1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Màu Sắc Dân Tộc Qua Hội Họa Bé Ký (Huỳnh Hữu Ủy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-05-2009 | HỘI HỌA

      Màu Sắc Dân Tộc Qua Hội Họa Bé Ký

        HUỲNH HỮU ỦY
      Share File.php Share File
          

       


      Trong sinh hoạt hội họa Sài Gòn trước đây, có một họa sĩ lụa với tài năng hết sức đặc biệt cần được ghi nhận với lòng ưu ái của chúng ta: nữ họa sĩ Bé Ký. Sinh năm 1938 ở Hải Dương, Bắc Việt, Bé Ký không được học ở một trường đào tạo mỹ thuật hay mỹ nghệ nào, chỉ do lòng mê vẽ mà trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, bà cũng được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen chỉ dẫn ít nhiều ở các xưởng vẽ riêng của những họa sĩ này.


      Khoảng trước năm 60, Bé Ký đã được nhiều người biết đến bởi một đời sống khá đặc biệt, với vóc dáng của một thiếu nữ đi lang thang trên lề đường, ghi lại những sinh hoạt bình dị của đời sống qua cây cọ vẽ. Và bà ngày càng được chú ý nhiều hơn vì một bút pháp độc đáo, riêng biệt. Năm 1971, ngoài 30 tuổi, đã bày tranh tới 16 lần và lần nào cũng thành công, tranh bán rất chạy và được nhiều người chú ý vì một thế giới giản dị, mộc mạc, rất đáng yêu mến.


      Bé Ký bày phòng tranh riêng đầu tiên của mình ở cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) khai mạc ngày 6-12-1957 với sự bảo trợ của ông René de Berval, người chuyên viết bình luận mỹ thuật cho báo Journal d' Extrême Orient và tạp chí France d' Asie ở Sài Gòn.


      Nhiều người Âu Châu sưu tập tranh Bé Ký, một phần vì tính chất "hương xa," nhưng phần chủ yếu là vì cá tính của tranh. Bà có tranh trong bộ sưu tập của Nhà Bảo Tàng Á Châu Thái Bình Dương, Ba Lan.


      Từ hồi năm, sáu tuổi, Bé Ký đã thích vẽ, thấy gì cũng quệch quạc tràn lan, đến chừng 12, 13 tuổi đã bắt đầu vẽ được dễ dàng những hình con chim, con cò, các loại gia súc khác, hay cảnh đứa bé chăn trâu đang dẫn trâu về nhà vào buổi xế chiều bên lũy tre làng. Bé Ký sau mê quan sát để vẽ, tự rèn luyện như thế nên chỉ vài năm sau đã vẽ hoạt họa rất giỏi. Ở tranh Bé Ký, thường là một cảnh sinh hoạt tươi sáng, một nụ cười hài hòa, một đời sống thanh thản trong nhịp điệu bình thường: người đàn bà bán hàng rong, bán trái cây, người đàn ông đẩy chiếc xe bán phở dạo giữa cơn gió lạnh của một buổi chiều mùa đông. Hay hình ảnh của một ông cụ già chống gậy đi qua đường, người phu xích lô đang gò lưng trên chiếc xe, mấy đứa trẻ chơi đá cầu, đá kiện, đánh bi đánh đáo trên hè phố ...


      Có dịp ra ngoại thành vào những ngày nghỉ, nhìn ngắm những cảnh tượng miền quê, cảnh trâu, bò gặm cỏ, Bé Ký chăm chú quan sát, lấy ký họa, rất nhiều ký họa, để rồi sẽ đúc kết thành tranh sau này. Việc quan sát đối tượng rồi lọc lấy đường nét là công việc chủ yếu khi muốn vẽ, khả năng quan sát và thanh lọc này càng cao thì sự thât nghệ thuật càng được nâng lên. Giữa hàng ngàn tấm tranh của Bé Ký, tranh vẽ nét bằng mực tàu, tranh tô màu trên lụa, tranh sơn mài, dĩ nhiên là tranh sao đi chép lại cũng khá nhiều vì nhu cầu thương mãi, giữa núi tranh đồ sộ ấy, nếu chọn lại thực kỹ, chúng ta sẽ có vài tấm thực hiện hết sức tài tình như Đàn nguyệt, Mẹ con, Đàn độc huyền, Đàn cò, Bà cháu, Chồng hoa chồng nụ, Trẻ em chơi thổi bóng bóng có thể xem là tuyệt kỹ.


      Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1989, hiện nay Bé Ký sống cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức và gia đình ở thành phố Westminster, California. Vẫn tiếp tục làm việc đều đặn, và thường xuyên bày tranh với các họa sĩ quen biết trong sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Bày tranh nhiều lần ở các thành phố Garden Grove, Westminster, San Diego, Irvine Los Angeles ... Cũng có đôi dịp bày tranh chung ở các tiểu bang khác như Virginia, Florida, Maryland. Năm 1995, Bé Ký được mời tham dự cuộc triển lãm quốc tế Women: Beyond Borders. Cuộc triển lãm này sẽ di chuyển qua nhiều quốc gia trong vòng năm năm, từ 1995 đến 2000, rồi sẽ trở về Hoa Kỳ để được lưu giữ như một bộ sưu tập thường xuyên. Cuộc triển lãm được thực hiện với mục đích trình bày tiếng nói của những nghệ sĩ phụ nữ có tính toàn cầu, trong tinh thần đối thoại, thông cảm và sáng tạo.


      Các nghệ sĩ gốc gác từ các quốc gia Mỹ, Do Thái, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Cu Ba, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Nhật Bàn, Việt Nam, những nghệ sĩ này hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ và họp nhau trong cuộc triển lãm để tạo nên một cuộc đối thoại và thông cảm vượt qua màu da và biên giới quốc gia. Như các họa sĩ và các nhà tạo hình khác dự cuộc triển lãm, Bé Ký nhận một chiếc hộp gỗ vuông mỗi chiều khoảng chừng hơn gang tay rồi biến chế bằng cách ghép thêm các nguyên liệu khác bằng kẽm, gỗ và giấy rồi vẽ lên đấy mấy hình ảnh đặc trưng của riêng mình, nổi bật lên là hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam mềm mại, nhẹ nhàng, thon thả, rất được chú ý trong lần trưng bày khai mạc ở Santa Barbara Contemporary Arts Forum, tại Santa Barbara, California vào tháng 11 năm 1995.


      Xem tranh Bé Ký, hẳn rằng ai cũng thấy ngay là Bé Ký rất thành công ở chỗ, trong suốt hơn 40 năm sống đời một họa sĩ, Bé Ký đã xây dựng được một thế giới riêng biệt đầy cá tính ngay từ những bước đầu tiên, rồi từ đó bà cứ bước đi một cách vô cùng vững tin ở cách nhìn và sự chọn lựa của mình. Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữa. Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạo. Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xóa hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử.


      Tôi chỉ muốn nói tranh Bé Ký dừng ngang mức dân gian, bởi vì bà không được đào luyện về kỹ thuật và ý thức hiện đại. Hơn nữa, bà cũng không có nhu cầu gì về một thứ ý thức nghệ thuật hiện đại. Mà chính vì thế, bà lại như có được mõt lợi thế riêng biệt của mình: tạo được một thế giới rất đẹp, thấm đẫm tâm hồn và hương hoa dân tộc. Tôi chỉ lấy một thí dụ rất nhỏ: ngày Tết mà có được một bức tranh Bé Ký vẽ cô thiếu nữ cầm một cành mai vàng, nhánh hồng đào hay đội một giỏ sen, em bé thả diều cùng tiếng sáo vi vu trên thảm cỏ xanh vô tận của đồng quê, cảnh mấy đứa bé đang đì đùng đốt pháo hay chọi gà, chiếc xe thổ mộ chở đầy hoa từ ngoại ô tiến về khu chợ trung tâm của đô thành v.v... để treo lên bức tường hay bức vách đất vừa quét lại một làn vôi mới thì căn nhà ngày Tết sẽ vui hơn và ấm áp hơn. Tranh Bé Ký treo nơi căn nhà của một người trí thức, trưởng giả, hay nơi một căn nhà bình dân, nơi một căn phòng sang trọng, thanh nhã hay giữa một mái tranh nghèo thì đều như rất thích hợp miễn là phải đặt ở một chỗ thích hợp tối thiểu. Tranh Bé Ký thân thiện, dễ chịu, và ấm áp với hết thảy mọi người.


      Hội họa Bé Ký cho chúng ta thấy một điều rất hiển nhiên là có những giá trị dân gian vẫn rất quý giá, cần phải được giữ gìn và bảo vệ. Nếu đi tìm một tiếng nói của dân tộc thì hội họa của Bé Ký chính là một trong những tiếng nói đó, đầy bản sắc và có thừa tư cách để phát biểu. Tôi muốn gợi lại một kinh nghiệm tương tự ở một dân tộc có nhiều gần gũi với chúng ta là Nhật Bản. Người Nhật Bản rất trân quý những giá trị dân gian mà họ xem là đặc thù của dân tộc, họ giữ gìn những tài liệu sống động về cuộc đời, sinh hoạt và tác phẩm của một nghệ sĩ gốm, một người thợ làm giấy bản, một nghệ nhân dệt lụa ... Dĩ nhiên, những người nghệ sĩ dân gian ấy đều đã đạt đến một mức độ tinh hoa đáng kể, và người Nhật đã nói về những người nghệ sĩ ấy như là các nhà bảo tàng sống của dân tộc họ về mỹ thuật và dân tộc học.


      Trở lại với Bé Ký, bình tâm xem xét, chúng ta sẽ thấy Bé Ký chính là một trong những người nghệ sĩ dân gian điển hình ấy của dân tộc. Nếu ngày nay, chúng ta kịp thời tiến hành những công trình tổng kết về Bé Ký, thì chắc chắn các thế hệ mai hậu sẽ được thừa hưởng một di sản văn hóa đáng kể.


      Bé Ký là một khuôn mặt nghệ thuật đầy bản sắc suốt hơn bốn thập niên qua, với một cuộc hành trình đầy đam mê và rất thơ mộng. Trước đây, Bé Ký nổi bật với các hoạt động vui tươi và đầy sinh khí của bà ở Sài Gòn, ở miền Nam. Ở miền Bắc, người ta không biết đến Bé Ký. Nhưng ngày nay, tình hình đất nước đã đổi khác, đã trở thành một thể thống nhất, Bé Ký phải thuộc về toàn dân tộc, chứ chẳng thể của riêng ai. Chỉ còn một thời gian rất ngắn, chỉ một năm nữa thôi thì chúng ta sẽ bước qua một thế kỷ mới. Đã đến lúc có thể làm một bảng tổng kết các hoạt động của thế kỷ.


      Là một người yêu mến nghệ thuật, để tâm đến các hoạt động trong lãnh vực này suốt cả mấy mươi năm qua, tôi muốn nhắc mọi người rằng Bé Ký cũng là một khuôn mặt rất đặc biệt của nửa thế kỷ vừa qua, đó là một phụ nữ đáng nhớ vì những đóng góp đầy giá trị nhân văn và dân tộc rất độc đáo và đặc sắc. Không vươn đến một tầm mức cao của trí tuệ được tỏa sáng, Bé Ký chỉ mở rộng bằng cái tài hoa bẩm sinh để đến với mọi người bình thường trong một tình cảm ấm áp và nhân hậu. Sự nghiệp của Bé Ký cũng là một đóng góp đáng kể vào sự nghiệp to lớn về văn hóa, văn nghệ của toàn bộ dân tộc vậy.


      Huỳnh Hữu Ủy

      (Thế Kỷ 21, Tết Kỷ Mão)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận

      - Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo

      - Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Nguyễn Anh Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

    3. Bài viết về họa sĩ Bé Ký (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Bé Ký

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Bé Ký, nữ họa sĩ nổi danh trong hội họa Việt Nam, qua đời (Thiện Lê)

      Tình mẫu tử trong tranh Bé Ký (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Bé Ký (Nguiễn Ngu Í)

      Màu sắc dân tộc qua hội họa Bé Ký (Huỳnh Hữu Ủy)

      Bé Ký, nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất (Thụy Khuê)

      Người họa sĩ ghi lại sinh hoạt đường phố Sài Gòn (Hồ Thành Đức)

      - Bé Ký, nữ họa sĩ nổi danh trong hội họa Việt Nam, qua đời (Thiện Lê)

      - Bé Ký, nữ họa sĩ dân gian (Mặc Lâm)

      - Bé Ký, người biến phong trần thành gấm vóc. (Vương Trùng Dương)

      - Bé Ký: Nữ họa sĩ tranh dân gian miền Nam (Nguyễn Ngọc Chính)

      - Các bài viết về Hồ thành Đức và Bé Ký (erct.com)

       

      Họa phẩm

       

      Slide Show

       

       

      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tiểu sử Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (Ngô Kim Khôi)

      Những Kỷ Niệm Nơi Phòng Tranh Trương Vũ (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm (Thái Bá Vân)

      Họa Sĩ Trần Văn Thọ (Viet Art View)

      Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams (Lý Đợi)

      Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tranh, tiếng nói cuối cùng (Lê Chiều Giang)

      Nụ Cười Của Nàng Joconde (Liễu Trương)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)