|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Trần Hồng Châu
(1921 - 2003)
Nhà thơ Trần Hồng Châu, tác giả hai tập thơ Nửa Khuya Giấy Trắng (NXB Thanh Văn, 1992), Nhớ Đất Thương Trời (NXB Thế Kỷ, 1995) 22 và tập tùy bút Thành Phố Trong Hồi Tưởng (NXB An Tiêm, 1991). Thơ văn ông mở rộng khung trời về một không gian suy tưởng và hồi nhớ:
Ta nhặt từng sợi kỷ niệm
Bềnh bồng trong tiềm thức biển sâu
Quá khứ đến rồi đi
Luân hồi
Trên bạc đầu sóng vỗ
Tản mạn về chân trời
Mù khơi...
Ở Trần Hồng Châu, Kinh Bắc, Dương Châu, Hoàng Hà, Hồng Lam, Paris, New York gặp nhau trong hồi tưởng.
Nhà thơ Trần Hồng Châu còn là giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, cựu Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn, trước 1975.
Qua điện thoại viễn liên Paris-California, nhà thơ và giáo sư Trần Hồng Châu - Nguyễn Khắc Hoạch, đã dành cho chúng tôi ba buổi nói chuyện xoay quanh đề tài: ảnh hưởng văn hóa và triết học Tây phương trong giới trí thức và văn nghệ miền Nam trên đài RFI trong tháng 3/1998.
Thụy Khuê (1)
Thụy Khuê: Thưa anh, trong tập tùy bút Thành Phố Trong Hồi Tưởng anh có viết một câu: “Hôm nay đây, trong buổi hoàng hôn của những thần linh đã ngự trị từ eo biển Gibraltar đến miền núi tuyết Oural, qua hai dòng sông Rhin và Danube cổ kính, Âu Châu đang hướng về tư tưởng Đông phương, về cội nguồn, Á Châu, để tìm một lối thoát... Trong khi đó, chúng tôi lại làm một cuộc hành trình ngược về phương Tây! Cũng chẳng có gì lạ vì thực ra mọi vật đều là tương đối.”
Thưa anh, trong nhiều năm làm giáo sư và Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn, anh đã dẫn dắt nhiều tầng lớp sinh viên vào hành trình phương Tây; ngày nay, xin anh nhìn lại hành trình đó: Ánh hưởng văn hóa Tây phương, sau năm 1954, đã xảy ra như thế nào
- trong Đại Học.
- trong giới trí thức miền Nam?
Trần Hồng Châu: Ảnh hưởng văn hóa Tây Phương trong Đại Học miền Nam – cơ bản là mô hình văn hóa Pháp – sau 1954 tuy có suy yếu, vẫn là cái gì đáng kể, cho đến 1975. Vẫn khuôn khổ Đại Học Pháp, được tiếp máu bởi các trường trung học Pháp.
Nhân viên giảng huấn đa số được đào tạo tại các Đại Học Pháp. Nội dung chương trình các khóa học cũng vậy...
Nhưng dần dần các môn Việt học và văn hóa Đông Phương cũng phát triển mạnh, có hệ thống và ý thức rõ ràng, như một phản ứng tự vệ; sự kiện đó mang lại cho Đại Học một thế quân bình cần thiết. Nên ghi nhận ở đây, hoạt động của các chuyên gia Đông Phương học, thuộc Đại Học Văn Khoa Saigon, như Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Nguyễn Đăng Thục, Bửu Cầm, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Nhất Hạnh, Giản Chi..., hoạt động từng vượt khỏi tháp ngà Đại Học để đi vào thế giới học thuật và văn nghệ miền Nam.
Ở đây, tôi muốn nói ngoài khuôn viên Đại Học, trong thời gian kể trên, ảnh hưởng Tây Phương cũng khá rõ nét, song song với ý hướng trở về nguồn. Trong môi trường xã hội, sự biểu lộ có quy mô rộng lớn, đại chúng hơn, thông qua báo chí, truyền thông và nếp sống hàng ngày, ít có tính cách hàn lâm và chuyên môn của Đại Học, tuy giữa hai bên vẫn có những mối liên hệ cần thiết.
Ánh hưởng ngoại lai và phản ứng tự vệ, đó là một hiện tượng quen thuộc trong lịch sử nhân loại. Ví dụ điển hình là các nhà văn hóa Trung Hoa đương đại: Hồ Thích, Cố Hồng Minh và Lâm Ngữ Đường. Họ luôn luôn kêu gọi về nguồn mặc dầu đều có một quá khứ thập niên đàng hỏa tại các đại học Âu và Mỹ Châu. Ở Nga cũng có sự giằng co như vậy. Khi Đại đế Pierre hướng về Tây Phương ở cuối thế kỷ XVII, mở đầu kỷ nguyên canh tân, thì liền sau đó, giới trí thức cũng chia thành hai khuynh hướng đối lập: thân Tây Phương hay trở về với "mẹ Nga”, mẹ slave? Vì bản chất văn nghệ là tự do, phóng khoáng, là vòng tay mở rộng, tuy vẫn luôn luôn gắn bó hữu cơ với một miền đất nào đó, vì văn nghệ là sự phối hợp hài hòa của những yếu tố tương phản, cái cá biệt và cái đại đồng, nên quang cảnh hoạt động trí thức ở miền Nam Việt Nam cũng có những nét giống như tại các nơi khác, khi có sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau. Quan hệ biện chứng rất Hegel giữa các thực thể tương phản để, cuối cùng, vươn tới một tổng hợp đẹp mà biểu tượng là các tác phẩm lớn.
TK: Thưa anh, có thể nói là sau 54, văn hóa Pháp vẫn giữ địa vị ưu tiên ở miền Nam, mặc dù có sự tiếp xúc với người Mỹ. Người Mỹ có đưa ảnh hưởng văn hóa Mỹ vào miền Nam không? Và văn hóa Mỹ có chỗ đứng như thế nào, so sánh với văn hóa Pháp? Nếu văn hóa Mỹ không đi sâu vào tâm hồn Việt Nam như văn hóa Pháp, thì tại sao vậy, thưa anh?
THC: Sau năm 1954, văn hóa Pháp tương đối còn giữ được ảnh hưởng vì những yếu tố kể trên. Nhưng, bây giờ là thời hậu Đại Chiến thứ hai “nối dài”, quang cảnh thế giới đã thay đổi nhiều. Bây giờ, gần như một định luật, ảnh hưởng văn hóa – văn hóa hiểu theo nghĩa rộng - ít nhiều phải được hỗ trợ bởi một sức mạnh kinh tế lớn lao. Sức mạnh này, Anh và Pháp, những anh hùng ngày hôm qua, tuy vẫn còn, giữ được phần nào, nhưng rõ ràng là đã bị qua mặt.
Thời chiến tranh lạnh với thế lưỡng cực trên thế giới, miền Nam Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng Mỹ, và như vậy là có thêm tác nhân mới. Tuy nhiên, văn hóa Mỹ, theo gót chân đoàn quân viễn chinh, cũng chưa có thể gọi là có ảnh hưởng gì sâu đậm. Ở lối sống vật chất, ở những giai tầng thấp thì có ảnh hưởng một cách xô bồ, nhưng ở thượng tầng thì chưa.
Thứ nhất, vì với những hoạt động văn hóa cao (trí thức văn nghệ), cần phải có thời gian lâu để thâm nhập và chuyển hóa. Sau nữa là vấn đề nhân sự. Các nhà Việt học, nghiên cứu của Mỹ, vì thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, chưa đủ độ chín muồi và sâu sắc của các nhà nghiên cứu Anh về Ấn độ, hay Pháp về bán đảo Đông Dương chẳng hạn. Cũng là vấn đề nhân sự nữa: Các cố vấn và tùy viên văn hóa Pháp, liên hệ với Đại Học và các tổ chức văn hóa Việt Nam, thường là những giáo sư Đại Học hay thạc sĩ trẻ, có học vấn vững chắc, năng nổ, bao biện... Trong khi đó, Mỹ – vì quan niệm sai lầm hay vì coi nhẹ vấn đề – chỉ gửi sang Việt Nam một số công chức tầm thường, phần lớn đã nghỉ hưu, chỉ có chuyên môn về một ngành cục bộ hơn là trí thức rộng, nên không gây được ấn tượng mạnh. Ngoài ra, các sinh viên du học Mỹ cũng bị thiệt thòi vì, ở thời điểm 54-75, có thể nói là chưa thực sự có truyền thống du học Mỹ. Sự đào tạo chuyên gia ở đây còn thưa thớt, chưa có bề dầy, trong khi mối liên hệ giáo dục, văn hóa Việt Nam với Pháp đã khởi sự từ đầu thế kỷ.
Mỗi nền văn hóa có điểm mạnh của nó. Ở đây khó có sự phê phán, đánh giá. Chỉ có thể nói tổng quát là, do sự tiếp xúc, chung đụng lâu dài, mặc dầu nhiều lúc con đường thật là gập ghềnh, chông gai, văn hóa Pháp đã có lợi thế ở nhiều mặt. Người Việt mình như dễ cảm thông, gần gũi với kích thước và nét đặc thù của văn hóa Pháp: cân đối, mực thước, trong sáng, tế vi, nặng về trí tuệ và tình cảm, rất “con người muốn thuở”... Trong khi đó thì Mỹ lại tỏ ra duy vật, thô sơ, quá thả lỏng cá nhân và ít tôn trọng những giá trị cổ truyền..., điều mà các dân tộc Á Châu thấy là khó chấp nhận. Tuy nhiên, nếu công bằng một chút thì không thể không công nhận là nền văn hóa non trẻ của Tân lục địa cũng có nhiều điều đáng học hỏi: tính cách trẻ, bứt phá, năng động (dynamism), cởi mở, không thành kiến (open), uyển chuyển, dễ thích nghi với hoàn cảnh (flexibility), và nhất là thực tiễn, trực diện trước sự vật (pragmatism). Cuối cùng, nói chung, điều hiển nhiên là sự tiếp nhận văn hóa không hề cố định, bất biến trong thời gian, đó cũng là lịch sử và sinh lực của các nền văn hóa dân tộc.
TK: Nếu so sánh hai thế hệ: thế hệ của các anh, hầu như mọi người đều học song song hai ngôn ngữ Pháp Việt, và thế hệ sau, chỉ học tiếng Việt - hay tiếng Pháp -, thì có những khác biệt gì, thưa anh?
THC: Thế hệ chúng tôi, do hoàn cảnh, được may mắn học một ngoại ngữ - tiếng Pháp – đến nơi đến chốn. Biết thêm một ngoại ngữ là nhân đôi tâm hồn, như Goethe đã nói, và ngoại ngữ (trường hợp những ngôn ngữ chính) là cửa mở rộng vào thế giới bên ngoài đầy hoa thơm cỏ lạ. Tại các nước "nhược tiểu”, kém hay không biết ngoại ngữ, là chỉ được thưởng thức những món ăn tinh thần ít ỏi, nhiều khi thiếu phẩm chất. Vì, qua trung gian người dịch, người phổ biến, giới thiệu, dù họ cố gắng mấy đi nữa, đâu còn những hàng hóa chính hiệu (nhận xét này riêng đúng với thơ, văn). Điều thiệt thòi chung của thế hệ sau là như vậy. Đường hầm đã bị lấp kín một đầu cho cả hai thế hệ (bị cắt đứt với quá khứ vì thiếu Hán Nôm), nhưng có lẽ thế hệ đàn anh ra khỏi hầm dễ dàng hơn, vì được võ trang bằng một ngoại ngữ hiện đại. Tình thế, tuy nhiên, có thể thay đổi với cố gắng cá nhân, với một chính sách giáo dục mới, cởi mở và có hiệu năng hơn. Riêng với thế hệ trẻ hải ngoại thì khỏi lo về chuyện ngoại ngữ, ngược lại cần đừng để họ thành những kẻ lại căng, mất gốc. Tất nhiên không nên khuếch đại vai trò của ngoại ngữ. Còn phải kể một số yếu tố quan trọng, khả dĩ biến đổi diện mạo của từng thế hệ: môi trường kinh tế, giáo dục gia đình và xã hội, những phát minh khoa học tự nhiên và nhân văn, cùng những xu hướng tiến bộ chung của thời đại...
TK: Thưa anh, thời kỳ 60-70 có phải là thời kỳ mà triết học phương Tây phát triển mạnh ở miền Nam, đặc biệt trong giới sinh viên và trí thức? Xin anh cho biết tại sao có sự phát triển này? Và những triết thuyết, triết gia nào gây được ảnh hưởng lớn?
THC: Tôi là người “ngoại đạo” trong lĩnh vực triết học. Tôi yêu tư tưởng, coi đó là chất liệu không thể thiếu được của văn nghệ, nhất là khi tư tưởng có gốc rễ, có tương quan mật thiết với tình cảm và cuộc sống, nghĩa là có sự hài hòa, cân đối giữa trái tim và khối óc, luôn luôn cửa để mở ngỏ. Nhưng tôi cảm thấy bất an và lạnh lẽo khi thấy tư tưởng bị gọt giũa, tròn trịa, đóng khuôn, đông cứng, trừu tượng trong một hệ thống chặt chẽ, đẹp như một lâu đài trí thức, nhưng ở trong đó chưa chắc đã sướng gì! Tôi sợ những chữ ism, một số đã tàn phá lịch sử nhân loại. Tôi sợ bị gò bó, trói buộc, hay xa rời cuộc sống, vì lúc nào cũng muốn thoải mái, thênh thang, mình là mình. Tất nhiên tôi vẫn tôn trọng triết học mà tôi thường gọi là “con quái vật khả ái”. Bởi lẽ, tuổi thanh xuân, từng cặp sách đi theo nhiều sự phụ triết gia khả kính, từng có nhiều bằng hữu triết gia văn nghệ sĩ tài hoa, sâu sắc. Bởi lẽ thường quan niệm là văn nghệ có một nội dung tư tưởng phong phú vẫn là điều mong đợi, là hạnh phúc ở bất cứ thời nào.
Thời 60-70, triết học phương Tây tương đối phát triển mạnh ở miền Nam. Đó chỉ là dư âm và di sản của thời hậu chiến Âu Châu. Đứng trước một cuộc tang thương và mất mát lớn lao như chưa từng thấy, con người đã kinh qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Hiện tượng xã hội và tâm lý này thường xuất hiện đều đều, gần như một định luật, sau mỗi biến cố lịch sử lớn. Do hoàn cảnh, con người đứng trước đau thương, đổ nát và hư vô, thường tìm an ủi trong những triết thuyết. Một số triết gia như Trần Đức Thảo, liền sau khi Pháp bại trận, đã làm cuộc hành hương triết lý về Đại Học Freiburg (Đức), nơi Husserl và Heidegger từng giảng dạy về môn Hiện Tượng Luận, rồi triết lý Hiện Sinh. Triết lý này phát triển mạnh ở Đại Học Pháp, sau đó bước hẳn vào đời sống, đặc biệt ở thị thành với giới trí thức và thanh niên. Dĩ nhiên, sang Việt Nam, cũng đồng hoàn cảnh chiến tranh, đồng tâm trí hoang mang, chán nản và mất hướng, những hạt giống hiện sinh tha hồ nẩy nở. Nhất là lúc đó, từ nửa sau thập niên 50, có một số trí thức Việt Nam du, học ở Pháp và Bỉ, về nước đã phổ biến các triết thuyết hiện sinh, hình thái Sartre và Merleau Ponty. Cộng thêm vào đó là lý thuyết phi lý (théorie de l'absurde) của Camus, rồi tới trào lưu nhân vị, personnalisme, của E. Mounier, một hệ tư tưởng được bồi đắp và đề cao ở Việt Nam bởi những người cầm quyền đương thời, đồng tôn giáo với tác giả.
Khi nói trí thức du học thời đó, tôi muốn đề cập đến một vài tên tuổi quen thuộc, nhất là “tứ trụ” của triều đình Triết Tây, tại Đại Học Văn Khoa Sàigòn và miền Nam Việt Nam: Trần Văn Toàn và Lê Tôn Nghiêm, cả hai uyên bác và tường tận thấu đáo, Nguyễn Văn Trung sáng sủa, hệ thống và sắc bén, Trần Bích Lan – Nguyên Sa tài hoa, uyển chuyển, “văn chương”. Tất cả, ít nhiều trong từng giai đoạn, đều làm công việc tông đồ có hiệu năng cho trường phát hiện sinh của Sartre, và tư tưởng Camus. Cũng không thể quên được các ban Triết của các Đại Học Huế, Dalat, Vạn Hạnh và những triết gia văn nghệ sĩ độc lập như Phạm Công Thiện và Bùi Giáng từng chú ý nhiều đến Heidegger và Sartre, từng luôn luôn tìm mối tương quan giữa Văn và Triết, giữa tư tưởng Phật giáo và Tây Phương hiện đại. Cần ghi nhận thêm nữa là những cố gắng tìm hiểu của Trần Thái Đỉnh đối với Merleau Ponty, của triết gia thần học Bửu Dưỡng - cũng thuộc Đại Học Văn Khoa -, người đã sáng tác ra từ ngữ nhân vị, và từng đơn thương độc mã rao giảng, phổ biến triết thuyết của E. Mounier. Nhìn chung các tác giả kể trên đều có ảnh hưởng tới sinh viên, rồi từ đó lan ra giới trí thức và văn nghệ ngoài Đại Học, luôn luôn khao khát những sản phẩm tinh thần mới của Tây phương. Họ là những gạch nối, những người trung gian, chất xúc tác không thể thiếu được trong sinh hoạt văn nghệ của thời 60-70.
Ảnh hưởng tư tưởng Pháp... Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc. Tư tưởng hiện sinh đi vào văn nghệ với Sartre. Kế tiếp, từ đầu thập niên 60, là trường phái Cấu Trúc (structuralism) với R. Barthes và Lévi-Strauss, rồi sau nữa là môn phái déconstruction của Derrida... Đó là chưa kể những lý thuyết và thể hiện văn nghệ như Tân tiểu thuyết (A. Robbe Grillet, N. Sarraute, Cl. Simon) và Tận phê bình (Poulet, Barthes, J. P. Richard, Weber...) không nhiều thì ít, có liên hệ với tư tưởng cấu trúc. Tất cả những tìm kiếm và sáng tạo tiền phong đó đều xuất phát hay kiện toàn từ Đại Học, và giới trí thức văn nghệ Paris, sau đó đều được đón nhận, phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Các tư trào đó không dễ tiêu hóa, nhưng vẫn có một vòng hào quang nào đó, khá hấp dẫn, đến trở thành mode, thời thượng. Ngay tại các Đại học Mỹ, sự tiếp xúc cũng cởi mở, có thiện cảm. Derrida đã kéo theo P. de Man rồi Hartman ở Yale và đã có thời gian làm giáo sư biệt thỉnh tại Đ.H California (Irvine). Lévi-Strauss, Barthes cũng như các tác giả Tân Tiểu Thuyết, Tân Phê bình, đều được phân tích, giảng dạy trong các bạn văn chương, ngôn ngữ và sáng tạo văn nghệ của nhiều Đại Học ngoại quốc. Đó cũng là một điểm son cho văn nghệ, học thuật Pháp, mặc dầu quốc gia này hiện đang có những dấu hiệu suy yếu về kinh tế và xã hội.
TK: Thưa anh, sự phát triển của triết học Tây phương đã ảnh hưởng đến văn học miền Nam như thế nào? Xin anh cho biết về những thành quả.
THC: Ảnh hưởng của Triết học Tây phương hiện đại đến văn học miền Nam là có thật. Khá rõ nét trong lối sống và trong tác phẩm, nhất là ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh. Những mảnh đời vật vờ, không lý tưởng, những cung cách sống ít nhiều thác loạn, hư vô của một số nhân vật tiểu thuyết và tác giả, sống triền miên trong các đô thị lớn. Phố phường, trà đình, tửu điếm, sàn nhẩy, bè bạn phe nhóm, giọng điệu tiêu cực, khinh bạc, trong một bầu không khí trừu tượng, khép kín, giữa lúc cuộc sống lầm than, máu lửa của toàn dân đang diễn biến sôi nổi khắp nơi nơi...
Nhóm Sáng Tạo, với tinh thần avant gardiste (tiền phong) của nó, là một điển hình của tác động Triết Học Tây Phương vào văn học. Ngoài một vài thành viên vẫn như đứng riêng, trung thành với phong cách và những giá trị truyền thống, cổ điển, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, nhờ tài năng và ý hướng theo mới triệt để, nhờ kinh nghiệm sống và viết, đã gói ghém, chuyên chở, văn chương hóa được một số tư tưởng và ngôn ngữ Triết Học Hiện Sinh trong hình thái phổ thông.
Mai Thảo là một minh chứng hùng hồn. Trong những năm 60-70, ông viết nhiều truyện dài, phần nào thua sút tùy bút và truyện ngắn của ông trước đó. Có thể vì viết quá vội, có thể vì cơ bản tác giả là một... nhà thơ hơn là một tiểu thuyết gia. Những trang truyện dài ướt đẫm ruợu hiện sinh: “Đời chẳng có gì hết. Một biểu tượng chán chường, một rừng phiền muộn... Ai đã làm chi đời ta?... Những chiều gục đầu, những đêm rã rượi. Cơn say vật vã, chập chờn. Đội mắt buồn như một đáy hư vô...” (Sau Khi Bão Tới).
Nhiều nhân vật trong các truyện dài của Thanh Tâm Tuyền cũng là những sinh vật bơ vơ, vật vờ trong cuộc đời trống rỗng, vô định. Như thi sĩ:
Tình yêu như đám lau buồn...
Anh thả người trôi nổi
(Sầu Khúc)
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
(Dạ Khúc)
Những giấc ngủ xiềng xích
Cuộc lưu đầy thêm xa...
Tôi khóc không ra lời
Và tôi đi lang thang
(Liên... đêm...)
Vũ Khắc Khoan, bạn thân của nhóm Sáng Tạo, trong một số kịch bản (Thành Cát Tư Hãn, Lộng Ngôn, Ga Xép...) cũng nói lên cái trống rỗng, hư vô, cái yếm thế, vô nghĩa và bế tắc của cuộc đời. Đây đó phảng phất, rồi như đọng lại, màu sắc hiện sinh và phong thái phản kịch (antithéâtre). Họ Vũ chắc đã đọc qua nhiều kịch bản của Sartre, Camus và nhất là S. Beckett, người chủ trương “Kịch phi lý” mà ông yêu mến không kém gì Shakespeare hay hình thái chèo cổ của quê hương.
Tôi cũng muốn nói đến sinh hoạt và tác phẩm của nhóm tôi tạm gọi là “Triết Gia Trẻ”, phần lớn, vừa ra “lò Triết Tây Đại Học Văn Khoa” mà người phát ngôn tích cực nhất có thể là Huỳnh Phan Anh. Họ muốn đem Triết Học vào văn nghệ với cả niềm hăng say của tuổi trẻ. Họ có nhiệt tình, thiện chí và trong một vài trường hợp, cả tài năng nữa. Nhưng họ không có thời gian, và rồi với 1975, tất cả đều cuốn theo chiều gió!
Nói về mặt tiêu cực và thấp hơn, thì ảnh hưởng Triết học nhiều lúc trở nên “mốt” thời thượng, một kiểu cách làm dáng và giả tạo. Vì thiếu tự tin, thiếu hiểu biết thấu đáo, và ít nhiều vọng ngoại, một số người đã không thực với chính bản thân, với cuộc sống phong phú bên ngoài. Họ đua nhau chạy theo những gì rất có thể là phù du, khiên cưỡng, xa vời nhân sinh, mà những hệ thống triết học nổi tiếng nhất đối khi cũng không tránh khỏi. Họ quên rằng văn nghệ trước hết phải là sự chân thành, là niềm tự hào của một tài năng, một cá nhân sáng tạo độc nhất, độc lập và độc đáo, tuy biết mình không dễ thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường vật chất và tinh thần.
Triết học bao giờ cũng có một nét trí thức khá quyến rũ. Vấn đề chính, theo tôi, khi sáng tác văn nghệ, mặc dù trong tường hợp triết học đứng chủ đạo, vẫn phải là văn nghệ hóa triết học, đừng để những vết khâu lộ liễu, rõ nét chỉ trắng. Nghĩa là phải có cảm xúc phong phú, luôn luôn để trí tưởng tượng cụ thể, khả năng hư cấu và kỹ thuật văn nghệ cầm cương con ngựa bất kham. Tóm lại, tài năng, bản lĩnh và sự chân thành của người cầm bút vẫn là những đòi hỏi cần thiết, vì ngay đến một con người sáng tạo văn nghệ có kích thước như Sartre mà có lúc cũng còn để lộ vết tích triết học chuyên nghiệp của bạn Triết, Normale Sup. khả kính, của nhà giáo những lớp philo nổi danh của nền Trung Học Pháp...
TK: Thưa anh, sau 75, sự phát triển triết học, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có bị khựng lại? Và đó có phải là lý do sâu xa đưa đến tình trạng mà nhiều người gọi là “bế tắc” của văn học Việt Nam hiện nay hay không, thưa anh?
THC: Tôi cũng nghĩ là sau 1975, sự phát triển triết học có vẻ khựng lại. Ở trong nước thì thật là đơn giản, vì chỉ có một trường phái chính thống. Lúc cao trào, lúc thoái trào, nhanh hay chậm, tất cả đều do tiến triển của đạo hàm chính trị ở mỗi giai đoạn, tất cả đều có những... nghị quyết để giải mọi phương trình của đời sống, kể cả đời sống tinh thần. Ở ngoài nước thì cũng như mọi nơi, khi một trào lưu triết học, ví dụ chủ nghĩa hiện sinh, đã phát triển đến một mức độ nào, nó sẽ cạn kiệt dần và không còn hấp lực nữa. Còn những trường phái kế tiếp mà giới văn nghệ hay nói tới (structuralisme, déconstruction...), vì chúng tương đối mới, lại có tính cách giới hạn, kỹ thuật, trừu tượng, quá chuyên môn, và phần nào ít dựa vào cuộc sống, nên không có được cái hào quang của chủ nghĩa hiện sinh, do đó cũng khó hoặc chậm thẩm thấu vào thế giới văn nghệ. Ngay cả những lý thuyết thuần túy văn nghệ như Tân tiểu thuyết, Tân phê bình, gần gũi với tư trào cấu trúc, cũng có những nhược điểm kể trên, nên thường bị coi là xa rời nhân sinh, là phản văn nghệ (antilittéraire) và không phát triển được. Do vậy, triết học không còn vai trò gây men gợi cảm như trước nữa. Vả lại ai cũng biết văn nghệ là một thực thể có đời sống và vương quốc riêng của nó, không lệ thuộc vào ảnh hưởng, ít hay nhiều, của triết hay bất cứ cái gì.
Sự “khựng” lại của văn học (đây là một điểm còn đang tranh cãi) có nhiều lý do khác nữa, quan trọng hơn. Ở quốc nội thì nay các tác giả có sự đòi hỏi trí thức và tự do cao hơn trước, nên họ không muốn sáng tác khi không có điều kiện. Còn quần chúng thì, trong hoàn cảnh mới, phải chạy đuổi theo cuộc sống, luôn luôn những ưu tư và tham vọng kinh tế có ưu tiên, nhiều lúc gạt hẳn ra một bên nhu cầu thưởng thức văn nghệ.
Ở hải ngoại, nếu có sự bế tắc thì, theo tôi nghĩ, đây cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên: Những làn sóng di cư thưa thớt hẳn, đã làm số người sáng tác và độc giả vơi dần, còn lớp trẻ mới lớn lên, ở vùng đất mới, ít nhiều bị đồng hóa, sẽ không có khả năng sáng tác cũng như thưởng thức văn nghệ bằng Việt ngữ. Thực ra, trong hoàn cảnh hiện tại, ở hải ngoại, ta còn có thể cầm cự trong một vài thập niên nữa, cho tới khi không còn người "sản xuất" cũng như người "tiêu thụ” văn nghệ. Ngay hôm nay, nếu sự ngưng đọng trong sản xuất xẩy ra (tôi chưa thấy dấu hiệu gì rõ rệt), thì có thể chỉ là đối với một số tác giả nào đó, với những lý do riêng tư. Cũng có thể phần nào là vì có sự bão hòa văn nghệ nói chung nên nhịp sáng tác chậm lại, tự điều tiết, để tiến tới tình trạng quận bình theo cung cầu. Đích cuối cùng của văn nghệ hải ngoại là phải vươn tới cái khối hơn bảy mươi triệu dân Việt ở trong nước, loại độc giả đang thèm khát những luồng gió mới. Họ có tiềm năng giải quyết những khủng hoảng sáng tạo và là nguồn cảm đích thực, phong phú cho văn nghệ sĩ Việt Nam ở quốc nội cũng như ở các nơi khác.
TK: Đến đây, xin hỏi anh một câu khá riêng tư: Từ giáo sư Khoa trưởng Nguyễn Khắc Hoạch đến nhà thơ Trần Hồng Châu là sự chia cắt hay chỉ là sự tiếp nối trong một con người?
THC: Đối với tôi không có sự chia cắt hay tiếp nối. Tôi sống hai con người, văn nghệ và giáo dục, một cách tương đối hài hòa, di chuyển dễ dàng từ con người này đến con người kia. Hay nói đúng hơn, trong tôi chỉ có một con người. Ai cũng biết là hoạt động giáo dục khá gần gũi thế giới văn nghệ, và có một số nhà văn cũng đồng thời là nhà giáo. Rõ ràng, cả hai con người đều cùng gắn bó với chuyện chữ nghĩa, với lĩnh vực trí thức nói chung, đều có một “quần chúng" sinh viên hay độc giả như nhau. Nhưng vai trò của nhà giáo dục, vai trò khuôn mẫu, mực thước, ít nhiều hướng về việc bảo vệ truyền thống, bảo vệ di sản “cổ điển”, và những giá trị đã có sẵn, có thể có lúc mâu thuẫn với vai trò cách tân, khám phá, sáng tạo, không đi trên đường mòn của văn nghệ sĩ. Lấy một ví dụ, phong cách của người dạy học khi soạn, giảng hay chấm bài (ngôn ngữ, văn phạm, hành văn, bố cục, v.v..) thường có tính quy phạm (normatif), theo những khuôn mẫu và tiêu chuẩn nhất định, điều mà văn nghệ thường không biết tới hay cố tình né tránh để đi tìm cái mới, cái độc sáng.
Tôi may mắn được ở trong môi trường Đại Học, nơi tương đối có truyền thống sáng tạo, phóng khoáng và độc lập, nơi người ta ít nệ về hình thức, và chỉ đòi hỏi có chiều sâu, có trọng lượng trí thức, nên vẫn hoạt động được ở cả hai phía (giáo dục và văn nghệ) và không cảm thấy có hàng rào ngăn cách. Tôi khởi viết vào đầu thập niên 40 và chỉ đi vào ngành giáo dục từ giữa thập niên 50 (không kể khoảng thời gian ngắn mấy tháng trong năm 1946). Sau đó vẫn sáng tác đều, nhưng ít và chậm, vì công việc giảng dạy và hành chính bận rộn, vì bản tính thận trọng, rất khó khăn với chính mình. Sau khi nghỉ dạy, tôi có nhiều thì giờ viết hơn, nhưng phần nào cảm thấy tiếc thời gian đã để trôi qua...
TK: Phần cuối của buổi nói chuyện xin dành cho thơ. Xin anh cho biết quan niệm thi ca của anh. Đối với anh, thơ có mới, có cũ hay không?
THC: Quan niệm của tôi về thơ? Nghề nghiệp giảng dạy văn chương, chuyên về thơ cận và hiện đại, Việt Nam và Tây phương, bắt tôi phải kinh qua, mổ xẻ nhiều quan niệm, khuynh hướng, trường phái và những vấn đề cơ bản liên quan đến thơ, như bản chất thơ, cảm hứng, cấu trúc, kỹ thuật, hiện tượng sáng tạo, v.v... dần dần tôi cảm thấy mệt mỏi, bão hòa. Đã đành là những công việc kể trên rất ý nghĩa và cần thiết cho nhà phê bình văn học, nhà thẩm mỹ học, nhà biên khảo văn sử... và họ là những nhân tố tối cần cho sinh hoạt văn nghệ. Nhưng bản thân tôi thì vẫn thích thể hiện một sự vật hơn là quan sát, phân tích, phê phán nó. Làm chính trị chắc có thể thú vị hơn phân tích giảng dạy chính trị. Làm lịch sử (tôi xin lỗi vì những từ ngữ hơi ồn ào này) chắc có thể thú vị hơn nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong lớp học. Sống những giờ phút yêu đương, thể hiện yêu đương trong cuộc đời chắc có thể thú vị hơn viết vài pho sách mố xẻ tình yêu! (Về điểm này tôi nghĩ là người Pháp, người Ý, có lẽ khôn ngoan, hồn nhiên, đi sâu vào nghệ thuật sống hơn người Mỹ, người Anh?).
Các lý thuyết, trường phái thường đẹp và quyến rũ như những công trình kiến trúc lý tưởng của trí tuệ. Nhưng, một lần nữa, Goethe lại nhìn thấy ở đó màu xám của lý trí trừu tượng, xa rời cái sống động, nóng hổi và xanh tốt của nhân sinh, vả lại chúng chỉ nắm được một khía cạnh của sự thực, của đời sống muôn mặt. Bản tính tôi không muốn bị gò bó, ràng buộc vào một hệ phái, một khuynh hướng nào, không muốn tự thu hẹp tâm hồn và khả năng hoạt động, nhất là ở địa hạt thơ.
Thơ là cái gì mung lung, dựa vào cảm xúc nhiều, nên tôi cứ tự thả trôi theo thi hứng. Cho thơ hồn nhiên nở ở đầu cành như một bông hoa đến thời, đến lúc thì xuất hiện, tự nhiên ở đấy, như do thúc đẩy của một nguồn sinh lực hữu cơ tiềm tàng nào đó. Hãy bỏ rơi rụng lại những lớp bụi bậm: lý trí lạnh lẽo, “mốt” thời thượng, phấn son làm dáng, ấu trĩ tầm thường, khuôn mòn bảo thủ ù lì hay cái “mới” a dua, giả tạo, hung hăng...
Cuối cùng, như tôi đã nói nhiều lần chỉ cần biết bài thơ có đạt, có tới hay không. Có tân kỳ, độc đáo, có làm rung chuyển cả tình cảm và trí thức và tình cảm người đọc không. Có chân chất, có thơ hay không? Thật ra những ý niệm này cũng rất mơ hồ, chỉ “cảm” thấy thôi, mà cảm thì là chủ quan, khó phân tích, khó định lượng. Nhưng trực cảm, mặc dầu là phi ý thức, mặc dầu không đường biên rõ ràng, vẫn là cái gì đưa ta thẳng vào tận trung tâm sự vật, để vươn tới xứ sở của Chân Thiện Mỹ.
Bài thơ có đạt, có hay không?
Và như thế làm gì còn thơ mới, thơ cũ
Thơ bên đông bên đoài, thơ vần điệu thơ tự do
(Chắc chắn chỉ còn thơ hay, thơ đẹp với phản diện là... chiếc thuyền Nghệ An!)
(Chắp Cánh Cho Thơ, trong Nửa Khuya Giấy Trắng)
TK: Xin chân thành cám ơn nhà thơ Trần Hồng Châu.
* Ghi chú:
(1) Bài phỏng vấn đăng trong Văn Học, 1998.
Thụy Khuê, nhà phê bình văn nghệ có uy tín, hiện ngụ tại Paris. Tác phẩm mới nhất của bà là Sóng Từ Trường
(2) Tập thơ thứ ba của tác giả, Hạnh phúc đến từng phút giây, được xuất bản năm 1999, sau ngày phỏng vấn.
- Về một người "phải lòng" tiếng Việt Trần Hồng Châu Nhận định
- Con Người Yêu Chân, Thiện, Mỹ Quay Đầu Nhìn về Quê Hương Khổ Đau Trần Hồng Châu Nhận định
- Bụi và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng Trần Hồng Châu Khảo luận
- Đi Vào Mê Hồn Trận Của Thi Ca Và Tiếng Nói Trần Hồng Châu Khảo luận
- Nền Quốc Học Việt Nam và Vai Trò Đại Học Trong Tương Lai Trần Hồng Châu Tiểu luận
• Trí Thức Và Văn Nghệ Miền Nam Đứng Trước Văn Hóa Và Triết học Tây Phương (Thụy Khuê)
• Trần Hồng Châu (Học Xá)
• Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ (Phạm Phú Minh)
Trần Hồng Châu, khát vọng biển (Thụy Khuê)
Trần Hồng Châu: Một Đời Văn Chương, Những Trang Di Cảo (Nguyễn Mạnh Trinh)
Tình Yêu Trong Thơ Trần Hồng Châu
(Nguyễn Thiên Thụ)
Tưởng Niệm, Vinh Danh Nhà Thơ Trần Hồng Châu (vietbao.com)
GS Nguyễn Khắc Hoạch: ‘Thơ phải mới… mà nghề sư phạm lại sợ cái mới’ (Viên Linh)
Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (1921-2003) dạy ĐH Văn Khoa Huế. (nguyendinhchuc.wordpress.com)
Thầy Hoạch (Đặng Tiến)
• Về một người "phải lòng" tiếng Việt
(Trần Hồng Châu)
• Con Người Yêu Chân, Thiện, Mỹ Quay Đầu Nhìn về Quê Hương Khổ Đau (Trần Hồng Châu)
• Bụi và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng
(Trần Hồng Châu)
• Đi Vào Mê Hồn Trận Của Thi Ca Và Tiếng Nói (Trần Hồng Châu)
• Nền Quốc Học Việt Nam và Vai Trò Đại Học Trong Tương Lai (Trần Hồng Châu)
Buổi Chiều Hằng Cửu (diendantheky.net)
Đêm Mơ Gặp Tố Như (vanhocchunom.blogspot.com)
Lưu Nguyễn Đạt, Phải Lòng Chữ Nghĩa
(vietthuc.org)
Thơ Trần Hồng Châu (vinhhao.info)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |