|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Bửu Chỉ
Cùng với những hồi tưởng về Chóe, tôi cũng muốn nhắc đến Bửu Chỉ vì cả tài năng lẫn tính đối kháng trước tình hình cực đoan của đất nước trước đây.
Giữa bức tranh đầy nghịch cảnh cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 trên toàn xứ sở, chúng ta ghi nhận những nét vẽ bằng bút sắt và mực tàu của Bửu Chỉ rất mạnh mẽ, tài tình, linh hoạt, lộ ra một thứ bút pháp đầy cá tính, đúc kết được một phần sức mạnh của thời đại.
Người cầm bút vẽ ở đây sử dụng nghệ thuật như một vũ khí chiến đấu trực diện. Đồ họa của Bửu Chỉ tạo được nhiều tác động mãnh liệt khắp trên trận tuyến đấu tranh của các tầng lớp thanh thiếu niên tại các đô thị miền Nam. Tôi không muốn nói đến sự chọn lựa của Bửu Chỉ và hiệu quả của những nét vẽ ấy như thế nào, đúng hay sai, đáng bị kết án hay ca ngợi, mà chỉ đề cập đến một sự thật: đồ họa của Bửu Chỉ phản ánh một tài năng thực sự của đất nước, sự chọn lựa con đường chiến đấu của anh là cần thiết đối với một thanh niên trước ngả ba kỳ quái và khắc nghiệt của lịch sử. Bửu Chỉ tỏ ra vừa có tài, lại vừa đầy tâm huyết và dũng khí để sống những ngày tuổi trẻ của mình thật phong phú và đẹp đẽ.
Năm 1971, đang là một sinh viên ở trường Đại học Luật Khoa Huế, Bửu Chỉ lại rất ham thích hội họa và đã vẽ với tất cả lòng say mê hào hứng nhất. Anh không nhớ rõ là mình bị quyến rũ, say mê bởi thế giới đường nét và màu sắc từ hồi nào. Tuy nhiên anh thực sự tự nghiên cứu kể từ khi được 17 tuổi, và từ đó đã làm việc không ngừng, anh vẽ lên tường, lên sàn nhà bằng những mẩu than bếp, vẽ những hình ảnh chung quanh, đọc sách trình bày về hội họa cổ điển, đọc chán lại ngắm nghía, khảo sát những bức hình chụp lại những tác phẩm của các bậc thầy như Vinci, Michelangelo, Rembrandt và cố gắng rút ra từ đó những bí quyết tạo hình. Tự học khó khăn thật, nhưng anh lại tìm thấy trong đó những sảng khoái, say mê của một kẻ đang khám phá.
Mặc cho bao nhiêu khó khăn của người tự học, cuối cùng Bửu Chỉ cũng đã dựng ra được cho riêng mình một thế giới hết sức độc đáo bằng cách dung hòa kỹ thuật hội họa phương Tây và những nét đặc trưng của nền nghệ thuật dân tộc mà cơ sở suy nghiệm là tranh mộc bản xưa, để từ đó xây dựng một nghệ thuật đầy tính chất bi tráng mà độc đáo giữa một thời kỳ hết sức cực đoan của đất nước. Hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên Huế, rồi do sự liên kết chặt chẽ giữa phong trào thanh niên các đô thị miền Nam, Bửu Chỉ xuất hiện mạnh mẽ ở Sài Gòn, có mặt hầu khắp trên các tờ báo, tạp chí đấu tranh, tố cáo cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra từng ngày trên từng phần đất nước, kêu gọi và đòi hỏi một nền hòa bình thực sự phải được tái lập lại. Bửu Chỉ tham dự vào các kỳ triển lãm của sinh viên, ví dụ có thể kể đến tấm tranh điển hình Trên Cánh Đồng Tháng Tám (khổ 2m x 3m) nói về Cách Mạng Mùa Thu 1945, bày ở Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn vào năm 1971, hay các bức Đợi Ngày Lên; Ngựa Và Người Da Vàng; Ngày Quật Khởi, hay những phác thảo nhỏ chưa được thực hiện thành sơn dầu Quê Hương Ta Ngày Hội Trùng Tu; Đất Nước Vào Mùa Gặt; Anh Em Ơi Giành Lại Đời; Dòng Nhiệt Lưu; Những Kẻ Giả Hình, tất cả đều nằm trong dụng đích và ý hướng vừa nói.
Có dịp được hỏi đến, anh luôn tự xác định mình là một người vẽ thuộc khuynh hướng biểu hiện xã hội (Expressionnisme socialiste). Hội họa đối với anh chỉ là một phương tiện, một lợi khí để phát biểu những khổ đau, tủi cực, tiếng nói của những người bị gông cùm và xiềng xích, là những kêu đòi phản kháng của đất nước bị áp bức nhưng anh hùng. Nghệ thuật đồ họa của Bửu Chỉ, như thế, đã được đặt ra trong một mục tiêu thực tiễn, mang tính cách của những tấm áp phích lớn ngoài công trường, là những biểu ngữ được trả giá bằng máu, là những cánh bướm truyền đơn tung ra khắp bốn phương trời. Đường nét và màu sắc như vậy sẽ phải chứa chan tất cả nỗi khát khao, những phấn đấu can trường của dân tộc trong cả một thế kỷ vừa qua, để đòi quyền sống, đòi tự do, công bằng. Nghệ thuật là vũ khí đấu tranh chống bạo hành, tố cáo chiến tranh, đòi hỏi hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân. Nó sẽ cất tiếng thổi bùng ngọn lửa cháy từ mỗi trái tim người, cuồng nộ, bạo động, giận dữ, sẽ góp tất cả lại để tạo thành bão táp của thế kỷ, là sấm sét dội xuống từ trời cao lịch sử. Nghệ thuật, như thế, chính là tâm tình, là nỗi lòng, là cảm xúc, là ước mơ trào dậy một sức sống tương lai. Và nghệ sĩ trong viễn tượng ấy chính là một chiến sĩ – artiste militant – trong đạo quân của dân tộc và nhân loại, đem nghệ thuật đến với quần chúng, dùng nghệ thuật để vận động quần chúng trong công cuộc tiến lên giải phóng cộng đồng.
Trước tình thế khốn khó, nghịch cảnh, người nghệ sĩ không thể đào ngũ bằng cách trốn chạy vào trong chiếc vỏ ốc hay tháp ngà của mình, không thể chấp nhận một quan niệm nghệ thuật vị kỷ, hẹp hòi. Bửu Chỉ đã sống được một cách trọn vẹn con đường đã vạch ra, ngay cả khi đang ở trong nhà tù (từ 1972 đến năm 1975 mới được tự do), những nét vẽ của anh cũng được bí mật chuyển ra ngoài, góp thêm nhiều ánh lửa cho các phong trào đấu tranh đang bừng bừng khắp nước. Nhiều tạp chí của người Việt ở nước ngoài, ở Mỹ, Canada, Pháp, Tây Đức, Nhật Bản đã sử dụng nhiều hình họa của Bửu Chỉ trong công cuộc đấu tranh cho một nền hòa bình phải đến cho nhân dân Việt Nam. Bộ sưu tập những nét vẽ rắn rỏi, mạnh mẽ bằng bút sắt và mực tàu của Bửu Chỉ trước năm 1975, ngày nay, ít nhiều cũng trở mình những khắc họa sâu sắc về một phần đời sống của dân tộc trong những ngày vừa qua. Chúng ta có thể đồng ý hay không với đường lối và cách phát biểu của Bửu Chỉ, nhưng bất kể thế nào, cũng không thể phủ nhận tài năng và tâm huyết của anh nơi những chứng từ anh để lại, những chứng từ đã một thời là lời kêu gọi hùng hồn giữa máu lửa và tận cùng nỗi đau khổ mà một dân tộc nhược tiểu phải gánh chịu trên trái đất này.
Cũng như Chóe, Bửu Chỉ làm nghệ thuật để chia sẻ với người khác cách suy nghĩ, ý thức về xã hội, với lương tri đẹp đẽ của một con người tự do. Họ tin và sống với những điều mình suy nghĩ một cách trung thực và quả cảm. Trước năm 1975, Bửu Chỉ có hơi cực đoan, nhưng điều đó có thể hiểu và chấp nhận được. Như có lần anh khinh bỉ và gần như muốn nhổ nước bọt vào mặt một người bạn của tôi là T, lúc bấy giờ đang phụ giảng ở trường Đại Học Văn Khoa Huế, chỉ vì T là một trong những thủ lãnh thanh niên của một đảng phái chính trị mà Bửu Chỉ cho là phản động. T hiện nay đang định cư ở Massachusetts, mặc dù vậy đã không giận Bửu Chi mà còn tỏ ra hết sức quí trọng một người bạn cùng thế hệ mình đã dũng cảm chọn một lý tưởng cho đời mình giữa thời loạn lạc.
Và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bửu Chỉ vừa ra khỏi nhà tù thì chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Bửu Chỉ trong bộ áo quần nâu còn in nhiều dấu vết tù đày, gặp T và tôi trong khuôn viên trường Đại Học Vạn Hạnh, nơi anh đang phấn khởi điều hành một số công việc gì đấy. Bửu Chỉ bắt tay chúng tôi một cách vui mừng và nói với một vẻ chân thành tự nhiên, chẳng có chút gì hãnh tiến như bao người khác chung quanh, những công thần lớn nhỏ, cả những kẻ theo đuôi rập rình lập công, tôi còn nhớ rõ gần như y nguyên câu nói của anh: Bây giờ đất nước đã thống nhất, bây giờ mọi người đều giống nhau để cùng bắt tay xây dựng lại trong hòa bình. Lời nói của Bửu Chỉ có thể trở thành hiện thực hay không là chuyện khác, nhưng tự trong lời nói ấy đã ánh lên sự rạng rỡ, trong sáng và tươi vui thì chính đấy là một sự thật hết sức cảm động và đầy tính thuyết phục.
Vì bận bịu bao nhiêu khó khăn trong cuộc đổi đời, lại phải mất cả năm năm trong nhà tù, bẵng đi cả mười năm sau, đến năm 1985, nhân một chuyến đi về thăm nhà ở Huế, tôi mới được gặp lại Bửu Chỉ một lần khác nữa. Lúc này anh đã thực sự trở thành một họa sĩ điển hình của một thời kỳ mỹ thuật mới, với bút pháp riêng biệt đầy bản lĩnh, với nhiều tác phẩm đáng kể và đã tạo ra được một chỗ đứng vững vàng giữa các nhà nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại hôm nay. Mặc dù không ngạc nhiên gì về những thành tựu mới của anh, tôi vẫn hết sức vui mừng khi thấy anh đã tiến rất xa trên đường nghệ thuật, anh đã thực hiện được nhiều tác phẩm thực sự vững chãi, đầy ánh sáng trí tuệ và tư duy tạo hình độc đáo, chắc chắn và hiển nhiên sẽ có độ bền lâu dài trong nền hội họa mới của đất nước.
Thêm một điểm này cũng nên nhắc ở đây, trong giai đoạn sau 1975, Bửu Chỉ lúc nào cũng tâm niệm một điều: phải vẽ tranh cho thật đẹp và có cá tính. Anh nói thẳng với tôi là anh không vẽ theo chính sách, đường lối chỉ huy của nhà nước, không vẽ công nhân, bộ đội, chân dung lãnh tụ. Điều này thì có lẽ không mấy người làm nổi, chỉ một vài họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Bửu Chỉ là làm được mà thôi. Đó cũng là một điều hết sức đặc sắc của Bửu Chỉ; trong tình cảnh nào anh cũng sống rất kiên cường bằng phẩm chất cao đẹp của mình. Tranh của Bửu Chỉ sau giai đoạn 1975 rất đẹp, anh tạo được một thế giới riêng có nhiều vẻ đẹp rất Huế, đúng là anh đã thừa hưởng được màu sắc và đường nét của Huế. Pha trộn chất dân gian, cộng thêm vào đó là chất truyền thống và cung đình, Bửu Chỉ đã rút tỉa được nhiều điều để biến thành thế giới của mình một cách đầy sáng tạo. Và bên trên tấm nền đó chỉ còn lại những ký hiệu về cái đẹp riêng của anh, thỉnh thoảng là những dấu hỏi, suy nghĩ về đời sống và số phận con người. Chúng ta sẽ trở lại với nghệ thuật của Bửu Chỉ sau năm 1975 trong một dịp khác vì không nằm trong mục tiêu của bài viết này. (*)
Trên đây là vài hình ảnh qua ký ức về hai cây bút sắt Chóe và BửuChỉ. Hai cây bút đặc sắc, tài năng, mà phấm chất nghệ sĩ cũng phải nói là rất đặc biệt, họ đã góp nhiều phần rất sinh động trong cuộc sống nghệ thuật, xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Sau bao nhiêu biến động và đổi dời, quả là họ cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và rất đáng nhớ.
Ghi chú thêm:
(*) Một chút tiểu sử và sinh hoạt mỹ thuật của Bửu Chỉ:
- Sinh năm 1948 ở Huế, sống ở Huế. Tốt nghiệp cử nhân luật năm 1971 ở Huế.
- Tự học để trở thành họa sĩ chuyên về sơn dầu.
- 1972-1975: bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa giam tù vì tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên học sinh các đô thị miền Nam.
- 1983-1988: Ủy viên ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Tạo Hình Việt Nam.
- 1987: Triển lãm tranh vẽ trên bao tải, nên gọi là “tranh bao bố" với Hoàng Đăng Nhuận tại Hà Nội.
- 1988: Triển lãm với Hoàng Đăng Nhuận tại Huế.
- Có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Singapore.
- 1988: Triển lãm cá nhân tại Nhà Việt Nam, Paris.
- 1994: Triển lãm cá nhân tại Hồng Kông.
- 1995: Được mời tham dự triển lãm lưu động “Quyền Hy Vọng" (The Right to Hope) của Liên Hiệp Quốc cùng với họa sĩ của 47 quốc gia trên thế giới.
- 1997: Triển lãm với Hoàng Đăng Nhuận ở Galerie Vĩnh Lợi, Sài Gòn.
- 2000: Triển lãm với Đinh Cường và Trịnh Công Sơn ở Galerie Tự Do, Sài Gòn.
- 2001: Triển lãm với Đinh Cường ở Huế nhân kỷ niệm 100 ngày Trịnh Công Sơn từ trần.
- Tháng 7.2002: Triển lãm với Đinh Cường ở Galerie Tự Do, Saigòn.
- Qua đời ngày 14 tháng 12 năm 2002 ở Huế.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |