1. Head_

    Trần Trọng Kim

    (.0.1883 - 2.12.1953)

    Văn Đen

    (.0.1919 - 2.12.1988)

    Đàm Trung Pháp

    (.0.1941 - 2.12.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Xuân Tha Hương (Phạm Thành Châu) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      2004 | TRUYỆN

      XUÂN THA HƯƠNG

        PHẠM THÀNH CHÂU
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Sau năm bảy lăm, bố tôi đi tù cải tạo thì chỉ ít lâu sau, mẹ tôi đem ba anh em chúng tôi về giao cho gia đình bên nội nuôi rồi đi biệt, nghe nói có chồng khác. Sau năm bảy lăm, đồng bào Miền Nam coi như gặp đại họa, gia đình "ngụy" lại càng thê thảm! Bà nội tôi già quá, chẳng có gì ngoài tấm lòng thương con, thương cháu.

      Nhà nội tôi ở trong hẻm, gần chợ Cây Quéo. Nhà lợp tôn, vách ván, tuy cũ nhưng chưa rệu lắm, mưa chỉ dột ở vài chỗ.

      Cũng may, nền nhà tráng xi măng nên tối đến, ba anh em chúng tôi trải chiếu, giăng mùng, ngủ dưới đất, rất mát và thoải mái.

      Chúng tôi có hai người cô, làm công nhân, lương không đủ sống lại còn phải nuôi bố tôi và hai người chú trong tù, nên chúng tôi chẳng khi nào no bụng. Hai đứa em tôi còn nhỏ, đứa bảy tuổi, đứa năm tuổi, tôi thì hơn mười tuổi. Ðói quá, tôi dẫn thằng em kế xách cái bị cói, đến các nơi đổ rác, dùng cái móc sắt moi giấy, chai lọ, bọc ni lông ... bán kiếm tiền ăn quà rong, coi như hai đứa tôi không ăn cơm nhà, đôi khi còn mua ít quà về cho thằng út.
       

      Bữa nào anh em tôi bị mấy thằng lớn hơn cướp mất rác thu nhặt được là tối đó về chúng tôi đành nhịn đói vì bà tôi và các cô cứ tưởng chúng tôi no rồi, không bao giờ để phần cơm, mà chúng tôi cũng không đòi ăn, vì không muốn làm phiền ai cả, tuy vẫn biết nội tôi và các cô rất thương chúng tôi. Mỗi khi có thư của bố tôi hay các chú gửi về xin quà thăm nuôi là nội tôi ngồi khóc!

      Bấy giờ gia đình "ngụy quân, ngụy quyền" nào cũng thế cả. Ðàn ông thì ở trong tù, chỉ còn đàn bà, trẻ nít, với người già, chẳng biết xoay sở ra sao, nên được thư xin quà thăm nuôi vừa mừng vì biết người thân còn sống; vừa nhớ và lo, không có gì tiếp tế cho người đi tù nên chỉ biết khóc. Giá như nước mắt mấy bà mẹ, bà vợ, con cháu ... biến thành gạo, cá khô, đường ... thì người trong tù ăn bao giờ cho hết? Nói thế chứ nước mắt nội tôi chẳng còn bao nhiêu, chỉ có hai giọt, lăn đến cái miệng móm xọm là vừa khô.


      2.


      Ad-22 Ad-22

      Ðể có tiền mua quà thăm nuôi tù cải tạo, các cô tôi tìm xem trong nhà có gì bán được thì đem ra. Trước hết là mấy cái áo quần mới, may trước "giải phóng" rất đẹp. Hai cô tôi, trước khi đem bán, thường mặc vào, ỏng ẹo đi ra, đi vào, soi gương cả buổi, chán chê rồi lầu bầu với nội tôi "Khi nào mấy anh đi tù về, mẹ nhắc mấy ảnh sắm đồ mới mà đền cho tụi con." Tưởng như mấy người tù sắp về đến nơi! Nội tôi cũng tin như vậy nên thường đứng trước cửa, dòm ra đường, vẻ bồn chồn như người chờ xe buýt. Nhưng dòm mãi vẫn không thấy đứa con nào về!   

      Hết quần áo thì đến cái tủ. Nội tôi cười bảo: "Cái tủ trống rỗng, để chi cho chật nhà!" Bán được tủ, nội tôi giữ tiền, không bỏ ra một cắc, để giành cho các cô đi thăm nuôi tù. "Tụi bây có đói cũng chưa chết. Cha với chú tụi bây trong tù không có thăm nuôi là chết ..."

      Quà thăm nuôi cũng chỉ cái bị cà ràng, đựng gạo, cá khô, đường ... Sau khi cái nhà trống trơn, nội tôi nhìn quanh, chỉ còn cái bàn thờ. Nội tôi cũng cười nhưng miệng méo xẹo "Cho bộ tam sự vượt biên."


      Bộ đồ thờ bằng đồng, gồm cái lư hương to, có hai con lân hai bên, trên nắp cũng có con lân, đúc rất đẹp, nội tôi coi như của gia bảo. "Từ khi tao về làm dâu nhà nội bây, bộ tam sự nầy thờ đã được hai ba đời trước rồi ...!" Bán chẳng được bao nhiêu nhưng cũng giúp cho người trong tù cầm hơi mà sống. Hà tiện cách mấy, tiền cũng hết, đến lượt cái tủ thờ cẩm lai, chạm trổ rất đẹp, cũng phải lên đường. Lần nầy nội tôi ngồi khóc thút thít mãi, vì không có gì để thờ Phật, thờ Ông Bà. Trước khi giao bàn thờ cho người ta, nội tôi quì lạy mãi, tưởng như thế Phật Bà và Tổ Tiên sẽ thông cảm mà tha thứ cho tội bất kính, bất hiếu.

      Tượng Phật và mấy bài vị được để trên một miếng gỗ, treo trên vách, coi như cái bàn thờ. Mỗi tối tụng kinh Phật, cầu an cho người trong tù, nội tôi ngồi bệt dưới đất, gõ mõ cốc cốc, miệng ê a một lúc lại ngước lên bàn thờ và lạy, trông giống con gà bị bịnh dịch, cứ ngửa cổ lên trời, đi thụt lùi rồi ngã lăn ra chết. Nội tôi không bị ngã nhưng mỏi cổ nên sau nầy chỉ cúi lạy coi như lạy cái vách ván.

      Rồi đến bô bàn ghế ngồi ăn cơm và tiếp khách, nội tôi kêu mấy bà thường lội xóm "Ai có bàn ghế, giường, tủ, máy may, quạt máy ... bán không?!" Bà nào cũng trề cái môi dài thòng "Chẻ làm củi chụm đi bà ơi! Bà bán không đủ tiền mua củi đâu." 


      3.


      Vừa lúc tôi tròn mười sáu tuổi, tôi thuê được một chiếc xích lô, thả rong khắp đường phố, chở khách và chở hàng. Tôi còn nhỏ, chân ngắn quá, vói không tới bàn đạp, phải nghiêng bên nầy đạp một cái, nghiêng bên kia đạp một cái, vậy mà xe vẫn chạy ào ào, đâu thua ai! Tôi đạp ngày đạp đêm. Nặng nhẹ, mắc rẻ gì tôi cũng chở tuốt. Bắp thịt chân tôi cứng ngắt, mấy đứa em cứ bóp thử, phục lắm. Từ sáng tinh mơ, tôi đã đẩy xe ra, khuya mới về, đôi khi tôi tấp xe bên đường, trùm cái khăn lớn, ngủ luôn trên xe. Ðược bao nhiêu, sau khi trừ chi phí thuê xe và tiêu vặt, tôi đem giao hết cho nội tôi, để dành thăm nuôi. Cái bị cói đựng quà thăm nuôi nặng hơn trước. Các cô tôi tha không nổi, cứ đi lệch bệch mà miệng thì cười toe toét. "Thăm nuôi ít quá, các ảnh biết, ngoài đời, mình khổ lắm, không muốn nhận quà." Các em tôi, nhờ ăn uống đầy đủ, hồng hào, lớn lên thấy rõ.


      Rồi bố tôi và các chú tôi, lần lượt được thả ra. Ai cũng bắt chước tôi đạp xích lô. Nhà đâm khá giả mà nội tôi cũng không còn đứng ở cửa, ngóng ra đường như người ta chờ xe buýt nữa. Mái nhà được lợp lại cho khỏi dột, lại làm thêm một cái gác lửng cho ba anh em tôi làm chỗ ngủ. Tối nào cũng leo lên cái thang rồi bò vào như mấy con thú rừng bò vào hang vì cái gác làm sát mái nhà quá, buổi trưa không ai dám lên vì nóng khủng khiếp.

      Ít lâu sau có vụ HO, tù cải tạo được đi Mỹ. Theo như nhà nước phổ biến, người làm đơn chỉ tốn tiền mua các mẫu đơn, điền vào, nộp quận, huyện, nhưng làm như thế đến Tết Ma Rốc mới được đi. "Khâu" nào cũng cần tiền, có tiền thì hồ sơ mới được chuyển đi, như xe máy cần đổ xăng mới chạy được, mà thường tính bằng chỉ vàng, lượng vàng. Còn thêm vụ đôn danh sách nữa. 


      Ðúng ra ai nộp hồ sơ trước thì được cứu xét trước để chuyển cho tòa đại sứ Mỹ phỏng vấn, ai nộp sau, phải chờ, nhưng nếu có vàng, ra Hà Nội chạy chọt (hối lộ) sẽ được đôn danh sách, nghĩa là được đưa vào danh sách phỏng vấn sớm nhất, đi Mỹ trước.

      Gia đình nội tôi làm gì có vàng. Thời may, bố tôi được một bà lớn tuổi, nhưng không chồng, chịu chi phí, với điều kiện để tên bà ta vào như là người vợ của bố tôi để bà ta cùng đi Mỹ. Bà ta lại chịu khó ra Hà Nội đóng vàng nên gia đình tôi được lên máy bay sớm.

      Trước đây, bố tôi làm hôn thú với người đàn bà chỉ nghĩ rằng qua đến Mỹ sẽ chia tay, không ngờ hai người vẫn sống chung cho đến nay. Bà ta sinh được hai đứa con, tức em cùng cha khác mẹ với tôi. Bà đối xử với mấy anh em tôi không tốt. Trước bảy lăm, là sĩ quan quân đội, không hiểu bố tôi ra sao; nhưng sau khi đi tù về, bố tôi có vẻ ba phải, ai làm gì cũng mặc, nhất là khi ở Mỹ, ông chỉ nói chuyện tu tiên, tu Phật gì đó, chuyện gia đình không lý đến. Tôi chán quá, qua tiểu bang khác với thằng bạn. Hắn làm việc ở tiệm Mc Donald, và giới thiệu tôi vào làm. Ðây là nghề chỉ có bọn thất học như tụi tôi mới làm vì lương hướng chẳng bao nhiêu. Nếu bạn đi tiệm Mc Donald, người làm phục vụ khách ra sao thì cứ tưởng tượng tôi là một trong những người đó, nên xin khỏi dài dòng.
               

      4.


      Miền Ðông nước Mỹ cũng có nhiều người Á Châu, nhất là người Việt, đôi khi gặp, chuyện trò thăm hỏi cũng đỡ chán đời. Một lần, tôi gặp một cô khách, không đoán được người xứ nào, nhưng rất đẹp, tôi bèn gọi thằng bạn đang chiên French Fries sau bếp:

      - Lẹ lên! Ra coi người đẹp.

      Hai đứa tôi tranh nhau chào người đẹp. Tôi hỏi (bằng tiếng Anh):

      - Cô có phải là người Á Châu không?

      Cô mỉm cười, lắc đầu, xổ ngay một tràng tiếng Spanish. Chúng tôi không hiểu nên hỏi cô:

      - Có phải cô là người Nam Mỹ không?

      Cô gật đầu, nói (tiếng Anh):

      - Tôi người Ấn Ðộ, nhưng ở Nam Mỹ.

      - Người Ấn Ðộ sao mũi không cao?

      Cô ra dấu:

      - Tôi cắt bớt nên nó thấp xuống như thế này!

      Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Thế là tôi và cô coi như quen nhau.

      Thật khó để tả cô đẹp ra sao. Cô như viên kim cương màu đen, tỏa ra một thứ ánh sáng quí phái mà hấp dẫn. Da cô ngâm ngâm, mắt cô đen láy và sáng trưng nhưng lại có vẻ buồn buồn. Lông mày cô đậm, cong vòng như lá liễu. Mũi nhỏ, thanh tú, hơi hếch lên nghịch ngợm. Dáng người mảnh mai, tóc đen nhánh, óng mượt, đồi ngực nhỏ nhưng dựng đứng lên, đẹp kỳ lạ ... nhất là khi cô đi, hai cái mông tròn, cao, nhún nhảy, nhẹ nhàng theo từng bước chân như những nốt nhạc trong một bản hòa tấu cổ điển. Nhìn cô đi, tôi chỉ ước được nằm xuống cho cô dẫm chân lên người, có lẽ sẽ sung sướng lắm!


      Một lần, khi trao hàng, tôi nói với cô (bằng tiếng Anh):

      - Tôi thấy cô đẹp, tôi khen cô, cô có giận tôi không?

      Cô lắc đầu:

      - Không, tôi cám ơn anh.

      - Nhưng tôi nói tiếng Anh không rành lắm nên tôi nói tiếng Việt với bạn tôi để khen cô, cô có nghi ngờ chúng tôi nói xấu cô không?

      Cô nhìn tôi, mắt sáng lên, vẻ tinh nghịch:

      - Tôi có cái máy trong đầu, tôi sẽ biết các anh nghĩ gì về tôi. Anh cứ nói thử, tôi đoán xem có đúng không?

      Tôi nhìn vào mắt cô và nói:

      - Mắt em đẹp tuyệt vời! What do I say?

      - My eyes're wonderful. Right?

      Thực ra không cần cô phải thông minh lắm mới đoán được những gì trong đầu tôi, vì đôi mắt si dại của tôi nhìn cô rất lộ liễu. Ðại khái tôi khen cô bằng tiếng Việt và cô đoán để giải thích bằng tiếng Anh. Ðó là một trò chơi mà cô rất thích. 


      5.


      Ad-22 Ad-22

      Một lần, tôi nhìn ngực cô định nói thì cô đã đưa ngón tay lên miệng ra dấu và nói:

      - Ðừng nói!

      Cô chỉ vào cánh tay trần của cô:

      - Anh chưa nói mà tôi đã nổi da gà ...

      Lần khác, nhân lúc vắng khách, tôi xin cô đứng yên một phút để ngắm cô. Cô gật đầu, đứng nhìn sự chiêm ngưỡng của tôi với vẻ vừa điềm tĩnh vừa tò mò như nhìn một em bé đang chơi một trò ngộ nghĩnh gì đấy. 

      Từ nhỏ tôi chỉ tiếp xúc với bọn đầu đường xó chợ, quen ăn nói tục tĩu, về cả những chuyện mà tuổi tôi bấy giờ chưa hề biết, thế nên những gì tôi nghĩ trong đầu thường bật ra thành lời nói rất sống sượng. Mà khổ nỗi, không nói ra, nhất là những ý tưởng không được trong sạch về cô là tôi cứ rậm rực trong người.


      Có lần tôi ngứa miệng quá, đành nhìn bàn tay cô và nói (tiếng Việt):

      - Ngực em đẹp phải biết! Chỉ nhìn qua lần vải, anh cũng biết nó tròn, nhỏ, cứng, da mịn và thơm. Em cho anh úp mặt vào đó, năm phút thôi ... rồi em lấy súng bụp vào ngực anh một phát, anh sẽ mỉm cười, hạnh phúc đi về chín suối ...

      Cô tò mò hỏi tôi:

      - Anh nói gì về bàn tay tôi mà nhiều thế?

      - Tôi biết coi chỉ tay. Nhìn tay cô tôi biết cô đang có chuyện buồn.

      Cô ngạc nhiên:

      - Hôm nào anh coi chỉ tay tôi và nói xem tương lai tôi sẽ ra sao?

      - Ðể tôi nói ngay bây giờ, có đúng không nhé. Cô đang có chuyện buồn nhưng trong tương lai, cô sẽ vui vì có một người rất yêu cô.

      Cô cười:

      - Anh muốn tán tỉnh tôi phải không?

      - Nhưng cô có thưa tôi về tội quấy nhiễu cô không?

      - Anh yêu tôi không phải là cái tội.


      Một lần cô mặc thời trang, chỗ rốn chừa ra một khoảng bụng hấp dẫn, tôi đứng nhìn sững, thằng bạn bên cạnh thúc cùi chỏ, nhắc tôi lo phục vụ khách đang chờ. Trong lúc làm việc, hắn thì thầm với tôi, làm như nói chuyện riêng:

      - Mầy nhìn bụng em thấy gì lạ không?

      - Thấy gì? Chỉ muốn để tay lên, xoa xoa ...

      - Em có chửa, ít ra cũng ba bốn tháng. Nhưng sao không thấy em đeo nhẫn cưới?

      - Tao cầu cho thằng "tác giả" cái bụng em chạy làng để tao nhào vô.


      - Coi bộ em chịu mày rồi, mày dám thầu luôn đứa nhỏ trong bụng em không?

      - Tao không xứng xách dép cho em. Em đẹp như thế, tao đứng xa mà ngắm thôi. Nhưng em mà chịu tao thì chuyện em có con với ai, tao đâu cần. Cái gì của em, tao cũng quí cả thì con em, tao cũng quí, cũng thương luôn.

      Lúc trao hàng, cô hỏi tôi:

      - Các anh nói gì về tôi đấy?

      Tôi nói tránh qua chuyện khác:

      - Tôi hỏi bạn tôi, nếu tôi mời cô đi tiệm ăn, cô có nhận lời không?

      - Anh mời thì tôi nhận lời, nhưng anh được nghỉ giờ nào?

      Tôi nói giờ giấc tôi làm việc và cả giờ tôi đi học ESL buổi tối nữa. Cô lắc đầu:

      - Lúc anh rảnh rỗi thì tôi bận việc! ... Chúng ta sẽ gọi nhau để biết chắc giờ gặp lại.

      Cô cho tôi tấm cạc có ghi địa chỉ và số phôn của cô:


      - Khi nào cần, anh gọi tôi.

      Nhờ có số điện thoại của cô, tôi được nhiều dịp mời cô đi ăn tiệm những lúc chúng tôi cùng rảnh rỗi. Ðôi khi cô giành phần trả tiền. Lúc đó tôi rất hãnh diện vì biết mọi người chung quanh tưởng lầm cô là vợ tôi và sẽ nhìn tôi khâm phục. "Thằng cù lần có cô vợ đẹp!" vì chỉ có vợ mới phải trả tiền khi đi tiệm ăn hoặc mua sắm. Tôi vênh mặt làm oai thôi chứ không dám đụng đến người cô cũng như không bao giờ cho cô nghe những ý nghĩ sàm sỡ trong đầu tôi bao giờ. Tôi giữ rất kín. Tôi thường nghe nói tình yêu lý tưởng, cao thượng gì đó; nhưng sao, yêu cô càng nhiều tôi càng thấy mình tầm thường, chỉ muốn ôm cô hôn vì thèm muốn.


      6.


      Thế rồi, mấy tháng sau đó, tôi không thấy cô ta đến. Gọi điện thoại thì được trả lời rằng cô đi xa, chưa về. Tôi cứ ngóng cổ cò nhìn chừng, thấy dáng ai từ xa, giống cô, là tôi hồi hộp. Cho đến khi tôi nghĩ rằng cô đã qua ở hẳn tiểu bang khác rồi thì tôi lại gặp cô, sau giờ làm việc, tại bãi đậu xe. Vẻ mặt cô buồn buồn:

      - Tôi đến để anh đưa đi tiệm ăn.

      Tôi mừng rỡ:

      - Cô biết món ăn Việt Nam không? Ngon lắm. Nhưng cô chờ cho một phút.

      Tôi dọn rác rưởi trong xe rồi lấy một cái khăn lông trắng lớn trải lên ghế ngồi và mời cô lên xe. Cô nhìn tôi:

      - Anh là người bạn tốt của tôi.


      Ðến tiệm tôi gọi chả giò, hến xào ... Cô ăn uống có vẻ ngon lành. Lúc nãy, cô trầm tư bao nhiêu thì giờ đây, cô càng sinh động, vui vẻ bấy nhiêu. Các món ăn đều cay nên cô vừa xuýt xoa vừa cười:

      - Ngon quá! Anh gọi những món ăn tôi rất thích. Nhất là có anh ...

      Tôi hỏi cô:

      - Tôi nghĩ rằng cô đang có chuyện buồn? Cô có thể kể cho tôi nghe? Không chắc tôi sẽ giúp được gì, nhưng khi nói ra, cô cũng sẽ bớt buồn hơn là giữ mãi trong đầu.

      Cô yên lặng một lúc rồi hỏi:

      - Anh thấy tôi có gì khác trước đây không?

      - Tôi nói nhưng cô đừng giận tôi. Hình như cô sắp có em bé. Cô đang mang bầu?

      - Anh nói đúng, tôi buồn vì nó. Nó không có cha.

      Tôi nhanh nhẩu:

      - Tôi xin làm cha đứa bé được không?

      - Chưa được đâu. Tôi đang kiện cha nó để đòi tiền cấp dưỡng.

      - Vụ kiện đến đâu rồi?

      - Ðang làm thủ tục. Nhưng anh cảm thấy thế nào khi đi cạnh người đàn bà có bầu như tôi? Anh nghĩ gì về đứa bé này?

      - Tôi yêu cô, tôi sẽ yêu đứa bé. Nó đâu có lỗi gì để không có được một người cha thương yêu nó.


      - Anh khác xa thằng chồng lưu manh của tôi. Hắn chờ tôi có bầu mới bỏ tôi đi theo con khác. Khi tôi sanh nó ra, tôi cho anh, anh dám nuôi nó không?

      - Nhưng phải nuôi luôn hai mẹ con tôi mới chịu.

      Cô mở to mắt, làm như ngạc nhiên:

      - Anh định cho mẹ con tôi ăn Mc Donald suốt đời sao?

      - Tôi không nghĩ thế, chẳng phải vì tôi giàu, mà vì trông sắc diện cô, cô đẹp sang trọng như công chúa, tôi tin, cô không khổ bao giờ.

      Cô cười:

      - Lần này anh đoán sai rồi. Tôi khổ từ lúc mới sinh ra vì không có cha. Ngày nào cũng đói vì mẹ tôi có đồng nào uống rượu hết cả. Mấy anh chị em tôi đều cùng mẹ nhưng khác cha. Cha da đen, cha da trắng, cha da vàng ... Cũng chẳng biết chính xác ai là cha mỗi đứa tụi tôi nữa. Bây giờ đến lượt đứa bé trong bụng tôi, nó cũng sẽ không có cha.

      - Tôi hứa là sẽ thương yêu nó như thương yêu cô vậy.

      - Anh chỉ được thương yêu một người thôi, hoặc tôi hoặc đứa bé. Anh thương đứa bé nhé! Tôi sẽ giao nó cho anh và bỏ đi. Anh tính sao?

      - Bố con tôi sẽ đi theo cô!

      Cô nghe thế, ngồi cười mãi:

      - Cám ơn anh. Tôi biết anh chân thật, nhưng tôi chỉ xem anh là người bạn thân mà thôi. Tình yêu ... không đến với tôi bằng một nguyên nhân nào cả.

      Rồi cô thở dài:

      - Nó đến và cứ ở mãi trong tôi ...


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      7.


      Lần gặp gỡ đó của chúng tôi vào mùa Ðông. Buổi chiều, trời lạnh nhưng tuyết đã ngưng rơi. Khi chia tay, cô có vẻ suy nghĩ rồi bảo tôi:

      - Ít hôm nữa tôi sẽ rời nơi đây, đi tiểu bang khác. Tôi gặp anh lần này để nói bye với anh. Tôi sẽ nhớ mãi rằng tôi đang có một người bạn rất tốt là anh.

      - Tại sao cô đi sang tiểu bang khác. Có phải vì tôi làm phiền cô không?

      - Không phải thế. Tôi có nhiều bạn ở Florida, chúng gọi, rủ tôi về ở chung, sẽ giúp tôi trong lúc tôi sinh con, sẽ thay phiên nhau săn sóc đứa bé trong những giờ tôi bận đi kiếm sống. Tôi làm nghề móng tay, việc làm chờ sẵn cho tôi ở dưới đó rồi.

      Tôi ngập ngừng:

      - Ðây là lần cuối tôi được gặp cô. Xin cô cho tôi đưa cô đến một nơi vắng người như công viên chẳng hạn. Tôi cứ ước ao một lần nào đó đi bên cạnh cô trên một quãng đường vắng ...

      - Ðược chứ! Tôi sẽ theo anh đến nơi nào anh thích ...

      Chúng tôi lên xe và tôi đưa cô đến một công viên có hồ nước, rộng đến độ chỉ thấy được hàng cây mờ mờ với tuyết trắng xóa ở bờ bên kia.


      Ở đây, mùa Ðông, vắng hoe, mấy con ngỗng trời, vịt trời cũng đã về miền Nam tránh rét, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng mấy con quạ kêu, vang lên đâu đó trong rừng.

      Tuyết khắp nơi, trên mặt đất, trên ghế đá, trên những cành cây trụi lá, như nơi nào cũng phủ bông gòn trắng tinh. Bầu trời giống một cái lồng vĩ đại chứa đầy sương mù, chụp lên công viên và hồ nước. Chúng tôi dẫm trên tuyết nghe lạo xạo và để lại những dấu giày sâu ngập đến mắt cá. Khi đến bờ hồ, cô dừng lại tựa vào người tôi nhìn ra mặt nước mênh mông. Chúng tôi cứ đứng yên lặng như thế thật lâu, cho đến gần tối, cô rùng mình vì gió lạnh, chúng tôi chuẩn bị ra về. Tôi nói với cô:

      - Cô có cho phép tôi được ôm cô một lần không?

      Tôi úp mặt vào mái tóc cô và nói:

      - Cô xoay người lại, ngước lên, mỉm cười rồi đưa hai tay ra chờ đợi. Chúng tôi đều mặc áo ấm dày cộm nên tôi ôm cô giống như ôm một đống áo quần. Cô kéo cái mũ trùm đầu xuống và tựa hẳn đầu vào ngực tôi.

      Trong đời tôi, cô là người đàn bà duy nhất có cảm tình với tôi, tin cẩn tôi. Và cũng là người đàn bà duy nhất mà tôi yêu thương. Cô đi, tôi buồn lắm!

      Và tôi lặng lẽ khóc ... Một lát, cô lấy khăn lau nước mắt cho tôi ...


      8.


      Ad-22 Ad-22

      Mùa Ðông ở xứ Mỹ kéo dài đến tháng hai, là mùa Xuân của người Á Ðông, thế nên chủ nhà tôi ở trọ kéo cả gia đình sang Cali để ăn Tết với cha mẹ, anh em của họ bên đó. Tôi đành sống một mình với mấy gói mì ăn liền. Mùa Xuân hay Tết nhất của người Việt ở Mỹ, thật ra chỉ là trong tâm tưởng. Họ có quê hương, làng xóm, có người thân, bạn bè để nhớ, để thương. Họ có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, tuổi xuân xanh để luyến tiếc. Tôi chẳng có gì. Cha mẹ tôi chẳng phải là hình ảnh thân yêu gì cho lắm. Tôi cũng chẳng có bông hồng, bông trắng nào để cài áo cả. Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn bên mấy đống rác hôi thối, mấy đường phố với những con người thấy hoài, gặp hoài mà lúc nào cũng xa lạ, chỉ biết hiếp đáp tôi để giành rác, đánh đuổi tôi vì sợ bị ăn cắp, vì dơ bẩn. 

      Những ngày Tết tôi chỉ được phép nhìn những đứa trẻ khác ăn mặc đẹp, chỉ được ngửi mùi thức ăn thơm đến ứa nước miếng từ các tiệm ăn bay ra đường. 

      Bà tôi, bố tôi, các chú, các cô tôi có thể rất thương chúng tôi, nhưng cuộc sống quá khó khăn, chẳng ai hơi đâu mà nói lời thương yêu, cũng chẳng dư giả để quà cáp, kẹo bánh cho tụi tôi ...

      Nằm suy nghĩ miên man, tôi nhỏm dậy gọi điện thoại đến cô ta. Không có ai trả lời, tôi để lại trong máy nhắn: "Cô cần một người bạn thân, một người có thể trông nom đứa bé khi cô đi làm thì tôi có thể làm việc đó. Chúng ta thay phiên nhau, người này đi làm thì người kia ở nhà. Xin cô ở lại. Nếu cô không đi nữa, xin gọi ngay cho tôi". Tôi gác máy và canh chừng. Nếu tối nay cô không gọi lại tức là cô đã lên đường từ lúc sáng rồi. Ðến khuya, mắt tôi ríu lại và tôi ngủ quên luôn.


      9.


      Sáng Chủ Nhật, đúng ngày Mồng Một Tết, tôi không phải đi làm. Ðang nằm lơ mơ tôi bỗng nghe tiếng chuông cửa. Tôi uể oải ra mở cửa thì thấy cô đứng đấy. Cái bụng bầu của cô phồng lên, trông vừa hấp dẫn vừa buồn cười, giống như cô đang giấu nửa trái dưa hấu trong áo. Tôi mừng quá kêu lên:

      - Thank you, for your coming to say bye to me!

      Cô nhìn tôi, cười cười và nói bằng tiếng Việt khiến tôi kinh ngạc:

      - Thôi, đừng có tiếng tây, tiếng u với em nữa. Ra xe xách giùm mấy gói đồ ăn vào. Em ở đây ăn Tết với anh.

      - Nhưng sao bữa đó em nói tiếng Spanish như gió, làm tụi anh bị lầm?

      - Em làm chung với mấy đứa xì cũng đông nên phải biết để có nhiều khách ...

      Rồi cô nghiêm trang bảo:

      - Tuần sau, em thuê một căn phòng rộng hơn. Anh dọn đến ở với em.


      Phạm Thành Châu

      (Thế kỷ 21, Xuân Quí Mùi 2003)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022
      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Ðêm Giao Thừa Của Những Người Lính Mất Nước Phạm Thành Châu Truyện ngắn

      - Xuân Muộn Phạm Thành Châu Truyện ngắn

      - Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha Phạm Thành Châu Truyện ngắn

      - Nha Trang Ngày Về Phạm Thành Châu Truyện ngắn

      - Xuân Tha Hương Phạm Thành Châu Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)

      Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)

      Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)

      Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)