1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ (Nguyễn Sỹ Tế) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      28-2-2015 | TIỂU LUẬN

      Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ

        NGUYỄN SỸ TẾ
      Share File.php Share File
          

       


           Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế

      Nói tới dân chủ, người ta thường nhìn vào Tây phương, nghĩ tới bản Đại Hiến chương 1215 của Hoàng gia Anh quốc và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cuộc Cách mạng Pháp quốc 1789. Anh quốc vẫn được nhìn nhận như là quê hương của nền dân chủ ngày nay và cuộc Cách mạng Pháp 1789 như là một cuộc cách mạng thiết lập dân chủ và nhân quyền.


      Hồi cận kim, Tây phương đã tiến sang Đông phương, khuấy động nửa vòng trái đất và đặt nền đô hộ của họ lên hơn một nước Đông Nam châu Á mà nước Việt Nam ta là một. Việc Tây phương khuynh loát Đông phương như vừa kể, phải nhận định là do ưu thế quân sự và nền văn minh vật chất của họ so sánh với cái yếu kém của Đông phương cũng trên hai phương diện đó. Điều này giải thích vì đâu đã có những phong trào Tây học sôi nổi ở Nhật Bản, phong trào Đông Du của Việt Nam theo gót nước mặt trời mọc, hồi cuối thế kỷ trước.


      Trở lại với Tây phương. Sau cuộc Cách mạng 1789 của Pháp (mà người cộng sản chỉ gọi là Cách mạng trưởng giả), sự tiến hóa của xã hội Tây phương cũng không tốt đẹp và êm thắm gì. Tuy Vương quyền và giai cấp quý phái có bị hạ bệ, song từ đó, lại nảy sinh ra giai cấp tư bản, giai cấp này liên minh với phe nhóm chính trị thực dân mà khuynh đảo thế giới. Thế là công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền đề xướng ra bởi cuộc Cách mạng 1789 đã bị sứt mẻ nếu không muốn nói là bị phá sập. Nhiều cuộc cách mạng khác đã diễn ra tại Pháp (1830, 1848) nhưng tình hình cũng chẳng khả quan là bao nhiêu, kể cả với sự thành lập nền Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870)


      Phản ứng chống lại tệ trạng xã hội lúc đó, cả một chuỗi những "chủ nghĩa xã hội" ra đời với St Simon, Ch. Fourier, P.J. Proudhon, K. Marx... Cuối cùng, cuộc cách mạng do Lénine thực hiện tại Nga (1917), thiết lập nền chuyên chính vô sản và mưu đồ chinh phục thế giới, đã làm đảo lộn tình hình chính trị và làm trì trệ hẳn trào lưu dân chủ ở khắp nơi. Chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh hướng những mục phiêu của các chính quyền vào chỗ khác. Hậu quả là cho đến nay nhân quần vẫn còn phải miệt mài tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền không những chống các chế độ độc tài cộng sản còn sót lại trên thế giới, mà còn chống lại thực trạng thiếu tự do và nhân quyền nơi một số nước mệnh danh là dân chủ.


      Người ta đặt ra câu hỏi: Tại sao phong trào dân chủ, sau bao thế kỷ đấu tranh và chịu mọi thử thách, vẫn chưa đạt được những kết quả đáng nên mong muốn? Ta hãy kiểm thảo ngay chính nền dân chủ: Có gì khiếm khuyết, có gì sở đoản? Câu trả lời tổng quát là: Sự nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nền dân chủ cần phải xét tới cả hai khía cạnh của nó là thể chế và tinh thần dân chủ. Nói khác đi, cần phải xét những điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể trong cuộc sống xã hội (tức là mặt pháp luật) và những gì đã được hun đúc trong lòng mỗi người dân (tức mặt đạo đức hay văn hóa).


      *


      1. Thể chế dân chủ.


      Mỗi thể chế chính trị ngày nay thường được đúc kết trong bản Hiến Pháp và triển khai trong các hệ luận thành những đạo luật của quốc gia. Thể chế dân chủ cũng thế. Những thể chế này cũng có ít nhiều điều dị biệt nhau từ quốc gia này qua quốc gia khác. Mặc dầu vậy, thể chế dân chủ chung quy cũng có những chủ trương, những đường lối, những đặc tính căn bản khiến người ta không thể lầm lẫn nó với bất luận một thể chế nào khác. Qua lý thuyết cũng như thực hành lâu dài, những nét đặc thù của nền dân chủ có thể liệt kê là:


      a. Quyền tối thượng thuộc toàn dân



          Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Toàn dân được gọi bằng nhiều danh từ khác nhau: quốc dân, nhân dân. Nguyên tắc này đã được các nhà văn cách mạng Pháp (thế kỷ 18) đề cao một cách rõ rệt và dứt khoát, chẳng hạn Montesquieu: "Khi mà trong nước cộng hòa, nhân dân đích thân nắm quyền lực tối can, thì đó là một nền dân chủ - Lorsque dans la république, le peuple en corps a la souveraine puissance, c'est une démocratie." Cũng thế, người ta nói về luật pháp: "Luật là biểu thức của ý chí chung - La loi est l'expression de la volonté générale."


      Đây phải kể là một chinh phục căn bản của người dân chủ đối với quan niệm phi lý của người quân chủ khi nhận giang sơn thuộc vào dòng dõi các vì vua chúa, kể cả Đông phương xưa khi nhận định "nhà vua thay trời trị dân". Vậy chừng nào quyền hành của quốc gia còn ở trong tay một người, một giai cấp, một đảng phái, chừng đó không thể nói là có nền dân chủ được.


      b. Nguyên tắc phận quyền


      Bởi quyền hành trong một cộng đồng xã hội thì nhiều vô kể, tập trung vào tay một bộ phận của chính quyền hay một cơ quan nhà nước thì dễ đưa tới sự lạm dụng, nạn độc tài. Chia quyền ra theo nguyên tắc phân quyền này là để giảm hạ mọi rủi ro lũng đoạn và chuyên quyền. Người ta nhận định "Quyền lại giới hạn quyền". Thường khi trong các nước dân chủ, quyền hành được phân làm ba loại theo thứ tự quan trọng từ nhiều đến ít: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Như vậy, nguyên tắc thứ nhất "quyền tối thượng của toàn dân" cũng được bảo đảm tới mức đáng kể: dành cho toàn dân cái quyền làm ra mọi luật lệ; chính phủ (quyền hành pháp) chỉ có nhiệm vụ thi hành luật lệ của toàn dân mà thôi, và tất nhiên, quyền tư pháp (hệ thống các tòa án) cũng thế, chỉ có vai trò xét xử xem luật pháp của toàn dân có được tôn trọng hay không.


      Khi đã phân tam quyền rồi, thì mỗi quyền cần phải được hành sử độc lập, không lệ thuộc vào hai quyền còn lại. Trên thực tế, quyền tư pháp thường bị quyền hành pháp khống chế hay lèo lái, nên người ta phải hô hào, đòi hỏi tư thế độc lập cho quyền tư pháp.


      Ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập vốn đã giới hạn và kiểm soát lẫn nhau rồi, nhưng vẫn chưa đủ bảo đảm sự công bằng. Để giảm hạ nạn lạm quyền hay chuyên quyền, nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên đưa ra thuyết "ngũ quyền" trong đó có cái quyền của dân kiểm soát guồng máy chính quyền. Ở các nước tự do, người ta trao công việc đó cho một cơ quan độc lập gọi là viện bảo hiến, nhưng đó chỉ là một tổ chức tương đối nhỏ bé, cho nên quảng đại quần chúng thường nhận ở các cơ quan báo chí, ngôn luận như là một thứ quyền rộng lớn để phê phán chính quyền, quyền đó được gọi là "đệ tứ quyền". Vậy, chừng nào một nhóm người còn ra chỉ thị cho tòa án xừ kiện theo ý muốn của họ thì chừng ấy không thể nào nói là có dân chủ được.


      c. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu


      Đi từ nguyên tắc thứ nhất "quyền thuộc toàn dân". Thể hiện cái quyền đó như thế nào? Trong một cộng đồng quốc gia nhỏ bé, tỉ như một tổng làng hẻo lánh (ở Thụy Sĩ và một số nơi khác), người ta có thể bầy ra công cuộc của một nền "cai trị trực tiếp": mọi công dân tập hợp lại nơi công cộng, cùng quyết định mọi công việc chung, giao cho một đại diện nhắc nhở mọi người thi hành. Ngoài cái ngoại lệ hiếm hoi này ra, người dân đông đảo trong một nước dân chủ chỉ còn có phương cách là bầu ra một số những người đại diện cho họ, theo một tỉ lệ nào đó, để cho những đại diện này trông coi việc soạn thảo hiến pháp và luật pháp quốc gia. Đó là việc toàn dân bầu ra quốc hội của toàn dân không trừ một ai. Do vậy có khẩu hiệu của dân chủ là "mỗi người dân một lá phiếu".


      Nhắc lại chuyện xưa: chuyện đầu phiếu ở nhiều nơi chỉ dành cho một số thành phần quốc dân nào đó mà gạt bỏ thành phần khác (chẳng hạn, bỏ nữ giới). Quyền phổ thông đầu phiếu phải kể là một chinh phục lớn của trào lưu dân chủ.


      • Ngoài ba nguyên tắc đại cương tất yếu để thành lập tổ chức và điều hành quyền bính quốc gia nói trên, nền dân chủ đích thực còn được nhận biết ở một số những quyền coi như là "thiêng liêng, bất khả xâm phạm" của mỗi người dân trong tư cách là một công dân và trong tư cách như là một thành viên của cộng đồng nhân loại. Những quyền này được gọi chung là dân quyền và nhân quyền. Các bản văn pháp lý quan trọng của một quốc gia như Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp quốc gia, Tuyên cáo quốc dân, thường có những điều khoản long trọng tuyên bố nhân quyền và dân quyền. Chẳng hạn: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng, bình quyền..."


      Trước hết, những quyền làm người và làm dân đó là những quyền tự do mọi loại: tự do cá nhân (tự do thân xác, không bị câu thúc, giam cầm, tra tấn), tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp biểu tình, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng... Bởi thế, trào lưu dân chủ luôn thể là trào lưu tranh đấu lấy tự do. Sau nữa, nhân quyền và dân quyền là những quyền lợi tinh thần từ lãnh vực đạo đức chuyển hóa thành quyền lợi pháp lý theo đà tiến hóa của văn minh nhân loại, chẳng hạn: quyền có công ăn việc làm, quyền được học hành, quyền được săn sóc sức khỏe, quyền được giúp đỡ tư pháp (để thực hiện và theo dõi các vụ kiện tụng), quyền được thông tin, báo cáo về công việc của tập thể v.v... (Cơ quan Liên Hiệp Quốc trong những năm gần đây còn ghi nhận quyền của các dân tộc được giúp đỡ để phát triển: droit des peuples au développement). Vậy thì, thiếu những nhân quyền và dân quyền tối thiểu kiểm điểm trên đây, bất luận một chế độ nào cũng không thể coi là có một nền dân chủ được.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2. Tinh thần dân chủ.


      Rời bỏ bình diện xã hội và pháp luật, chuyển lên bình diện đạo đức, tinh thần, ta hãy xét xem vì đâu mà nền dân chủ gặp nhiều khó khăn và trắc trở trên con đường thực hiện của nó. Nói vắn tắt: đó là do sự vắng thiếu của tinh thần dân chủ.


      Tinh thần dân chủ là một toàn bộ những đức tính đạo đức (qualités morales) làm động cơ và chỉ đạo việc thiết lập và thực thi nền dân chủ. Những đức tính này có thể kể là:


      a. Tinh thần tự do và khoan dung:


      Hiểu theo một nghĩa hạn hẹp và thực tế thì tự do là cái quyền được suy nghĩ và hành động đúng theo sở nguyện và ý chí của mình; nó đáp ứng với ước muốn thoát ra khỏi những ràng buộc, những câu thúc tinh thần và thể xác; đó là khát vọng muôn đời của nhân loại tự thể hiện cái chủ thể, cái bản ngã của mình; đó là một khuynh hướng lý tưởng nói theo tâm lý học hiện đại... Platon (trước Công nguyên) có một lối nhận định sâu xa hơn khi nối kết ý niệm tự do với ý niệm công bằng. ông định nghĩa "tâm hồn công bằng": tâm hồn công bằng là tâm hồn sử sự một cách tự do thoát khỏi mọi ràng buộc và thúc đẩy mê hoặc bên trong và bên ngoài con người. Điều này cũng gần kề với ý niệm về tự do nguyên thủy được nói tới trong nhiều bản Tuyên ngôn độc lập: "Tất cả một người sinh ra là tự do... Tous les hommes naissent libres..."


      Nhưng trên mặt thực tế xã hội, nói tới tự do phải nói tới khoan dung. Bởi khoan dung chính là các bảo đảm của tha nhân, để cho kỷ nhân thực thi được quyền tự do của mình. Tôi yêu quý cái tự do của tôi thì tôi phải tôn trọng cái tự do của người khác. Tôi được tự do phát biểu thì tôi không được cản trở việc tự do phát biểu của kẻ khác. Cổ nhân ta có câu: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (Điều mình không muốn thì chớ làm cho kẻ khác). Khoan dung là sự "chấp nhận" kẻ khác trong thành tâm và thiện ý.


      b. Công bằng và nhân ái:


      Cặp đức tính bổ xung cho nhau "tự do và khoan dung" dẫn dắt tới hai đức tính khác, đó là tính công bằng và đức nhân ái. Trên đây ta đã viện dẫn sự liên kết ý niệm tự do với ý niệm công bằng của triết gia Platon. Cần nói thêm rằng công bằng không phải chỉ là coi tất cả người khác bằng nhau mà đối xử với họ, công bằng còn là đặt mình ngang hàng với kẻ khác trong việc phân chia quyền lợi cũng như bổn phận. Gói tròn cả kỷ nhân lẫn tha nhân lại là lòng nhân ái vậy. Công lý trong một nghĩa hạn hẹp và thực tế là sự không thiên vị (hay tư vị). Đức nhân ái đã hằng được giảng dạy trong các tôn giáo và trong hầu hết các nền đạo đức phổ thông. Và đức công bằng cũng được tâm lý học hiện đại tuyên nhận như là một "khuynh hướng lý tưởng" nói rõ hơn, "khuynh hướng tự do". Cả hai đức được kể như là cái di sản văn minh tinh thần của nhân loại nằm trong chiều sâu tâm lý của mỗi chúng ta. Bao biến động xã hội dọc theo lịch sử thế giới đều có thể quy vào tình trạng bất công, áp bức do các chính quyền đem tới.


      Hai đức công bằng và nhân ái, ở một khía cạnh khác, cũng là sự biểu hiện của "tinh thần xã hội" hay, xa hơn nữa, của "chủ nghĩa xã hội" nói chung. Đây là sự lấn át cần thiết của lòng vị tha đối với tính vị kỷ. Nhắc lại rằng nhiều triết gia còn tuyên nhận nhân ái như là một "bản năng xã hội".


      c. Tinh thần đại chúng và tinh thần dân tộc.


      Tất nhiên dân tộc thì lớn hơn đại chúng. Đề tài "quốc gia dân tộc" là một đề tài đã được khai thác nhiều. Nhắc lại sơ lược là: tinh thần dân tộc, ai cũng có; nói tới văn hóa cốt yếu là nói tới văn hóa dân tộc; quốc gia là một "kích thước xã hội" ưu thuận nhất (optimum) cho việc quản trị nhân loại và thành lập văn hóa đặc thù; chỉ có tinh thần dân tộc cực đoan và chủ nghĩa quốc gia quá khích mới là điều đáng nên lên án; sự hiện diện thường hằng của tinh thần quốc gia dân tộc đã làm thất bại chủ nghĩa quốc tế vô lối của người cộng sản.


      Trở lại với nền dân chủ, tinh thần đại chúng (hay khuynh hướng bình dân) là điều đáng nên nói hơn. Bởi cái đầu óc tự cao tự đại của cá nhân thường làm cho hắn xa lìa đại chúng, trong khi mà dân tộc đích thực ra, trong thực tế, chính là đại chúng. Một tình yêu xã hội, muốn được hiệu nghiệm, phải hướng vào thành phần căn bản, lớn lao nhất của dân tộc là lớp người bình dân.


      Tinh thần đại chúng lại cần phải được lý hội theo một ý nghĩa đẹp đẽ nhất. Bình dân không có nghĩa là mị dân. Tranh đấu cho quần chúng phải hòa mình vào quần chúng để tránh cái bệnh làm cách mạng giúp người khác hay làm cách mạng không chịu lấm áo. Tất nhiên cần phải san bằng xã hội, nhưng tuyệt đối không nên san bằng xuống thấp theo kiểu cộng sản.


      • Ngoài mấy đức tính căn bản vừa kể trên, tưởng cũng nên nhắc tới nhưng đức tính bổ sung và những thói xấu gây trở ngại cho việc tiến tới một nền dân chủ đích thực. Trước hết một căn bệnh mà rất nhiều người cho là mở đầu cho những bất công và thủ đoạn trong xã hội, đó là đầu quá nặng về quyền tư hữu (Có lẽ vì thế mà có người đã mơ màng chuyện xóa bỏ quyền tư hữu trong xã hội nhân quần, một điều vừa không nên lại vừa không tưởng). Sau nữa là mấy bệnh phổ thông hơn: đầu óc thiên gia đình, thiên huyết thống; đầu óc quá coi trọng vật chất; ngược lại, đầu óc lãng mạn, không tưởng; đầu óc quy mọi kiến thức thành những giáo điều... Nền dân chủ, trong khía cạnh là một định chế và là đấu tranh chính trường, nhiều lúc được coi như là một trò chơi, trò chơi dân chủ. Vậy người đi vào trò chơi thì phải chấp nhận những luật lệ của trò chơi, đấu tranh không gian lận với một tinh thần thượng võ, thắng không kiêu, thua không thù hận. Và đi xa hơn nữa, người dân chủ có tinh thần đồng đội và sở thích làm việc tập thể. Từ đó, người ta sẽ tìm ra những phương sách cải tiến những luật lệ của trò chơi dân chủ.


      *


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Việc phân tích và lược ôn hai khía cạnh của nền dân chủ trên đây giúp ta dễ đi vào một vấn đề thời sự của hiện nay liên quan tới văn hóa và chính trị. Sau khi chính trị gia lão thành Lý Quang Diệu nêu ra thuyết "văn hóa là định mệnh", nhiều người có đặt ra vấn đề: Nền văn hóa Đông phương có thích hợp cho việc thiết lập một thể chế dân chủ như Tây phương không? Một số trả lời "không" với thật tâm và thành ý. Một số cũng trả lời "không" nhưng với dựng ý chính trị không tốt là để biện minh cho "chế độ độc tài vô sản kiểu quốc gia" của họ, chẳng hạn cộng sản Việt Nam, và cộng sản Trung Quốc.


      Có lẽ không một ai là không nhận thấy văn hóa Đông phương và văn hóa Tây phương có những nét căn bản rất khác nhau. Theo thuyết cổ điển ghi nhận: Văn minh Tây phương thiên về các giá trị vật chất, khoa học và kỹ thuật khác với văn minh Đông phương đề cao giá trị tinh thần, đạo đức và nhân văn; người Tây phương hiếu động, ưa phân tích khác với người Đông phương hiếu tĩnh, giỏi tổng hợp; người Tây phương ưa phiêu lưu, mạo hiểm, có đầu óc tiến bộ khác với người Đông phương ưa suy ngẫm, trầm lặng có đầu óc bảo thủ...


      Ta cần nhìn lại nền dân chủ trong cả hai khía cạnh thể chế và tinh thần của nó. Trước hết, ta phải công nhận rằng văn hóa Đông phương không phải là không có tinh thần dân chủ. Có thiếu là thiếu đầu óc tổ chức và lập quy. Tinh thần dân chủ đó có tính cách trầm lặng và khái quát. Thật thế, từ xưa tiền nhân ta đã cho lưu truyền những phép tắc trị quốc mang dân chủ tính, chẳng hạn:


      - Phép trị nước phải lấy dân làm gốc (dân vi bản)

      - Ý dân là ý trời (thiêng liêng, tối thượng)

      - Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (dân là quý, giang sơn triều đại ở hàng thứ hai, bản thân ông vua là nhẹ)

      - Quân kính thần trung (vua phải thờ kính cái sứ mạng trời trao cho mình)

      - Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân tân dân (mỗi ngày càng làm sáng đạo đức, càng làm mới người dân).

      Có cả một chủ trương về một nền "quân chủ vị dân" của nhiều nhà nho trong đó có Cao Bá Quát. Có gương sáng về sử sự dân chủ của các vì vua chúa, điển hình chuyện vua nước Sở Trung Hoa (vua mất cung mà không tiếc vì sẽ có một người dân nước Sở nhặt được cây cứng đó), và vua nhà Lý ở nước ta (cởi áo bào đắp cho một người hành khất trong một ngày đông giá buốt).


      Cái khiếm khuyết của tinh thần dân chủ của văn hóa Đông phương, như đã nói trên đây, là truyền thống dân chủ đó thiếu tính cách hiệu nghiệm, thiếu đầu óc tổ chức và lập quy (soạn thành luật) nên không có những định chế tỉ mỉ, cụ thể khiến cho, một mặt, người dân không được hưởng những phúc lợi của thể chế dân chủ, mặt khác, các kẻ hủ nho dễ lợi dụng để diễn giải sai lệch hoặc làm ngơ mà thủ lợi.


      Sau nữa, thể chế dân chủ với những nguyên tắc rõ ràng, định chế hoàn hảo như đã phân tích trên kia không hề có hậu quả là phá hoại cái tinh hoa trong nền văn hóa cổ truyền của Đông phương như người ta suy đoán. Không có một thể chế dân chủ đích danh nào lại cấm đoán việc con người đối xử với nhau bằng lễ nghĩa, trọng ân tình, thương cha xót mẹ, thiết tha gắn bó với gia đình, tận tụy hy sinh cho tổ quốc, phụng thờ tổ tiên, bảo tồn cổ điển, giữ gìn cái hay cái đẹp của phong tục tập quán đã trải qua thử thách của thời gian, tuân thủ những khuynh hướng hành sử chung, lối nói năng, đi đứng, giao thiệp, vui chơi, trước tác văn chương và nghệ thuật... của các dân tộc Đông phương ta.


      Khi một thể chế dân chủ đi đến chỗ vì cớ này hay cớ khác mà mất đi cái tính chất dân chủ thiết yếu đích thực, thì cũng lại thể theo tinh thần dân chủ, người ta lại vứt bỏ nguyên tắc hợp pháp (principe de légalité) mà thay thế bằng nguyên tắc về sự chính đáng (principe de légitimité) để tái lập dân chủ.


      Chừng nào người ta còn tập trung quyền hành quốc gia vào trong tay một người, một giai cấp, một đảng phái, chừng nào người ta còn không chấp nhận chính trị đa nguyên, không chấp nhận quyền đối lập, chừng nào người ta còn vi phạm những nhân quyền và dân quyền cơ bản, chừng đó người ta không thể nói là có nền dân chủ được. Danh từ "dân chủ tập trung" là một lời nói mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Đó chỉ là một danh từ che đậy một nền độc tài phản dân chủ.


      Trở lại với thắc mắc ban đầu để giải tỏa. Tinh thần dân chủ và thể chế dân chủ phải phối hợp chặt chẽ để hợp nhất thành một, để trở thành một thực thể độc nhất trong đó pháp luật và đạo đức không mâu thuẫn nhau, trong đó thể chế và tinh thần dân chủ vừa là "diện" vừa là "điểm" của lẫn nhau. Đó mới là nền dân chủ đích thực.


      Nguyễn Sỹ Tế

      Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục, trang 115
      Trúc Lâm, 2000

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Triết Lý Giáo Dục Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Vũ Khắc Khoan Và Tôi Nguyễn Sỹ Tế Tạp luận

      - Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Tinh thần giáo dục trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

      - Giá trị gia đình trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

      Tính “văn học” trong văn học miền Nam (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)