|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Lân, Long, Qui, Phụng là những linh vật quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều dân tộc phương Đông. Ngoại trừ rùa là con vật có thực, ba linh vật còn lại đều là sản phẩm của trí tưởng tượng kỳ diệu của con người.
Trong những trang viết dưới đây, chúng ta sẽ thử nhìn lại hình tượng các linh vật này trong cuộc sống văn hóa của đất nước, đặc biệt sẽ khảo sát đồ hình trang trí tứ linh trên các công trình mỹ thuật cổ. Đã có dịp xem xét về con Rồng, với Hành trình của con Rồng qua văn hóa và mỹ thuật Việt Nam ngay ở những trang đầu tiên của sách Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa này, chúng ta tiếp tục đi tìm nguyên ủy, ý nghĩa, cùng những dáng vẻ, đồ án của ba linh vật còn lại: Kỳ lân, Rùa, và Phượng hoàng.
KỲ LÂN
Lân là con vật thần thoại, sản phẩm của trí tưởng tượng nguyên sơ của con người, cũng gọi là LI hay thường gọi chung là Kỳ Lân nhưng theo định nghĩa của tự điển thì Kỳ là để chỉ con Lân đực và Lân là con Lân cái (Đại Nam Quấc âm tự vị, Tome I, trang 510, Saigon, 1895).
Léopold Cadière dẫn lại từ Tự điển của J.F.M Génibrel (Dictionnaire Vietnamien - Francais, Saigon, 1988) gọi nó là con Nhân sư (Sphinx), chẳng hiểu tại sao còn thích nghĩa thêm vào là thần điểu (Oiseau fabuleux) (l). Thường thì nó được mô tả gần như một con sư tử, là loài thú có sừng trước trán, đuôi như đuôi bò, mình nai, vảy cá. Theo với phong tục xưa nay, Kỳ lân là hình ảnh tượng trưng của lòng nhân và đức từ bi, của thời thái bình hoan lạc, vẫn được gọi là nhân thú, không bao giờ hại người và vật sống, không dẫm lên cỏ non tươi, không hại đến một sinh vật bé nhỏ nào dù chỉ là một con sâu, cái kiến.
Cũng như loài Phượng, rất hiếm khi Kỳ lân xuất hiện. Chỉ những bậc vương giả minh quân và thánh nhân đức độ mới xứng đáng được nhìn thấy nó, khi ấy nó mình như hươu, đuôi bò, đầu chó sói, móng ngựa và có sừng ngắn bằng thịt.
Với linh giác đặc biệt, Kỳ lân rất tinh khôn, người ta đã từng đào hố chăng bẫy mà chẳng thể bắt được, tuy thế đã có sách chép việc Lân xuất hiện rồi bị bắt một cách rất huyền hoặc như vầy: Trước khi sinh Khổng Tử, mẹ ngại là bà Nhan Thị thấy xuất hiện một con Kỳ lân nhả tờ ngọc thư có chữ đề Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương (2). Bà Nhan Thị thấy vậy bèn bắt lấy, buộc dải lụa vào sừng, nhưng chỉ mấy ngày sau Kỳ lân bỗng nhiên biến mất. Năm Khống Tử 71 tuổi, trước ngày mất hai năm lại có Kỳ lân hiện ra nhưng là con lân què một chân do một người đi hái củi bắt được, mọi người cho là điềm bất thường, đem thả ra ngoài đồng. Ông Nhiễm Hữu, môn đệ của Khổng Tú đi xem về nói với Khổng Tử rằng "con đó thân giống con nai mà sừng bằng thịt há là loại yêu quái trên trời xuống chăng?" Khổng Tử đi xem trông thấy khóc ròng rất thương cảm mà nói: "Kỳ lân ra làm gì thế? Đạo ta đã đến lúc cùng rồi vậy." Rồi hát rằng:
Đời Đường đời Ngu Lân Phượng ra
Nay không phải thời nên tránh xa.
Lân ôi! Lân ôi! Đau lòng ta!
Duy có Lân mới biết Thánh nhân!
Duy có Thánh nhân mới biết Lân! (3)
Khổng Tử viết kinh Xuân Thu. chép đến chuyện "bắt được con Kỳ lân ngoài đồng" thì gác bút không viết nữa nên kinh Xuân Thu thường cũng được gọi là Lân Kinh hay Lân Sử. Tất nhiên đây chỉ là việc hoang đường huyễn hoặc nhưng xưa nay đối với những bậc vĩ nhân xuất chúng, chuyện thêu dệt ấy chỉ là việc bình thường; cái quan trọng đối với chúng ta là qua đấy mà hiểu cùng cảm thêm được chiều sâu tâm tưởng và cái đẹp của nghệ thuật do sự kiện đưa lại mà thôi.
Cũng nên biết thêm một chút nữa, do ý nghĩa tôn quý của hình tượng Kỳ lân, dưới các triều đại phong kiến trước đây, thành ngữ vết chân lân, thường chỉ đến dòng dõi vua chúa, và để nói đến các hoàng tử, vương tôn thì gọi là Sừng lân, Lân chỉ (chỉ: ngón chân) là tên một thiên trong Kinh thi nói về con cháu vua Văn Vương nhà Chu đều hay tốt, có đức, có tài. Trong vũ khúc Tứ Linh của cung đình nhà Nguyễn, để múa vào những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ. Thiên xuân, ngoài hai con Rồng, hai con Lân, hai con Phượng, hai con Rùa, còn có một con Lân con cùng uyển chuyển hòa hợp trong điệu múa, là do từ ý "Lân Mẫu xuất Lân nhi, Lân mẹ sinh ra Lân con," hàm nghĩa cha mẹ thông minh sinh ra con cái trí tuệ sáng láng. Con Lân con (Lân tử hay Lân nhi) côn để ám chỉ đến con cái nhà quyền quí, cốt cách hơn người (4). Đại chúng hóa hơn nữa, nơi các cổ kiệu đám cưới thường có bốn chữ Kỳ lân tại thử là lời cầu chúc tốt lành đại cát cho các cặp tân nhân.
Trong nghệ thuật tạo hình truyền thống, Kỳ lân là một mô-típ trang trí khá phổ biến. Mỹ thuật thời Nguyễn hiện nay tương đối vẫn còn toàn vẹn ở Huế là một hiện trường rất tốt để có thể dễ đàng khảo sát hình tượng này.
Ỏ miền Bắc, trên các trụ biểu dẫn vào những di tích kiến trúc cũ, chúng ta vẫn gặp thấy con Kỳ lân án ngữ cùng với rêu phong tuế nguyệt. Thỉnh thoảng, nơi các văn bia đây đó, như trên trán bia Tiến sĩ bằng đá dựng ở Văn miếu Hà Nội năm 1653, có hình hai con Lân chầu mặt trời đang tỏa sáng. Hay trên bia đá chùa Linh Quang ở Hải Phòng (1719), cạnh những con thú dân gian khác như nai, ngựa, mèo. cá, tôm, chuột, con Lân cũng hiện ra trong một dáng vẻ rất sinh động (5).
Thuộc về nền văn hóa và mỹ thuật Huế, có một điều phải để ý là ít khi Cũng con thú ấy mà khi thi gọi là Kỳ lân, khi gọi là Long mã, có lẽ vì hình dáng con Lân vừa giống con Rồng vừa giống con Ngựa chăng?
Thường thì Kỳ lân được tô vẽ hoặc đắp nổi và khảm sành sứ trang trí trên bình phong chắn trước các cung điện, đền đài của vua chúa hoặc trước các chùa chiền miếu mạo. Và dù xuất hiện ở đâu đều cũng rất thuần nhất vì lúc nào cũng mang trên lưng một bộ cổ đồ hay một hình bát quái của vua Phục Hi. Nguyên vào thời Phục Hi chưa có chữ viết và sách vở, một hôm vua Phục Hi thấy hiện lên từ dưới sông Hoàng Hà một con Long mã đầu rồng, minh ngựa, đuôi rồng, mà trên lưng có những đường vạch kỳ lạ, mới nhân đấy bắt chước mà vạch ra bát quái. Hình đồ trên lưng con thú ấy gọi là Hà đồ, chính là nguyên ủy các văn tự, văn học và triết học Trung Quốc.
Mỹ thuật thời Nguyễn, có chịu ít nhiều ảnh hưởng phong kiến phương Bắc nên dễ hiểu khi chúng ta gặp thấy những con Kỳ lân thường bao giờ cũng mang trên lưng một bộ cổ đồ hay một đồ hình bát quái. Bộ cố đồ ấy chính là chồng sách có dải lụa quấn chung quanh đôi lúc bay phất phới, đặt ngay ngắn trên yên của con Lân, và tùy vào cảm hứng của nghệ sĩ lúc tô vẽ, khắc chạm, muốn làm cho phong phú hơn theo trí tưởng tượng cua mình mà thêm bớt vào một quản bút hay một thanh kiếm, một cái quạt, một ống tiêu rút ra từ mô-típ bát bủu cũng rất quen thuộc đối với các nghệ sĩ cổ truyền.
Kỳ lân xuất hiện chú yếu trên các bình phong nhưng đôi lúc cũng được đục chạm trên bộ sườn nhà như xuyên, trến, cột, kèo, và thỉnh thoảng được đắp nổi cuối đường gờ hai bên mái nhà như một dấu nhấn góp thêm phần vững chắc cho toàn bộ công trình kiến trúc và trang trí (ở vị trí này, thường là Rồng hay Phượng xuất hiện, Lân thì rất hiếm hoi).
Lư hương có dáng Kỳ lân, mỹ thuật Huế
Có một điều hơi lạ là trên đầu trụ biểu dựng trước chùa chiền đình miếu thường có con thú trông giống như con sư tử, rất dễ nhận ra ở đầu, đuôi, bộ lông, nhất là những vuốt nhọn chứ không phải móng, vậy mà người Việt ta vẫn gọi là Kỳ lân hay con Nghê. Léopold Cadiêre khi khảo sát về mỹ thuật Huế đã dễ dàng nhận ra điều này, nhưng ông vẫn xếp nó vào loại kỳ lân đúng như cách gọi và lòng tin của người Việt (L'Art à Huế, p.59). Gần như trên, chúng ta côn gặp một số tượng trang trí nhỏ gọi là Kỳ lân thực ra chính là sư tử, cũng thế với trường họp con Lân chính là lư hương và trên lưng nó còn có một con lân khác nhỏ hơn nữa dùng để làm nút cầm cho nắp lư.
Ngoài những thể dạng trên, tù những họa tiết trang trí hoa trái cách điệu đôi lúc cũng biến chuyển mà thành. Lân như một cành lê, một nhánh cúc, một cành mẫu đơn chuyển hóa thành Lân.
Kỳ lân đã cùng với Rồng và Rùa tập hợp thành một vẻ đẹp tuy có phần thâm nghiêm, nhiều lúc đã gắn bó quá đà với nền nghệ thuật cung đình mà như quên lãng nhân dân, nhưng nói chung, đối với toàn thể dân tộc nó vẫn là một di sản cổ kính quý báu, mãi mãi là kỷ niệm đẹp đẽ, là một phần máu thịt sâu sắc của đất nước vậy.
CON RÙA
Đứng hàng thứ ba trong tứ linh, con Rùa (tên chữ Hán là Quy) cũng đã đóng giữ một vai trò đặc biệt trong nền văn hóa và nghệ thuật truyền thống.
Trước tiên, Rùa tượng trưng cho sự trường thọ và bền vững bói vì tự bản thân loài sinh vật này có khi kéo dài cả ngàn năm hay còn hơn thế nữa. Về phương diện sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư, tuổi thọ rất cao, có thân hình vững chắc, cứng rắn, gợi nên vẻ bền vững của đá tảng, lại giỏi nhịn ăn như là một khả năng tự vệ vô cùng lạ lùng. Rùa sống rất lâu. Như gần đây, một nhà nông ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bắt được một con rùa lạ ở núi Tiên Nham. Con rùa đó đã được xem xét kỹ lưỡng và được kết luận là đã sống qua trên dưới 800 năm. Chúng ta cũng còn nhớ chuyện Tư Mã Thiên chép trong sách Sử Ký: có một ông già đặt con rùa làm vật kê dưới chân giương. Hai mươi năm sau, con cháu cụ già di chuyển chiếc giường và phát hiện con rùa vẫn còn sống dù không được ăn uống gì cả (6).
Bên Trung Quốc, đời nhà Đường, vua Hiến Tông (806-820) được một viên quan tuần phủ tiến dâng một con Rùa có lông, nhà vua rất đẹp lòng, xem như là một lời cầu chúc cực kỳ tốt đẹp (7). Thực sự làm gì có chuyện Rùa có lông, đấy chỉ là rong rêu theo chiều dày của thời gian mà bao phủ quanh mu Rùa, đúng như mấy chữ ẩn dụ trong kinh Lăng Nghiêm: Qui mao thố giác (lông rùa sừng thỏ) để chỉ những sự việc không thể nào có được. Do cuộc sống như thế của loài Rùa, chúng ta có thành ngữ Linh qui hạc phát (tuổi rùa tóc hạc), mái tóc bạc trắng phau như lông chim hạc, cộng thêm với tuổi thọ qua nhiều thế kỷ của con rùa, là lời chúc đẹp đẽ nhất trong những dịp kỷ niệm thượng thọ, cũng là lời chúc mừng với các bậc trưởng lão vào buổi đầu xuân ấm áp khí dương.
Đối với các nhà dịch học, mu rùa có dạng tròn ở phía trên và dẹt ở phía dưới là hình ảnh tượng trưng của trời và đất. Ngày xưa người ta thường đem mu rùa để lên trên than hồng đang cháy rực cho nổ tung ra rồi theo vết bể và rạn nứt ấy mà đoán định những biến cố trọng đại của giang sơn trong những ngày sắp tới.
Theo cổ sử Trung Hoa, vào hồi đại thủy tràn khắp cả nước, vua Hạ Vũ (2205-2198 TTL) đi trấn nước lụt, đào sông khai ngòi cứu cả trăm họ, bấy giờ có con thần qui hiện lên ở sông Lạc, mang trên mình những vạch chữ kỳ lạ nên bắt chước mà xếp ra cừu trù, đấy là nguồn gốc các mối luân thường và chính trị. Cũng như vua Phục Hy thấy đồ hình trên con Long mã trên sông Hoàng Hà, nhân đó bắt chước mà làm ra 8 quẻ, để làm tượng cho những sức vô hình, tức là thiên đạo, nền tảng của dịch lý, là nguồn gốc của văn tự, văn học và triết học của một dòng lớn phương Đông cố đại (8).
Vì dáng vẻ bên ngoài gây ngay ấn tượng của một khối thể vững chắc, con Rùa được người Trung Hoa xem là biểu tượng của sự bền vững, và cũng do thế ở nhiều nơi nó được thờ phượng làm vị thần bảo hộ các đê điều.
Lần theo dấu vết cũ, sử xưa cũng cho chúng ta biết: vua Nghiêu đã từng nhận cống vật của người Việt thường ở phương Nam (tức Giao Chỉ, gốc tổ người Việt sau này?) vào năm Mậu Thân (2353 trước TL). Cống vật là con Linh qui, đường kính lớn 3 xích (1m 20), bên trên lưng con Rùa thần này có hình những chữ khoa đẩu tức là những dáng chữ lăng quăng giống như con nòng nọc, đâu to đuôi nhỏ. ghi chép tất cả những biến chuyển trọng đại từ thuở khai trời mở đất. Vua Nghiêu truyền lệnh chép lại những bản văn thiêng trên lưng Rùa (9).
Đối với chúng ta, trên con đường gian khổ hình thành lịch sử dân tộc, con Rùa linh cũng đã hai lần xuất hiện trở lại với đất nước. Lần thứ nhất, Rùa vàng tức là thần Kim qui đã giúp cho Thục An Dương Vương (257-208 trước Công nguyên) xây thành Cổ Loa và đã tặng nhà vua chiếc móng để làm lẫy nỏ bảo vệ tổ quốc Âu Lạc. Lần thứ nhì, khi Lê Lợi chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Rùa thần đã cho vị thủ lĩnh cuộc kháng chiến mượn thanh bảo kiếm để bình định giặc Minh. Nhưng khi trăm họ đã yên, đất nước đã vãn hồi nền độc lập thì Rùa thần đến đòi lại kiếm. Nhà vua gặp Rùa thần và trả lại kiếm trên hồ Tả Vọng, nên từ đó hồ cũng có tên là Hoàn Kiếm (hồ trả lại kiếm) hay còn gọi là Hồ Gươm. Ngày nay, dưới chân tháp Rùa, đôi khi chúng ta còn gặp vài con Rùa rất lớn bò lên phơi minh dưới nắng ấm, và nơi đền Ngọc Son cùng trong phạm vi của hồ, nhân dân còn bảo tàng được xác một con Rùa bằng cả cái nia to nhất, được ước đoán ít lắm cũng đã sống trên 700 năm.
Rùa đội bia, mỹ thuật Huế
Con Rùa là hình tượng rất thân thuộc nơi các công trình văn hóa chung, quen thuộc nhất là những con Rùa được đục đẽo bằng đá, khắc tạc rất vững chắc, đang đỡ lấy trên lưng mình tấm bia đá nặng ghi công đức những bậc danh nhân và hiền tài của đất nước. Điển hình là những hàng bia trước sân Văn Miếu (Hà Nội), chính vua Lê Thái Tông đã ra lệnh dựng bia tiến sĩ đầu tiên mở vào khoa Nhâm Tuất (1442) để lưu truyền vạn cổ, làm tấm gương sáng cho muôn đời. Như 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê ở Hà Nội, 32 tấm bia tiến sĩ thời Nguyễn trước sân Văn Miếu Huế, dựng bằng đá thanh hoặc đá cẩm thạch, cũng được những con Rùa đá vững chắc đỡ lấy ở bên dưới. Nơi đây, chúng ta có thể tìm thấy những tên tuổi các danh sĩ lừng lẫy cận đại như Phan Thanh Giản, Phạm Văn Nghị, Dương Khuê, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... Hy vọng con Rùa vững bền thiên niên sẽ đỡ lấy tấm bia đá trường cửu cùng với thời gian và lịch sử.
Trong dân gian, con Rùa quen thuộc biết bao nơi các lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo nên ca dao có câu:
Thương thay thân phận con Rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.
Vào thế kỷ 19, nơi mỹ thuật thời Nguyễn, con Rùa thường được sử dụng như một mô-típ trang trí trong đồ hình tứ linh (Long, Lân, Qui, Phượng) hoặc đôi khi chỉ đứng riêng rẽ một mình. Những khi ấy Rùa thường mang trên mình một bộ cổ đồ hay lạc thư, hoặc một chồng sách, cây bút, thanh gươm..., đằng miệng thường phun ra một tia nước khá ngoạn mục, thường gọi là "thủy ba". Ngoài dạng Rùa y như thực, chúng ta còn gặp những dáng Rùa cách điệu, từ một cánh lá sen hay từ nhiều loại hoa, lá, cây, trái khác biến thể mà thành.
CHIM PHỤNG HOÀNG
Người Việt Nam chúng ta cũng như người Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên tin rằng Phụng Hoàng là linh điểu, khi xuất hiện sẽ mang lại điềm lành, báo hiệu thời thái bình thịnh trị và có thánh nhân xuất hiện.
Là chúa giữa 360 giống chim, Phụng Hoàng chỉ ăn quả trúc, uống nước suối trong và đậu trên cây ngô đồng. Khi bay có hàng trăm loài chim bay theo chầu hầu. Hình dáng chim Phụng rất đẹp, mỏ như mỏ gà mái, cổ như cổ rắn, đầu chim én, lưng rùa. Cánh xòe ra rất rộng, lông màu ngũ sắc và cứng như chất kim, đuôi tựa như những ngọn lửa và trông cũng giống như đuôi cá, với mười hai lông tượng trưng cho mười hai tháng, năm nhuận thì có thêm một lông tượng trưng cho tháng mười ba. Thân minh cao sáu thước, chứa đựng ý nghĩa của sáu hình ảnh: đầu tượng trưng cho trời, mắt là mặt trời, lưng là mặt trăng, cánh là gió, chân là đất, đuôi là tượng trưng của những vì sao.
Tiếng hót chim Phụng dịu dàng bay bổng, có đủ ngũ âm: cung, thương, giốc, chủy, vũ, khi hót lên thì hết thảy các giống chim khác đều bay lại nhịp nhàng hòa điệu.
Phụng Hoàng cất cánh bay từ phương Đông, bay thẳng đến núi Côn Lôn, uống nước tinh khiết ở suối Để Trụ, tắm cánh ở biển Nhược Thủy (biển có tên Nhược Thủy vì nước ở đây rất nhẹ đến đổi lông chim thả vào cũng không thể nổi lên được), và rồi sau cùng bay đến đậu trên ngọn núi cao Đơn Tuyệt.
Chuyện truyền kỳ côn chép việc Tiêu Sử đời nhà Châu, khi thổi ống tiêu bằng ngọc do Thượng đế ban cho, tiếng kêu như chim Phụng gáy nên thối chốc lát thì bốn phía mây ngũ sắc bồng bềnh, chim bạch hạc bay đến múa lượn, và biết bao nhiêu giống chim khác bao quanh, con bay, con đậu, kêu hót líu lo vô cùng ngoạn mục. Tiêu Sử dạy cho vợ là công chúa Lộng Ngọc, con vua Tần Mục Công thổi tiêu, chỉ trong nửa năm, Lộng Ngọc thổi khúc Phượng cầu Hoàng (chim Phụng trống tìm chim Phụng mái) rất tuyệt diệu. Một đêm kia, hai vợ chồng đang hòa tiêu, có chim Phụng bay xuống, nàng cỡi tử Phụng, chồng cỡi xích long, hai ngươi bay thẳng về tiên giới.
Năm xưa, Đô Thành Hiếu Cổ Tập San (Builletin des Amis du Vieux Huế) có công bố tài liệu của một nhà điểu cầm học (ornithologiste) người Nhật Bản là ông U. Hachisuka cho rằng chim Phụng thường được mô tả trong mỹ thuật Trung Hoa chính lấy kiểu từ con trĩ xứ Đông Dương (faisan ocellé d'Indochine). Ông Jabouille, một nhà nghiên cứu người Pháp xác định thêm đấy là con chim trĩ sống ở triền núi phía Đông dãy Trường Sơn, một giống chim cực kỳ quý hiếm đối với toàn thế giới. Khảo cứu trên bình diện vạn vật học cũng là một điều hết sức thú vị và hấp dẫn, tuy thế không phải là đối tượng của bài viết ngắn này. Ở đây, chúng ta chỉ lưu tâm đến Phụng Hoàng trong văn hóa mỹ thuật, và có lẽ vì thế chúng ta chẳng thể nào quên được con chim Phụng kỳ vĩ, cao khiết, vô cùng lộng lẫy, bay liệng giữa đêm tối bí ẩn, trên trời Đâu Suất của nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Nhớ khi xưa, ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất,
Bay tù Đao Lỵ, đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương.
Lúc đằng vân, gặp ánh sáng chận đường
Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ,
Ta lôi đình, thấy trăng sao liền mổ,
Sao tan tành rơi xuống một cù lao
Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ,
Ở ngôi cao ngước mắt ra ngoài bể,
Phong lưu ghê, sang trọng nỏ vừa chi!
Vài thành ngữ điển tích liên hệ đến Phụng Hoàng:
Phụng mao lân giác: lông chim Phụng và sừng kỳ lân, nghĩa là vật hiếm có, chỉ người tài giỏi, xuất chúng hoặc con cháu hiền tài của những danh gia vọng tộc.
Tiên sa Phụng lộn: đẹp đẽ, xinh tốt như tiên như Phụng (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quấc âm tự vị).
Phụng gáy Kỳ sơn: chim Phụng gáy ở núi Kỳ Sơn. Khi vua Văn Vương ra đời, chim Phụng gáy vang ở núi Kỳ Sơn, ý nói điềm lành, có thánh nhân, hiền giả hay bậc anh tuấn xuất hiện.
Phụng liễn: kiệu hoặc xe có hình chim Phụng của nhà vua và hoàng gia. Cũng còn có nghĩa là xe của tiên đi. Sách Nho chép: Tây Vương mẫu đi trên cỗ chim Phụng đến yến tiệc với Mục Vương. Nghĩa thông thường: cỗ xe đẹp, rực rỡ (Bửu Kế, Tầm nguyên tự điển).
Phụng thành: thành có chim Phụng đậu, chỉ kinh đô, nơi vua ở,. cũng do điển công chúa Lộng Ngọc ngồi trên thành thổi ống tiêu, Phụng liền bay đến nên đặt tên là Phụng hoàng thành.
Phụng kỳ: cờ thêu hình chim Phụng, cờ của vua.
Thường gọi chung là Phụng Hoàng nhưng thực ra thì Phụng là con chim trống và Hoàng là con chim mái. Loại chim này có đặc tính lúc nào cũng ở gần bên nhau, thường dùng để ví tình vợ chồng khắng khít nên có câu: Phụng hoàng vu phi, hòa mình tương tương (đôi Phụng cùng bay, cùng cất tiếng kêu hòa họp). Loan là một giống chim cùng loài với Phụng, hai giống chim này thường chắp cánh bay đi cùng nhau, do vậy chữ Phụng Loan thường để ví cuộc hôn nhân hay tình vợ chồng. Loan Phụng hòa minh (Loan Phụng cùng hót lên êm đềm), người ta thường dùng điển này để chúc vợ chồng mới cưới hạnh phúc tươi đẹp, bền vững lâu dài.
Người Việt xem chim Phụng là linh vật, nhưng cùng lúc đã kéo con vật kỳ bí này đến gần với cuộc nhân sinh. Đặc biệt nhất, chim Phụng tượng trung cho Hoàng Hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ. Vậy nên trên những đồ dùng của nhà vua như áo mũ thường trang trí hình rồng, và trên áo mũ Hoàng Hậu thì trang trí hình Phụng. Nhưng thường thì nó gợi lên hình ảnh người phụ nữ và sự hòa hợp trai gái, như nơi đồ hình hai con Rồng, Phụng đang châu mình đùa dỡn chữ Song Hỷ ở giữa. Hình tượng này rất phố cập trong sinh hoạt của nhân dân ta khắp nơi, nhất là trong những đám cưới xin, ăn hỏi, bỏ trầu.
Khi thấy các đồ vật gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế, giá gương, tráp, hộp, quạt giấy, khăn baq2n, đèn lồng, chậu nước với hình con Phụng được sử dụng trang trí chủ yếu trên ấy, chúng ta dễ dàng biết được ngay đấy là đồ dùng dành riêng cho phụ nữ.
Tô điểm cho các công trình kiến trúc lớn thuộc nền nghệ thuật truyền thống, chim Phụng được đắp tạc, vẽ vời chạm trổ trên mái nhà các cung điện, triều miếu, phủ đệ, đền chùa, đặc biệt nơi các đền thờ thần nữ, nơi nhà ở và lăng mộ các hoàng hậu, công chúa, dễ gặp nhất là trên các bình phong, đứng một mình hay hiện ra trong bộ tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng.
Trong công trình ghi chép đặc sắc về mỹ thuật Huế, L. Cadière nhận xét rằng nơi các ngôi chùa ở miền Bắc thường có hình bốn con Phụng quấn quanh các trụ cột phía trước rất đẹp nhưng ở Huế thì không thấy có dạng này.
Chim Phụng đứng một mình trên lóp sóng lô xô, đôi lúc là hai con đang uốn lượn và quay đầu châu vào một vùng dương ở giữa, chung quanh là những vầng mây la đà, bên dưới là những lớp sóng nước tầng tầng. Chúng ta nên lưu ý ở đây là hết thày bốn con vật trong tứ linh dường như đều có duyên nợ với nước, con nào cũng nhiều phen hiện ra trên sóng nước, quẫy đạp hoặc phun những tia nước vô cùng ngoạn mục.
Trên quần thể kiến trúc cung đình Huế, con Phụng xuất hiện khắp nơi nhưng bao giờ cũng phụ thuộc vào con Rồng mới là chủ yếu. Dưới chế độ phong kiến, các bậc đế vương thường cho chạm khắc hình chim Phụng với ý nghĩa triều đại họ ngự trị là thời thái bình an lạc, như các thời hoàng kim thịnh trị trước đây, chim Phụng đã bay về chầu hầu.
Phụng Hoàng thường ngậm trong miệng một dải lụa bay phất phới, quấn lấy một cái hộp vuông, có thể đấy là cái tráp thư, hay hai cuộn tròn có dạng như hai cuốn sách xếp lại, đôi khi người nghệ sĩ lúc vẽ vời lại dặm thêm vào đấy một quản bút. Dạng này thường được gọi là Phụng hàm thư. Cũng có người cắt nghĩa rằng đấy chính là chim Phụng đang ngậm dải lụa quấn quanh bộ cổ đồ của vua Phục Hy.
Ngoài hình dáng thân thuộc con Phụng thần thoại ấy, chúng ta còn có những biến dạng khác, từ một gốc cây kiểng hay một cành hoa, như cành đào, cây cúc, nhánh mai, cành mẫu đơn, nhánh hoa loa kèn đỏ (amaryllis) biến hóa mà thành Phụng. Nhà sưu tập cổ ngoạn Vương Hồng Sển đã cho chúng ta xem hình một nhánh cây biến thể thành Phụng vẽ trên lòng một đĩa sứ men lam xứ Huế đề hiệu Trân ngoạn (thế kỷ XIX), có đủ đầu, cánh, đuôi, mắt, mỏ, mồng, và chú thích thêm: khách Tây phương không hiểu nghệ sĩ trổ hình gì, ký kỳ quái quái, ngươi Á Đông quen với thuyết Lão Trang hư không huyền ảo lại thích thú và lấy lâm tự nhiên khi thấy từ giới thảo mộc có thể trở thành sanh cầm điểu thú dễ dàng (10).
Suốt gần mười thế kỷ qua, hình tượng con Phụng đã gắn bó thân thiết với nền nghệ thuật tạo hình của dân tộc, đã tự biến chuyển để hoàn chỉnh dần với thời gian và lịch sử. Từ dạng vẻ có phần nặng nề dưới thời Lý-Trần như hình chim Phụng ở chùa Thái Lạc, Hải Hưng thế kỷ XIV, chắc hẳn có mang nhiều dấu vết của chim Kinnari, là nhạc công đầu người mình chim trên cõi trời của đất nước Champa cổ, đến thời Lê Mạc những con chim Phụng đã thanh hóa hơn nhiều, như những hình ảnh Phụng khá đẹp ở chùa Bút Tháp (Hà Bắc, thế kỷ XVII) hay ở đình Đình Bảng và trên những trán bia tiến sĩ khắc đá ở văn miếu Hà Nội, đến thời Nguyễn, phải nói là vẻ đẹp thanh nhã, mỹ lệ của chim Phụng Hoàng đã là một chỉnh thế tuyệt đẹp, góp rất nhiều phần cho nền nghệ thuật trang trí chung của toàn bộ đất nước.
Chú thích:
(l) L. Cadière dẫn lại trong L'Art à Huế, Association des Amis du Vieux Huế, 1919, p.93. Không biết Cadière có nhầm lẫn hay không; tuy nhiên, xem lại trong tự điển Génibrel, chúng tôi không thấy tự điển này thích nghĩa thần điểu (oiseaux fabuleux) cho linh vật kỳ lân.
(2) L. Cadière giải thích: Tinh tế như nuớc, đứa trẻ này sẽ là một vì vua không ngai khi nhà Chu suy tàn. (Cet enfant, subtil comme l'eau, sera un roi sans trône, sur le déclin de la dynastie Châu, sđd, trang 94).
(3) Dẫn theo Mặc Vũ, Văn Miếu và Nho học, Cổ Học Tinh Hoa Văn Tập, Tỉnh hội Cổ Học Quảng Nam, 1962, sổ đặc biệt Khánh Thành Khổng Miếu.
(4) Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, về điệu múa Tứ Linh, trong Những Đại Lễ và Vũ Khúc của Vua Chúa Việt Nam, Hoa Lư, Sài Gòn 1967, trang 499.
(5) Theo Nghệ Thuật Chạm Khắc Cổ Việt Nam (Qua các bản rập), Viện Nghệ Thuật, Bộ Văn Hóa xb, 1975.
(6) Dẫn theo Nguyễn Xuân Diện "Rùa đội hạc, Rùa đội bia", Hà Nội Mới, số ngày l3/1l/1994.
(7) Theo Henri Doré, Recherches sur les superstitions en Chine: Les Pratiques superstitieuses. Dẫn lại trong L'Art à Hué của L. Cadière, trang 105.
(8) CF. Nguyễn Mạnh Bào, Dịch Kinh Tân Khảo quyển I.
(9) Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xb, Sài Gòn, 1963, trang 3.
(10) CF. Vương Hồng Sển, "Chim Phụng Hoàng", trong Phong Lưu Cũ Mới, tức Hiếu Cổ Đặc San, số 1, tháng 6, 1970, tác giả tự xuất bán.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |