1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người (Trần Ngọc Ninh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      9-4-2020 | TIỂU LUẬN

      Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người

       TRẦN NGỌC NINH
      Share File.php Share File
          

       


           Giáo sư Trần Ngọc Ninh

      Lịch-sử loài người không chỉ thuần vận chuyển ở ngoài tầm ý-thức của con người. Lịch-sử loài người không phải là lịch sử tự-nhiên (1). Là vì, đến một lúc nào đó của sự tiến-hóa, thì không những sinh-vật gọi là người đã bước qua được một cái ranh giới không có loài sinh-vật nào của trái đất mà ta biết, đã có thể bước qua được. Ở bên này cái ranh-giới ấy, là tất cả các loài sinh-vật: chúng có sống, chúng cư xử theo những thiên-năng xây-dựng trong cấu-trúc của não-bộ và kiến-tạo của cơ-thể mỗi loài; chúng có tranh đấu để sinh tồn bằng cả khả-năng của mỗi con vật nói riêng và sự cư-xử xã-hội của mỗi bầy đàn nói chung khi chúng sống đàn. Ở bên kia ranh-giới, là người.


      Bắt đầu, loài người cũng không khác gì cái loài nhân-hầu rồi hầu-nhân nay đã tuyệt giống, từ đó nó đã phát xuất. Nhưng, đến một độ nào đó, thì có một vài cá-nhân đã vượt qua cái ranh-giới của chúng-sinh nói chung. Rồi sau đó, càng ngày càng nhiều cá-nhân thụ đắc cái cung-cách ấy; bắt đầu từ đó, văn-hóa được xây dựng lên và lịch-sử phát xuất. Lịch sử của con người có mầu-sắc ngay từ trang đầu.


      Đây là bước tiến hóa quan trọng nhất trong lịch-sử của nhân-loại. Nó đến ở một lúc nào đó trong thời tiền-sử tối tăm mà con người trực-lập, homo erectus, biến thành con người kiến-thức, homo sapiens. Hai điểm chính-yếu phân biệt con người ở giai-đoạn tiến-hóa cuối-cùng này.



            Kệ sách Học Xá

      Thứ nhất là sự phát-sinh ra khả năng trao-truyền. Trao-truyền là đưa một cái gì từ một sinh-vật này sang một sinh-vật khác. Đó là một vận-động hai bậc. Tất cả các khả năng của mọi loài sinh-vật đều chỉ thực hiện được một bậc, từ mình đến một con vật khác. Mọi hoạt-động của chúng quay chung quanh những cơ-năng sinh-lý, quan trọng nhất là ăn uống và sinh-sản. Chúng thông tin cho nhau, thông thường bằng những chất pheromon mà chúng tiết ra, ít khi bằng những tín-hiệu thị-giác. Một con đực và một con cái tìm đến nhau theo những nhịp độ sinh-lý của cơ-thể biểu lộ bằng những cách ra dấu đặc-loại. Tất cả những hoạt-động ấy đều trực tiếp, và dầu tinh-vi, tế-nhị đến đâu cũng vẫn chỉ có một bậc, theo những sơ-đồ thiên-năng giản dị nhất đã in một cách cố định vào cấu-trúc cơ-thể của loài, để phát biểu ra trong một cư-xử nhất-thiết đặc-biệt của loài đó. Có lẽ chỉ có một trường hợp ngoại-lệ, là khi một con mẹ ấp trứng hay tha mồi về cho con. Nhưng ngoại-lệ ấy chỉ có ở bề mặt, vì quả trứng hay đứa con trong giai-đoạn này vẫn còn là chính con mẹ, và sự ấp trứng hay tha mồi vẫn chỉ là những thiên-tính cố-định. Khi đàn con đã đủ sức để kiếm mồi lấy, thì hành-động có vẻ hai-tầng nói trên cũng tự nhiên chấm dứt, và tình mẫu tử của một vài loài mà các thi-nhân ca ngợi cũng tắt hẳn.

       

      Sự trao-truyền trong loài người làm thành những hoạt động mà ngày nay ta xếp vào ba lãnh-vực: thông-giao (communication), nghệ-thuật (arts) và giáo-dục (training, education). Cả ba lãnh-vực đều là những sáng-tác của xã-hội người và là những bộ-phận thiết yếu của văn-hóa, nhưng lúc đầu, cả ba chủ-đích là hướng về sự bảo-vệ đời sống, mưu-đồ sự sinh-tồn của cá-nhân và bầy-đàn...

       

      Sự phát-sinh ra trao-truyền là sự tiến-bộ thứ nhất đã đưa loài người ra khỏi thân-phận loài vật để thành ra một yếu-tố chủ-động của lịch-sử. Một sự tiến-bộ thứ hai lại bắt đầu, chúng ta không biết vào lúc nào trong lịch-sử các xã-hội con người, và cũng cho con người một vai trò có lịch-sử-tính, là sự phát-sinh ra đối-chác.


      Thế nào là đổi-chác?


      Đổi-chác là một việc, ít nhất là tay đôi, và xảy ra theo hai chiều: một người này có một số lượng quá nhiều của một vật-dụng nào đó, nhưng lại không có hay có quá ít một vật dụng khác, một người khác lại có quá ít vật-dụng đầu-tiên, và qu|á nhiều vật-dụng thứ hai, hai người đổi-chác với nhau theo mô-hình trực-tiếp, nghĩa là cái nhiều của người này sang tay người kia, và cái nhiều của người kia sang tay người này.


      Sự đổi-chúc sớm nhất trong các xã-hội người, có lẽ là sự đổi chác người bằng hôn-phối. Một người con trai của bộ-lạc hay của tộc này, được đưa qua một tộc hay bộ-lạc kia. Ngược trở lại, một người con trai của tộc hay bộ-lạc kia rồi sẽ được đưa qua bộ-lạc hay tộc này. Sự đổi-chác bề ngoài là người, chưng thực ra là một đổi-chác khả-năng mà khoa-học hiện đại giảng giải là những tính-cách di-truyền tiềm tàng trong cái hệ-thống di-tử của mỗi cá-nhân, theo sự tin-tưởng ngày xưa thì là trao đổi toàn bộ các tính-nết tượng-trưng trong "vật tổ” totem của một tộc hay bộ-lạc. Đổi-chác bằng hôn phối ngoại-tộc là một bước tiến-bộ lớn để thu hút được các đức-tính của kẻ-kia bằng một cách-thức không đòi hỏi sự cướp người để lấy hay để ăn thịt. (2) Các đổi-chác qua hôn phối, luôn-luôn phải theo những lề-lối cố-định của mỗi văn hóa để tránh sự loạn-luân và đồng thời đảm bảo được một sự luân-lưu đều-hòa các người tuổi trẻ. Đổi-chác qua hôn phối thành một dịch-vụ kinh tế trong các xã-hội nông-nghiệp (chú rể, cô dâu: canh nông + dệt lụa).


      Một hình-thức khác của đổi-chác là sự biếu-xén. Nhà xã hội-học Pháp M. Mauss đã khảo sát vấn-đề này một cách thực chu-đáo và tinh-vi. Biếu-xén là đổi-chác để thăm dò nhau, trước khi đi sâu hơn vào những đổi-chác khác tiến tới sự giao-thiệp giữa hai cá-nhân hay hai cộng-đồng.


      Sự đổi-chác có tính-cách kinh-tế khi trong các xã-hội bắt đầu chớm nở một sự phân-công. Bằng sự chuyên-môn, một người hay một khóm có thể làm ra được một số rất nhiều vật dụng cùng một mẫu-hình hay cùng một công-dụng. Người ta chác những vật-dụng ấy lấy những vật-dụng khác hay lấy những thực-phẩm mà người ta không có hoặc thiếu thốn. Từ sự chuyển-dịch vật-liệu trực-tiếp này, sự đổi-chác có thể được thực hiện một cách phức-tạp hơn, với một hay hơn một trung gian đứng giữa (tiền, chi-phiếu, chợ, cửa hàng...)


      Hai hoạt-động này, sự trao-truyền và sự đổi-chác là hai cái chân trên đó tâm-lý xã-hội của loài người đã đứng thẳng, để rồi vươn lên dần mà thành ra những xã-hội rất phức-tạp, có những động-lực đã một phần nào làm cái lịch-sử của mình. Cho sự tồn tại cũng như cho sự diệt-vong. Cho sự cao-cả cũng như cho sự thấp-hèn. Cho sự tốt cũng như sự xấu. Lịch-sử-tính của con người làm cho con người có trách-nhiệm trong lịch-sử.


      Trần Ngọc Ninh

      Tuyết Xưa - Viết Về Văn Hóa
      Nxb Khởi Hành, 2002

      CHÚ THÍCH:

      (1) Lịch-sử Tự-nhiên: Histoire Naturelle

      (2) Nhiều bộ-lạc sơ-khai ăn thịt người không phải vì sở-thích mà vì tín-ngưỡng: họ tin rằng họ sẽ lấy được những đức-tính (sử khỏe, sự nhanh, sự can đảm) của người mà họ ăn thịt. Người Trung Hoa chuyển tin-tưởng ấy vào sự chữa bệnh bằng thịt súc-vật (cao hổ cốt, hải-cẩu-thận...)


      Ad-22 Ad-22


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức

      - Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận

      - Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ

      - Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo

      - Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)