|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm
(1930 - 2017)
Trong một khu vườn trăm hoa đua nở, thông thường những bông hoa sặc sỡ, hương thơm ngào ngạt hoặc có một kích thước dễ được nhìn thấy, thường được tự phô bầy ngay trước mắt khiến mọi người có thể nhận thức được ngay khi mới bước vào vườn hoa. Còn có những loài hoa với hương thơm nhẹ diụ quyến rũ và với những mầu sắc hài hoà thanh nhã, tuy đã hiện hữu cùng với những loài hoa khác, nhưng loài hoa hiếm quí này không dễ gì mà thấy chúng dễ dàng được. Trong vườn hoa âm nhạc, Vũ Đức Nghiêm là một trong những loài hoa hiếm quí ấy. Nhạc cuả ông thanh nhã, tiết điệu rất tuyêt vời, không quá cầu kỳ để trở thành diêm dúa lố bịch, nhưng cũng không giản dị mộc mạc thái quá để dễ bị đồng hoá với hình ảnh của người “nhà quê đi guốc mộc”.
Nhạc của Vũ Đức Nghiêm có một sức quyến rũ lạ thường rất dễ thông cảm, càng nghe càng thấm thía và thích thú. Nhạc cuả Vũ Đức Nghiêm không ồn ào xô bồ, mà lãng đãng như mây trời, có khi như tiếng suối reo, có khi ầm ì như sóng biển vỗ trên ghềnh đá và đôi lúc tuôn trào như thác lũ. Cũng có chút thoáng buồn nhưng không cay đắng. Bằng thanh âm trầm bổng trong tiếng nhạc Vũ Đức Nghiêm đã diễn tả tài tình một “Tình Yêu” thanh nhã, thật lãng mạn nhưng cũng không kém đam mê. Tình yêu qua nhạc Vũ Đức Nghiêm quả thật là những bông hồng, những nụ hồng hiếm, thật đẹp, trân quí và nồng nàn cho “người yêu dấu”.
Vũ Đức Nghiêm, một tên tuổi đi vào lòng người không bằng xảo thuật cuả thương trường âm nhạc, không bằng những quảng cáo ồn ào nặng mùi thương mại, mà bằng những nét nhạc trong sáng, nhẹ nhàng đầm ấm, rất dễ ru hồn người vào những cơn mộng ảo cuả “Tình Yêu.” Hôm nay Hương Kiều Loan mời độc giả bước vào khu vườn hoa cuả nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm để trò chuyện cùng ông, và cùng thưởng thức những đoá hoa thơm, xinh đẹp mà nhạc sĩ đã tặng cho người và cho đời.
Hương Kiều Loan (HKL): Thưa anh, sau khi nghe CD “Đoá Hồng Cho Người Yêu Dấu” thì tôi đã nghĩ phải nhấc điện thoại, để nói lời cảm tạ nhạc sĩ đã cho nghe những bản nhạc mà tôi rất yêu thích. Nhân tiện, cũng xin anh cho độc giả biết chút it về thân thế, tiểu gia đình và đại gia đình cuả anh ạ.
Vũ Đức Nghiêm (VDN): Tôi sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, tỉnh Nam Định. Tôi là con thứ nhì trong một gia đình gồm 8 anh em trai và 2 em gái. Chín anh em tôi đang sống rải rác nhiều nơi ở hải ngoại. Một người còn đang ở Việt nam. Tôi lập gia đình năm 1954. Chúng tôi được 7 cháu, tất cả đều đã có gia đình.
HKL: Xin anh cho biết ngoài CD “Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu”, anh có ra những CD khác không ạ? và thể loại cuả nhạc? Tình ca? Thánh ca? Quân hành?
VDN: Ngoài CD “Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu”, tôi còn có mấy CDs về Tôn Vinh Ca và về Giáng Sinh. Tôi gọi là Tôn Vinh Ca, mà không dám gọi là Thánh Ca, vì “Thánh Ca” là những bài đã được giáo hội công nhận từ bao thế kỷ. Tôi chỉ viết Tôn Vinh Ca để ca ngợi Thương Đế, chứ không dám có cao vọng viết thánh ca, từ ngữ có vẻ lớn lao quá. Tôi đã thực hiện những CDs Tôn Vinh Ca 1, 2, 3, 4 và một vài CDs về Giáng Sinh mà tôi sẽ cho ra mắt trong dịp Giang sinh năm tới. Còn về nhạc quân hành, thì ngày xưa, tôi có viết, nhưng bây giờ, còn có ai hát quân hành nữa đâu? Bản nhạc Tôn Vinh Ca đầu tiên tôi sáng tác trong tù là Thi Thiên 90, bài thánh vịnh cổ nhất, cũng là bài cầu nguyện cuả thánh Môi-se.
Vào tù rồi, nhưng Vũ Đức Chỉnh, em tôi, đã giấu được một cuốn Kinh Thánh. Đây là cuốn Kinh Thánh của bố tôi cho, trước khi mất nước. Trong tù, hai anh em tôi đã phải lén lút, mỗi lần đọc Kinh Thánh. Một hôm, đọc đến Thi Thiên 90, tôi đã phổ ngay bài này trong vòng tuần lễ sau đó. Tôi tìm cách chuyển bài hát ra ngoài, và Thi Thiên 90 đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều Hội Thánh Tin Lành trong nước, cũng như ở ngọai quốc. Ca khúc này dài vào khoảng 200 trường canh. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc, cô em tôi ở nhà thờ Tin Lành Saigòn, đã tìm cách chuyển được bản nhạc qua Mỹ, gửi làm nhiều lần, mỗi lần một vài tờ.
HKL: Xin anh cho biết cơ duyên nào khiến anh bước vào lãnh vực âm nhạc?
VDN: Ngay từ ngày còn nhỏ, tôi thường đi hát trong ca đoàn của nhà thờ, đến khi là tráng niên cũng vậy. Tôi yêu âm nhạc, có lẽ do ảnh hưởng của bố tôi. Ông cụ ngâm thơ rất hay. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thấy bồi hồi, tưởng như đang nghe đươc giọng ngâm thơ của cụ, Hơn nữa, tôi cũng được ảnh hưởng của mẹ tôi, qua những lời ru ngọt ngào của bà, nên từ đó, lòng yêu âm nhạc đã gắn liền với tôi tự bao giờ không hay.
HKL: Anh có tốt nghiệp ở trường âm nhạc nào, hay là theo học với một nhạc sĩ nào không?
VDN: Thưa không, tôi không hề được đặt chân đến một trường âm nhạc nào, và cũng như chưa đựợc theo học một nhạc sĩ nào cả. Tôi tự học, và học hỏi qua bạn bè. Tôi có những người bạn thân rất giỏi về âm nhạc như Phạm Đình Chương, Nhật Bằng đã chỉ vẽ cho tôi. Sau này, thì được thêm một số nhạc sĩ khác chỉ bảo cho. Ngoài ra, khi ở trong tù, tôi có cơ may đươc hoc hỏi thêm về âm nhạc qua những nhạc sĩ Thiên Quang, Lê Như Khôi, và Lê Ngọc Linh.
HKL: Bản nhạc đầu tiên anh sáng tác vào thời điểm nào, xin anh cho độc giả được biết .
VDN: Bản nhạc đầu tiên tôi sáng tác là một bản nhạc tình, tặng cho cô bạn gái cùng tuổi, học cùng trường ở Hải Phòng. Năm đó, chúng tôi mới 15, 16 tuổi, cùng thích hát, thường nghêu ngao hát với nhau. Bây giờ nhớ lại, bản đó thật quá đơn sơ về nhạc lý, nhưng vẫn thấy lòng bồi hồi rung cảm, bởi vì đó là bản nhạc đầu tiên mình viết được.
HKL: Thưa anh, trong đại gia đình anh, có người nào có khả năng về văn nghệ như anh không? Nếu có, thì trong lãnh vực nào? Văn, thơ, hoạ, v.v?
VDN: Tôi có người anh lớn, chơi Violon, nhưng chỉ là chơi nhạc chứ không sáng tác. Ngoài ra, tôi có người em gái là Bạch Cúc, chơi piano, và người em út, Vũ Trung Hiền, chơi guitar, và hát, nghe cũng được. Vũ Trung Hiền viết cuốn Duyên Anh và Tôi, Những Câu Chuyện Bên Ly Rượu, xuất bản đầu năm 2000, ghi lại rất nhiều kỷ niệm với Duyên Anh.
HKL: Người ta nói văn thơ… thường vận vaò đời sống, số mạng con người. Anh thấy những nhận xét naỳ có đúng không ạ? Và nếu đúng, đã vận vaò số mệnh anh như thế naò?
VDN: Theo tôi nhận xét, những người nghệ sĩ thường đuơc Thiên Chúa ban cho một sự linh cảm nhiệm mầu, đôi khi họ có thể cảm đươc những gì sẽ xẩy đến, Thí dụ như Nhạc Sĩ Phạm Duy, cách đây mấy chục năm, ông đã viết bản nhạc Viễn Du: “Ra sông, biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng” Tôi có cảm tưởng như Pham Duy đã được một mặc thị nào đó, và tiên đoán được những gì xẩy ra cho đất nước ở tương lai.
Riêng với tôi, những năm còn ở Đàlạt, tôi đã viết bài hát Trong Ngục Tù Bao La khi nghĩ đến người yêu bé nhỏ của mình, vì hoàn cảnh trái ngang, phải xa tôi. Nàng đi lấy chồng, và người chồng đó vì quá ghen tuông, sau đám cưới, đã nhốt nàng ở nhà, không cho nàng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tôi đã hình dung ra một nàng cung phi bị giam nơi lãnh cung, khi nghĩ và nhớ về nàng.
Không đầy sáu năm sau, tôi đã bước vào tù ngục, khi miền Nam chúng ta thua trận, hàng trăm ngàn đồng bào và đồng đội của tôi đã bị giam nhốt vào cái nguc tù bao la đó.
HKL: Được biết anh đã bị cầm tù trong traị cải taọ tới 13 năm, thưa anh trong tù, anh có gặp được những nhac sĩ nào? Và đã có những kỷ niệm vui buồn nào anh muốn chia sẻ với độc giả Hồn Quê?
VDN: Tôi đã gặp đươc các nhà thơ Hà Thương Nhân, Tô Thùy Yên, Nguyễn Xuân Thiệp, v.v… và anh em đã chia sẻ với nhau những vui buồn, nâng đỡ tinh thần nhau, và sáng tác chung với nhau. Trong thời gian bị biệt giam cùng với Hà Thượng Nhân, tôi có dịp trao đổi với ông về những cảm xúc dạt dào nhớ vợ thương con, và tôi đã phổ nhạc một số bài thơ tù của Hà Thượng Nhân, cùng mấy bài thơ cuả Tô Thùy Yên (Mùa Hạn) và Nguyễn Xuân Thiệp (Điệu Hoài Hương Xanh, Giả sử Mai Ta Về). Tôi nghĩ đó là những tuyệt bút sẽ đưa tên tuổi của họ vào thi sử, nhất là trong địa hạt thơ tù. Bài thơ Xin Làm Cỏ Biếc Vương Chân Em Đi của Hà Thượng Nhân, do tôi phổ nhạc năm 1981 đã được thu băng (Bích Ngọc hát). Bài này còn được biết đến dưới tên Mai Em, Anh Về. Bài thơ đó như sau:
Mai em, anh về
Xin làm cỏ biếc
Vương chân em đi
Xin làm giọt mưa
Mưa dầm rưng rức
Trên vai người yêu
Anh cầm tay em
bàn tay khô héo
anh nhìn mắt em
gió lùa lạnh leõ
anh nhìn lòng mình
muà đông mông mênh
cỏ non mùa xuân
còn xanh dấu chân
trăng non mùa hạ
uớt đôi vai trần
có xa không nhỉ
ngày xưa thật gần
có xa không em?
Ngày xưa thật gần.
Mong rằng có dịp thu âm lại và gửi Hương Kiều Loan để tạ lòng tri kỷ, xin Hương Kiều Loan vui lòng chờ nhé.
HKL: Được biết anh đã từng ở trại tù Long Giao. Kỷ niệm naò đặc biệt tại nơi đây đã khiến anh viết bản nhạc Mưa Long Giao?
VDN: Trong hơn 13 năm tù ngục, có một thời gian tôi ở cùng trại với nhạc sĩ Nhật Bằng (đài phát thanh quân đội), nhạc sĩ Thiên Quang, chỉ huy trưởng quân nhạc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Chúng tôi có nhiều lần trao đổi tâm tình và kinh nghiệm sáng tác. Thiên Quang cũng giúp tôi học hỏi thêm về hoà âm. Những ngày tù đầu tiên ở trại Long Giao, tôi cũng ở gần các nhạc sĩ Lê Như Khôi, Lê Ngọc Linh và cũng học hỏi được thêm từ hai anh nhiều kinh nghiệm sáng tác và lý thuyết hoà âm.
Bây giờ kể đến kỷ niệm những ngày ở trại tù Long Giao, năm 1975. Có nhiều hôm trời mưa, mưa nhiều như nước mắt những người tù.
Hà Thượng Nhân ở tù chung với tôi trong thời gian đó. Ông là một nhà thơ nổi tiếng từ lâu. Lúc ấy, ông đã khỏang 60 tuổi rồi, nên coi tôi như một người em. Một hôm, anh Hà Thượng Nhân đưa tôi một bài thơ, và bảo: Tôi mới làm bài này, cậu xem có được không? Tôi xem xong, nói ngay: Em sẽ phổ nhạc bài thơ này. Bài thơ như sau:
Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cỏ cây đẫm lệ
Mà cỏ cây lệ tuôn?
Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh
Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây
Gủi làm sao nỗi nhớ
Trao làm sao niềm thương
Nhớ thương như trời đất
Trời đất cũng vô thường
Ngày xưa chim hồng hộc
Vượt chín tầng mây cao
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân coi nhỏ hẹp
Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?
HKL: Thưa anh, làm cách nào anh cho bản nhạc đi thoát ra ngoài để đến tay người nhà và được phổ biến sau đó a?
VDN: Năm đó có người tù được thả về. Tôi gửi anh bạn tù bản nhạc, nhờ anh mang ra ngoài. Anh ta nói nếu đề tên VDN, thì không cách gì lọt qua được mạng lưới kiểm soát của ho, nhưng nếu ghi là Nhạc Liên Xô, chắc mang ra được. Nhờ thế, bản nhạc đã đến tay người nhà tôi.
HKL: Trong 13 năm bị giam cầm đó, xin anh cho biết, anh đã traỉ qua những trại giam nào? Và nơi nào đã có những kỷ niệm vui buồn, đau thương, đặc biệt nhất?
VDN:Từ trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa, tôi bị đưa ra Bắc (Hoàng Liên Sơn) tháng Sáu 1976, và chuyển qua nhiều trại ở vùng Yên Báy, Lào cay, v.v; tháng 10,1978, chuyển trại về trại giam Nghệ Tĩnh G ( NT 6); tháng 1/1981 chuyển trại về Hàm Tân; tháng 4/1982 chuyển về trại Xuân Phước (Phú Khánh) cho đến tháng 9/88, được trả tự do.
HKL: Nhiều bạn bè khen bản nhạc Giả Sử Mai Ta Về, thơ Nguyễn Xuân Thiệp, do Vũ Đức Nghiêm phổ nhạc. Anh có kỷ niệm đặc biệt nào với nhà thơ đó không? Và do đâu anh cóï cảm xúc để viết thành bản nhạc?
VDN: Tôi rất thích thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Bài Giả Sử Mai Ta Về đã gợi trong tâm hồn tôi một nỗi buồn khi nghĩ đến thân phận mình ngày được thả về, nếu như có một ngày như thế. Bài thơ ấy như sau:
Giả Sử Mai Ta Về
Giả sử mai đây ta về lại trên đường, gặp tuổi thơ ta cười giòn tan trong nắng
Đuổi bắt trái sao khô xoay tròn khi gió vang, ai gọi ta mà mùa Thu rơi đỏ mộng
Giả sử mai đây ta về trên con phố cũ, ai đốt lên cho ta những ngọn đèn trong sương?
Có đôi mắt nào nhìn ta qua khung cửa kính?
Ôm con gấu bông vàng từng mơ mùa chín mật hương
Ôm cuộc đời dẫu đã xa còn y như ngày trước
Những bức tường nghiêng và những khóm tầm xuân
Ai trèo lên cao mà vừa nghe huýt sáo
Mặt trời, bạn hiền ơi, chờ ta qua mấy ngọn thùy dương
Bởi chiếc roi bạo lực chẳng thể vung hoài trong gió
Chú ngựa non reo tiếng lạc trên đồi
Các con ta duới vầng trăng tuổi nhỏ với ước vọng xanh như người thổi bóng lên trời
Và em nữa tất nhiên vẫn là em thời trẻ, của Saigon nằm mở cửa những đêm vui
Em và Saigon ăn ô mai ngoài phố, em và Saigon như một vệt son môi
Đã lâu lắm dường như ta không còn trẻ nữa
Con chim biếc bay rồi vườn vắng cây khô
Chợt một buổi nghe dòng sông nức nở, gọi ta về thầm kể những đêm xưa
Ôi giả sử mai đây ta về lại bên đời
Dẫu chẳng còn ai biết đến ta chẳng còn ai đợi cửa
Thì trọn kiếp ta xin làm người nghệ sĩ rong chơi
Đi đọc thơ ta giữa vùng bụi đỏ?
HKL: Trong tù, bị kiểm soát nghiêm ngặt như vậy, làm thế nào những người nghệ sĩ như các anh vẫn sáng tác được, và làm sao để giấu được những sáng tác của mình?
VDN: Tôi có đọc một cuốn sách tựa đề “Hót Trong Tháng Tù”. Bià sách in hình mấy con chim nhảy nhót trong lồng. Tôi thầm nghĩ: “Trong ngục tù chim vẫn hót mà sao ta không hót được?”. Do đó, tôi tiếp tục sáng tác trong tù để nói lên tâm tư, tình cảm, và những uớc vọng thiết tha nhất của mình. Tất cả đều được ghi trong ký ức, sau khi tôi đã nghiền ngẫm, suy nghĩ về cấu trúc và lời ca. Có một số bài đặc biệt, như Thi Thiên 90, Khi Tôi Quỳ Nơi Chân Chuá, và Tôi Uớc Mơ Là Viên Than Hồng đều được chuyển tới tay Vĩnh Phúc (tác giả ca khúc Ngàn Thu Áo Tím, viết cùng với Hoàng Trọng) bằng đường bưu điện. Thật là một phép lạ, vì nếu cai ngục kiểm duyệt thư, biết được tôi chuyển nhạc đạo ra ngoài, thì họ cùm tôi là cái chắc! Những bài hát ấy đã được chuyển qua Mỹ và được hát nhiều lần trên đài phát thanh Far East Broadcasting Company (FEBC) và các Hội Thánh Tin Lành hải ngoại.
Bản nhạc đó đã viết năm 86, 87 tại trại giam Xuân Phưóc. Hơn 10 năm mòn mỏi trong tù, cuả chờ đợi và tuyệt vọng, bản nhạc đã nói lên tâm tư người tù là tôi, và những người khác nói chung.
HKL: Có kỷ niệm nào trong tù mà anh không quên được?
VDN: Một kỷ niệm đau thương mà tôi nhớ mãi, là một lần đi lao động về, ngang qua một cánh đồng lúa mới đâm bông, lúa non vừa lên đòng đòng. Theo thói quen của một người nhà quê, tôi đã tuốt một cọng lúa non, cho vào miệng nhâm nhi, vì lúa khi đó ngọt lắm. Không ngờ tôi bị hai tên cán binh bắt gặp. Khi về đến trại, bọn cán binh tuổi chừng 18, 19, lôi tôi ra sân. Mỗi đứa đứng một góc, chúng đấm đá tôi văng từ đầu này qua đầu kia, và chỉ đấm đá vào ngực, vào bụng tôi thôi. Lúc ấy tôi đã gần 60, rất ốm yếu vì thiếu ăn, và lao lực. Chúng đánh dã man lắm, đánh đến khi tôi chịu không nổi, tiêu tiểu trong quần và ngất đi, lúc đó chúng mới dừng tay. Anh em bạn tù đã vực tôi dậy, đưa tôi về phòng và dùng nước muối xoa bóp những vết thương cho tôi.
HKL: Thưa anh, chắc là những tù nhân khác cũng bị hành hạ, không dưới hình thức này thì cũng ở hình thức khác? Đau đớn thật, tại sao con người có thể trở thành dã man đến như thế!
VDN: Vâng, nếu nhắc lại thì còn phải kể nhiều nỗi đau thuơng khác nữa, nhưng tôi đã tin theo Thiên Chúa, và làm theo lời Ngài dạy là tha thứ cho kẻ thù mình. Làm được như thế, lòng mình thanh thản hơn. Còn kẻ ác, hãy để Thượng Đế xét xử họ.
HKL: Anh có thể cho biết tên một số bản nhạc mà anh đã sáng tác trong thời gian bị caỉ tạo, và những bản nhạc đã được thu vaò CD.
VDN: Trong CD Đoá Hồng Cho Người Yêu Dấu, có chừng 10 bản tôi sáng tác trong tù, như Tâm Tư Chiều, Muôn Trùng Xa Em Về, Như Mây Bay Về, Tâm Khúc Đêm Sao, Đoá Hồng Cho Ngươì Yêu Dấu..v..v?
HKL: Chắc bản nhạc này anh đã sáng tác khi vợ hiền lên thăm nuôi?
VDN: Vâng, một kỷ niệm quá vui là được nhìn thấy mặt vợ con mà mình hằng ngày đêm mong nhớ. Sau bao nhiêu năm xa vắng, thế mà nào có được cầm tay nhau! Nhưng… cuối cùng cũng ráng lén hôn vợ được một cái. “Khi nụ hôn trao nhau vội vàng Còn ấm chút hương môi, Em đã xa tôi rồi, tay rời tay, con tim bồi hồi?.”
HKL: Thưa anh, không phaỉ mình Hương Kiều Loan đâu, mà Hương Kiều Loan tin rằng những bản nhạc hay, những bài văn hay, được độc giả yêu thích là vì họ tìm thấy họ trong tác phẩm cuả tác giả, không ở khía cạnh này, thì ở khía cạnh khác. thông thường những tác phẩm về tình cảm, nhất là về tình yêu, thì đều được dễ dàng đón nhận.
VDN: Vâng đúng vậy, “Yêu Em anh bỗng thành thi sĩ, Ở tù anh bỗng thành nhạc sĩ.” Những bài thơ và nhạc viết trong tù, thường rất cảm động và hay, Trong tù có những anh em, không phải là nhạc sĩ, mà họ cũng sáng tác nhạc bằng âm điệu, nghe hát lên cũng hay lắm. Bản đầu tiên tôi sáng tác trong tù là một bản tôn vinh Chúa, vì trong tình trạng tuyệt vọng cuả cuộc sống, lúc đó chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện?Tôi có đươc cuốn thánh kinh, do người em là Vũ Đức Chỉnh giấu được, nên anh em có những ngày mang ra chỗ sáng để đọc, và tôi đã phaỉ nhập tâm đoạn nguyện cầu đó, rồi tôi đã phổ. Bài này được phổ biến nhiều ở Hội Thánh Tin Lành. Đưa về Sài gòn, sau đó chuyển qua Mỹ, dài vào khoảng 200 trường canh, cỡ 5,6 tờ. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc, cô em tôi ở nhà thờ Tin Lành Saigòn, đã tìm cách chuyển được bản nhạc qua Mỹ, gửi làm nhiều lần, gửi rời từng tờ một.
HKL: Anh đã sáng tác được bao nhiêu bài tôn vinh ca tất cả.
VDN: Khoảng 50 đến 70 bài, tôi cũng có sáng tác Tù ca, một CD 12 baì, phần lớn viết trong tù. Thơ nhạc viết trong giai đoạn ở tù này đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều. Nên tôi đã viết: “Xin tạ ơn Chúa, đã ban cho con một đời tự do, xin tạ ơn Chúa đã ban cho con ngày tháng lao tù?”
HKL: Khi nhỏ, anh có từng dự thi về sáng tác nhạc trong một buổi tổ chức nhạc không ạ?
VDN: Những năm cuối thập niên 50, tôi có tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc do đài quân đội tổ chức, tôi được may mắn trúng tuyển một số bài: 1955 Đoàn Quân Bắc Tiến 1956 Chào Mừng Quốc Khánh 26 tháng 10 1960 Chúng Ta Đi Xây Nền Cộng Hoà Ngoài ra tôi cũng viết một số nhạc, vài bản Quân Hành Khúc. 1956 Sư Đoàn 3 Hành Khúc ( sau đổi là SưĐoàn 5 ) 1958-59 Sư Đoàn 22 hành khúc 1967 Sư Đoàn 23 Hành Khúc.
Và tôi cũng được giải thưởng cuộc thi viết nhạc cho các sư đoàn; như Sư Đoàn 22 ở KonTum. Bản Sư Đoàn 22 Hành Khúc gồm 62 trường canh: “Sư đoàn 22 đi lên Sơn hà mang trên vai” . Và năm 67 viết hành khúc cho sư đoàn 23, được giaỉ nhất. Khi đó sư đoàn ở dưới quyền đại tá tư lệnh Trương Quang Ân. Tôi cũng viết hành khúc cho sư đoàn 3, sau đổi thành sư đoàn 5, bản nhạc cũng đổi tên theo luôn, “Đi lên sư đoàn 5, Muôn dân đang chờ ta. Làm cho núi sông lừng danh Sư Đoàn 5?” Bài hát đó, từ năm 70 tới 73, được nhạc sĩ Thục Vũ, khi đó là trưởng phòng 5 cuả sư đoàn cho hát hàng tuần trên đài phát thanh SàiGòn.
HKL: Được biết anh học khóa đầu tiên của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, năm 1951, cùng khoá với những tên tuổi lớn sau này, như Trung tướng Nguyễn Bảo Trị,Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, Trung tướng Lê Nguyên Khang?.Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ v.v... Xem như vậy, coi như đường binh nghiệp cuả anh không được may mắn như những người bạn cùng khoá, vì họ lên lon vù vù?Anh có thể cho biết vì nguyên nhân nao đã làm cản trở sự thăng cấp bậc cuả anh không a?
VDN: Thuở còn là trung uý đóng ở miền Bắc, tôi lập gia đình giữa năm 1954. Sau đám cuới, tôi về phép trễ đến 7,8 ngày, và bị cấp trên báo cáo đào ngũ. Tôi bị nhiều ngày trọng cấm. Do đó. việc thăng cấp của tôi sau này bị lận đận.
HKL: Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong đời văn nghệ của anh?
VDN: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời văn nghệ của tôi là vào năm 1969, tháng 11, sau khi viết Gọi Người Yêu Dấu (*), tôi tình cờ gặp ca sĩ Thanh Lan ở Đà Lạt. Thanh Lan hỏi tôi có bài nào mới viết không? Tôi đã đưa bài Gọi Người Yêu Dấu cho Thanh Lan. Sau đó it lâu, khi tôi đang uống cà phê ở một tiệm nước khu Hoà Bình, gần chợ Đàlạt, chợt nghe tiếng hát rất quen. Đó là tiếng Thanh Lan hát Gọi Người Yêu Dấu Ngọc Chánh thu thanh trong băng Shotguns Nhạc vàng 70. Tôi xúc động lắm, nghe Thanh lan hát bài ấy lần đầu tiên.
HKL: Tên anh được gắn liền với bản nhạc này khi bản nhạc được ra đời, đã là top hit của giai đoạn đó, và bản nhạc đến bây giờ vẫn còn hay, vẫn làm người nghe bồi hồi xao xuyến, nếu không muốn nói là ray rứt trong caí đau thương mất mát cuả tình yêu., Hương Kiều Loan nhớ đến những tình khúc trong CD, có những lòi nhạc. Khi đọc lên, không khỏi ngậm nguì, nhất là khi nghe nhạc được hát. Hương Kiều Loan nhận thấy không phải chỉ có bản Goị Người Yêu Dấu là xuất sắc, trong cái CD 12 bản nhạc kia, đã có những bản nhạc xuất sắc, mà chưa có cơ hội để đươc phổ biến rộng rãi, như bản Bâng Khuâng Nhớ Tình Xưa, Tâm Tư Chiều, Vùng Trời Kỷ Niệm, Thấp Thoáng Như Giấc Mơ..v..v?
VDN: Cám ơn Hương Kiều Loan đã rất rộng lượng đối với những nhạc phẩm của tôi. Tìm được tri kỷ cảm thông được những gì mình viết ra, thật hiếm và quý.
HKL: Âm nhạc là tiếng nói chân thành nhất cuả nguời nhạc sĩ, tình khúc của anh mang nhiều giai điệu tha thiết, luyến nhớ., tuyệt vọng..Phải chăng đã phản ảnh phần nào cuộc đời tình cảm riêng tư của anh?
Thưa anh, trưóc khi hỏi anh về một chút riêng tư, Hương Kiều Loan phải xin rào trước đón sau như thế naỳ: Từ bao thế hệ, ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn còn thắc mắc về những nhân dáng trong bài thơ hay nhạc đã nổi tiếng. những bản nhạc đã đi vào lòng người mãnh liệt cuả những mối tình không trọn, dang dở, đau khổ giấu kín trong một góc đời của thi, nhạc sĩ?nên đã khiến họ viết được những tuyệt tác để lại cho đời..
Bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu của anh cũng đã được coi như nằm trong những con số nói trên. Người ta cũng ao ước muốn được biết chút xíu về những nhân dáng nào, đã đánh động được tâm linh nhạc sĩ như thế, nhất là anh khi viết về Gọi Người yêu Dấu. Anh có thể tâm sự chút it với độc giả được không a?
VDN : Tôi xin cám ơn Hương Kiều Loan đã thông cảm tâm trạng tôi trong hoàn cảnh trái ngang: một người nghệ sĩ khi đã có gia đình, không thể phụ bạc vợ con để đi theo tiếng gọi của tình yêu, nên thật đau đớn lúc cắt đứt chuyện tình đó. Kết quả của nỗi đau đớn khôn nguôi ấy là bài Gọi Người Yêu Dấu. Cho đến cả chục năm sau, có đêm trong tù, khi nhớ về kỷ niệm xưa, tôi đã mơ thấy Ly Cơ, và gọi tên nàng trong giấc mộng. Ngày xưa, những năm còn nhỏ, đọc truyện Tàu, tôi đã say mê những nhân vật Bao Tự, Ly Cơ… Ly Cơ là người yêu của Sở Bá Vương. Ly Cơ với dáng đi dịu dàng, tha thướt kiêu sang.
HKL: Thưa anh, như vậy nhân dáng Ly Cơ chắc là nhiều lắm trong các nhạc phẩm cuả anh?
VDN: Vâng, đúng vậy, bản nhạc đó đã viết riêng cho nàng, cho Ly Cơ. Nàng là nhân dáng trong bài Gọi Người Yêu Dấu.
HKL: Thưa anh, những gì người nghệ sĩ viết ra từ cảm xúc chân thành nhất, bao giờ cũng là những tác phẩm hay, làm rung động lòng người, và theo thiển ý của Hương Kiều Loan thì Gọi Người Yêu Dấu đã là bản nhạc mà tất cả những ai đã yêu, được yêu, hoặc mất tình yêu, đều thấy bóng dáng mình trong đó. Thế còn Vùng Trời Kỷ Niệm, Thấp Thoáng Như Giấc Mơ, anh đã viết chung về một nhân dáng hay từ những cảm xúc khác?.
VDN: Tôi đã viết cho Ly Cơ, cho nhân dáng trong Gọi Người Yêu Dấu. Cám ơn Hương Kiều Loan thật nhiều về những cảm nhận từ giòng nhạc tôi viết. Phần lớn các bài hát đều hướng về một nhân dáng. Ly Cơ là một nhân vật có thật, hiện sống tại Mỹ nhưng đã không còn liên hệ gì mật thiết từ hơn 30 năm. Biệt hiệu Ly Cơ tôi tặng nàng là do một baì thơ cuả Xuân Diệu mà tôi yêu thích:
Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong trăng nhớ nàng Dương Quý Phi
(Nhị Hồ cuả Xuân Diệu)
HKL: Trong số những bản nhạc anh đã sáng tác, anh ưu aí bản nhạc nào nhất? và vì sao?
VDN: Tôi có bẩy người con, tôi đều yêu quý như nhau, thì những đứa con tinh thần cũng vậy. Có những bản nhạc, may mắn được nhiều người biết đến, và có những bản nhạc kém may, vẫn nằm đâu đó trong hộc tủ, nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu quý, Tôi qúy tất cả những gì mình đã sáng tác. Tôi ưu aí tất cả những bản nhạc đã viết, đặc biệt là Đoá Hồng Cho Người Yêu Dấu và những bài Tôn Vinh Ca đã viết trong tù.
HKL: Hiện nay có rất nhiều nhạc sĩ trẻ, amateur, nhưng nhạc họ sáng tác thật hay, và họ cũng bị kẹt như nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác khi không được những trung tâm lăng xê, cho nên những bản nhạc hay đành ngậm ngùi phổ biến trong nhóm nhỏ bạn bè, hoặc may mắn trên mạng luới. Tuy nhiên, nghe nhạc trên mạng lưới không thể hay bằng những bản nhạc đã được thâu vào CD, với hoà âm, phối khí chuyên nghiệp. Anh có điều gì nhắn nhủ hay góp ý với những nhạc sĩ trẻ này không?
VDN: Xin cứ tiếp tục theo đuờng lối của mình, không sáng tác theo thị hiếu quần chúng, nên trau dồi nghệ thuật, học hỏi, trao đổi với các bạn cùng chí hướng, Thận trọng trong sáng tác và thực hiện băng nhạc.
HKL: Về môi trường phổ biến hạn hẹp của loại nhạc A (xin xem bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Ngạn) thì anh có nghĩ lọai nhạc này sẽ dần dần mai một; và rồi trong tuơng lai, loại nhạc A này sẽ không còn thấy nữa?
VDN: Tôi không nghĩ rằng loại nhạc A sẽ có ngày mai một. Không phaỉ là trình độ thẩm âm cuả người nghe quá kém, nhưng là sự lan tràn cuả loại nhạc rẻ tiền quá mạnh, gây một thói quen thưởng ngọan quá dễ dãi trong quân chúng. “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái gì hay và có giá trị sẽ tồn tại. Điển hình là những ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Văn cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Qúy, Đoàn Chuẩn đến nay vẫn còn được mến mộ.
HKL: Anh có ý kiến gì để chúng ta có thể duy trì loại nhạc A mà chúng ta yêu thích?
VDN: Sự lan tràn cuả nhạc rẻ tiền chỉ có tính cách giai đọan. Sẽ có ngày, người ta sẽ chán những loại ca khúc này, và sẽ đi tìm kiếm những ca khúc có giá trị nghệ thuật. Tôi cũng hy vọng các nhà sản xuất băng nhạc sẽ lưu tâm phổ biến những ca khúc có giá trị nghệ thuật để nâng cao trình độ thưởng ngoạn của đa số quần chúng.
HKL: HKL rất thích CD Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu. Qủa thật CD này đã như một món quà qúy giá tặng tất cả những người vợ hiền đã vất vả lo nuôi con, nuôi chồng trong những năm dài tù tội. Biết bao nhiêu người vợ VN, và chỉ có những người vợ VN thôi, mới có thể kiên nhẫn chịu đựng những nỗi khốn khó nhọc nhằn trong giai đọan tang thương, tuyệt vong đó. Có phải thế không, anh Vũ Đức Nghiêm? Anh có kỷ niệm nào đặc biệt hôm ra mắt CD Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu không?
VDN: Hương Kiều Loan thật tinh ý. Vâng, có một câu chuyện nhỏ. Hôm ra mắt CD đó, anh MC có hỏi khó tôi một câu: “Đóa hồng này có phải cho người trong bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu và người đó có phải là hiền nội của nhạc sĩ bây giờ?” Tôi không thể nói dối, nên tránh né như sau: ” Gọi Người Yêu Dấu là gọi người mình yêu mà mình đem giấu đi. Kẻo vợ biết thì nguy lắm. Còn Cho Người Yêu Dấu là tặng người vợ hiền đã vất vả vì tôi trong suốt 13 năm tù tội.”
HKL: Cái tựa CD của anh rất hay, chắc anh đã lấy từ tên một bài thơ nào chăng?
VDN: Thưa không phải. Lúc đầu, tôi định đặt là: “Đóa Hồng Cho Vợ Hiền” thì các con tôi góp ý là nghe không thơ, không lãng mạn gì cả, và đề nghị tôi đổi là “Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu”. Khi viết Đoá Hồng Cho Người Yêu Dấu, tôi đã hình dung ra đến ngày mình được trở về, 13 năm hay hơn nữa, chắc sẽ thấy vợ hiền biến thành một bà già lụ khụ rồi
“…Xin cho tôi hôn mái tóc điểm sương
Xin cho tôi hôn vầng trán ưu phiền
Xin cho tôi hôn đôi mắt héo hon, năm tháng mỏi mòn, chờ người xa vắng
Xin cho tôi hôn bàn tay chai sần, thay chồng nuôi con, một đời vất vả…..”
HKL: Bức hình anh chụp trên bià CD của anh, coi rất nghệ sĩ và rất là “lãng tử” khiến Hương Kiều Loan nhớ đến đoạn văn cuả Ký giả Lô Răng đã viết về anh: hồi ông ấy ở tiểu đoàn 6 bộ binh đang theo dấu trung đoàn cuả VC đến vùng duyên hải Buì Chu, Phát Diệm, nơi xứ đạo đang yên vui thì bùng khói lửa, tại đó ông đã gặp Trung uý Nguyễn Bảo Trị, Trung Uý Nguyễn Đức Thắng.v..v.. và Trung Uý Vũ Đức Nghiêm.” Qua vùng Hoành Nha, một miền xứ đạo thuần thánh, có những chiếc cầu đá rệu phong bò qua những con nước trong leo lẻo tôi gặp một sinh viên khoá Một nữa, Trung Uý Vũ Đức Nghiêm đồn trưởng Hoành Nha, nhưng khác với những quân nhân ném cả tâm hồn lẫn thể xác vào cuộc chiến. Tôi thấy Vũ Đức Nghiêm ngồi một mình trên lô cốt, đang nghiêng đầu trên cây guitar, dạo một khúc đàn. Một hình ảnh tương phản hẳn vói tình hình chiến trận ở chung quanh. Hình như người dạo đàn kia đang quên trời quên đất, quên chiến sự đang sôi sục, để sống riêng cho hoài cảm cuả mình?”
VDN: Tấm ảnh đó là do nhiếp gia danh tiếng Nguyễn Ngọc Hạnh chụp tặng cho tôi.
HKL: Xin cám ơn anh đã đành cho Hương Kiều Loan buổi phỏng vấn này, và xin chúc anh tiếp tục sáng tác thật nhiều .
Hương Kiều Loan
Dec. 2001
- Phỏng Vấn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh Hương Kiều Loan Phỏng vấn
- Phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Đức nghiêm Hương Kiều Loan Phỏng vấn
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
• Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)
• Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)
• Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)
• Trần Quang Lộc - Người Về Khuất Chân Trời (Lê Chiều Giang)
• Tiếng hát thủy tinh của ca sĩ Quỳnh Giao (Phan Anh Dũng)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |