|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh ngày 01-05-1926, tại Hội An, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Mồ côi Cha từ thuở nhỏ. Gia đình nghèo nên Mẹ Anh phải tảo tần nuôi Anh và em gái ăn học đúng mẫu mực của một bà Mẹ Việt Nam đảm đang đức hạnh, được sự kính trọng của mọi người. Với tư chất thông minh và ý chí khắc phục mọi trở ngại trong cuộc sống, có tinh thần cầu tiến, hiếu học nên Anh đã tiếp thu những kiến thức và tư tưởng uyên thâm sâu sắc nơi các bậc thức giả đương thời, nhất là Anh có nhiều năng khiếu nghiên cứu sở học qua ngôn ngữ Pháp và Anh. Từ đó Anh đã bước vào thế giới âm nhạc Tây Phương để phát huy năng khiếu thiên phú từ thuở thiếu thời. Đối với Anh, say mê âm nhạc chỉ vì nghệ thuật và không bao giờ dùng nghệ thuật để mưu sinh, nên đa số những sáng tác của Anh ngoài nhạc phẩm Nắng Chiều, cưu mang những sắc thái giai điệu chuyển hóa từ khổ đau đến hạnh phúc tỏa sáng tình thương nhân ái phổ cập nơi quần chúng, như “Chiều Bên Giáo Đường, Cánh Nhạn Bay Qua, Lá Rơi Bên Thềm, Bến Giang Đầu, Chim Chiều Không Tổ, Sao Đêm, Cát Biển, Cung Điện Buồn, Nhìn Biển Bơ Vơ, Lời Việt Nữ”... Chính vì thế với tài năng xuất chúng thể hiện giá trị độc đáo trong nghệ thuật sáng tạo chuyên chở nồng thắm những ý tình Quê Hương và Dân Tộc của Anh đã khẳng định vị trí xứng đáng được ca ngợi một cách nghiêm chỉnh và trang trọng trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam của thời đại chúng ta. Thời trai trẻ Anh tham gia kháng chiến. Phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên Khu Năm, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Anh sáng tác một số nhạc phẩm trong thời kỳ đó, như Binh Nhì Ca, Ngày Mai Trời Lại Sáng, A dieu Les Soirees Intimes... Anh không chịu được cực khổ và nhất là nhớ Mẹ, nhớ em, nên bỏ kháng chiến về thành và cự ngụ tại Hội An khoảng thời gian năm 1951-1952.
Anh đã từng dạy học trường trung học Nguyễn Duy Hiệu ở Điện Bàn, Quảng Nam. Đến năm 1965, Anh đại diện điều hành cho công ty xuất nhập cảng Centraco của Pháp đến năm 1970, Anh đại diện cho công ty Sealand của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng. Đến năm 1972 vào Sài Gòn làm việc cho công ty Dầu Hỏa Cửu Long. Sau biến cố năm 1975 Anh không thiết tha với công việc, vì đang cảm thấy chán nản và thất vọng trước cảnh tượng nhiễu nhương của xã hội đầy bi thảm. Chính vì bản chất tự trọng của kẽ sĩ nên cho dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, Anh vẫn không khuất phục, Anh vẫn giữ cái tâm trong sáng, chân chính trong nghệ thuật trong đời sống. Và đó cũng là lý do để ông quyết định đưa gia đình vợ và bốn đứa con đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1983.
Nhạc phẩm Nắng Chiều Anh sáng tác với giai điệu rộn rã hồn nhiên thanh thoát nhưng thoảng một nỗi buồn man mác chia xa của tình yêu đang nồng thắm... đã được phổ biến trong quần chúng liên tục từ nhiều thập niên qua. Nắng Chiều đã tạo thành danh lừng lẫy thêm cho Lê Trọng Nguyễn khi nữ ca sĩ Midori Satsuki đến trình diễn tại Saigon trong đoàn văn nghệ Nhật Bản, trình bày nhạc phẩm Nắng Chiều bằng tiếng Việt và tiếng Nhật được khán thính giả hoan nghênh nhiệt liệt vào năm 1959. Đến năm 1960, nữ ca sĩ Kỷ Lộ Hà của Đài Loan sang Saigon trình diễn văn nghệ qua chương trình trao đổi Văn Hóa Việt Hoa, cô yêu thích nhạc phẩm Nắng Chiều nên đã chuyển ra tiếng Hoa với nhan đề “Bài Tình Ca Việt Nam”, được phổ biến tại Đài Loan, Hongkong liên tục trong nhiều năm và được đánh giá là nhạc phẩm “Ca Ngợi Tình Yêu” hay nhất được giới trẻ thời đó nồng nhiệt đón nhận. Anh là nhà nghệ sĩ có tài thực sự. Những tác phẩm của Anh đã góp phần phong phú và khởi sắc trong lãnh vực âm nhạc Việt Nam và chia xẻ buồn vui với chúng ta nơi viễn xứ.
Những ngày cuối đời, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sống ẩn dật trầm tư, lo cho gia đình, chăm sóc con cái, nhất là sau khi người bạn tri kỷ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ biệt Anh ra đi. Anh âm thầm nghiên cứu và sáng tác thêm một số ca khúc. Anh đã soạn thảo bộ sách về nhạc lý rất công phu và giá trị, tiếc thay Anh đã đột ngột rời bỏ dương thế, nên công trình đang còn dở dang. Sự ra đi vĩnh viễn của Anh quả là một sự mất mát lớn lao trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại.
Tôi còn nhớ khi hành quân qua những ngọn đồi giáp ranh giữa Đại Lộc và Thượng Đức tỉnh Quảng Nam. Buổi chiều nắng vàng hiu hắt xuyên qua thềm núi thật buồn. Tôi chạnh nhớ đến nhạc phẩm Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn mà tôi yêu thích nhất hai câu cuối... “Mây lướt thướt trôi khi nắng chiều vương đồi. Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...”
Thật tuyệt vời, chỉ trong giây phút hoàng hôn tĩnh lặng không gian và thời gian ngừng lại để nỗi nhớ về người yêu ở mãi trong tâm hồn... Tôi giữ mãi hình ảnh thơ mộng này cho đến một ngày kia khi về phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I tại Đà Nẵng tình cờ gặp anh Lê Trọng Nguyễn tại nhà một người bạn văn nghệ mời đến tham dự sinh hoạt văn nghệ bỏ túi có nhà văn Duy Lam, Nguyễn Văn Xuân, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tôi đã kể lại về chuyện bâng khuâng dải lụa nắng chiều bên thềm núi hoang vu đó và tôi đã nói với anh Lê Trọng Nguyễn chính câu cuối cùng đã thăng hoa giá trị nhạc phẩm Nắng Chiều. Nhân cuộc họp mặt này tôi đã tò mò muốn biết người con gái trong Nắng Chiều là người đẹp có thật ngoài đời thường hay chỉ là nhân vật hư cấu viễn mơ?
Đôi mắt anh thoáng một chút ưu tư nhung nhớ...:
“Trong khoảng thời gian 1953 tôi ra làm việc ở thành phố Huế ở trọ căn nhà ven sông Hương. Bên cạnh nhà có một cô gái Huế xinh đẹp với mái tóc buông lơi thật lãng mạn dễ thương. Cô thường hay dạo sau vườn khi nắng chiều xuyên qua hàng Tre lá Ngà... Tôi chỉ làm quen trong một thời gian ngắn và sau đó không biết nàng đi về đâu. Tôi đã ghi lại hình ảnh đẹp và tự diễn đạt thành mối tình thơ mộng lúc chia ly:
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà, tóc thề nhẹ vương...”
Sau cuộc gặp gỡ thú vị đó giữa chúng tôi và anh Lê Trọng Nguyễn tình hình chiến sự bùng vỡ càng ngày càng khốc liệt ở Miền Hỏa Tuyến Vùng Một Chiến Thuật nên chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau. Biến cố tang thương 30 tháng 4-1975 xãy ra trên toàn lãnh thổ miền nam thân yêu cũng là vết đau trong tim những người Việt lưu vong nơi viễn xứ. Qua bao thăng trầm của định mệnh sau khi ở tù về cùng gia đình vượt biển, tàu bị chìm gần bờ Đảo Hải Nam có 13 thuyền nhân tử nạn may gia đình chúng tôi thoát nạn và được đến Hoa Kỳ định cư vào năm 1980. Với hai bàn tay trắng chúng tôi làm lại từ đầu. Vừa đi học, vừa đi làm và tự khắc phục vượt qua mọi khó khăn, cho dù vất vã thể xác nhưng thoải mái về tinh thần ở đâu cũng cảm thấy hạnh phúc hít thở không khí tự do và nhìn thấy được tương lai con cái vươn lên miền đất đầy cơ hội này. Nhờ sự hổ trợ của bạn bè cùng trường năm xưa khá giả đến trước nên Ái Cầm quyết định mở quán cà phê Doanh Doanh (Nhậm Doanh Doanh là nhân vật người yêu của Lệnh Hồ Xung trong bộ kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung) trên đại lộ Sunset gần China Town, Los Angeles và nối dài Đại lộ Hollywood vang lừng trên thế giới. Quán nhỏ khiêm nhượng nhưng có không khí văn nghệ dễ thương. Trên tường có tranh Nguyên Khai, Đinh Cường... Trên mỗi bàn gương có phủ khăn màu vàng nhạt, có bình hoa hồng thật lãng mạn... Với nhạc Tây Phương nhè nhẹ và bay bỗng tuyệt vời và với tiếng hát Thái Thanh, Anh Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Khánh Hà, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Lê Uyên Phương... tạo nên những hoài niệm về Sài Gòn năm xưa...
Một nỗi xúc động bất ngờ xãy đến khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đưa các anh Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Lê Trọng Nguyễn, nữ tài tử Kiều Chinh đến quán Doanh Doanh. Nhất là anh Lê Trọng Nguyễn người anh đồng hương xứ Quảng thân quý của chúng tôi biệt tăm như cánh chim trời trên quê hương từ lâu.
Với nụ cười thoải mái hiền hậu giống Mẹ anh mà chúng tôi đã gặp nhiều lần ở Hội An. Anh cho biết mới đến cùng với gia đình hiện đang định cư tại Down Town, Los Angeles, và từ đó thỉnh thoảng vài ba ngày anh cùng anh Mai Thảo, Phạm Đình Chương đến uống cà phê và nói chuyện văn nghệ... nhắc nhớ lại những kỷ niệm tản mạn buồn vui, những anh em còn bị giam trong các trại tù đầy nghiệt ngã ở quê nhà.
Có những buổi chiều cuối thu mưa giăng trên thành phố Los Angeles, Anh lái xe một mình đến Quán Doanh Doanh ngồi thầm lặng suy tư bên ly cà phê nhỏ giọt... hình như Anh có chuyện gì buồn nên tôi đến ngồi cạnh Anh và cuối cùng Anh đã kể cho chúng tôi nghe những nỗi nhớ thương về người Mẹ kính mến của Anh ở Hội An. Tâm trạng Anh đồng cảm với chúng tôi về Mẹ chúng tôi đã mất mà chúng tôi không được về thăm Mẹ trong những giây phút cuối cùng. Những kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày phiêu lãng của Anh trên quê hương yêu dấu cũng như những cuộc tình thoáng qua như Nắng Chiều. Từ đó tình cảm giữa Anh với chúng tôi càng thêm gắn bó đậm đà... Thời gian trôi qua những tên tuổi quen thuộc trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật một thời lừng lẫy ở Việt Nam trước 1975 và hiện nay ở Hải Ngoại đã từng thương mến chúng tôi đến tham dự những buổi họp mặt thân hữu cuối tuần tại Quán Doanh Doanh cũng lần lượt ra đi vào cõi Vĩnh Hằng như các anh Nghiêm Xuân Hồng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Nguyên Sa, Nguyễn Sỹ Tế, Hoàng Thi Thơ, Phạm Công Thiện, Lê Uyên Phương, Võ Phiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang... Nhất là hai người bạn thân thiết nhất của Anh là anh Mai Thảo và Phạm Đình Chương có thể làm cho Anh suy sụp hơn về tinh thần... nên lâm bệnh?! và ra đi sau một thời gian nằm ở bệnh viện.
Chúng tôi vẫn hiểu cuộc đời là bể khổ. Không ai thoát khỏi quy luật Sinh Lão Bệnh Tử của tạo hóa. Thân xác như căn nhà cõi tạm nơi thế gian rồi cuối cùng trả lại cho thế gian để chuyển hóa theo nghiệp đã tạo thành. Số phận con người thoáng chốc như chiêm bao. Như giọt sương đầu ngọn cỏ. Như ngọn đèn trước gió. Như cánh chim bay qua một lần rồi biền biệt hơi tăm... Nhưng sao tâm hồn chúng tôi vẫn thấy buồn da diết... mênh mông.
Quán Doanh Doanh cũng đã chuyển sang người khác. Không còn là điểm hẹn thân vui của anh em văn nghệ sĩ khi ghé qua Thành Phố Thiên Thần. Ái Cầm-Thái Tú Hạp đổi qua làm báo Saigontimes cho đến bây giờ.
Mỗi ngày trên đường về khi nắng chiều xuyên qua những ngọn cây Palm hai bên đường chạnh nhớ đến câu cuối cùng trong nhạc phẩm Nắng Chiều: “Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...” Chính Anh là ánh nắng chiều đã ngừng trôi trên Thành Phố Los Angeles... Tiếng đàn Tri Âm, Tri Kỷ Bá Nha Tử Kỳ cũng chỉ là dư âm chìm sâu trong hố thẩm tiềm thức... Tất cả mọi hiện tượng vật chất trong cuộc sống thế gian đều là vô thường...
- Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật Thái Tú Hạp Nhận định
- Nắng Chiều Đã Ngừng Trôi Trên Thành Phố Los Angeles Thái Tú Hạp Hồi ức
- Lê Mai Lĩnh Trên Những Chặng Đường Gai Lửa Thái Tú Hạp Nhận định
- Đi Tìm Đường Bay Ưu Việt Của Thi Ca Thái Tú Hạp Nhận định
- Nguyên Sa - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Thái Tú Hạp Tiểu luận
- Hoàng Thi Thơ: nửa thế kỷ dành cho tình yêu & quê hương Thái Tú Hạp Tạp bút
• Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt (Vũ Đức Sao Biển)
• Nắng Chiều Đã Ngừng Trôi Trên Thành Phố Los Angeles (Thái Tú Hạp)
• Nói chuyện với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Nguyễn Phúc)
Tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (cothommagazine.com)
Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn, Tác Giả ‘Nắng Chiều’, Từ Trần (vietbao.com)
Lê Trọng Nguyễn với Nắng Chiều (Du Tử Lê)
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ( Jimmy Nguyễn)
• Tân Nhạc Việt Nam '20 - '50 (Lê Trọng Nguyễn)
Tập Nhạc và CD Lê Trọng Nguyễn (dactrung.net)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
• Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)
• Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)
• Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)
• Trần Quang Lộc - Người Về Khuất Chân Trời (Lê Chiều Giang)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |