|
Trần Trọng Kim(.0.1883 - 2.12.1953) | Văn Đen(.0.1919 - 2.12.1988) | Đàm Trung Pháp(.0.1941 - 2.12.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tôi đến thăm Mẹ sau một chuyến đi xa. Mới có mấy tuần mà trông Mẹ có vẻ khác khác thế nào! Tôi giấu hai tay sau lung, hỏi Mẹ:
- Mẹ đoán thử xem... con đem cái gì tới cho Mẹ đây!
Mẹ tỏ vẻ háo hức, nói:
- Cái gì? Cái gì... có ăn được không?
Dạ, dĩ nhiên là ăn được.
Mẹ cười hớn hở. Thật sự thì lần nào đến với Mẹ, tôi cũng chỉ mua "cái gì ăn được". Bởi về sau này Mẹ chỉ thích thức ăn. Tôi cứ hay tự nói với mình là đến một độ tuổi nào đó người ta sẽ không còn ham muốn gì nữa, chỉ nghĩ đến cái ăn.
Mẹ lộ vẻ thích thú khi ăn món bánh cam. Tôi thì sợ cái loại bánh chiên béo quá béo này, nên chỉ ngồi nhìn Mẹ ăn. Tóc của Mẹ bạc nhiều rồi, gần hết cả mái đầu, lại cắt ngắn cho dễ tắm gội. Chị Vân, người săn sóc Mẹ giúp chúng tôi, cũng ngồi gần đó, nhìn Mẹ ăn. Người phụ nữ này đến theo chương trình chăm sóc người già tại nhà, tính tình hiền lành và chu đáo, nên rất được chúng tôi tin cậy. Mẹ cũng thích chị ấy. Mẹ nói chị ấy là con nuôi của Mẹ hồi chị ấy còn bé. Chúng tôi chỉ cười chứ không cãi. Mẹ ở với gia đình chị Hai tôi. Còn tôi, ở riêng, vài ba bữa lại ghé thăm Mẹ.
Mẹ thưởng thức cái bánh cam một cách tận tình. Tôi nhắc Mẹ:
- Còn một cái, Mẹ muốn để dành chiều ăn không?
Mẹ lắc đầu:
- Mẹ không ăn, Mẹ để dành cho...
- Cho chị Hai hở Mẹ? Hay cho các cháu? Các cháu cũng đã có phần các cháu, Mẹ đừng lo.
- Không phải
Chị Vân nói vui:
- Vậy là bác cho con?
Mẹ lắc đầu lia lịa, quay nhìn vào bên trong:
- Không cho cô ăn đâu! Tôi để dành... cho bà bạn của tôi.
Tôi ngạc nhiên:
- Bà bạn nào?
- Bà bạn thân của Mẹ, bà ở đây mấy ngày nay rồi.
- Ở đâu hở Mẹ? Sao con không biết?
Mẹ hất đầu:
- Ở trong đó!
Tôi nhìn chị Vân, không hiểu. Chị Vân "à" lên, rồi cũng nhìn vào trong giống như Mẹ. Chị nói:
- Con biết rồi!
- Ừ, dẫn tôi vào thăm bà bạn của tôi đi!
- Dạ.
Chị Vân đưa mắt hàm ý bảo tôi đi theo. Tôi với lấy cái walker, cho Mẹ vịn hai tay vào, rồi chúng tôi dẫn Mẹ vào phòng. Mẹ dừng lại trước tấm gương lớn, nói giọng vui mừng:
- Chào bà! Con gái của tôi này, nó mới đi về đấy!
Tôi giật mình. Mẹ nói chuyện với người trong gương. Mẹ không có vẻ gì là nói đùa cả. Thiếu điều tay bắt mặt mừng!
Tôi nhìn qua chị Vân. Chị khẽ gật đầu. Tôi biết đây không phải chuyện đùa. Chị nói với tôi:
- Từ hôm qua tới giờ, bác cứ như vậy đó! Mỗi khi mình dẫn bác vào phòng, bác đều chào "bà bạn" ấy.
- Chị Hai em có biết không?
- Mình có kể, chị Hai cũng hơi lo, chị bảo sẽ đưa bác đi bác sĩ.
Tôi cùng tiến đến trước chiếc gương lớn. Mẹ vui vẻ bảo:
- Con chào bác đi, bà bạn thân của Mẹ đấy!
Tôi buồn cười, nhưng cũng gật đầu chào:
- Dạ, cháu chào bác ạ!
Người trong gương cũng gật đầu với tôi. Mẹ kể về "bà bạn" cho tôi nghe:
- Bà bạn này cùng dạy học một trường với Mẹ.
- Bác ấy dạy môn gì hở Mẹ?
Mẹ ngẫm nghĩ, rồi nói:
Ờ... để Mẹ nhớ xem. Hình như là... môn... Nhạc. Ồ, phải rồi, môn Nhạc.
Tôi và chị Vân nháy nhau cùng "chơi" với trò chơi của Mẹ. Chị Vân hỏi:
- Vậy bác cũng đi dạy hở bác? Vậy mà con không biết.
Mẹ nhíu mày, gật gù:
- Ừ, bác đi dạy chứ! Ở Việt Nam, xa lắm đó, cháu có biết không?
- Dạ cháu biết. Cháu cũng là người Việt Nam mà bác!
- Ừ. Ở Việt Nam... Việt Nam... xa lắm...
Câu chuyện gián đoạn vì chị Hai tôi đã về.
Theo lời bác sĩ Stevens thì Mẹ mắc chứng bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Mẹ có những sự nhầm lẫn cũng là bình thường thôi. Bác sĩ bảo hiện giờ thì Mẹ có chút xáo trộn trong nhận thức, chưa có gì nguy hiểm. Nhưng ông cũng cho biết:
- Đến một ngày nào, bà sẽ không nhận ra con cháu cửa mình nữa, mọi người hãy chuẩn bị mà đón nhận điều đó và làm mọi cách để thích nghi.
Và... điều đó đã đến. Mỗi ngày Mẹ một nhầm lẫn. Mẹ lộn tên các con và các cháu. Mẹ không nhớ chuyện mới xảy ra. Và Mẹ càng khắng khít hơn với "bà bạn trong gương".
Hôm nay Mẹ cũng vào phòng tắm và chuyện trò với bà bạn. Tôi không còn ngạc nhiên nữa, nhưng vẫn theo sát bên Mẹ. Tôi cũng dặn chị Vân đừng rời Mẹ nửa bước khi không có chúng tôi. Có khi Mẹ không biết đến sự có mặt của chúng tôi bên cạnh. Và một lần, Mẹ sửa lại mái tóc, vuốt vạt áo cho thẳng, như một cô giáo sắp bước lên bục giảng. Chị Vân và tôi lặng yên theo dõi. Mẹ nói với "bà bạn trong gương":
- Bà nhớ nhé, xong giờ Sử của tôi là đến giờ Nhạc của bà đấy!
Và Mẹ đằng hắng, nói:
- Các em mở sách ra, trang 18. Bài học hôm nay là về "Nguyễn Thái Học và cuộc khởi nghĩa Yên Bái..."
Tôi nín thở. Chị Vân như cũng bất động. Mẹ đâu có để ý đến chứng tôi bên cạnh.
Mẹ nói tiếp, giọng như giảng bài:
- "Chết vì Tổ quốc, cái chết vinh quang; lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng". Các em ghi nhớ câu này nhé! Đó là câu mà ông Nguyễn Thái Học đã nói trước ngày bị lên máy chém cùng với mười hai đồng chí của ông.
Giọng của Mẹ trở nên tha thiết lạ kỳ:
- Các em ơi! Các em có biết không, mỗi khi đứng trên bục giảng, Cô cảm thấy xúc động lắm! Cô nghĩ mình không lầm khi chọn dạy môn Việt Sử. Cũng vì Cô có những học trò chăm ngoan như thế này. Khi Cô giảng bài, đặc biệt đến những đoạn anh hùng liệt nữ hy sinh chống giặc ngoại xâm, Cô như được sống trong khung cảnh đó, lòng tràn đầy sự ngưỡng mộ và hãnh diện. Các em nhớ đừng bao giờ xem nhẹ môn học này nhé! Nó không phải là môn học để "kiếm điểm", mà là môn học để làm công dân, để làm người.
Tôi sửng sốt. Trời ơi, sao Mẹ lại có thể nói năng lưu loát như vậy? Tôi bỗng nghẹn ngào. Mẹ, Mẹ ơi! Mẹ đang sống lại trong vùng ký ức dài hạn tuyệt vời. Con lâu nay hầu như quên mất một điều rất vinh dự cho chúng con: Mẹ đã từng là người thầy dạy Sử!
Chị Vân trở thành người "giám thị" đắc lực cho "lớp học Sử" của Mẹ. Chị sắp xếp "lớp học", đôn đốc các "học trò" vào ngồi cho ngay ngắn, không "nói chuyện trong lóp", rồi chính chị cũng ngồi vào ghế, làm một "học trò" ngoan ngoãn của "cô giáo". Những khi có chị Hai ở nhà hoặc có tôi đến, chúng tôi cũng ngồi vào chỗ, chăm chú ngước nhìn "cô giáo", uống từng lời giảng của "cô". "Thầy trò" dạy và học trong một lớp học "đồ hàng" như vậy, thế mà bỗng như thấm dần từng lời, từng câu... Có khi mắt của Mẹ như đứng lại, nhìn đăm đăm vào một khoảng trống rỗng. Lúc đó Mẹ không nhớ được một chữ. Nhung có lúc mắt Mẹ bừng sáng, và ý tứ ở đâu tuôn tràn, Mẹ bắt đầu "giảng bài" say sưa.
- Các em học thuộc cho Cô bài văn vần này trong Đại Nam quốc sử diễn ca, đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt.
Bà Trung quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng đươc sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Chúng tôi vỗ tay hoan hô Mẹ. Mẹ nhớ tài tình những chi tiết trong bài Việt Sử. Tôi hết lời khen ngợi cho Mẹ vui, mà cũng hy vọng rằng nhờ cái vui đó mà Mẹ sẽ nhớ lại nhiều hơn. Nhưng tôi bỗng nhiên cảm thấy một nỗi buồn lạ lùng chớm lên trong lòng. Thời gian sau 1975, môn học Sử là môn thay đổi nhiều nhất. Lịch sử đã được nhìn qua một lăng kính khác. Mọi giá trị đảo lộn. Tôi nhớ các em mình đã phải học như vẹt những bài lịch sử "đánh cho Mỹ cút ngụy nhào", còn những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm từ bao nhiêu đời đều được viết lại với cái vỏ bọc giai cấp.
Thật đáng buồn. Học trò học Sử một cách qua loa, lấy lệ, miễn sao đạt đủ điểm khi đi thi. Các em tôi càng ngày càng chán học môn Sử. Một điều rất dễ hiểu là thầy dạy không hay thì trò dễ chán. Mà thầy không thể nào dạy cho hay được, khi mà những điều thầy phải nói lại đi ngược với lòng của thầy. Vì thế, dần dần môn Sử biến thành một món ăn khó nuốt. Người ta, cả thầy và trò, đều muốn trôn khỏi nó. Nhưng vẫn cứ phải dạy và học.
Còn ở xứ này, tôi có tìm hiểu học trò học môn lịch sử ra sao, một người bạn nói:
- Môn Sử ư? Là công dân thì ai cũng học môn Sử. Chẳng có gì để băn khoăn cả.
Bạn nói thêm:
- Đất nước này có lịch sử chỉ hơn 200 năm, nhưng sách vở và sự đầu tư vào môn Lịch Sử không phải ít. Điều đáng nói là... khi viết Sử, phải công bằng, không thiên kiến, không hận thù.
Hôm nay tôi đến, rủ Mẹ vào thăm "bà bạn trong gương", nhưng Mẹ lắc đầu. Mẹ có vẻ giận hờn. Tôi bật cười. Có ai đó đã nói: "Người già cũng như con nít". Điều này ai có cha mẹ già đều thấy rất rõ. Tôi hỏi chị Vân. Chị ấy ra hiệu bằng mắt bảo tôi lờ đi. Tôi ngồi xuống cạnh bên Mẹ, hỏi:
- Mẹ không khỏe hở Mẹ?
- Khỏe, khỏe lắm chứ!
- Vậy Mẹ hãy vào lóp, học trò đến đông đủ rồi!
- Không vào.
- Sao vậy Mẹ?
Mẹ chỉ chị Vân:
- Cô đó... cô đó nói tầm bậy.
- Sao Mẹ?
Mẹ ngập ngừng, tìm lời:
- Cô đó... nói không đúng.
- Mẹ từ từ, kể cho con nghe đi?
Cổ nói... học trò của Mẹ... xé bài, xé đề... thi...
Chị Vân nói ngay:
- Dạ con không có nói học trò của bác ạ.
Mẹ tức tối:
- Học trò là học trò của tôi. Học trò... học Sử là của... tôi.
- Dạ, dạ, được rồi, học trò của bác.
- Ừ, học trò của tôi không có xé sách, không có xé bài... Học trò của tôi ngoan lắm, đứng đắn lắm...
Tôi chưa hiểu chuyện gì. Chị Vân đưa một tờ báo cho tôi xem, phân bua:
Đây nè cô, mình chỉ có đọc cho bác nghe bài báo này mà bác nổi giận lên.
- Chị cho em xem!
Tôi nhìn vào trang báo. Hình ảnh chụp một phần của một ngôi trường tại Sài Gòn, có ít nhất 3 tầng, với các học sinh đứng ở lan can, xé giấy thả trắng xóa xuống sân trường Bài viết tường thuật rằng việc đó là do các em vui mừng xé những "đề cương" khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn Sử: "Được biết, clip này được quay tại Trường Nguyễn Hiền (Quận 11, Sài Gòn) vào ngày 30/3/2013, một ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo 6 môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý, Sinh học). Thông tin từ một số học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiền cho biết, đây không phải là năm đầu tiên học sinh xé đề cương môn không phải thi tốt nghiệp mà là đã có 'truyền thống' từ khóa trước."
Chị Vân thở dài:
- Mình đâu có nói gì thêm với bác, nhưng cũng áy náy vì đã lỡ giải thích cho bác nghe, không ngờ bác giận.
- Mẹ không giận chị, Mẹ chỉ giận cái sự việc.
- Mà học trò ngày nay ở Việt Nam hư quá phải không cô? Thời của mình, học sinh kính nể thầy cô tuyệt đối, luôn sợ thầy cô buồn lòng.
- Chị à, các em ấy cũng không hẳn là không nể thầy cô, cũng không hẳn là không thích học Sử. Nếu môn Sử được biên soạn kỹ lưỡng và công bằng, được dạy một cách nghiêm túc, thì sẽ không có một học sinh nào nói là mình chán môn Sử. Mẹ của em đã tùng là người thầy dạy Sử. Mẹ diễn tá như thể Mẹ sống trong từng khung cảnh nơi sự kiện lịch sử ấy diễn ra. Mẹ hân hoan với niềm vui đất nước được thanh bình và Mẹ khóc khi những người yêu nước bị đày đọa. Như vậy, làm sao Mẹ không có những người học trò yêu quý môn Sử như Mẹ?
Tôi nói hăng hái như tôi cũng đã từng ngồi ở lóp dạy Sử của Mẹ. Khi dừng lại, tôi thấy chị Vân mắt đỏ hoe.
Mẹ mỗi ngày một yếu. Đi đâu chúng tôi cũng đẩy Mẹ trên xe lăn. Mẹ ít sử dụng cái walker. Nhiều khi Mẹ nhìn mặt con cháu mà không nhận ra là ai. Bác sĩ Stevens bảo điều đó xảy ra ở đa số người già, khi những phần trên não liên quan đến trí nhớ dần dần thoái hóa.
Nhưng tôi biết có một phần không bị thoái hóa. Đó là phần liên quan đến trí nhớ Sử học của Mẹ. Tôi không biết các nhà khoa học đã định vị nó rõ ràng chưa. Nhưng tôi tin có nó. Tôi tin một cách huyền bí, không cần giải thích. Bởi vì mỗi khi tôi hay chị Vân hay nhũng người con cháu đến ngồi nghiêm trang trước cái bục giảng vô hình và tấm bảng đen cũng vô hình, thì Mẹ bắt đầu giảng, mỗi lần một bài. Giọng Mẹ thiết tha, không hề ngắt quãng, như thể cái khí lực của một nhà giáo gắn bó đời mình với môn Sử học vẫn không hề suy suyển.
Một đêm, tôi ở lại với Mẹ. Khi chợt thức giấc trong đêm khuya, tôi nghe Mẹ nói với "bà bạn trong gương":
- Bà ạ, tôi thích nhất là đoạn này này:
"Mồng Năm Tết, vua Quang Trung đem mười vạn quân ra Bắc, liên tiếp chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, rồi kéo vào Thăng Long. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, cùng hàng vạn binh sĩ tháo chạy về Tàu. Bọn chúng tranh nhau qua cầu sang sông làm cầu gãy, quân giặc xô nhau rơi xuống sông mà chết, làm nước sông bị tắc không chảy được. Vua Quang Trung khải hoàn vào thành Thăng Long với chiếc áo bào nhuộm màu khói súng trong sự nô nức đón chào của nhân dân."
Mẹ không quên Sử Việt!
Tháng 5, 2013
- Đi tìm người thương binh Nguyễn Thi Mỹ Thanh Truyện ngắn
- Nhớ Người Thơ Nhà Binh Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường Nguyễn Thị Mỹ Thanh Hồi ức
- Điều Mẹ Không Quên Nguyễn Thị Mỹ Thanh Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |