1. Head_

    Giản Chi

    (..1904 - 22.10.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đầu Xuân, Vãng Cảnh Và Chiêm Ngắm Các Pho Tượng Nơi Những Ngôi Chùa Cổ (Huỳnh Hũu Ủy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      11-02-2012 | HỘI HỌA

      Đầu Xuân, Vãng Cảnh Và Chiêm Ngắm Các Pho Tượng Nơi Những Ngôi Chùa Cổ

        HUỲNH HỮU ỦY
      Share File.php Share File
          

       


           Chùa Tây Phương, Sơn Tây.
            Ảnh W&B Forman

      Phật giáo đã gắn bó với dân tộc gần 2000 năm. Từ những thế kỷ đầu Công Nguyên cho mãi đến ngày nay, qua nhiều thời kỳ lịch sử với những dấu mốc đặc biệt, Phật giáo đã ăn sâu trong những cơ tầng cấu trúc dân tộc, lan toả nơi mỗi nguồn mạch tâm linh, văn hoá, phong tục, tập quán. Có thể nói nghệ thuật Phật giáo chiếm một phần hết sức quan trọng trong toàn bộ nền nghệ thuật đất nước.


      Là tiếng nói sâu đậm, cụ thể và hiện thực, nền nghệ thuật này trở nên một sức mạnh của tình cảm, tư tưởng và tâm linh. Từ những vết tích đầu tiên thực hết sức đáng kể ở Luy Lâu của đất Giao Châu xưa (nay là Thuận Thành, Hà Bắc), giữa trung tâm của đồng bằng sông Hồng, khi dân tộc tiếp nhận nguồn tôn giáo lớn này, khi các tăng lữ Tây Trúc trên đường hoằng pháp sang các xứ phương Đông dừng chân nơi đây, rồi đi ngược lên phía Bắc hoặc đi về phương Nam, cho mãi đến năm 562, khi Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), một tăng lữ gốc người phương Nam Ấn Độ, đến trụ trì luôn ở trung tâm này, trú tại chùa Pháp Vân, giảng dạy Phật pháp thì Phật giáo đã được lập thành một thiền phái, đây là dòng thiền tông thứ nhất, rồi hoà hợp với tính cách văn hoá bản địa mà tạo nên một sức sống tinh thần lạ lùng. Nhà Phật học Nguyễn Lang (tức thiền sư Nhất Hạnh) còn cho rằng vào thời Hán, khi Việt Nam còn nội thuộc Trung Quốc, trung tâm Luy Lâu được hình thành rất sớm, đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương (kinh đô của nhà Hán) sau đó ở Trung Hoa (1). Như vậy, khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam, rồi qua nhiều thời kỳ kế tiếp, Phật giáo có lúc đã trở thành quốc giáo, là thời kỳ “chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng nên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài, chuông trống chiếm đến nửa phần so với dân cư”(2), trang bị cho toàn bộ dân tộc một sức mạnh tinh thần hết sức đặc biệt, và vào những thời kỳ ấy, nghệ thuật Phật giáo đã để lại nhiều dấu vết thực là rạng rỡ.


      Rồi lan toả đến từng mỗi ngóc ngách của cuộc sống đất nước, nghệ thuật Phật giáo thấm đậm nơi mỗi chùa làng. Chưa nói đến các trung tâm văn hoá Phật giáo lớn, chưa nói đến các quốc tự lừng lẫy, các danh lam, tự viện danh tiếng, chỉ mới đề cập đến các chùa làng rải rác nơi mỗi làng mạc Việt Nam, đã phát triển rất rực rỡ vào các thế kỷ 16, 17, 18. Một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã đúc kết: “Thế kỷ 18, chỉ từ Thanh Nghệ trở ra, đã có hơn 12,000 làng xã với ít nhất bấy nhiêu ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa làng dù nhỏ nhất cũng có vài chục tới vài trăm pho tượng. Nước ta có vài triệu pho tượng. Nếu tập trung lại ta sẽ có hơn một Bôrôbudur hay một Ăng-Co sơn son thiếp vàng.”(3)


      Dưới cái nhìn quan chiêm pha chút tò mò hiếu cổ, yêu cái đẹp tạo hình, thì mỗi ngôi chùa làng rải rác khắp nơi, đặc biệt là những cổ tự mang nhiều dấu vết rêu phong của thời gian, đều là những nhà bảo tàng nghệ thuật của đất nước. Nơi những nhà bảo tàng ấy, từng pho tượng sẽ lặng lẽ mà sinh động nói với chúng ta nhiều điều. Những pho tượng ấy dù có những điểm riêng, nhưng bao giờ cũng được tạo hình theo những qui thức và ký hiệu chung. Và những pho tượng thường là được bài trí theo một cách chung, dù ở trong một ngôi chùa có kết cấu theo lối chữ Công là lối phổ biến nhất, hoặc chữ Đinh, hay chữ Tam, hay cả kết cấu theo hình chữ Quốc.(4)


      Trừ những ngôi chùa của phái Tiểu Thừa (Nam Tông) chỉ thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả các chùa khác theo phái Đại Thừa thì thờ nhiều vị Phật, nhiều vị Bồ Tát, không những thế đôi khi còn thờ cả những tượng Thánh của Đạo giáo và Khổng giáo, và cả những nhân vật lịch sử. Điều này phản ánh được phần nào về một thời Tam giáo đồng nguyên, tỏ rõ sự dung hợp ba nền đạo lý thâm diệu của phương Đông, đến từ hai trung tâm văn hoá lớn Trung Hoa và Ấn Độ, tạo nên một vẻ đẹp hài hoà giữa ba nguồn gốc Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Hơn thế nữa, nó đã hoà hợp, gần gũi và chia sẻ cả với những tín ngưỡng cổ truyền trong đại chúng, bàng bạc khắp nơi, từ nhiều đời trước để lại.


      TƯỢNG THỜ Ở NHÀ BÁI ĐƯỜNG



      Phật Quan Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt,
      chi tiết, điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp,
      ảnh Milós Rév

      Bước vào một ngôi chùa, ở gian rộng ngoài cùng là bái đường, nơi tín đồ thập phương đến lễ bái, cũng là nơi các nhà sư ngồi tụng niệm thường nhật. Nơi gian phòng này, bài trí hai bên, bên phải và bên trái, tượng Thập Điện Diêm Vương.


      Paul Lévy, giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (L’Ecole Francaise d’Extrême-Orient), trong dịp Triển Lãm Cổ Tích Việt Nam ở Viện Bảo Tàng Bác Cổ Hà Nội năm 1948, dựa trên vũ trụ quan Phật giáo, đã giải thích về ý nghĩa và việc bày biện các tượng Diêm Vương như thế này: Đối với các tín đồ nhà Phật, nhục hình dưới âm ty có nhiều và phức tạp. Tuy nhiên, kẻ phạm tội không chịu nhục hình mãi mãi, vì theo đạo Phật linh hồn không phải là bất diệt, không phải là vô thuỷ, vô chung. Sau khi sinh sinh, hoá hoá, phù trầm qua bao kiếp khác nhau- là vật, là người, là thần, có khi là cây cỏ nữa- nhờ những giáo lý của Đức Phật, con người được giác ngộ, bắt đầu hiểu rõ được duyên cớ nỗi khổ của mình và căn do sự biến hoá không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác. Lúc đó, người ta sẽ bỏ hết dục vọng, bỏ hết hành động, bỏ đời sống cũ, thế phát đi tu, sống một cuộc đời đạm bạc, khắc khổ, để hồn người trở về với hồn vũ trụ, về với Đại khí, về cõi hư vô, nơi mà người ta thực sự chỉ là một hạt bụi. Bấy giờ là lúc sắp sửa lên cõi Niết Bàn. Đối với người Việt, sống ở vùng nhiệt đới, khao khát sự nghỉ ngơi, giấc ngủ trường miên chỉ có khi hình hài đã hoàn toàn tan biến vào vũ trụ.(5) Như vậy, tượng Thập Điện Diêm Vương gợi nên cảnh âm phủ, bày ra ngay ở bên phải và bên trái nơi các thiện nam, tín nữ đến lễ bái, là một cách nhắc nhở con người tìm đường giác ngộ, vượt qua mọi nghiệp quả để đạt đến cõi niết bàn, tịnh độ, đến cực lạc thế giới.


      Cũng ở nhà bái đường, có tượng Thổ ĐịaGiám Trai, là những vị thần được dân Trung Quốc và Việt Nam thờ phượng. Thổ Địa là vị thần coi sóc, giữ gìn đất đai, chính là vị thần làm chủ vùng đất thuộc khu vực nhà chùa, thường giữ gìn, bảo hộ điền thổ và tài sản của nhà chùa. Cạnh đấy là hai tượng Hộ Pháp đồ sộ, đắp bằng đất thó và sơn quét, tô vẽ màu sắc lên bên ngoài.(6) Tượng Hộ Pháp trong dáng vẻ uy nghi, cầm khí giới, mặc áo giáp, đội mũ trụ, hoặc đứng thẳng, hoặc cưỡi trên một con nghê (Trần Trọng Kim gọi là con sấu) (7), là những vị thần hộ trì Phật pháp.


      TƯỢNG THỜ SAU NHÀ BÁI ĐƯỜNG


      Sau nhà bái đường, trước khi dẫn vào chánh điện, thường được bày biện tượng các vị La Hán, Tứ Bồ Tát, và Bát Bộ Kim Cương. Tứ Bồ Tát và Bát Bộ Kim Cương là những vị thần đã phát bồ đề tâm và đang vận dụng thần lực để bảo vệ, hộ trì phật pháp.



      Tổ Tây Thiên Ðông Ðô Việt Nam lịch đại tổ, tượng sơn thiếp, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, ảnh Milós Rév

      La Hán (phiên âm từ Phạn ngữ Arhat, tiếng Hán-Việt là A-La-Hán, gọi tắt là La Hán) là các vị thánh đã ngộ đạo, tuy ngộ đạo nhưng chưa thành Phật. Khái niệm La Hán (Arhat) du nhập vào Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ 7, nhưng qua thế kỷ thứ 10 mới được Thiền Tông phổ biến rộng rãi. Chính Thiền Tông tìm thấy nơi La Hán yếu tính tự lực để đạt đạo (self-salvation), La Hán từ chối các lực phổ độ đến từ bên ngoài (universal salvation), nên khái niệm này rất phù hợp với tinh thần thiền. Các vị La Hán nhờ trí huệ siêu việt nên đạt được nhiều thần thông, như biết các tiền kiếp của mình, nhìn thấy địa ngục, chư thiên, biết rõ mình đã giải thoát, đoạn diệt mọi ố nhiễm để thắng trí xuất thế, và trước mắt là nghe được tất cả mọi âm thanh cũng như rõ được ý của người khác.


      Trong nhiều chùa chiền của Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam, người ta có thể tìm thấy tượng của 500 La Hán, hay hình vẽ 18 thánh nhân này trên vách tường chính điện với nét mặt và cử chỉ rất đặc biệt. Tượng 500 La Hán được tạc nên là để nhớ lại lần kết tập thứ nhất có 500 vị thánh nhân hiện diện, cũng như lần kết tập thứ tư ở Kashmir cũng có 500 vị La Hán tham dự. Về hình tượng 18 La-Hán là do lời truyền tụng: Phật đã truyền pháp lại cho 16 vị A-La-Hán; 16 vị này bất tử để giữ gìn giáo pháp cho đến thời mạt pháp hoàn toàn thì mới nhập niết bàn.Vào thế kỷ thứ 10, con số 16 A-La-Hán đã được nâng lên thành 18 vị.(8)


      Tượng Thập Bát La Hán thường được bài trí thành hai dãy, hai bên hành lang dẫn vào chánh điện, hoặc ở hai bên chái của chánh điện, từ đây có thể đi tiếp vào hậu điện. Cũng có nơi, tượng La Hán được bày ở hậu điện. Có một số chùa chỉ bày mười pho tượng La Hán nên gọi là Thập Điện La Hán như ghi nhận của Phan Kế Bính trên Đông Dương Tạp Chí thời khoảng 1913-1914. Cụm từ “Thập Điện La Hán” của Phan Kế Bính không thấy ở những kinh sách nghiên cứu về Phật giáo khác. Có lẽ do Phan Kế Bính quan sát và ghi nhận hình ảnh này từ một vài ngôi chùa nào đó rồi viết ra mà thôi.(9)


      Tượng Phật Cửu Long cũng được thiết trí ngay giữa khu vực này. Phật Cửu Long là tượng Phật Thích Ca sơ sinh.(10) Theo truyền kỳ Phật giáo, mẫu thân Đức Phật nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà hoá thành hào quang rực rỡ chiếu vào thân mình, rồi mang thai mười tháng mà sinh ra ngài. Lúc Thích Ca đản sinh, có chín con rồng hiện đến, cuộn mình tung lượn giữa đám mây mù, phun nước tắm cho ngài. Và sau khi tắm xong, ngài đứng dậy đi bảy bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.” Hình ảnh đản sinh là một tượng trưng đặc biệt của Phật giáo, vì đó là bước đầu của hành trình đi đến giác ngộ và niết bàn mà chúng ta sẽ gặp thấy ở những pho tượng Phật khác trong tư thế ngồi và nằm. Liên hệ đến chuyện truyền kỳ này, ở nhiều chùa, cứ hàng năm đến ngày lễ Phật đản, tượng Phật Cửu Long được rước ra tắm và thay áo mới. Dưới các triều đại nhà Lý, có lẽ bắt đầu từ thời Lý Thánh Tông, lễ tắm Phật bằng nước thơm được cử hành trọng thể ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) vào sáng ngày mồng tám tháng Tư, với sự có mặt hầu như đông đủ nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia,và triều thần bá quan văn võ, dân chúng cũng tụ tập về tham dự rất đông.(11)


      Trong tất cả các chùa chiền Việt Nam, tượng các vị La Hán có lẽ là đặc sắc nhất vì đã vượt qua khỏi những kiểu mẫu có tính công thức. Mỗi pho tượng là một nét riêng, có nhiều tính sáng tạo, suy nghĩ và đóng góp riêng tư của người nghệ sĩ điêu khắc xưa. Trên khuôn mặt của từng mỗi vị La Hán hiện lên hơi thở và bóng dáng nhân sinh của người thợ chạm khắc, và qua đó đôi lúc là cả bầu khí sinh hoạt của xã hội đương thời. Những pho tượng ấy vì thế mà ít giống nhau, biểu lộ được tính cách của tác giả pho tượng, mà chính ở đó cũng là tính cách riêng của nền điêu khắc cổ truyền Việt Nam. Những pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương (1794) ở Quốc Oai, Sơn Tây, thực hết sức đẹp và sinh động là một điển hình. Đây là một thành tựu suất sắc của nghệ thuật thời Tây Sơn, để lại những kiệt tác trong di sản nghệ thuật cổ Việt Nam. Điêu khắc gỗ nơi mười tám pho tượng La Hán này đạt được cái tài tình, lão luyện từ một nền nghệ thuật truyền thống lâu dài từ nhiều thế kỷ trước để lại, rất sâu sắc, hiện thực và sống động. Cao lớn như người thật, được sơn son thiếp vàng, mỗi pho tượng như muốn biểu lộ một chân dung tâm lý riêng, toả ra một tính cách riêng, một tâm trạng riêng, một tinh thần riêng. Qua hình tượng các vị tổ trong đạo Phật, nhà điêu khắc đã phát biểu rất tài tình một thế giới nhiều chiều sâu, đôi lúc pha chút dí dỏm, hóm hỉnh, và rất rõ ràng là chứa đựng nhiều chất con người trong bối cảnh xã hội đương thời.


      Tượng Phật Đà Nan Đề (Buddhanandi), vị tổ thứ tám, đúng là một bậc trí giả thượng thừa, vui vẻ, nhưng nghiêm trang và đức độ dưới ánh đạo vàng Phật pháp. Mặc áo trạc ngực, bày ra cả bụng và rốn, thoải mái trong cử chỉ đang ráy tai, miệng tươi cười dí dỏm, phong thái giản dị, khinh khoái. Kinh Phật nói rằng ngài giảng kinh rất thông tuệ, không bao giờ vướng mắc điều gì.


      Bà Tu Mật (Vasumitra), vị tổ thứ bảy của phái Đại Thừa thì trông vồn vã, tươi cười, ăn mặc chỉnh tề, hai cổ tay mang hai chiếc vòng, hai tay chắp lại đưa ra đằng trước như đang đảnh lễ hay cầu nguyện.


      Hiếp Tôn Giả (Parcva), vị tổ thứ mười, đứng tựa vào gốc cây, tay cầm quạt, đôi mắt trông có vẻ lơ đãng nhưng nhìn thấy suốt mọi việc, ngài là người cực kỳ thông minh, rất cần mẫn, chăm chỉ, ít nói và chỉ nhìn. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Đỗ Cung cho rằng đây là pho tượng thành công bậc nhất trong loạt các pho tượng này, ông đề nghị chúng ta thưởng thức cái thần khí của pho tượng, tinh thần cần mẫn của Hiếp Tôn Giả nơi hai con mắt đang nhìn lơ mơ của pho tượng.(12)


      Tổ Long Thụ (Nagarjuna), vị tổ thứ mười bốn, ngồi trên một toà sen lớn, dáng người uyên bác, thâm trầm, nghiêm túc.


      Tổ Ca Tỳ Ma La (Kapimala), vị tổ thứ mười ba, với hai con mắt nhìn trừng trừng rất oai nghiêm, nhưng vẫn toả ra một vẻ đức độ tràn đầy.



          Tổ La Hầu La Ða, tượng gỗ sơn thiếp,
         chùa Tây Phương, ảnh Milós Rév

      Chúng ta thử chiêm ngắm thêm một pho tượng khác nữa rất đẹp, tượng La Hầu La Đa (Rahulabhadra), vị tổ thứ mười sáu. Là chân dung một cụ già trầm tĩnh, đĩnh đạc, y phục nghiêm chỉnh, móng tay để dài, những thớ thịt ở tay, ở cổ làm nổi bật dáng gầy gò của cơ thể, cái miệng ngậm lại với bờ môi trông thật mềm mỏng, con mắt lim dim, tay cầm chiếc gậy để tựa vào người, bên cạnh là con hươu nằm quay người nhìn về phía tổ, càng tạo nên một vẻ hoà điệu thâm trầm cho pho tượng. Thêm vào đó, một chút ấn tượng tôn giáo ở chỗ hai dái tai thả dài xuống, làm dáng dấp pho tượng càng thêm phần nghiêm trang, trầm tĩnh. Đây là một chân dung của tuổi già đã chín muồi trong đời sống, đang trầm tư mặc tưởng.


      Ở các pho tượng khác cũng thế, như tượng Mã Minh (Acvaghosha), tổ thứ mười hai, tượng Ma Ha Ka Diếp (Kasyapa),vị tổ thứ nhất, tượng Ất Nan (Ananda), vị tổ thứ hai…, hết thảy mười tám pho tượng La Hán này đều mang lại một vẻ sinh động kỳ diệu, tuyệt vời. Tính sinh động nơi các pho tượng ấy đã được ghi nhận và mô tả một cách tài tình dưới ngọn bút của nhà thơ Huy Cận.


      Các vị La Hán chùa Tây Phương

      Tôi đến thăm về lòng vấn vương

      Há chẳng phải đây là xứ Phật

      Mà sao ai nấy mặt đau thương?


      Đây vị xương trần chân với tay

      Cớ chi thiêu đốt tấm thân gầy

      Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

      Tự bấy ngồi yên cho tới nay


      Có vị mắt giương, mày nhíu xệch,

      Trán như nổi sóng biển luân hồi,

      Môi cong chua chát tâm hồn héo,

      Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.


      Có vị chân tay co xếp lại

      Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

      Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

      Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.


      Các vị ngồi đây trong lặng yên

      Mà nghe giông bão nổ trăm miền

      Như từ vực thẳm đời nhân loại

      Bóng tối đùn ra trận gió đen.


      Mỗi người một vẻ mặt con người

      Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

      Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

      Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.


      Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

      Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

      Một câu hỏi lớn. Không lời đáp.

      Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.


      Có thực trên đường tu đến Phật

      Trần gian tìm cởi áo trầm luân

      Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

      Các vị đau theo lòng chúng sinh?


      Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

      Sống lại cho tôi hỏi một câu:

      Bác tạc bao nhiêu hình khổ hạnh,

      Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?


      Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

      Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

      Là ông cha đó bằng xương máu

      Đã khổ, không yên cả dáng ngồi.


      Vẻ đẹp trên các tượng La hán chùa Tây Phương càng trở nên bi tráng, thấm đẫm mùi vị nhân sinh mà cũng đầy hùng lực qua mắt nhìn Huy Cận, soi sáng thêm một lần nữa tính sáng tạo của nhà tạc tượng Việt Nam xưa, chúng ta có thể gọi đó là cái riêng của điêu khắc cổ Việt Nam.


      TƯỢNG THỜ Ở CHÍNH ĐIỆN


      Bước vào chính điện, chúng ta sẽ thấy tượng thờ các vị tu hành đã đắc đạo, đạt chính quả. Phía đằng trước là tượng Phật nhập niết bàn, rồi đến Phật Di Lặc, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm. Sau cùng là Phật A-Di-Đà và tượng Tam Thế Tôn. Tam Thế Tôn là ba pho tượng có lẽ quan trọng nhất ở gian chính điện, thường bày cao lên gần sát mái nhà và kề sát vách chính điện, tức là Thường trụ tam thế diệu-pháp thân, là biểu tượng của chư Phật thường trụ qua thời gian: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai. Có người cho rằng ý nghĩa của ba tượng Phật này chẳng khác gì ý nghĩa Tam-vị-nhất thể (Trinité) của đạo Ky Tô.


      Phật A-di-đà (Amita) là giáo chủ của cõi Tây phương cực lạc. Gốc Phạn ngữ Amita nghĩa là vị Phật của ánh sáng vô lượng (Amitatàbha: The Buddha of Infinite Light) và cũng là vị Phật của vô lượng thọ (Amitàyus: The Buddha of Infinite Life.) Tượng Phật A-di-đà thường được tạc đang ngồi trên toà sen, tay bắt ấn, phía bên trái là Quan Thế Âm Bồ Tát (Avalokites’vara), biểu hiện của lòng từ bi, và bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát (Mahasthamprata), biểu hiện của ánh sáng trí tuệ.


      Trong các điện thờ Phật Đại Thừa, tượng Phật A-di-đà thường được tạc lớn nhất, tuỳ vào kích thước của từng ngôi chùa. Tượng A-di-đà ở chùa Phật Tích (Hà Bắc) cao 1m87, không kể bệ và toà sen, là một di tích quí giá của lịch sử văn hoá và mỹ thuật Việt Nam.(13)


      Quan Thế Âm là vị bồ tát thần thông quảng đại, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Thế gian là một biển khổ mênh mông, nên ở đâu có tiếng kêu cứu khổ cứu nạn thì ngài đều đưa tay cứu vớt. Kinh Pháp Hoa nói: “Khổ não chúng sinh nhất tâm xưng danh, Bồ tát tức thị quan kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát. Dĩ thị danh Quan-Thế-Âm.” (Chúng sinh bị khổ não mà nhất tâm gọi đến tên Bồ-Tát, tức thời Ngài sẽ xem đến âm thanh kêu xin mà độ cho được giải thoát. Bởi thế gọi tên Ngài là Quan-Thế-Âm.)


      Một trong những sắc tướng thường được nhớ đến rất đặc biệt của Ngài là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát, nghĩa là một vị bồ tát đại từ đại bi, có thần thông vô lượng, pháp nhãn và pháp lực đến không cùng, không điều gì là ngài không thấy, không việc gì là ngài không làm được, nên ngài có sắc tướng của một bồ tát có nghìn tay nghìn mắt.


      Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh hiện rất may mắn còn bảo lưu được pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm, được tạc từ năm 1656, rất tinh xảo, là một kiệt tác của nền mỹ thuật cổ Việt Nam. Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Nguyễn Phi Hoanh cho chúng ta biết: Nam tước Trương văn Thọ thời Hậu Lê đã đặt thợ tạc pho tượng này để dâng cúng vào chùa, và cũng như tất cả các tượng cổ Việt Nam khác, chúng ta không biết điêu khắc gia nào đã tạc nên pho tượng này. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên có thể đúc kết là, trong tất cả các tượng Quan Âm cổ của Việt Nam, chắc chắn đây là pho tượng đẹp nhất.(14)


      Hình tượng và bố cục của pho tượng, mặc dù cũng chỉ là bắt nguồn từ cái chung có từ nhiều đời trước, như tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt của Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng vấn đề ở đây là cái tài tình của một người nghệ sĩ Việt Nam nào đó, hơn 350 năm trước, đã thực hiện nên công trình kỳ diệu này, và đã để lại cho chúng ta một niềm tự hào vô hạn về một tác phẩm mỹ thuật toàn bích.


      Ông Nguyễn Phi Hoanh đã nhận xét về pho tượng này: “Cái đặc sắc của tượng Quan Âm chùa Bút Tháp là ở chỗ tác giả, với nghệ thuật điêu luyện đã làm cho một hình kỳ quái có nhiều đầu, nhiều tay vẫn giữ được vẻ tự nhiên không có gì chướng mắt. Ba hình mặt lớn ở dưới là mặt Phật vào loại đẹp nhất của nghệ thuật tôn giáoViệt Nam. Bốn bàn tay để phía trước rất mềm mại, tự nhiên và nghệ sĩ có cái ưu điểm là không để rơi vào chỗ mềm yếu như trong nhiều tượng khác. Bố cục chung và động tác của những bàn tay lớn rất thoải mái, chứng tỏ trình độ cao của nghệ sĩ trong việc giải quyết một hình thể khó khăn như tượng này.”(15)


      Nhắc đến tượng Phật nơi các cổ tự, chúng ta cũng không thể quên được pho tượng Phật tạc bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, cao 1m96, bày ngay ở phòng bát giác chính của Bảo TàngViện Sài Gòn trước đây, với những quí tướng đặc biệt, nghĩa là theo qui cách tượng trưng cố hữu, nhưng vẫn toả ra một hấp lực đặc biệt đối với người quan chiêm, kính ngưỡng.


      Đây là tượng Thích Ca Mâu Ni Phật (Sàkyamuni Buddha.) Phật A-di-đà là báo thân của Phật thì Thích Ca Mâu Ni là ứng thân của Phật, tức là hai mặt của một bản thể thường trụ không sanh không diệt. Tượng Phật này cũng gọi là tượng Đức Cồ Đàm vì Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật lịch sử, tên thật là Tất Đạt Đa (Siddhàrtha), thuộc dòng họ Cồ Đàm (Gautama), con trai của một tiểu vương ở gần Hi Mã Lạp Sơn, thuộc vùng Népal ngày nay.


      Pho tượng được tạc ngồi kiết già (Vajrãnasa) trên toà sen. Hai bàn tay thanh thản xếp vào nhau, tay mặt để trên tay trái, hai ngón cái chạm đầu vào nhau. Có chữ vạn nổi ở giữa ngực, tượng trưng của pháp lực chuyển động tới vô cùng vô tận, có cục gồ usnĩsa nổi cao trên đỉnh đầu, tóc xoắn hình khu ốc. Khuôn mặt đầy đặn, hai cánh mũi lớn, đôi mắt lim dim như đang tập trung huyền lực, hai trái tai dài xuống đến gần ngang cằm. Cổ có ngấn, góp phần tạo nên một ấn tượng mềm mại, duyên dáng. Thân mình được phủ chiếc áo cà sa rộng, có những lằn xếp đều đặn rất nghiêm trang. Người chiêm ngắm có thể nhìn thấy ở đây dáng vẻ của một bậc trí giả trầm lặng, an tĩnh, hay đúng hơn là hình ảnh của một vị Phật rực rỡ như vàng thắm, trầm tư mà oai nghiêm như sư tử.


      Toàn cảnh chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh, ảnh W&B Forma

      Tượng Phật Cồ Đàm này có một lịch sử khá đặc biệt. Nguyên là pho tượng được vua Minh Mạng dâng cúng vào chùa Khải Tường nhân ngày khánh thành ngôi chùa này. Chùa Khải Tường ở thôn Hoạt Lộc, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, được xây dựng năm Nhâm Thìn 1832, để kỷ niệm nơi vua Minh Mạng chào đời. Khi Gia Long Nguyễn Phúc Ánh chưa thống nhất sơn hà và còn bôn tẩu ở phương Nam, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh đã sinh hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng) ở nơi này vào năm Tân Hợi 1791. Vua Minh Mạng cho dâng cúng pho tượng để tạ ơn Phật và cũng là để kỷ niệm một nơi quí tường của hoàng gia và đất nước. Chùa được trùng tu vào năm Bính Thân 1836, đời vua Minh Mạng thứ 17.(16)


      Trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt, chùa từng đã là một cứ điểm kháng Pháp, được Nguyễn Tri Phương lập đồn năm 1859. Chùa Khải Tường, Pháp gọi là Pagode Barbé vì đêm 6-12-1860, kháng chiến quân đã phục kích giết chết đại uý thuỷ quân lục chiến Barbé tại đây. Chùa Khải Tường (Pagode Barbé), cùng với các ngôi chùa khác là Hiển Trung (Pagode aux Mares), Kiểng Phước (Pagode des Clochetons) ở Chợ Lớn, chùa Cây Mai ở Phú Lâm đã tạo thành một chiến tuyến mà Pháp gọi là ligne des Pagodes, để chống lại sự tiến quân của Pháp về phía Chợ Lớn. Chinh chiến tiếp diễn từ năm 1860, rồi sau đó khi Pháp đã chiếm đóng được toàn bộ Sài-Gòn, chính quyền thuộc địa đã huỷ phá một số đền chùa cũ của ta để xây dựng một thành phố mới theo kiểu Tây Phương. Chùa Khải Tường bị phá huỷ, pho tượng Phật của vua Minh Mạng may là còn nguyên vẹn, nương náu chỗ này chỗ khác cùng với Hội Cổ Học Ấn-Hoa (Société des Etudes Indochinoises), sau cùng được đưa về trưng bày ở Viện Bảo Tàng Sài-Gòn.


      Ở bên trên, chúng ta vừa vẽ phác về cách bày biện những pho tượng thờ trong những ngôi cổ tự, cũng nhân đó mà chiêm ngắm một số danh tác của nền điêu khắc cổ Việt Nam.


      Đối với kho tàng mỹ thuật Phật giáo vô cùng phong phú, đây chỉ là vài nét đan thanh, chúng ta sẽ có dịp trở lại với đề tài này vào một dịp khác, công phu, tỉ mỉ, và toàn diện hơn.

      Huỳnh Hữu Ủy

      Tết Nhâm Thìn 2012
      (Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, Jan 23, 2012)

      CHÚ THÍCH:


      (1) CF. - Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,”Chương I, Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu”, Lá Bối, Sài-Gòn,1974, trang 13-22.

                 - Nhất Hạnh, Thiền Sư Tăng Hội, Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam, Nxb An Tiêm, Paris, 1998.

      (2) Lời trích từ bài minh của Lê Quát trên bia chùa Thiệu Phúc ở Bái Thôn, Lộ Bắc Giang. Dẫn lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập II, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội,1967, trang 161.

      (3) Nguyễn Quân, ”Chùa làng hay các bảo tàng điêu khắc”, Đất Mới, Montréal, số 2, tháng 2.1990.

      (4) Những ngôi chùa lớn thường dựng theo kiểu nội công ngoại quốc (trong hình chữ công, ngoài hình chữ quốc), được gọi như thế vì khu nhà chính giữa có hình chữ công và ở chung quanh có những dãy nhà bao quanh lại theo hình vuông.

      (5) “Triển lãm cổ tích Việt Nam”, phần tượng Phật do Paul Lévy ghi chú. Dân Việt Nam (Le Peuple Vietnamien), Viện Đông Phương Bác Cổ xb, số 2 tháng 12.1948.

      (6) Hầu hết các tượng Hộ Pháp ở hai gian bên cạnh nhà bái đường được đắp bằng đất sét, hoặc vôi vữa, nhưng các pho tượng Phật thì lại được tạc bằng gỗ, đôi lúc được đúc bằng đồng hoặc chạm khắc bằng đá. G.Dumoutier trong Lược Khảo về người Bắc Bộ (Essais sur les Tonkinois) cũng đã từng cho chúng ta biết về kỹ thuật thực hiện các pho tượng gỗ này. Gỗ làm tượng thường là gỗ mít, màu vàng, thớ nhỏ và se, dễ đục đẽo và không bị cong. Tượng đã tạc xong, các phần của tượng được ghép lại với nhau đâu vào đấy, người thợ lấy đất sét trắng trộn với sơn sống để bịt những chỗ nứt, chỗ nối, rồi trát lên toàn pho tượng một lượt và mài nhẵn chỗ lồi lõm. Thực hiện nhiều lượt như thế cho đến lúc vừa ý thì sẽ để cho khô, rồi quét sơn và thếp vàng. (Dẫn lại trong Dân Việt Nam, Le Peuple Vietnamien, bài đã dẫn.)

      (7) CF. Trần Trọng Kim, Phật lục, Nxb Tôn Giáo tái bản, Hà Nội, 2002, trang 117.

      (8) Theo Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, Từ Điển Phật Học, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999, trang 222-223.

      (9) Xem Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Phong Trào Văn Hoá xb, Sài-Gòn, 1974, trang 122.

      (10) Theo ông Trần Nho Thìn, sau nhiều cuộc thăm viếng, khảo sát các chùa chiền cho biết: ở một vài ngôi chùa, có đến năm hay bảy tượng Phật Thích Ca sơ sinh, sở dĩ như vậy vì các Phật tử vào dịp này dịp khác đã thành tâm cúng vào chùa các pho tượng ấy, cứ mỗi lần như thế, nhà chùa lại bày biện thêm chứ không quan tâm đến chuyện các pho tượng chỉ mang một nội dung, hình thức cũng là mẫu hình tương tự. Các pho tượng được cúng vào chùa thường là vào các dịp trùng tu, tôn tạo chùa. Và cứ như thế, số lượng tượng Phật cứ tăng mãi, ví dụ như ở chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự) ở Sơn Tây có đến 287 pho tượng các loại, ở chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự) có 153 pho tượng các loại. (CF. Trần Nho Thìn, Vào Chùa Thăm Phật, sự tích-ý nghĩa-cách bài trí, Hà Nội, 1991.)

      (11) Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II, trang 37-38, Nxb Lá Bối, Paris,1978.

      (12) Nguyễn Đỗ Cung, “Mỹ Thuật Thời Tây Sơn“, Mỹ Thuật số 5, 1969, Viện Mỹ Thuật- Mỹ Nghệ Hà Nội, trang 84-93.

      (13) Xem thêm: Huỳnh Hữu Uỷ,”Chùa Phật Tích và mấy di tích mỹ thuật thời Lý”, Thế kỷ 21, California, số 76, tháng 8.1995.

      (14) Nguyễn Phi Hoanh, Lược Sử Mỹ Thuật Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1970, trang 95.

      (15) Nguyễn Phi Hoanh, sđd, trang 96.

      (16) CF. – Thái Văn Kiểm,”Từ Trần-Tộc-Từ đến Khải-Tường-Tự“, Đất Việt Trời Nam, Nxb Nguồn sống, Sài-Gòn,1960, trang 466-473.

                  - Trương Bá Phát, “Lịch sử những vị Phật gỗ trong Viện Bảo Tàng Quốc- Gia Việt-Nam”, Văn Hoá Tập San, Sài-Gòn, bộ XX(1971), số 1, trang 118-147.

      Ở đây, có một điểm cần lưu ý: Hai ông Thái văn Kiểm và Trương Bá Phát chỉ nói rằng chùa Khải Tường được xây dựng năm 1832 để kỷ niệm nơi vua Minh Mạng chào đời. Ông Vương Hồng Sển lại nói rõ ràng hơn, là hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng đã được sinh ra tại hậu liêu của ngôi chùa này. Như vậy, trước năm 1791 (năm sinh của vua Minh Mạng), đã có chùa Khải Tường, và có lẽ chỉ là một ngôi chùa nhỏ ở địa phương, ít người biết đến, về sau vua Minh Mạng đã cho xây cất khang trang, lại cho gửi pho tượng Phật từ Huế vào để thờ phượng, nên Khải-Tường-Tự đã trở thành một quốc tự và là một vết tích khá đặc biệt. (Xem Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa, Nxb T.ph. Hồ Chí Minh tái bản, Sài Gòn, 1997, trang 216.)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận

      - Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo

      - Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)