1. Head_

    Trần Thiện Thanh

    (12.6.1942 - 13.5.2005)

    Từ Thế Mộng

    (.0.1937 - 13.5.2007)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      5-7-2021 | TIỂU LUẬN

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa

        NGUYỄN SỸ TẾ
      Share File.php Share File
          

       


      "Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục"
       Nguyễn Sỹ Tế (Bìa sau)

      Trong lúc cuộc chiến tranh lạnh lui dần vào bóng tối, một vấn đề rộng lớn khác đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trên diễn đàn quốc tế: Vấn đề văn hóa. Nhiều sắc dân trong Liên Bang Xô Viết cũ còn lại trong Liên Bang Nga tranh đấu đòi ly khai và quyền sống riêng. Cộng Hòa Liên Bang Tiệp Khắc chính thức tách làm đôi theo hai sắc dân Tchèques và Slovaques. Những cuộc di cư hàng loạt của thời kỳ trước, song song với sự phát triển bang giao quốc tế hiện nay đã dẫn dắt tới nhiều cuộc va chạm nặng nề về văn hóa trên cùng một mảnh đất sống. Nhà chính trị lão thành Tân-Gia-Ba, ông Lý Quang Diệu, nêu ra chủ thuyết lấy văn hóa làm “định mệnh”. Tổ chức Văn Bút Quốc Tế cũng nêu thành vấn đề hội thảo mà nói tới sự khoan dung trong cảnh dị biệt về văn hóa. Vấn đề “khoan dung và dị biệt văn hóa” là một vấn đề mang thời sự tính cấp bách.


      Nói tới văn hóa là nói tới dân tộc. Bởi lẽ văn hóa không gì khác hơn là cái biểu thức tổng quát trong nếp sống chung của một dân tộc vào một thời kỳ nhất định nào đó. Như vậy, có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu nền văn hóa. Thế rồi tập hợp nhiều dân tộc theo những mối liên hệ về địa lý và lịch sử, người ta lại có những khu vực, những lãnh địa văn hóa lớn hơn. Những miền văn hóa này vẫn mang những yếu tính rất khác nhau từ Đông qua Tây, từ Bắc xuống Nam, từ Cựu lục địa Âu Châu qua Tân lục địa Mỹ Châu. Vì lẽ sinh tồn và hưng thịnh chung của mọi nền văn hóa chẳng kể lớn nhỏ, vấn đề khoan dung được đặt ra từ đó.


      Chúng ta là những người thừa hưởng ít nhiều tự do và vẫn đang tranh đấu lấy tự do cho quê hương và cho mọi nơi. Nhưng nói đến tự do không thể không nói tới khoan dung. Bởi lẽ khoan dung là gì, nếu không là cái bảo đảm xã hội kia để cho mỗi con người chúng ta được phát biểu và hành sử theo đúng như sở nguyện của mình? Như vậy, nếu không có khoan dung thì tự do cũng không có đất để mà thi triển. Khoan dung không những là một đức tính luân lý, mà còn là một sự cần thiết xã hội. Lịch sử nhân loại đã trải qua những giai đoạn thảm khốc bắt nguồn từ cái “thái độ bất khoan dung”, cái đầu óc cố chấp của một số chính quyền, của một số phe phái chính trị, có khi của cả một dân tộc hay tôn giáo.


      Trong tình hình chung hiện nay, ta phải công nhận cái thái độ công bằng và cởi mở của đa số con người. Đó là kết quả của những cuộc trao đổi quốc tế, thành quả của văn minh nhân loại. Người ta không còn chê bai, dè bỉu lẫn nhau về cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, hát xướng, vui chơi, hội hè... Những công trình văn hóa, chẳng hạn, văn chương, nghệ thuật của một dân tộc này vẫn thường được phổ biến và đón nhận nơi một dân tộc khác. Nhưng văn hóa không phải chỉ có thế, nó là toàn bộ những giá trị mà người ta tuân thủ và vun trồng trong nếp sống chung của từng dân tộc.


      Nếu như văn hóa có mặt nổi thì cũng có mặt chìm, và sau cái biểu hiện bên ngoài còn có cái ý hướng, tâm tư ở bên trong. Thật thế, văn hóa không phải chỉ là những “hoạt động” theo tiêu chuẩn mà một dân tộc đã lập nên trong quá trình sinh hoạt dài lâu của mình (phong tục, tập quán, lễ nghi, thời dụng biểu hàng năm), văn hóa còn là những “kiểu mẫu ứng sử” đặc thù mà tổ tiên truyền tiếp cho con cháu bằng giáo dục, văn chương và luật lệ. Ở nơi chiều sâu này, văn hóa nói lên tâm địa, cốt cách, cá tính... và luôn thể triết lý nhân sinh của từng dân tộc. Chiều sâu tâm lý xã hội này, các nhà phân tâm học thời mới gọi là “vô thức tập thể”, hay “vô thức dân tộc”.


      Vấn đề dung nạp văn hóa ở chiều sâu nói trên mới thật là phức tạp. Thái độ khoan dung đích thực đòi hỏi sự cảm thông sâu xa, nhiều khi còn đòi hỏi sự quên mình hay hy sinh nào đó. Căn cứ vào nguồn gốc la-tinh của danh từ Pháp ngữ tolérance, người ta lưu ý rằng khoan dung bao hàm ý nghĩa của một sự chịu đựng, của một nỗi đau khổ nào đó khi ta phải chấp nhận một điều mà mình không muốn.


      Để cụ thể hóa vấn đề, ta thử xét trường hợp của xung đột văn hóa là phạm vi chính trị và luật pháp. Chẳng hạn, trong luật pháp: sự quy định khác nhau của các nền luật pháp về định chế gia đình, hay những quy định khác nhau về thể chế dân chủ. Áp dụng luật lãnh thổ mình một cách máy móc cho người tạm dung dễ đưa tới những đổ vỡ đau thương của các gia đình tỵ nạn hoặc những biến động tai hại trong nếp sống xã hội. Đây là trường hợp của những cuộc di cư hàng loạt, lưu đầy từng sắc tộc thôn tính từng quốc gia, đặt để một nền văn hóa ngoại lại vào một dân tộc, cưỡng bách sáp nhập nhiều sắc dân nhỏ vào một sắc dân lớn trên một lãnh thổ.


      Về một vấn đề trọng đại và khó khăn như trên, khó có thể nói tới một sách lược khoan dung dứt khoát. Chỉ xin nêu ra vài phương cách và “điều kiện chung” để tiến tới một sự dung hòa văn hóa nào đó.


      Ở bình diện thông thường, tưởng cũng nên nhắc nhở những đức tính căn bản mở đường cho sự khoan dung: lòng bác ái, đức công bằng, tính chân thật, sự tự kiềm chế, thái độ tương nhượng và tương kính. Trường hợp đặt ra vấn đề khoan dung thường khi diễn ra trong cả hai chiều từ chủ thể đi khoan dung đến đối tượng được khoan dung và ngược lại, để cuối cùng mỗi bên vừa là chủ nợ vừa là con nợ. Và khi vấn đề trở nên khó khăn bao nhiêu thì đôi bên càng phải có tiếp xúc lâu dài và thiện chí bền bỉ bấy nhiêu.


      Ở bình diện cao, nhìn xa trông rộng, người ta sẽ thấy những dị biệt văn hóa giữa các dân tộc cũng bớt phần gay gắt và giúp người ta tìm được một mẫu số chung để giải quyết vấn đề. Vậy, xin hãy đào sâu ngay từ khởi điểm của việc dung hòa văn hóa là quan niệm chung về văn hóa. Một lý hội tổng quát đúng về khái niệm văn hóa sẽ là viễn tượng cho giải pháp kiếm tìm.


      Nói tới văn hóa là nói tới cái đẹp trước nhất. Cái đẹp có khả năng “cảm và giáo hóa” con người. Cái đẹp của văn hóa là cái đẹp kết liên với cái chân và cái thiện. Cái chân của văn hóa không phải chỉ là những xác nhận của khoa học. Đối với quần chúng, cốt yếu nó là ý thức về thực tại sống động khác ngoài sự ngụy trang, thêu dệt. Cái thiện không phải chỉ là những bổn phận máy móc, Cho lâu dài, cốt yếu nó là sự thăng hoa của ý thức đạo đức hay lương tâm.


      Gắn bó với một dân tộc, văn hóa là những công trình sáng tạo cái đẹp của thiên tài dân tộc đó, đẹp từ bên ngoài là vành nôi thiên nhiên, môi trường sinh sống, phương diện mưu sinh, tiện nghi và lạc thú đến bên trong là tâm hồn hướng thượng, lòng dạ nhân hòa, phong cách cao nhã, ngôn ngữ thanh lịch, đầm ấm... trong khuôn viên của một tinh thần nhân bản đôn hậu.


      Như vậy, càng lên cao, càng vào sâu, con người càng dễ gặp nhau. Có một sự thật rất dễ bị lãng quên là bên trên các nền văn hóa dân tộc còn có nền văn minh nhân loại mà văn minh dân tộc cần phải hội nhập vào nếu không muốn bị cô lập hay đào thải. Có thể nói vào thời điểm hiện nay, tính chất thiết yếu của bất luận một nền văn hóa dân tộc nào cũng phải là: tự do, dân chủ, khoan dung và tiến bộ. Các nhà tâm lý học hiện đại nói tới ba khuynh hướng lý tưởng mà họ cho là di sản của văn minh nhân loại trong tâm lý của mọi người chúng ta, đó là khuynh hướng tự do, khuynh hướng công lý và khuynh hướng ổn định (tendances à la liberté, à la justice, à la sécurité). Những quy tắc sử sự chung đó đã từng được long trọng đề ra trong các bản tuyên ngôn độc lập, tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nhiều quốc gia và trong những bản hiến chương của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Văn Bút Quốc Tế.


      *


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Sự khoan dung giúp các dân tộc gần gũi với nhau để tiếp nhận cái hay, cái đẹp của nhau, cùng sinh tồn và phát triển trong một xã hội rộng lớn hơn và nhân đạo hơn. Một nền văn hóa tốt đẹp mà các nền văn hóa dân tộc nên hướng tới là nền văn hóa quân bình, hòa hợp giữa mọi loại giá trị, một nền văn hóa mở ngỏ, giảm thiểu tới cùng những xung đột giá trị. Một nền văn hóa thành công là một nền văn hóa tạo được cho con người niềm vui sống, niềm kiêu hãnh nơi đồng bào, niềm tin yêu nơi nhân loại.


      Từ việc lấy khuôn khổ của văn minh và tiến bộ nhân loại để thực hiện lòng khoan dung ngõ hầu giải quyết những mối dị biệt lớn về văn hóa, ta có thể dễ dàng chuyển qua những trường hợp trong đó lòng khoan dung không có đất đứng hoặc bất thành vấn đề. Đó là khi ta gặp những nền văn hóa đóng kín cửa, những nền văn hóa độc tài hung bạo, những nền văn hóa giáo điều cực đoan, những nền văn hóa của tham vọng đế quốc, những nền văn hóa kiêu sa, kỳ thị của bọn người bất khoan dung tự coi mình là ưu việt. Trường hợp nặng nề nhất có thể kể là trường hợp của chế độ cai trị hiện thời ở nước ta. Từ một nền văn hóa giáo điều mác xít vốn đã bị khắp nơi lên án chuyển qua một nền văn hóa của bạo lực, tù đày, dối trá, tham nhũng, cướp bóc..., chính quyền cộng sản đã làm băng hoại một phần dân tộc, đã làm tê liệt nỗ lực đấu tranh dân chủ của phần lớn quốc dân, đã tạo nên những cản trở nặng nề cho những ai còn mang lương tri dân tộc và trí sáng loài người muốn xây dựng lại quê hương đất nước.


      Đối với tất cả những loại văn hóa vừa nêu trên, thái độ và hành động của chúng ta lại thuộc vào một công cuộc khác, công cuộc đấu tranh chính trị, vượt ra ngoài khuôn khổ của sự khoan dung.


      Văn hóa là một tài sản vật chất và tinh thần của tổ tiên ta đổ mồ hôi và nước mắt mà kiến tạo, để lại cho con cháu, ta cần phải bảo tồn và trân trọng. Nhưng, cũng như mọi di sản, văn hóa dân tộc cần phải được hậu sinh luôn luôn tô bồi để cho di sản đó thêm đẹp, thêm giầu.


      Một bài học văn hóa của tiền nhân đáng cho ta suy ngẫm: sẵn sàng du nhập cái hay cái đẹp của ngoại nhân đi song song với nỗ lực thường hằng để đồng hóa điều du nhập vào cái vốn liếng, cái bản sắc của dân tộc. Nhờ đó, văn hóa Việt Nam không bao giờ mất và nền độc lập của quốc gia Việt Nam nếu có bị tước đoạt nhiều lần vẫn được phục hồi một cách oanh liệt.


      Người ta thường ví văn hóa với một cái vườn có muôn hương, muôn sắc. Muốn cho trăm hoa sinh tồn và đua nở, phải có tinh thần khoan dung. Dị biệt giữa những nền văn hóa đích thực không phải là một điều đáng ngại trong tinh thần nhân bản sáng suốt. Ta phải nghĩ gì và làm gì nếu như có kẻ trồng cỏ dại vào trong vườn hoa của ta, có kẻ muốn cho trà trộn nấm độc vào trong món ăn tập hợp những nấm lành của ta?


      Nguyễn Sỹ Tế

      Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục, trang 49
      Trúc Lâm, 2000

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Triết Lý Giáo Dục Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Vũ Khắc Khoan Và Tôi Nguyễn Sỹ Tế Tạp luận

      - Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh thần giáo dục trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Giá trị gia đình trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)