1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Triết Lý Giáo Dục (Nguyễn Sỹ Tế) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      3-8-2019 | TIỂU LUẬN

      Triết Lý Giáo Dục

        NGUYỄN SỸ TẾ
      Share File.php Share File
          

       


          Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Trong phần tư chót của thế kỷ 20 này, có một hiện tượng khá phổ thông ở hầu hết khắp nơi, đó là sự suy vi trầm trọng song song của văn hóa và giáo dục. Người ta đã phàn nàn quá nhiều về sự suy thoái của các giá trị gia đình, học đường và xã hội. Sự tàn phá của xã hội tại mấy nước độc tài cộng sản còn sót lại trên thế giới là một điều đương nhiên và dễ hiểu. Số thiếu niên phạm pháp ngày một gia tăng, những trọng tội kinh hoàng vượt ngoài trí tưởng tượng của con người tại nhiều nước văn minh Tây phương mới thật là điều đáng cho ta lo ngại và suy nghĩ.


      Sở dĩ nói có sự khủng hoảng song song của văn hóa và giáo dục vì giữa hai phạm trù này có một mối tương quan mật thiết. Giáo dục không những là một giá trị tự tại mà còn là một phương thức quan trọng bậc nhất để phổ biến và lưu truyền văn hóa. Cuộc khủng hoảng của phạm trù này kéo theo sau nó khủng hoảng của phạm trù kia. Vấn đề giáo dục phải được đặt ra và giải quyết trong mối tương quan đó.


      Bài tiểu luận này được giới hạn vào vấn đề triết lý giáo dục, danh từ triết lý hiểu theo nghĩa bình thường của nó là “bất luận sự suy nghĩ sâu xa và có hệ thống nào về một vấn đề gì”.


      Vấn đề giáo dục là một vấn đề xưa cũ, đặt ra từ thuở khai sinh của xã hội con người, từ lúc có các bậc cha mẹ sinh ra các con cái của mình. Bởi vậy, trước khi bàn về hiện trạng của vấn đề giáo dục, tưởng rằng cũng nên điểm qua những tiền lệ của nó.


      I. Tiền Lệ Của Vấn Đề


      Nhìn lại giáo dục Đông, Tây từ cổ thời cho đến thời gian gần đây, người ta cũng có thể rút tỉa được một số những bài học kinh nghiệm đáng giá.


      1. Giáo dục ở Tây phương:

      Từ cổ thời Hy La (trước Công nguyên) giáo dục sớm đã được lo toan và phát triển. Tiêu biểu cho tổ chức giáo dục lúc đó là hai trường đại học lớn: Đại học La Mã ở phương Tây và Đại học Alexandrie phương Đông. Mỗi trường đại học đó có những nét đặc thù và một tinh thần học hỏi riêng. Nói chung, giáo dục cổ thời Hy La bao hàm một triết lý nhân bản (humanisme) và một tinh thần quảng bác đại đồng (universalisme), chú tâm nghiên cứu và suy tư mọi mặt về con người, cho nên ngay từ lúc đó các môn văn học, triết học, nghệ thuật đã đạt tới một mức phồn thịnh khiến sau này, hồi thế kỷ 16 (thế kỷ Phục Hưng), Âu Châu phải chủ trương phục hồi những ngành học nhân bản đó.


      Hồi thế kỷ 17, Âu Châu cũng đạt được một sự hòa đồng trí tuệ nào đó, giảm bớt cái ngăn cách giữa các quốc gia. Kết quả sự hòa đồng đó là một nền văn học cổ điển ở Pháp với chủ trương “một tư tưởng đại đồng trong một hình thức quốc gia” hay là ý "tưởng của mọi người trong ngôn từ của mỗi người”.


      Qua thế kỷ 18, - thế kỷ của triết học và cách mạng - cái học của Tây phương bước qua một bước ngoặt nhằm đáp ứng cho những nhu cầu đổi mới của thời đại. Triết thuyết giáo dục của J.J. Rousseau ra đời, hướng học đường vào khuôn viên thiết thực của một xưởng tập việc. Từ đó phương hướng sư phạm cũng phải đổi thay mạnh mẽ theo.


      Sang thế kỷ 19, tiếp tục cái đà của thời kỳ trước các môn khoa học thực nghiệm, hướng vào thiên nhiên hơn là vào con người, bắt đầu bước vào thời kỳ toàn thịnh. Điều này khiến cho Auguste Comte (Pháp, thế kỷ 19) đã phải lấy thế kỷ đó là khởi điểm cho thời kỳ chứng nghiệm là thời kỳ thứ ba trong quá trình tiến hóa của trí óc con người, tiếp theo hai thời kỳ trước là thời kỳ thần họcthời kỳ triết học.


      Có thể tóm tắt lại là: Tinh thần nhân bản, tinh thần đại đồng, tinh thần thực tiễn xã hội và tinh thần khoa học chứng nghiệm là những dấu ấn còn giữ được một vai trò nào đó trong cái kiến trúc phức tạp của nền giáo dục hiện đại.


      2. Giáo dục ở Đông phương:

      Cũng từ trước Công nguyên, giáo dục đã là mối ưu tư của các triết gia và các nhà truyền giáo Đông phương. Về giáo dục, triết lý tiêu biểu cho giáo dục Đông phương xưa là triết lý Nho giáo.


      Nho học đề cao giáo dục tới mức tột đỉnh, lấy chính ngay kết quả của giáo dục làm giá trị của người học trò và khả năng cải thiện xã hội của ông thầy: Lương sự hưng quốc (ông thầy giỏi đem lại sự hưng thịnh cho quốc gia).


      Từ khởi điểm trên, các nhà Nho đã tôn giáo dục lên hàng một cái “đạo”: Đại học chỉ đạo tại minh đức, tại tân dân (cái học lớn nhằm làm sáng cái đức của con người, làm mới người dân). Hiểu theo ý cổ nhân, đạo là con đường đặc biệt, một con đường thiêng liêng mà người ta phải tuân thủ một cách chặt chẽ và chi li trong khuôn viên của những nghi thức tỉ mỉ nào đó, với tất cả tấm lòng thành kính của mình.


      Và cũng từ quan niệm giáo dục đó, cổ nhân đã đề ra và thực hiện những chủ trương:

      - Học lấy lễ nghĩa và phong thái cư sử rồi mới học lấy kiến thức (Tiên học lễ, hậu học văn).

      - Ai cũng phải học (tự thiên tử chí ư thứ dân giai dĩ tu thân vì bản – từ nhà vua tới thường dân ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc).

      - Cái học là mênh mông không bao giờ hết.

      - Học phải đi với hành để tạo kinh nghiệm (Học nhi thời tập chi – học mà ngày ngày đem ra thực hành).

      – Thứ tự tôn kính trong xã hội là quân - sư – phụ (sau vua tới thầy, sau thầy mới tới cha).


      Nho giáo còn đưa ra một kiểu mẫu làm người mà ông thầy phải tạo dựng nơi người học trò, đó là mẫu người “quân tử”. Nói một cách vắn tắt thì quân tử là người tài đức kiêm toàn, trí tâm phối hợp, tuân theo lẽ trung hòa của vũ trụ, sử sự đúng theo những quy tắc đạo đức của Nho giáo đứng đầu là tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Nhà Nho chân chính gặp thời thì xuất (ra làm quan giúp dân, giúp nước), không gặp thời thì sử (về ở ẩn, tu tâm dưỡng tính, truyền bá cái học của mình cho những người chung quanh). Như vậy, người quân tử là một kẻ hiền tài, một con người thành tựu. Đây cũng là nhằm ngắm cuối cùng của triết lý Nho giáo nói chung: “Thành giả thiên chi đạo, thành chi giả nhân chi đạo giã” – Trời đất ở trong đạo thành, tiến tới đạo thành là đạo làm người vậy.


      Tóm lại là một triết lý giáo dục quá cao vọng, hơn cả ngành đại học, tới mức siêu đại học. Nó không có tính cách phổ cập đến quảng đại quần chúng vốn là thành phần căn bản của quốc dân ngày nay. Với tính khắt khe của nó (như: “Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” – Một ngày ba lần khám xét thân mình), nó lại càng dễ biến học đường thành một tu viện hay một trại binh. Tuy nhiên, ta vẫn phải công bằng nhận xét rằng thuyết giáo dục của Nho giáo cũng cho ta một kinh nghiệm, một tiền lệ đáng nên tuân thủ trong ngày nay: Cần phải coi trọng giáo dục tới hàng quốc sách; không nên xa rời khỏi mục đích đạo đức của giáo dục; cần phải có một nghi thức tối thiểu nào đó trong nếp sống và phong cách nói năng, sử sự tại học đường.


      3. Giáo dục ở Việt Nam

      Trong những nét tổng quát, nền giáo dục ở nước ta xưa kia cũng xây dựng trên quan niệm của nền giáo dục Nho gia trình bày trên đây. Tất cả đã qua đi theo cơn gió cuốn của thời gian, nhưng đặc biệt, ông cha ta đã để lại cho con cháu một bài học quý giá về tinh thần giáo dục, đó là tinh thần tự do, độc lập và sáng tạo trong việc học.


      Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn phải dày công chiến đấu để giữ gìn bờ cõi trước nhiều cuộc xâm lăng kéo dài, từ Bắc phương tới cũng như từ Nam phương lên và từ Tây phương qua. Trong việc kiến tạo văn minh, xây dựng văn hóa và giáo dục, Việt Nam quả là nơi gặp gỡ, qua lại của hơn một luồng tư tưởng, hơn một cái học. Ông cha ta đã khéo biết chọn lựa một thái độ thích hợp và xứng đáng: một mặt, mở rộng cửa đón nhận những luồng tư tưởng khác nhau từ bên ngoài tới; mặt khác đem cái sở đắc từ ngoài vào đồng hóa với cái sở hữu căn bản của mình mà luôn thể chống đối sự đồng hóa của ngoại bang. Do đó dân ta vẫn tạo nên được cái mới cho mình và dù phải trải qua một thời gian dài tổ tiên ta “học sách Tàu mà vẫn chẳng thành người Tàu” và sau này chúng ta “học sách Tây mà chẳng để thành Tây”.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      II. Hiện Trạng Của Vấn Đề


      Ta vừa kiểm điểm sơ lược nền giáo dục cũ từ Tây sang Đông để rút ra một số những bài học khả thi cho thời hiện đại, biết rằng vấn đề giáo dục thời nay phức tạp vô cùng bởi sự xuất hiện của quá nhiều biến cố lịch sử và của quá nhiều sự kiện mới trong xã hội. Sau đây xin lần lượt xét xem vấn đề giáo dục đặt ra những giả thuyết nào để sau đó hoạch định vài phương hướng mới cho giáo dục.


      1. Giả thiết của vấn đề:

      Trước hết trên phương diện lý thuyết vẫn còn hai thuyết giáo dục hiện hành, tiêu biểu cho cứu cánh giáo dục:


      a. Thuyết hội nhập (Reintegration) - Đây là thuyết rất khái quát được nhà sư phạm René Hubert trình bày trong tác phẩm của ông “Biên Tập Về Sư Phạm Tổng Quát”. Thuyết này hướng công cuộc giáo dục vào hai cứu cánh bổ xung nhau:


      - Cứu cánh hội nhập con người vào trong xã hội quốc gia. Giáo dục nhằm chống lại chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng ly khai xã hội, ý tưởng mưu cầu kiến thức và đạo đức riêng cho cá nhân. Giáo dục có mục đích viên mãn cái bản năng xã hội nơi con người để biến cái bản năng đó thành một tình yêu xã hội có ý thức. Bởi lẽ xã hội đó trước nhất là dân tộc, nên giáo dục là phải trau dồi cho thanh thiếu niên ý thức dân tộc và tinh thần thực tiễn đóng góp chung vào sự an ninh và phú cường của quốc gia.


      - Cứu cánh hội nhập con người vào trong cộng đồng nhân loại. Ngoài biên giới quốc gia còn có quốc tế mà quốc gia phải gắn bó vì lẽ hưng thịnh chung của mọi dân tộc. Cũng thế, bên trên nền văn minh dân tộc còn có nền văn minh chung của nhân loại mà mỗi dân tộc phải đóng góp vào. Vượt ngoài lãnh thổ quốc gia còn có nhiều kiểu mẫu xã hội khác với kiểu mẫu xã hội quốc gia của chúng ta. Giáo dục phải làm sao cho học trò am tường, cảm thông và hòa hợp với nếp sống và lối nghĩ của các kiểu mẫu xã hội khác đó. Nói điều cụ thể, giáo dục phải chuẩn bị cho con người gia nhập vào sinh hoạt quốc tế, gánh vác những công việc và những trách nhiệm quốc tế nhất định.


      b. Thuyết thực dụng (Pragmatisme). Khác với thuyết hội nhập có tính cách là phương hướng khái quát, thuyết thực dụng là cả một nền triết học tổng quát áp dụng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Nó ra đời vào lúc mà đâu đâu người ta cũng tranh thủ lấy độc lập và tự do. Đặc biệt tại Mỹ quốc, trong bối cảnh văn hóa, người ta chứng kiến sự trổi dậy rất hùng mạnh về mọi mặt, nhất là mặt kinh tế và xã hội, nhờ vào những tiến bộ vượt bực của các ngành khoa học thiên nhiên sử dụng phương pháp thí nghiệm.


      Triết lý thực dụng chia sẻ quan điểm của thuyết tiến hóa của nhà sinh vật học Darwin, thuyết tương đối của nhà vật lý học Einstein và thuyết duy dụng của nhà tâm lý học Bergson. Các tác giả và bình luận gia chủ chốt là: J. Dewy, W. James, C. Peirce, G. Mead, JL. Childs và E. Bayles. Các tác giả Mỹ quốc luôn luôn nối kết tư tưởng với hành động và nhận định rằng một tư tưởng chỉ có giá trị nếu nó là tinh lý, là linh hồn, là bộ óc của một chương trình hành động.


      Giáo dục nhằm thúc đẩy và giúp đỡ con người dồn nỗ lực thường xuyên vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết, những mối quan tâm của đa số người trong cộng đồng.


      Vươn lên hàng triết học tổng quát, các nhà thực dụng xác nhận: thế giới là thế giới hình tượng, bản chất con người là sử dụng những chức năng tâm lý của mình để hình tượng hóa vũ trụ và xã hội. Chuyển qua giáo dục: việc học là việc trau dồi các khả năng khéo léo của mình và truyền bá chúng bằng cách sử dụng chúng cho người ta chứng kiến. Cuối cùng, thuyết thực dụng chỉ chấp nhận có một cái tri (le savoir): biết là biết làm, biết cách sử dụng. Tức là một cái tri thực tiễn, hữu ích.


      Trở lại với sinh hoạt học đường và xã hội, triết lý thực dụng đưa ra một quan niệm về một thứ xã hội được ủy nhiệm trong công cuộc tuân thủ một đường lối khoa học trong suy tư, và thực hiện một nếp sống tự do, dân chủ.


      Nói tóm lại triết lý thực dụng là sự trả thù của khoa học về thiên nhiên đối với khoa học về con người, sự thắng thế của phương pháp thí nghiệm đối với phương pháp thuần luận, sự lên ngôi của lý trí thực tiễn, ưu thế tuyệt đối của sinh hoạt tự do dân chủ đối với sinh hoạt cổ truyền phong kiến.


      Những quy tắc kể trên tất nhiên có cái hay, cái đúng của nó. Nhưng chỉ với riêng những qui tắc đó, triết lý giáo dục có một khuyết điểm lớn là thiếu sót. Hơn nữa nó còn gặp phải nhiều điều bất thuận hợp đáng tiếc. Thiếu sót và bất thuận hợp đó là gì, tưởng nửa thế kỷ qua xã hội Hoa Kỳ đã cho ta thấy rõ: sự lấn áp của tiền tài và bạo lực, sự suy vị của các giá trị gia đình, học đường và xã hội. Coi nhẹ khoa học nhân văn là một điều thiếu sót và bất công. Tự do quá mức dễ bề lạm dụng. Nhìn chung toàn bộ nền văn minh Hoa Kỳ, người ta có lý do để phàn nàn về sự thiếu hụt của các yếu tố nhân bản trước các yếu tố máy móc, của những giá trị đạo đức tinh thần đối với giá trị quyền lợi vật chất.


      Chuyển qua những giả thiết thực tại của vấn đề giáo dục. Ngoài hai thuyết hội nhập và thực dụng giáo dục hiện đại còn phải quan tâm tới nhiều sự kiện văn hóa đã diễn ra trên thế giới hiện thời.


      a. Trước hết người ta chứng kiến sự phá sản của nền giáo dục mác xít tại các nước đã hoặc còn đang theo chủ nghĩa Mác-Lê. Sau một thời gian điên cuồng phá phách con người, gia đình, quốc gia và xã hội, nền giáo dục đó đã tự đào hố chôn mình. Sự lầm than của xã hội cộng sản, sự suy thoái trầm trọng của xã hội hậu cộng sản là một điều đương nhiên vậy. Giáo dục phải suy nghĩ lại về chủ nghĩa xã hội và tái cấu trúc nó trên cơ sở hợp tình hợp lý, nhân bản hơn.


      b. Song song với sự vong thân của chủ nghĩa vô sản là sự thay hình đổi dạng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản trở nên tinh khôn hơn để kéo dài sự sống còn. Nó chuyển hướng vào việc nắm giữ những thế lực kinh tế, bỏ đi các bộ dạng bảo hộ, toàn quyền. Nhưng rất tiếc là nó vẫn chưa dứt bỏ được những tham vọng đế quốc của nó. Giáo dục phải suy nghĩ lại về chủ thuyết tư bản nói chung và đem những khả năng to lớn, diệu kỳ của khoa kinh tế học tân tiến mà phụng sự mọi người, mọi dân tộc. Tôi nghĩ chủ trương “toàn cầu hóa” mô thức kinh tế cũng không nên và không thể tách rời cứu cánh đạo đức của nghĩa hợp quần và ý thức công lý giữa con người và con người.


      c. Nền giáo dục trong tương lai gần tưởng cũng có một bổn phận và trách nhiệm nào đó trong việc hàn gắn những đau thương do hai cuộc chiến tranh nóng và lạnh vừa qua còn để lại cho bao người trên thế giới: những phá tán toàn bộ một quốc gia dân tộc, những va chạm tơi bời về văn hóa đưa tới những đổ vỡ, những chán chường cho từng mảng dân tộc di cư, tị nạn hàng loạt. Chủ trương toàn cầu hóa tưởng cũng cần phải đặt ra cho phạm trù văn hóa chứ không riêng gì cho phạm vi kinh tế.


      d. Trong hoàn cảnh đặc biệt của một vài nơi, chẳng hạn như Trung Đông, Ba Nhĩ Cán, cựu Liên Sô, vấn đề xung đột tôn giáo và dân tộc sẽ còn là một vấn đề hàng đầu của thế kỷ 21 tới đây. Ở những nơi đó, chiến tranh lạnh vẫn chưa chấm dứt mà còn đe dọa chuyển thành chiến tranh nóng. Giáo dục không thể chỉ giới hạn vào lãnh thổ và lợi quyền của một quốc gia.


      e. Xuống một bình diện thấp hơn triết lý, bình diện chính sách và định chế giáo dục, người ta nêu ra những mục tiêu, những khuynh hướng cho giáo dục: dân tộc, khoa học, đại chúng, khai phóng, truyền thống... Đó là những mốc mà giáo dục cũng cần phải chú ý tới.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2. Phương hướng giải quyết vấn đề.


      Sau khi ôn lại những bài học của quá khứ và nêu ra những điều kiện hiện đại của vấn đề, xin đi vào trọng tâm của bài tiểu luận: nói về triết lý của giáo dục. Đây là một vấn đề rất rộng lớn, cũng rộng lớn như những vấn đề văn hóa vốn liên hệ mật thiết với giáo dục. Thật thế, trong một cuộc phân tích và tổng hợp sơ đẳng, ta đã thấy văn hóa là một toàn bộ, một tổng thể, một gestalt – nói theo tâm lý học hình thức – một tổng thể trong đó giáo dục chỉ là một trong nhiều thành tố. Vậy ta phải công nhận rằng triết lý giáo dục cũng là một “thứ triết lý văn hóa”.


      Nói tới triết lý giáo dục là nói tới những cứu cánh đặc thù của nó. Những phần kiểm điểm trên cho thấy cứu cánh của giáo dục phải là một cứu cánh đa phương (finalité pluraliste). Điều này cũng là điều phù hợp với cấu trúc tâm lý đa tầng, đa dạng của con người tư duy, con người lao tác qua các con người nghệ sĩ, chính trị, kinh tế, chiến tranh... tới con người đạo đức, con người tôn giáo (homo sapiens, homo faber, homo artifex, politicus, eacomomicus, martius... homo virtus, homo religiosus). Như vậy triết lý giáo dục phải là một triết lý nhân bản do con người và cho con người.


      Bàn về bản chất con người, đã đến lúc ta phải xóa bỏ dứt khoát cuộc tranh luận lỗi thời “Con người sinh ra vốn thiện hay vốn ác”. Con người chẳng phải là thiên thần mà cũng chẳng phải là ác quỷ. Giáo dục phải vun trồng thêm cái thiện và giảm trừ bớt cái ác nơi đối tượng được giao phó.


      Theo đường hướng chính trị thuận lợi với đạo đức hiện thời, ta phải thêm vào nhận xét trên đây về bản chất của con người như từng rêu rao trong các bản tuyên ngôn độc lập, nhân quyền, dân quyền: “Con người sinh ra là tự do”. Giáo dục phải tuân thủ đường hướng tự do và khai phóng trong mục đích theo đuổi. Thời đại này là thời đại của dân chủ. Chủ thuyết thực dụng có lý ở điểm này ít nhất trên phương diện nguyên tắc, bởi lẽ từ tinh thần dân chủ đến định chế dân chủ con đường không ngắn. Hãy nhìn học trò như là một thế giới riêng rẽ, độc đáo mà ông thầy phải biết tới, phải tôn trọng để cho tư cách của học trò được bảo tồn và cá tính của học trò được phát triển. Danh dự và hạnh phúc (tinh thần cũng như vật chất) cũng là một viễn tượng của giáo dục vậy.


      Rời vị trí con người bản nhiên qua khía cạnh con người tương quan (côté relationnel). Người ta thường nhắc lại một nhận xét đã cũ “Con người là một sinh vật xã hội”. Xác nhận tổng quát thì thế, nhưng cuộc tranh luận “Khuynh hướng vị kỷ” hay “Khuynh hướng vị tha” nơi con người, cái nào có trước cái nào có sau, cái nào dẫn dắt cái nào thì quả là lỗi thời, vô bổ. Với xã hội tính đương nhiên của mình, học trò phải góp công, góp sức thực lòng vào sinh hoạt cộng đồng mà cộng đồng phải quan tâm hơn cả là dân tộc và gia đình. Triết lý giáo dục cần phải có một sắc thái xã hội đậm đà. Thuyết hội nhập trên kia mở rộng tới mức hội nhập vào cộng đồng nhân loại là một viễn tưởng tốt lành của giáo dục. Bởi con người riêng rẽ đã có nhu cầu và quyền lợi phát triển thì cộng đồng lớn, nhỏ của con người cũng cần như thế. Danh dự và hạnh phúc – tinh thần cũng như vật chất – của dân tộc đôi khi phải kể như là tối thượng. Trường hợp Việt Nam suy vi do Cộng Sản là một trường hợp điển hình: Có khoa học, có vật chất mà thiếu tinh thần lại càng nguy hại, tôi nghĩ tự do và dân chủ cần hơn là khoa học, kỹ thuật và tiền bạc.


      Trên đây ta đã đưa ra một dè dặt về mục đích tạo dân chủ của giáo dục, tưởng cần phải bổ sung ở đây bằng một dè dặt song song, dè dặt về tinh thần khoa học mà thuyết giáo dục thực dụng từng đề cao: Cần phải giữ gìn tinh thần khoa học cũng như phương pháp thí nghiệm ở một mức độ thỏa đáng nào đó và chỉ ở mức độ đó thôi, nơi khoa học nhân văn cũng như khoa học thiên nhiên vậy. Đây cũng là yếu tố nhân bản tính của triết lý giáo dục. Lời phàn nàn dành cho triết lý thực dụng là có lý. Khoa học nhân văn có đối tượng là con người trong khía cạnh tâm linh thiêng liêng không thể sử dụng như là vật chất thông thường để bỏ vào ống nghiệm được! Sự thất bại của lề lối đó là tất nhiên!


      Cũng trong khía cạnh con người tương quan vừa nói trên kia, sự đoàn kết con người trong không gian e rằng còn hẹp. Chuyện cũ vẫn còn đúng. Con người đoàn kết trong thời gian. Quá khứ vẫn cho ta những bài học tốt. Đối với những con người và những công trình trong lịch sử, ta không thể nào quên được. Ngoài giá trị sư phạm giới hạn nào đó, khuynh hướng truyền thống trong giáo dục này là bổ ích.


      Để kết luận: Ta vừa phác họa mấy nét đại cương của triết lý nhân bản cho giáo dục. Bảo là mới cũng được mà bảo là cũ cũng được. Mới ở chỗ nó là tổng hợp mới hoàn thiện hơn với thiện chí giải quyết những mối xung khắc đương thời, những mối lo toan hiện tại của con người và xã hội với những sự kiện mới được đề cập tới. Cũ ở chỗ nó chỉ rút tỉa những điều hợp lý hợp tình và những cái hay cái đẹp của nhiều triết lý giáo dục đã được thử nghiệm.


      Trong bối cảnh của một xã hội còn đầy tranh chấp, còn chạy theo nhiều cái tham vọng quyền hành, lợi nhuận, chạy theo cái ảo ảnh của khả năng chinh phục đất trời, tôi nghĩ rằng chúng ta đã bỏ quên quá khứ nơi từ đó ta đã ra đi, và bỏ quên cả thiên nhiên trước mặt, cái vành nôi sinh sống của chúng ta. Trở về với lịch sử mà ta chưa lợi dụng được đủ điều hay đẹp, cúi xuống với thiên nhiên, với môi sinh mà ta đang tàn phá là ý nghĩ và việc làm tốt vậy.


      Nguyễn Sỹ Tế

      Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục, trang 141
      Trúc Lâm, 2000

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Triết Lý Giáo Dục Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Vũ Khắc Khoan Và Tôi Nguyễn Sỹ Tế Tạp luận

      - Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh thần giáo dục trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Giá trị gia đình trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

      Tính “văn học” trong văn học miền Nam (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)