|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà âm nhạc học Trần Quang Hải
Trong phạm vi một bài viết, dù dài bằng 2 kỳ báo, cũng không thể đề cập một cách đầy đủ về tiểu sử cùng những hoạt động của Trần Quang Hải trong lãnh vực nhạc dân tộc mà ông là một tên tuổi lớn thuộc hàng quốc tế. Phạm vi đó không thể đủ để liệt kê tất cả 25 văn bằng danh dự và những huy chương ông đã được trao tặng từ năm 1983 đến nay. Khởi đầu với “Grand Prix Du Disque De l’Académie Charles Cros” trao tặng cho đĩa nhạc “Việt Nam: Trần Quang Hải et Bạch Yến” và gần đây nhất là “Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh” do chinh tay tổng thống Pháp Jacques Chirac trao cho ông vào năm 2002.
Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được nhận vinh dự này từ một vị nguyên thủ của nước Pháp để tưởng thưởng cho công trình nghiên cứu âm nhạc trong suốt 30 năm, “đã làm cho thế giới biết về sự nghiên cứu của một người ở xứ Pháp. Cho thế giới thấy rằng sự nghiên cứu của nước Pháp được bành trướng”
Về những đại hội âm nhạc cổ truyền cũng vậy, không thể kể ra hết trên 150 lần tham dự của Trần Quang Hải tại khắp các quốc gia trên thế giới. Đó là chưa kể những lần trình diễn của ông tại nhiều đại hội có tính cách lịch sử như kỷ niệm 200 năm thành lập Úc Châu (1988), 200 năm cuộc cách mạng Pháp (1989), 700 năm thành lập nước Thụy Sĩ (1991), 350 năm thành lập thành phố Montreal, Canada (1992) hoặc 500 năm khám phá ra Mỹ Châu bởi Christophe Colomb (1992), vv…
Thêm vào đó là một con số kỷ lục về những chuyến lưu diễn của ông – có nhiều lần cùng với Bạch Yến – tại trên 50 quốc gia từ năm 1966 tới nay: tất cả trên 2500 lần! Chưa hết, hoạt động của nhân vật nổi tiếng về âm nhạc học này chưa dừng lại ở đó. Cho đến nay, ông từng giảng dạy về âm nhạc cổ truyền cho rất nhiều trường đại học trên thế giới. Ông còn là hội viên của trên 40 Hội Nghiên Cứu Khoa Học Qưốc Tế và cũng là tác giả của nhiều tác phẩm biên khảo âm nhạc giá tri. Tiểu sử của ông đã được nhắc đến trong 24 quyển tự điển dành cho các nhân vật quốc tế có nhiều đóng góp trong các lãnh vực. Với ông là sự đóng góp vào nền âm nhạc cổ truyền thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Muốn tìm hiểu thêm chi tiết về những gì ông đã thực hiện từ hàng chục năm qua, tốt hơn hết hãy viếng thăm trang nhà của ông tại: http://www.tranqhai.com.
Trọng tâm của bài viết này nhắm vào 3 vai trò của Trần Quang Hải: nhạc sĩ trình diễn, nhạc sĩ sáng tác và nhà âm nhạc học. Qua từng vai trò, ông đã trình bầy một cách cặn kẽ với tất cả sự cởi mở của một người nghệ sĩ cùng với những chi tiết và dẫn chứng lý thú của một nhà nghiên cứu và biên khảo về âm nhạc.
Trần Quang Hải là nhạc sĩ đời thứ 5 trong một gia đình nhạc sĩ cổ truyền miền Nam. Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm 1944 tại Linh Đông Xã, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Thân phụ ông là giáo sư Trần Văn Khê, cựu giáo sư dân tộc nhạc học của trường đại học Sorbonne (Paris IV). Thân phụ ông cũng là hội viên danh dự của Hội Đồng Quốc Tế Âm Nhạc của Unesco và là chuyên gia nổi tiếng thế giới về nhạc Á Châu, đặc biệt là nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Giáo Sư Trần Văn Khê năm nay 85 tuổi, đã về Việt Nam sống từ vài năm nay. Ông sẽ dành mọi tài liệu, những bộ sưu tập và công trình nghiên cứu của ông do một trung tâm văn hóa được đặt tên là Trung Tâm Trần Văn Khê, sắp được khánh thành tại Bình Thạnh trong khi bài viết này đang được thực hiện.
Khi được hỏi thích thú với vai trò nào nhất trong 3 vai trò mà ông đều nổi tiếng: nhạc sĩ trình diễn, nhà soạn nhạc và nhà âm nhạc học, Trần Quang Hải đã trả lời không lưỡng lự là ông thích nhất làm một nhạc sĩ trình diễn nhạc dân tộc với lý do duy nhất là có được sự tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Trần Quang Hải giải thích. Còn về vấn đề nghiên cứu âm nhạc thì người đọc cần phải có thì giờ suy ngẫm. Trong lãnh vực sáng tác nhạc thì “có thể người ta thích, có thể người ta không thích. Nên người ta phải đặt vấn đề. Còn đối với việc trình diễn, mình có kết quả liền lập tức khi đối diện với khán giả”
Tuy vậy vấn đề đó cũng không phải là đơn giản, nhất là ông phần lớn trình diễn nhạc dân tộc trước những khán giả không phải là người Việt. Cho nên ông phải dùng một loại ngôn ngữ khác mà ông thí dụ như làm một món ăn để đưa ra một món phù hợp với khẩu vị của người ăn “thì lúc đầu mình phải làm sao đưa ra những món ăn rất dễ như chả giò, giống như tôm chiên. Thì lần lần mình mới cho ăn những món mắm tôm hay là những món rất đặc biệt của Việt Nam”
Với kinh nghiệm đã đi trình diễn ở rất nhiều nơi nên biết qua những lần tiếp xúc với dân tộc nào lần đầu tiên ông sẽ “cho ăn món gì dễ ăn tức là cho nghe nhạc gì dễ nghe để người ta quen” như ông nói. Sau đó ông mới dần dần đưa những sắc thái đăc biệt dân tộc của Việt Nam đến với họ. Nhờ vậy sự tiếp thu nơi khán giả có phần dễ dàng hơn khi đưa họ đến liền với những nét thuần túy dân tộc. Cùng một lúc, bằng một thí dụ, Trần Quang Hải đưa ra nhận xét về sự khác biệt về việc trình diễn nhạc dân tộc trước khán giả Việt Nam và khán giả các quốc gia khác: “Thí dụ mình trình diễn cho người Việt Nam, tôi nói sẽ đờn cho anh nghe một bài nhạc cổ truyền, bài Nam Xuân hay là bài Vọng Cổ hoặc Nam Ai, vv.. . thì mình phải đờn hết nguyên bài đó thiệt là dài, như 4, 5 phút. Còn trình bày trước những người Tây Phương thì mình đờn những bài chừng 1 phút rưỡi hay 2 phút thôi. Rồi mình đổi từ điệu Bắc sang điệu Nam, rồi cắt nghĩa. Còn đối với người Việt Nam nếu tôi đờn bài vọng cổ thì ai cũng biết vọng cổ là gì rôi.”
Với ông, vấn đề hướng dẫn từng bước đối với khán giả Tây Phương cùng với những dẫn chứng cụ thể được coi là quan trọng hơn cả khi muốn lớp khán giả đó làm quen với âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Phân tách sâu hơn, đề cập đến sự khác về sự lĩnh hội âm nhạc cổ truyền giữa khán giả Tây Phương và Bắc Mỹ hoặc những nước khác. Với người Tây Phương chưa bao giờ nghe nhạc Việt Nam thì theo ông, có lẽ sự lĩnh hội sẽ giống nhau khi khám phá ra những sự mới lạ, Trần Quang Hải đưa ra nhận xét của ông. Đặc biệt như trong quá khứ, như người Mỹ chẳng hạn, họ có thể từng bị lôi cuốn bởi nhạc của Ái Nhĩ Lan hay Tô Cách Lan, có nguồn gốc âm nhạc ngũ cung nên khi nhạc cổ truyền Việt Nam dễ cảm nhận hơn những người thuộc các quốc gia khác không mang âm hưởng ngũ cung trong nhạc truyền thống.
Trong vai trò một nhà soạn nhạc, Trần Quang Hải đã có một số lượng sáng tác đồ sộ với khoảng 500 bài. Tuy nhiên đại đa số được sáng tác theo sự đòi hỏi của xã hội Tây Phương ông đang sống để phục vụ một tầng lớp khán giả nào đó. Về tân nhạc Việt Nam, ông cũng đã sáng tác được một số, tất cả đều dựa trên âm giai ngũ cung. Trong số có nhạc phẩm Tân Hôn Dạ Khúc, ông sáng tác trong dịp lập gia đình với nữ ca sĩ Bạch Yến tại Paris vào năm 1978. Riêng với những sáng tác dành cho thính giả Tây Phương, ông đã áp dụng âm giai thất cung hoặc thập nhị bán cung để tạo được sự phù hợp cho tầng lớp thính giả này.
Nhìn dưới khía cạnh một nhà nghiên cứu âm nhạc, đối với nhạc đương đại, vấn đề sử dụng cùng một ngôn ngữ âm nhạc cần được nắm vững trong việc sáng tác. Ông đưa ra thí dụ cụ thể như nói tiếng Pháp, phải dùng văn phạm Pháp. Nói tiếng Anh phải áp dụng văn phạm Anh. Tiếng Nga, tiếng Đức hay bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy. Chứ không phải “nấu bất cứ món gì cũng bỏ nước mắm vô hết”, như ông nói: “những món mà phải bỏ beurre hay là bỏ Maggi mà mình cứ bỏ nước mắm vô cũng như sáng tác nào cũng bỏ ngũ cung vào, bỏ điệu nhạc của mình vô thành ra bị loạn hết mà không có gì gọi được là đặc tính riêng của một người nhạc sĩ.”
Những lần tiếp xúc với Trần Quang Hải qua điện thoại hoặc trực tiếp như trong lần đến nhà vợ chồng ông tại Lemeil Brevannes ở ngoại ô Paris cách đây vài năm, tác giả thường được nghe ông nhắc nhiều đến vấn đề ẩm thực mỗi khi đề cập đến âm nhạc. Về điểm này ông vui vẻ cho biết về sự sáng tạo của ông trong việc nấu nướng:
“Tôi rất thích ăn và rất thích nấu. Thành ra mỗi khi Bạch Yến đi đâu xa thì tôi thừa dịp đó tung hoành trong nhà bếp. Tôi chế ra nhiều món vì tôi khoái chế biến lắm. Như tôi nấu phở là tôi học phở ở nhiều người, nhiều bà biết nấu phở. Nơi nào nghe nói ngon là tôi đi, tôi chạy lại học. Học được rồi, đem về tôi thí nghiệm. Bây giờ mình thử lấy cái này, mình bỏ vô cái này. Từng là mình dung hòa để tạo ra, sáng chế ra một cách nấu phở mới. Thành ra có thể nấu ngon hoặc có khi mặn quá, ngọt quá hay lạt quá. Sự tìm kiếm trong cách nấu ăn cũng giống như mình tìm kiếm và sáng tạo ra một cái gì đó trong lãnh vực âm nhạc. Có khi thành công, nhưng có khi không thành công”.
Và như vậy phải chăng có sự tương quan giữa nghệ thuật nấu ăn và âm nhạc? Vị tiến sĩ về âm nhạc học với nhiều bằng cấp cao về âm nhạc đã trả lời không đắn đo: “Có rất nhiều! Anh thử để ý coi, một người nhạc sĩ hay một người ca sĩ giỏi thì thường thường nấu ăn rất ngon. Họ rất thích ăn và thích được ăn ngon. Thì chính sự ăn ngon tạo cho khẩu vị của họ rất đặc biệt. Thì khi họ hát lên, họ nghe được bài nhạc nào đó thì họ dễ thấm vào trong đầu óc, trong lỗ tai của họ. Thành ra giữa lỗ tai và cái lưỡi, hai giác quan đó rất là gần nhau”.
Dù Trần Quang Hải rất thích thú với vai trò nhạc sĩ trình diễn nhạc cổ truyền, nhưng thật sự vai trò được coi là giá trị nhất đối với ông là một nhà âm nhạc học. Chính âm nhạc học đã bổ sung rất nhiều cho vai trò nhạc sĩ trình diễn của ông. Những tìm tòi, những khám phá sâu xa trong lãnh vực nhạc cổ truyền đã khiến nghệ thuật trình diễn của Trần Quang Hải thêm phong phú và rất linh động qua tài nghệ sử dụng rất nhiều nhạc khí của ông. Chúng ta hãy cùng với Trần Quang Hải đi vào thế giới chuyên môn của ông là âm nhạc học, một thế giới ông đã bước vào một cách ngẫu nhiên sau khi sang Pháp du học vào năm 1961…
Trước đó, ông không nghĩ tới việc theo ngành nghiên cứu âm nhạc. Đúng ra ông muốn trở thành một nhạc sĩ trình diễn vĩ cầm sau khi đã theo học nhạc khí này với cố nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt một thời gian. Nhưng sau khi qua Pháp, ông đã được thân phụ là giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu với một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới tên Yehudi Menuhin. Chính ông này đã nói với Trần Quang Hải là nước Pháp không cần một nhạc sĩ vĩ cầm mà cần một người thầy về nhạc cổ truyền Việt Nam. Vậy thay vì mất 10 năm để học vĩ cầm, vị giáo sư này khuyên Trần Quang Hải nên trở về học với thân phụ ông là giáo sư Trần Văn Khê để tiếp tục đời thứ 5 về âm nhạc cổ truyền của gia đình. Câu hỏi của giáo sư Menuhin đưa ra là “tại sao không trở về nguồn cội để tiếp tục truyền thống gia đình“ đã thúc đẩy Trần Quang Hải đi vào con đường âm nhạc dân tộc. Và từ năm 1962, ông ghi tên học dân tộc nhạc học trong 8 năm tại trung tâm Nghiên Cứu Nhạc Đông Phương (Centre D’Études De Musique Orientale) do giáo sư Trần Văn Khê làm giám đốc. Và cũng từ đó, ông đi vào việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc.
Là người miền Nam, thoạt đầu Trần Quang Hải chú trọng nhiều về nhạc cổ truyền miền Nam. Dần dần ông đến với nhạc miền Trung. Rồi kế đó cảm thấy thích thú khi khám phá ra nhạc cổ truyền miền Bắc như Ca Trù, Chầu Văn, Chèo cổ cùng những điệu dân ca quan họ Bắc ninh cũng như hát Trống Quân, vv… để cuối cùng đi đến kết luận: “Dần dần mình thấy rằng mỗi một tuyền thống dân ca cũng như trong nhạc thính phòng hay cung đình có những sắc thái hoàn toàn khác” .
Sau này Trần Quang Hải còn khám phá thêm âm nhạc của 53 sắc tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam. Sự khám phá này đã cho ông thấy một nướcViệt Nam rất đặc biệt về nhạc ngữ, qua sự phong phú trong âm nhạc của các dân tộc miền cao nguyên.
Trước năm 1961 khi còn ở Việt Nam, Trần Quang Hải từng nghe rất nhiều nhạc phẩm tân nhạc Việt Nam, mặc dù chuyên về nhạc cổ điển Tây Phương. Và như bao thanh thiếu niên đồng thời ông cũng bị cuốn hút theo phong trào nghe nhạc Tây Phương. Ông nghe đủ loại, từ nhạc của George Gershwin như An American In Paris hay Porgy And Bess cho đến những nhạc phẩm thịnh hành thời đó như Green Fields hoặc những nhạc phẩm trình bầy bởi Paul Anka, Pat Boone, The Platters, vv… cùng các nhạc phẩm được gọi là nhạc trẻ vào thời đó. Hàng tuần ông cũng thường tham dự những buổi dạ vũ gia đình với bạn bè trong cùng lứa tuổi 15, 16 trong khi chưa biết gì về nhạc cổ truyền Víệt Nam cũng như không thích nghe loại nhạc này vì đối với ông nghe rất buồn. Khi sang Pháp và sau khi đi học ông mới nhận thức được nhạc cổ truyền có một sự phong phú rất đa dạng. Trần Quang Hải thật sự không ngờ sau đó mình lại đi theo con đường này.
Ông cho rằng hoàn cảnh đã tạo nên ông như vậy mà không phải do bản tính tự nhiên.
Nhạc khí cổ truyền Trần Quang Hải sử dụng nhuần nhuyễn nhất là đàn tranh. Với nhạc khí này ông đã thực hiện trên 15 đĩa nhựa 33 vòng và 8 CD với nghệ thuật sử dụng đúng theo truyền thống. Ngoài ra ông còn áp dụng kỹ thuật của người Trung Quốc, Nhật và Đại Hàn tạo thành một kỹ thuật đánh bội âm trên cây đàn tranh bằng cả 2 bàn tay, khiến cho nhạc khí này trở nên phong phú hơn và giầu hơn về âm sắc. Ngoài đàn tranh, Trần Quang Hải còn sử dụng được nhiều nhạc khí cổ truyền Việt Nam khác như đàn nhị, đàn bầu, vv…
Sau này ông còn học tiếp nhiều loại đàn khác như một số nhạc khí Ấn Độ, đàn Ba Tư, đàn cò Trung Quốc hay Gamelan của Nam Dương. Từ đó ông khám phá ra âm nhạc cổ truyền của các quốc gia Á Châu khác và dần dần tới các nước ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Điểm này đã khiến Trần Quang Hải nhận thấy lãnh vực âm nhạc cổ truyền rất rộng và đa dạng, vv… Cũng nhờ vậy ông có dịp quen biết và học hỏi được nơi nhiều nhạc sĩ cũng như những nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới, giúp cho nghệ thuật sáng tác của ông có thêm được nhiều mầu sắc mới mẻ và đặc biệt.
Nhắc đến Trần Quang Hải, hẳn ai cũng biết đến tài nghệ đánh muỗng (culliers/spoons) của ông. Thoạt đầu khi mới bắt đầu học từ khi lên 7, ông tưởng nghệ thuật này là của người Việt. Nhưng sau khi qua Pháp, ông mới khám phá ra đánh muỗng đã do những người đi lính ở bên Nga truyền sang những quốc gia Âu Mỹ khác. Với một đầu óc sáng tạo và chế biến, Trần Quang Hải đã phối hợp tất cả những kỹ thuật đó để tạo thành một số kỹ thuật về đánh muỗng. Nhờ đó, trong một kỳ liên hoan về nhạc dân tộc tại Cambridge Folk Music Festival, Anh Quốc, ông đã chiếm giải nhất vào năm 1967 và được bầu là “Vua Đánh Muỗng”
Cũng với vai trò một nhà nghiên cứu âm nhạc, Trần Quang Hải sau đó học thêm đàn môi (guimbarde/ jew’s harp) với một người Anh tên John Wright vào năm 1965. Từ đó ông thường cùng với John đánh đàn môi chung và tìm cách tạo ra một đường đi, phối hợp tất cả những kỹ thuật đã nghe được trong khi đi học về âm nhạc. Từ đó ông mới khám phá ra trước đó đàn môi đã có mặt tại hàng chục quốc gia. Với mục đích phát triển thêm khả năng của đàn môi, Trần Quang Hải đã gom góp tất cả những tài liệu để tạo ra một kỹ thuật riêng. Như với đàn môi, ông có thể tạo ra tiếng nói và chơi được những loại nhạc khác, chẳng hạn như Techno. Cho đến nay, ông sử dụng được tất cả những loại đàn môi trên thế giới với những hình dạng và chất liệu khác nhau, như tre hay thép.
