|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Trong di sản văn hóa dân tộc, nghệ thuật chạm khắc đình làng là một mảng nghệ thuật đặc biệt quan trọng, góp rất nhiều phần trong việc hình thành một nền văn hóa bản địa độc đáo. Chúng ta thử trở lại với thế giới ấy, tìm hiểu và thưởng thức cái đẹp dân dã gân gũi và kỳ lạ này.
Đình làng Đình Bảng,
huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh
Đối lập với văn chương bác học, chúng ta có một nền văn chương của quần chúng rất khỏe khoắn, giản dị, tự nhiên, đầy lên một vẻ đẹp riêng biệt, tựa như những bông hoa nở thắm ngoài đống nội hoang dã. Trong nghệ thuật cũng thế, đối lập với nghệ thuật cung đình, có nền nghệ thuật dân gian hiện thực và đậm đà tính dân tộc, là sán phẩm cửa đa số nhân dân mà chủ yếu là nông dân, phát triển vũng chãi trên cuộc sống thôn dã một thế giới nghệ thuật mộc mạc, vui tươi, lành mạnh và đầy sinh lực.
Nền nghệ thuật của một dân tộc gắn liền và phản ảnh cuộc đời, vận mệnh, những mơ ước, nhu cầu và khao khát của dân tộc ấy. Những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ cổ của ta, qua các thời đại, với dấu ấn của từng thời kỳ lịch sử, dễ dàng đưa chúng ta đến sự đúc kết minh bạch ấy.
Vào thập niên 60, sau nhiều nỗ lực làm việc, sưu tầm, đối chiếu, tỉ giảo của các họa sĩ, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Mỹ Thuật, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, đặc biệt đáng kể là công lao xây dựng và chỉ đạo tiến hành của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, chúng ta đã có được trong tay một bộ sưu tập khá lớn, một kho tàng vô cùng giàu có về dòng sinh hoạt nghệ thuật này. Ở nơi đây, chúng ta sẽ gặp thấy một bầu khí phóng khoáng, tự nhiên của nhân dân, những biểu lộ tình cảm, khuynh hướng xã hội, thái độ trước cuộc đòi, cũng như những cảnh tượng sinh hoạt của đời quá vãng, rất linh động với nhiều màu sắc phong phú.
Cấu trúc bên trong đình Chu Quyến với các vì kèo và bẩy. Nhiều hình tượng được chạm trỗ trên các cốn gỗ, đầu dư và bẩy. (Ảnh Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự)
Những pho tượng, phù điêu, chạm khắc ấy hầu hết đều được phát hiện dưới các mái đình rêu phong trên khắp các miền đất nước. Nhìn đến đình là nhắc đến làng, vì đình và làng bao giờ cũng đi đôi với nhau. Và khi nói đến làng thì chắc chắn mỗi người dân Việt đều gợn lên bao nhiêu kỷ niệm đầy xao xuyến trong lòng mình. Ngôi đình, hình ảnh tượng trưng của văn minh thôn xã Việt Nam, là dấu ấn của một nền văn hóa lâu đời, là ngôi nhà công cộng của từng mỗi làng mạc, nơi thờ Thần hoàng (l) hoặc các anh hùng của dân tộc, hoặc vị tổ của một ngành nghề truyền thống của cả làng như nghề rèn, nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề đúc, nghề in, nghề dệt vải v.v:.. Đây là nơi tế lễ cũng như đình đám hội hè, nơi nhân dân họp bàn việc chung cũng như để vui chơi, giải trí, dự các buổi trình diễn, hát bội, chèo tuồng.
Trong một bài viết khảo về ngôi đình in trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ trước đây (B.E.F.E.O, q. XXXI), ông Nguyễn Văn Khoan đã dẫn lại định nghĩa về ngôi đình làng của Giran (trong sách Magie et Religion Annamites) chúng ta hãy đọc lại dưới đây:
"Đình là nơi thờ Thần Hoàng bảo hộ của mỗi làng. Nó là trung tâm sinh hoạt tập thể của cộng đồng. Chính tại đây mà hội đồng kỳ mục họp bàn, tại đây quyết định những vấn đề hành chánh hay tố tụng nội bộ. Tại đây có các cuộc tế lễ. Tóm lại, là tất cả hoạt động của đời sống xã hội Việt Nam. Thần Hoàng đại biểu cụ thể linh động toàn bộ những kỷ niệm chung, nguyện vọng chung. Ngài là hiện thân của kỷ luật, tục lệ, luân lý và đồng thời cả sự trừng phạt. Chính ngài thưởng hay phạt kẻ nào tuân theo hay xúc phạm giới luật của ngài. Tóm lại, ngài là uy quyền tối cao được nhân cách hóa, bắt nguồn và lấy sức mạnh từ trong chính xã hội. Hơn nữa, ngài là mối liên hệ của tất cà các phần tử trong toàn thể cộng đồng. Ngài cấu kết lại thành khối, thành một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu hiện thấy ở mỗi cá nhân.
Tóm lại, Đình vừa là đền thờ, vừa là nhà làng, vừa là tòa án, vừa là hành cung của các vị đại thần, hay vua chúa ghé chân, dùng làm nhà trạm, vừa là nơi đình đám, hội hè, ăn uống, hát xướng, vừa là nơi họp chợ làng, và là nơi tòa án thiêng liêng, lại cũng còn là nơi giam giữ kẻ phạm pháp, trước khi phân xử bị trói cột đình, hay phạt vạ, cũng lại vừa là nơi cheo cưới, khao vọng v.v..." (2)
Mọi con dân trong làng tụ tập dưới mái đình như trở về căn nhà chung thực sự của chính mình. Đối với làng mạc Việt Nam, đình là một công trình cổ kính, đồ sộ, và bề thế bậc nhất trong làng mà nhân dân thường góp sức lưu giữ và bảo vệ. Trên vết tích đầy tôn kính ấy của làng, có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, với những chạm khắc trên gỗ, những đục đẽo trên đá, những tượng voi đá, rồng đá; ở bên trên mái ngói rêu phong đè nặng xuống của tòa nhà, đôi lúc, chúng ta ũng gặp thấy bộ tứ linh lân, long, qui, phụng đắp nổi rồi được ghép vào các mảnh sành sứ đầy kỹ xảo, khá đẹp, và chính trên những di tích này, ngày nay, chúng ta đã có thế sắp xếp lại thành hệ thống để đi đến một kết luận nào đó về nền nghệ thuật truyền thống của đất nước.
Hình chạm trên cánh cửa gỗ khám thờ, đình Chu Quyến. (Ảnh tài liệu Hà Văn Tấn và Nguyễn văn Kự)
Qua các tác phẩm điêu khắc dân gian cổ, qua những bức chạm khắc dưới mái đình làng, chúng ta còn dễ dàng nhận ra một thế giới gần gũi, thân quen, yêu đời giữa các làng mạc Việt Nam xưa. Nhà điêu khắc dân gian của chúng ta không chạm trổ theo kiểu mẫu, không phải gò bó trong những qui luật cứng nhắc về đề tài, dáng hình, bút pháp biểu hiện, mà đi thẳng vào cuộc sống, khắc chạm chính hơi thở, suy nghĩ và cuộc đời mình, khắc chạm chính những hình ảnh chung quanh mà bao nhiêu năm tháng đã in sâu vào tâm hồn, đã chim sâu dưới đáy tiềm thức.
Nét đục, nhát dao, nhát búa mạnh khỏe, vững chãi và thần tốc trên các tảng chất liệu bằng gỗ, bâng đá. Hình ảnh lọc qua tiềm thức, hiện trở lại trên tác phẩm rất dễ dàng, mộc mạc, rất chất phác, hồn nhiên. Hấp dẫn là chỗ ấy. Đứng trước các bức điêu khắc cổ, cảm thức thẩm mỹ của chúng ta dễ bị cuốn hút, những động tác đục chạm điêu luyện, kỳ tình, ngoạn mục như đang sống lại, hòa cùng hơi thở đắm say, nồng nhiệt của nghệ sĩ, đúng hơn là nghệ nhân mà cũng là anh nông dân dưới lũy tre làng. Lạc vào đây, chúng ta sẽ sống lại giữa những đình đám hương thôn rực rỡ và ấm cúng, giữa những nụ cười vui tươi, giữa những tình tự yêu đương hồn hậu, nồng nàn, giữa những cảnh đời lao động sàn xuất lành mạnh, lạc quan và đầy hy vọng. Những mảng đề tài ấy đã phản ảnh một cách tự nhiên những sinh hoạt độc đáo, đẹp đẽ và thơ mộng nhất của một nền văn minh nông nghiệp từ những ngày đầu dựng nước cho mãi đến ngày nay.
Hãy thử xem vài tấm phù điêu, chạm khắc điển hình trong hàng ngàn, hay cả đến hàng vạn tác phẩm rải rác khắp làng mạc, thôn xóm Việt Nam. Cảnh Đánh cờ với bốn người đang ngồi quanh một bàn cờ ở đình Ngọc Canh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (thế kỷ XVII), hai người đánh cờ thì lớn hẳn, củ chỉ đàng hoàng, đĩnh đạc, trong khi hai tay chỉ quân mách nước thì nhỏ hẳn, một người dường như đang thắng thế thì cử chỉ ra vẻ hả hê, vui sướng, áo phanh bụng, quần kéo lên quá gối, lại có người "chầu rìa", thì ngược lại, tiu nghỉu ra chiều buồn lòng vì đã mách nước mà không được nghe.
Xem tấm Đánh cờ, thế nào chúng ta cũng phải thấy buồn cười đôi chút, và biết đâu vào một buổi nào đó, nỗi u sầu trong lòng ta sẽ được xóa đi đôi phần, khi đứng trước tấm chạm khắc này. Về mặt bố cục, nó chẳng biết đến luật phối cảnh là gì, thế nhưng vẫn hết sức chặt chẽ, vững chắc, rất đầy đặn, không dư thừa, bố trí theo một lối nhìn rất ngây ngô, trẻ thơ, thấy cần mô tả, biểu đạt như thế nào thì cứ thế mà đưa nhát dao đục chạm. Thực ra cái ngây thơ ở đây không phải là ngây thơ của trẻ con, mà chính là của một cảm xúc đã trưởng thành, đã được chiếu rọi dưới ánh sáng của trí tuệ và ý thức. Để so sánh về một mặt nào đó, ta có thể nghĩ đến Rousseau và Marc Chagall của hội họa Phương Tây trong lối nhìn, cách bố cục và những mảng màu thuần nhiên, thơ mộng.
Mèo ngoạm cá, đình Bình Lục, Quảng Ninh, thế kỷ XVIII. Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Cũng với lối nhìn ấy, ta sẽ gặp nơi bức Gà chọi ở đình Liên Hiệp, huyện Quốc Oai, Hà Tây (thế kỷ XVII). Con gà lớn gần băng người mang gà đi chọi, nó chẳng cần biết đến sự cân xứng đúng mức về mặt giải phẫu cơ thể học. Ở đây là sự cân xứng do một luật tắc tỏa ra từ tâm hồn nghệ sĩ, biến đối tượng trở thành khác đi mà vẫn giữ được khí chất và sự thân quen ban đầu. Bức Gà chọi này cũng dễ làm chúng ta liên tưởng đến tranh Vinh hoa ở làng Đông Hồ, vẽ một chú bé ôm gà, về mặt phong cách tạo hình và cả đề tài đều rất gần gũi nhau. Họa sĩ Nguyễn Đồng, trước bức Gà chọi này thì lại liên tưởng đến bức tượng tạc hình người với con cừu của Picasso, và bức chạm khắc Mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục (Quảng Ninh, thế kỷ XVIII) thì anh lại liên tưởng đến tranh vẽ Mèo ngậm chim cũng của Picasso (3). Quả đúng như thế, giữa phù điêu dân gian Mèo ngoạm cá Việt Nam với bức tranh Mèo ngậm chim của Picasso rất gần gũi nhau, đến gần như sao chép của nhau, hoặc tác phẩm trước của thế kỷ XVIII chính là tiền thân của tác phẩm sau của thế kỷ XX. Có lẽ ngay cả đến Picasso, nếu đưa cho ông xem bức chạm khắc đình làng của chúng ta trước ông hơn 200 năm thì hẳn là ông cũng phải giật mình ngạc nhiên lám.
Trong tác phẩm của Picasso có nhiều dấu vết của nghệ thuật da đen, điều ấy thì rõ ràng dễ hiểu nhưng trong trường hợp này thực là hết sức lạ lùng! Và chính ở đây, chúng ta có thể nghiệm ra một điều: nghệ thuật chẳng có trước có sau, điều mà chúng ta tưởng là mới mẻ thì lại chỉ là luẩn quẩn của một thứ có từ bao nhiêu đời trước, và ngày nay sau khi đi qua nhiều khuynh hướng tân kỳ này khác, người ta lại trở về với cái cũ kỹ nhất, là nghệ thuật có hình (art figuratif), như vậy thì nghệ thuật chẳng còn nên lấy chuyện mới cũ, trước sau làm thành vấn đề nữa, cái đẹp mới chính là cái quan trọng vậy.
Đã xem qua tranh dân gian Đông Hồ, chúng ta hẳn là đều thích hai bức đặc sắc nhất của loại tranh này: tranh Hứng dừa và Đấu vật. Trong kho tàng điêu khắc dân gian cũng có hai bức chạm khắc tương tự: Đấu vật ở đình Hoàng Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nửa sau thế kỷ XVII). Hai người cởi trần đóng khố, thân thể to lớn, lực lưỡng, bắp tay mập mạp, đang ôm nhau trong tư thế đấu vật hăng say, chỉ khác tranh Đấu vật Đông Hồ là trên tranh thì không phải là hai người mà đến mấy cặp đang cùng nhau thi đấu, ở bên ngoài lại có người đợi đến lượt mình.
Bức Hái dừa chạm khắc một người đàn ông mình trần đóng khố, đang leo lên hái dừa. Ở trong tư thế leo lên, chân còn đạp vào gốc cây nhưng tay đã với tới những trái dừa, thân hình anh ta còn lớn hơn cả cây dừa. Bức phù điêu gợi lên một vẻ đẹp rất hoang sơ, một thứ hoang sơ vô cùng thơ mộng nơi những bức tranh của Gauguin vẽ thiên nhiên và con người ở hải đảo Tahiti xa xôi. Nơi bức chạm khắc này, nhà nghệ sĩ dân gian của chúng ta đã ghi nhận và biểu đạt thế giới một cách rất tài tình: thân cây dừa, những tàu lá, những chùm trái được cách điệu thực hết sức giản dị mà phong phú, vả người hái dưa, vì là vai trò chủ đạo, cần phải lớn hẳn, phải đạt đến kích thước cần thiết để đập mạnh vào mắt mọi người xem, để biểu lộ được tất cả tính cách trung tâm của mình.
Xem lướt qua các tác phẩm điêu khắc dân gian đình làng, rồi dựa vào nội dung và đề tài, có thể tạm xếp thành các mảng sau:
Điêu khắc gỗ một số cảnh sinh hoạt xã hội, Thổ Tang, Vĩnh Phú, thế kỷ XVII
- Cảnh sinh hoạt xã hội: Những dáng người được chạm khắc trong nhiều tư thế khác nhau, hoặc với y phục và vật liệu trang bị khác nhau cho thấy sự khác nhau về vị trí và nghề nghiệp của họ trong xã hội, ví dụ ở đình Thổ Tang, Vĩnh Phú, thế kỷ XVII hoặc đình Liên Hiệp, Hà Tây, thế kỷ XVII.
- Đời sống săn bắn: Cảnh người ngựa đi săn, bắn hổ, đâm báo, đánh nhau với hổ.
- Đời sống trồng tỉa: Người và trâu đi cày, hái dừa.
- Đời sống giải trí: Cảnh hội hè, đi chơi thuyền, đánh cờ, đấu vật, đá cầu, hát ả đào, chuốc rượu, đua thuyền.
- Hình ảnh nhũng con vật quen thuộc: Voi, ngựa, gà, mèo, cá, chim chóc...
- Những khía cạnh trữ tình trong đời sống bình thường: Cảnh tình tự, chải tóc, tắm trong đầm sen, cảnh trai gái đùa giỡn.
- Cái nhìn dí dỏm và đả kích: Cảnh quan quân hà hiếp và cướp bóc dân chúng, cảnh quan viên cợt nhả với các cô gái.
Trước thế giới chạm khắc gỗ này, có lẽ chúng ta nên nhìn ngắm và thưởng lãm đặc biệt những phiến đoạn mang nhiều màu sắc trữ tình mộc mạc nơi chốn đồng dã, vì quả là rất đẹp, thơ mộng và tươi mát đến ngần nào. Hồn nhiên và ngây ngô biết bao những cảnh tượng trai gái âu yếm, chơi đùa, nghịch ngợm, chải tóc cho nhau, chàng trai tinh nghịch để tay lên yếm một thiếu nữ.
Quan viên cợt nhã các thiếu nữ đang tắm trần nơi ao sen mùa hè, Đền Đệ Tam, Nam Hà, thế kỷ XVII. (Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam)
Nhưng còn hết sức là dí dỏm với một phiến đoạn khác, mô tả cảnh tượng một bầy thôn nữ đang trần truồng chơi giỡn giữa một ao sen mùa hè, thì bỗng đâu một gã quan viên xuất hiện, không phải chỉ là để trêu ghẹo từ xa, mà còn thực là hết sức thô lỗ, dâm bôn, như muốn làm chuyện ẩu tả, kỳ quái. Các cô gái vội vàng lấy những cành sen, lá sen che đậy thân mình. Gã quan viên ăn mặc nghiêm chỉnh, các cô gái thì trần truồng, hở hang, tạo nên một thế giới đầy sự giễu cợt, châm chọc, đả kích mà vẫn rất vui, rất buồn cười, đầy chất hài tính. Không khi ấy dễ gợi cho chúng ta nhớ đến cái nghịch ngợm trong thơ Hồ Xuân Hương, nơi chuyện hài Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất, nơi ca dao tục ngữ từ bao nhiêu đời rồi. Và cũng cần đặc biệt để ý đến điểm này: giữa một nơi tôn nghiêm; người nghệ sĩ dân gian đã táo bạo thực hiện một tác phẩm mà tự nó đã chứa đựng tiếng nói đả kích, bày ra một cảnh tượng dâm bôn, phi luân, thì chắc chắn không thể nào không hàm chứa ý nghĩa của một lời tố cáo.
Gã quan viên ở đây không phải chỉ là quan viên của làng xã, mà cũng có thể của triều đình phong kiến, nói tắt, có lẽ phải hiểu theo nghĩa tượng trưng, đấy là hình bóng của thể chế chính trị và giai cấp cầm quyền bấy giờ. Và cũng vì thế chúng ta rất dễ liên tưởng đến hai câu ca dao xưa:
Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi.
Hay mấy câu khác nữa nói về câu chuyện "Ông nghè ve cô hàng rượu"
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè sai lính ra ve
Trăm lạy ông nghè con đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.
Trở lại với phiến đoạn chạm khắc Cánh quan viên cợt nhả với các cô gái trần truồng bên ao sen mùa hè, chính cảm hứng từ phiến đoạn chạm khắc đó mà Chế Lan Viên đã viết được bài thơ ngắn khá đặc sắc Người thợ chạm, dù tính nghị luận, phân tích, và chất duy lý hơi cao, vẫn cứ là một bài thơ bay. Có một điều cần để ý là dù nặng chất duy lý, Chế Lan Viên dường như cũng đã bỏ qua và quên hết lối phát biểu dựa trên những cắt nghĩa về sự ức chế, từ lịch sử, xã hội, đến tâm lý, để chỉ còn lại cái đẹp hồn nhiên, trong trẻo và đầy thi vị hiện ra và trùm đầy khắp nơi trên bài thơ này (4).
Người thợ chạm
Đâu vương triều? Đâu là Mạc, đâu là Lê?
Còn lại đây người tắm trần trên thớ gỗ
Nét dao chạm quên mất mặt rồng vua chúa
Chỉ để lại hoa người và một lá sen che.
Chỉ mới qua một vài tác phẩm chạm khắc đình làng, chúng ta đã có dịp thấy và cảm được thế nào là cái đẹp riêng gắn bó với đất nước từ bao nhiêu đời qua. Những bức chạm khắc ấy đã vẽ lại nhiều mặt của đời sống dân tộc trong quá khứ, cho ta nhận ra cốt cách, tâm hồn của nhân dân ta một cách sâu sắc nhất. Và nói như Nguyễn Đỗ Cung: "Những tác phẩm ấy phản ảnh tất cả vẻ đẹp, chứa đựng mọi hương thơm của quê hương và Tổ Quốc". (5)
Ngày nay, chính vì thế, chúng ta sẽ càng hết sức trân trọng giữ gìn và bảo vệ.
CHÚ THÍCH:
(1) Thần hoàng là tiếng gọi tắt quen dùng của chữ Thần Thành Hoàng, là vị thần được thờ ở mỗi làng, nguyên là người sáng lập thôn ấp đầu tiên hay các quan dinh điền, đồn điền được dân mến, chết rồi được thờ: Miễu thành-hoàng, Thành- hoàng bổn-cảnh (Theo Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Từ Điển, quyển hạ, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970, trang 1513).
Có lẽ cũng nên hiểu thêm một chút nữa về phương diện ngữ nguyên: Thành là tường bao quanh. Hoàng là hố sâu đào theo chân tường, hố không có nước (Gustave Hue trong Tự Điển Việt Hoa Pháp dịch chữ Hoàng là Fossés de citadelle sans eau); hào hố bao quanh tường mà có nước thì gọi là Trì. Theo Nguyễn Toại trong bài viết tản mạn Nhớ lại hội hè tình đám in trong niên san Nghiên Cứu Việt Nam, tập I, nhà Sùng Chính xuất bản ở Huế năm l973, thì thành hoàng có một vị thần là Thần thành hoàng. Vị thần này xuất hiện tại Trung Quốc vào khoảng giữa đời Hán và đời Lục Triều. Vào năm 555, tướng Mộ Dung Nghiễm có tế Thành Hoàng, đó là di tích của lễ tế Thần Xã của các nước chư hầu thời phong kiến.
Người ta tế Thành-Hoàng cũng như người ta tế Thần Xã để cầu phúc lợi, an khang cho dân lành, để cầu cho côn trùng, sâu bọ đừng cắn phá mùa màng, cây lúa. Việc tế Thành Hoàng càng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Các văn nhân đời Đường như Trương Duyệt, Trương Cửu Linh, Đỗ Mục đều có làm văn tế Thành Hoàng. Từ đời Đường về sau, khi xây thành lũy cho một thị trấn nào, người ta xây luôn miếu Thành Hoàng. Quan cai trị nhà Đường khi sang nước ta chắc cũng làm như thế, vậy nên ở đất An-Nam Đô-hộ- Phủ cũng có các miếu Thành Hoàng. Khi nước ta độc lập, tập tục lề thói đó không bị phế bỏ, vậy là ở đâu ta cũng thấy Thành Hoàng.
Ý nghĩa của "Thần Thành Hoàng" thì có thể nói tóm lại như bên trên. Để có thể tìm hiểu kỹ hơn, xin tìm đọc thêm các tài liệu khác như:
- Nguyễn Văn Khoan "Essai sur Le Đình et le culte du génie tutélaire des villages au Tonkin", Bulletin de L'Ecole Francaise d'Extrême-Orient, tome XXXI, Hà Nội, 1930.
- Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, Đình Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
- Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, bản in lại, Phong Trào Văn Hóa, Sài Gòn,, 1974.
- Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người và Đất Việt (bản mới), Văn Học xb, California, 2000; để xem thêm cách giải thích của nhà sử học này, không những chỉ giải thích về Thần Thành Hoàng, mà mở rộng cả lối giải thích mới về hệ thống thần linh Việt Nam, mà trên cơ sở đó, tác giá có tham vọng đặt nền tảng cho việc viết lại một bộ sách lịch sử của dân tộc phù họp với những đòi hỏi của thời đại khoa học.
(2) Lê Văn Siêu trích dẫn, Việt Nam Văn Minh Sử Lược Khảo, Tập thượng, Từ Nguồn gốc đến thế kỷ X, Trung tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xb, Sàigòn, 1972, trang 255.
(3) Nguyễn Đồng, Những nụ cười của gỗ. Vài đặc điểm nghệ thuật trong điêu khắc đình làng Việt Nam thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Thế Kỷ 21, số 23, 1991.
(4) Nhân đề cập đến phiến đoạn chạm khắc Cảnh quan viên cợt nhả với gái quê trần truồng bên ao sen mùa hè, bài viết này đã lan man qua đến mấu câu ca dao Bộ binh Bộ hộ Bộ hình, rồi Ông Nghè ve cô hàng rượu và bài thơ Người Thợ Chạm của Chế Lan Viên. Cũng loanh quanh với vấn đề này, chúng tôi xin trich thêm ở đây mấy lời bàn rất lý thú của Trương Tửu, phát biểu trên báo Loa từ năm l935.
"Trong cái yên lặng giả dối của xã hội Việt Nam vẫn ấp ủ một sức phá hoại. Dân tộc ta sống theo hai dòng sinh khí ngược nhau. Ở từng trên, các đồ đệ trung thành của đạo Khổng chịu hy sinh cá thể cho chế độ tổ truyền. Trái lại, ở từng dưới, đám bình dân quê mùa thô lậu, vẫn sống theo thiên nhiên.
Những câu ca dao tục ngữ, bông lơn, mánh khóe, theo ý tôi, chính là sự trả thù của dân chúng đối với quan niệm nhân sinh khô khan của Nho giáo.
Những câu ve vãn, bỡn cợt, những bài ca than thân trách phận, những khúc hát ai oán của cô thôn nữ nhỡ nhàng tình duyên, những ngạn ngữ phóng đãng, táo bạo, ta thường nghe vẳng bên trong lũy tre xanh. Tất cả đều chứng thực rằng dân chúng Việt Nam vẫn khao khát sống một cuộc đời đầy đủ hơn, lý thú hơn cái đời nhân tạo ngoài xã hội (của nhà Nho). Họ có một tâm hồn rào rạt, biết cảm xúc tất cả những tình tha thiết cửa loài người".
(Phê bình Tố Tâm của Song An, Loa 25-7-35)
Trương Tửu đã phát triển ý kiến trên trong chương X của Kinh Thi Việt Nam (Hàn Thuyên, Hà Nội, l945) khi đề cập đến đời sống bản năng trong tục ngữ, phong dao, đồng dao... Ông cho rằng chính các nhà nho, các người cầm quyền đặt ra lễ nghi, luật pháp để kiềm chế bản năng, cái dâm tính, cái nhục dục, nhưng chính các người đặt ra những thứ ấy cũng không tài nào kềm chế nổi, mới có chuyện "ông nghè ve cô hàng rượư". Vậy nên, cái bản năng này là thiên tính không ngăn cấm được, là nhu cầu bình thường của con người, là động cơ chính của hành vi con người, và vì vậy bao giờ nó cũng mạnh hơn cả, và luôn tỏ rõ một sức đề kháng bền bỉ với sự đè nén của luân lý và pháp luật. (Kinh Thi Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin tái bản, Hà Nội năm 2000, trang 132-144).
(5) Nguyễn Đỗ Cung, Việt Nam: Điêu Khắc dân gian, Thế Kỷ XVI, XVII, XVIII. Nxb Ngoại Văn, Hà Nội, 1975.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |