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 bị bắt.


      Một tuần lể sau, vào sáng sớm ngày 13 tháng 4, Sư Đoàn 9 Chủ Lực Miền VC có xe tăng dẫn đầu tấn công vào An Lộc. Không Quân Hoa Kỳ, nhất là B52, oanh tạc kịch liệt và các tổ săn diệt xe tăng hoạt động mạnh mẽ đã chận đứng được các mũi dùi của địch.


      Trong 42 ngày đêm pháo kích hàng chục ngàn đạn pháo và tấn công liên tục bằng bộ binh và thiết giáp, VC vẫn không chiếm nổi An Lộc. Đến ngày 14 tháng 5, họ lại tận dụng tàn lực nhấp thử một lần cuối nhưng vẫn bị thất bại. Ngay sau khi bẻ gãy hoàn toàn đợt tấn công này của địch, lực lương Nam Việt Nam bắt đầu phản kích quét địch khỏi thị xã, An Lộc đã đứng vững. Các đơn vị VC bị tổn thất nặng, số xe tăng sử dụng vào trận đánh mất hơn một nửa.


      Trong trận tấn công chiến lược vào Cao Nguyên trong hai tháng trời VC vẫn không chiếm được Kontum. Sáng sớm ngày 27 tháng 5 quân Bắc Việt cố gắng đem toàn lực đồng loạt tấn công trực diện tuyến đầu của Sư Đoàn 23 Bộ Binh VNCH với những trận đánh xáp lá cà đã diễn ra trên đường phố Kontum. Nhưng trong hai ngày 28 và 29 tháng 5, cuộc tấn công của đối phương nhụt dần và các đơn vị Bắc Việt bắt đầu dãn khỏi trận địa. Trưa ngày 30 tháng 5 không còn bóng quân Bắc Việt ở thị xã Kontum nữa.


      Trong mặt trận Trị Thiên, từ thượng tuần tháng 4 đến thượng tuần tháng 5, 1972 lực lượng Nam Việt Nam đã thua đậm ở mặt trận giới tuyến. Sáng ngày 30 tháng 4, Tướng Giai thấy không giữ được Quảng Trị nên rút mọi lực lượng về lập phòng tuyến mới ở phía Nam sông Mỹ Chánh. Vào lúc này dân chúng ùn ùn chạy theo. Đoàn người và xe ô hợp này kéo dài 9, 10 cây số, chen chúc nhau giữa lúc pháo của đối phương thi nhau rơi xuống, chẳng mấy chốc đoạn đường này biến thành “đại lộ kinh hoàng” ngập xác người, xác xe, xác pháo.


      Ngày 3 tháng 5, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng đang làm Tư Lệnh Quân Khu IV ra làm Tư Lệnh Quân Khu I thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và từ hạ tuần tháng 5 trở đi thì tình hình bắt đầu khởi sắc.


      Hạ tuần tháng 6, giai đoạn đánh qua đánh lại ở tuyến sông Mỹ Chánh chấm dứt, khi toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Lưỡng tăng cường cho mặt trận giới tuyến đã sẵn sàng hành quân. Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định chuyển sang phản công chiếm lại Quảng Trị với một lực lượng mủi nhọn gồm hai sư đoàn tinh nhuệ nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sư Đoàn Nhảy Dù ở phía Tây bao gồm cả Quốc Lộ 1 và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở phần phía Đông tiến song song lên hướng Bắc trong khi Liên Đoàn Biệt Động Quân làm trừ bị.


      Cho đến ngày 16 tháng 9, TQLC hoàn toàn làm chủ Cổ Thành Quảng Trị sau 138 ngày bị quân lính Hà Nội chiếm cứ và vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 16 tháng 9, 1972 lá cờ huy hoàng của Tổ Quốc Việt Nam lại ngạo nghễ tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị.


      Lá cờ huy hoàng của Tổ Quốc Việt Nam lại ngạo nghễ tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị

      Tướng Philip Davidson là đại tướng ba sao của Quân Lực Hoa Kỳ trong quyển “Việt Nam at war” đã ca ngợi lòng dũng cảm và sự thành công của Quân Lực VNCH và hết lời ca tụng Tướng Ngô Quang Trưởng: “Tướng Trưởng đã cứu được Huế và có thể qua đó đã cứu được cả chính quyền Nam Việt Nam”.


      Nhà văn Phan Nhật Nam khi theo đơn vị hành quân từ sông Mỹ Chánh ngược lên phía Bắc, sau này đã ghi lại cảm nghĩ của mình trước cảnh tượng rùng rợn mà quân Bắc Việt đã thẳng tay gây ra trong ngày 1 và 2 tháng 5, 1972 :

      “Tôi đang ở trên cây số 9 tứ Quảng Tri kể đến vùng thôn Mai Đẳng, xã Hải Lăm. Không thể dùng một chữ, một tĩnh từ, không thể nói, khóc, la trước cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ môi chảy máu tươi, tay luống cuống, mắt mờ nhạt, mũi phập phồng. Không có thể biết gì về thân thể mở ra trước tàn khốc trước mặt. Trời ơi ! Hình như có tiếng mơ hồ, dội ngược ở trong lồng ngực, trong cổ họng, nơi óc não hay chỉ là ảo giác của con người mất hết khả năng kiểm soát, kiểm soát làm sao được nhịp đập của quả tim, không ai ngăn cản cơn chớp liên hồi của đôi mắt, tay nổi da gà, những sợi gân ở thái dương phồng lên đập xuống. Mệt, máu chảy ngúc ngắc trăn trở lăn lóc khó khăn khó nhọc trong những gân căng đến độ chót …. Cũng không phải như thế - Tôi không biết, hoàn toàn không biết được gì của xác thân ….Sự chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa ….Nhiều quá, 9 cây số hay 9.000 thước, mỗi thước trung bình 2 bộ xương tung toé, vậy tẳt cả là bao nhiêu ? …”

      Nam Việt Nam đứng vững được qua cơn bão lửa năm 1972 với tâm trạng nửa mừng nửa lo. Mừng ở chỗ thoát được nguy cơ trước mắt nhưng lại lo ở chỗ một ngày nào đó không còn hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ trợ lực thì không biết sẽ ra sao.

       (Xem tiếp Phần 3)


      Nguyễn Ngọc Thạch

      Nguồn: Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Con Đường Bi Đát - III Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Con Đường Bi Đát - II Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Con Đường Bi Đát - I Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Đường Tìm Tự Do - IV: Vượt Biên Và Vượt Biển Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường Tìm Tự Do - III: Trốn Trại Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường tìm tự do - II: Tù Cải Tạo Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường Tìm Tự Do - I: Những Ngày Cuối Cùng Của Trường Bộ Binh Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

    3. Thòi Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Thời Luận

        Cùng Mục (Link)

      Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)

      Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)

      Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)

      Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)

      Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)

      Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)

      Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)

      Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)

      Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)

      International Pho Day (PTTâm - Kim Vu dich)

       
      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)