Cách đây vài năm, ông chế tạo được một cây đàn môi riêng của mình làm bằng vàng pha đồng, gọi là đàn môi Trần Quang Hải. Nhưng kết quả không được tuyệt hảo như ý ông muốn nên ông đã ngưng sử dụng. Đàn môi đặc biệt nhất theo ông là của người H‘Mong ở Việt Nam. Đó là một miếng bằng thau rất mỏng với một lưỡi gà, hiện được nhiều nước Âu Châu mua. Nhờ đó những người làm đàn môi ở Việt Nam chế ra hàng chục ngàn cây với hai lưỡi gà đánh cùng một lúc trong miệng để bán trên toàn thế giới. Trong khi đó những người thuộc sắc tộc Jarai lại làm đàn môi bằng thép với khung bằng tre. Hoặc họ tạo ra từ một khúc tre với điểm căn bản là sự di động của miếng lưỡi gà. Khi để vào trong miệng sử dụng sẽ tạo thành những cao độ khác nhau. Đàn môi cũng chuyên dùng bội âm như khi hát đồng song thanh. Hoặc như hầu hết những nhạc cụ sử dụng bằng miệng để tạo ra âm thanh.
Với 3 nhạc khí là đàn tranh, đàn muỗng và đàn môi Trần Quang Hải đã tạo được một thế đứng vững vàng trong thế giới sinh hoạt âm nhạc cổ truyền Tây Phương qua những đại hội âm nhạc quốc tế… Khi muốn giới thiệu âm nhạc Việt Nam, ông sử dụng đàn tranh. Với đàn môi, ông thường trình diễn chung với những nhạc sĩ của các quốc gia khác tại những đại hội âm nhạc thế giới, tức “World Music”. Còn đàn muỗng thường được ông sử dụng trong các loại nhạc như Country, Blue Grass hoặc Cajun với những ban nhạc của Mỹ. Khi sang Canada, ông đã dùng đàn muỗng để phối hợp với những nhạc sĩ địa phương sử dụng violon hay accordéon trong các điệu dân nhạc hoặc một điệu múa gọi là “danse carrée” rất thịnh hành trong quần chúng thuộc giới lớn tuổi.
Nhưng khám phá quan trọng nhất của Trần Quang Hải trong vai trò một nhà âm nhạc học chính là kỹ thuật hát đồng song thanh (chant diphonique/ overtone singing) của người Mông Cổ vào năm 1969. Từ đó đến nay ông đã để hết tâm sức vào việc phát triển kỹ thuật độc đáo này, “tức là tôi dùng kỹ thuật ở trong miệng. Khi làm cái đó, tức là mình có một cái âm thanh đầu tiên là cái âm thanh chánh. Trên âm thanh đó mình có một số bội âm. Với sự luyện tập có thể tách rời từng bội âm trong âm thanh chánh”. Theo tài liệu, kỹ thuật đồng song thanh xuất phát từ Mông Cổ từ rất lâu, vào khoảng cuối thế kỷ 19. Trong khi đó ở Ý vào thế kỷ 16 đã có người vừa hát vừa thổi sáo. Tuy nhiên người này bị giáo hội Công Giáo, vào thời đó rất mạnh, kết tội là bị quỉ nhập vì có giọng của ma quỉ. Nhưng 500 năm sau thì đó lại được đánh giá như một giọng ca thiên thần hoặc một giọng pha lê rất đặc biệt…
Đi sâu vào kỹ thuật đồng song thanh, Trần Quang Hải đã khám phá ra người Trung Quốc và Mông Cổ đã dùng bội âm để hát những bài trên âm giai ngũ cung nên nhận ra rằng họ dùng những bội âm 6, 7, 8, 9,10 và 12. Từ đó ông cho rằng với một nhạc phẩm Việt Nam theo ngũ cung, kỹ thuật đó có thể áp dụng được, chẳng hạn như bài “Cò Lả”.
Nhưng kỹ thuật đồng song thanh dựa trên những căn bản nào, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải cho biết: “Trước hết, mình phải vận hơi làm sao để phát ra một hơi của mình trên một note nhạc. Như Mi, Fa hay Sol. Mình phải giữ hoài âm của “note” đó, không được thay đổi cao độ. Ở phía trên mình thay đổi với cái lưỡi và cái miệng để tạo ra những cao độ khác nhau.”
Sau một thời gian dài tập luyên về kỹ thuật độc đáo này cùng với những cuộc thí nghiệm về âm thanh, Trần Quang Hải đã tạo ra một công thức và một trường phái riêng về đồng song thanh để giảng dạy. Hiện nay có khoảng 8000 ngàn người đã theo học ông về đồng song thanh trên 65 quốc gia. Năm 1995 tại Tuva, ông được chọn làm chủ tịch của cuộc thi hát Đồng Song Thanh, cùng một lúc nhận được giải thưởng cao về kỹ thuật này.
Tính từ khi sang Pháp du học từ năm 1961 đến nay, Trần Quang Hải đã về Việt Nam hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1997 do tổ chức UNESCO mời với tính cách là một chuyên gia tham dự hội thảo về cây tre dùng trong âm nhạc. Lần thứ nhì vào năm 2002 do đài BBC mời về cùng với Bạch Yến để thực hiện 2 chương trình phát thanh về nhạc cổ truyềnViệt Nam với nội dung xoay quanh cảm nghĩ của một nhạc sĩ xa rời đất nước trên 40 năm về nền âm nhạc trong nước: Cùng một lúc, ông đã đi một số nơi để thu thanh những tài liệu về ca trù, cải lương tài tử, múa rối nước, thăm những lớp dạy về nhạc khí dân tộc tại Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm Nhạc, vv…
Trả lời câu hỏi mang tính cách cá nhân, ông có dự định về thăm hoặc về sống tại quê hương không? Trần Quang Hải đưa ra cảm nghĩ của mình:
“Cái đó cũng hơi khó tại vì tôi không thích đi về gọi là để đi chơi. Nếu tôi về thì hoặc là đi dạy hay nghiên cứu. Có thể sau này tới tuổi hưu trí không còn làm việc nữa thì mình có nhiều thì giờ hơn để về thăm quê hương. Chứ bây giờ thì tôi bị lôi cuốn vào trong cái mê hồn trận, cuối tuần nào cũng đi ra xứ ngoài để dạy học hoặc là đi làm việc. Có thể sau này khi hưu trí rồi thì nếu có điều kiện tôi sẽ về thăm gia đình. Má tôi còn ở bên Việt Nam, mà năm nay đã 85 tuổi rồi. Ba tôi cũng mới về Việt Nam thành ra ba má đều ở bên đó. Không phải là tôi nghĩ bậy, nhưng một ngày nào ba má tôi từ trần thì chắc chắn lúc đó tôi phải đi về… Không phải về đi chơi mà về để đưa đám ma. Và nếu trong xứ có những điều kiện thuận lợi để tôi đi về giảng dạy hay để truyền lại một cái gì đó thì tôi thấy rằng không phải là vấn đề cản trở với tôi”.
Trong khi đó, Trần Quang Hải vẫn tỏ ra có nhiều hoạt động mạnh mẽ trong sinh hoạt âm nhạc với những chuyến tham dự hội thảo hoặc giảng dạy liên miên. Chỉ trong tháng 10 năm 2005 vừa qua, ông đã và sẽ thực hiện nhiều chuyến đi như đi Đức để thuyết trình về đề tài nhạc đám ma trên thế giới, kế đó là qua Ái Nhĩ Lan để thảo luận với các giáo sư của trường đại học Limerick về đề tài giảng dạy dân tộc nhạc học cho cấp cử nhân. Kế đo, ông qua thủ đô Oslo của Na Uy để tham dự một cuộc hội thảo về cách hát đồng song thanh trong những sáng tác nhạc đương đại. Ông lại sang cả Venise bên Ý để dạy hát đồng song thanh. Tiếp theo đó, ông đã tham dự một đại hội về đánh đàn môi trên đảo Sicilia trong một tuần lễ với tính cách là một người chuyên môn về loại đàn này.
Với số tuổi đã khá cao, Trần Quang Hải – một người có bệnh tiểu đường từ 6 năm nay – cho biết ông đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi sau khi đã thực hiện rất nhiều chuyến đi lưu diễn khắp nơi từ hàng chục năm nay:
“Nhất là phải khệ nệ khiêng mấy cây đờn đi trình diễn. Cái sức của mình không còn giống như hồi ngày xưa nữa. Mình đi đờn mà tới nơi mình mệt, nên cần phải nghỉ. Nghỉ rồi đến hồi mình đi ra đờn, đờn mới được hơn nửa tuồng là bắt đầu thấy trong người cũng hơi mệt mệt! Thành ra vấn đề trình diễn mình không còn hăng hái như ngày xưa. Và tiếng đờn cuả mình với tuổi tác có thể nó già dặn hơn nhưng có điều nó không còn cái sức mạnh như hồi còn trẻ. Thành ra tôi cũng nghĩ trong một vài năm nữa là gác kiếm lui về vườn, chỉ là đi dạy học hoặc là đi nghiên cứu thôi”.
Sau gần 3 năm nữa, Trần Quang Hải sẽ chính thức về hưu. Ông cho biết sẽ cho phát hành một quyển hồi ký về những chuyến đi của mình. Trong đó hẳn sẽ có nhiều kinh nghiệm quí giá cho những ai tha thiết với nền âm nhạc cổ truyền. Nhất là tác giả của quyển hồi ký đó là một người luôn chú trọng đến việc sưu tầm những tài liệu quí giá mà ông cho biết số lượng tài liệu của ông còn nhiều hơn cả nơi ông làm việc với hàng ngàn sách, trên 3000 CD, hàng ngàn cassette và khoảng 200 cây đàn đủ loại!
- Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học Trường Kỳ Nhận định
- Quanh Phần Giới Thiệu Nhạc Sĩ Tùng Giang Trong Chương Trình Video Paris By Night Trường Kỳ Nhận định
- Lữ Liên và lịch sử ban tam ca AVT Trường Kỳ Nhận định
- Đan Thọ (1924): Chiều Tím Trường Kỳ Nhận định
- Thanh Sơn: một lòng gắn bó với quê hương Trường Kỳ Nhận định
- Tưởng nhớ nhạc sĩ Nhật Bằng Trường Kỳ Nhận định
- Nhạc Sĩ Trần Trịnh Trường Kỳ Nhận định
- Phạm Mạnh Cương: 40 năm sống với âm nhạc Trường Kỳ Nhận định
- Nhạc Sĩ Duy Khánh Trường Kỳ Nhận định
- Ngô Thụy Miên: Tâm Sự Riêng Một Góc Trời Trường Kỳ Nhận định
• Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)
- Trần Quang Hải Ở hải ngoại tôi không có ai tiếp nối (Trịnh Thanh Thủy)
- Nghệ sĩ Trần Quang Hải, người tiếp nối sự nghiệp GS Trần Văn Khê, qua đời ở Pháp (Phạm Cao Phong)
- Tân nhạc VN -Nhạc cổ truyền - “Vua Muỗng” Trần Quang Hải và Bạch Yến (dotchuoinon.com)
- Lời Nói Đầu: «Trần Quang Hải : 50 năm nghiên cứu nhạc dân tộc Việt» (Dương Ngọc Sum)
- Kỷ niệm với nhà nhạc học Trần Quang Hải (1944-2021) (Phạm Trọng Chánh)
- Nhạc Dân Tộc Việt: GS Trần Quang Hải: Việt Nam Có Ba Nhạc Khí Đặc Biệt Không Nước Nào Có (Từ Nguyên Paris)
- Giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải và mối lương duyên kỳ lạ cùng nữ danh ca Bạch Yến (chuyenxua.net)
- Một kỷ niệm đẹp với GS-TS Trần Quang Hải
(Mai Mỹ Duyên)
- Tiễn biệt GS Trần Quang Hải - một tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc (tuoitre.vn)
- Nhớ Trần Quang Hải (Việt Hải)
- Giáo sư Trần Quang Hải (Jimmy TV)
- GS-TS Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi
- Những bài viết của Nhạc Sĩ Trần Quang Hải
- Nhạc sĩ Trần Quang Hải viết về Ngọc Huệ, … khi nghe lại ca khúc “Bóng Tối Ly Café..”
- Tân Hôn Da Khúc (1978) (Bạch Yến trình bày)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |