1. Head_

    Phan Lạc Phúc

    (.0.1928 - 28.4.2016)

    Trần Tấn Quốc

    (..1914 - 28.4.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Vài dòng về nhạc sĩ Hoàng Lang (1930- 2004) Thụy Sĩ (Lê Thái) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      20-1-2018 | ÂM NHẠC

      Vài dòng về nhạc sĩ Hoàng Lang

        LÊ THÁI
      Share File.php Share File
          

       


           Nhạc sĩ Hoàng Lang
           (1930 - 27.11.2004)

      Mỗi khi cầm chiếc tây ban cầm tôi lại nhớ dến một người thầy cũ. Ðó là nhạc sĩ Hoàng Lang, một con người đôn hậu, một người viết nhạc và chơi nhuần nhuyễn các loại đàn dây, một nhạc sĩ tài ba mà gần như đã bị quên lãng trong sinh hoạt văn nghệ hải ngoại.


      Sở dĩ, gần đây ít ai nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Lang vì ông không định cư gần thủ đô của người Việt tị nạn và cũng ít tham gia hoạt động văn nghệ. Hiện ông đang sống tại Thụy sĩ. Tình cờ tôi được liên lạc lại với ông qua điện thoại và những kỷ niệm của thời niên thiếu lại kéo về. Tôi muốn ghi lại đây vài điều để làm quà với thầy và tặng những người bạn một thời là «đồng môn» văn nghệ của tôi.


      Nhạc sĩ Hoàng Lang, sinh năm 1930 tại làng Tân Mỹ Ðông, quận Hốc Môn, tỉnh Gia Ðịnh, địa danh nổi tiếng tiêu thổ kháng chiến chống thực dân trong những năm từ 1945 đến 1947. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có 3 người con mà ông là trai trưởng với 2 người em gái. Thời thơ ấu ông theo học tại 2 trường tiểu học Trương Minh Ký và Tân Ðịnh. Lên trung học ông trúng tuyển vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký (Saigon). Từ năm 1956, ông được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm làm giáo sư phụ trách dạy môn âm nhạc tại trường Pétrus Ký. Chính tại trường này, người viết cũng đã trở thành một trong những học trò của ông và biết ông từ đó.


      Ở cấp Trung học đệ nhứt cấp, học sinh thường chỉ dành thì giờ để học những môn học có hệ số cao trong kỳ thi như Toán, Lý, Hóa, Việt Văn... Còn lớp âm nhạc thường vắng học trò. Vì là trường công lập nam sinh lớn nhứt miền Nam, kỷ luật trường rất gắt gao, mỗi đầu giờ đều có điểm danh xem ai vắng mặt. Nếu nghỉ học, ngày hôm sau học sinh phải có giấy của phụ huynh ghi rõ lý do chính đáng.


      Tính thầy vui vẻ, xuề xòa và «thông cảm» cho nên thầy chẳng quan tâm đến chuyện điểm danh, trưởng lớp muốn ghi thế nào thì ghi. Lớp dạy nhạc của thầy thường diễn ra ở phòng thí nghiệm lý hóa nằm ở cạnh đáy hình chữ U của ngôi trường mang đầy vẻ uy nghiêm. Căn phòng này chứa đầy những dụng cụ, ống thí nghiệm và cả những bộ xương người, nhưng cũng dành cho giờ dạy nhạc với lý do theo tôi nghĩ là vì nó có kiến trúc tương tự như một rạp hát nhỏ, bàn ghế học sinh thì xếp từ thấp lên cao như khán đài sân banh. Lớp học lại có nhiều cửa sổ mà bên ngoài là khu thư viện và một sân thể thao.


      Ðến giờ nhạc, một phần ba lớp thường phóng qua cửa sổ ra sân thể thao... đọc sách hoặc «gạo» những môn cần thiết cho kỳ thi sắp tới. Tôi thuộc nhóm 2/3 ở lại lớp với thầy Hoàng Lang một phần vì tôi có chút máu mê văn nghệ, một phần hơi nhát sợ phóng qua cửa sổ gặp thầy Tổng Giám Thị đón sẵn ở ngoài thì bị phạt phải vào trường ngày Chủ nhựt, mất một buổi hẹn đi chơi với đào - cô bé thường cột tóc đuôi gà với cái băng màu đỏ.


      Năm đó, thầy Hoàng Lang dạy chúng tôi cách viết hợp âm cho bản nhạc, tôi thường viết đúng và nộp bài lên cho thầy nhanh nhứt, nên thầy thường dành cho tôi những «ưu ái» đặc biệt như... cầm cây đàn của thầy đến lớp hoặc mang đàn lên phòng giáo sư. Tôi trở thành một trong những học trò cưng của thầy Hoàng Lang.


      Khoảng năm 1958, khi những cánh hoa đỏ của hai cây phượng trước sân trường bắt đầu nở, cũng là lúc thầy trò sắp chia tay, trong buổi học cuối cùng thầy bảo nhỏ với tôi với một nụ cười rất hiền hòa mà 40 năm rồi tôi vẫn còn nhớ:

      - Nghỉ hè, em muốn học gì, đến nhà thầy chỉ cho.


      Và thầy ghi cho tôi cái địa chỉ ở đường Hàng Xanh, Thị Nghè.


      Học nhạc một mình cũng buồn, hè năm đó tôi rũ thêm mấy thằng bạn thân cùng lớp tới tìm thầy. Tại nhà, thầy dạy nhiều lớp, nhưng tôi thì thầy bảo đến lúc nào cũng được và chỉ lấy học phí tượng trưng, mấy thằng bạn tôi thì... sòng phẳng. Thầy dạy chúng tôi đủ thứ từ nhạc lý, soạn hòa âm, đến sử dụng các loại đàn giây như tây ban cầm, măng cầm (mandoline / mandolin), hạ uy cầm và cả vỗ trống.


      Thầy có biệt tài viết rất nhanh những nhạc phẩm phổ thông thành những bản nhạc độc tấu tây ban cầm thật giản dị, êm tai mà lúc đó chúng tôi rất thích. Một biệt tài khác của thầy là với chiếc tây ban cầm, thầy có thể đàn một bản nhạc mà không cần đến những ngón tay phải để gảy dây đàn, chỉ cần dùng những ngón tay trái để bấm trên cần đàn.


      Kể từ những năm sau đó, tôi và những đứa bạn đã trở thành một ban nhạc dã chiến giúp vui trong lớp vào những dịp Tết và dịp hè cuối niên học...


      Những kỷ niệm đó chưa phai trong trí óc tôi thì tôi lại được dịp gần gủi thầy gắn bó hơn trong một môi trường khác khi tôi ra trường và làm việc tại Ðài Phát Thanh Saigon. Tại đây, từ năm 1954 thầy là người sáng lập và là trưởng ban nhạc «Ban Ðàn Dây» với những nhạc cụ có dây. Trong ban nhạc, có nhiều nhạc công, nhạc sĩ rất hay và những ca sĩ nổi tiếng nhưng thiếu người viết phần giới thiệu các bản nhạc trước khi ca sĩ hát (tiếng nhà nghề chúng tôi gọi là viết "chapeau"), thỉnh thoảng thầy nhờ tôi làm việc này. Trên nguyên tắc là có trả thù lao tương đương với một ca sĩ, nhưng tôi tự thấy mình «có nợ» với thầy khi học nhạc nên thưa là thỉnh thoảng hợp tác với thầy cho vui thôi.


      Trên Ðài Phát Thanh Saigon, nhạc sĩ Hoàng Lang còn cộng tác sử dụng tây ban cầm, đại hồ cầm, dương cầm cho các ban nhạc của Võ Ðức Thu, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nhật Bằng, Dương Thiệu Tước, Ngọc Bích... Trên Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, ông phụ trách điều khiển chương trình nhạc Hương Xưa, chuyên trình bày những nhạc phẩm tiền chiến, chương trình Thi Nhạc Giao Duyên với nhà thơ Vương Ðức Lệ (tức cựu quản đốc Ðài Phát Thanh Long An và biên tập viên Ðài Phát Thanh Saigon), chương trình Nhạc Thiếu Nhi mà qua đó những sáng tác về tuổi thơ như Ðến Trường, Bé Ði Học, Ðêm Trung Thu, Ðàn Chim Non, Lửa Trại, Vũ Khúc Mừng Xuân, Công Cha Nghĩa Mẹ... đã được soạn thành tập. Ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Lang còn cộng tác với Ðài Truyền Hình VN và các hãng dĩa nhạc trước 75 như Lê Văn Tài, Việt Nam, Asia và Sóng Nhạc.


      Cha mất sớm, chàng trai Phạm Phúc Hiển (tức nhạc sĩ Hoàng Lang) mới 20 tuổi đã phải vào đời sớm với chân dạy nhạc tại trường Nữ Trung học tư thục Huỳnh Thị Ngà ở Tân Ðịnh. Ngoài những sinh hoạt âm nhạc, dạy nhạc, nhạc sĩ Hoàng Lang còn phụ trách dạy các môn Việt Văn và Toán tại các trường tư thục Thủ Khoa, Phước Truyền, Les Lauriers, Lý Thường Kiệt. Ông cũng đưoc giao giữ chức vụ Giám Học kiêm Phó Giám Ðốc trường Trung Học Tư Thục Huỳnh Long, một trường sở nổi tiếng ở Chợ Lớn chuyên dạy chương trình Pháp và Việt cho học sinh gốc người Hoa. Trong một khoảng thời gian ngắn từ 1953 đến 1956, ông cũng đã cộng tác rất đắc lực với nhật báo Tiếng Chuông của ông Ðinh Văn Khai, viết về tin tức; với tuần báo của nhà văn Nguyễn Vỹ, viết những bài về cuộc đời các nhạc sĩ và những bài phê bình âm nhạc.


      Hơn 50 năm phục vụ âm nhạc, ông Hoàng Lang cho biết đã có hơn 150 sáng tác phẩm đủ loại. Khoảng 50 tác phẩm đã được in thành bản hoặc thành tập phổ biến trên thị trường cộng với trên 30 nhạc phẩm đã được thu thanh vào dĩa 45 hoặc 33 vòng, băng nhạc hoặc cassette, băng video và dĩa nhạc CD qua tiếng hát của Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Hoàng Oanh, Quỳnh Dao, Thanh Thúy, Phương Dung, Nhật Trường, Anh Khoa...


      Năm 1948, bản Tơ Lòng Nghệ Sĩ của nhạc sĩ Hoàng Lang được chào đời, ca sĩ Minh Trang đã trình diễn lần đầu tiên trên làn sóng của Ðài Phát Thanh Pháp Á. Về sau, kịch sĩ Anh Lân đã dùng bản Tơ Lòng Nghệ Sĩ (với giọng ca Kim Cương) làm nhạc mở đầu cho chương trình ban kịch Dân Nam trình diễn trên Ðài Phát Thanh Saigon.


      Năm 1949, để tưởng niệm học sinh Trần Văn Ơn, một bạn đồng học tại trường Pétrus Ký, bị bắn chết, ông đã sáng tác bản nhạc «Máu Học Sinh». Bản nhạc này được hát 2 lần thì bị «kiểm duyệt».


      Bản Câu Hát Tâm Tình hoàn thành vào năm 1953 để kỷ niệm mối tình đầu dang dở. Sau này, Thái Thanh đã hát «Câu Hát Tâm Tình» trong phần nhạc đệm của phim Ngả Rẻ Tâm Tình do Diễm Thúy đóng vai chính.


      Nhạc sĩ Hoàng Lang sáng tác khá nhiều bản nhạc quê hương dân tộc như Tình Ðất, Nắng Thôn Chiều, Bên Dòng Ðồng Nai, Quê Tôi Miền Cái Sắn, Mùa Lúa Mới, Gặt Lúa, Trắng Miền Quê Ngoại, Ðẹp Giòng Hương Giang.


      Mỗi sáng tác là một chặng đường trong cuộc đới của ông. Khi vác ba lô vào quân trường, ông đã viết những bài Khúc Ca Lên Ðường, Xông Pha, Lên Ðường, Vui Ra Ði, Hoa Cắm Trên Ðầu Súng....


      Năm 1955, Phủ Tổng Ủy Dinh Ðiền tổ chức kỳ thi sáng tác tân nhạc với đề tài ca ngợi chính sách dinh điền, nhạc phẩm Bài Ca Dinh Ðiền của ông viết theo điệu nhạc cổ truyền dân tộc đã đoạt giải nhứt.


      Năm 1956, Phủ Tổng Thống tổ chức kỳ thi văn nghệ toàn quốc gồm các bộ môn tân, cổ nhạc, kịch. Bài ca Khúc Hát Bình Minh của Hoàng Lang, cũng đưoc viết theo âm điệu ngũ cung nhạc cổ truyền.


      Ông cũng viết trường ca mang tên Dòng Sông Hát cho ban hợp ca của trường Pétrus Ký trong chuyến lưu diễn tại Long Xuyên trong năm 1958 và ban hợp ca này đã đưoc tặng giải ưu hạng danh dự của tỉnh.


      Nhạc phẩm Cao Sơn Lưu Thủy, một sáng tác mà ông đã viết cho ban Ðại Hòa Tấu cổ điển, hợp soạn chung với nhạc trưởng Võ Ðức Tuyết, đã được trình tấu trong ngày đại hội âm nhạc kỷ niệm Mozart tại Việt Nam.


      Nhạc sĩ Hoàng Lang còn soạn một số nhạc Thánh Ca mà bản đại hợp xướng «Vinh Danh Ðức Mẹ Maria» đã được trình bày nhiều lần trên làn sóng Ðài Phát Thanh Saigon.


      Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có chúa ngự trên cao. Ðó cũng chính là tâm trạng của nhạc sĩ Hoàng Lang. Cho nên nhạc tình cảm của ông có nhiều đoạn phảng phất âm hưởng của những bản Thánh ca, nhứt là những nhạc phẩm của Schubert, Gounod viết về Ðức Mẹ.


      Cả cuộc đời phục vụ cho âm nhạc, viết nhạc và dạy nhạc, nhạc sĩ Hoàng Lang đã có nhiều nhạc sinh. Một điều ít ai ngờ, nhạc sĩ Lam Phương là nhạc sinh sáng tác đầu tiên của ông. Trong thời gian «truyền nghề», Hoàng Lang đã hợp soạn với Lam Phương bản nhạc Lá Thư Xanh (do An Phú xuất bản và Asia thâu dĩa qua giọng ca Thái Thanh) và bản Chiều Thu Ấy (cũng do An Phú ấn hành, Thanh Thúy thu băng video qua giọng ca Anh Khoa). Sau Lam Phương là những nhạc sinh khác như: Văn Trí với những bản nhạc hợp soạn như Hoài Thu, Bài Ca Sông Cữu, Ðẹp Hậu Giang, Thu Ði Cho Mắt Nai Buồn (riêng sáng tác này đã được viết lời Việt, Anh và Pháp); Thùy Linh với Miền Quê TôiAnh Về Giữa Mùa Hoa; Trương Văn Tuyên với Ðợi Chờ; Dương Quang Ðịnh (ban nhạc Hoa Thời Ðại) với Lưu Luyến.


      Ðặc biệt, nhạc sĩ Hoàng Lang rất thích hợp soạn với những bằng hữu văn nghệ sĩ với mục đích chính là để lưu niệm những phút vui buồn bên nhau: với nhà văn Ngọc Linh đã có Ðôi Mắt Người Xưa, với nhà văn Thanh Nam thì có Người Ơi Hát Làm Chi, với nhà thơ Huy Trâm có nhạc phẩm Mây Trôi Lòng Giạt Mãi Ðâu, cùng thi sĩ Vương Ðức Lệ là bài Thiên Thu, với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bản Ðồng Nội Ðêm Trăng và đặc biệt là ông đã cùng với thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà viết nhạc đệm cho tuồng cải lương nổi tiếng «Người Ðẹp Bình Dương».


      Từ khi đưoc đọc tập thơ Chuyện Chúng Mình của thi sĩ Nhất Tuấn (tức Phạm Hậu, nguyên Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh VN), Hoàng Lang đã cảm hứng phổ rất nhiều bài thơ trong tập thơ này như Tiếng Hát Ðồi SimXin Trả Lại Em (2 bản này đã được Hoàng Oanh thu thanh vào dĩa), Hoa Học Trò (Nhật Trường thu băng cassette), Bao Giờ Anh Quên (Mai Hương thu thanh vào băng cassette). Trước năm 1972, hai bản Tiếng Hát Ðồi SimHoa Học Trò với giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh giao duyên cùng tiếng hát Hà Thanh đã được nhiều thính giả ưa thích.


      Với những hoạt động thật tích cực trong làng âm nhạc Việt Nam, nhưng hầu như thính giả đã lãng quên ông vì bỗng nhiên ông vắng bóng ở Saigon kể từ năm 1972. Năm đó, nhạc sĩ Hoàng Lang được đi tu nghiệp về âm nhạc truyền thanh truyền hình giáo dục tại Thụy Sĩ. Ông đã được dịp trau dồi, học hỏi, hội thảo về truyền thanh, truyền hình giáo dục học đường tại Thụy Sĩ và Pháp. Ông đã được dịp trao đổi, tiếp xúc với môi trường âm nhạc rộng lớn mà ông hằng say mê, từ phương pháp vỡ lòng âm nhạc cho thiếu nhi cho đến nhiều ban Ðại Hòa Tấu nổi tiếng.


      Năm 1976, ông được một trường trung học ở Genève mời cộng tác phụ trách môn âm nhạc. Ông cũng mở những lớp dạy tây ban cầm tại đất người mà sau đó đã có một số nhạc sinh ra đời thành lập những ban nhạc trẻ trình diễn và thu dĩa nổi tiếng tại Thụy Sĩ và các vùng biên giới nước Pháp. Ông còn liên tiếp mở nhiều lớp Việt Ngữ cho dân bản xứ. Năm 1980, chính phủ Thụy Sĩ đã ký nghị định chính thức hóa chức vụ «Thông Dịch Viên tuyên thệ» của ông tại Genève.


      Hiện nay, ông là thông dịch viên chính thức của Tổng Cục Liên Bang Tị Nạn Thụy Sĩ, hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, các Tòa Án, các cơ sở chính quyền tại Genève cũng như tại một số tỉnh lân cận thuộc nước Pháp.


      Hơn một lần các thính giả đồng hương - và chính ông - đã xúc động khi nghe hòa tấu khúc thính phòng «Việt Nam, Quê Hương Tôi» của Hoàng Lang được trình diễn tại Genève và những tỉnh thuộc Pháp giáp giới.


      Những kỷ niệm con tim gắn bó rất nhiều với nhạc hứng của nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông cho biết, bản Câu Hát Tâm Tình (Mai Hương thu cassette và Thái Thanh thâu cho phim Ngã Rẽ Tâm Tình) được viết năm 1953 kỷ niệm một mối tình đầu dang dỡ. Bài Dạ Khúc Hoài Cảm (Thái Thanh thâu cassette) viết năm 1958 kỷ niệm hôn lễ lần đầu.


      Hai mươi chín năm sau, duyên tình ngăn cách, đôi người đôi ngả, chia tay nhau sau khi đã có 3 người con. Nhạc phẩm Em Từ Ðâu ÐếnTha Thiết viết tặng cho mối tình muộn nhưng cũng là mối tình tâm đầu ý hợp nhứt vì đôi tim đã rung cảm cùng một điệu nhạc, vì tiếng lòng phát xuất cùng một lời thơ...


      Lời tâm sự sau cùng của nhạc sĩ Hoàng Lang là...

      "Tôi xin cảm tạ những 'người đã yêu tôi' và những 'người tôi đang yêu' đã ban cho tôi nguồn nhạc hứng mênh mông vô tận... Dĩ vãng khép kín tâm tư, tương lai chưa hề hẹn ước, nhưng lòng đã dặn lòng: ta còn thở, ta còn yêu ta còn sáng tác...».

      - Xin Trả Lại Em (tiếng hát: Hoàng Oanh) .

      Lê Thái

      (Nguồn: tranquanghai.info)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vài dòng về nhạc sĩ Hoàng Lang Lê Thái Giới thiệu

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát (Song Thao)

      Kỹ thuật ngâm thơ của Hồ Điệp (Nhạc Xưa Blog)

      Tác giả Người Yêu Cô Đơn, “giải mật” bút danh Đài Phương Trang của mình (Tuấn Khanh)

      Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Ngọc Sơn (trước 1975) (Đông Kha)

      Nghệ sĩ Tuấn Đăng (Ban AVT) – Vị đắng cuộc đời (Hà Đình Nguyên)

      Nhạc sĩ Anh Linh (Huỳnh Ái Tông)

      Anh Linh - VânSơn - Tuấn Đăng: Nhớ về ban nhạc trào phúng AVT một thời lừng lẫy (Đông Kha)

      “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên (Lê Hữu)

      Nghe một câu hát, nhớ một tiếng hát (Lê Hữu)

      Vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Huyền Linh (Trịnh Hưng)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  Hồ Điệp,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)