1. Head_

    Đỗ Khánh Hoan

    (5.8.1934 - 3.10.2023)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Chuyện Trò Với Nhạc Sĩ Trúc Hồ (Huy Phương phỏng vấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      20-11-2016 | ÂM NHẠC

      Chuyện Trò Với Nhạc Sĩ Trúc Hồ

        HUY PHƯƠNG phỏng vấn
      Share File.php Share File
          

       


           Nhạc sĩ Trúc Hồ

      So tuổi đời với những công việc mà nhạc sĩ Trúc Hồ đảm trách hiện nay thì tuổi anh quá trẻ (sinh năm 1964). Với cương vị là Giám đốc đài truyền hình Việt Nam SBTN có tầm vóc nhất ở hải ngoại, đồng chủ trương trung tâm băng nhạc Asia, nhưng Trúc Hồ là một người giản dị, khiêm nhường, rất ít nói.


      Bản tính Trúc Hồ cũng như bề ngoài lúc nào cũng xuề xoà, lại hay e thẹn, nhưng trong quả tim của người nhạc sĩ là cả một khối lửa nóng, đứng ngồi không yên, lúc nào cũng muốn làm một điều gì cho những người lính đã nằm xuống, những thuyền nhân đã bỏ nước ra đi, và bây giờ là những vấn đề nóng bỏng về nghĩa trang Quân Đội, về chuyện những người tù chính trị. Nhìn những thay đổi và gần gũi với tâm tình người hải ngoại gần đây trên SBTN hay Asia, người ta nhìn rõ ra con đường Trúc Hồ đang đi và muốn đến. Người nhạc sĩ này vốn lại rất ít nói, nên muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn để được nghe Trúc Hồ nói về mình không phải là chuyện đơn giản.


      Tuy vậy, nhân trung tâm Asia dự định làm một chương trình ca nhạc kết hợp hai dòng nhạc Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, là hai thế hệ nhưng đã cùng chung một tấm lòng nghĩ về quê hương, đời sống của người tỵ nạn với những ca khúc đã đi vào lòng người hải ngoại, chúng tôi đã có dịp chuyện trò với Trúc Hồ để tìm hiểu đời sống và tâm tình của người nghệ sĩ trẻ tuổi này.

      *


      Trúc Hồ sinh năm 1964 tại Saigon, là con trưởng trong một gia đình ngoan đạo, có 4 anh em, nhà ở trong vòng khuôn viên nhà thờ chợ Quán, Quận 5-Saigon. Thân phụ anh, nhạc sĩ Trúc Giang là một nhạc sĩ, hạ sĩ quan, phục vụ trong ban Quân Nhạc Phủ Tổng Thống do Đại tá Trần Văn Tín chỉ huy, nên nhà anh luôn luôn vang tiếng trống kèn, vì thân phụ mở lớp dậy nhạc thường trực tại nhà. Nhờ vào hoàn cảnh ấy, lên bốn tuổi, Trúc Hồ đã biết chơi trống, sáu tuổi đã đánh key board, đánh đờn và theo các chú, bác đi trình diễn trong những đám cưới. Biết con có năng khiếu, nhạc sĩ Trúc Giang rất chiều ý con, và vào sinh nhật thứ bảy, Trúc Hồ đã được làm chủ riêng mình một chiếc organ nhỏ để chơi một mình. Một ngày nọ, cậu bé Trúc Hồ lại được cha dẫn vào tiến cử với Đại tá Trần Văn Tín để xin thụ giáo piano. Cảm tình với thuộc viên và thấy thằng bé thông minh, kháu khỉnh, ông nhạc sĩ này đã nhận lời, cũng như sau đó Trúc Hồ có cơ hội để học nhạc với rất nhiều bạn hữu của nhạc sĩ Trúc Giang và bắt đầu biết chơi nhạc cổ điển với Beethoven, Bach, Chopin...


      Chưa tới mười tuổi, Trúc Hồ đã mải mê từ accordéon, violin, kéo mệt nghỉ, lại bỏ sang guitare, piano, rồi organ...bỏ bê chuyện học hành, bảy tuổi thi rớt vào trường công, phải theo học trường Chí Thiện. Sau đó vì mẹ Hồ đang là giáo viên trường Đồng Tâm, Hồ chuyển về học tại trường này. Từ sáu, bảy tuổi Trúc Hồ đã biết chơi nhạc kiếm tiền, nên việc học hành chắc chắn phải bê trễ.


      Rồi một buổi chiều tháng 4, đi chơi về, Trúc Hồ thấy cả gia đình đang sửa soạn đồ đạc, hành lý, nghe nói là chờ ghe ra đi. Rồi sáng mai, đột ngột nghe tin miền Nam đầu hàng, mấy người cậu đi lính từ đơn vị kéo nhau trở về nhà. Đó là mùa hè năm 1975, thời gian ấy, Trúc Hồ chỉ mới có 11 tuổi và chưa có khái niệm gì về đất nước, chiến tranh, Cộng Sản hay Quốc Gia.


      *


      HUY PHƯƠNG: Với tuổi 11, anh biết gì về chế độ Cộng Sản mới vào miền Nam và chế độ VNCH trước kia?

       

      TRÚC HỒ: Lúc ấy, Hồ chưa có khái niệm gì rõ ràng nhưng những cảnh trước mắt rõ ràng là đập vào tâm trí Hồ. Đường phố xe cộ thưa thớt, nhiều nhà đóng cửa bỏ xứ đi đâu mất. Công ăn việc làm không có, họp hành liên miên. Hình như trong gia đình thấy ai cũng có vẻ lo lắng, căng thẳng. Lúc đó ông ngoại, bà con lối xóm hay kể chuyện cũ, rồi so sánh với những ngày chế độ mới thiết lập ở Saigon, phê phán điều tốt điều xấu, sung sướng, cực khổ khác nhau như thế nào, cuộc sống của mọi người hình như ngột ngạt, không mấy gì cởi mở, vui vẻ. Vào lớp thì thấy bạn bè học giỏi bị kỳ thị, một số vắng mặt không bao giờ trở lại, một số khuôn mặt, giọng nói lạ lẫm mới vào. Giờ chơi thì học sinh chia phe chia nhóm, trong tuổi vô tư, nhưng Hồ cảm thấy lòng không vui.

       

      Vì gia đình có kèn trống, Phường Khóm thường lui tới mượn, thuê nhạc cụ cũng như mời tham gia ban nhạc, có khi vào chơi nhạc tận trong dinh Độc Lập cũ. Gia đình càng ngày càng có vẻ khá hơn nhờ những dịch vụ này, nhưng riêng Hồ cảm thấy lạc lõng, không thấy vui vẻ, hoạt động như ngày xưa. Năm đó, Hồ lại thi vào lớp 10 Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ) bị rớt nữa.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ được đào tạo về âm nhạc ra sao và bắt đầu sáng tác vào tuổi nào?

       

      TRÚC HỒ: Năm sau, Hồ vào trường Lê Hồng Phong, 15 tuổi lại bỏ trường và cũng vì nhờ quen biết, Hồ được thầy Vũ đã từng tốt nghiệp ở Bungary, Hungary... dạy lý thuyết, thầy Dung huấn luyện Hồ về hoà âm, nhất là được thầy Nghiêm Phú Phi kềm cặp thêm cho dương cầm. Bản nhạc đầu tiên Hồ viết cho người yêu đầu đời, một cô bạn học từ năm lên tám tuổi là bài "Dòng Sông Kỷ Niệm". Đó là năm Hồ 16 tuổi.


      HUY PHƯƠNG: Những gì đã xẩy ra sau những ngày tương đối, ổn định, và Trúc Hồ đã suy nghĩ gì khi quyết định vượt biên trong tuổi vị thành niên như thế?

       

      TRÚC HỒ: Nhiều khi Hồ cảm thấy mình bị tù túng, cứ nghĩ là nếu mình vượt biên, mình có thể học bất cứ ngành nghề gì mình thích. Lối xóm, thỉnh thoảng lại nghe có nhiều gia đình vừa vượt biên. Bạn bè, ngay cả người yêu cũng kiếm đường đi, lòng Hồ lúc bấy giờ cũng nôn nao, không yên. Nhà tuy nghèo, nhưng Hồ lại được cưng nhiều nhất. Đàn, trống... thứ nào Hồ thích là cũng được Bố Mẹ mua cho. Gia đình Hồ đã quyết định bán cây đờn Yamaha 30 để lấy 4 cây vàng, chuẩn bị cho chuyện vượt biên. Anh nên nhớ lúc bấy giờ, Việt Nam chỉ có mấy cây Yamaha 30 nên chuyện bán cây đờn rất dễ. Lúc ấy việc ra đi coi như đã quyết tâm, Hồ không thấy bịn rịn, vương vấn gì ở Việt Nam nữa.

       

      Lần thứ nhất, Hồ về quê nội ở Bến Tre, chuẩn bị cho lần đi thứ nhất. Chuyến vượt biển chưa ra tới cửa biển đã bị bể, cả tàu bị Công An bắt, nhưng vì còn nhóc con, Hồ được thả sớm cho về. Về đến nhà, nhưng không hề thấy sợ hãi gì cả, lại nôn nóng kiếm chỗ khác để đi, Vĩnh Long rồi Rạch Giá, bị giam ở đồn công an, hỏi đi đâu thì nói về Trà Vinh thăm bên nội, nhất quyết chối cho tới cùng. Hồ đã chứng kiến những cảnh hãi hùng trong đêm tối, tiếng công an la: "Tàu vượt biên, đứng lại, không tao bắn!", rồi nghe tiếng súng nổ từng tràng trong đêm. Buổi sáng, cảnh tượng những người bị tạm giam phải ra biển, kéo những xác người chết chìm lên những chiếc ghe nhỏ kéo vào bờ, già trẻ lớn bé đều có. Mỗi lần đi vượt biên đều có những suy nghĩ và cảm tưởng khác nhau, nhưng không bao giờ thấy sợ hãi. Thất bại nhiều lần, phải nói là Hồ cũng chán nản.


      HUY PHƯƠNG: Nếu chán nản, ở lại thì sao hôm nay có Trúc Hồ ngồi ở đây được? Anh có thể cho biết chi tiết hơn về những chuyến vượt biên tiếp theo.

       

      TRÚC HỒ: Đó là năm 1981, lúc ấy, ở Saigon văn nghệ ca hát đã có vẻ cởi mở hơn. Đã có ban nhạc Hy Vọng, Đại Dương ra đời, dân chúng đã được nghe lại nhạc của Begees, Abba. Một Đại Hội Nhạc Trẻ được tổ chức tại Đà lạt, và Hồ lên đó lo về âm thanh. Tuổi trẻ ham vui, lo công việc, đôi lúc không nghĩ đến chuyện vượt biên nữa.

       

      Rồi sau Tết Âm Lịch năm đó, Hồ nghe tin một bạn thân của Hồ là Trạng vượt biên bằng đường bộ qua ngã Kampuchia thành công. Bác Hiệp Hoà, bạn thân của gia đình có quán cà phê gần nhà, giới thiệu cho Hồ ra đi, lần này là bằng đường bộ.

       

      Hồ được chở bằng xe Honda đi Châu Đốc, ở lại một đêm trong một gia đình người lạ, có lẽ họ thuộc đường giây đưa người đi. Đêm sau, họ lại chở xe đưa mình vào rừng, đi trong rừng suốt đêm thì xe tới một con dường tráng xi măng, từ đó chạy hai tiếng nữa là đến Nam Vang. Chuyến đi từ Saigon đến Nam Vang, mới đầu tưởng không có gì vất vả không có gì vất vả, gian nan như một chuyến vượt biên. Đến Nam Vang rồi, vào quán, có người kêu cà phê, hủ tiếu cho ăn. Từ Nam Vang đi tới biên giới Thái Lan bằng xe lửa, Hồ lúc bấy giờ mặc xà rông như Miên chính hiệu, da còn trắng mà cũng không hề biết một tiếng Miên nào. Tàu chưa chạy, công an đã lên tàu hỏi thăm, bắt mình xuống sân ga, nhưng người đưa Hồ đi đã móc vàng vụn ra hối lộ công khai trước mặt mọi người, rồi lại được lên tàu tiếp tục đi. Từ đó tới Battambang, Hồ phải qua những đêm lo sợ, kinh hoàng.

       

      Tới ngày thứ sáu, người dẫn đường cho Hồ bỏ trốn biệt tăm. Gần chợ biên giới, Hồ gặp một thằng bạn cùng hoàn cảnh bị bỏ lại như Hồ. Một bà già người Việt gốc Hoa tại Miên biết tiếng Việt cho biết là hai đứa đã bị bỏ rơi, tối đến thương tình dắt cho hai đứa đi tiếp con đường mà những người vượt biên đường bộ thường đi, theo một đám người buôn lậu hàng hoá qua Thái Lan.

       

      Đến đây mới biết có nhiều người cũng dùng đường bộ ra đi, trong đó cũng có rất nhiều đứa trẻ trạc tuổi mình. Sau đó cả toán được một thằng bé người Miên tốt bụng dẫn dường cho qua vùng đất đầy mìn bẫy, nó lanh lẹ như một con sóc, biết chỗ nầy có nước uống, chỗ kia phải dừng lại vì nguy hiểm. Đôi lúc nó nằm sát kê tai trên mạt đất nghe ngóng, rồi ngoắt tay cho cả bọn cùng chạy. Con đường này là tử lộ, bọn buôn lậu thường đụng độ, chém giết nhau như cơm bữa. Đêm đó, cả nhóm đi lẫn vào một toán buôn lậu người Miên.

       

      Hồ bị một tên lính Miên hung dữ dí súng vào đầu như muốn bắn, Hồ chỉ biết lâm râm cầu nguyện Đức mẹ, và không hiểu vì sao lúc đó, lại buột miệng ra nói một câu tiếng Miên mà mình không hiểu gì cả và tự nhiên tên Miên thu súng lại, ngoắt tay cho đi.

       

      Đến gần biên giới Miên-Thái thì Hồ thằng bạn dồng hành đã lẫn vào một đám khá đông người, đến đêm chờ lúc lính Thái đổi gác là cả bọn ù té chạy qua đất Thái Lan, miệng chỉ biết kêu "Vietnam! Vietnam!". Tất cả đều bị lính Thái bắt vào nhà giam. Một buổi sáng, lính Thái vào trại ra dấu kêu hai thằng Việt Nam ra, hai đứa đinh ninh là bị đem đi bắn, nhưng lại được kêu đi chùi rửa trực thăng cho chúng. Sau ba ngày hai đứa bị gọi leo lên xe truck, đứa nào cũng xanh mặt, sợ bị chở về lại đất Miên, nhưng cuối tình xe lại chạy thẳng vào trại tỵ nạn của hội Hồng Thập Tự Quốc tế.

       

      Tại đây, Hồ viết thư về nhà, cương quyết dặn dò, nhất định không cho ai trong gia đình vượt biên nữa. Tuy là giờ đây đã tới được đất tự do sau hơn mười ngày gian nan, tưởng đã chết mất mạng, nhưng trại tỵ nạn này lại là nơi khốn khổ khác. Ngày mỗi người được phát hai chén cơm, muối và một muổng dầu, nhưng không đủ nước uống. Cơm còn thừa, bọn coi trại đem đi đổ. Bọn Hồ chờ sẵn, mỗi lần thấy chúng đem cơm đi đổ là hè nhau xông vào giựt. Lúc đầu, Hồ rất ngượng, chờ tụi bạn giựt cơm xong chia lại cho ăn, nhưng chỉ mấy ngày sau, Hồ đã lanh lẹ, rành nghề, giựt cơm như điên. Cơm này đem về chiên với muối dầu, là một món ăn tuyệt hảo không bao giờ quên được. Với cảnh sống như vậy, Hồ chỉ biết cầu nguyện lên Đức Mẹ, nhiều lúc quẫn trí, muốn trốn trại về lại Việt Nam cho xong. Hồ nhớ đến con đường Trần Bình Trọng, xóm nhà thờ Chợ Quán, mấy đứa em và bạn bè. Bấy giờ là tháng 3 năm 1981.

       

      Sau hai tháng, Hồ dược chuyển qua trại Pannat Nikhom tức là trại tiếp chuyển (transit center) chuẩn bị đi định cư, coi như đã thấy ánh sáng sau những ngày tăm tối. Ông dượng Hồ ở quận Cam gởi cho Hồ $50 đầu tiên, Hồ khao bạn bè một bữa, có hủ tiếu bò kho và nước ngọt Coca Cola.


      HUY PHƯƠNG: Những ngày đầu định cư, Trúc Hồ ở tiểu bang nào va bắt dầu cuộc sống trên đất Mỹ ra sao?

       

      TRÚC HỒ: Ngày 20 tháng 8 năm 1981, Hồ bước chân đến San Francisco. Lâu nay cứ nghĩ ở Mỹ đâu cũng nhà cao chọc trời như New York hay Chicago, nhưng cuối cùng đến phi trường John Wayne, nhà cửa đường sá không có gì là vĩ đại.

       

      Đây là thời gian tăm tối nhất của Hồ, tất cả đều xa lạ, không bạn bè, không thân thuộc, tiếng Anh không biết. Suốt thời gian này, Hồ rầu rĩ, chán đời nhớ Việt Nam đến đứt ruột. Đây là thời gian Hồ nhớ tới người yêu, giờ này không biết lưu lạc ở nơi nào, hoàn tất bài "Dòng Sông Kỷ Niệm".

       

      Trường học đầu tiên của Hồ trên đất Mỹ là Fountain Valley High và Hồ dược xếp vào lớp 9. Năm Hồ lên lớp 11 thì tuổi đã 18, không thể nào ăn ở mãi trong nhà người bảo trợ. Một buổi chiều Hồ viết thư để lại, cám ơn và thu xếp áo quần, sách vở ra đi. Hồ về ở với gia đình một người bạn là Đỗ Phủ, năm đứa con trai chất vào một phòng: Hồ, Đỗ Phủ, hai đứa em và một người share phòng.

       

      Dần dà, đi lại quen biết, Hồ về dạy nhạc cho con bác Thời là bạn của ba Hồ (Ns Trúc Giang) để kiếm tiền tiêu. Năm sau, Hồ vào Community College, ghi danh học Toán, nhưng mới học xong một semester, Hồ lại nghĩ ngày trước mình xin cha đi Mỹ là cốt để có cơ hội học nhạc, bây giờ học Toán ra để là gì và tương lai ra sao? Hồ bắt đầu đi học piano với Dr. Gile, học phí mỗi giờ là $45.00, mỗi tháng Hồ phải đóng $180.00 tiền học nhạc. Để có đủ số tiền này, Hồ đi chùi rửa bàn bida tiệm ở thành phố Grden Grove, đi làm cho báo cho Orange County Register (công việc là bỏ quảng cáo vào tờ báo) mỗi week-end được $40.00, mỗi tháng được $160.00, như vậy là cũng tạm ổn.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ bắt đầu bước vào sinh hoạt ca nhạc ở hải ngoại bắt đầu từ bao giờ?

       

      TRÚC HỒ: Lúc đầu có người rủ Hồ đi chơi nhạc, nhưng lại không đủ tiền mua đàn. Về sau Hồ chơi trong ban nhạc Chí Tài, mỗi tuần 3 đêm, mỗi đêm được $70.00, mỗi tháng cũng được gần $1,000.00 và lần đầu tiên Hồ đi mở riêng một bank account cho mình. Học xong ba năm ở Golden West College, Hồ chuyển lên US Long Beach. Thời gian này, Hồ đờn cho ban Anh Tài, thu âm và chơi piano cho Dạ Lan, Anh Tài, thực hiện 7, 8 cuốn cassette, phát hành đi nhiều nơi trên thế giới, những chỗ có nhiều người Việt sinh sống.

       

      Sau 3 năm rưỡi học hành, cuối cùng Hồ cũng ra tay không. Bỏ học, Hồ đi đàn cho ban Trung Nghiã, thu băng cho nhạc sĩ Anh Bằng...Trung tâm băng nhạc nào có thu băng là Hồ xách đờn tới.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ có thể nói qua cho biết nguyên nhân nào đã khiến ngày nay Trúc Hồ gắn bó với Trung Tâm Asia và đài truyền hình SBTN đã được thành hình ra sao không?

       

      TRÚC HỒ: Hồ có lúc đã chán cảnh xách đờn đi thu cho hết trung tâm này đến trung tâm khác, nên Hồ nhận lời mời của nhạc sĩ Anh Bằng và thì chị Thy Vân (ái nữ của Anh Bằng), về làm "music director" cho trung tâm Asia, lúc đó tách ra từ trung tâm Dạ Lan. Bắt đầu từ đó, Hồ chung vốn làm Asia. Lúc ấy những cuốn băng Asia đều được dàn dựng và quây trong studio. Khi Las Vegas kỷ niệm 10 năm Ceasar, Hồ đưa ý kiến sao mình không quây luôn ngoài rạp khi trình diễn (tức là trực tiếp thu hình). Đó là thể nghiệm lần đầu và cuốn băng "Đêm Saigon I" tại Ceasar Palace coi như thành công.

       

      Asia đã đào tạo nên những ca sĩ tên tuổi như Như Quỳnh, Mạnh Đình, Lâm Thuý Vân, Lâm Nhật Tiến.... Còn Hồ thì bá nghệ: hoà âm, sáng tác, xử dụng nhạc khí, làm gì cũng được, nhưng may mắn là chỉ một vợ.

       

      Sau đó, Hồ, anh Đông, chị Vân hùn tiền làm phim, đó là cuốn "Cơn Mưa Hạ". Lúc mới bắt đầu hy vọng là sẽ có lời, nhưng cuối cùng cuốn phim lỗ vốn, hết sạch tiền, đây là lúc Hồ bắt đầu bán xới nhiều thứ.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ gặp nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ lúc nào, và cái gì đã gắn bó giữa hai nhạc sĩ của hai thế hệ này, cũng như Trầm Tử Thiêng đã đóng góp gì cho những cuốn băng nhạc Asia? Sau hết là Trúc Hồ đã học hỏi được gì từ con người Trầm Tử Thiêng?

       

      TRÚC HỒ: Các trung tâm thu băng nhạc thường nhờ anh Trầm Tử Thiêng viết hoà âm và phần Hồ thì đờn trong ban nhạc, nhất là trong thời gian làm cho đài văn nghệ truyền thanh của anh Lương Văn Tỷ, do đó cũng có quen biết nhau nhưng chưa đi tới chỗ thân tình. Khi anh em bắt đầu làm cuốn "Đêm Mưa Hạ", Hồ viết nhạc cho phim xong có nhờ anh Thiêng viết lời cho hợp với câu chuyện phim. Sau đó cuốn phim coi như thất bại như anh đã biết ở phần trên.

       

      Khoảng năm 1992 khi các trại tạm cư ở Đông Nam Á đóng cửa, tất cả con thuyền cập bến đều bị xua đuổi ra biển khơi và người tỵ nạn bị cưỡng bách hồi hương. Nhiều người đã mổ bụng tự sát trong khi cảnh sát xông vào các trại lôi kéo người bắt lên máy bay, những cảnh tượng này đã gây xúc động sâu xa trong lòng Hồ, một đứa trẻ ngày xưa đã ở trong trại tỵ nạn và may mắn đã được đến Mỹ. Từ đó, lòng Hồ luôn luôn nghĩ đến những đứa trẻ mà Hồ đã thấy sau những hàng rào giây kẽm gai ở các trại tỵ nạn, với đôi mắt thẫn thờ, vô vọng và từ đó, bài "Bên Em Đang Có Ta" ra đời. Viết nhạc xong, Hồ đem đến nhờ nhạc sĩ Anh Băng viết lời, nhưng anh Bằng đã nói anh viết loại này không hay, Hồ nên gặp anh Trầm Tử thiêng để nhờ anh viết lời và anh đã đáp ứng một cách sốt sắng. Đây là một bài hát có tính nhân bản, nhắm đến những đứa trẻ đang kẹt nhiều năm trong các trại, thậm chí có những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nhiều năm trong hàng rào kẽm gai.

       

      Nhiều khi cần trao đổi về lời lẽ, tính anh Thiêng không những không tự ái, trái lại rất thông cảm, anh em ngồi lại thảo luận, sửa đi sửa lại, và phải nói là lời ca của "Bên Em Đang Có Ta" quá tuyệt vời. Sau đó Hồ đã kêu gọi các ca sĩ Ngọc Lan, Trung Hành... và gần 70 ca sĩ tập họp để hợp ca bài này, ai cũng sốt sắng nhận lời, mỗi người hát một câu, như ai cũng giang cánh tay ra với các em . Sau đó, Việt Dũng đã giúp đỡ phổ biến CD này trên các đài phát thanh, gây nên những mối cảm xúc trong lòng người hải ngoại về chuyện cưỡng bách hồi hương.

       

      Sau đó, một bản nhạc viết chung khác giữa Trầm Tử thiêng và Trúc Hồ là bài "Bước Chân Việt Nam". Thật ra lúc đầu Hồ chỉ muốn viết một bài để cám ơn nước Mỹ đã bao dung chúng ta, mở đầu bằng câu "Thanks America!", sau đó anh Thiêng góp ý, rồi anh Nguyễn Hoàng Đoan đề nghị nhan đề là "Bước Chân Việt Nam" (đây là lúc Trầm Tử Thiêng chơi thân với gia đình chị Khánh Ly). Bản nhạc này đã khẳng định được sự hợp tác thành công giữa anh Thiêng và Hồ. Sau đó là "Một Ngày Việt Nam" với giai điệu hoài hương, nhớ nhà, nhớ Việt Nam. Cũng từ những tâm tình đó, Hồ đã viết "Việt Nam Niềm Nhớ." Rồi đến "Hẹn Nhau Năm 2,000", phấn khởi với niềm tin bốc lửa, đã làm cho Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng gần gũi khắng khít với nhau hơn.

       

      Anh Thiêng cũng đã giúp viết script cho Asia nhiều lần. Lời hát Trầm Tử Thiêng viết là những lời đẹp đẽ nhất, mang tâm trạng của những người tỵ nạn hải ngoại lúc nào cũng nghĩ về đất nước Việt Nam và mong mỏi có một ngày tươi sáng.

       

      Anh Thiêng là một người cứng rắn, cương quyết chống đối đến cuối cùng để giành lẽ phải, nhưng đầy lòng nhân hậu, lúc nào anh cũng nghĩ về quê hương và những người khốn khổ hơn mình. Anh em thường bàn luận về những vấn đề chính trị và hiện tình đất nước, phải nói là bạn bè rất tương đắc.

       

      Hồ học cách viết lời nơi anh Trầm Tử Thiêng, dung dị mà đượm tình người vì chính Hồ cũng biết những khuyết điểm về tiếng Việt của mình. Cách sống của anh Thiêng là hết lòng với bạn bè, thẳng thắn và không bao giờ buông thả, phản ánh con người nghệ sĩ mà "rất thầy giáo" của người nhạc sĩ này. Cũng xin nói rõ cho anh biết, là tuy tuổi tác cách biệt (anh Trầm Tử Thiêng cùng tuổi với Ba của Hồ) nhưng luôn luôn xem nhau như bạn bè ngang hàng, anh em hay nói rõ hơn là tri kỷ. Hai anh em đã đồng ý với nhau nhiều vấn đề và có ý nghĩ chung về đất nước, tương lai. Không bao giờ anh Thiêng ỷ lớn để áp đặt tư tưởng hay chơi ép Hồ. Nhiều khi anh em cãi nhau một nốt nhạc, một chữ trong bài, nhưng cuối cũng cũng thu xếp ổn thoả.


      HUY PHƯƠNG: Kỷ niệm nào làm cho Trúc Hồ nhớ Trầm Tử Thiêng nhất.

       

      TRÚC HỒ: Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm 1999, anh TrầmTử thiêng đã viết những lời chân thành nhất của một con người biết ơn cuộc đời, mà Hồ cũng như gia đình Asia đã để nguyên bản chữ viết của anh nơi bàn thờ anh, hiện nay được thiết lập tại văn phòng làm việc của Asia. Có lần anh Thiêng cho biết anh rất thích bài "Một Ngày Việt Nam", vì vậy mà khi anh mất, bên quan tài anh, anh chị em Asia đã quây quần hát bài này trong tang lễ để tiễn đưa anh ra đi.

       

      Đầu năm 2,000, Asia đang thu hình cuốn "Hẹn Nhau Năm 2000" tại Canada, Hồ gọi anh Thiêng cùng đi, nhưng anh từ chối. Lúc đó, Hồ cứ nghĩ là anh ngại di chuyển, hay là bị cảm cúm gì đó, nhưng không ngờ anh đang bị bệnh nặng. Lúc đó Hồ bán hai căn nhà dưới này để chuyển về một cái nhà 7 phòng trên Buena Park và dành một phòng để mời anh Thiêng về ở với Hồ, nhưng đã quá muộn. Từ Canada, Hồ chưa kịp về thì anh Thiêng đã mất. Việc xẩy ra quá nhanh, nghĩ lại lúc đó mình không biết phải làm gì.

       

      Hồi đó, Hồ không có kinh nghiệm về bệnh tật, không biết xoay xở với bệnh viện, cũng như không biết bác sĩ nào mà gởi gắm cho anh Thiêng. Hồ không dám trách ai trong cái chết của anh Thiêng, nhưng nghĩ lại việc anh ra đi là một sự mất mát quá nhiều cho Asia và cho bạn bè. Anh là một nhạc sĩ của tình yêu thương, của đất nước, mà cho tới bây giờ chưa có ai thay thế được anh. Sáng tác những ca khúc viết cho nhiều người cùng hát, giờ đây không có người thứ hai.

       

      Bây giờ mỗi lúc yếu đuối, nản chí vì một trở ngại nào đó, Hồ tưởng như có anh Thiêng bên cạnh, và anh nói bên tai Hồ: "bên em đang có ta!"


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ sang Mỹ đang lúc còn quá trẻ, làm sao có vốn liếng tiếng Việt để viết nhạc, cũng như Trúc Hồ có ảnh hưởng từ ai trong các địa hạt văn học, trong lối sống không?

       

      TRÚC HỒ: Hồ biết khuyết điểm của mình. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, hồ mới 11 tuổi, không học hỏi được gì về văn hoá, chỉ toàn là thứ chữ nghĩa ca tụng chế độ. Sang Mỹ mới có 16 tuổi, để có cơ hội trau giồi tiếng Việt, Hồ phải mua các loại sách văn thơ tiếng Việt. Cac loại báo như Văn, Văn Học... thì Đặng Hiền, bạn của Hồ cho mượn. Hồ thích đọc thơ của Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Tô Thuỳ Yên... Về phái các nhạc sĩ, Hồ học Phạm Duy ở nhiều chỗ tả cảnh trong nhạc, cách "chơi" chữ của Trịnh Công Sơn, ý tưởng của Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên hay Phạm Đình Chương, Hồ cũng học cách viết nhạc nơi bác Anh Bằng, bác hay dùng khoảng 8.

       

      Hồ cũng đã mê ngay Beattle khi lần đầu nghe "Michelle". Hồ cũng thích Bach, sau này có một đứa con đặt tên Bach.

       

      Theo Hồ, học hỏi về cách sống không có gì bằng xem phim hay đọc sách. Mỗi ngày Hồ ráng xem một phim, không phải loại phim giải trí thông thường mà là những cuốn phim có giải thưởng của Đức, Pháp, Ý, Đức, Nhật cả Liên Xô, Tiệp Khắc và Trung Hoa của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Nhà văn ảnh hưởng nhất với Hồ là Kim Dung với những bộ phim chưởng mà hồi nhỏ bị cấm đọc, bây giờ rất có ích cho Hồ trong việc xử thế, cho cuộc sống bạn bè... Đời sống có nhiều điều đơn giản nhưng rất quý giá cho mình, Hồ đã từng là thằng nhóc giựt cơm đổ ở trại tỵ nạn Thái Lan, bây giờ cái gì lại không quý đối với Hồ. Những điều có khi rất đơn giản với người khác lại là những điều rất quý giá cho mình.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ có thể nói qua về những sáng tác đắc ý nhất cùng với những kỷ niệm của nó.

       

      TRÚC HỒ: Bản nhạc đầu tiên của Hồ là bản nhạc viết ở Việt Nam, lẽ cố nhiên vào thời tuổi trẻ là một bản nhạc tình "Dòng Sông Kỷ Niệm" viết cho người yêu đầu tiên năm 16 tuổi. Bài hát viết dang dở thì Hồ vượt biên, sang đến Mỹ, trong thời gian đầu, buồn quá lại đem ra viết tiếp, hoàn tất, gởi về lại xóm cũ. "Trái Tim Mùa Đông" viết trong tâm trạng buồn nản, ảnh hưởng cuốn phim "Un Coeur d' Hiver" khi Hồ yêu âm thầm một người người con gái. Đời Hồ quá lận đận, anh nghĩ coi, Hồ thi vào lớp 6 trung học rớt, vào lớp 9 cũng rớt, thi vào Quốc Gia Âm nhạc trước 75 không xong, sau 75 vào QGAN cũng không đậu. Cái câu "suốt đời anh vẫn là người đến sau" mô tả tâm trạng "trái tim mùa đông" của Hồ.

       

      "Em Đã Quên Một Dòng Sông" đoạn đầu viết cho một người con gái bên này và phần sau viết cho một người con gái bên kia, coi như đoạn kết của "Dòng Sông Kỷ Niệm" khi người yêu đầu tiên đi lấy chồng.

       

      Sau này, theo thời gian, thực tình Hồ đã lớn mạnh hơn, từ những câu chuyện của một dòng sông nhỏ cá nhân, riêng tư, Hồ đã gặp một dòng sông khác mạnh mẽ hơn là Trầm Tử Thiêng, để cùng nhau đổ ra biển với những tình yêu lớn hơn, cao thượng hơn, đó là tình yêu đồng loại, yêu đất nước và quê hương đang còn khổ đau. Đó là "Bước Chân Việt Nam", "Bên Em Đang Có Ta".

       

      Hồ muốn cám ơn những người chiến sĩ vô danh, nhờ sự hy sinh của họ mà Hồ có mặt hôm nay tại xứ tự do, nên khi sửa soạn cho cuốn băng "Tình Khúc Thời Chinh Chiến", trên đường lái xe về nhà Hồ cứ lẩm bẩm điệp khúc: "Cám Ơn Anh, Cám Ơn Anh, người lính vô danh", sau đó viết trở lại đoạn đầu. Hồ ít khi gẫy đờn mà sáng tác, phần lớn trong khi đang lái xe, những dòng nhạc thành hình trong trí óc Hồ.


      HUY PHƯƠNG: Nói đến Trúc Hồ không phải chỉ có Asia mà lớn mạnh, phổ biến nhất trong cộng đồng hải ngoại, ai cũng biết đến đài truyền hình SBTN (Saigon Broacasting TV Network) do Trúc Hồ chủ trương. Vì sao Trúc Hồ quan tâm và bước vào một lãnh vực khá khó khăn này.

       

      TRÚC HỒ: Sau cuốn "Hành Trình Vì Tự Do", anh Đinh Xuân Thái gọi và rủ Hồ làm TV, vì có người bán Network truyền hình. Về địa hạt này, phải nói là Hồ mù tịt, nhưng có người gợi ý thì làm thử coi, vì Hồ cũng thích truyền hình. Thế là Hồ bàn với chị Vân, anh Thái rồi cùng nhau đi Colorado thương thảo với bên chủ Mỹ, công việc coi như thành công tốt đẹp.

       

      Nhưng có "deal" trong tay rồi mới thấy lo, tất cả bắt đầu bằng con số không. Tháng 12-2001 bắt đầu thử signal, chương trình SBN (tên lúc đầu) phát đi từ đầu năm 2002, mà thấy run, vì làm sao đủ chương trình để kín hết 24 tiếng đồng hồ, thế mà gồng mình, anh em làm việc ngày đêm để lo cho đài. SBTN có được ngày hôm nay, Hồ phải biết ơn Việt Dzũng, viết tin, đọc tin, huấn luyện xướng ngôn viên, ba năm trời làm việc mà không có một đồng lương, giờ giấc đều đặn như một cái đồng hồ. Có lẽ kiếp trước Dzũng nợ Hồ. Anh em vừa làm cameraman, vừa làm editing, dọn dẹp, chùi cầu tiêu, đêm nào cũng ba giờ sáng mới về đến nhà. Cuối tuần, có lễ lược trong cộng đồng, anh em kêu mình đi quay, nhưng không có tiền trả, cuối cùng Hồ vác máy đi quay về, ngồi edit ra chiếu luôn trên đài.

       

      Phần quảng bá các gia đình trong cộng đồng Việt Nam tại địa phương thì mỗi người giúp một tay, thông báo cho bà con, bạn bè. Nhưng nói chung là chết dở sống dở với cái đài truyền hình mà hồi đầu bắt tay vào mình chưa có một khái niệm gì, mong rồi nghề dạy nghề, mỗi ngày mỗi khá hơn. Hồ tin như có ơn trên khuyến khích mình tiếp tục làm. Mỗi tháng SBTN đốt không biết bao nhiêu tiền của Asia, thậm chí có khi quên mất Asia và nghĩ là một ngày kia Asia sẽ sập tiệm vì món nợ SBTN. Nhưng cuối cùng Hồ có lòng tin rằng không thể nào mình chết. Làm như có ơn trên, khuyến khích mình cứ vững tâm đi tới. Trong tình trạng này, nhân viên SBTN luôn luôn bị trễ lương, có khi không lương, với 1,000 máy TV tại gia khởi đầu đến 2, 3 nghìn máy cũng không sao bù lỡ nỗi.

       

      Chị Thy Vân đắp tiền vào SBTN khá nhiều, saving, stock đều lần lượt ra đi. Nhà Hồ đã bán hết equity, nghĩ mình đã mất hết thì không còn gì đã mất, cũng như mình bắt đầu từ số không thì hoàn lại số không, nhưng chỉ lo lắng vì mình mà nhiều người phải lao đao theo vì phải gánh vác.

       

      Từ khi có sự cộng tác của Direct TV thì gia đình nào cũng có thể bắt được băng tần của đài của SBTN một cách dễ dàng.

       

      Trong hoàn cảnh ấy Asia quay "Mùa Hè Rực Rỡ" tại California. Nam Lộc, Thy Vân, Việt Dzũng và Trúc Hồ ngồi lại bàn tính, mà Hồ nhớ cái tên "rực rỡ" cũng là do ý Việt Dzũng. Cuốn băng khá thành công và phần nào anh em lấy lại tinh thần. Asia không chết như điều mình lo sợ, càng ngày càng có nhiều khán thính giả yêu mến mà SBTN lại bắt đầu có khách.

       

      Hiện nay trên toàn quốc, SBTN đã đến với hơn 50,000 gia đình, và mỗi tháng có thêm khoảng trên dưới 1,000 gia đình gia nhập mua chương trình của Đài. Hy vọng một vài năm nữa con số này sẽ khuếch đại và SBTN sẽ đứng vững trong sự thương yêu của cộng đồng hải ngoại. Tuy vậy ban chủ trương phải cố gắng để mỗi ngày SBTN một bổ ích, mỗi vui hơn đi vào từng gia đình một như một người bạn thân thuộc.


      HUY PHƯƠNG: Trong những lúc vui buồn của Asia và SBTN, Trúc Hồ có bao giờ nghĩ đến Trầm Tử Thiêng không? Và đây phải chăng là những điều đã thúc đẩy Trúc Hồ thực hiện chương trình ca nhạc có quây hình trực tiếp mang chủ đề "Trầm Tử Thiêng- Trúc Hồ, Bước Chân Việt Nam" sắp tới tại Atlanta?

       

      TRÚC HỒ: Anh Thiêng mất đi phải nói là một sự mất mát lớn lao cho Trúc Hồ và Asia. Tuy vậy Trầm Tử Thiêng luôn luôn là người bạn gần gũi bên Hồ, một bàn thờ đã được thiết lập ngay trong phòng làm việc của Asia. Trong những đêm dằn vặt, thất vọng hay buồn phiền, Hồ vẫn đốt nhang trên bàn thờ anh Thiêng cầu anh Thiêng giúp Hồ vượt qua những giờ phút tăm tối nhất. Đó là những lúc Hồ lo lắng nhất cho Asia và SBTN, vì Asia sập tiệm thì SBTN cũng dẹp tiệm luôn. Trầm Tử Thiêng luôn luôn gần gũi bên Hồ, và Hồ luôn luôn tin tưởng anh Thiêng không bao giờ bỏ Hồ.


      HUY PHƯƠNG: Đường lối của SBTN và Asia của nhóm chủ trương ra sao?

       

      TRÚC HỒ: Anh cũng biết là SBTN và Asia không bao giờ vì tiền. Là người Thiên Chúa Giáo, Hồ vẫn chỉ mong và xin hằng ngày dùng đủ như kinh Lạy Cha. Hồ đến đây với hai bàn tay không, đã kề cận với cái chết, nếu có mất cũng không có gì để mất. Những lúc hiểm nghèo nhất, bị dí súng vào đầu, Hồ được Mẹ giúp cho phát ra một câu tiếng Miên mà Hồ cũng không rõ nghĩa. Nếu sau này có tiền thì tiền đó Hồ không để lại cho con mà dành để giúp đõ cho những người kém may mắn.

       

      Sau năm năm trời gầy dựng, đài SBTN có được vị thế ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của tất cả nhân viên của Đài đã hết lòng vì việc chung và phát triển không ngừng là nhờ sự yêu thương của đồng hương, mỗi ngày con số ủng hộ SBTN và Asia càng cao. Hồ tin tưởng vào lý tưởng mình theo đuổi, nghĩ đến những người đã mất, cả một đất nước chưa có tự do, dân chủ và đa phần dân chúng còn sống lầm than, cơ cực.


      HUY PHƯƠNG: Cuối cũng, cũng xin Trúc Hồ tiết lộ một ít chi tiết về gia đình nho nhỏ của anh sau cái gia đình Asia và SBTN?

       

      TRÚC HỒ: Hồi ở với gia đình cô Hà Thanh, Đỗ Phủ, Hồ muốn đi học nhạc mà không có đờn, Hồ phải lui tới mượn đờn organ ở ca đoàn nhà thờ Huntington Beach. Tới thư viện, Hồ gặp một cô bé người Huế ở đây mà linh tính cho Hồ biết rằng đó là người vợ tương lai của mình. Đó là Nguyễn Khoa Diệu Quyên như anh em đã biết.

       

      Năm 1990 Hồ lập gia đình, và bây giờ đã có hai cháu trai, một 13 và một 8 tuổi. Hiện nay Hồ sống chung sum họp cùng đại gia đình dưới một mái nhà cùng bố mẹ, vợ con và hai đứa em ở thành phố Garden Grove thuộc Little Saigon.


      HUY PHƯƠNG: Trúc Hồ muốn nói gì thêm nữa không"

       

      TRÚC HỒ: Miền Nam sụp đổ khi Hồ mới có 11 tuổi, nghĩa là Hồ không có kinh nghiệm gì về chiến tranh xẩy ra trên đất nước, ngoài chuyện ở miền Nam, được sống bình yên, vui chơi học hành. Nhưng khi Hồ lớn lên, trưởng thành, Hồ được thấy, nghe và học hỏi nhiều nơi gia đình, bạn bè và trong sách vở về cuộc chiến, về tự do và độc tài, về hạnh phúc và đau khổ.

       

      Hồ có may mắn chưa biết chiến tranh là gì, trong khi bao nhiêu đàn anh, bà con của Hồ đã bỏ mình ngoài chiến trận. Hồ may mắn vượt biên thành công đến Mỹ, trong khi bao nhiêu người phải bỏ mình trên biển cả. Cũng không phải ai cũng có được một gia đình sum họp, êm ấm như Hồ, Hồ chỉ biết cám ơn Đức Mẹ đã che chở cho Hồ và gia đình như những ngày Hồ suýt chết trên đất Miên. Đã từng bị đói khát và chạy dựt cơm trong trại tỵ nạn NWG ở biên giới Miên-Thái, Hồ không còn thấy gì là khổ cực nữa, dù bị thất vọng hay trắng tay. Hồ cho mình là người may mắn và mong giúp ích gì được cho những người khác.

       

      Qua Asia và SBTN thì anh cũng như đồng hương, khán thính giả sẽ hiểu những gì Hồ suy nghĩ và đang làm việc, những gì chưa được hoàn hảo thì một phần cũng do hoàn cảnh chưa làm được. Không có đồng hương tâm đắc, đi chung một con đường thì trung Tâm Asia và đài SBTN không có được như ngày hôm nay.

       

      Xin cám ơn anh Huy Phương và các khán thính giả cũng như độc giả nếu có dịp theo dõi cuộc chuyện trò này.


      (30/4/07)

      Huy Phương phỏng vấn

      Nguồn: vietbao.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - “Sách vở ích gì cho buổi ấy!” Huy Phương Tạp ghi

      - Chuyện Trò Với Nhạc Sĩ Trúc Hồ Huy Phương Phỏng vấn

      - Trầm Tử Thiêng, người chép sử lưu vong bằng âm nhạc Huy Phương Nhận định

      - Nỗi Buồn Chiến Tranh Qua Thi Ca Miền Nam (1945-1975) Huy Phương Nhận định

      - Hồi Ký và cái "Tôi" Đáng Ghét Huy Phương Tạp ghi

      - Tự Lực Văn Đoàn trong tôi Huy Phương Tham luận

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

      Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)

      Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)

      Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)

      Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)

      Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)

      Trần Quang Lộc - Người Về Khuất Chân Trời (Lê Chiều Giang)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)