|
Trần Trọng Kim(.0.1883 - 2.12.1953) | Văn Đen(.0.1919 - 2.12.1988) | Đàm Trung Pháp(.0.1941 - 2.12.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Vài hàng về tác giả: Masud Mufti Là một công chức cao cấp trong chính quyền Hồi Quốc, Masud Mufti viết những truyện thực trong xã hội Hồi Quốc trong nhiều thập niên bằng tiếng Urdu và được in thành nhiều tuyển tập. Phần lớn những truyện này thuật lại những kinh nghiệm sống của ông tại Đông Hồi. Hiện nay ông làm việc cho Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tại Manila.
Đôi dòng về lịch sử Hồi Quốc:
Suốt dòng lịch sử cận đại, Hồi Quốc (Pakistan) đã trải qua những cuộc chiến đẫm máu, cộng thêm thiên tai, nạn đói đã khiến nhiều chục triệu người chết. Để hiểu rõ những truyện ngắn do các tác giả Hồi Quốc viết, chúng tôi xin tóm tắt ít dòng lịch sử nước này:
Tháng 8, 1947: Anh Quốc trả độc lập cho Ấn Độ và nước này bị chia ra làm 2 nước riêng biệt: Ấn Độ và Hồi Quốc. Đa số dân Ấn Độ theo Ấn Độ Giáo và dân Hồi Quốc theo đạo Hồi.
Ngày 21 tháng 3, 1948: Chủ tịch nước Hồi tuyên bố “Urdu và chỉ có tiếng Urdu là ngôn ngữ chính thức của Hồi Quốc”. Qua nhiều cuộc tranh đấu, đến ngày 29 tháng 2, 1956 tiếng Bengali trở thành ngôn ngữ chính của nước này.
Ngày 14 tháng 10, 1955: Vùng “Đông Bengal” được đổi thành “Đông Hồi”.
Ngày 26 tháng 3, 1971: Quân đội Tây Hồi mở màn chiến dịch “Lùng kiếm quân phản nghịch” khi lực lượng Đông Hồi mạnh dần và mong thành lập một quốc gia đôc lập, tức là nước Bangladest. Suốt trong 9 tháng, quân Tây Hồi đã giết khoảng 3 triệu người, 400,000 đàn bà bị làm nô lệ tình dục vì các giáo sĩ Hồi giáo tuyên bố: “Phụ nữ Bangladest là tài sản chung”. Hơn nữa, mâu thuẫn gây ra trong cuộc chiến này còn là giữa những người nói tiếng Bengali và tiếng Urdu. Tám tới mười triệu người phần lớn là theo Ấn Độ Giáo phải chạy sang Ấn Độ lánh nạn. Trận chiến giữa quân Ấn Độ và Pakistan kết thúc vào ngày 16 tháng 12, 1971, tư lệnh quân đội Tây Hồi phải đầu hàng vô điều kiện tại Dacca trước quân Ấn Độ, kết quả là Đông Hồi được giải phóng và trở thành nước Bangladest.
Sau đó còn khoảng hơn một chục trận chiến giữa quân Tây Hồi và Đông Hồi (Bangladest) khiến nhiều triệu người thiệt mạng.
Ngày 22 tháng 12, 1971: Chính phủ lâm thời Bangladest lưu vong trở về thủ đô Dacca.
Ngày 9 tháng 2, 1972: Tuyên cáo “Hợp tác Thân hữu và Hoà Bình” giữa Ấn Độ và Bangladest được ký tại Dacca.
Cuộc tổng tuyển cử cho tân quốc gia Bangladest được thực hiện vào ngày 7 tháng 3, 1973.
Trận đói khủng khiếp vào năm 1974 tại Bangladest khiến trên 1 triệu người chết.
Tháng 2, 1974: Pakistan công nhận quốc gia Bangladest.
Ngày 20 tháng 3, 2000: Tổng thống Clinton là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ tới thăm Bangladest.
Lần đầu tôi gặp cô tại Lahore. Cô trong đoàn ca vũ từ Đông Hồi tới đây để trình diễn một buổi văn hóa tại sân khấu ngoài trời. Cô trình diễn một màn vũ đơn và hai màn vũ chung với nhóm.
Nghệ thuật trình diễn của cô khiến khán giả ngẩn ngơ. Thú thật là từ trước tới giờ tôi chưa thấy một diễn viên nào có một tài nghệ như cô. Hình như cô được sinh ra để nâng cao môn vũ chứ không phải là môn nghệ thuật này giúp cô phát triển khả năng của cô. Đôi chân, đôi tay nhịp nhàng làm mê hoặc người coi, và chắc hẳn mọi người đều đồng ý với tôi cô là một nghệ nhân tài ba mà từ trước tới nay chưa có ai vượt qua được. Nhịp chuyển động của đôi chân với những bước tựa như dòng nước đang chẩy nhanh thật ngoạn mục và thật quyến rũ; đôi khi những chuyển động uốn éo đôi tay hay thân hình khiến khán giả có cảm giác như đang bị say rượu.
Nền văn hóa và đời sống vùng Đông Hồi được biểu hiện qua chuyển động thân hình. Nghệ thuật của cô là những bước chân qua những vùng đất như những điệu vũ của người dân chài, điệu múa của người hái trà, điệu vũ giữa cánh đồng mưa … hết điệu này qua điệu kia, cô đã chiếm trọn trái tim khán giả bằng những nhịp chân, đôi tay. Với phong cảnh đồng lúa trên chiếc phông thêu ở phía sau sân khấu, cô chuyển động theo điệu nhạc, khi nhẩy, khi ngưng, lúc khoan thai, lúc dồn dập … mỗi lúc thể hiện một dạng mới, một cảnh trí màu sắc và nhịp điệu mới lạ, thật khó mà diễn tả.
Sau buổi trình diễn là bữa ăn tối do ban tổ chức khoản đãi và tôi gặp cô ở đây. Sau câu chào hỏi, tôi thân mật nói với cô:
- Tôi đã dự hàng trăm buổi trình diễn ca vũ và đã ca tụng họ hàng trăm lời khác nhau nhưng hôm nay tôi không thể kiếm được lời nào để tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của cô cả.
Lời nói này làm cô hài lòng với giọng cười rộn rã. Tôi nghe thấy tiếng ngân vang của những chiếc chuông nhỏ trong điệu vũ. Cô trả lời: “Tôi đã nghe được hàng trăm lời ca tụng nhưng chưa bao giờ nghe được một câu như của ông”. Nụ cười ấm áp hiện trên nét mặt, trên ánh mắt và cả trên hai gò má mịn màng kia nữa. Buổi tối hôm đó, chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau một lúc, cô rất thẳng thắn và thành thật, đi vào thẳng vào vấn đề mà không e dè, kiêng kỵ.
Khi tôi ngỏ lời muốn dẫn đoàn đi thăm thành phố vào ngày hôm sau, cô đồng ý ngay. Hôm đó, vợ tôi cùng đi và hai người trở thành đôi bạn thân, cô kể về đời sống riêng tư cũng như cuộc sống tại Đông Hồi. Sau ba ngày, cô phải trở về Dacca cùng với đoàn. Sau đó tôi nhận được lá thư cám ơn và tôi cũng viết thư trả lời, và câu chuyện hầu như chấm dứt từ đó.
Hơn một năm sau, tôi được lệnh thuyên chuyển đi làm việc tại Đông Hồi. Một hôm tôi tình cờ gặp cô tại một trung tâm mua bán. Vui mừng bước lại gần, tôi nói:
- Xin chào người đẹp đến từ Đông Hồi.
Nét rạng rỡ hiện trên khuôn mặt rồi cô cười, y hệt tiếng cười mà tôi nghe được tại Lahore, tiếng cười không mang một dấu vết đắng cay nào mặc dù chỉ hai tháng trước đây nơi này đã trải qua một cuộc nổi loạn đẫm máu. Trong tiệm nước, chúng tôi trải qua hơn một giờ nói chuyện, đủ thứ trên trời dưới đất và nhất là chuyện thời sự. Khi nói về tình hình ở nơi này, tâm trạng cô thay đổi, cô trở nên buồn và tuyệt vọng khi nhắc lại chuyên tàn sát người không thuộc giống Bengal tại vùng Đông Hồi này. Cô lập đi lập lại:
- Thật là kinh khủng, chính ra không việc đó không được xẩy ra. Mỗi khi thấy một người không phải giống người Bengal bị bêu đầu ngoài đường phố, tôi không biết số phận chúng tôi rồi sẽ ra sao.
Rồi cô kể trường hợp gia đình một người bạn, bố cô ta bị giết mặc dù ông là người giống Bengal chính tông, sống ở vùng Bengal qua nhiều thế hệ. Tội của ông chỉ vì ông sống trong một gia đình nói tiếng Urdu. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao? Tại sao lại như vậy được?
- Bởi vì họ nói tiếng Urdu.
- Nhưng họ là người Bengal, họ sinh sống ở đây lâu rồi mà.
Cô cúi đầu buồn bã trả lời:
- Bệnh hoạn như vậy đó. Tôi cũng không hiểu nữa.
- Thế còn bạn cô ra sao?
Cô nhếch mép cười, như chế nhạo, như cay đắng:
- Trong cuộc tàn sát, chỉ có đàn ông bị giết còn đàn bà con gái thì được dùng làm nô lệ tình dục cho đám người cuồng ngạo đó.
Lặng người một lát, tôi hỏi:
- Như vậy cô ta sống sót?
Hít vào một hơi dài, cô chỉ vỏn vẹn trả lời:
- Vâng.
- Cô ta an toàn chứ? Tôi muốn nói là làm sao cô ta qua được sự nguy hiểm đó?
- Ông nên hỏi những người trong đám người ngu muội đó. – Cô ta cay đắng trả lời làm tôi sượng sùng. Tôi hỏi nhanh để che đậy nỗi ngượng ngập:
- Chắc là chồng cô ấy cũng bị giết?
- Không, nó chưa có chồng. - Rồi như nói với chính mình, giọng cô nhỏ rất khó nghe: - Ai dám lấy nó chứ?
Có lẽ đây là câu trả lời gián tiếp những thắc mắc của tôi. Như đắm mình trong những kỷ niệm quá khứ, cô nói về người bạn khi còn học tại trung học và những năm trên đại học. Họ là đôi bạn thân, đi đâu cũng có nhau và luôn luôn ngồi cạnh nhau trên ghế nhà trường. Cả hai cùng tốt nghiệp vài năm trước đây.
Tôi muốn hỏi vài việc mà tôi chưa rõ. Một vấn đề đó là thái độ của những người ủng hộ Hồi Quốc :
- Ở đây có nhiều người ủng hộ dân Hồi không?
Cô trả lời không chút ngập ngừng:
- Nhiều, nhiều lắm.
- Vậy thì việc gì xẩy ra cho họ. Trong cuộc tàn sát thì họ ở đâu?
- Thì họ ở ngay tại đây, nhưng lại sợ hãi xanh mặt. Từ trước tới giờ họ là những kẻ bị quân khủng bố chế ngự. nếu họ không được ai chống lưng cho cũng như giúp đỡ công khai thì thật là một điều ghê gớm … một tai họa. Không có sự giúp đỡ, họ trở thành vô dụng, miệng câm như hến và bất lực.
- Họ cần phải tự tổ chức lại và mạnh dạn lên chứ.
- Đúng vậy, đó là niềm hy vọng của chúng tôi. – Cô nói mà như đang đắm chìm vào dòng suy nghĩ mung lung.
Ngạc nhiên, tôi nhìn cô. Đây là lần đầu tiên cô ta dùng chữ “chúng tôi”. Nhanh chóng nhận ra lỗi của mình và hiểu ra suy nghĩ của tôi, cô cười: “Quyền lợi của chúng tôi không khác biệt và chúng tôi không phải là hai thực thể riêng biệt. Chúng tôi là một và không thể chia ra được. Chúng tôi là một và không có gì có thể chia cắt được. Tôi muốn nói là mọi việc trong tay ông, ông có thể cải thiện những điều kiện ở đây và tạo niềm tin tưởng cho mọi người. Chúng tôi chỉ có thể giúp ông và nếu ông cảm thấy có gì khó khăn, chúng tôi cũng không thể giúp ông được nhiều.
Lúc đó, trà được mang ra và câu chuyện bị ngừng lại. Cô ta bắt đầu pha trà, những ngón tay di chuyển mềm mại và thoăn thoắt như thân hình đang trong một vũ điệu vậy.
Kể từ hôm đó, tôi không còn gặp cô nữa và tôi cũng nhận thấy những thay đổi của những người chung quanh. Khởi đầu rất thân mật và cởi mở. nhưng dần dần họ tránh mặt. Có lẽ họ không muốn kháng chiến quân bắt gặp họ tiếp xúc với người Tây Hồi.
Vì mọi điều kiện trở nên ngày càng xấu, những buổi trình diễn văn hóa lại càng hiếm hoi. Tôi không còn thấy cô trình diễn trên sân khấu nữa mà chỉ còn trên màn hình, do đó tôi thấy cô vẫn bình yên. Cô xuất hiện đều trong chương trình biểu diễn hàng tuần. Đôi lần tôi muốn đến nhà hay đến tận đài truyền hình để gặp cô, nhưng nhiều việc khác ra đến khiến dự định này bị thay đổi và suy nghĩ này làm tôi bị dằn vặt không nguôi.
Thế rồi vào một buổi chiều vào ngày cuối năm, tôi gặp cô tại khu Chợ Mới. Cô cũng nhìn thấy tôi, vội chạy nhanh lại với nụ cười thật tươi. Vui mừng, tôi hỏi cô:
- Xin chào, cô hồi này ra sao?
Không trả lời mà cô hỏi ngược lại:
- Xin chào ông, ông vẫn mạnh giỏi chứ?
- Cám ơn thần Allah, tôi vẫn mạnh khỏe.
- Sao ông không gửi những phần thưởng lại cho chúng tôi? - Rồi cô hạ thấp giọng: - Chúng tôi cần nhiều ân sủng của thần Allah nữa.
- Phần thưởng? Cô là một tặng phẩm của thượng đế rồi, sao lại còn đòi hỏi hơn nữa chứ? – Tôi pha trò.
Dường như cô hài lòng với câu nói đùa này rồi cười ngặt nghẽo. Rồi cô nhìn chung quanh xem có bị theo dõi không rồi tiến sát bên tôi, giọng nói thật nhỏ:
- Ông có thường đến đây không? Mà ông định mua gì vậy?
- Đi một vòng xem có gì mua không. Ngày một tôi trở lại Lahore rồi, tôi muốn mua chút quà cho bọn nhỏ.
Cô ta vui khi biết tôi trở về lại Lahore:
- Thật là một tin mừng, chắc ông cũng hồi hộp lắm phải không? Xin chuyển lời hỏi thăm của tôi đến chị và các cháu nhé. Hồi gặp tại Lahore, tôi thấy họ đáng yêu quá. Thằng bé con lúc tôi gặp trông bụ bẫm quá, chắc là bây giờ nó lớn nhiều rồi. Tôi không thể nào quên được Lahore, thật là thành phố đẹp … Khi nào ông trở lại vậy? Đi vào ban ngày hay đêm?
Câu hỏi này nối tiếp câu kia chứng tỏ là cô mừng cho tôi được trở về nhà sau nhiều tháng đi làm xa. Tôi hỏi cô:
- Cô đi mua gì vậy?
Một ánh mắt lạ lùng hiện trong mắt:
- Rất nhiều thứ.
- Chuẩn bị cho một buổi hội gì chăng?
- Không phải. Tôi dự định sẽ cấm cung một thời gian. – Cô điềm tĩnh trả lời. – Tôi quyết định là sẽ tự nhốt mình trong nhà một thời gian, sẽ không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết.
- Tại sao vậy?. – Tôi ngạc nhiên hỏi.
Trông cô lúc này nghiêm trọng hẳn, ánh mắt chiếu ra những nét lo lắng bất an. Chỉ tay về phía những cửa hàng trong khu chợ, cô nói:
- Ông nên tới những cửa hàng này nhiều lần mới rõ. Ông sẽ nhận thấy số người đi mua sắm lần này khác với những lần trước.
Tôi nhìn quanh rồi trả lời với giọng thật thấp:
- Tôi thấy ngày càng ít người hơn.
- Đúng vậy, càng ngày càng ít người. Người ta chỉ đi mua sắm khi thật cần thiết thôi.
- Tại sao vậy?
Câu hỏi này như chọc cô cười, nhưng tiếng cười lần này chen lẫn chua chát.
- Ông có nghe việc Hội Ân Xá Quốc Tế mới ra một thông báo.
- Đó là một tin vui. Tôi rất mừng khi nghe tin này.
- Đúng vậy, nhưng lại không hợp vào thời điểm này, nó sẽ không mang lại kết quả nào.
- Tại sao? Tôi không thấy có điều gì bất lợi cả.
Câu trả lời của tôi không làm cho cô hài lòng.
- Ông đừng làm như không biết gì. Ông có thấy điều mập mờ trong đó không?
- Thực tế đi. Cô thấy điều gì không rõ ràng trong thông báo đó?
Cô ta điềm tĩnh trả lời:
- Đây nhé, Hội Ân Xá có thể ra thông báo này 2-3 tháng trước để mọi người có thể trở về chứ? Bắt mọi người ở lại để có thì giờ huấn luyện cho quân kháng chiến đủ mạnh và bây giờ mới ra thông báo, mở cửa biên giới cho họ tràn vào, hết đợt này tới đợt khác với vũ khí và đã được huấn luyện thuần thuộc.
Có lẽ cô ta nói đúng, nỗi phiền muộn tràn ngập tâm hồn. Tôi thấy không nên nói chuyện này giữa đám đông ngay chốn chợ búa. Cầm ly trà lên, tôi nói:
- Nào, vui lên, đừng thất vọng. Để khi nào tôi từ Lahore trở lại mình sẽ nói về việc này nhiều hơn. Cô có thể tới gặp tôi được không?
- Tại nhà ông? Không thể được.
- Tại sao?
- Không có lý do nào cả, nhưng tôi không thể. – Cô trả lời chắc chắn.
- Có gì bị trở ngại?
- Đúng vậy. – Cô chặc lưỡi. – Lý do chính trị.
Thình lình cô cười nhẹ, đứng dậy, vẫy tay chào rồi bước ra cửa trước khi tôi có một phản ứng.
Khi ở Lahore, tôi phải ở lại đó thêm 4 ngày nữa để làm cho xong một số công việc. Rồi khi trở lại Dacca, tôi được biết là cô cố tiếp xúc với tôi qua điện thoại vài lần trong vài ngày qua, cô cũng để lại số điên thoại và tin nhắn. Tôi gọi lại cho cô và báo là tôi đã trở lại, yêu cầu cô gọi lại. Ngày hôm sau cô gọi tôi:
- Cám ơn thần Allah, ông đã trở lại. Công việc của ông ra sao? Mọi người ở Lahore có mạnh không?
- Tất cả đều yên bình, còn cô ra sao?
- Sống sót. Tôi muốn gặp ông.
Tôi mau mắn trả lời:
- Tôi sẵn sàng. Vậy đến bao giờ.
- Càng sớm càng tốt.
- Vậy tại sao không gặp ngay bây giờ. Chỉ có điều là một quả bom vừa nổ trong khu phụ cận gần đây, hiện giờ thì cảnh sát đang bao vây cả khu này.
- Không sao, tôi phải nói chuyện với ông ngay bây giờ, khẩn cấp lắm.
Tôi ngập ngừng:
- Cảnh sát sẽ không cho cô vượt qua đâu.
Cô tự tin trả lời:
- Đừng lo, họ sẽ không làm gì tôi vì David sẽ nói với họ.
Ngạc nhiên, tôi hỏi lại:
- Cô quen với David à?
- Vâng, biết anh ta lâu lắm rồi. Tôi tới ngay bây giờ nhé.
- Vâng, mời cô tới.
- Được, tôi tới sớm.
Tôi biết rất rõ về David, anh ta là người nước ngoài, là phóng viên cho một tờ báo nổi tiếng và là một trong số ít phóng viên nước ngoài thông cảm với người Hồi cũng như hiểu được tình hình của dân tộc này trong tình hình hiện tại. Phần lớn những phóng viên nước ngoài đều chống lại chúng tôi, họ thường viết những bài ca tụng lực lượng đang tàn phá đất nước khốn khổ này.
Khoảng nửa giờ sau, hai người đến. Nét ưu tư, làn da hơi tái xanh và vài nét nhăn hiện ra bên khóe mắt. Sau vài câu chào hỏi xã giao, cô bắt đầu kể lể:
- Vài ngày trước, tôi nhận được vài lá thư, tất cả đều có một giọng điệu đe dọa, họ ra lệnh cấm tôi không được hát và múa cũng như liên lạc với người Tây Hồi. Họ còn nói là từ giờ về sau nếu tôi còn tham gia vào những chương trình văn nghệ trên đài truyền hình nữa thì họ sẽ giết tôi. Đây là lệnh, rất rõ ràng và minh bạch.
Tôi lo lắng hỏi:
- Vậy sau khi nhận được những lá thư đó, phản ứng của cô ra sao?
- Chẳng có gì cả. Bỏ qua những lời đe dọa, tôi vẫn tiếp tục xuất hiện trong những chương trình của tôi. Bốn ngày trước đây khi tôi trở về nhà, tôi đang ngồi trên chiếc xe kéo thì một chiếc xe hơi từ phía sau vượt qua rồi chặn trước chiếc xe của tôi. Hai gã đàn ông to lớn từ chiếc xe đó đi xuống, tay cầm súng, họ kéo tôi ra khỏi xe. Tôi chống cự lại. Khi ngã xuống đường, tôi cố dùng tay và chân chống lại sự hung bạo của họ. Hai người này nổi giận, một tên chĩa thẳng khẩu súng vào đầu tôi. Trước khi hắn có cơ hội bóp cò thì một chiếc xe vận tải nhà binh thình lình xuất hiện, họ vội buông tôi ra rồi lái xe đi mất.
Cô ngừng kể, lấy chiếc khăn tay ra lau mồ hôi đang lấm tấm trên trán. Tôi hỏi:
- Sau đó cô làm gì? Có trình Cảnh Sát không?
- Có chứ. Tôi cũng trình lên Ủy Ban Quân Sự Đô Thành để xin bảo vệ, nhưng chẳng có kết quả gì. – Cô im lặng, nỗi lo âu hiện rõ trong mắt. – Ông là một nhân viên trong phái bộ Tây Hồi, liệu ông có thể giúp tôi được việc gì không? Ông có thể nói giúp tôi với một sĩ quan cao cấp để bảo vệ cho tôi được không?
David cũng nói thêm sự cần thiết bảo vệ cho cô vì tình hình hiện nay thật là nghiêm trọng.
Thật sự lo lắng, tôi vội gọi cho một người bạn, giải thích cho ông ta về tình trạng khẩn cấp của vấn đề. Sau khi nghe xong, ông ta đồng ý và hứa sẽ liên lạc với ban chỉ huy thành phố. Một lúc sau, ông ta gọi lại, cho biết hiện nay toàn thể lực lượng bảo vệ được huy động ra khắp nơi nên không còn một nhóm quân nhân nhỏ nào nữa. Cô ta nên kiên nhẫn đợi vài ngày nữa.
Trong khi tôi nói chuyện với người bạn, cô nhìn tôi chăm chú và khi câu chuyện chấm dứt, bề ngoài cô hoàn toàn thay đổi. Nỗi thất vọng hiện rõ trong ánh mắt, khi tôi giải thích những khó khăn mà lực lượng bảo vệ thành phố hiện tại, đôi môi khô của cô từ từ mở ra như không tin vào lời giải thích của tôi. Lúc này David nói giúp tôi:
- Ông ấy nói đúng đó, cô nên theo lời khuyên của ông ta.
Tôi nhẹ nhàng an ủi cô:
- Cô nên ở trong nhà vài ngày cho tời khi việc sắp xếp ổn thoả. Xin cô nghe lời tôi và đừng đi ra ngoài.
Cô im lặng nhìn tôi một lúc, hai môi cắn chặt. Một lúc sau cô lắc đầu và nói với một giọng thật thấp, khó nghe:
- Không, tôi không thể làm như vậy được. Tôi không thể bỏ rơi đất nước trong tình hình như thế này được. Ngoài ra tôi còn có lý do riêng tư nữa. Tôi còn phải giúp đỡ gia đình mà cả nhà trông đợi vào nguồn thu nhập của tôi từ đài truyền hình. Tôi có tám đứa em mà chỉ có tôi là người kiếm ra tiền thôi.
Giọng nói của cô run run rồi cuối cùng chìm trong cái yên lặng như bất tận. Khi nghe cô nói, cổ họng tôi như bị vật gì chặn ngang vậy. Thật buồn, tôi nghĩ là phải cố giúp cô lần nữa.
Tôi chở David và cô ta tới văn phòng vài nhân vật có thế lực trong thành phố. Sau lời giải thích và cố thuyết phục và sau cùng họ tìm ra giải pháp: một chiếc xe nhà binh hoặc một chiếc xe của đài truyền hình sẽ tới nhà chở cô tới đài rồi sẽ chở cô về khi xong việc. Cô rất hài lòng với biện pháp này, cô cũng cám ơn tôi bằng những lời lẽ chân thành. Tôi đưa cô về nhà và David về khách sạn.
Trên đường về, tôi tự hỏi cô có thực sự là người yêu đất nước Hồi Quốc, cố chứng tỏ là người yêu tổ quốc trước mặt người Tây Hồi hay chỉ vì mức thu nhập mà phải liều thân như vậy? Đây là lần cuối cùng tôi gặp cô.
Sau buổi hôm đó, tình hình Đông Hồi ngày càng trở nên tồi tệ. Vào ngày 22 tháng 11, quân Ấn Độ tấn công Đông Hồi, sau 13 ngày máu lửa, chiến tranh lan sang Tây Hồi. Bốn ngày sau đó, biên giới Đồng Hồi dần dần thành hình rõ ràng và dấu hiệu thất bại xuất hiện.
Trong lúc này, vài người chúng tôi chung nhau một căn nhà. Vào ngày 12 tháng 12, trong tình hình tuyệt vọng và không có gì phải làm, chúng tôi ngồi theo dõi tin tức trên truyền hình. Mọi người đều rõ là sớm hay muộn thì Dacca sẽ thất thủ vì hy vọng sự can thiệp của Mỹ hay Trung Hoa ngày càng mờ nhạt. Chúng tôi chỉ còn trông cậy vào sự chiến đấu dũng cảm của binh sĩ Bengal thôi. Mắt tôi dán chặt trên màn hình nhưng tâm hồn tôi thì đang thơ thẩn đâu đâu. Thình lình cô xuất hiện làm tôi tỉnh hẳn cơn mơ mộng. Tôi đắm chìm vào cung mê bởi điệu vũ cô đang trình diễn, tiếp theo là một bản nhạc ái quốc trong ban hợp ca. Tôi tự hỏi có phải cô đang trình diễn trên đài hay chỉ là những màn trình diễn cũ được thu lại từ trước. Khi chương trình chấm dứt, tôi gọi thẳng lên đài. Sau khi xưng tên và chức vụ, tôi xin được hỏi về chương trình trên. Họ cho biết đó là chương trình sống vì những tên Bengal đào ngũ đã phá hủy những cuộn băng cũ và bây giờ họ không còn gì mà phải thực hiện những chương trình sống. Tôi ngỏ lời ca tụng cô với nhân viên trên đài rồi nói với anh ta:
- Tôi có thể nói chuyện với cô ấy được không?
- Được chứ, xin ông chờ một chút.
Sau một lúc, giọng cô trên đầu giây:
- Hello.
Không màu mè, tôi hỏi liền:
- Cô mạnh giỏi không, hồi này ra sao?
Giọng cô yếu ớt, đục và có vẻ buồn nản:
- Cũng bình thường thôi.
- Tôi vừa coi chương trình của cô. Cô thật là tuyệt, rất khâm phục cô. Tôi ước là có thể tới ngay đài để ngỏ lời chúc tụng, nhưng thật là khốn nạn, thành phố bị thiết quân luật mà tôi lại ở xa đài.
- Vâng, tôi hiểu. Xin đừng ra ngoài. Tôi cũng rất khó về nhà lúc này. – Trong cái im lặng, tôi nghe hơi thở nặng nề của cô. Tôi nghĩ là phải nói với cô, phải nói lên lời cám ơn lòng dũng cảm của cô.
- Lâu rồi không gặp cô …
- Vâng, rất mừng là mình được nói chuyện với nhau ngày hôm nay. Cuộc chiến này … rồi sẽ ra sao? – Cô nói với giọng thật thấp.
- Tôi có thể nói với cô được không? Nghĩa là trên điện thoại?
Cái im lặng như một tấm màn đen lại bao trùm lên chúng tôi. Tôi có thể tưởng tượng ra nỗi thất vọng khôn cùng của cô:
- Không còn một tia hy vọng nào nữa chăng?
- Không.
Tôi nghĩ là không còn lời nào tàn nhẫn hơn khi thốt lên lời đó, nhưng tới lúc này thì không thể nói câu nào khác hơn được.
Thời gian như dừng lại dưới cái tác động mãnh liệt chết người của nỗi tuyệt vọng. Chúng tôi như hai kẻ kiệt sức vì buồn phiền, khóc trong câm lặng và cố ngoi lên cho sự sống còn trong cái hỗn loạn đang bủa vây chung quanh. Tôi muốn an ủi cô, cố gắng nói lên một lời nào để cho cô hy vọng, cho cuộc nói chuyện được tiếp tục, nhưng không thể nào mở lời ra được. Trống rỗng và hơi chóng mặt, chơi vơi trong nỗi u sầu và tuyệt vọng, tôi chỉ đứng im đó, chiếc điện thoại vẫn để trên tai. Tôi biết là đầu giây bên kia, cũng như tôi, cô im lặng trong sầu khổ vì tôi vẫn nghe tiếng thở nặng nề của cô. Thình lình tiếng nói của cô như một làn gió thật nhẹ:
- Rồi ông sẽ ra sao?
Tôi mệt mỏi trả lời:
- Chỉ có trời biết.
- Vợ và các con ông nữa.
- Thần Allah sẽ bảo vệ họ.
Tôi nghe thật rõ tiếng nấc nhẹ. Tôi gọi cô nhưng cô không trả lời, những tiếng nấc và tiếng khóc của cô xé nát tim tôi. Rồi tiếng gác máy cắt đứt đường dây.
Vào ngày 16 tháng 12, quân đội Hồi Quốc đầu hàng. Như bao nhiêu ngàn người khác tôi trở thành một tù nhân chiến tranh. Sau 2 năm 30 ngày sống trong trại tù tại Ấn Độ, tôi được trả tự do về lại lại Hồi Quốc. Vài tháng sau tình cờ tôi gặp David. Chúng tôi cùng nhau đi thăm nhiều nơi trong thành phố, kể cho nhau nghe về mình và cuộc sống của dân chúng trong thành phố cũng như tại vùng biên giới. Sau chiến tranh, David sang Bangladest vài lần và rất thán phục sự tiến triển của đất nước mới mẻ này. Rồi câu chuyện cũ hướng về cô gái mà chúng tôi quen biết.
Câu hỏi của tôi làm anh ta im lặng một lúc.
- Cô ấy vẫn ở đó. Tôi có gặp cô ta hai lần.
Tôi dồn dập hỏi:
- Cô ấy ra sao, còn đi hát không?
David cười nhẹ rồi im lặng. Tôi nóng ruột hỏi dồn:
- Tình trạng của cô ta ra sao sau chiến tranh?
- Cô ấy phản ứng lại chính quyền mới mãnh liệt rồi bị bắt, bị kết tội là thông đồng với người Tây Hồi và bị nhốt ở nhà tù tại Dacca cùng với hơn tám ngàn người khác. Sau đó một nhân vật quyền thế trong chính quyền mới đưa cô ra khỏi tù vì ông này mê cô ấy từ lâu. Cô trở thành vợ bé của ông ta một thời gian ngắn. Khi đã chán chê, ông ta định đưa cô trở về nhà tù nhưng một số người khác lại muốn đưa cô ra toà vì tội chống đối lại chế độ. Kết quả là cô bị xử chặt hết mười ngón chân để suốt đời không còn múa được nữa.
Bị cú sốc mạnh và quá đau đớn, tôi tối tăm mặt mũi.
- Nhưng mà … cô ta còn có trách nhiệm nuôi sống đại gia đình. Cô đã nuôi tám người em bằng nghệ thuật …
- Phải, tôi biết. Nhưng cô may mắn vẫn tiếp tục con đường cô theo đuổi. – David điềm tĩnh nói.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Thật vậy sao? Nhưng bằng cách nào?
Nhìn vào cõi mung lung, giọng hắn thật nhỏ như chỉ nói với riêng cho một mình nghe:
- Trước kia cô bán nghệ thuật để nuôi mình, bây giờ thì bán chính bản thân của cô ta.
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Pho Tượng Chac-Mool Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |