1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Người Nữ Như Hiền Mẫu (Nguyễn Hữu Hiệu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-03-2013 | TIỂU LUẬN

      Người Nữ Như Hiền Mẫu

        NGUYỄN HỮU HIỆU
      Share File.php Share File
          

       

      Lý tưởng Người Nữ Vĩnh Cửu -- như sự cứu chuộc loài người qua tình yêu và sự chiến thắng đời đời của Nàng mà đại thi hào Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) xiển dương trong phần kết tác phẩm Faust II --, đã đưa người nữ lên ngôi thần tượng, ngược lại với quan niệm truyền thống của hầu hết mọi tôn giáo coi người nữ như sự cám dỗ của tội lỗi, con đường mòn đưa tới hư mất, cửa ngõ rộng dẫn vào địa ngục.


      Dưới ảnh hưởng của Goethe, và sau này của Đại sư Ramakrishna, cùng của Ngài Sai Baba, người ta phải nhìn người nữ bằng cặp mắt khác. Nhất là khi người ta lưu ý đến sự kiện không cần chứng minh này: chỉ có những đứa con xấu, không có bà mẹ nào xấu cả, nhất là đối với con.


      Yêu thương, hy-sinh tất cả, kể cả mạng sống cho con, là một đặc tính nổi bật của nữ tính. Theo Đại sư Vivekananda, đệ tử của Ramakrishna, một người đàn bà dù nhút nhát, có thể giật bắn người khi gặp một con chó dữ, nhưng nếu bà ta đang đi với con trong phố mà thấy một con sư tử của rạp xiếc xổng chuồng, làm tất cả mọi người sợ hãi chạy tán loạn, bà ta chắc chắn sẽ đứng ra giơ tay che chắn cho con, hò hét con chạy trốn, để mặc bà đương đầu với thú dữ! Nhưng đã nói thì phải nói cho tới chỗ liễu nghĩa (cạn lời, hết ý). Một con gà mái cũng làm như thế trước chó dữ hay diều hâu để che chở cho con. Đó là thiên tính vậy.


      Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu, một nét son của Người Nữ: người thầy đầu tiên, dạy cho con những bài học để đời, hy sinh cho con nên người.

      MẠNH MẪU



           Mạnh Tử (372-285 tTl)
      Nguồn: Khởi Hành

      Thầy Mạnh Tử (372 - 285 trước CN), thuở ấu thơ, tên là Mạnh Kha, nhà ở gần nghĩa địa. Thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, cậu về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy vậy, nghĩ: "Chỗ này không phải là chỗ con ta ở được." Nghĩ thế rồi bà dọn nhà đi nơi khác, gần chợ.


      Cậu Mạnh Kha thường thơ thẩn ra chợ chơi, thấy người ta buôn bán quay quắt, điên đảo về nhà cũng bắt chước bầy trò buôn bán quay quắt, đảo điên. Bà mẹ thấy thế lại nghĩ: "Chỗ này, cũng không phải chỗ con ta ở được." Nghĩ thế rồi bà chẳng quản khó nhọc, lại dọn nhà đi nơi khác. Nơi ở mới này gần trường học.


      Cậu Mạnh Kha lại lân la qua trường chơi, thấy các trẻ nhỏ cắp sách đi học, đua nhau học tập lễ phép, về nhà cậu cũng bắt chước cắp sách vở, vào thưa ra gửi, rất lễ phép. Bà mẹ lúc bấy giờ mới yên tâm, vui vẻ nghĩ: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây."


      Một hôm Mạnh Kha thấy hàng xóm mổ lợn, cậu về nhà hỏi mẹ:

      - "Thưa mẹ, người ta giết lợn để làm gì thế?"

      Bà mẹ vui miệng nói đùa:

      - "À, để cho con ăn đấy!"

      Nói xong bà hối hận ngay, nghĩ: "Ta nói lỡ miệng mất rồi. Con ta còn thơ ngây, trí tuệ mới bắt đầu phát triển mà ta lại nói dối nó, thế thì chẳng hóa ra chính mình lại dạy con nói dối hay sao? Không được." Nghĩ thế rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn đúng như bà đã nói.


      Lại một hôm Mạnh Kha chán học, đang ở trường, cậu bỏ về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, thấy thế liền tức giận cầm dao cắt phăng tấm vải đang dệt trên khung.


      Mạnh Kha kinh ngạc hỏi:

      - "Sao mẹ lại làm thế? Hỏng hết cả tấm vải rồi!"

      Bà mẹ đáp:

      - "Con đang đi học mà bỏ học về thì có khác gì ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi không?"

      Mạnh Kha hối hận, từ đó học tập rất chuyên cần, sau này trở thành một bậc đại hiền. Được thế chẳng là nhờ cái công giáo dục quí báu của hiền mẫu đó sao?

      (Liệt Nữ Truyện, phỏng theo Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân.)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      VƯƠNG MẪU


      Vương Lăng, người đất Bái, là một hào trưởng trong huyện.

      Lưu Bang, Vua Cao Tổ nhà Hán sau này, lúc còn hàn vi quí trọng Vương Lăng như huynh trưởng. Khi Lưu Bang khởi binh, Vương Lăng đem vài nghìn quân đến giúp và lập được nhiều công trạng. Hàn Tín rất kính trọng Vương Lăng nên trước khi đem đại quân đi đánh dẹp phương xa, đã dặn Hán Vương:


      - "Tôi đi đánh Ngụy tất Sở sẽ thừa cơ đến tấn công Hoàng Dương. Trong số các tướng ở nhà, Vương Lăng có thể giao được việc lớn (...) Vương Lăng trí dũng có thừa, quyết không có gì đáng ngại."


      Bên Sở cũng biết vậy nên trước đó đã bắt Vương Mẫu làm con tin. Sau khi thấy Hàn Tín vừa đem quân đi, Hạng Vũ liền đem đại quân tấn công bên Hán. Nhớ lời dặn của Hàn Tín, Hán Vương cử Vương Lăng làm đại tướng và quả nhiên, với tài thao lược, Vương Lăng đã đánh quân Sở tan tác.

      - "Nếu không chém Vương Lăng thì làm thế nào hạ thành Hoàng Dương được?"


      Long Thư bàn:

      - "Vương Lăng đến cướp trại, giành được thế chủ động, tất đã phòng bị. Xin Đại Vương thu góp tàn quân rồi sai bắt mẹ Vương Lăng về giam giữ ở trong dinh, đồng thời sai người đến báo cho Vương Lăng biết. Vương Lăng là kẻ chí hiếu tất phải ra hàng. Chừng ấy lấy thành Hoàng Dương dễ như trở bàn tay."


      Hạng Vương khen phải, sai người về Bình Thành bắt mẹ Vương Lăng dẫn đến và cho sứ giả nói lớn với Vương Lăng dưới chân thành:

      - "Lão mẫu của tướng quân hiện đang ở trong dinh Sở, muốn được thấy mặt tướng quân ngay bây giờ. Nếu tướng quân không sang, Bá Vương quyết sẽ hủy hoại lão mẫu. Như thế, tướng quân sẽ là kẻ bất hiếu, để lại tiếng xấu muôn đời."


      Vương Lăng nghe nói, khóc òa, vào ra mắt Hán Vương, tâu:

      - "Mẫu thân tôi năm nay đã hơn bẩy mươi. Xưa nay tôi chưa hề phụng dưỡng mẹ trọn đạo. Nay mẫu thân tôi hiện đang bị giam bên Sở, muốn trông thấy mặt tôi. Dù phải chết tôi cũng không bỏ được chữ hiếu. Xin Đại Vương cho phép tôi sang Sở, tôi hứa quyết không bao giờ giúp Sở."


      Trương Lương can Vương Lăng chớ vội tin mẹ ở bên Sở, biết đâu đó chỉ là ngụy kế. Hán Vương bèn sai Thúc Tôn Thông làm sứ sang dinh Sở xem xét hư thực.


      Hạng Vương cho gọi sứ giả vào, nói:

      - "Vương Lăng là người ở Bái quận mà lại không theo ta, lại theo giúp Lưu Bang đánh lại ta. Nay ta bắt giam mẹ hắn ở đây. Nếu hắn mau mau về hàng thì mẹ con còn được gặp nhau, bằng không, ta chém ngay mẹ hắn để hắn mang tiếng bất hiếu muôn đời với thiên hạ."


      Thúc Tôn Thông xin được gặp mẹ Vương Lăng. Hạng Vương truyền dẫn Vương mẫu đến, gươm kề cổ.

      Thúc Tôn Thông thưa:

      - "Tôi là sứ giả bên Hán. Vương tướng quân, con trai cụ, nghe cụ bị bắt giam ở đây, ý muốn hàng Sở để mẹ con được gặp nhau. Vì chưa biết thực hư thế nào, nên Hán Vương sai tôi sang đây xem sự thể. Nếu quả cụ muốn thấy mặt Vương Tướng Quân, xin viết thư cho tôi mang về, Vương Tướng Quân sẽ sang ngay."


      Vương Mẫu quắc mắt, nói lớn:

      - "Nói vậy là nghĩa lý gì? Con ta đem thân phò Hán Vương, một bậc khoan nhân đại độ, thế là nó đã theo đúng chính nghĩa rồi. Nhờ ông về bảo con ta: "Hễ muốn đền chữ hiếu thì phải dốc lòng diệt Sở lập công. Thân già này dẫu chết cũng an lòng."


      Nói rồi Vương Mẫu chụp lấy thanh gươm đâm vào cổ tự sát.

      Đời sau có thơ khen rằng:


      "Thương con chẳng kể tấm thân già,

      Tình nước trọng hơn chút tình nhà.

      Nhờ mẹ, Vương Lăng nên nghiệp cả,

      Khí thiêng muôn thuở vẫn chưa nhòa.

      (Theo Hán Sở tranh hùng, bản dịch Mộng Bình Sơn.)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      TỪ MẪU


      Lưu Bị theo kế của Từ Thứ đánh tan đại quân Tào, chiếm được Phàn Thành khiến bọn Tào Nhân, Lý Điển phải dẫn tàn quân chạy suốt đêm về Hứa Xương ra mắt Tào Tháo, khóc lóc xin chịu tội.

      Tào Tháo gạt đi:

      - "Được thua là chuyện thường của nhà binh. Nhưng có biết ai đã bầy mưu cho Lưu Bị không?

      Quân sư Trình Dục cho biết đó là Từ Thứ. Tào Tháo than tiếc và lo sợ:

      - "Tiếc thay, người hiền sĩ đã về với Lưu Bị, vây cánh của y đã thành rồi. Bây giờ còn biết tính sao?"

      Trình Dục tâu vẫn còn cách thu phục Từ Thứ. Tháo hỏi cách gì Dục nói:

      - "Từ Thứ là người chí hiếu. Mồ côi cha từ nhỏ, nay còn mẹ già cũng ở gần đây. Hiện nay em Thứ là Từ Khang đã chết, bà mẹ không người nuôi dưỡng. Thừa Tướng có thể sai người bắt bà ấy đến gây. Kế đó, bắt bà ấy viết thư gọi con về Hứa Đô. Thứ ắt phải vâng lời mà đến."


      Tào Tháo cả mừng, sai người đi tầm nã cho bằng được Từ mẫu. Tháo tiếp đãi bà rất cung kính, sau đó dùng lời mềm mỏng thuyết phục:

      - "Nghe nói lệnh lang Từ Nguyên Trực là bậc kỳ tài thiên hạ. Thế mà lại ở Tân Dã giúp tên nghịch tặc Lưu Bị, phản lại triều đình, khác nào viên ngọc quý bị rơi vào vũng bùn nhơ, thật đáng tiếc quá! Vì thế phiền lão mẫu viết thư gọi lệnh lang về Hứa Đô. Tôi xin hứa sẽ tâu giúp cho trước Thiên Tử. Như thế, chẳng những đã không bị tội mà lại còn được trọng thưởng nữa."


      Nói đoạn gọi tả hữu đem giấy bút tới để Từ mẫu viết thư.

      Từ mẫu điềm tĩnh hỏi Tào Tháo:

      - "Lưu Bị là người thế nào?"

      Tháo nói:

      - "Hắn là một tên đê tiện ở Bái quận, mạo nhận là Hoàng thúc, hoàn toàn vô tín nghĩa. Đó là kẻ ngoài mặt giả quân tử mà kỳ thực bên trong đặc tiểu nhân."


      Từ mẫu nghe qua nổi giận nói:

      - "Sao ngươi dám đặt điều gian trá đến thế? Từ lâu ta đã nghe tiếng Lưu Huyền Đức là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương, con cháu Đức Hiếu Cảnh Hoàng Đế, nhún mình trọng sĩ, cung kính đãi người hiền, nổi tiếng nhân đức khắp gần xa. Người người, từ đứa bé trắng răng đến các bô lão tóc bạc, từ mục tử đến tiều phu... ai ai cũng biết Huyền Đức chính là bậc chính nhân quân tứ, anh hùng hào kiệt đời nay. Con ta phò tá Người, thực đúng là đã thờ chân Chúa vậy."


      Rồi nhìn thẳng vào mặt Tào Tháo, Từ mẫu lớn tiếng mắng nhiếc:

      - "Còn mi, tuy mượn danh phò Hán mà thực ra là tên giặc nhà Hán! Sao mi lại dám bảo Huyền Đức là nghịch thần? Mi muốn bắt con ta bỏ chỗ sáng mà chui vào hang tối à? Sao không biết tự sỉ như thế, hử?"

      Mắng xong một hơi, Từ mẫu cầm cái nghiên mực bằng đá quí ném vào mặt Tào Tháo. Tào Tháo giận run, thét vũ sĩ lôi bà cụ ra chém tức tốc.


      Trình Dục ghé vài tai Tào Tháo can rằng:

      - "Mẹ Từ Thứ cả gan dám xúc phạm Thừa Tướng là có ý muốn được chết đấy. Nếu Thừa Tướng giết đi thì không khỏi mang tiếng bất nghĩa mà mụ ấy lại được tiếng là liệt nữ. Hơn nữa thấy mẹ bị giết chết, ắt Từ Thứ sẽ căm hờn, dốc lòng giúp Lưu Bị để trả thù. Chi bằng cứ để cho mụ ấy sống, ta vừa được tiếng mà lại vừa khiến cho Từ Thứ thân một nơi, lòng một nẻo, có giúp Lưu Bị cũng không giúp hết lòng, sợ ném chuột vỡ đồ. Vả lại, cứ tha cho mụ ấy, tôi sẽ có cách lừa được Thứ về với Thừa Tướng."


      Tào Tháo nghe lời, không giết, sai giam bà cụ vào một nơi đặc biệt, nuôi dưỡng tử tế. Trình Dục thì ngày ngày đến vấn an, mạo nhận là bạn thân của Từ Thứ, đã kết nghĩa chi lan với Thứ, và xin được săn sóc Từ mẫu thay Thứ. Thế rồi Dục nay gửi biếu thứ này, mai lại biếu thứ nọ, mỗi lần đều kèm theo một tờ thiếp, lời lẽ rất cung kính, ân cần. Mỗi lần như thế, Từ mẫu đều lịch sự viết thiếp phúc đáp, cảm tạ. Dục để ý học nét chữ của bà cụ rồi sau đó phỏng theo nét chữ ấy, viết một lá thư giả, sai kẻ tâm phúc lén mang đến Tân Dã, tìm cách bí mật trao cho Từ Thứ.


      Thấy nói thư mẹ, Từ Thứ vội mở ra đọc. Thư rằng:


      "Gần đây, em Khang con đã mất. Mẹ nhìn trước trông sau chẳng còn ai là thân thích, bơ vơ một thân một mình. Đang khi sầu thảm, không ngờ lại bị Tào Thừa Tướng lừa tới Hứa Xương, buộc tội con phản nghịch triều đình mà cột trói giam cầm mẹ. May nhờ có Trình Dục cứu cho tạm thời khỏi chết, nhưng con có về hàng thì mẹ mới được tha. Được thư này, con hãy nghĩ đến công ơn dưỡng dục, về ngay, không kể ngày đêm, cứu mẹ cho tròn hiếu đạo. Rồi ta sẽ tìm cách lui về quê cũ cầy cấy ruộng vườn, thoát khỏi đại nạn này. Hiện nay tính mạng mẹ như treo sợi chỉ mành, mỏi mắt, nóng lòng chờ con đến cứu..."


      Từ Thứ vừa đọc vừa run lập cập, lệ tuôn tầm tã. Ngay sau đó, Từ Thứ đến gặp Lưu Bị, kể hết sự tình, xin đi cứu mẹ. Lưu Bị cũng cảm động, òa lên khóc:

      - "Than ôi! Mẫu tử tình thâm, đạo trời là thế. Thôi thì Nguyên Trực đừng nghĩ đến Bị này nữa! Hãy về cứu Lão phu nhân ngay. Mong mai sau may ra Bị còn được nhờ dậy bảo một lần nữa chăng?"


      Từ Thứ lạy tạ, hai bên bịn rịn mãi hôm sau mới dứt tình được. Từ Thứ đã đi một thôi đường, bỗng quay ngựa trở lại, tiến cử Khổng Minh với Lưu Bị. Sau khi hết lời ca ngợi Khổng Minh, chính Từ Thứ cũng lại ghé thảo lư của Khổng Minh, năn nỉ Khổng Minh ra giúp Lưu Bị.


      Tào Tháo nghe báo Từ Thứ sắp đến bèn dẫn toàn ban mưu sĩ ra đón, khiêm tốn nói rằng:

      - "Mừng ông nay đã về đây, sớm hôm phụng dưỡng Lệnh đường, thật là thuận tiện mà ta cũng thường được nghe lời dậy bảo."


      Từ Thứ bái tạ, rồi xin tới thăm mẹ ngay. Thứ quì sụp dưới thềm khóc lóc, xin lỗi làm phiền lụy mẹ. Từ mẫu thấy con, không những không mừng vui mà lại cả kinh thất sắc:

      - "Sao con lại đến đây?"

      Từ Thứ thưa:

      - "Gần đây con ở Tân Dã giúp Lưu Dự Châu. Vì nhận được thư mẹ gọi nên con vội vã đến đây; chẳng kể ngày đêm."

      Từ mẫu ngơ ngác:

      - "Thư nào? Sao ta lại viết một lá thư vô sỉ như thế?"

      Từ Thứ vội trình lá thư nhòe nước mắt lên cho mẹ.

      Từ mẫu ngó qua rồi nổi giận, đập tay xuống án, mắng lớn:


      - "Thằng con đê nhục kia! Mày đi phiêu đãng bao năm, ta những tưởng mày đã lịch duyệt, làm nên công nên nghiệp rồi chứ? Ai ngờ lại còn ngu dại hơn trước! Mày đã đọc sách tất phải biết rằng "Trung, Hiếu khó vẹn cả đôi đường. Mày há lại không biết thằng Tào Tháo là thằng giặc khi quân phản Chúa sao? Còn Lưu Huyền Đức, tiếng nhân nghĩa vang lừng bốn bể, lại còn là dòng dõi nhà Hán. Mày đã được thờ Người, tức là đã được gặp chân Chúa rồi. Thế mà nay lại vội tin ngay một mảnh giấy giả mạo, không biết xem xét tỏ tường, thế có khổ không cơ chứ? Thế là vì ngu dại, mày nỡ bỏ chỗ sáng mà đâm đầu vào chỗ tối, chuốc lấy tiếng nhơ nhuốc, làm điếm nhục gia phong, thật là một đứa ngu phu! Ta còn mặt mũi nào mà nhìn thấy mày nữa! Đứa con làm nhục tổ tiên kia, mày chỉ là đứa sống thừa trong trời đất mà thôi!"


      Nghe mẹ quát mắng, Từ Thứ chỉ biết rập đầu sợ hãi, không dám ngửa mặt lên nhìn. Còn Từ mẫu, mắng con một hồi xong, đứng phắt dậy, bước khuất sau bình phong.


      Xung quanh lặng ngắt như tờ. Từ Thứ còn đang bàng hoàng, mê mẩn thì đã nghe thị nữ từ hậu đường chạy ra cấp báo:

      - "Lão phu nhân đã treo cổ lên xà nhà tự ải rồi!"

      Người đời sau làm bài phú ngợi ca Từ mẫu:


      Hiền thay, Từ mẫu!

      Danh thơm muôn đời.

      Giữ tiết khắc khổ,

      Nếp nhà không rời.

      Dậy con đúng phép,

      Giận thân lìa đời.

      Nghĩa chứa gan phổi,

      Anh khí cao vời.

      Mắng Tào nhục nhã,

      Khen Lưu hết lời.

      Vạc dầu: chẳng sợ,

      Gươm đao: trò chơi!

      Chỉ lo con dại,

      Làm nhục tổ tiên.

      Sánh bà cắt vải.

      Bằng bà dùng gươm.

      Sống được tiếng thơm,

      Thác hợp đạo trời,

      Hiền thay Từ Mẫu!

      Lưu danh muôn đời."

      (Tam Quốc Chí, phỏng theo bản dịch Tử Vi Lang.)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Bà Mẹ Thánh GANDHI



           Mahatma Gandhi (1869-1948) Nguồn: Khởi Hành

      Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) được tôn xưng là Mahatma Gandhi, Thánh Gandhi hay Cam Địa, vì đã lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ được chế độ thực dân của Đế quốc Anh, đế quốc hùng mạnh, rộng lớn nhất thế giới, mà lại ít đổ máu nhất. Lý do: Ngài đã áp dụng một phương pháp tranh đấu hòa bình nhất: bất bạo động.

      Và cũng chính nhờ phương pháp bất bạo động này mà xứ sở Ấn-độ vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, và sau khi Anh quốc trả lại tự do cho Ấn Độ, năm 1948, hai nước Anh Ấn vẫn giao hảo tốt đẹp trong Khối Thịnh Vượng Chung.


      Gandhi quan niệm:

      "Không có gì trên trái đất này mà tôi lại không có thể hy sinh cho nghĩa vụ đối với đất nước, dĩ nhiên, trừ hai điều và hai điều mà thôi, đó là, chân lý và bất bạo động." (There is nothing ơn earth that I would noi give up for the sake of the country, excepting, of course, two things and two only, namely, truth and non-violence.)


      "Tôn giáo của tôi đặt nền tảng trên chân lý và bất-bạo động. Chân Lý là Thượng Đế của tôi. Bất bạo động là phương tiện để chứng ngộ Ngài." (My religion is based ơn truth and non-violence. Truth is my God. Non-violence is the means of realizing Him.)


      Niềm tin kiên cường và thái độ chân thành thẳng thắn nói sao làm vậy, làm sao nhận chịu vậy đã khiến kẻ thù phải kính phục và nhượng bộ.

      Gandhi đã học được những điều đó từ thân giáo của mẹ Ngài.


      Bà Putlibai Gandhi không bao giờ ăn mà chưa cầu nguyện, và bà đến đền hành lễ hàng ngày. Nhịn ăn lâu không làm bà nản chí, và khi bà đã hứa nguyện điều gì thì dù gian khổ đến đâu bà cũng kiên quyết thực hành đến nơi đến chốn. Trong mùa lễ Chaturmas, giống mùa Lễ Chay hàng năm, kéo dài bốn tháng mùa mưa, mỗi ngày bà chỉ dùng một bữa, và có năm, cách một ngày bà lại nhịn ăn hẳn một ngày. Vào một mùa lễ Chaturmas khác, bà lại nguyện không ăn cho đến khi mặt trời ló rạng. Và khi mặt trời ló rạng thì cũng là lúc những con chim cu cất tiếng gáy. Mohandas Gandhi cùng các anh và chị thường ngồi chờ mặt trời mọc và chim cu gáy. Khi thấy mặt trời hiện ra sau những đám mây hay nghe tiếng chim cu, họ vội chạy vào nhà báo cho bà Putlibai biết là bây giờ có thể ăn được rồi. Lần nào khi bà ra khỏi phòng thờ mà mặt trời lại lẩn sau đám mây thì bà lại vui vẻ bảo các con: "Thượng Đế không muốn mẹ ăn hôm nay" và thế là bà nhịn luôn.


      Một hôm trời âm u, cậu bé Mohandas Gandhi chờ mãi mà không thấy mặt trời và tiếng chim cu, cậu thương mẹ nhịn đói lâu nên ra sau nhà giả tiếng chim hót rồi mời mẹ ra ăn.


      Bà Putlibai vô cùng sầu não khi biết con mình nói dối. Bà giậm chân kêu trời:


      - "Ôi Thượng Đế ơi! Con có tội tình gì mà lại sinh ra một đứa con dối trá thế này?"


      Mohandas Gandhi cực kỳ sợ hãi và hối lỗi. Cậu quỳ xuống xin lỗi mẹ và xin hứa từ nay cho đến hết đời cậu sẽ không nói nửa lời không thật.

      Gandhi đã tin và dậy người ta nên tin rằng:

      "Chân lý và ahimsa (bất bạo động) sẽ không bao giờ bị hủy hoại:" (Truth and ahimsa will never be destroyed.)


      "Chỉ có chân lý là sẽ còn tồn tại, tất cả những cái khác sẽ bị cuốn đi trước cơn sóng thời gian." (Truth alone will endure, all the rest will be swept away before the tide of time.)


      Sức mạnh vô địch đưa đến chiến thắng tối hậu của cuộc Cách Mạng Bất Bạo Động do Gandhi lãnh đạo chính là sức mạnh của chân lý vậy.


      Thiết tưởng về Thánh Gandhi cũng nên nhắc thêm rằng, trong cuốn Tự Truyện, Ngài bộc bạch không che dấu hai tật xấu thâm căn cố đế của mình: tham ăn và dâm dục. Và Ngài thẳng thắn thú nhận đã phạm phải một việc điếm nhục mà chắc chắn không ai dám thú nhận: đang đêm thức canh, xoa bóp chân cho cha đang nằm hấp hối, Ngài đã không xót thương, cầu nguyện cho linh hồn cha mà lại chỉ thèm muốn xác thịt nên khi vừa được Chú cho nghỉ xả hơi Ngài đã vội mò vào buồng làm tình với vợ ngay - trong khi đó cha chết lẻ loi một mình, không có con bên cạnh để trối trăng! Và khi một đứa con của Ngài hữu sinh vô dưỡng sau một vài ngày, Ngài tự kết án mình là đi đã quá ham hố làm tình với vợ ngay cả khi bà mang thai cận ngày ở cữ.


      Người ta không thể không tôn kính, tin cậy và tuân theo một người đã tự hạ mình thấp đến như vậy."

      Dân Ấn Độ hàng hàng lớp lớp, lũ lượt đi theo Gandhi, như sông đổ về biển. Đúng như nhận xét tinh tế của Lão Tử: "Tất cả các dòng sông đều chảy về biển. (Vì) biển (tự đặt mình) thấp hơn các dòng sông."


      Cuộc đời và tư tưởng Thánh Gandhi là một minh thị rực rỡ của Đức Khiêm Cung, của huyền nhiệm "Bài Giảng Trên Núi" và của mệnh lệnh "Chớ chống lại cái Ác" (Resist no evil) vang vang trong Kinh Thánh và kinh điển Ấn Giáo mà Gandhi đã cảm nhận một cách vô cùng sâu sắc và tâm đắc.


      * Khác hẳn kẻ đi đến đâu vợ con đến đấy mà lại cứ muốn cả nước tôn vinh mình là thánh suốt đời hy sinh hạnh phúc cá nhân cho dân cho nước. Trường hợp này lại càng khiến người ta nhớ đến nhận xét chí lý của Blaise Pascal: "Con người không phải là thiên thần mà cũng chẳng phải là thú vật, và điều bất hạnh là kẻ nào đóng vai thần thánh, kẻ đó thành thú vật." Và ngược lại, kẻ nào thành thật thú nhận thú tính của mình cũng dễ được đời thông cảm và ca tụng, nếu không trở thành thánh nhân, thì ít ra cũng là chân tiểu nhân chứ không phải là thứ ngụy quân tử.


      (Gandhi, "Autobiography" The "Epigrams from Gandhi" - Louis Fisher, "The life of Mahatma Gandhi" p. 15 - Sai Baba, Sathya Sai Speaks volume 33, pp. 286-287)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Bà Mẹ Tổng Thống ABRAHAM LINCOLN



           Abraham Lincoln (1809-1865) Nguồn: Khởi Hành

      Abraham Lincoln sinh ra trong một gia đình cực kỳ nghèo khó. Cha ông, Thomas Lincoln, là một thợ mộc không biết chữ nghĩa, nhưng được cái tính tình vui vẻ, dễ hòa đồng, thích tếu nhộn, bông đùa. Trái lại, mẹ ông, bà Nancy Hanks Lincoln là một người nghiêm túc đã nuôi dưỡng, giáo dục chị em Sarah, Abraham Lincoln, bằng một tình thương yêu thâm trầm. Bà không biết đọc biết viết, chỉ đọc thuộc lòng một số kinh bổn, và điểm chỉ khi phải ký giấy tờ. Tuy nhiên, bà đã truyền cho các con niềm tin vững mạnh vào thuyết định mệnh an bài của phái Baptist: thiên tai, chết chóc cũng là một phần trong những hành động bí ẩn, khôn dò của Thượng Đế, và: "Không có gì có thể ngăn trở được sự thực thi những kế hoạch của Thiên Ý." Nothing can hinder the execution of the designs of Providence,") và "Cái gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra, ta không thể làm gì đối với cái đó được." ("What is to be will be and we can do nothing about it.") Niềm tin định mệnh này đã in sâu vào lòng Abraham Lincoln, suốt đời.


      Đời sống chật vật khiến ông Thomas Lincoln phải đưa gia đình đi tìm đất sống ở nhiều nơi mà vẫn không khá hơn trước.

      Nhiều lần Abraham Lincoln bị bạn học chế diễu vì quần áo rách rưới, ngắn cũn cỡn của cậu. Một hôm, chịu không nổi nữa, cậu năn nỉ mẹ:

      - "Mẹ ạ, các bạn học của con chúng nó trêu chọc con dữ quá! Xin mẹ cho con một bộ quần áo tốt hơn một chút đi."


      Bà Nancy Lincoln kẻo con lại gần, nhỏ nhẹ khuyên:

      - "Con ạ, con phải xét tình trạng nhà mình trước đã. Chúng ta đâu có khá giả gì? Lo ăn cũng đã là cả một vấn đề rồi. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao mà có quần áo tốt lành cho được, hở con? Ta phải sống tùy hoàn cảnh chứ? Sớm muộn gì con cũng sẽ đạt tới cái mà con xứng đáng được. Đừng ngả nghiêng vì sự chọc phá của người khác. Phải sống với lòng tự tin. Lòng tự tin là cội rễ của mọi thành công đó con ạ."


      Nghe lời mẹ, từ đó Abraham Lincoln đào luyện cho mình một niềm tự tin sắt đá. Chính lòng tự tin này đã giúp Lincoln vượt qua bao trở ngại, đứng vững sau bao thất bại chồng chất, dám đi ngược lại tập đoàn những nhà lãnh đạo miền Nam, dù phải đưa đất nước vào cuộc nội chiến đẫm máu trong bốn năm (1861-1865). Nhờ thế, ông đã tạo được những kỳ công: giải phóng được bốn triệu nô lệ, lãnh đạo cuộc Cách Mạng Thứ Hai - biến một liên bang lỏng lẻo thành một quốc gia thống nhất, đưa Hoa Kỳ vào thời đại dân chủ, tư bản kỹ nghệ. Điều đáng lưu ý là, dù đã tạo được những kỳ công, được coi là một trong những Tổng Thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln không nhận mình là tác giả của những hành động cao cả ấy và chủ động chỉ đạo những biến cố xẩy ra. Tất cả qui cho Thượng Đế. Minh triết này được phản ảnh rõ qua lời tuyên bố của ông năm 1864:


      "Tôi không nhận là mình đã kiểm soát được những biến cố mà chỉ giản dị thú nhận rằng chinh những biến cố đã kiểm soát tôi. Giờ đây chúng ta đang ở vào cuối năm thứ ba của cuộc chiến, tình trạng đất nước là cái mà không có đảng nào hay cá nhân nào đã đề xướng hay kỳ vọng cả. Chỉ có Thượng Đế mới có thể nhận mà thôi."


      (I claim not to have controlled events but confess plainly that events have controlled me. Now at the end of three years' struggle, the nation's condition is not what either party of any man devised or expected. God alone can claim it.")


      Vị Tổng Thống thứ 16 vĩ đại này quả không quên lời mẹ dậy.


      (- Stephen B. Oates, "With Malice Toward None, A Life of Abraham Lincoll", p.5

      - James M. McPherson, "Abraham Lincoln and The Second American Revolution, Preface.)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Bà Mẹ Tổng Thống RONALD REAGAN



           Ronald W. Reagan
      (1911 - ) Nguồn: Khởi Hành

      Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan (1911-2005) người đã chấm dứt Chiến Tranh Lạnh mang lại hòa bình thịnh vượng cho thế giới, đã nói về mẹ mình như sau trong một cuộc nói chuyện:


      "Anh tôi và tôi, chúng tôi thực sự chịu ảnh hưởng của mẹ tôi, một người có niềm tin tôn giáo chân chính mà cũng còn là một người có lòng nhân ái bao la. Chúng tôi vốn đã là một gia đình nghèo rồi, vậy mà mẹ tôi vẫn còn luôn luôn tìm thấy những người còn nghèo khó hơn cả mình nữa để đến cứu giúp."


      Cha Reagan, ông John Edward Reagan là một người bán giầy không thành công. Ông luôn luôn đi làm ăn xa, kiếm cơ hội mở tiệm. Sự thất bại liên tiếp càng đẩy ông đi sâu vào con đường thất vọng, rượu chè be bét. Việc chăm nom, dậy dỗ con cái một mình bà Nelle Wilson Reagan đảm đương. Bà vừa là thầy giáo vừa là nhà giảng đạo, lại vừa nêu một tấm gương sáng cho các con. Ronald Reagan đã viết trong hồi ký:


      "Trong khi cha tôi là một người thờ ơ ích kỷ và có khuynh hướng nghi ngờ, chỉ trông đợi những điều tệ hại nhất của tha nhân, thì mẹ tôi lại khác hẳn.

      "Bà luôn luôn kỳ vọng tìm thấy cái tốt đẹp nhất nơi ngươi khác, và thường tìm thấy nó, ngay cả nơi những người tù trong nhà tù địa phương của chúng tôi mà mẹ tôi hay mang đồ ăn nóng sốt tới cho.


      "Tôi đã học được từ cha tôi giá trị của cần lao và tham vọng, và có lẽ một chút về cách kể truyện.

      "Từ mẹ tôi, tôi đã học được giá trị của sự cầu nguyện, làm cách nào để có những giấc mộng và tin mình có thể biến chúng thành hiện thực."


      Trong khi ông John Edward Reagan chỉ thỉnh thoảng mới đi nhà thờ thì bà Nelle Wilson Reagan là một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành. Bà tin "Thượng Đế có ở trong mọi sự" và quyết định mọi điều. Bà đã dạy các con niềm tin ấy. Reagan viết tiếp về những điều mẹ dạy:


      "Tôi được dưỡng dục để tin rằng Thượng Đế có kế hoạch cho mỗi người và rằng những bước ngoặt có vê như ngẫu nhiên của định mệnh thẩy đều là một phần trong kế hoạch của Ngài. Mẹ tôi - một người đàn bà nhỏ nhắn tóc mầu hạt dẻ, có một cảm thức lạc quan sâu thẳm như vũ trụ - đã bảo tôi rằng mọi sự xẩy ra trong đời đều có một mục tiêu. Bà nói mọi sự là phần bộ trong Kế Hoạch của Thượng Đế, ngay cả những chướng ngại làm mất tinh thần nhất, cuối cùng, mọi sự cũng thu xếp ổn thỏa để đưa đến cái tối hảo nhất. Nếu có sự việc gì sai trật, bà nói, cũng không để nó quật ngã mình: Ta lùi xa nó, bưóc qua nó, và tiếp tục đi tới. Sau đó, bà nói thêm, những cái tốt lành sẽ xẩy ra và ta sẽ thấy mình bâng khuâng nghĩ - "Nếu trước kia ta đã chẩng gặp cái vấn đề đó , thì cái tốt lành hơn đã xẩy ra đây ắt đã không xẩy ra đến cho ta."


      "Sau khi mất việc ở Montgomery Ward, tôi lại rời nhà để đi săn tìm công ăn việc làm. Mặc dầu lúc đó tôi chưa biết, tôi đã đang bắt đầu một cuộc hành trình dẫn tôi đi rất xa khỏi Dixon và tựu thành mọi giấc mơ của tôi và vài giấc mơ khác.

      Mẹ tôi, như thường lệ, rất đúng."


      Chính là tinh thần lạc quan và những giấc mơ về đô thị lấp lánh trên đồi đã hứng khởi dân tộc Hoa Kỳ vốn đã mất tinh thần, lòng tự tin, tự trọng và hy vọng vào tương lai nước Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, đặc biệt những thất bại, ê chề nhục nhã của Hoa Kỳ dưới thời các tổng thống tiền nhiệm. Chính cái giấc mơ có vẻ khoa học giả tưởng về một cái khiên che vĩ đại chống lại hỏa tiễn xâm nhập vùng trời Mỹ do Sáng Kiến Phòng Ngự Chiến Lược (Strategic Defensive Initiative) - hay "Chiến Tranh Hành Tinh" ("Stars War") như giới truyền thông chế diễu và cố tình xuyên tạc - do Reagan vẽ ra khiến Liên Xô hiểu rằng không thể đe dọa, thách thức hay chạy đua với anh cowboy già này, kẻ quyết tâm thực hành phương châm của Thượng Tướng Douglas MacArthur: "Không có gì thay thế được chiến thắng." (There's no substitute for victory).


      Tinh thần lạc quan, lòng can đảm dám mơ những giấc mơ lớn của Ronald Reagan là những đặc tính ông đã thừa hưởng được từ mẹ.


      (Ronald Reagan, An American Life, 22, 20-21 -Peggy Noonan, Where Character Was King, A Story of Ronald Reagan", p.20)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      PHÙNG QUÁN, Đứa Con Không Quên Lời Mẹ Dặn



           Phùng Quán (1932-1995)
      Nguồn: Khởi Hành

      Nhà thơ Phùng Quán (1932-1995), được coi là Triệu Tử Long của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ông sinh năm 1932 tại Thừa Thiên, Huế, theo kháng chiến từ lúc đầu. Kinh nghiệm làm giao liên của ông được kể lại trong bộ trường thiên tiểu thuyết Tuổi Thơ Dữ Dội đã được quay thành phim. Năm mười chín tuổi ông viết cuốn truyện đầu tay Vượt Côn Đảo, dựa trên cuộc đời Võ Thị Sáu. Cuốn này được dịch sang tiếng Nga và nhiều thứ tiếng Đông Âu, và được mấy giải thưởng, nó còn được tuyển chọn vào chương trình giảng huấn nữa.


      Ông hăng hái tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ngay từ đầu. Mỗi bài thơ của ông được coi là một "trái bom nguyên tử", như bài "Chống tham ô lãng phí" đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu, tháng 10 năm 1956 và đặc biệt bài "Lời Mẹ Dặn", đăng trong tờ Văn, số ra ngày 27.9.1957. Bài thơ này đã xác đinh chỗ đứng của ông trong văn học Việt Nam, đồng thời nó cũng qui định bản án mà nhà cầm quyền cộng sản dành cho ông.


      Ông bị bắt, bị kiểm thảo, bị đi lao cải mấy năm, cuốn Vượt Côn Đảo bị gạt ra khỏi chương trình giảng huấn. Sau khi được tha, Phùng Quán bị treo bút đến năm 1988. Trong thời gian bị cấm viết, ông đã viết chui dưới rất nhiều bút hiệu khác nhau để sống lây lất qua ngày. Khi được chính thức "cởi trói" năm 1989, ông kể lại quãng thời gian đó trong bài "Ba Mươi Năm Cá Trộm, Rượu Chịu, Thơ Chui" cho đăng trên tờ Người Hà Nội do nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên Tập. Kế đó là bài viết về triết gia Trần Đức Thảo, tựa đề "Mấy Mẫu Chuyện Vui về Triết Gia Trần Đức Thảo," bài viết về nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang, tựa đề "Những Ngày Cuối Năm, Tìm Thăm Người Dựng Lễ Đài Tuyên Ngôn Độc Lập Mồng 2 tháng 9 năm 1945," bài viết về kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, tựa đề "Chút Nghĩa Cũ Càng."


      Mãi tới năm 1990 Phùng Quán mới được nhà nước cho phép in cuốn truyện viết cho thiếu nhi, tựa đề Chép Còm. Cuốn Trăng Hoàng Cung là do ông liều lĩnh gửi đại cho thân hữu ỏ Hoa Kỳ in năm 1993. (Nhà xuất bản Thanh Văn, Los Angeles.)


      Mùa Xuân năm 1992 tạp chí Cửa Việt đăng bài "Xông Đất Nhà Thơ Tố Hữu," Tổng Biên Tập bị kiểm thảo và tạp chí bị đóng cửa sau số 17.

      Mùa hè năm đó về Hà Nội tôi còn nghe dư âm về bài này. Tôi hỏi nhà thơ Phùng Quán:

      - "Anh viết gì trong bài này mà mấy tháng sau dư luận còn xôn xao thế?"


      Giáo sư Vũ Bội Trâm, bà Phùng Quán, trả lời thay:

      - "Chắc anh Hiệu cũng biết nhà tôi gọi nhà thơ Tố Hữu là cậu, cậu ruột. Mẹ anh Quán là chị ruột nhà thơ Tố Hữu. Hai cậu cháu chí hướng khác nhau nên mấy chục năm nay, tuy cùng ở Hà Nội mà không bao giờ gặp nhau. Tết này là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm ông ấy, khi nhà ông ấy đã bặt tiếng ruồi xanh, cửa ngõ ngày Tết mà vắng vẻ, chỉ còn mờ mờ "dấu xưa xe ngựa", khác hẳn ngày xưa.


      Lúc ra về, nhà thơ Tố Hữu bịn rịn cầm tay nhà tôi và quay ra nói với tôi rằng:

      - "Hồi xưa cậu giận thằng Quán lắm, nghĩ nó quá ngu dại. Nay nghĩ lại, (ông ấy thở dài) thì mới biết thằng Quán cũng dại mà cậu cũng dại..."


      Thế nào là khôn? Thế nào là dại?

      Ngươi xưa có câu: "Khôn cũng chết mà dại cũng chết, chỉ có biết mới sống." Thế nào là biết sống? Và có nên biết sống không?


      Trong số những người tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm được kể là biết sống có Văn Cao, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Lê Đạt. Họ nguyên vẹn về hình hài nhưng lại bị thương tổn về nhân cách. Trần Dần phải giả điên để được sống lửng lơ giữa hai lựa chọn kinh người: đồng chí hay Nhà Nước? Dạ dầy hay Nhân Phẩm?


      Khi hết nhà văn Nguyễn Tuân lại đến nhạc sĩ Văn Cao vào miền Nam truyền cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cách sống dưới xã hội chủ nghĩa thì bao dung như họa sư Thái Tuấn cũng phải cau mày. Và chắc nhiều người cũng phải cau mày. Có điều họa sư Thái Tuấn quên hai điều: Một là, vì anh có vợ con, may mắn - trước kia bị coi là rủi ro - mắc kẹt ở nước ngoài không về nước được trước tháng Tư 1975, thỉnh thoảng gửi tiền về nuôi chứ nếu phải đi kiếm tiền nuôi vợ con thì chắc anh cảm nghĩ khác. Hai là, vì thương bạn, chỉ cho bạn thấy cách sống hèn, khôn lỏi của mình là một sự can đảm hiếm có và đáng kính trọng lắm đấy chứ?


      Ở trong một chế độ mà "hà chính mãnh ư hổ" (chính sách hà khắc dữ như cọp) mọi giá trị, cách suy nghĩ đều bị đảo lộn hết. Xét người, xét việc phải xét cả hoàn cảnh nữa mới bớt sai sót, lầm lạc.


      Năm 1995, vừa để xoa dịu những nạn nhân của mình, vừa muốn đấm mõm vuốt đuôi một số nạn nhân nguy hiểm, đồng thời muốn tỏ ra mình đang thuần hóa, nhà nước Việt Nam đã ra lệnh cho hội nhà văn gợi ý một số nhà văn, nhà thơ là sẽ in cho họ một hai cuốn sách với tiền nhuận bút khá hấp dẫn (nhưng phải cầu cạnh đi! Ngoan ngoãn đi đã!) Nhà thơ Phùng Quán được tiếp cận, được đề nghị in cho một cuốn thơ với tiền nhuận bút năm triệu đồng, tương đương năm trăm mỹ kim, với điều kiện trong tập thơ đó không có bài "Lời Mẹ Dặn." Phùng Quán nổi chướng tính, đã nghèo cho nghèo luôn, không chịu. Chỉ sau khi nhà thơ chết, tập Thơ Phùng Quán mới được in, có cả bài thơ trên. Có lẽ họ thấy sự kỳ kèo ấy bất lợi, chỉ tổ làm người ta để ý thêm, vả lại, miền Nam trước kia đã in rồi, nhiều người đã biết rồi, chi bằng cứ để yên, lại thêm được tiếng ta đây đã cởi mở.


      Ngay cả trước vụ việc này, nhà thơ Xuân Sách đã cảm thán:


      "Hồn đã vượt Côn đảo

      Thân xác còn lao đao

      Bởi nghe lời mẹ dặn

      Nên suốt đời lao đao."

      (Xuân Sách, Chân dung nhà văn, chân dung 68, bản viết tay.)


      Rõ ràng là trong xã hội cộng sản thì nghe lời mẹ dặn thì ngoan mà không khôn, chỉ được cái an ủi xuông là tuy dại dột mà không ngu hèn thôi!

      Tuy nhiên, lịch sử có sự phán xét riêng của nó - rất công bằng, rất chính xác.

      Nếu bài thơ "Lời Mẹ Dặn" làm Phùng Quán suốt đời lao đao thì cũng chính bài thơ ấy đã vực nhà thơ dậy, hiên ngang đứng trong lịch sử văn học Việt Nam, bây giờ là mãi mãi.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      LỜI MẸ DẶN

      (Thơ Phùng Quán)


      Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

      Mẹ tôi thương con không lấy chồng

      Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

      Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.


      Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ

      Ngày ấy tôi mới lên năm

      Có lần tôi nói dối mẹ

      Hôm sau tưởng phải ăn đòn.


      Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn

      Ôm tôi hôn lên mái tóc

      - Con ơi - trước khi nhắm mắt

      Cha con dặn con suốt đời

      Phải làm một người chân thật.


      - Mẹ ơi, chân thật là gì?

      Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

      Con ơi nột người chân thật

      Thấy vui muốn cười cứ cười

      Thấy buồn muốn khóc cứ khóc.

      Yêu ai cứ bảo là yêu

      Ghét ai cứ bảo là ghét.

      Dù ai ngon ngọt nuông chiều

      Cũng không nói yêu thành ghét

      Dù ai cầm dao dọa giết

      Cũng không nói ghét thành yêu.


      Từ đấy người lớn hỏi tôi:

      - Bé ơi, bé yêu ai nhất?

      Nhớ lời mẹ tôi trả lời:

      - Bé yêu những người chân thật.


      Người lớn nhìn tôi thông tin

      Cho tôi là con vẹt nhỏ

      Nhưng không! Những lời dặn đó

      In vào trí óc của tôi

      Như trang giấy trắng tuyệt vời,

      In lên vết son đỏ chói.


      Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

      Đứa bé mồ côi thành nhà văn

      Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

      Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.


      Nười làm xiếc đi dây rất khó

      Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

      Đi trọn đời trên con đường

      chân thật.


      Yêu ai cứ bảo là yêu

      Ghét ai cứ bảo là ghét.

      Dù ai ngon ngọt nuông chiều

      Cũng không nói yêu thành ghét

      Dù ai cầm dao dọa giết

      Cũng không nói ghét thành yêu.


      Tôi muốn làm nhà văn chân thật

      Chân thật trọn đời

      Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

      Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

      Bút giấy tôi ai cướp giật đi

      Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

      1957

      Viết những ngày tưởng nhớ Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Phùng Cung, Trúc Lâm, Trần Dần.

      Hay Market, Virginia, đầu tháng 2 năm 2007.


      Nguyễn Hữu Hiệu

      (Khởi Hành số 126, tháng 4.2007)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Sự Đồng Thanh Tương Ứng Giữa Đức Phật, các Đạo Gia và các Khoa Học Gia Nguyễn Hữu Hiệu Tiểu luận

      - Người Nữ Như Hiền Mẫu Nguyễn Hữu Hiệu Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

      Tính “văn học” trong văn học miền Nam (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)