|
Lê Mộng Bảo(..1923 - 8.10.2007) | Trần Tuấn Kiệt(.0.1939 - 8.10.2019) | Đinh Tiến Mậu(.0.1935 - 8.10.2020) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tôi không nhớ được gì nhiều về “căn nhà đầu tiên” của mình, như có người từng kể cho chúng ta nghe trước đây (*), tuy nhiên về “căn nhà cuối cùng” thì tôi biết rõ hơn vì là nơi tôi đang cư ngụ, và cũng muốn chia sẻ với các bạn ít chuyện vui buồn về căn nhà khá đặc biệt này.
Tôi dọn về đây cũng hơn hai năm. Nhà chỉ có một phòng và tôi cũng chả biết gọi nó là gì, không phải Studio, cũng không phải cái Suite. Ai muốn gọi sao thì gọi, có điều là tôi rất chịu cái nhà này. Lúc mới dọn vào tôi chỉ sợ là sẽ lạnh lẽo vì nhà chẳng có máy sưởi máy heat chi cả, thế nhưng lạ một điều là càng ở lâu thì càng cảm thấy ấm áp.
Trong đời mình tôi đã bao lần thay đổi nơi cư trú, trong số ấy có những căn nhà đã cho tôi mái ấm gia đình và những thời kỳ hạnh phúc. Tôi vẫn thường nói với bạn bè, điều có ý nghĩa không phải là sống trong ngôi nhà nào mà là sống với ai. Riêng căn nhà cuối cùng này thì tôi chẳng sống với ai cả. Nhà được thiết kế khá phù hợp cho người lớn tuổi thích sự tĩnh lặng và thích sống một mình, “độc lập-tự do-hạnh phúc”. Kể ra thì nhà có hơi tối và cũng hơi chật một chút, tuy nhiên ở lâu thì cũng quen thôi, hơn nữa trong nhà cũng chẳng có vật dụng gì nhiều. Trước ngày dọn về đây tôi đã quẳng đi không biết bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh như một cách thu gọn lại cuộc sống và tự giải phóng mình ra khỏi những trói buộc của tiện nghi vật chất mà con người tạo ra để rồi trở thành nô lệ cho chúng. “Sắm sửa làm gì cho lắm,” tôi vẫn nói với vợ con, “lúc chết có mang theo được đâu.” Mặc dù đã nói trước với người nhà là nơi tôi dọn đến có sẵn mọi thứ và tôi không cần mang theo gì cả, vậy mà hôm chia tay mọi người vẫn lăng xăng đóng gói cho tôi món này món nọ, cả đến cây thánh giá nhỏ bằng đồng, bộ sách Kinh Thánh toàn tập (chắc họ nghĩ đấy là những vật bất ly thân của tôi), bộ vest màu xám đắt tiền mà tôi ít khi mặc (chắc để tôi đóng bộ cho trịnh trọng đi gặp ai đấy), chưa kể không biết bao nhiêu là hoa tươi (chắc để chưng bày trong nhà mới cho vui mắt). Ngó mặt mũi ai nấy rầu rĩ như là đưa đám, tôi cũng đành nhận cho xong chuyện.
Nghĩ cho cùng, đây không phải là căn nhà tôi vẫn mơ ước đấy sao? Này nhé, thường thì khi chọn mua nhà tôi chú trọng đến cái view, rồi đến cái neighborhood. Căn nhà nằm giữa đồi cỏ rộng thênh thang, bốn bề gió lộng, cách biệt hẳn tiếng động ồn ào của xe cộ và mọi sinh hoạt nhốn nháo của đời thường. Thằng con tôi biết ý bố nó nên chọn cho tôi lô đất nằm dưới bóng rợp của một tàn cây sồi khá rộng. Sáng ngắm cảnh mặt trời lên và chiều xuống thật êm đềm với màu nắng vàng phai trải rộng trên sườn đồi làm tôi nhớ câu hát trong bài “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Trên đồi xanh chiều đã xuống dần / mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng...” Lúc đêm xuống thì cảnh vật vắng lặng và chìm trong bóng tối mờ mờ vì khu vực này ít đèn đuốc. Tối thì có tối nhưng từ ngày tôi dọn về đây cũng chẳng có chuyện gì xảy ra, có lẽ vì trộm cướp cũng biết nhà cửa ở đây chẳng có tài sản quý giá gì. Hàng xóm láng giềng khá tử tế và dễ chịu, lại được cái ít nói, chẳng ai làm phiền ai.
