|
Hoàng Giác(..1924 - 14.9.2017) | Nhật Tiến(24.8.1936 - 14.9.2020) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Cơn Lụt • Một Thời Sống Với Huế • Chiều Đi Qua Đại Nội
• Gọi Tên • Khi Giải Ngũ Về • Đêm Giáng Sinh Ở Việt Nam
Nếu còn chút hy vọng mọc đầu ngày
tôi sẽ gửi người sau cơn mưa
nếu có chút tình thương trao nhau
tôi làm bài thơ như lời sấm truyền
đã đọc trong buổi đầu gặp Chúa
Con đường tôi đến thăm mọi người
nước lụt đã dâng cao
nhà nhà ngập mái
trái tim người dầm dưới nước mưa
đôi mắt người đỏ ngầu cơn bão tố
tôi tìm mãi chẳng còn ai
trong những mái nhà
ở trong những tổ ấm
tôi tìm mãi chẳng còn ai
giữa con đường này
giữa con đường tôi hay đi
mà hôm nay
trái tim tôi sao thấy nhớ mặt trời
nhớ một ngày có buổi rạng đông
có những nụ cười có những giọt sương
ôi thấy nhớ, thấy nhớ một ngày
bắt đầu bằng những đôi mắt trong
bằng những bàn tay nâng đời tươi tốt
thấy nhớ một ngày mẹ cười đón gió mai
đôi mắt chưa có mây mù ẩm đục
hôm nay giữa mùa khô
sao chân tôi ngập đầy nước lụt
giữa một ngày không thấy mặt trời
con đường tôi đi lềnh bềnh giẻ rách
bông băng, quần áo, soong chảo và tiếng khóc
bầy trẻ con ở đâu tiếng khóc thật gần
chúng nó ở đâu
tôi không nhìn thấy
nhưng tiếng khóc vẫn ở bên tai
thật gần như tiếng chớp
thật gần như cơn giông
hay dưới con đường tôi đi
hay trong cánh đồng ngập nước
hay trong khu vườn la liệt xác cây
tôi lắng tai nghe từng cơn giông qua
sấm chớp trên đầu không làm lũ trẻ hết khóc
bỗng trước mắt tôi những hình nhân xơ xác
đứng tả tơi trong thửa ruộng mới chia
những chẹn lúa thở ra máu thơm
những chẹn lúa nói với nhau bằng tiếng nói loài người
những chẹn lúa thở ra máu của anh em ta
cố ngoi lên khỏi mặt nước
Hôm nay
là một ngày trong vạn ngày khác
cảnh lụt lội vẫn giăng đầy trước mắt
nước ở rừng chảy về
nước ở biến dấy lên
nước trên trời rơi xuống
tôi dò dẫm đôi chân trên con đường quen thuộc
nay đã thành hầm hố
tôi dang hai tay làm phao
nhưng không ai nắm được
người thi sĩ trong cơn lầm than
chiếc phao rắn chắc như gỗ thép
nhưng tay người đã cụt
còn ai nắm được chiếc phao nồng nàn hơi ấm
giữa tôi và người
khi còn trong bào thai cùng bú chung núm
sao thấy xa cách ngàn trùng
giữa tôi và người
khi chào đời cùng mớm nỗi đau thương
sao khi lớn lên không nhìn ra mặt
hôm nay là một ngày mạch máu trái tim tôi phải cắt
để trộn lẫn với máu anh em
dựng lên tấm bia đỏ chói
hôm nay là một ngày tôi cần phải có anh em
vì bao năm quanh tôi không tìm ra hơi ấm
vì bao năm chúng ta làm kẻ mù lòa khốn khổ cô đơn
đi trên con đường lụt lội
cánh đồng trước mắt ta
mái nhà trước mắt ta
tình yêu trước mắt ta
đã chìm trong nước bạc
một buổi chiều nào tôi đã nghe tiếng hát
thật ân cần như miệng mẹ trối trăn
thật chân thành như trái tim cha lúc sắp chết
tiếng hát trên môi em
dịu dàng giòng suối ngọt
tiếng hát trên môi anh
thơm tho ruộng đồng bát ngát
sao bây giờ tôi thấy nhớ đất đai
sao bây giờ tôi thấy thương thửa mạ
cơn gió hoàng hôn ru ấm tình người
bão vẫn miệt mài rung cây đại thọ
Nếu còn chút hy vọng mọc đầu ngày
tôi sẽ cho em một cánh hoa
hái sau khu nhà vĩnh biệt
ấy là tình yêu còn lại cuối cùng
của một người chiến sĩ chết ngoài trận mạc
giữa một ngọn đồi không tên
giữa một con sông không nguồn
giữa một vùng đất âm thầm tiếng nói
tôi bâng khuâng không biết nghĩ gì
vì chung quanh chúng ta
có bao nhiêu xót thương không nói được
tôi làm kẻ câm diễn qua thành phố
cố tìm người bạn vừa mới xuất viện trở về
uống chung một ly cà phê thong dong như hồi còn đi học
nhưng những người còn ở trong nhà thương lao
trong trại cùi ở trong phòng mổ
những kẻ đánh giày những người hành khất
họ níu kéo chân tay tôi
xôn xao như máu chảy trong người
tôi còn giọt máu buồn bã trở về sau một ngày mệt mỏi
cơn lụt lớn vẫn hoài hoài trước mắt
từ sáng tinh sương đã thấy xác người
trôi dưới bóng im của ngàn cánh quạ
cây cổ thụ bên đường
sau cơn cuồng phong chỉ còn gốc rễ
tôi muốn cầm tay mọi người
nối làm cầu bắt qua khu nước lụt
tôi muốn cột áo anh em
làm ghe vớt người ngấp ngoái
một tay của ta phải ẳm lấy ngàn người
hơi thở của ta phải như lò thổi thép
nung đỏ mùa đông
xô ngã gió bấc mưa phùn
hơi thở chúng ta phải như núi lửa
thổi vào buồng phổi của anh em ta
đang hồi sốt rét
giọng nói của ta phải trường sinh đời đời vững mạnh
giống nòi ta phải có triệu triệu người sống trên trái đất
từ Nam sang Tây
từ Đông sang Bắc
mặt trời ở bốn phía
Hôm nay
còn chút hy vọng mọc đầu ngày
tôi sẽ cho người sau cơn lụt lớn
bàn tay em phải nắm lấy tay tôi
như một lần yêu thương không nói hết.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập II
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
Thuyền
mây ru núi thẳm à ơi
hoàng hôn trải chiếu bên trời ngủ quên
về đâu giòng nước lênh đênh
thuyền tôi mắc cạn bên ghềnh thời gian
Thấy nhau
mái tình em dột từ lâu
ta người còm cõi như sâu đo rồi
chiếc rong khô tắp giữa vời
thì xin đốt thuốc cho đời thấy nhau
Mùa thu qua thôn Vỹ
Theo về một nhánh sương tan
chiều âm u đứng hai hàng lệ mây
hỏi người nàng ở đâu đây
bên kia cồn hến bên này vân dương
khát lòng uống bát canh sương
rồi xin vỗ cánh trên đường viễn du
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập II
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
Đưa tay chào cửa Ngọ Môn
Thương cây sứ chết trong đêm Hoàng triều
Tình người dấu mốc tường xiêu
Trăm khuya cho một bờ rêu hững hờ
Vai còn một gánh mây thơ
Chiều qua ải bắc, sớm về phủ đông
Trầm miên một giấc cô phong
Ru em chim đã câm trong hoàng thành
Bao giờ thu, nắng vàng hanh
Tôi còn chiếc áo dạ hành đêm sương.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập II
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
Gọi em lúc tàn canh lúc nửa đêm
gọi em lúc mở miệng lúc ăn cơm lúc uống nước
gọi em lúc hút thuốc lúc nhớ nhà lúc hành quân
lúc về phép lúc đi phố lúc nằm bệnh xá
gọi em lúc ngủ gật lúc nằm kích lúc muỗi cắn
lúc trầy da lúc chảy máu lúc lội sình lúc trèo núi
lúc nắng cháy người lúc mưa thối đất
gọi em như con gọi mẹ vợ gọi chồng anh gọi em
gọi em mờ cả mắt đắng cổ khô hơi
gọi em cong lưỡi toác mồm đã thật nhiều năm
gọi em gọi em
gọi em hoài
sao em không đến.
hay là chờ khi anh còng lưng khi tóc bạc khi rụng răng
khi tim khô khi nám phổi khi thắt ruột khi mọc râu
chờ khi cụt tay khi đi cẲng gỗ khi điếc tai
khi bò khi lết khi ăn không biết ngon
khi ngu như trâu
khi đầu đường xó chợ
khi cổ mang gÔng khi rách rưới
khi ngơ ngác điên khi khốn nạn khi lủi thủi khóc
khi lang thang khi tồi tàn như đống rác
khi hôi hám như giẻ rách khi câm
em mới đến thăm anh.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
Ba năm nữa anh sẽ về
em hãy sắm cho anh một cây đàn bầu
một cái nồi đất để phải ăn riêng
anh cũng sẽ ngồi ở thị trấn này
đàn và hát những bài ca mới
những nơi anh thường đi qua
những ngôi nhà có nhiều cửa sổ
nhiều người chưa quen
nghe anh hát bài tình ca mà chưa lần nào ai hát.
Còn ba năm nữa anh sẽ về
anh biết chắc không còn quê hương để ở
em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu
làm bằng nắp hòm người lính nghèo
chết ngoài mặt trận
anh sẽ đàn cho mọi người cùng nghe
mà không xin tiền
chỉ tìm lại những đôi mắt trân tráo
những bước chân đi qua vỉa hè
với nụ cười
mà nhiều năm anh đã mất
tuổi thơ anh cũng không còn.
Em sẽ đến thăm anh một lần rồi sẽ xa mãi
anh hứa sẽ không làm phiền em một điều gì
bây giờ tính tình anh đã đổi khác
không còn gì
khi chiếc áo hạnh phúc của anh đã rách tả tơi
thì em hãy cố đến thăm anh một lần rồi xa.
Em hãy mang đến cho anh một con chim không biết hót
anh sẽ nuôi nó lớn bằng những hạt thóc tự do
để anh mang theo
và tập cho nó bắt đầu hót những bài ca mới dắt dìu sự tàn phế
đôi cánh chim phải mọc lông dài
những sợi lông làm ấm lại nhiều phương trời đã ẩm ướt
những sợi lông ca ngợi sự sống còn.
Ôi một ngày về thật buồn
em đến thăm anh
và để cho anh nỗi căm hờn đã vỗ cứng trên vai.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
Người ta ngưng bắn hai mươi bốn giờ đó con
hãy ra đồng bắt ốc hái rau
hãy lên rừng đốt than nhặt củi
nếu có thì giờ đi thăm nhau.
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
cũng đem chiếc áo lành ra mặc
cũng ăn một bữa cơm cho no
cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
khổ đau lúc này mẹ gói trong mo.
Người ta yêu nhau như yêu mình đó con
hãy nhìn lên trời hãy nhìn ra sông
giọt sương sáng ngời như tình thứ nhất
đã trao cho người có cũng như không.
Còn một ngày nhìn mặt nhau đó con
nước cũng đã khô trong lòng giếng cạn
chiến tranh kéo dài đã thật quá lâu
mẹ ôm nỗi buồn không sao nói được.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Từ sách Di Sản văn chương miền Nam, Thư Ấn Quán 2007
- Trang Thơ Hồ Minh Dũng Hồ Minh Dũng Thơ
- Giáng Sinh Năm Ấy Hồ Minh Dũng Truyện ngắn
• Truyện Hồ Minh Dũng: Huế, Tình, Thực tại hay Dĩ vãng, ... (Nguyễn Vy Khanh)
• Hồ Minh Dũng, nhà văn thường trực phản ảnh chiến tranh trong sáng tác (Du Tử Lê)
• Trang Thơ Hồ Minh Dũng (Hồ Minh Dũng)
• Giáng Sinh Năm Ấy (Hồ Minh Dũng)
Thơ văn trên mạng:
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |