|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Tuấn Đăng
(1938 - 6.4.2016)
Trước 1975, Ban tam ca trào phúng AVT đã có một thời gian cực thịnh. Những lời ca dí dỏm, lối diễn hài hước rất có duyên của AVT đã mang lại cho công chúng những trận cười ý nhị… Ngày 6.4.2016 thành viên cuối cùng của ban nhạc này - nghệ sĩ Tuấn Đăng - đã qua đời trong hoàn cảnh hết sức khó nghèo...
Ban tam ca AVT “một thời oanh liệt”…
Ban nhạc AVT ra đời năm 1958 với 3 chàng trai : Anh Hải, Vân Sơn và Tuấn Đăng (AVT lấy từ những mẫu tự đầu tiên trong chữ lót tên của mỗi người). Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc quốc phục với khăn đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát. Anh Hải chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử dụng contre-bass. Ra sân khấu họ mặc khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau để trình bày những tác phẩm trào phúng mang tính chất châm biếm và hài hước (những nhạc phẩm trào phúng này hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác, phát triển trên nền âm nhạc dân tộc, đặc biệt là chèo, dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ). Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc. Dù là bài hát hài nhưng nội dung xuyên suốt, ca từ không tục nhưng hết sức ý nhị, thâm thúy.
Ban tam ca AVT nổi tiếng đến nỗi phòng trà Anh Vũ ký hợp đồng độc quyền biểu diễn hằng đêm với họ. Tiền “cát-sê” cũng đã đạt kỷ lục thời đó khi Anh Vũ trả cho họ mỗi tháng 1.000 đồng/người (trong khi “quái kiệt” Trần Văn Trạch chỉ được trả 700 đồng/tháng). Với bài Tam Nghiệp - sáng tác của Lữ Liên, khán giả được dịp cười hả hê khi thưởng thức những âm điệu cổ truyền với lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động - nhất là lúc Vân Sơn hứng lên múa trống, tung dùi và Tuấn Đăng nhảy lên cây contre-basse để solo theo nhịp kích động khiến khán giả cổ võ muốn sập rạp…
Năm 1962, Anh Hải được thay bởi kịch sĩ Hoàng Hải, rồi Lữ Liên sau đó thay Hoàng Hải năm 1965. Mặc dù lúc này trong ban không còn ai mang tên có chữ A ở đầu, nhưng cái tên AVT đã ăn sâu vào tâm hồn quần chúng nên trưởng ban là Lữ Liên vẫn giữ nguyên tên gọi đó. Tuy nhiên, ông đã quyết định loại bỏ ba nhạc khí Tây Phương để chỉ sử dụng những nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Từ đó Vân Sơn chơi tỳ bà, Tuấn Đăng chơi đàn sến và Lữ Liên sử dụng đàn nhị (đàn cò).
Nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác một loạt các tác phẩm trào phúng như Chúc xuân, Vòng quanh chợ tết, Tiên hạ giới, Đêm Sài Gòn, Gái trai thời đại, Lịch sử mái tóc huyền, Mảnh bằng, Ba bà mẹ chồng, Ba ông bố vợ, Đánh cờ người, Em tập Vespa vv... Ban AVT đã trở thành một tam ca nhạc đắt giá, được hai hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc và băng nhạc. Được mời diễn thường xuyên tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai…, cũng như các đại nhạc hội và các đài phát thanh, truyền hình.
Khoảng năm 1966 - 1967, AVT còn xuất ngoại theo chương trình trao đổi văn hóa với các nước Á châu (Lào, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản...). Qua năm 1968, AVT đi vào một thời kỳ cực thịnh với những chuyến lưu diễn tại rất nhiều quốc gia Âu châu. Lần ra mắt ở rạp Maubert Mutualité Paris (Pháp), trước một con số kỷ lục về lượng khán giả (có một số đông khán giả khác phải đứng ở ngoài vì khán phòng hết chỗ), AVT mặc sức vẫy vùng. Mỗi câu hát là một chuỗi cười và tiếng vỗ tay vang dội. Giữa mỗi bài hát đều có phần solo nhạc. Tiếng nhạc khí Việt Nam thánh thót, véo von như chim hót khiến khán giả im lặng, cơ hồ như nín thở để thưởng thức. Đến phần kết thúc mỗi bài hát thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm động.
Nhất là trong tiết mục AVT trình tấu cũng bằng Tỳ Bà, Nhị Huyền và Đàn Đoản hai nhạc phẩm bất tử của Johan Strauss là Le beau Danube bleu và Les flots du Danube. Khán giả đã vỗ tay không ngừng khi chấm dứt. AVT phải dắt tay nhau ra cám ơn khán giả ba lần! Vãn hát, khán giả đã tràn lên sân khấu vây quanh các nhạc sĩ để khen ngợi. Nhất là các khán giả người địa phương muốn xem tận mắt từng cây đàn của AVT đã sử dụng. Lần trình diễn đó của AVT đã gây chấn động cả Paris. Đi đến đâu người ta cũng nhắc tới AVT. Sau đó, AVT còn sang diễn ở Thụy Sĩ và Luân Đôn (Anh), rồi qua tiếp Phi châu (Maroc, Algérie, Tunisie...). Nơi nào họ cũng gặt hái được những thành công rực rỡ...
Sau 1975, Vân Sơn bị tai nạn chết ở cầu Thị Nghè, Tuấn Đăng ở lại Việt Nam còn Lữ Liên định cư ở Mỹ. Nhạc sĩ - nghệ sĩ Lữ Liên là cha ruột của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà và Lưu Bích. Tại Mỹ, ông có tái lập Ban tam ca AVT với Lữ Liên, Vũ Huyến, Ngọc Bích (sau đó thay bằng Trường Duy), nhưng “thời oanh liệt” nay còn đâu ?!...Nhạc sĩ Lữ Liên mất ngày 8.7.2012, vậy là AVT thuở ban đầu chỉ còn lại Tuấn Đăng.
Người cuối cùng của AVT vừa ra đi…
Trước đây, nghệ sĩ Tuấn Đăng từng có một căn nhà khang trang ở đường Lý Thái Tổ, nhưng do con cái làm ăn thua lỗ nên phải bán nhà trả nợ. Vợ chồng ông về mua một căn nhà rất chật hẹp (ngang 3m dài 4m) ở sâu trong hẻm (địa chỉ 32/36/17 Ông Ích Khiêm, phường 14, Q.11 - TPHCM). Hai người con đã có gia đình ra ở riêng, lo cho gia đình của họ còn không nổi nói gì đến chuyện giúp đỡ cha mẹ. Vợ ông lại bị bệnh tâm thần nên gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai ngày càng chất chồng tuổi tác của lão nghệ sĩ.
Trong ban nhạc AVT, Tuấn Đăng từng sử dụng các nhạc cụ contre-bass, đàn đáy, đàn đoản, trống..., lúc già ông lại đi hát và kéo violon ở nhà hàng Tiếng Dương Cầm trong cư xá Chí Hòa và một vài nhà hàng khác… Vài năm sau này, do tuổi tác không thể hát được nữa, ông kéo đàn cho nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hòa (nhà thờ Đá), nơi ông sinh sống và được giáo xứ cung cấp gạo muối đắp đổi qua ngày. Từ Giáng sinh năm 2015, ông không thể cầm đàn được nữa, đành phải nghỉ ở nhà sống cùng bao nhiêu vất vả, lo toan.
Cách đây 5 tháng, ông phát hiện mình bị ung thư vòm họng... Bạn bè thân hữu ái ngại cho hoàn cảnh đáng thương của ông nhưng cũng chỉ giúp cho một vài trăm bạc, “sống cầm hơi” còn chưa đủ nói chi đến chuyện chữa bệnh. May mà ông còn có thẻ bảo hiểm y tế để đến các phòng khám địa phương để nhận thuốc, nhưng cũng chỉ là loại thuốc thường, không phải thuốc đặc trị, mà bệnh nan y của ông phải cần đến phẫu thuật...
Và “người cuối cùng của AVT” đã không còn trụ thêm được nữa, ông Phaolô Trần Minh Tuyên (tên thật của nghệ sĩ Tuấn Đăng) đã xuôi tay nhắm mắt lúc 4 giờ sáng ngày 6.4.2016 vừa qua, tại căn nhà nhỏ hẹp của mình, thọ 79 tuổi…
Xin hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn Phaolô, người đã vượt qua những đau khổ trần gian, sớm về hưởng nhan thánh Chúa !
Hà Đình Nguyên
15/04/2016
- Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa Hà Đình Nguyên Tưởng niệm
- Nghệ sĩ Tuấn Đăng (Ban AVT) – Vị đắng cuộc đời Hà Đình Nguyên Tạp bút
- “Gợi Giấc Mơ Xưa” với nhạc sĩ Lê Hoàng Long Hà Đình Nguyên Tạp bút
- Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”... Hà Đình Nguyên Tạp ghi
- Những bóng hồng trong thơ nhạc: "Thúy đã đi rồi" Hà Đình Nguyên Tạp bút
• Nghệ sĩ Tuấn Đăng (Ban AVT) – Vị đắng cuộc đời (Hà Đình Nguyên)
• Nhạc sĩ Anh Linh (Huỳnh Ái Tông)
• Anh Linh - VânSơn - Tuấn Đăng: Nhớ về ban nhạc trào phúng AVT một thời lừng lẫy (Đông-Kha)
• Lữ Liên và lịch sử ban tam ca AVT (Trường Kỳ)
- Ban kích động nhạc AVT (Hoài Niệm)
- Ban nhạc AVT (facebook)
- Ban Tam Ca AVT trước năm 1975 (Fb)
- Nhạc sĩ Lữ Liên & ban AVT (baomai.blogspot.com)
- Ca nhạc hài: Chỉ còn là hoài niệm? (nld.com.vn)
- Thành viên nhóm nhạc AVT bị ung thư vòm họng (Kim Chi)
- Nghệ sĩ Tuấn Đăng (Ban AVT) vừa từ trần (Trần Quốc Bảo)
- Người cuối cùng của ban nhạc AVT đã ra đi (Hà Đình Nguyên)
- AVT (wiki)
- Ban nhạc AVT - Trước năm 1975
- ASIA CD 44 - AVT Hải Ngoại (1992) - AVT (Vũ Huyến, Trường Duy, Lữ Liên)
- Chúc xuân - Ban AVT (Lữ Liên,Trường Duy,Hoàng Long) | ASIA 10
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
• Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)
• Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)
• Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |