1. Head_

    Trần Thiện Thanh

    (12.6.1942 - 13.5.2005)

    Từ Thế Mộng

    (.0.1937 - 13.5.2007)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Chí - Choé (Viên Linh) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      29-06-2014 | HỘI HỌA

      Chí - Choé

       VIÊN LINH
      Share File.php Share File
          

       


           Choé tự họa
         (sau khi bị kiểm duyệt)

      Viên Linh là bút hiệu, tác giả khoảng trên 30 tác phẩm, trong có trên 10 cuốn chưa xuất bản. Hai lần được trao Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc (Việt Nam Cộng Hoà) với Con Đường Ngựa Chạy, kịch, 1972 và Gió Thấp, tân truyện, 1974 (giải nhất).

      Thư ký Toà soạn Màn Ảnh, Kịch Ảnh từ 1960. Trong hơn 10 năm kế tiếp, làm Thư ký hoặc Tổng thư ký Toà soạn các nhật báo Dân Ta (chủ nhiệm Nguyễn Vỹ); Đất Tổ (chủ nhiệm Thích Thiện Minh); Nghệ Thuật, Tiền Tuyến, Khởi Hành, Diễn Đàn (3 tờ sau kiêm nhiệm trong cùng một thời gian). Chủ nhiệm chủ bút Nguyệt san Thời Tập cho tới 4.1975. Trưởng tiểu ban Chính trị Đài Mẹ Việt Nam, 1974-1975.

      I.

      HỌA SĨ CHÓE THÔI VẼ TRANH BIẾM HỌA VÌ BỆNH MẮT

      Báo Người Việt, Westminster, Calif.

      thứ sáu 12.4.2002, trang 1


      Sàigòn 11-4: Được coi là cây biếm họa số một Việt-Nam, họa sĩ Choé (tên thật là Nguyễn Hải Chí) đang ở thời kỳ rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác. Tuy nhiên, Choé đang phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã: Đôi mắt của ông gần như không nhìn thấy gì nữa.


      Ông cho biết là đã qua 5 lần phẫu thuật mắt tại Pháp nhưng chỉ cứu được mắt trái và thị lực chỉ còn 1/10. Bây giờ, mọi vật xung quanh, chỉ thấy mờ mờ. Căn bệnh này do biến chứng của bệnh tiểu đường, tất cả chỉ vì Choé thiếu hiểu biết, không chữa trị đúng phương pháp. Lúc đầu nghe bác sĩ nói về tình trạng đôi mắt, ông bị sốc, nhưng bây giờ, ông đã bình tâm trở lại và sẵn sàng đón nhận những điều nghiệt ngã nhất.


      Nói về cơ duyên ông đến với tranh biếm họa trên trang Web VN-Express, Choé kể:

      "Tôi đến với nghệ thuật vì... mê gái. Năm 20 tuổi, tôi thầm yêu trộm nhớ một cô gái Sàigòn.


      "Cô ấy có cả một tá sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà săn đón, còn tôi chỉ là một anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người đẹp... Tôi biết nàng là độc giả của một tờ báo, vậy là tôi liều mạng sáng tác truyện ngắn với hy vọng sẽ được đăng. Làm liều thế mà năm 1969, tôi đoạt giải nhất truyện ngắn và cũng nhờ viết lách, tôi quen biết với làng báo Sàigòn trong đó có nhà văn Viên Linh - Chủ bút tờ Diễn Đàn.



           Nhà thơ Viên Linh
         (qua nét vẽ của họa sĩ Choé)

      "Khi họa sĩ chính của tờ báo náy ra đi, bí quá, Viên Linh mới bảo tôi:

      "Ông thử vẽ đi!"


      Trước đây tôi chỉ mày mò học của một thầy giáo làng, nhưng nể bạn cứ vẽ liều. Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo:

      "Ông tên Chí, vậy thì ký là "Chóe".


      Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành bút danh. Từ đó, tôi chuyển sang vẽ và cũng đam mê không kém gì văn chương".


      Cô gái Sài Gòn mà ông si mê tên là Nguyễn Thị Kim Loan, sau đó trở thành vợ ông và là mẹ của bốn đứa con gọi Choé bằng bố!


      Theo Choé, ông đến với nghệ thuật chỉ là làm liều nhưng với riêng tranh biếm thì ông vẽ theo sự liên tưởng giữa người, vật và thiên nhiên.


      Với bệnh trạng như hiện nay, ông không thể vẽ tranh minh họa, nhưng sẽ cnuyển sang tranh tường.


      Ông cũng có ý dịnh viết truyện ngắn hoặc sáng tác nhạc, nhưng cần phải có thư ký riêng. Vợ ông có thể ghi giùm các truyện nhưng ghi nhạc thì khó quá. Choé còn cho hay: "Dẫu sao, tôi vẫn cố gắng làm một cái gì đó, nằm một chỗ bực bội lắm!"

      Người Việt, April 12.2002


      LTS: Báo Người Việt đã viết bài trên đây phỏng theo một bài phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Hải Chí đăng trên báo Thanh Niên trong nước. Tờ Kịch Ảnh của Hồng Vân ở Huston đã đăng lại nguyên văn bài của báo Thanh Niên. Chúng tôi có bài này, sau khi so sánh, xét thấy không cần đăng lại, vì báo Người Việt tuy rút ngắn bài phỏng vấn, song giữ được trung thực những nét chính.


      II.

      CHÍ CHÓE


      Văn Hóa số 31, ngày 3.8.1995, bài của Lưu Trọng Văn


      "Tôi ngồi bên một cô gái, thấy sợi tóc dài rụng trên vai cô, tôi đùa hỏi: Tóc ai? Cô bảo: Tóc của Chóe. Bẵng đi vài hôm, cô làm một bài thơ và bảo tặng Chóe:


           Họa sĩ Choé diện kiến Đức Giáo Hoàng Jean-Paul II tại Vatican ngày 16.8.1998


      Ta tìm một chỗ dựa lưng

      Để giấc chiêm bao đừng cắt đứt

      Ta bay như mốí tình của loài ong

      Vo ve trên mây gió

      Sợi tóc: Hãy giúp ta!

      Đừng cắt đứt giữa chừng tức tưởi

      Sợi tóc dài

      Sợi tóc linh thiêng

      Mai mối

      Mỗi đêm một nàng tiên.


      Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, đưa Chóe đọc. Chóe xúc động lắm, rồi cất cái giọng rề rề kể. Có một thời tôi bị chính quyền Sàigòn trước đây bắt tù vì hoạt động báo chí, trong tù rặt đàn ông. Một hôm nhặt được một sợi tóc dài đàn bà, cả lũ nằm mơ tóc của nàng tiên. Sau này tôi kể lại chuyện đó trong một truyện ngắn in thành sách.


      Choé viết truyện ngắn, không những thế Choé sắp phát hành một album nhạc gồm 10 bài hát của mình. Đầu năm 1995, Choé ra Huế chơi, ngồi trên xe lửa xình xịch chàng còn làm thơ nữa.

      Thơ rằng:


      Ta quay lưng phía trước

      Con tàu rầm rập đi qua

      Ta quay lưng phía trước

      Phút qua, giờ qua, ngày qua

      Rừng núi, sông biển, phố sá qua

      Ta quay lưng phía trước

      Nắng qua, mưa qua,

      trâu nghênh

      bò ngóng, người đứng, xe ngừng

      vẫn qua

      Ta quay lưng phía trước

      Con tàu rầm rập

      Đời ta

      Rầm rập đi qua


      Rồi Choé còn viết hài kịch, đóng hài kịch, chụp ảnh minh họa thơ Hồ Xuân Hương, rồi Choé còn vẽ tranh sơn dầu, tranh lụa. Nhưng - cái chữ nhưng định mệnh, Choé trước hết đã được ấn định: VUA HÍ HỌA.


      Nói chẳng ngoa, cứ bình tâm mà coi, ở xứ ta từ xửa xưa đến giờ, còn ai vẽ hí họa hơn Chóe? Chóe có thừa nhận các bức tranh Hứng dừa. Đám cưới Chuột là vô địch xứ, nhưng tác giả của chúng lại là cái "ông... dân gian". Choé vẽ hí họa từ năm 1969 lúc hơn hai mươi tuổi.


      "Đem bức tranh đầu tiên tới tòa báo Diễn Đàn, nhà văn Viên Linh - Chủ bút bảo: "Cậu tên "Chí", lấy hiệu "Chóe" cho vui".

      Theo Choé, Chóe là tiếng kêu của những con vật bé nhỏ như chuột kêu... chí chóe.

      Vậy còn họa danh Trần Ai khi ông vẽ tranh biếm liên hoàn?

      Choé (khẽ cười): Đơn giản có một gã họ Trần tên Ai.


      Trước năm 1975 tại Sàigòn, Choé đã rất nổi tiếng là họa sĩ vẽ chân dung biếm. Bức chân dung Kissinger đôi má được phóng thành cặp đùi, ở giữa là cái mũi dài ngoẵng và cái miệng đặt... dọc, in trên báo chí Mỹ đã được báo chí Mỹ bình chọn là bức tranh độc đáo nhất vẽ từ vùng rốn... xuống. Kissinger, khi qua Việt-Nam đã mời Choé đến để xin chữ ký, tất nhiên Choé chẳng tiếc gì mà không cho.


      Mới đây, nhận lời mời của Quỹ Giao Lưu Quốc Tế Nhật Bản, Choé đã đại diện cho làng hí họa Việt-Nam qua Tokyo dự triển lãm tranh "Phụ nữ nước tôi" cùng với 10 họa sĩ hí họa danh tiếng khác của Nhật, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc.


      Theo đánh giá của ông Kosei Ono, nhà phê bình tranh nổi tiếng của Nhật, thì tranh của Choé tại triển lãm này là độc đáo, độc đáo ý tưởng, độc đáo nét vẽ, độc đáo bố cục.


      10 bức tranh của Choé - 10 số phận đàn bà Việt Nam, nào là người đàn bà đạp xích lô phải chở chất chồng tủ lạnh, xe máy, xe hơi; nào là người đàn bà gầy nhom đội sọt rác chứa rác... của cả quả cầu; nào là người đàn bà đã gánh hai cái sọt một bên là lít nhít con, một bên là ông chồng to kềnh tay cầm chai rượu, miệng phì phèo thuốc, nào là mỹ nhân ngư cái phần người đang phải ăn cái phần cá ở đuôi v.v... Xem tranh của Chóe, tiếng cười và tiếng nấc bật cùng một lúc, nhưng tiếng cười thoát ra ngoài, còn tiếng nấc tọt vào trong.


      Chồng Con (1995)

      Khi nhận đề tài "Người phụ nữ nước tôi", ông liền nghĩ đến thân phận của ai?

      Chóe: Mẹ tôi và vợ tôi, cả hai đều gánh, gánh những gánh nặng chồng con suốt đời. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ở An Giang, trong nỗi cơ cực vất vả của mẹ và sau này là của vợ.


      Qua 10 ngày ở Nhật, nêu phải vẽ một bức hí họa, ông sẽ vẽ ý tưởng gì?

      Chóe: Cái văn minh nhất và cái truyền thống nhất luôn đi song song nhau.


      Còn cảm giác khi trở về Việt-Nam?

      Chóe: Ở Nhật, tôi như người luôn phải mặc một bộ đồ đại lễ. Khi về Tổ quốc mình, tôi cảm thấy thoải mái khi trút bỏ bộ đồ đó để được... cởi trần ngồi vẽ.


      Choé cười sảng khoái, cười rung cặp kính (quả thật đến giờ tôi vẫn không biết đó là kính cận hay kính lão) và cười tung rất đều rừng râu cước (tên cúng cơm gọi là bạc), tôi bèn nảy ra ý bảo Choé vẽ ngay chân dung mình mà không có kính và râu. Choé vẽ liền ra một chàng trai rồi tự tấm tắc khen. Đẹp trai quá! Nhưng mọi người xem tranh đều không thể nhận ra đó là Chóe. Vâng, người đời đã quá quen với Chóe phải có cặp kính và bộ râu, cũng như đã quá quen gọi họa sĩ Choé mà lơ đễnh bỏ ngoài tai cái danh xưng lạ hoắc Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Hải Chí.


      Nói thế chắc Choé giận lắm, nhất là đúng lúc chàng rất say sưa, hào hứng sáng tác thơ, văn, nhạc và vẽ tranh sơn dầu. Bao nhiêu năm ngồi kế bên Choé từ thuở cùng làm báo Lao Động, đến bây giờ cùng làm báo Thanh Niên Thời Đại, có lúc tôi phải bực mình về những câu chuyện rất dông dài của Choé về thơ văn, âm nhạc. Nhưng tôi luôn phải cúi sát đất phục lăn cái cô đọng, xúc tích đầy cảm hứng tinh tế và sâu sắc trong từng bức hí họa hoặc từng câu văn trong truyện liên hoàn của Chóe. Hà! Hà! Ông Choé ạ, chính ông có lần khi thấy tôi cạo râu đi để có một khuôn mặt khác lạ, ông đã bảo tôi rằng: Trời cho râu cứ để râu. Vâng, cũng vậy thôi, trời ban phát cho ông cái tài vẽ hí họa thì cũng xin ông chớ phụ ơn trời!


      III.

      Nguyễn Hải Chí

      SỢI TÓC Khởi Hành 13+14, tháng 11-12.1997, trang 16.


      Hôm nay đến phiên hắn - thằng "Công tử Sàigòn" ấy - Hắn giữ sợi tóc. Có nội qui đàng hoàng, đứa nào làm mất sợi tóc ấy là phải đền mạng. Kinh khiếp! Sợi tóc mà làm gì dữ vậy? Người ta tham nhũng cả tỷ mà còn được án treo. Đó là chuyện của người ta, bạn ở đây nên biết ở đây thôi.


      Sợi tóc!

      Một sợi tóc dài!

      Sợi tóc linh thiêng!

      Sợi tóc mộng mị!

      Ôi! Sợi tóc!


      Rất tiếc, cả đội này không có đứa nào biết làm thơ nên sợi tóc không được ngo ngoe vào nghệ thuật thi ca hiện đại.

      Sợi tóc!


      Đây là sợi tóc dài duy nhất và nó cũng được gìn giữ rất cẩn thận. Đặc biệt chỉ có đội mười tám này biết thôi.


      Sợi tóc được phát hiện trong cái mền của đợt đổi cách đây ba năm. Người phát hiện nó đã về từ năm ngoái. Nghe nói anh ta đã chết sau khi về đúng ba tháng mười ngày. Có phải vì nhớ sợi tóc chăng?


      Ba năm trước, đội này có bốn mươi ba mạng, bây giờ còn hai mươi bảy, về một mớ, chuyển đi nơi khác một mớ và chết một mớ. Chỉ biết như thế, không ai nhớ đúng con số của mớ nào.


      Từ ngày có sợi tóc, đội mười tám ngoan ngoãn ra, đạt danh hiệu tiên tiến hai năm liền. Nếu năm nay tiên tiến nữa sẽ được thưởng.

      - Thưởng một chuyến du lịch.

      - Du lịch vào nhà đá!

      - Tiên sư cha mày, mở mồm ra là nói toàn chuyện xui xẻo!

      - Vậy chớ nó nói chuyện trên trời dưới đất!

      - Du lịch là chuyện trên trời dưới đất à?

      - Mẹ kiếp! Cái thân tù rục xương không lo ở đó mà du với lịch.

      - Nếu được du lịch mày sẽ đi đâu?

      - Sàigòn!

      - Mẹ kiếp, lúc nào mày cũng Sàigòn Sàigòn. Trên đời này không còn đâu hơn Sàigòn sao?

      - Đối với tao đúng thế.

      - Từ lâu không nghe mày kể chuyện Sàigòn, hết hứng rồi sao Công tử?

      - Kỳ này kể vẫn có sửa chữa bổ sung nữa chứ?

      - Chứ sao? Sửa chữa bổ sung là nghề của chàng mà!

      - Ha ha! Ha ha! Ha ha!

      - Đêm nay mày ngủ với sợi tóc rồi mai vẫn nghỉ ở trại trực phòng như thường lệ chứ?

      - Không! Nhường cho thằng Sơn mã tấu, nó bệnh!

      - Nghe nói mai thông tầm mà!

      - Ừ, nếu mai thông tầm nó sẽ ôm sợi tóc kiếm chỗ một xuất trưa.

      - Nó có lời. Ha ha!

      - Phiên mày đêm qua vẫn ngon lành chứ?

      - Số một!

      - Thấy cái gì?

      - Đã cam kết không được kể chi tiết rồi mà!

      - Xin lỗi! Xin lỗi!

      - Kiểm điểm rút kinh nghiệm đi.

      - Thụt đầu hai chục cái.

      Sợi tóc!

      Sợi tóc!

      Sợi tóc!


      Không thể nào hiểu nổi cái sợi tóc quỉ quái này, đứa nào ngủ với nó thì được một giấc chiêm bao tuyệt vời. Có thể người có sợi tóc này đã chết. Sợi tóc từ Hà Nội, từ Huế hay từ Sài Gòn? Cái mền không có hiệu; không biết nơi sản xuất. Hay nó được sản xuất trong một trại tù nữ? Đêm nay tôi sẽ hỏi em là ai, Bắc Trung hay Nam. Có thể em là...?


      Ồ! Em cười như những lần trước em cười. Em là tổng hợp của ba miền hay tổng hợp của tất cả sắc dân trên hành tinh này? Khi nhìn em là dân da trắng, lúc thấy em da vàng, có đứa kể em đích thật là dân da đỏ. Mỗi đêm em hiện lên một màu da? À! Có thể sợi tóc này là sợi tơ hồng mai mối. Và anh chàng nào để sợi tơ hồng trên gối sẽ gặp một nàng tiên, mỗi đêm một nàng tiên khác.


      Suy luận của thằng Công tử Sài Gòn như thế.

      - Có lý !

      - Có lý !

      Sơn mã tấu, Hoàng đầu lâu, Hùng nhớ mẹ và cả thằng cu An ót ét cũng công nhận như vậy.

      Đêm nay ai sẽ đến với tôi? Da trắng hay da đen? Một cô gái Sài Gòn là tuyệt!


      Sài Gòn ơi! Lâu quá rồi? Làm sao anh có thể gặp lại em? Em đang làm gì. Sau khi không còn là một tiểu thư đài các? Làm công nhân? Có được hòa nhập vào công nhân không? Làm công nhân mà em vẫn giữ được tóc dài à? Có phải em đã kết sợi tóc này vào chiếc mền với hy vọng là nó sẽ đến tay anh qua con đường phân phối? Nếu đúng thế thì tình yêu của ta là một sự linh hiển lạ lùng.


      Tôi muốn lấy sợi tóc ra để ngắm kỹ nhưng không có một chỗ riêng tư nào, kể cả nhà cầu, nhà cầu ở đây không có cửa. Có lẽ người ta phòng ngừa trại viên ở một mình, suy nghĩ một mình sẽ phát sinh tư tưởng bậy bạ. Sợi tóc có chiều đài 73cm, mỗi lần bàn giao đều có đo lại, phòng ngừa có tên gian tham nào ngắt khúc làm của riêng mình.


      IV.

      CHOÉ là tên hiệu của Nguyễn Hải Chí, sinh năm 1944 tại An Giang, miền Nam Việt Nam, chỉ được cắp sách đến trường tới năm 9 tuổi. Nhà nghèo nên anh phải đi làm giúp đỡ cha mẹ bằng nhiều nghề ngỗng khác nhau, nhiều công việc tạp nhạp không tên. Cuộc mưu sinh mở ra trước mắt vào lúc còn nhỏ tuổi thường khiến đương sự, bất cứ ai, tôi nghĩ, thấy đời sống là một đấu trường. Giữa đấu trường, tuổi niên thiếu đã phải tỉnh thức cho sự sống hơn là mơ màng cho mộng mơ. Tỉnh thức để ghi nhận, chọn lựa, thoát những va chạm mà mình không đương đầu nổi. Sự ghi nhận của Chí sau này sẽ giúp anh rất nhiều, trong mọi mặt. Anh có thể làm thơ, viết văn, viết kịch, và vẽ.


      Nguyễn Hải Chí đến với Khởi Hành ở Việt Nam khi tờ báo ra những số đầu tiên bằng những bài thơ lục bát, kèm theo tranh vẽ. (Tuần báo Khởi Hành số 1 ra ngày 1 tháng 5. l969; Chủ nhiệm: Đại tá Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Tòa Soạn: Viên Linh). Tranh thì hơi quá, thật ra chỉ là những tấm trang trí nhỏ lọt trong lòng bàn tay, mực Tàu trên giấy trắng. Bài lục bát đầu tiên của Chí được đăng trên Khởi Hành số 22, 25.9.1969:


      THÁNH NHIỄM


      để yên súng đạn trên tàu

      cho anh ăn trái ngọt ngào chín cây

      gối đầu mép ngực, cánh tay

      thịt da nhiễm thánh ngất ngây tâm thần

      để yên súng đạn một lần

      cho anh được ngắm đôi chân thon dài

      mặt trời lên nhạc sao mai

      cho anh một chút men cay môi hồng

      để yên súng đạn giữa giòng

      cho anh được ngửi đòng đòng lúa thơm


      Bài thơ không viết hoa ở đầu câu, và cũng không có chấm phẩy hay chấm hết.


      Tấm tranh đầu tiên của Nguyễn Hải Chí được đăng trên Khởi Hành số 25, ra ngày 16.10.69. Để tranh có thể in thường xuyên, tôi đề nghị Chí vẽ minh họa, vẽ một cảnh hay một nhân vật trong một cái truyện nào đó.


      Trong năm 1969, trong khi đang làm Thư ký Tòa soạn hai tờ Nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến, Tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, tôi lại được mời làm Chủ bút Tuần báo Diễn Đàn của Liên Minh Á Châu Chống Cộng, Chủ tịch là Bác sĩ Phan Huy Quát. Vị Chủ bút tiền nhiệm của tôi là nhà văn Mặc Đỗ, hiện cư ngụ tại Austin, Texas. Anh Mặc Đỗ ra đi khiến họa sĩ hí họa nổi tiếng lúc đó là TUÝT (tức Ngọc Dũng), cũng ra đi, tôi giữ lại thế nào cũng không được. Anh nói mỗi ngày phải nặn ra một bức hí họa cho Chính Luận cũng mệt lắm rồi. Ngoài mặt, Diễn Đàn là báo của Liên Minh, thực chất theo tôi hiểu, nó là báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng Chủ Lực. Các vị có thẩm quyền yêu cầu tôi phải giữ lại trang Hí họa, nguyên trang, như trước.



      Tôi nghĩ đến Nguyễn Hải Chí ngay. Chí từng minh họa vài tấm cho Khởi Hành, vẽ chân dung các nhà văn cho Khởi Hành, thì nay tiến thêm một bước, vẽ hí họa, có gì là khó? Trước khi Chí vẽ cho Khởi Hành, tôi chỉ có Nguyễn Hữu Nhật, cho nên nhiều khi chính tôi phải vẽ, mà có ai "kêu ca" gì đâu? Cũng có ai khám phá ra là tranh tôi vẽ trên Khởi Hành không phải là tranh đâu?


      Cứ cuối một ngày làm việc, Chí tới thăm tôi tại Tòa soạn Khởi Hành, đặt trong nhà in Thế Giới của ông Nguyễn văn Hợi, số 225-227 đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Anh rời nhiệm sở, trong Tiểu khu Gia Định, tới thẳng Tòa báo, nên vẫn còn mặc bộ binh phục. Lúc nào Chí cũng ăn mặc sạch sẽ, quần áo thẳng nếp. Tôi được cái trong hơn 6 năm đi quân dịch, chỉ mặc binh phục có 22 ngày trong đời. Với nhu cầu phải có một bức hí họa cho tờ Diễn Đàn mỗi tuần, tôi đưa cho Chí một sấp báo ngoại quốc, nhiều nhất là tờ L'Express - lúc ấy do Jean-Jacques Schreiber làm chủ bút, nếu tôi nhớ không lầm- vì ông chủ trương cải tiến tớ báo gần với kiểu báo Mỹ về phương diện kỹ thuật, nên bị các báo Pháp vẽ hí họa chế riễu, cho là Mỹ con. Tôi còn nhớ như in những gì đã nói với Chí lúc đưa sấp báo cho bạn.


      Rằng vẽ biếm họa là một nghệ thuật cao, đòi hỏi kiến thức rộng, không cần ở nhà trường, mà là kiến thức từ đời sống. Kiến thức thu lượm được ở đời sống quí giá hơn kiến thức thu lượm được từ nhà trường. Nhiều người tốt nghiệp Đại học, là Luật sư Bác sĩ, nhưng cách hành sử cho ta thấy họ là người không kiến thức. Vì họ chưa học trường đời, là ngôi trường cuối cùng bất cứ ai phải bước vào. Bằng cấp là điều tốt, rất đáng để hãnh diện, nhưng bằng cấp chỉ là một tấm vé tầu để vào trường đời.


      Nếu anh có bằng cấp cao tột đỉnh, anh có vé hạng nhất, có toa riêng đầy đủ giường nằm, bàn viết, tủ lạnh. Nếu anh có vé hạng ba, anh phải chen chúc, ngồi ghế gỗ, có khi phải đứng. Đó là trường hợp anh có tiền mua vé. Không có tiền mua cả vé hạng ba để đi, anh phải làm gì? Đi lậu. Anh là hành khách lậu vé. Anh phải vào đời, không thể mãi mãi ăn bám cha mẹ, làm nhi đồng ở tuổi 18. Anh phải lên tàu, dù muốn hay không.


      Cuối cùng, chúng ta cùng vào đời. Chính ở đây thắng hay bại mới là điều đáng kể. Cậu thấy đấy, các họa sĩ vẽ biếm-chính của Sài Gòn bây giờ là ai? TUÝT, và ai nữa? Tôi không thấy người thứ hai. Tôi nghĩ cậu phải là người thứ hai. Hãy vẽ biếm chính.


      Đây là sấp báo ngoại quốc, trong có những tấm hí họa thời thế vào hạng nhất thế giới. TIME là nhất của Mỹ. L'EXPRESS là nhất của Pháp. PARIS MATCH là báo hình, hình nhiều hơn chữ, hay lắm. Hãy mang về nghiên cứu, vừa nghiên cứu vừa vẽ, rồi tuần sau mang tới cho tôi một tấm hí họa của cậu. Mỗi bức hí họa tôi trả nhuận bút bằng một truyện ngắn (1.000 đồng). Coi thằng TIM này nó vẽ ra sao? Thằng này nữa.


      Hãy để ý nhé: Hí họa không có nghĩa là vẽ nhanh, vẽ bôi bác. Mà vẽ kỹ càng, tỉ mỉ. Hãy vẽ như cầm dao khắc vào gỗ, đường nét tạo ra chiều sâu. Mỗi tuần chỉ vẽ một bức, cho nên phải vẽ cẩn thận. Dù thế nào phải có nghệ thuật. Không có nghệ thuật trong việc ta làm là không văn minh, thiếu văn hiến. Và đừng có nhiều chú thích. Không cần chú thích mới là hay. Chỉ cần nhan đề thôi. Một bức biếm họa phải có tới 20 chữ chú thích là vút đi. Vài chữ thôi, càng ít càng tốt. Không có chữ nào là hoàn toàn. Và khi chú thích, không được viết như ta viết chữ thường, của một câu văn. Phải viết tất cả bằng chữ hoa, chữ in. Tất cả bằng chữ hoa, chữ in, không viết chữ thường. Càng bớt chữ đi càng tốt. Hãy thử đi.


      Những lời này tôi nói với Chí trên lầu hai một ngôi nhà ở đường Nguyễn An Ninh thì phải, nơi đặt Tòa soạn Tuần báo Diễn Đàn. Phía tay trái, đi bộ dăm ba phút, là tới Chợ Bến Thành. Sau khi vắng khách, vào bữa ăn, tôi hay vào trong đó, ngồi xổm trên cái ghế đẩu, ăn bún bung, bún chả, bún ốc, đôi khi ăn bánh đúc muối vừng.


      Hai ngày sau, chỉ trong hai ngày, Chí mang cho tôi tác phẩm biếm chính đầu tiên của đời anh, cũng trên căn lầu Tòa soạn báo Diễn Đàn. Nhìn tấm tranh, tôi sung sướng và hãnh diện. Đúng thế. Vẽ biếm chính là phải vẽ như thế. Tôi rút một điếu Basto xanh, hút phì phèo:


      - Bức họa của cậu chưa có tên.

      - Tôi biết. Tôi chưa biết nên ký tên gì. Tôi nghĩ ký tên Nguyễn Hải Chí là không đúng. Mấy thằng cha vẽ biếm họa chỉ ký tên có một chữ.


      - Đúng thế. Tên cậu là Chí, vậy vẽ biếm chính, ký là CHÓE. Chí Chóe là chuyện phải thôi.


      Từ đó trong làng biếm họa báo chí Miền Nam có tên CHÓE. Lúc ấy là vào cuối năm 1969, đúng như CHÓE nói với phóng viên báo Thanh Niên và Báo Lao Động ở Sài Gòn sau khi đi dự Triển Lãm Tokyo trở về.


      Nhưng rồi CHÓE phải thay tên đổi họ. Tranh biếm họa của CHÓE sau khi xuất hiện trên Diễn Đàn, trên Khởi Hành, đã được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều báo mời anh cộng tác. Anh nói với tôi: Tôi không muốn ký tên CHÓE trên báo này, báo kia. Do đó, anh chỉ ký tên CHÓE trên tờ Khởi Hành và tờ Sóng Thần của nhà văn Chu Tử, là báo của những người văn nghệ. Trên tờ Hòa Bình của nhóm Anh Quân và Trần Dạ Từ, anh ký tên CAP. Trên tờ Đại Dân Tộc của thành phần thứ ba (đứng giữa chân phải và chân trái), anh ký tên KIT.



      Biếm chính của CHÓE đã lọt vào mắt xanh của báo chí ngoại quốc, nhất là hai tờ báo lớn nhất nước Mỹ: Tuần báo TIME và nhật báo The New York Time. Hai tờ báo này đã in biếm họa của CHÓE và trả cho anh 40 mỹ kim một bức. [Hồi đó một mỹ kim đổi ra khoảng 800 đồng Việt Nam].


      Chuyện xảy ra như thế vì Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mỗi ngày đều thu thập báo chí Miền Nam gửi về Washington, D.C. Các chuyên gia Hoa Kỳ đọc Việt ngữ như người Việt có học. Và khi Ngoại trưởng Henry Kissingger ghé Việt Nam - cái ông có tài vừa-hôn-vừa-hát (hên-rí?) này đã có trong tầm tay những bức chân dung ông do CHÓE vẽ. Ông muốn gặp CHÓE để xin chữ ký! Ông muốn CHÓE ký tên bằng mực xanh giấy trắng vào những bức biếm họa... xỏ ông (rất văn hóa và diễm tình).


      CHÓE là người rất thiền, cái gì cũng được (vì không được cũng phải được/không được cũng... không xong) nên CHÓE đã đến Phòng Thông Tin Mỹ gặp đối tượng, ký cho ông ta một chữ, cho ông ta thỏa lòng, chẳng thiệt hại gì.


      V.

      Vài năm sau, chính xác là năm 1973, 200 bức biếm họa của CHÓE được in trong một cuốn sách khổ 6.1/4 x 8.1/4 nhan đề là The World of CHÓE, Vietnam's Number One Editorial Cartoonist do Glade Publications xuất bãn tại Hoa Kỳ. Sách dầy 154 trang, bìa 4 màu, do Barry Hilton chủ biên và gìữ bản quyền. Sách này cho biết theo Trần Dạ Từ, chủ bút Báo Đen, sự xuất hiện của CHOÉ xảy ra như sau.


      Barry Hilton viết: [What happened next is related by Tran Da Tu...: "It was one day in 1970, Le Tat Dieu, one of the groupe of us that were putting out Bao Den came to me saying, "I' have just run across this fantastic cartoonist - here, take a look at these." He opened his briefcase and handed me a bunch of drawings..." I agreed, and within a few days, drawings by Dieu's friend, over the pen name CHOÉ, began appearing regularly in Bao Den." (Barry Hilton, The World of Choé, pages 10-11).


      Sự "khám phá" của Điều và Từ đã chậm khoảng một năm, sau khi CHÓE đã vẽ biếm hoạ cho Diễn ĐànKhởi Hành từ năm 1969. Nhưng Điều và Từ hẳn ít đọc các báo khác, nên không biết CHOÉ đã ở đó rồi. Gặp sau nhưng cứ tin là gặp trước có khi cũng là một thái độ khôn ngoan, nhất là đối với người ngoại quốc.


      VI.

      Khi còn ở Sài Gòn, năm 1974, CHÓE cộng tác với tôi làm báo Thời Tập. Anh đã đọc cuốn The World of CHÓE. Anh buồn rầu cho biết những lời anh kể thật ra đã không được họ ghi nhận. Họ gạch bỏ những điều anh nói. Vì thế, anh sẽ còn nói mãi mỗi khi nghĩ tới tôi. Vì thế, những điều anh nói mấy năm qua đã được in trên các tờ Thanh Niên, Lao Động. Cảm ơn CHÓE nhé, Chí. Chúc bạn hiền sớm bình phục, để tiếp tục vẽ nữa. Bạn không những chỉ vẽ để bày tỏ sự thật và biểu lộ phản ứng, bạn còn vẽ để Thế Giới hiểu hơn về Quê hương Đất nước ta, để đạt tới một nụ cười cảm thông trong hòa bình, tương tự như Barry Hilton đã nhận xét về bạn nơi bìa sau cuốn The World of CHÓE:


      "... how to tell the people of one country what the people of another country are like - ... Here is CHOÉ, then, in all his zaniness, Viet Nam's contribution to international understanding and peace. He is too funny a man not to share with everybody." Bạn chính là sứ giả làm việc đó: bạn vẽ, qua nụ cuời, để thế giới thấy một Việt Nam trong chiến tranh đã nhìn các cường quốc, các nhân vật đại diện của họ như thế nào.


      Tháng 9.2002


      Viên Linh

      Khởi Hành số 72, Tháng 10.2002

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ

      - Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định

      - Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký

      - Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký

      - Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại

      - Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký

      - Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký

      - Văn Quang - Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành 2009 Viên Linh Thông báo

    3. Bài viết về Hoạ sĩ Chóe (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Chóe

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Chóe, Nhà Hí Hoạ Bút Sắt Số Một Việt Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nguyễn Hải Chí (Học Xá)

      Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe (Uyên Thao)

      Chí - Choé (Viên Linh)

      Chóe, vua hí họa thời thế (Viên Linh)

      Hí hoạ với chiều sâu của Chóe (Phan Anh Dũng)

      Xem Lại Những Hí Họa của Chóe

      (Nguyễn Ngọc Chính)

       

      Tác phẩm của họa sĩ Chóe

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Văn nghệ sĩ Miền Nam dưới mắt Chóe (damau.org)

       

      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tiểu sử Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (Ngô Kim Khôi)

      Những Kỷ Niệm Nơi Phòng Tranh Trương Vũ (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm (Thái Bá Vân)

      Họa Sĩ Trần Văn Thọ (Viet Art View)

      Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams (Lý Đợi)

      Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tranh, tiếng nói cuối cùng (Lê Chiều Giang)

      Nụ Cười Của Nàng Joconde (Liễu Trương)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)