Giáo xứ của ngài rộng và hoang vu nhất trong giáo phận, điều
đó chẳng những không làm cho ngài lo ngại mà ngài còn sung
sướng và hãnh diện.
Không ai biết tên thật của ngài, ở đâu người ta cũng gọi ngài
bằng cái tên thánh giản dị: cha Gioan.
Trước khi đến nhận giáo xứ nầy, ngài làm linh mục tuyên úy
cho một bệnh viện. Trong bệnh viện ấy có một căn phòng dành
riêng cho những người điên, nơi ngài chú ý hơn cả và cũng là
nơi mà khi xa nó, ngài thấy có nhiều vấn đề cần phải nghĩ tới,
dĩ nhiên có một vài kỷ niệm khô khan nào đó thấp thoáng
trong cõi lòng mà có người ví như bãi sa mạc về chiều.
Ngày tôi mới đến, ngài đã tâm sự, cách đây không đầy một
tháng cha đã ở với những người mắc bệnh điên, có một điều
cha không thấy họ mắc bệnh gì cả. Tại sao gọi điên là một cơn
bệnh, một cơn bệnh tại sao không có bệnh trạng, không có
thuốc chữa. Cha coi họ như những con chiên... Tôi cũng góp ý
kiến, con cũng đồng ý với cha, nên coi họ như những con
chiên, dù là chiên ghẻ, chiên lạc đàn. Ngài điềm tĩnh, tiếng nói
nghe xa vời, đã là chiên thì dù hoàn cảnh nào cũng mang linh
hồn một con chiên, con chiên có nhiều ghẻ cũng không phải
con chồn, con cáo được... Nói xong, ngài gọi chú giúp việc pha
hai ly cà phê và trải ra trước mắt tôi một tấm bản đồ, ngài nói:
- Con thấy đây, những vòng chì đỏ là thuộc về giáo xứ của cha,
đây là đầm, đây là cồn cát, đây là đồng ruộng hy vọng cha về
là không để cho lau lách mọc, đây là những hố bom, đây là
nghĩa địa, đây là làng mạc, người ta không đánh dấu số lượng
của các ngôi mộ trong nghĩa địa nầy nhưng cha đoán là nhiều
lắm, con hiểu chứ?
Tôi gật đầu vui vẻ tiếp nhận, cám ơn cha, con hiểu.
Đặt ly cà phê lên môi, uống từng ngụm nhỏ, mắt cha không rời
vạt nắng đan chiếc lưới vụng về trên bãi cỏ non, hẳn trí cha lúc
đó còn nghĩ tới những đám mây bay trên trời, những con chim
sâu chuyền từ cành hoa giấy nầy đến cành hoa giấy khác. Tôi
cũng đặt ly cà phê lên môi. Chiều xuống, ngày thoi thóp thở.
Nhìn tôi uống một cách ngon lành, ngài hỏi:
- Con hút thuốc không, cho cha một điếu.
Tôi mời ngài và bật hộp quẹt. Ánh lửa soi sáng một phần căn
nhà vừa mới quét vôi và làm rạng rỡ thêm vầng trán cao rộng
của ngài. Nhả khói lên trần nhà, ngài nở một nụ cười:
- Lúc nào cha cũng yêu tuổi trẻ, thích chan hòa với nó. Con
đừng có ý nghĩ là tâm hồn cha đã già cỗi nhé. Hồi còn ở đại
chủng viện, thỉnh thoảng cha về phố, thế nào cũng tìm cách vào
tiệm uống một tách cà phê, ngồi ngắm cảnh phố phường, tiệm
nào ở bên bờ sông cũng tốt, cha thấy Chúa ở trên sông, trên lá
cây. Chúa ở khắp mọi nơi mà. Ngày lên thầy sáu, khi nhận
thấy mình khó lòng mà về đời được, cha bắt đầu làm thơ, dĩ
nhiên là trước đó cha thuộc lòng hầu hết những bài thơ tiền
chiến. Thơ cha làm chỉ để ca ngợi mấy con đường trong nghĩa
địa nhà dòng, tặng cho các cha chết già những bài kinh mà hội
thánh chưa làm để đọc. Tóm lại, cha là một người nghệ sĩ,
chính vì thế mà cha viết thư yêu cầu con về đây ở với cha,
trước phụ giúp cha trên đường truyền giáo, sau...
2.
Ngài ngừng lại đột ngột và tôi cũng không muốn ngài nói hết
câu. Tôi cắt ngang:
- Thưa cha, con là một người ngoại, làm sao con giúp cha
truyền giáo được?
Ngài cười nhẹ nhàng:
- Điều đó, cha sắp sửa nói với con. Chính những lúc con ở bên
cạnh cha, ăn cơm với cha, đi với cha, bàn bạc việc đời với cha,
đó là những lúc con đại diện cho cha, nói lên tiếng nói của cha,
chắc con cũng đồng ý với cha rằng, cái thế gian tuy rộng lớn
này nhưng chỉ có một bầu trời, tất cả đều ở dưới mái nhà
khổng lồ ấy, tất cả là anh em. Có ai trong loài người dám nói
mình không phải là con của Adam đâu.
Tôi trình bày tiếp:
- Và thơ con, chỉ để ca ngợi những cuộc tình.
Ngài thoáng một chút ngạc nhiên:
- Tình đẹp đẽ hay tình dở dang?
- Thưa cha, loại nào cũng có. Thơ con diễn biến tính chất
những cuộc tình đến rồi đi trong đời con.
Suy nghĩ một lát, ngài gật gù:
- Cũng tốt. Tình yêu vun xới cho mặt đất tốt tươi thêm. Rất
tiếc, trong kinh thánh không nhắc đến những mối tình của
Chúa Giê-Su nhưng cha tin chắc chắn ngài là một người giàu tình cảm.
Nhìn những cụm núi đứng xa mờ, sương chiều cắt ra từng
mảnh, ngày như còn trình diễn một bản nhạc cuối cùng ở đâu
đó. Nét mặt người linh mục bỗng trở nên cằn cỗi:
- Mấy mươi năm về trước, khi chưa thọ phong chức cha, một
mối tình chợt đến với cha, nhưng con biết những gì xảy ra sau
đó không... cha phải tự đào một cái huyệt để chôn nó...
Ngài cũng nhìn ra ngoài hàng hiên như tìm kiếm lại những
cảnh vật ban chiều. Bóng tối thì thầm bắt đầu nỗi hân hoan của
đêm. Một hồi chuông khởi đầu bằng mấy tiếng rời rạc. Nền
trời thấp thoáng sao. Đôi mắt ngài đốt cháy sâu thẳm, con còn
thuốc không, mồi cho cha một điếu nữa, trời đã bắt đầu có gió
mùa thu sao, suốt cả tuần nay cha không nghe một tiếng chim
hót, con đợi cha một chút, cha đọc vài lời kinh cảm tạ rồi ăn cơm.
Ngài bước vội ra hành lang. Chút ánh sáng đầu điếu thuốc
không đủ sức cản nổi đám bóng tối quái đản chạy đuổi theo
ngài. Gió thổi mạnh lay động hầu hết những thân cây bên
ngoài. Một cơn mưa lại đến, cũng như hồi chuông mai táng
một ngày, khởi đầu bằng những giọt lơ đãng. Tôi lắng tai nghe,
tiếng gì nức lên trong gió, vĩnh biệt em... vĩnh biệt cõi đời
này... kiếp sau xin em nhìn ra tôi... Rồi những tiếng sau đó mất
hút đi, vời vợi. Và, ngài trở vào, dưới ánh nến mới đốt lên, đôi
mắt ngài như có những hạt mưa tinh khiết vừa đậu xuống.
Ở với ngài, ngoài việc dạy dỗ đám học trò quê mùa, thơ ngây,
tôi còn đi theo ngài về những vùng thôn quê hẻo lánh. Những
chuyến đi mà ngài thường ví, đem hạt giống tới cho cánh đồng
đang bỏ hoang. Một học sinh vừa rời ghế nhà trường, sinh
trưởng nơi thành thị, hẳn tôi chọn lựa và mến yêu cuộc sống
của dân lành, hay ít ra cũng gần gũi được họ. Và cũng từ giai
đoạn đó, tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện làm thơ nữa. Cha
Gioan đã nhiều lần thôi thúc tôi nên làm thơ, ngài nói, giục giã
lên kẻo ngày tháng sẽ hết. Tôi hiểu ý ngài muốn nói đến tuổi
trẻ, sợ tuổi trẻ sẽ qua đi. Để cám ơn cha, tôi cố làm sống lại
cảm xúc của mình giữa thiên nhiên, nhưng nỗi cảm xúc đó
không bao giờ thành những vần thơ được. Rồi chiến sự xẩy
đến. Khởi đầu bằng một câu chuyện vào đêm Giáng Sinh năm ấy...
3.
Cũng như hàng năm, bầu trời đen đặc mây mù. Có những đám
mây về lợp mái trắng cho tháp chuông từ buổi chiều. Khí trời
lành lạnh vừa đủ để cho cây cối cảm thông với người. Thời tiết
như chỉ có một bổn phận duy nhất để nhắc nhở cho đời người
vạch những đường ranh giới quá rõ rệt cho từng giai đoạn cuộc
sống. Chúng con có nhìn thấy không, bóng hoàng hôn đang
chạy đuổi theo sau lưng ta. Có một bàn tay nào đó đang cầm
cái cọ với lon sơn trắng chờ quét lên mái tóc ta... Trong thánh
đường cũ kỹ này có ai nghe những lời tha thiết của ngài thì bây
giờ chắc chắn phải dừng lại một giây phút nào đó trước thánh
đường để nhìn lớp sương mù đậu phủ trên máng cỏ lộ thiên, ở
đó người họa sĩ có ẩn ý cho mọi người thấy rằng, ngay trên
cánh đồng Bê-lem lịch sử, thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng để
nhắc nhở đến đoạn chót của cuộc sống nhân loại.
Bên trong căn nhà của cha bổn sở nhờ những ngọn đèn nến tỏa
chiếu êm dịu, chúng tôi tìm lại không khí hân hoan xa cách với
màu trời bên ngoài.
Sau lễ nửa đêm, chúng tôi đang quây quần ăn réveillon thì đột
ngột ngay giữa cửa chính hiện ra một người.
Tất cả chúng tôi đều đứng phắt dậy ngạc nhiên, chờ đợi.
Dường như tôi là người đầu tiên có cảm giác mình đang đối
diện với một địch thủ, hay ít ra là đang nhìn thấy một kẻ thù.
Không hiểu cha Gioan nghĩ thế nào trong một thái độ vô cùng
điềm tĩnh khi ngài nở một nụ cười hướng về người lạ, mà
người ấy đang mang trên mình một khẩu súng AK và nhiều
đạn dược trang bị.
Mấy phút nặng nề trôi qua, người lạ cất tiếng:
- Thưa cha tôi muốn gặp cha.
Không do dự, ngài vui vẻ:
- Mời anh cứ vào.
Người lạ vừa bước chân lên bậc tam cấp thứ nhất bỗng trụt
xuống ngay:
- Thưa cha, tôi muốn gặp cha ở ngoài.
- Vâng.
Trước khi đi theo người lạ mặt, ngài ân cần dặn chúng tôi:
- Các con cứ tiếp tục nhé. Trong phòng ngủ cha còn nhiều đèn
cầy, lấy đốt lên chờ cha.
Khi hai người tan vào đêm, chúng tôi mới kết luận đại khái
rằng, đó là một người cán binh cộng sản, tuổi quá trẻ, nói
giọng Bắc, v.v... Và, mỗi người đưa ra một lập luận, có người
lo sợ cho số phận của cha Gioan, hoặc bị thủ tiêu, hoặc bị bắt
đi, hoặc bị đấu tố, cảnh cáo, có người kinh nghiệm thời cuộc
hơn cho rằng đã đến lúc phía bên kia bày tỏ thái độ, ít ra cũng
buộc ngài rời khỏi giáo xứ này, trả lại ngôi thánh đường cho
hoang vu, cỏ lác. Nhưng tất cả chúng tôi đều tin tưởng ngài trở
về trong đêm. Những ngọn nến hồng tiếp tục đốt lên để chờ
ngài. Con chim sáo trong chiếc lồng treo ở hàng hiên cất tiếng,
đây là lần đầu tiên tôi nghe nó hót trong đêm. Mưa rơi xuống
và ở xa tiếng súng vọng về.
4.
Ðúng như lòng mong ước của chúng tôi, gần một giờ sau, cha
Gioan trở về bình an vô sự. Áo quần và tóc cha ướt đẫm mồ
hôi và nước mưa. Bước vào nhà với nụ cười bình thường, ngài
kêu chúng tôi đốt thêm vài ngọn nến nữa. Chúng tôi xúm lại
bên ngài hỏi han tin tức. Ngài nói, hãy thong thả, không có gì
quan trọng, các con hãy tiếp tục bữa tiệc, đêm nay phải là đêm cứu rỗi.
Gần mãn tiệc, ngài mới bắt đầu:
- Anh ta đúng là một cán binh cộng sản xâm nhập, năm nay 17
tuổi, còn một mẹ già ở ngoài Bắc, anh gặp cha để xin xưng một
vài tội mà suốt thời gian ở giữa rừng sâu không biết xưng với
ai. Cha dĩ nhiên không thể tiết lộ cho ai biết những tội của anh.
Cha cũng đã nhân danh Chúa để giải tội cho anh và cha chúc
anh may mắn. Dù sao cha vẫn lấy thiên chức của một linh mục
để cư xử.
Tôi hỏi chen vào:
- Thưa cha, rồi người cán binh ấy đã đi đâu?
- Cha không biết được nhưng anh ta có hẹn sẽ ghé thăm cha
trong tòa giải tội.
Một lúc sau, ngài hỏi:
- Chúng con có nghe con sáo hót không?
- Chúng con đâu có nghe.
- Lúc ở trong tòa cha cũng có nghe nó hót. Lạ quá nó cất tiếng
hót cùng một lúc người cán binh khóc. Anh ta có hỏi cha một
câu: “Trong Cựu Ước có nhiều đoạn cổ võ chiến tranh phải
không cha?” Cha chưa kịp trả lời thì anh đã từ giã ra đi. Như
vậy, cha phải mang một món nợ.
Nhìn lại một lượt mấy ngọn nến, ngài tiếp:
- Trời chắc cũng đã gần sáng, đêm nay dài thật. Rồi ngài đứng
dậy bước vội ra ngoài khi trở vào ngài xách theo chiếc lồng
chim trong ấy có xác con chim sáo đã chết. Mấy giọt máu còn
nguyên màu, chưa khô đọng trên nền lồng sắt.
Trước những đôi mắt ngạc nhiên của chúng tôi, cha Gioan vẫn
bình tĩnh như không xẩy ra chuyện gì.
- Thưa cha, tại sao cha giết nó? - Tôi hỏi.
- Không, cha không giết nó.
- Hay là người cán binh trở lại giết nó? - Bạn tôi đặt nghi vấn.
Cuối cùng ngài mỉm cười:
- Trời lạnh quá nó phải chết. Chúng ta cứ tin như vậy.
Ánh nến tàn cuối soi vào những giọt máu long lanh như đổ
thêm vào đó một màu đỏ thật tươi.