Tôi cũng chịu cái nữa là nhà nào cũng xây cất gần như cùng một kiểu và cũng chỉ có một phòng tạo cảm giác bình đẳng, thoải mái do không có sự cách biệt giàu nghèo. Cũng có những gia đình bố mẹ con cái cùng dọn về đây nhưng không ở chung mà mỗi người một nhà trong cùng một lô đất. Như vậy cũng tốt thôi, thỉnh thoảng qua lại thăm nhau vẫn hơn là ở chung chạ dễ có những va chạm dẫn đến mất mát tình cảm. Có những lô đất được ai đó mua sẵn (thường là ở cạnh nhà của người thân trong gia đình), nhưng khá lâu vẫn chưa thấy xây cất gì cả.
Nằm đây tôi có nhiều dịp suy gẫm về cái vô nghĩa và phù vân của kiếp người. Người ta phung phí tiêu pha hết một đời để đua chen những danh, lợi, quyền, và mải mê tìm kiếm những hoan lạc của cuộc sống trần tục. Đời sống ngày càng thu ngắn lại, với những người lớn tuổi thì một ngày sống là một ngày đi lần về phía cái chết. Ai cũng biết rõ là như vậy nhưng mọi người làm như đấy là chuyện của người khác chứ không phải chuyện mình. Thật buồn cười, cho dù cái chết không chừa ai, và những người bạn đồng hành của mình trên con đường đời bỗng lần lượt ngã lăn quay ra, như những người lính bị bắn sẻ. Nhận thức rõ điều ấy nên vào những năm tháng cuối đời tôi không còn màng đến những chuyện vặt vãnh thế gian thường tình. Kẻ sang người hèn, kẻ thắng người bại, kẻ khen người chê, kẻ yêu người ghét, tất cả đều chẳng có nghĩa lý gì khi con người sắp sửa rẽ vào exit cuối của freeway Đường Đời, và rồi biến mất khỏi mặt đất này.
Cuộc sống thật ngắn ngủi. Nhiều lúc tôi tưởng như mình chưa từng hiện hữu trên thế gian này bao giờ. Khi phải đặt bút tính sổ cuộc đời, tôi lấy làm hổ thẹn chẳng có nổi thành tích nào gọi là vẻ vang, để khi bức màn sân khấu đời từ từ khép lại đành ngửa mặt lên trời than rằng “Ta đã làm chi đời mình!?” Lỗi lầm lớn nhất của tôi là tiêu xài hoang phí vốn liếng thời gian để đuổi bắt những ảo ảnh cuộc đời, cho đến lúc quỹ thời gian gần cạn vẫn chẳng thấy đâu là bến, là bờ. Giá mà được sống thêm một lần nữa chắc tôi sẽ bắt đầu lại khá hơn. Tôi biết mình sẽ phải đi trên con đường nào, sẽ có những chọn lựa và quyết định khôn ngoan hơn để không làm hỏng đời mình. Nhưng làm thế nào được, người ta chỉ sống có một lần.
Tôi cũng có dịp suy gẫm về nhân tình thế thái. Những người tôi vẫn cho là thân thiết thì lại không phải vậy. Những người tôi không kể là thân tình thì lại tình nghĩa thắm thiết. Chắc phải đợi đến lúc nằm xuống mới biết đâu là tình thật, đâu là tình giả, như là câu hát trong bài “không tên” nào, “Triệu người quen, có mấy người thân? Khi lìa trần, có mấy người đưa?”
Nằm đây, tôi cảm nhận được những đổi thay kỳ diệu và nhạy bén của thời tiết, mùa màng. Bây giờ đang là cuối thu, những xác hoa tàn úa và từng cánh lá khô rụng đầy mặt đất. Tôi để mặc chúng rã mục, ngấm vào lòng đất lạnh, như ngấm vào lòng tôi ấm lạnh. Tôi cảm nhận được cả “hương thu màu tím buồn”, nói như ông nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tràn vào phòng tôi kể từ mùa thu trước. Hơn thế nữa, tôi cảm nhận được bao hương vị lâng lâng của đất trời, của cây cỏ thiên nhiên thấm vào trong tôi cả bốn mùa. Có hạnh phúc nào bằng!
Có lúc tôi tận hưởng cái thú cô đơn của mình, có lúc tôi mong được ai đó gõ cửa đến thăm. Thay vì trải tấm thảm “Welcome!” trước cửa nhà như cách người ta vẫn làm, tôi tính nhờ thằng con tôi khắc câu gì đó trên tấm biển gắn trước nhà nhưng chưa nghĩ ra câu nào hay ho. Tiếng Mỹ tiếng Việt gì cũng được. Có thể là câu gì vui vui, như là “Khi thấy buồn em cứ đến chơi / Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi…” như trong bài hát nào đó, nhưng lại có vẻ dài dòng. Câu nào ngăn ngắn thì người ta dễ nhớ hơn, và nên tránh những câu nhiều nhà quanh đây vẫn quen dùng như là “Stop by anytime!”, “Thanks for coming!”, “Coming soon!”, “See you soon!”... vân vân.
Hỏi ý cô bạn hàng xóm thì cô nói đùa, “Viết gì thì viết, chú nhớ đừng có ghi là ‘See you tonight!’ làm cho người ta sợ.” Tôi cười, “Hông dám đâu. Muốn thăm viếng gì thì cũng phải hẹn hò trước chứ, ai lại xồng xộc đến nhà người ta bao giờ.” Sau cùng tôi tạm bằng lòng với câu “Welcome to my last house!”
Lady Banks’ Yellow Rose
Tôi thực lòng cảm kích những ai còn phút giây nào nhớ đến mình. Những người đến thăm tôi thường không hẹn trước, chắc họ cũng biết ban ngày tôi ít ra khỏi nhà, chỉ ban đêm đôi lúc đi dạo loanh quanh một vòng cho dãn gân cốt, bớt tù túng và tận hưởng không khí tịch lặng chỉ mình ta với ta. Thường thì mấy anh chị em tôi vẫn ghé thăm vào dịp Tết hoặc những ngày lễ tôn giáo. Thỉnh thoảng cô vợ cũ cũng nhớ chút tình xưa nghĩa cũ mà ghé thăm chốc lát (vào những năm cuối đời chúng tôi thỏa thuận trả tự do cho nhau sau thời gian dài chung sống trong ngôi nhà rộng vắng tiếng cười). Lần nào cô cũng cầm theo bó hoa tươi thắm, cắm vào chiếc bình hoa đặt trước thềm nhà. “Em đến thăm anh,” cô nói thì thầm đủ cho tôi nghe. Khuôn mặt lặng lẽ, thoáng buồn và ánh mắt xa xôi. Nhìn cô chậm rãi đi lại trước hiên nhà, câm lặng như chiếc bóng, lòng tôi dâng lên nỗi xót xa. Cô ấy tốt hơn tôi tưởng, chỉ có tôi là ít chịu nhìn thấy những cái tốt của người khác. Cô dọn cỏ sạch sẽ và trồng trước nhà tôi cụm bông hồng Lady Banks’ Rose, loại hồng leo không có gai, nở những bông hoa nhỏ phơn phớt màu vàng nhạt là màu tôi vẫn yêu thích. Chắc cô vẫn nhớ tôi gọi giống cây ấy là “xanh hoài ngàn năm” (evergreen) vì không chết theo mùa đông.
Người chịu khó đến thăm tôi nhất là thằng con tôi, mỗi tháng ít ra cũng một lần vào ngày nghỉ cuối tuần mặc dù tôi biết nó rất lu bu với công việc và bạn bè. Có những hôm bất chợt nhìn ra ngoài tôi đã thấy nó đứng đấy từ bao giờ. Ngồi bên tôi khá lâu, nó nói những lúc buồn và cô đơn nó hay nghĩ về tôi và muốn tìm đến tôi, ngỡ như hai bố con vẫn bên nhau như ngày nào. “Lúc nào con cũng tưởng như Bố vẫn luôn ở cạnh con,” nó nói. “Bây giờ con hiểu Bố nhiều hơn và thấy thương Bố nhiều hơn.” Tôi để cho nó nói hết, chỉ lặng yên và lắng nghe. “Đúng thế,” tôi nói thầm với nó. “Con yêu, Bố luôn ở bên con trên đường đời. Bố luôn dõi theo bước con đi, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Con không cô đơn đâu.” Tôi nói và cảm thấy ngượng vì biết mình nói dối. Tôi còn làm được gì cho nó bây giờ!
Cả những lúc gặp chuyện gì khó xử nó cũng kể tôi nghe, làm như tôi vẫn là “cố vấn tối cao” của nó vậy. “Bố biết không,” nó nói, “mỗi khi gặp chuyện gì đau đầu, con tự hỏi giá như Bố có ở đây thì Bố sẽ làm như thế nào, và con tìm ra được cách giải quyết vấn đề.” Hóa ra tôi vẫn là “thần tượng” của thằng con mình. “Bố biết không,” nó hạ thấp giọng, “Mẹ vẫn kể là ngày xưa Bố thường…” Có khi nó cười, có khi nó khóc, quệt những giọt nước mắt, làm tôi mủi lòng muốn khóc theo. “Đừng khóc,” tôi nói. “Con trai không khóc. Mạnh mẽ lên, dũng cảm lên, con trai của Bố!” (Nói cho ra vẻ vậy, chứ thằng bố của nó cũng yếu xìu). Một trong những điều tôi vẫn ân hận trong đời mình là tôi chỉ có đứa con duy nhất. Trông dáng vẻ nó lúc nào cũng cô đơn đến tội nghiệp, vì nó chẳng có anh chị em chi cả để bầu bạn. Nhiều lúc hai bố con trò chuyện với nhau như là hai người bạn. Đến thăm tôi, có lúc nó đi một mình, có lúc với bạn gái nó. Trông mặt con nhỏ cứ bơ bơ, chẳng thèm thăm hỏi ngó ngàng gì đến tôi, chỉ bám riết lấy thằng bồ nó. Có khi thằng con tôi đi với đứa khác, đứa nào nó cũng nói là bạn gái nó. Tôi cũng chịu thua bọn trẻ bây giờ. Thôi kệ, miễn nó vui là tôi vui. Nó còn nghĩ tới mình, còn chịu khó tới lui thăm viếng mình là phước đức lắm rồi.
Vui nhất là tên bạn nối khố lâu lâu ghé thăm. “Sao, lúc này có gì lạ không? Everything’s ok chứ?” Lúc nào hắn cũng lặp lại câu hỏi cũ rích mỗi lần hai thằng gặp nhau. Rồi hắn đốt cho tôi điếu Malboro. “Làm một điếu đi,” hắn nói. “Bây giờ là hút thoải mái thôi, cho bác sĩ đi chỗ khác chơi, đếch còn sợ ung thư, lủng phổi gì gì nữa.” Xong, hắn rút ra trong túi quần chiếc khẩu cầm và đưa lên miệng thổi bài “Come back to Sorrento”, là bài hai thằng đều thích từ thuở còn đi học và tôi vẫn bắt hắn chơi cho tôi nghe.
Về đây nhé, cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi, lãng du quay về điêu tàn
“Thêm một bài nữa nhé!” hắn nói, chùi sơ chiếc khẩu cầm vào gấu áo rồi chơi thêm bài “If you go away”, bài hát ngày xưa tôi vẫn nghêu ngao mỗi khi thất tình và có một kỷ niệm nhớ đời về mối tình dang dở. Tôi nghe mà chảy nước mắt. Tên này đúng là bạn mình thực sự, biết tỏng những sở thích, những tính tốt tính xấu của thằng bạn mình.
If you go away as I know you must
There'll be nothing left in this world to trust
Just an empty room full of empty space
Like the empty space I see on your face
“Enjoy nhé!” hắn nói. “Thôi tao dzọt đây! Ghé thăm chút chút vậy. Lúc này tao cũng đuối rồi, chắc cũng sắp sửa theo chân mày rồi.”
Từ khi dọn về đây tôi có cái vui được gặp lại những người thân yêu mà trước đó tưởng như chẳng bao giờ trông thấy nhau lần nữa. Trước hết là ông bố tôi. Ông lìa xa mái ấm gia đình từ thuở tôi còn bé tí, đến nỗi nhiều lúc tôi quên bẵng là mình từng có một người bố. Hai bố con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, giống như là câu chuyện gia đình phân tán, bố mẹ con cái lưu lạc nhau đến mấy mươi năm sau chuyến vượt biển hãi hùng tìm tự do. Nước mắt rưng rưng, bố tôi nói ông thật có lỗi đã thiếu bổn phận chăm sóc tôi khiến tôi lớn lên thiếu vắng tình thương của người cha. Tôi nói, “I’m ok, Dad. Bố có muốn như thế đâu, phải không?” Ông hỏi thăm nhiều về mẹ tôi, tỏ ra cảm động khi biết bà tuy già yếu lụm khụm vẫn cứ đọc kinh mỗi ngày cầu Chúa ban phước lành cho ông. (Thỉnh thoảng tôi vẫn bay về thăm mẹ tôi. Bà đã lẫn nhiều và cứ nói với mọi người là bà vẫn gặp tôi trong… giấc mơ).
Rồi đến đứa em gái tôi, anh em cách biệt nhau từ khi nó lặng lẽ bỏ đi thật xa không một lời từ giã sau cơn bão tàn khốc của lịch sử năm 1975. Hai anh em ôm chầm lấy nhau mà ứa nước mắt. Em tôi không muốn kể và tôi cũng không hỏi nó đã “sống” như thế nào trong suốt bấy nhiêu năm. Chúng tôi đều muốn quên, quên hết. Sau cùng thì anh em tôi đã gặp được nhau, thế là đủ. Rồi cả những bạn bè cũ thân thiết, cả những tên bạn mất tích trong cuộc chiến mà tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ còn gặp lại vì chắc đã chết mất xác, âm dương đôi đường cách biệt. Vui nhất là thằng bạn mà chúng tôi vừa làm một cú tiễn đưa tháng trước. Tên này hiền lành, tốt bụng với bạn bè nên ai nấy cũng sụt sùi. Bất ngờ gặp tôi, nó sững sờ đến tròn mắt, há hốc mồm, “Trời đất, mày tới đây hồi nào vậy? Có chuyện gì vậy? Sao lại mò xuống đây? Sao không báo tao ra đón?” Nó hỏi một tràng, tôi chẳng biết đằng nào mà trả lời. Thằng này thật buồn cười, có phải là đi du lịch đâu mà đưa với đón. Nó làm như tôi tiên liệu, sắp đặt hết được mọi chuyện vậy. Cuộc sống vốn lắm cái bất ngờ, sống ngày nào biết ngày đó, ngủ một đêm biết sáng mai thức dậy còn trông thấy ánh mặt trời. “Thì nhớ bạn bè,” tôi nói, “kiếm mày đi nhậu thôi.” “Mày lúc nào cũng đùa được,” nó nhăn mặt. “Thôi để tao tính cho.” Tôi cũng chả biết nó nói “tính” là tính cái gì.
Tất cả, bao nhiêu người thân quen, những con người “tuyệt tích giang hồ” đã bao năm, bỗng dưng xuất hiện cùng một lúc như từ phía sau bức màn quá khứ bước ra, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ.
Có những buổi chiều vàng, nhìn ra bốn phương tám hướng là đồng cỏ rộng mênh mông với từng vạt cỏ may rập rờn “cuốn theo chiều gió” chạy về những phía xa chân trời, tôi như gặp lại tôi của những ngày xưa còn bé, cùng lũ bạn thả diều, bắt dế, chạy nhảy trên khắp cánh đồng tuổi thơ. Bất chợt tôi nhớ tới đoạn văn trong truyện dài Bướm Trắng của Nhất Linh, “Chàng hơi buồn nghĩ đến chẳng bao lâu nữa lại có những đứa trẻ như chàng hồi còn bé, chạy nhẩy trên mộ chàng, hoặc thả diều, hoặc bắt châu chấu trong những buổi chiều hè lộng gió. Chàng sẽ không còn biết đau khổ là gì nữa. Trên mặt đất, chỗ chàng nằm, chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng rung rung trước gió thờ ơ.” Đoạn văn ấy, những câu văn êm ả, buồn buồn ấy “thấm” vào lòng chàng trai mới lớn là tôi từ thuở còn ngồi ghế nhà trường. Tôi đã ngẫm nghĩ về cái chết từ dạo đọc được đoạn văn tả tình tả cảnh ấy, và giờ đây tôi thấy mình cũng chẳng khác gì anh chàng Trương tội nghiệp ở trong truyện. “Và ở một nơi nào đó, Thu mà chàng không bao giờ quên được, vẫn cười nói, vẫn đi lại, vẫn sống tự nhiên trong ánh sáng của thế gian trên kia.” Tôi thoáng chạnh lòng nhớ đến cô bạn cũ và mối tình đầu vụng dại của một thời tuổi trẻ sống sôi nổi, yêu thiết tha. Giá mà trời xui đất khiến cô ấy chịu khó “em đến thăm anh một chiều mưa” như buổi chiều này thì tôi nhắm mắt cũng cam lòng. Thế nhưng tôi biết đấy chỉ là mong ước hão huyền và nỗi đợi chờ trong vô vọng. Cô ấy chắc chẳng còn phút giây nào nhớ đến tôi, một kẻ nhạt nhẽo và tầm thường chỉ tạt ngang qua đời cô trong chốc lát không để lại chút gì so với những anh chàng bảnh hơn tôi nhiều đã chiếm trọn trái tim cô. Dù sao tôi vẫn mong cô sống hạnh phúc, và cho dù “Từ nay mãi mãi không thấy nhau...” thì xin “Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em / vẫn chờ / vẫn chờ đợi em…” như những câu hát sầu thảm trong bài “Mùa thu chết” của bố già Phạm Duy.
Nói chuyện nọ lại xọ chuyện kia, e đến cả ngày cũng chưa hết chuyện. Thôi để dành đấy, hẹn ngày nào ta gặp nhau tay bắt mặt mừng mặc sức mà tâm tình.
Lúc nào tiện mời các bạn ghé qua chỗ tôi một lần cho biết nhà. Để không phải sục sạo tìm kiếm mất thì giờ và lẫn lộn nhà này nhà kia, nhớ là trước nhà có hàng chữ “Welcome to my last house!”
(*) Căn nhà đầu tiên của tôi, Trần Mộng Tú:
http://www.diendantheky.net/2014/02/tran-mong-tu-can-nha-au-tien-cua-toi.html
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
- Nghe một câu hát, nhớ một tiếng hát Lê Hữu Nhận định
- Nguyễn Đình Toàn và Ca Khúc Da Vàng sau chiến tranh Lê Hữu Nhận định