|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thái Bá Vân là một nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật thượng thặng ở Hà Nội. Anh theo học môn lịch sử mỹ thuật ở trường Đại học Karlova, Tiệp Khắc, một nước tương đối cởi mở trong các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây. Có lẽ chính vì vậy ít nhiều anh cũng hấp thụ được tinh thần cởi mở khi nhìn về cái đẹp. Giữa xã hội miền Bắc vừa đóng kín, vừa chuyên quyền toàn trị gay gắt, cái nhìn của anh rõ ràng là một thứ ánh sáng rạng rỡ, tươi mát.
Nếu họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một học giả uyên bác, có công rất lớn khi phác vẽ trở lại, bằng một phương pháp vững chắc, cái sườn nhà của nền mỹ thuật Việt Nam, từ cổ đại đến các triều đại phong kiến sau cùng, cũng như rất có công khi chỉ đạo tiến hành tìm kiếm rồi xâu lại chuỗi hạt đã rơi rớt đây đó của dòng mỹ thuật dân gian, thì Thái Bá Vân là một nhà phê bình tài hoa và trí tuệ, đã khá khôn khéo vượt qua những qui phạm máy móc áp đặt của chế độ để góp phần rất lớn về mặt mỹ học.
Bài phát biểu về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh dưới đây là một bằng chứng về tài hoa và tính cách đặc biệt của Thái Bá Vân.
Phải thực sự có tài và dũng khí thì mới có thể nói năng như vậy. Có tài là chuyện đương nhiên vì có tài thì mới thấy ra và phân tích được cái đẹp, nhưng, ở đây, dũng khí còn cần thiết hơn cả tài nữa bởi vì có dũng khí mới dám đưa ra ý kiến thẳng thừng để lật đổ tất cả nền tảng giá trị cũ, tất cả cái nhìn quen thuộc đã trở thành nếp gấp của cá nhân và tập thể. Nơi các cây bút miền Bắc viết về mỹ thuật, tôi chỉ mới thấy có Thái Bá Vân làm được điều đó mà thôi.
2. 1994
H.H.U
Nhiều tác giả trong nhiều năm, từng luận thuyết rằng sau Cách Mạng Tháng 8, đặc biệt là sau 1955, ông Chánh vẽ càng đẹp, tác phẩm của ông càng "hửng sắc" và thêm nhiều giá trị.
Đó là điều mà tôi muốn nói ngược lại.
Nguyễn Phan Chánh:
Chơi Ô Ăn Quan
(Tranh lụa, 1931)
Theo tôi, thời hoàn thiện nhất của Nguyễn Phan Chánh là 1932- 1935, mà đỉnh cao nhất là Chơi Ô Ăn Quan (l931). Đó là thời mà sử học nghệ thuật gọi là thời cổ điển của một thời đại nghệ thuật, một phong trào, hay một cá nhân nghệ sĩ (trật tự đầy đủ của một tiến trình nghệ thuật là : 1. Thời chập chững tìm đường. 2. Thời cổ điển hoàn thiện. 3. Thời kiểu cách, trang điểm và, 4. Thời tàn). Các thời kỳ nghệ thuật đó không cứ là lâu hay mau, kéo dài trên một tác phẩm hay đột nhiên chuyển biến, cũng không cứ là khi người nghệ sĩ hay phong trào nghệ thuật ở lứa tuổi nào, càng không phải lý do bên ngoài. Nó ở lý do tự tại của nghệ thuật.
Phẩm chất cổ điển mà tôi muốn đặt ở Chơi Ô Ăn Quan có hàm ý là nó ổn định, thăng bằng, hoàn thiện, nó không gợn một xáo động bất yên nào giữa tình cảm và lý trí. Cổ điển là giá trị mẫu mực của một mô hình thẩm mỹ nhất định, khi đó một người nghệ sĩ hoặc thời đại hoàn toàn làm chủ mình.
Chơi Ô Ăn Quan đứng trên cả một vài tranh đẹp cùng thời như Rửa Rau, Cho Chim Ăn... là mẫu số chung nhỏ nhất, nghĩa là cô đọng nhất, bởi vậy mà đầy đủ nhất tâm chất của Nguyễn Phan Chánh. Cái tâm chất tinh thần vô hình đã đẻ ra cái tác phẩm vật thể đo đếm được bằng kích thước, chất liệu, bút pháp, đề tài của ông. Nó chính là cái thân phận của ông thời đó: ở Chơi Ô Ăn Quan Nguyễn Phan Chánh tỏ ra bình tĩnh nhất, đường hoàng và tự trọng. Ông biết mình là ai. Gam màu nâu đậm đà, thô mộc kia là thôn dã của ông, những hình vẽ kín đáo, chừng mực kia là cử chỉ giữ gìn của ông, sự thu dấu hình họa trong những bóng đặc giản dị kia là ứng xử thành thật, khiêm tốn của ông.
Em Bé Cho Chim Ăn
(Tranh lụa, 1931)
Ở đây tôi có hai nhận xét: Chơi Ô Ăn Quan không phải là một thành tựu ở sự quan sát khoa học khách quan, mà là ở tiếng vọng gián tiếp của thời gian và hồi tưởng. Khoảng cách giữa sự thật được quan sát trực tiếp và những hình ảnh về trong kỷ niệm là đặc điểm của ông, nó tạo lớp ý nghĩa thứ hai trên tranh ông. Tả thực như bài học nhà trường đối với ông Chánh nó căng thẳng quá. Ông Chánh cần một quãng lùi mơ hồ, nhưng an toàn hơn cho hình tượng. Chính nó là khi ông giữ được bản thân nguyên vẹn hơn, bằng tự vệ, hay một mức độ nào đấy là bằng phản kháng sự xâm nhập của một văn hóa khác mà ông chưa hiểu hết. Riêng tôi, tôi coi đo là điểm tích cực để Nguyễn Phan Chánh là Nguyễn Phan Chánh.
Chừng nào mà người nghệ sĩ còn từ chối, còn tự vệ hay còn phản kháng cả chính mình, cái mà mình không hiểu, tạng chất mình không tiêu hóa nổi, thì chừng ấy anh còn hy vọng có một bản thân, chừng ấy nhân cách anh còn lành mạnh. Bởi tác phẩm của anh là gì, nếu không phải là chính là nhân cách của anh.
Nguyễn Phan Chánh, cũng như chúng ta đã trải qua một thử thách văn hóa khác, còn nan giải hơn cuộc Tây hóa ở trường Mỹ Thuật Đông Dương, đó là cuộc tiếp xúc với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ 1955 (giai đoạn 1945-1955 tôi coi là giai đoạn ta mất liên lạc với văn hóa ngoài nước). Tôi không có ý định đề cập tới hoàn cảnh này ở đây, mà chỉ đưa nhận xét riêng về Nguyễn Phan Chánh.
Từ 1960, thầy Kuznhetsov từ Liên xô sang dạy hội họa ở trường Mỹ Thuật Việt Nam, thầy Ghivi dạy điêu khắc, thầy Iakovlev dạy mỹ học Mác-Lênin ở Trường Lý Luận Nghiệp Vụ Bộ Văn Hóa, rồi sách, báo, phim ảnh Trung Quốc, Liên Xô... tràn vào Hà Nội, thì chúng ta khởi động một trào lưu nghệ thuật theo họ, và tưởng rằng chỉ có một đường thẳng tiến lên.
Nguyễn Phan Chánh, và chúng ta, lần này không từ chối cái gì, không phản kháng cái gì, mà tất cả là tin cậy và phục tùng! Chính bởi tin cậy tối đa và phục tùng mà Nguyễn Phan Chánh đã trau dồi lại hình họa hàn lâm, vờn khối, đặt màu theo luật viễn cận khoa học, tìm đề tài mới... để thích hợp hơn với sự khuyến khích của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Kết quả là một Nguyễn Phan Chánh khác xuất hiện, so với Chơi Ô Ăn Quan.
Theo tôi, đó là thời kiểu cách của ông, thời điểm sau sự thăng bằng cổ điển, thời ông chỉ còn sửa sang, tô điểm cái đã đạt hoàn thiện xưa kia. Đặc điểm của thời kiểu cách (nói chung trong lịch sử nghệ thuật) là sự thạo nghề, khôn khéo hơn, làm dáng hơn, nhưng không tạo thêm được cái gì là bản chất của nghệ thuật nữa. Nó báo hiệu sự sa sút đã đến gần.
Tôi mong không ai hiểu sự bày tỏ của tôi là làm giảm giá trị cũa Nguyễn Phan Chánh, vì tôi đã nói ngay từ mở đầu, là Nguyễn Phan Chánh và Chơi Ô Ăn Quan đã đứng ở đỉnh cao và lập bước ngoặc quan trọng cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam từ một nửa thế kỷ trước.
Sự bày tỏ của tôi có mục đích nhắc đến một qui luật khách quan của nghệ thuật và sự thật của nó đối với Nguyễn Phan Chánh. Cũng là để nói đến sự cần đánh giá lại nhiều tác phẩm và tác giả một cách công bằng hơn.
Hà Nội, 6-1992
Thái Bá Vân
(Trích Mỹ Thuật, tạp chí của Hội Mỹ Thuật
Thành Phố Hồ Chí Minh, số 6, tháng 12,1992
- Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm Thái Bá Vân Nhận định
- Vắng Đi Một Ý Thức Thái Bá Vân Nhận định
- Nguyễn Phan Chánh Và Chơi Ô Ăn Quan Thái Bá Vân Nhận định
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |