|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Trúc Phương
(1933 - 1995)
Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin Anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này.
Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điễm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…
Đến khi nhạc phẫm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…
Tôi còn nhớ hoài một lần đi lưu diễn ở Đà Lạt. Vừa hát xong phần mình, tôi quay về khách sạn ngay (khách sạn ở gần rạp hát tôi trình diễn). Tại rạp, chẳng bao lâu, vở kịch chấm dứt, khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, tôi đã chứng kiến được cảnh nhiều nhóm người cùng nhau vừa hát, vừa huýt sáo bài “Nửa Đêm Ngoài Phố”. Bỗng dưng tôi đã cảm động và để mặc hai hàng lệ tuôn. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của Anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến Anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào.
Hăng say trước sự thành công vượt bực của “Nửa Đêm Ngoài Phố”, và để đền đáp lại tình thương của thính giả, Anh đã viết thêm một loạt những nhạc phẫm nổi danh khác. Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, Anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho được để dợt nhạc.
“Cô Tư, Anh mới có bài này mới, Cô Tư phải dợt bài này với Anh, để hát cho Anh chứ…” (tôi thứ tư trong gia đình, nên được bà vú già lúc bấy giờ gọi là Cô Tư – đến tìm tôi, các Anh đều nghe “Cô Tư còn ngủ”, hoặc “Cô Tư đi hát”… nên đã có nhiều Anh bắt chước Bà gọi tôi bằng danh từ này).
Anh là một người nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của Anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi Anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời. Hình như Anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẫm của Anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, Anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gửi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: Buồn Trong Kỷ Niệm, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình, Hình Bóng Cũ…
Ta hãy nghe Anh tha thiết yêu cầu người yêu ghi dấu kỷ niệm:
“Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười, và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…” (Nửa Đêm Ngoài Phố)
“Anh ơi, dù hai chúng mình, mộng xưa khó thành, biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này…” (Chiều Cuối Tuần)
“Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ, xin mang theo tiếng yêu khi gọi Anh với Em…” (Buồn trong Kỷ Niệm)
“Khi trót gửi những hình ảnh của tim vào lòng đêm, những kỷ niệm cho nhau nếu mất đi xin đừng quên…” (Mưa Nửa Đêm)
Anh đã lưu giữ kỷ niệm, và vào đời với một hình bóng cũ không bao giờ phai:
“Xinh xinh đây nét mực nghiêng trong lưu bút ngày xanh Anh đã viết tặng tôi…” (Chuyện Chúng Mình)
“Lòng bâng khuâng, mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng…” (Hình Bóng Cũ)
“Nhớ mãi mấy tình của mẹ quê nâu sòng, của người em mơ mộng…” (Chiều Làng Em)
“Còn tôi đêm mơ, còn tôi đợi chờ, thì dù xa xôi tôi vẫn là của người…” (Đêm Tâm Sự)
Và rồi giận hờn, trách móc khi cuộc đời đã chia hai lối mộng:
“Xin giã biệt bạn lòng ơi, trao trả môi người cười, vì hai lối mộng, hai hướng trông…” (Hai Lối Mộng)
“Muốn lên phố xưa tìm thăm người bạn hiền, đường không xa, nhưng mình đã cách hai lối mộng rồi…” (Hình Bóng Cũ)
Cũng như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, những nhạc phẫm này đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỹ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em…
Thế rồi, theo như Anh hơn một lần tâm sự, đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, giã từ tất cả, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn Anh vào quân ngũ, và vẫn tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương… (24 Giờ Phép, Bông Cỏ May, Kẻ Ở Miền Xa, Trên 4 Vùng Chiến Thuật…)
Vào thời điễm này, Anh Duy Khánh, Anh Chế Linh và Hoàng Oanh có lẽ là những ca sĩ đã hát nhạc của Anh rất nhiều.
Kiếp tằm chưa dứt, tôi đã trở lại với sân khấu, với ánh đèn màu. Trở lại với “Nửa Đêm Ngoài Phố”, với “Buồn Trong Kỹ Niệm”…
Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi ra hai ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong. Tôi đã tìm đủ mọi cách để liên lạc hầu mong gởi về những gói quà biếu Anh. Sự liên lạc trong những năm đầu thật khó khăn, cho mãi tới sau này, qua một số bạn bè và qua Trần Quốc Bảo, tôi mới có thể liên lạc thường hơn với Anh. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về bịnh tình Anh do Trần Quốc Bảo kể lại. Nhìn những tấm ảnh Anh gởi qua đăng trên Thế Giới Nghệ Sĩ, trông Anh gầy gò, đau yếu, tôi đã không sao cầm được nước mắt. Tôi đã bàn với Trần Quốc Bảo thực hiện một cuốn băng với toàn nhạc của Anh, hầu có thể giúp Anh phần nào trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chợt nghe tin Anh đau nặng… Chợt nghe tin Anh qua đời…
Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẫm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn nơi trời Nam xa xôi. Tôi đã mất Anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa Anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng. Nơi đây, bây giờ và mãi mãi, tôi sẽ vẫn còn cất tiếng hát, đem đến cho đời những lời tâm sự của Anh. Xin Anh hãy yên nghỉ, Anh nhé.
(vào một ngày tháng 9, 1995, khi nhận được hung tin về Anh)
Trích trong “Thế Giới Nghệ Sĩ”, phát hành vào tháng 2-1996, số đặc biệt tưởng niệm Nhạc sĩ Trúc Phương
- Nửa Đêm Ngoài Phố Thanh Thúy Hồi ức
• Nửa Đêm Ngoài Phố (Thanh Thúy)
• Trúc Phương, Người "Trót" Viết Nhạc Tình (Duy Tâm)
Trúc Phương: Câu Chuyện Chủ Nhật
(Nguyễn Đình Toàn)
Nhớ nhạc sĩ Trúc Phương (1933 – 1995)
(vuthat.com)
Phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Phương (Asia)
Tiểu Sử (Wikipedia)
Những Tình Khúc của Nhạc Sĩ Trúc Phương: Phần I - Phần II (Asia)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
• Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)
• Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)
• Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)
• Trần Quang Lộc - Người Về Khuất Chân Trời (Lê Chiều Giang)
• Tiếng hát thủy tinh của ca sĩ Quỳnh Giao (Phan Anh Dũng)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |