1. Head_

    Cao Đông Khánh

    (..1941 - 12.12.2000)

    Lê Phổ

    (2.8.1907 - 12.12.2001)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, hai nhánh rẽ của Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Huỳnh Hữu Ủy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-01-2006 | HỘI HỌA

      Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, hai nhánh rẽ của Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương

        HUỲNH HỮU ỦY
      Share File.php Share File
          

       

      Trước bước ngoặt mới của lịch sử, Trường Mỹ Thuật Đông Dương phải đóng cửa, nhưng nó đã đặt được nền tảng vững chắc cho sự phát triển một nền nghệ thuật mới. Chính trên cơ sở đó, sau năm 1954, trong bầu khí tự do rất thuận lợi của miền Nam, hai cơ sở đào tạo khác, tiếp tục chức năng và vai trò của Trường Mỹ Thuật Đông Dương, được thành lập ở SàiGòn và Huế. Chúng ta hãy nhìn lại một số dữ kiện liên hệ dưới đây.


      Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định thành hình:


      Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương phải đóng cửa vào năm 1945 vì tình hình đặc biệt của đất nước. Tháng 2 năm 1954, toàn thể hội viên Hội Đồng Tối Cao Giáo Dục tại Hà Nội đã thỉnh cầu chính phủ Quốc Gia tái thiết lập Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, kiến nghị được chấp thuận nhưng chưa kịp thực hiện thì xảy ra biến cố chia đôi đất nước theo hiệp định Genève. Tháng 10.1954, hội nghị Giáo Khoa Mỹ Thuật và Mỹ Nghệ họp tại Gia Định tán thành kiến nghị của Hội Đồng Tối Cao Giáo Dục tại Hà Nội trước đây, đề nghị thiết lập Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật tại Miền Nam tự do; và do vậy, ngày 31 tháng 12 năm 1954, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ký nghị định số 1.192 GD/NĐ về việc thành lập Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. (1) Và khởi điểm từ đó rồi kéo dài cho mãi đến hai mươi năm sau, Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định đã đóng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện nhiều thế hệ nghệ sĩ của đất nước, để tài bồi, bảo vệ và phát huy một nền nghệ thuật quốc gia tươi đẹp.


      Ông Lê Văn Đệ, một họa sĩ với tài năng đặc biệt, trước đây đã đạt được nhiều danh vọng trong nước cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là những công trình mỹ thuật của ông tại Vatican khoảng 1936-1937, đã được chính phủ đề cử làm giám đốc, với trách nhiệm nghiên cứu để xây dựng một chương trình đào tạo nghệ sĩ với tiêu chuẩn cao nhất mà các trường Mỹ Thuật Quốc Gia lớn trên thế giới vẫn thường theo đuổi.


      Lê Văn Đệ cùng với những người bạn khác của ông đã vạch ra chương trình tổ chức và đường hướng dưới đây:


      Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định được tổ chức theo căn bản của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội cũ, Trường Quốc Gia Cao Đẳng Paris, Viện Mỹ Thuật Roma và Viện Đại Học Mỹ Thuật Tokyo. Căn bản chính của trường là bảo tồn dân tộc tính và sắc thái mỹ thuật thuần túy Việt Nam với mục tiêu phục hưng và phát triển nền mỹ thuật cổ truyền nước nhà trong mọi lãnh vực. Ngoài ra, trường cũng phải luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh và phù hợp với dân trí để tiến kịp sự phát triển mỹ thuật chung của quốc tế.


      Căn bản tổ chức chương trình giáo khoa của trường được hướng theo ba khía cạnh sau đây:

      - Mỹ Thuật thuần túy

      - Mỹ Thuật phổ thông

      - Mỹ Thuật công nghệ. (2)


      Với phương lược đã vạch ở trên, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định đã phát triển rất tốt, và đến năm 1960 thì đã trở thành trung tâm Mỹ Thuật Quốc Gia thực sự, với:

      - Xưởng hoàn bị mỹ thuật thuần túy.

      - Xưởng thí nghiệm đồ gốm mỹ thuật.

      - Xưởng thí nghiệm sơn mài áp dụng.

      - Xưởng sáng chế các sản phẩm trang trí nội ốc và kiểu mẫu bàn ghế theo thời trang.


      Với chương trình huấn luyện, đào tạo theo qui củ ngày càng vững chắc, cho đến năm 1975, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định đã thực sự đóng giữ vai trò vẻ vang của nó, tiếp tục đảm nhận công tác chuyên môn của Trường Mỹ Thuật Đông Dương để lại dở dang trước đây, rồi trên cơ sở đó đã cung cấp được rất nhiều nghệ sĩ tài ba cho đất nước. Chúng ta sẽ có dịp xem xét về thế hệ những người nghệ sĩ mới này trong các trang kế tiếp.


      Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế:


      Cũng cần nhắc đến Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế thành lập sau trường Gia Định vài năm, nhưng mục tiêu, phương pháp rèn luyện thì cũng chỉ là một, vì đây chỉ là hai nhánh rẽ của một dòng sông lớn, đã cùng nhau hợp sức mà tài bồi một nền nghệ thuật chung rất phong phú và đẹp đẽ. Cựu Kinh thần bí và thơ mộng, một trung tâm văn hóa cổ kính và truyền thống của đất nước quả thât rất thích hợp với việc thiết lập một Trường Mỹ Thuật. Sau khi Viện Đại Học Huế được chính phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập để phát triển chương trình giáo dục cao đẳng ở miền Trung đất nước, thì Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật cũng được thành hình ngay sau đó. Trong niên khóa 1957-1958, lớp dự bị Cao Đẳng Mỹ Thuật đã thu nhận ngay 35 sinh viên theo học, rồi cứ thế Trường Mỹ Thuật Huế ngày càng phát triển mạnh mẽ. (3)


      Họa sĩ Tôn Thất Đào, một trong những cây bút tài hoa của lớp Mỹ Thuật Hà Nội trước đây, nguyên là giáo sư hội họa ở hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, và cũng từng làm việc nhiều năm ở Viện Bảo Tàng Khải Định, được đề cử làm giám đốc đầu tiên của trường. (4) Vị giám đốc kế nhiệm là Mai Lan Phương, một họa sĩ tốt nghiệp ở Pháp, được giao trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và đường hướng phát triển của trường. Mấy năm kéo dài sau cuộc đảo chánh 1963, vì tình hình chính trị nhiễu loạn lúc bấy giờ ở Huế, Mai Lan Phương trở về Sàigòn, ông không còn thấy thích hợp với công việc cũ. Sau Mai Lan Phương là Lê Yên, cũng xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, đã từng nổi tiếng nhiều với ngọn bút lụa tài tình và đa dạng, đã góp được rất nhiều phần xây dựng trường càng ngày càng vững chắc, trở thành một trung tâm nghệ thuật quyến rũ. Vị giám đốc sau cùng là họa sĩ Vĩnh Phối, sau nhiều năm nghiên cứu hội họa ở Âu Châu như Ý, Pháp, từ Rome vừa trở về thì được Bộ Giáo Dục và Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa đề cử tiếp tục công việc của ông Lê Yên. Vĩnh Phối giữ nhiệm vụ này cho đến những ngày sau cùng của mùa xuân 1975.


      Cùng với Trường Mỹ Thuật Gia Định, Trường Mỹ Thuật Huế đã góp phần nâng cao nền giáo dục mỹ thuật của đất nước. Nhiều lớp họa sĩ và điêu khắc gia xuất thân từ đây đã đi khắp nơi, dạy hội họa ở các trường Trung Học, làm việc ở các cơ quan văn hóa, vẽ tranh, làm tượng, rồi mở các phòng triển lãm, đã nâng được cái đẹp lên ở một tầng cao, vừa đưa cái đẹp đến với đại chúng khắp nơi. Có thể kể một vài tên tuổi điển hình đã từng có nhiều năm tháng học tập ở trung tâm mỹ thuật này: Đinh Cường, Nguyên Khai, Rừng, Hồ Thành Đức, Trương Đình Quế, Trịnh Cung, Mai Chửng. Và các thế hệ kế tiếp, như Dương Đình San (hiện ở Việt Nam, có xưởng vẽ ở Huế và Sàigòn), Nguyễn Đình Thuần (hiện sống ở Quận Cam, Nam California) là hai cây cọ đến nay vẫn còn say mê làm việc, vẽ và triển lãm nhiều lần trong vài năm qua, vẫn còn sáng tác với phong cách của mình để góp vào nền mỹ thuật chung của đất nước.


      Tóm tắt lại, trước năm 1975, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, với một thành phần giảng huấn năng động và đặc sắc, như Đinh Cường, Đỗ Kỳ Hoàng (về sơn mài), Vĩnh Phố, Lâm Triết, Trịnh Cung, Phạm Xuân Sanh, Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Văn, Thiềm Quốc Hùng (về thủy mặc và lụa), Hồ Hoàng Đài (về trang trí, đặc biệt có nhiều tác phẩm dán giấy phác họa lại cảnh sắc cố đô hay những cảnh sống dân dã). Về điêu khắc, với hai nhà điêu khắc tài năng rất đặc biệt Trương Đình Quế và Lê Thành Nhơn. (5) Với thành phần giảng huấn vừa kể đến, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế đã thực sự là một trung tâm đào tạo đáng kể, góp phần tạo nên một vẻ mặt rạng rỡ cho nền Mỹ thuật Miền Nam 1954-1975, trong một cách nhìn toàn bộ ngày nay.


      Huỳnh Hữu Ủy

      (Khởi Hành số 81, tháng 7/2003)

      (1) (2) Lê Văn Đệ "Mỹ Thuật Việt Nam", Luận Đàm, bộ I, số 7.1961.

      (3) Theo "Sơ đồ tóm tắt về việc mở mang trường lớp và sự gia tăng số giáo sư và sinh viên thuộc Viện Đại Học Huế", Tạp chí Đại Học, số 1, tháng 2, năm 1958.

      (4) Họa sĩ Tôn Thất Đào tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Hà Nội năm 1938. Từng đạt huy chương vàng Hội Chợ Đấu Xảo Mỹ Thuật Huế năm 1938. Văn bằng Đấu Xảo Mỹ Thuật Hà Nội (1938), huy chương Long bội tinh (1942), và Kim Khánh (1943). Đã tham dự nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Huế (1938), Hà Nội (1939), Sàigòn (1945), Cam Bốt (1939), Nhật Bản (1940), Vatican (1950) ... (Chú thích theo Tập san Tiếng Sông Hương, Dallas, Texas 1996, số đặc biệt kỷ niệm 100 năm Trường Quốc Học Huế, trang 63).

      (5) Xin xem thêm bài viết của chúng tôi về hai nhà điêu khắc này:

      - Huỳnh Hữu Ủy "Điêu khắc Trương Đình Quế, một thế giới hoang dại và thơ mộng", Hợp Lưu số 41, tháng 6-7, 1998.

      - Huỳnh Hữu Ủy, "Tưởng nhớ điêu khắc gia Lê Thành Nhơn", Thế kỷ 21, số 165-166, Xuân Quí Mùi, 2003.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận

      - Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo

      - Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)