1. Head_

    Giản Chi

    (..1904 - 22.10.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Con Trâu Trong Dân-Gian, Quê-Hương và Lịch-Sử (Thái Văn Kiểm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      11-2-2021 | TIỂU LUẬN

      Con Trâu Trong Dân-Gian, Quê-Hương và Lịch-Sử

        THÁI VĂN KIỂM
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà biên khảo
         Thái Văn Kiểm

      Trước hết, chúng ta nhắc lại hai câu tục ngữ nằm trên môi của người dân Lạc Việt


      - Miếng trầu là đầu câu chuyện

      - Con trâu là đầu cơ nghiệp


      Cả hai câu đều nhấn mạnh tính cách quan trọng của miếng trầu và của con trâu: miếng trầu quan trọng nhất trong lãnh vực xã hội, còn con trâu thì quan trọng nhất trong lãnh vực kinh tế. Với thời đại mới thì miếng trầu hầu như không còn nữa, đặc biệt là nơi hải ngoại. Duy còn con trâu vẫn được nuôi dùng trong nước như một máy cày phụ giúp đắc lực nhà nông từ thuở xa xưa.


      Chúng ta có thể nhại cụ Nguyễn Du mà nói rằng:

      Trăm năm còn có gì đâu

      ... Miếng trầu liền với con trâu một vần.


      Năm nay là năm Ất Sửu, lấy con trâu làm biểu tượng. Năm Ất Sửu 1985 nối tiếp năm Giáp Tý 1984 là năm mở đầu một thế kỷ cổ truyền Á đông. Thế kỷ này chỉ có 60 năm, thay vì 100 năm như ở Tây phương. Thế kỷ này gọi là vận niên lục giáp, tức là một thời gian gồm có sáu giáp, mỗi giáp là 10 năm, vị chi 60 năm. Thế kỷ này là thế kỷ 78 trong lịch đại Á đông, kể từ năm 2.637 trước Công Nguyên, tức là năm 61 đời Hoàng Đế, nhà vua đã minh định và quảng bá lịch đại cổ truyền. Như thế là kể từ năm đó, lịch đại Á đông đã có: 60 năm x 78 = 4.680 năm, cộng thêm hai năm 1984 và 1985, vị chi 4.682 năm.


      Chúng ta xác định rằng mỗi giáp chỉ có 10 năm là: giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quí, thuộc về thập can, còn thập nhị chi gồm có: tí sửu dần mão thìn tị ngọ mùi thân dậu tuất hợi. Mỗi năm được minh định bởi hai chữ: một chữ lấy trong thập can và một chữ lấy trong thập nhị chi. Như thế cái năm đầu tiên của một thế kỷ cổ điển Á đông được gọi là giáp tí, rồi đến năm thứ hai là ất sửu, năm thứ ba là bính dần, v.v. Vì lẽ chỉ có 12 con vật trong thập nhị chi, cho nên mỗi con vật cứ 12 năm thì trở lại một lần. Và nếu tính cả vận niên lục giáp 60 năm thì mỗi con vật sẽ trở lại năm lần mà thôi. Còn như danh từ kép để gọi mỗi năm, ví dụ như giáp tí, ất sửu, v.v., ta phải chờ 60 năm nữa mới lại thấy những danh từ kép như thế.



          Kệ sách Học Xá

      Sách Lễ Ký chép: mùa xuân tới sớm hay muộn thì trong lịch hình người dắt trâu đứng ở trước hay sau con trâu. Còn ngồi trên trâu thì có khá nhiều nhân vật danh tiếng như: Lão Tử cỡi trâu xanh đi về... Hàm Cốc, Ninh Thích gõ sừng trâu để hát mà được công danh nơi nước Vệ. Thời đó, Ninh Thích làm mướn cho phú gia, đẩy xe trâu cho trâu ăn cỏ dưới xe, rồi lúc chờ vua Tề Hoàn Công đưa khách qua nước Để mà hát rằng:


      Nam sơn ngạn Bạch thạch lang,

      Trung hữu lý ngư trường xích bán.

      Sinh bất phùng Nghiêu dữ Thuấn thiện,

      Đoản kệ đơn y tài chí ngạn.

      Tùng ngôn phạn ngưu chí dạ bán,

      Trường dạ mang mang hà thời đán!


      Tạm dịch:


      Núi nam lập đá trắng

      Trong có cá gáy dài thước rưỡi.

      Sanh chẳng gặp đời Nghiêu Thuấn truyền ngôi,

      Áo vải lưng chừng lạnh ống chân.

      Tới lẽ trâu ăn đến nửa đêm,

      Đêm dài mờ mịt hồi náo sáng

      (Duy Việt)


      Vua Hoàn Công nghe tiếng hát lấy làm lạ, bảo Quản Trọng rước về cho làm quan Đại tư điền.


      Sách Huyền Trung Ký chép: Cây nào sống ngàn năm thì sẽ hóa ra con trâu xanh. Khi vua Tần Thủy Hoàng chặt cây đại thọ thì có con trâu xanh nhảy ra nhào xuống nước. Do đó mà có thành ngữ: Thọ hóa thanh ngưu (cây hóa trâu xanh).


      Thời xưa bên Tàu có ông Hứa Do ở trên núi được vua Nghiêu cho người lên tìm để trao ngôi báu, nhưng ông này không chịu, bèn xuống sông rửa tai cho sạch vì đã lỡ nghe những lời ô uế. Lúc đó có ông Sào Phủ đương cho trâu uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Ông này trả lời: “Vua Nghiêu nói tôi có tài và có nhân đức, muốn nhường ngôi lại cho tôi. Tôi nghe sợ dơ tai nên rửa cho sạch.” Sào Phủ mới nói: “Anh đi đâu đó mà nghe người ta nói. Nghe rồi mà đi rửa tai thì làm sao cho sạch. Chi bằng ẩn mình thật kỹ, đừng nghe chi cả, có hay hơn không?” Nói xong, Sào Phủ dắt trâu lên phía trên dòng nước cho trâu tiếp tục uống. Hứa Do thấy vậy hỏi: “Chớ anh dắt trâu đi đâu vậy?” Sào Phủ trả lời: “Ta không muốn trâu ta uống nước dơ."


      Bên nước Việt chúng ta cũng không thiếu chi truyện những nhân vật có liên hệ ít nhiều với con trâu trong lịch sử. Trước hết là Đinh Bộ Lĩnh, gốc là người Mường, vốn là một sắc dân Lạc, thổ cư lâu đời, trước thời Bắc thuộc và trước cả cuộc nam tiến di tản của các sắc dân Bách Việt miền Hoa Nam. Lúc thiếu thời ở động Hoa Lư, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhà nghèo phải đi chăn trâu, thích đánh giặc cờ lau, rồi giết trâu của chú để khao quân. Chú đếm trâu thấy thiếu một con, liền hỏi Bộ Lĩnh thì Lĩnh bảo trâu chui vào đất mất rồi, vừa nói vừa chỉ một cái đuôi trâu cắm vào đất. Chú tức giận rút đuôi trâu đánh Bộ Lĩnh một trận nên thân rồi đuổi đi. Từ đó Bộ Lĩnh phải tự lập thân, thích đánh giặc rồi lập nên nghiệp đế, lấy vương hiệu Đinh Tiên Hoàng.


      Rời Hoa Lư, chúng ta theo vua nhà Lý về Thăng Long, tới sông Tô Lịch bắt nguồn từ sông Thiên Phù ở phía bắc Kinh thành, gần Hồ Tây. Sông Tô Lịch chia ra làm nhiều nhánh lớn nhỏ, chảy qua Kinh thành. Một nhánh của sông Tô chảy thẳng từ Yên Thái xuống phía nam, qua Láng, Ngã Tư Sở, ra khỏi kinh thành, xuống Hạ Liễu rồi chảy vào sông Nhuệ. Nhánh này có tách ra một nhánh con chảy ra sông Hồng ở phía nam kinh thành, sau này gọi là sông Kim Ngưu (trâu vàng).


      Sự tích Kim Ngưu có liên hệ tới thiền sư Nguyễn Chí Thành, pháp danh là Khổng Minh Không, còn được tôn thờ nơi chùa Lý Quốc Sư, thành lập thời Đại Định nhà Lý (1140-1162). Tục truyền rằng thiền sư Minh Không, lúc đi sứ nhà Tống bên Tàu, khoảng năm 1125, đã chữa lành bệnh cho một hoàng tử. Vui nhà Tống bèn trao cho thiền sư một xâu chìa khóa và cho phép mở các kho muốn lấy gì thì lấy. Thiền sư niệm thần chú Đà La Ni, chọn một chìa khóa để mở đúng kho đồng đen, là kho quí của vua. Tất cả đồng đen nặng mấy ngàn cân mà thiền sư làm phép cho vào một túi vải mang lên vai một cách nhẹ nhàng. Thiền sự ra bờ biển Nam Hải, đặt chiếc nón lá kè lên sóng rồi ngồi lên trên, chẳng bao lâu đã về tới Đại Việt.


      Thiền sư Minh Không đem đồng đen dâng lên vua Lý Nhân Tông và xin vua cho đúc chuông với số lượng toàn vẹn. Đúc xong, nhà vua bảo thiền sư, lúc bấy giờ là quốc sư, gióng chuông. Tức thì một con nghé bằng vàng đúc từ bên Tàu hóa thân chạy sang nước ta tìm tới cái chuông lớn mới đúc. Lộ trình con trâu nghé đã để lại vết tích là sông Tô Lịch, quê quán của nhà thơ Tô Giang Tử đang ở Virginia, Hoa kỳ. Lúc trâu nghé đến trước một khu rừng phía bắc thành Thăng Long, trâu quậy một hồi lâu thành một vũng lớn và cứ lớn mãi thành Hồ Tây, đất nước trong xanh, sen mọc thơm ngát; rồi như một phép lạ, đã thu hút kim ngưu biến dạng trong hồ này. Vua bèn hạ lệnh quăng chuông xuống Hồ Tây để cho con nghé đừng quậy nữa!


      Cũng theo truyền thuyết thì ai sinh được mười con trai sẽ được phép lạ lôi kéo ra khỏi hồ hai báu vật là con nghé vàngchuông đồng đen.

       

      Mãi về sau, một nông dân được chín con trai và một con trai nuôi, đến trước Hồ Tây, cầu xin thần thánh giúp y được như nguyện. Y bảo chín người con trai đừng cho thần biết rằng chúng nó có một em trai nuôi.


      Một lễ lớn được cử hành trên bờ hồ. Tức thì người nông dân thấy con trâu nghé vàng và quả chuông đồng đen hiện lên trên mặt nước. Người nông dân bèn lội xuống nước, mang theo một sợi dây thừng kết bằng sợi sơn tra (cây vông) rất chắc, định cột chặt hai báu vật kéo lên bờ. Bất ngờ đúng lúc đó, mười người con đồng hát câu


      Anh em: chín đẻ, một nuôi

      Cùng chung đấu sức, cố lôi lên bờ...


      Tức thì sợi giây thừng bị đứt và hai báu vật cùng biến mất trong hồ sâu, và từ đó không bao giờ xuất hiện nữa...


      Ad-22 Ad-22

      Ngoài Đinh Tiên Hoàng ra, còn có một danh nhân nữa trong lịch sử nước ta đã từng chăn trâu trước khi làm nên sự nghiệp lẫy lừng. Đó là Đào Duy Từ, con của Đào Tá Hán làm nghề hát tuồng và bà Kim Chi, con một phú gia tỉnh Thanh Hóa. Từ sinh trưởng trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh Bắc Nam, nhiễu nhương và rối loạn. Lại thêm luật lệ thời đó cấm con nhà phường hát đi thi, cho nên gia đình họ Đào phải lo lót tiền bạc mà đổi tên ra Vũ Duy Từ để được ghi danh mà thi cử. Vũ Duy Từ thi đỗ Á nguyên năm 21 tuổi, năm Quí Tị 1593 đời Lê Thế Tông. Nhưng chẳng may, liền sau đó có người tố cáo việc mạo danh, cho nên Đào Duy Từ bị xóa tên, mất bằng Á Nguyên và bị đoạt lại áo mão.


      Nghe tin này Đào Duy Từ buồn rầu lâm bệnh nặng, nằm yên ở nhà trọ. Lúc ấy trấn thủ Thuận Hóa là Nguyễn Hoàng vâng lệnh chúa Trịnh Tùng ra Thanh Hóa bàn việc nước. Nguyễn Hoàng đến thăm quan Thái phó Nguyễn Hữu Liêu và được cho xem bài văn của Duy Từ bộc lộ chí khí anh hùng, tài kinh luân tế thế. Chúa Nguyễn Hoàng bèn đến nhà trọ giúp đỡ tiền bạc cho Đào Duy Từ và mời vào Nam giúp Chúa.


      Một hôm Nguyễn Hoàng đến chơi thì gặp Duy Từ đã khỏi bịnh. Hai người cùng cảm tác bài thơ vịnh bức tranh tam kiệt Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi đội tuyết vào Long Trung tìm Gia Cát Lượng.


      Nguyễn Hoàng xướng:

      Vó ngựa sườn non đá chập chùng

      Cầu hiền lặn lội biết bao công!


      Duy Từ tiếp:

      Đem câu phò Hán ra dò ý,

      Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.


      Nguyễn Hoàng tục:

      Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở

      Biên thùy vạch sẵn một dòng sông.


      Duy Từ kết:

      Ví chăng không có lời Nguyên Trực,

      Thì biết đâu mà đón Ngọa Long?


      Câu chót cho ta thấy rõ chí lớn của Đào Duy Từ, tự ví mình với Khổng Minh Gia Cát Lượng. Chí tại cao sơn, chí bảo tại ôn bảo, như lời nói ngày xưa của Vương Tăng, tể tướng đời nhà Tống. Chí họ Đào sẽ vượt núi Đầu Mâu và sẽ tỏa khắp dẫy Trường Sơn, vốn là cái xương sống của dân Việt trên đường Nam tiến,


      Tuy nhiên, chúa Tiên chưa dám rước họ Đào vào ngay vì còn e ngại họ Trịnh. Chúa ân cần dặn họ Đào: “Lão phu về trước, đắp sẵn đàn bái tướng, chờ đợi tiên sinh. Nay lão phu đã 70, nếu chẳng may thất lộc thì cũng phải kịp thời dặn dò con cháu đón tiên sinh về để nghe lời dạy bảo.”


      Mấy năm sau, Duy Từ bỏ quê hương Bắc hà vào Đàng Trong, nhưng chẳng may không gặp được Nguyễn Hoàng vì Chúa bận kinh lý nơi xa. Duy Từ bèn đi thẳng vào Bình Định, dừng chân nơi làng Tùng Châu và hành làm nghề chăn trâu cho phủ hộ Chúc Trịnh Long.


      Việc rời bỏ Đàng Ngoài của Đào Duy Từ còn được ghi lại trong câu ca dao:

      Trong làng chẳng có ai vì,

      Vậy nên ta phải ra đi nước ngoài.


      Ít lâu, con trai của nhà phú hộ tên là Chúc Hữu Minh lập thi xã Tùng Châu và dùng Duy Từ làm thư đồng hầu hạ khách văn chương. Duy Từ thường làm hộ cho hội viên thi xã nhiều bài thơ rất hay. Tiếng đồn đến tai Khám lý Trần Đức Hòa. Khám lý bèn đến chơi nhà họ Chúc, nhằm mục đích thử tài họ Đào. Quả nhiên, ông ta nhận xét họ Đào là bậc thiên tài. Ông bèn rước về nhà dạy học rồi gả con gái cho. Quả thật người thời xưa biết chọn nhân tài, phân biệt chân giả và tri nhân thiện dụng. Tổ tiên chúng ta chắc chắn là thông minh hơn chúng ta bây giờ. Buồn thay cho chúng ta thời nay chỉ biết khôn vặt mà thôi!


      Theo học sĩ Tạ Quang Phát thì ngoài giờ dạy học, lúc rảnh rang Duy Từ thường ra sau vườn cuốc đất trồng rau tiêu khiển, rồi làm bài Ngọa Long Cương Ngâm (bài ngâm Con Rồng Nằm Trên Đồi) chờ thời như Ngọa Long Gia Cát thuở xưa.


      Chúa Tiên mất năm Quý Sửu 1613, niên hiệu Hoằng Định 14 đời vua Lê Kính Tông, lúc lâm chung có dặn con là Phúc Nguyên rằng:


      - Ngày trước ta ra Thanh Hóa có gặp Đào Duy Từ, một bậc kỳ tài. Người có hẹn ước sẽ vào Nam giúp ta. Vậy hễ con nghe tin người ấy đến thì phải rước về trọng dụng ngay.


      Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, dời đô phủ từ Cát Dinh (Quảng Bình) vào làng Ái Tử (Quảng Trị), vì không muốn ở gần biên giới là sông Gianh.


      Ở Quảng Trị ngày nay còn có chợ Sãi lưu danh chúa Sãi, gần làng Ái Tử, một làng còn được dân gian truyền tụng trong ca dao:


      Mẹ bồng con ngồi cầu Ái Tử

      Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu

      Trông chồng bóng xế trăng lu,

      Quyết tâm đầu Phật đi tu cho rồi.


      Chúa Sãi muốn xây dựng ở Đàng Trong một nước phồn thịnh, bèn bố cáo tuyển chọn nhân tài và do đó mà quan Khám lý Trần Đức Hòa từ Bình Định đi ra Quảng Trị với Đào Duy Từ để tiến cử họ Đào và dâng bài Ngọa Long Cương. Chúa đọc xong bài này thì lấy làm phấn khởi và khâm phục tài trí cùng học vấn uyên thâm của Đào Duy Từ. Chúa lại nhớ lời di chúc của cha mà vui mừng lộ ra nét mặt. Chúa muốn đến ngay quán trọ để thân đón Duy Từ. Nhưng Trần Đức Hòa xin sẽ đưa Duy Từ vào phủ Chúa cho được tốt đẹp theo nghi lễ tôn ti, chớ không dám để Chúa phải nhọc sức.


      Ad-22 Ad-22

      Đúng ngày hẹn, Khám lý Trần Đức Hòa đưa con rể đến Phủ. Từ trong Phủ, thấy chúa Sãi mặc áo trắng, đi giày xanh ra đón. Đào Duy Từ nhìn thấy Chúa ăn mặc sơ sài bèn nói với nhạc gia lui về, vì cho thế là khinh suất hiền tài. Chúa Sãi hiểu ý, bèn nhận lỗi và lui vào trong, mặc triều phục nghiêm chỉnh rồi sai người mở cửa chính ra nghênh tiếp, rước vào đại điện. Sau cuộc đàm luận lâu dài về quốc sách an bang tế thế do Đào Duy Từ đề ra, Chúa họp quần thần để hoan hỉ nghênh tiếp một bậc tài đức vô song, rồi phong Đào Duy Từ làm Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, Quan Quản Nội Ngoại Quân Cơ, Tham Lý Quốc Chánh. Nói cách khác, miền Nam từ đó đã có một vị tể tướng văn võ toàn tài.


      Khi đã được phong chức lớn dành chánh ngôn thuận rồi thì Đào Duy Từ bắt tay vào việc. Việc đầu tiên là đắp lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc và lũy Định Bắc Trường Thành, dọc theo sông Nhật Lệ, tục gọi là lũy Thầy Đồng Hới. Trong công tác xây đắp hai lũy lớn này, ngoài sự đóng góp của tướng sĩ và nhân dân mọi từng lớp, còn phải ghi nhớ sức lực và công lao của rất nhiều trâu bò đã nhọc nhằn kéo những cây gỗ, những tấm ván, những xe đá, bao nhiêu vật liệu của núi rừng Trường Sơn để xây đắp thành những trường thành kiên cố mà di tích còn tồn tại tới ngày nay.


      Trong bốn năm trường, từ tháng 8.1941 cho tới tháng 8.1945, tôi đã đi khắp tỉnh Quảng Bình để quan sát dân tình, học hỏi về phong tục tập quán, ngôn ngữ và văn chương bình dân, cùng lịch sử và di tích thành trì, từ Lũy Thầy cho tới động Phong Nha, khiến cho tôi từ đó rất là khắng khít với đất nước và nhân dân đồng quê nước mặn, mang nặng và thấm nhuần thực chất của dân tộc Việt nam.


      Sau cuộc Cách mạng tháng tám thì tôi bị thải hồi và trên đường về quê bao la rộng lớn, bên bờ sông Bồ là nơi xưa kia, vào năm Giáp thân 1044, vua Lý Thái Tông đã thân chinh đánh tan quân Chiêm, bắt được 5000 binh sĩ và 30 thớt voi, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những cuộc hưng vong dâu bể trong thiên hạ. Nhưng tôi vẫn không quên giọng nói mộc mạc quê mùa và những cổ ngữ của dân Quảng Bình như: nguồn nậy (lớn), kẻ Nại (làng Diêm Điền của thượng tọa Trí Quang), kẻ Lái (làng Lý Hòa chuyên làm nghề biển và lái ghe), thao thưa tlăng tháng (sao sưa trăng sáng), bụi tle, con tlâu (bụi tre, con trâu), tlời, blời (trời), cà cáy (gà gáy)... hầu hết những từ ngữ này chúng ta tìm thấy trong quyển Tự vị Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), ấn hành tại Roma năm 1651.


      Trở về với con trâu là người bạn đường trung thành của dân Lạc Việt, đã cùng nhau chung sức tưới mồ hôi nước mắt trên những luống cày sâu đậm, góp công lớn trong việc định điền lập ấp, mở mang bờ cõi cho tới Đồng Nai Bến Nghé, Rạch Giá Đương Đông. Tầm mức quan trọng của con trâu và con bò (hoàng ngưu) được nhắc lại trong ca dao:


      Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,

      Trong ba việc ấy lọ là khó thay!


      Con trâu, về lãnh vực ngôn ngữ, cũng có liên hệ với các bậc thánh hiền, như Khổng Tử và Mạnh Tử. Trong khi nghiên cứu về văn chương bình dân, chúng tôi có ghi câu này:


      Nước từ lỗ trâu chảy ra Khổng Mạnh


      Câu này có nghĩa là: dòng nước từ cái lỗ chân trâu chảy ra thì không được mạnh lắm. Câu này còn có ngụ ý Đức Khổng Tử quê quán nước Lỗ, còn thầy Mạnh quê quán nước Trâu.


      Ngoài ra, dân quê vùng Bình Trị Thiên còn truyền tụng câu đối rất khó khăn sau đây mà vẫn liên quan tới Đức Khổng, thầy Minh và một vài triều đại xa xưa của Trung Hoa.


      Câu ra:

      Cả bầy trâu ăn giữa vạc lúa lỗ,

      Mọi người đều chộ, đã ngụy chưa tề!


      Câu đối:

      Một lẻ củi săng chẻ ra văn(g) vỏ,

      Bỏ vô lửa đỏ, than(g) lại thành than(g).


      Xin độc giả lưu ý câu trên có bốn chữ đặc biệt là: Trâu Lỗ Ngụy Tề, còn câu dưới thì cũng đặc biệt có bốn chữ: Văn Võ Thành Thang.


      Trâu Lỗ Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân Thu Chiến Quốc, Văn Võ Thành Thang là tên bốn vì vua lớn của Trung quốc thời xưa.


      Trâu cũng chiếm một địa vị lớn trong thi ca và văn chương Việt nam. Trong vở tuồng cổ Lục Súc Tranh Công của Vô Danh thị, tác giả đã khéo đưa các súc vật lên diễn đàn, tranh nhau kể công và luận tội. Riêng về chú trâu đã chê con chó như sau:


      Chưa rét đã phô rằng rét,

      Se se đuôi quít vào trôn!

      Vẩy bếp người, tro trấu chẳng còn,

      Ba ông Táo lộn đầu lộn óc!


      Rồi chú trâu vừa kể công lao của mình, vừa than thân trách phận:


      Trâu mỏi mệt, trâu liền năn nỉ:

      Một mình trâu ghê nỗi gian nan,

      Lóng canh gà mới gáy tan

      Chủ đà gọi thằng chăn vội vã.


      Dạy rằng:

      Đuổi trâu ra thảo dã,

      Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.

      Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông,

      Vừa đến bữa cày bừa bua việc.

      Trước cổ đã mang hai cái mệt,

      Sau đuôi còn kéo một cái cày.

      Miệng đã dàm, mũi lại vòng dây,

      Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.

      Trâu mệt đã thở dài thở vắn,

      Người còn hầm hét, mắng ngược lắng xuôi.

      Liệu vừa đứng bóng mới thôi,

      ...

      Tắm mưa trải gió chi nài,

      Đạp tuyết giày sương bao sá.

      Ad-22 Ad-22

      May thay cũng có nhà thơ là cụ Minh Nông Tử hiểu thấu tâm tình của con trâu lúc về già:

      VỊNH TRÂU GIÀ


      Trời đã sang thu bóng đã tà,

      Trâu già nằm tựa gốc đa già.

      Mặt vêu cổ ngẩng gân cùng guốc,

      Bụng lép mình gầy xương với da.

      Vai mỏi chưa quên nương đất rắn,

      Chân chồn vẫn nhớ cánh đồng xa.

      Trúc mai món ấy đều xong chửa?

      Móm mém nhai trầu mãi đấy a!

      (Duy Việt ghi chép)

      Sấm Trạng Trình cũng có nói tới trâu với năm sửu sẽ đem lại thái bình tỏa khắp non sông, nhưng nghĩ lại thì từ đời cụ Trạng nhà ta đến nay đã ba bốn trăm năm rồi, mà cứ 12 năm lại có một năm trâu, thì làm sao biết được là năm trâu nào? Ta hãy nghe sấm cụ Trạng:


      Kê minh ngọc thụ, thiên khuynh Bắc,

      Ngưu xuất lam điền, nhật chính Đông.

      Nhược đãi ưng lai sư tử hướng,

      Tứ phương thiên hạ thái bình phong.


      Tạm dịch nôm:

      Gà kêu cây ngọc trời nghiêng Bắc,

      Trâu tới lam điền bóng rạng Đông.

      Tới lúc ưng về, sư tử dậy,

      Thái bình mới tỏa khắp non sông.

      (Thái Bạch dịch)


      Nói tới trâu không thể quên nói tới người chăn trâu, tên chữ là mục đồng, mục tử như ta thấy trong bài thơ của bà Huyện Thanh Quan:


      Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

      Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

      Gác mái ngư ông về viễn phố,

      Gõ sừng mục tử lại cô thôn.


      Cũng có những người chăn trâu vì sa cơ lỡ vận, mà lịch sử còn lưu danh như Bá Lý Hề khi lang thang tới Uyên Thành, nước Sở thì bị bọn thợ săn bắt về cho chăn trâu. Nuôi trâu là nghề mọn của họ Bá cho nên chẳng bao lâu mà trâu của bọn chúng đã trở nên mập mạp khác thường. Lý Hề thông hiểu tất cả loại cỏ tốt xấu, cách thức cho trâu ăn, thời tiết thích hợp trồng các loại cỏ, sự chăm sóc loài trâu, nghĩa là tất cả kỹ thuật và nghệ thuật nuôi trâu và chăn trâu. Tài nghệ của Bá Lý Hệ được đồn đến tai Sở Vương. Nhà vua bèn cho gọi Bá Lý Hề đến và trao cho việc nuôi ngựa nơi đất Nam Hải. Sau đó, Tần Mục Công biết Lý Hề là nhân tài quán chúng, bèn sai người sang Sở dâng năm bộ da dê cho Sở Vương để xin đổi Bá Lý Hề đem về trị tội không đưa dâu ngày trước. Thực ra, khi được rước về Tần, thì Mục Công trọng dụng Lý Hề và trao cho chức Thừa tướng. Bá Lý Hề giúp Tần củng cố sự nghiệp an bang tế thế. Và sau đó Bá Lý Hề gặp lại bà vợ là Đỗ Thị, xa cách nhau mấy chục năm trời, vợ con đoàn tụ, cùng chung hưởng ơn vua lộc nước vẻ vang một thời.


      Paris (Chiêu Anh Các)

      Mạnh Xuân Ất Sửu.

      Thái Văn Kiểm

      Việt Nam Gấm Hoa
      Làng Văn, 1997

      Ad-22 Ad-22


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Năm Dần Nói Chuyện Cọp Thái Văn Kiểm Khảo luận

      - Con Trâu Trong Dân-Gian, Quê-Hương và Lịch-Sử Thái Văn Kiểm Khảo luận

      - Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên (1913-1976) Thái Văn Kiểm Khảo luận

      - Hoài niệm về ký giả Nguyễn Ang Ca Thái Văn Kiểm Hồi ức

      - Những Mùa Xuân Của Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thái Văn Kiểm Tiểu luận

      - Cửa Thiền Nào Chốn Hỏi Mai Hoa Thái Văn Kiểm Khảo luận

      - Mùa Xuân Với Những Quả Dưa Dân Tộc Thái Văn Kiểm Tiểu luận

      - Nọ Bức Dư Đồ Thử Đứng Coi Thái Văn Kiểm Tiểu luận

      - Thi hào Hàn Mặc Tử Thái Văn Kiểm Khảo luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)