1. Head_

    Lê Mộng Bảo

    (..1923 - 8.10.2007)

    Trần Tuấn Kiệt

    (.0.1939 - 8.10.2019)

    Đinh Tiến Mậu

    (.0.1935 - 8.10.2020)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Giáo Đường Xuân (Dương Thụy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2006 | TRUYỆN

      Giáo Đường Xuân

        DƯƠNG THỤY
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Tối thứ sáu cuối tuần, theo thói quen Phố rời ký túc xá, để mình tự cuốn theo dòng người trôi vào trung tâm thành phố. Trừ lúc mưa to gió lớn hay trời lạnh quá độ, cô chồn chân nhìn ra cửa sổ rồi mở đĩa hát, những bản nhạc Pháp trữ tình của thập niên sáu mươi. Cuộc sống lẻ loi nơi xứ người tạo cho Phổ một thói quen kỳ quặc.


      Ở Sài Gòn, chưa bao giờ trong đời cô ra khỏi nhà với bước chân vô định. Cuộc đời cô là một "chuỗi" những mục tiêu liên tục đặt ra ... Tối thứ sáu đầu tiên ở thành phố đại học này, Phố ra khỏi nhà chỉ với mục đích tìm chút khí trời. Những ngày vùi đầu trong nghiên cứu làm cô ngộp thở. Cô không đáp xe bus, chầm chậm rảo qua những con phố. Những chiếc lá đỏ mùa thu được đèn đường sưởi ánh vàng âu yếm. Ra đến trung tâm, Phố đuối chân. Cô ngồi xuống bệ cửa một giáo đường. Gió thốc đến làm cô nẩy ý định đẩy cửa vào bên trong. Và, Phố thấy nhớ, người con trai chưa bao giờ nói yêu cô ...

      Giáng sinh năm đó, Lễ rủ Phố đi nhà thờ. Cô không có đạo, chơi thân với Lễ suốt bao năm đại học, mỗi khi nghe anh nói mình phải đi lễ ngày chủ nhật, Phố thắc mắc "Có gì thú vị?". Hai người cùng ngồi nghiêm trang, tay đặt ngay ngắn trên đùi. Phố mặc áo dài trắng như Lễ yêu cầu, lòng đầy hồi hộp. Cô hầu như không nhớ hôm đó vị linh mục trẻ ấy giảng gì. Phố cảm nhận sự xúc động Lễ trao cho cô. Anh hình như cũng không thể lắng nghe những lời giảng. Lúc quỳ bên anh cầu nguyện, cô cúi mặt, tim lỗi nhịp: "Xin cho Lễ nói yêu con ...".


      Cuối buổi lễ, anh hỏi cô muốn nếm bánh thánh không. Hai người xếp hàng đến nhận bánh. "Cầu nguyện đi - anh thì thầm - cho tới khi bánh tan ...". Lần này, Phố chỉ nhìn anh. Trán Lễ cao, mũi thanh, môi đầy đặn. Anh nhắm mắt cầu nguyện với tất cả đức tin. Tan lễ, anh chở cô hòa vào dòng người đổ ra trung tâm Sài Gòn. Hai người vào một quán cà phê ấm cúng. "Phố thấy đi lễ ra sao?". Cô cười, thú nhận mình không tập trung. "Nhưng vui lắm, chốc chốc lại hát, rồi cứ đứng lên ngồi xuống. A, bánh thánh chẳng có mùi vị gì ...". Lễ nhìn vào mắt cô: "Tối nay, để cho Phố ăn bánh thánh như vậy ... Lễ mắc tội rồi đó!". Cô bất ngờ: "Tại sao?". Lễ chậm rãi: " Vì Phố không có đạo, không có đức tin. Nhưng thôi, chia đôi tội với Lễ nhé!".   


      2.


      Ad-22 Ad-22

      Giáng sinh ở Pháp, Phố một mình nằm nghe nhạc của Christophe. Chán chê, cô quyết định ra phố, tìm đến thánh đường mình tình cờ bước vào hôm thứ sáu lang thang đầu tiên ấy. Việt Nam náo nhiệt bao nhiêu, Pháp vắng vẻ bấy nhiêu vào đêm Noel. Những cây thông được trang trí bằng vô số những ngôi sao tỏa sáng. Khắp nơi đèn đủ màu giăng trên cao rực rỡ. Những quả chuông nhỏ, cành lá ô rô và những gói quà thắt nơ đỏ đặt trong bít tất được trang hoàng suốt các ngả đường đổ ra trung tâm. Sự hực hỡ của những vật trang trí càng làm tăng sự hoang vắng trái ngược của phố phường. Ðêm nay ai cũng về đoàn tụ cùng gia đình, chỉ mình Phố mải lang thang.


      Trời rét. Hai giờ sáng rồi. Giáo đường đã đóng cửa. Cô ngồi xuống bậc thềm. Lần này cô nhìn thấy tên nhà thờ đính bằng một bảng nhỏ kim loại: "Toussaints" (Các Thánh). Bất cứ lúc nào nhìn thấy nhà thờ, Phố lại nghĩ đến Lễ. Ðêm nay cô càng da diết.

      Một bóng áo choàng đen đột ngột bước ra từ cửa phụ nhà thờ. Phố hốt hoảng thốt lên một tiếng kêu, luống cuống đứng dậy tháo chạy.

      - Tôi làm cô sợ sao?

      Giọng trầm ấm đuổi theo sau lưng Phố. Cô dừng lại. Người đàn ông mặc áo choàng đen rảo bước đến bên Phổ. Cô vui mừng nhận ra đó là người châu Á.

      - Cô làm gì ngồi ngoài cửa nhà thờ một mình? Cô có cần giúp đỡ không?

      Phố nhìn thấy trên ngực áo choàng đen một thánh giá nhỏ được thêu sắc nét. Cô an tâm, lí nhí:

      - Tôi đi dạo.

      - Một mình? Vào lúc hai giờ khuya?

      Phố cúi đầu im lặng. Vẻ lúng túng của cô càng làm người đàn ông lạ quan tâm:

      - Cô có muốn giúp đỡ không? Cô người gốc nước nào?

      - Việt Nam.

      - Việt Nam? Thật sao? Chúng ta là đồng hương!

      Phố ngước nhìn người lạ. Ông ta hãy còn trẻ, trên ba mươi, mắt dịu dàng, khuôn mặt phúc hậu.

      - Anh người Việt thiệt hả?

      Phố hỏi bằng tiếng mẹ đẻ. Và cô nhận được câu trả lời bằng đúng ngôn ngữ đó. Hai người xa lạ bất giác nhìn nhau thật thiện cảm. Cái cảnh "xa quê hương ngộ cố tri" làm Phố xúc động khó thốt nên lời. Người đối diện mỉm cười, tia nhìn ấm áp. Phố tự giới thiệu mình là nghiên cứu sinh, sang Pháp được gần ba tháng nay rồi. Ðêm nay vì không gia đình, không bạn bè, cô đành chịu cảnh lang thang một mình nơi phố vắng.

      - Tội nghiệp! - Ðồng hương thốt lên - Nếu mình quen nhau sớm hơn một ngày, tôi đã có thể mời em cùng ăn réveillon. Ðêm Noel mà cô đơn thế này ... Tôi ở sát ngay đây, vừa ăn tiệc nửa đêm với mấy vị trong nhà thờ xong. Tôi tên Vũ, bốn mươi tuổi ...

      Phố bật cười vì những lời "khai báo" không cần thiết.

      - Anh người Công giáo? Anh đảm nhận công việc gì của nhà thờ?

      - Ừ! - Người lạ ôn tồn - Tôi là linh mục.

      - Sao? - Phố la hoảng - Vậy em có phải gọi anh là "cha" không?

      Vị linh mục trẻ bật cười khi thấy cô bụm miệng thảng thốt.

      - Không cần! Cứ gọi thân mật là anh Vũ cũng được.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      3.


      Anh Vũ quay lại nhà xứ lấy xe hơi đưa Phố về ký túc xá. Hẹn dịp khác nói chuyện tiện hơn. Cô bước vào phòng mình, leo lên giường trùm chăn kín đầu. Tại sao cô "có duyên" với người tu trì đến vậy? Tốt nghiệp đại học, cô chờ đợi một lời tỏ tình thì đột ngột Lễ đến chào từ giã. Anh sang Pháp du học. Cô nói sẽ chờ, anh lắc đầu, giọng xúc động: "Ðừng! Lễ sẽ là sinh viên trường dòng". Phổ không hiểu. Cho đến bây giờ cô cũng không hiểu. Anh nói nhiều lắm, cô chẳng nhớ gì, những từ lạ lẫm "đại chủng viện, thần học, khấn trọn đời ...". Mãi đến hôm đưa anh ra sân bay, Lễ cầm tay Phổ dịu dàng: "Ráng học tiếp nha, Phổ có "tiền đồ" lắm. Lễ sẽ cầu nguyện cho Phố ...", cô mới gật đầu, chấp nhận: Lễ đi tu!

      Lễ đi rồi Phổ chẳng thiết gì nữa. Nhưng cô vẫn vào tiếp Cao học, đặt ra nhiều mục tiêu cho đời mình. Cô nhận được vài lá thư của anh, theo lệ xã giao. Anh không giải thích nhiều vì sao mình chọn con đường này, bởi anh biết, Phổ sẽ chẳng bao giờ hiểu. Cô cũng không đòi hỏi Lễ phải phân bua gì, vì cô chắc, mình sẽ nhất định không thèm tin. Mỗi khi bạn bè trong lớp gặp lại nhau, họ vẫn hoài thắc mắc "Lễ và Phố thân nhau vậy. Ai ngờ!". Rồi họ đoán già đoán non "Hay Phố làm gì Lễ thất vọng quá, phải đi tu? Hay Lễ không có khả năng làm một người đàn ông đúng nghĩa?". Phố cười, buồn: "Lễ nói đó là ơn kêu gọi, là lý tưởng hiến đời mình cho Chúa, là ... là điều thiêng liêng hơn tình yêu chỉ dành cho một người". Mọi người nhìn Phố ái ngại, rồi họ thì thầm "Uổng quá! Uổng quá!".

      Ðường học vấn của Phố ngày càng suôn sẻ. Trước khi sang Pháp tu nghiệp, cô đến nhà ba mẹ Lễ từ giã. Người mẹ ngoan đạo lúc nào cũng đeo chiếc thánh giá to bằng bàn tay hồ hởi khoe thành tích gì đó của con trai mình. Bà nói nhiều lắm, về chặng đường gian nan Lễ đã vượt qua để trở thành người thợ của Chúa. Lễ vẫn chưa được thụ phong linh mục, nhưng ngày đó rồi sẽ đến. Mẹ anh đã kỳ vọng vào tương lai tu trì của con trai khi anh vừa mới sanh ra. Bởi thế, bà đặt tên anh là Lễ. Phố nhìn khuôn mặt ngời sáng đầy tự hào của bà, cô bỏ ý định hỏi địa chỉ mới của anh.


      4.


      Ad-22 Ad-22

      Anh Vũ phôn vào ký túc xá tìm Phố ít hôm sau lần gặp gỡ tình cờ. Anh mời cô về nhà xứ, giới thiệu với mấy linh mục người Pháp cùng nhà thờ. Cô hơi e ngại vì mình không có đạo. Anh Vũ thân thiện, đối xử với Phố như một người em. Cô thấy anh thật khác những người tu hành thường gặp ở Việt Nam. Ngày bé, Phố được học Pháp văn với mấy soeur Trường La Providence, lớn lên chút nữa cô học với mấy frère ở Tabert. Họ khá nghiêm khắc, ít cười và ra vẻ đạo mạo. Anh Vũ có thể trao đổi những chuyện rất đời khá thoải mái với Phổ: cách ăn mặc không cần đồ lót của tụi đầm, lối sống thử trước hôn nhân, tình yêu giữa những người khác màu da ... Có thể vì định cư ở Pháp gần hai mươi năm, tư tưởng của anh giống với người phương Tây - thoáng, không xem trọng hình thức, đề cao sự tự nguyện của cá nhân ... Phố thấy mình khá hợp jeux với anh dù tuổi tác chênh lệch. Ðến lần gặp gỡ thứ tư, Phố đã dám hỏi thẳng người bạn vong niên: "Vì sao linh mục cũng có những sinh hoạt như người bình thường: không cạo đầu, không mặc áo thầy tu, không ăn chay, không cấm giao du kết bạn với nhiều người ... mà vẫn không bị cám dỗ?". Lần khác, cô lại thắc mắc: "Tại sao đạo Công giáo không cho linh mục lấy vợ như những mục sư Tin lành, như thế, họ có đời sống tâm sinh lý quân bình hơn, sẽ hiến dâng đời mình cho mọi người tốt hơn?". Và có khi, cô thật thà nói với anh bằng một giọng bâng khuâng: "Sau một thời gian làm linh mục, người ta có quyền ra khỏi cuộc sống tu trì để lập gia đình không?!". Lúc nào anh Vũ cũng từ tốn giải thích cho Phố, anh thường trả lời nửa nghiêm túc nửa khôi hài. Vì thế, tưởng đã được cắt nghĩa cặn kẽ, nhưng rốt cuộc cô cũng chưa hiểu được hết cái gọi là "lý tưởng hiến dâng".


      Sang xuân, trời ngày càng ấm lên. Phố giờ đã quen thuộc với những con đường nhỏ lát đá hiền hòa. Cô vẫn giữ thói quen lang thang vào chiều thứ sáu dù việc nghiên cứu bận bịu hơn. Có những sáng chủ nhật cô đi lễ ở nhà thờ Toussaints, dù không mấy hiểu những lời giảng,Phố vẫn thấy lòng bình an. Sau lễ, cô thường đợi gặp anh Vũ. Anh chỉ huy ca đoàn và chơi piano rất hay. Những lần anh đứng giảng, Phố tự hào nhìn giáo dân say sưa lắng nghe. Khi xưa người Pháp sang Việt Nam truyền đạo, thế mà nay chính những linh mục Việt lại giảng đạo cho dân Pháp! Cô bớt ray rứt mỗi khi nghĩ về Lễ và cầu mong anh thật sự hạnh phúc với con đường đã chọn. 


      5.


      Rồi đột nhiên, vào một tối cuối tuần, Phố nhận được điện thoại.

      - Phố?

      Tim cô nghẹn lại, không muốn tin.

      - Phố ơi?

      - ... Lễ!

      - Qua đây sao không liên lạc với Lễ?

      Giọng anh bình tĩnh, dịu dàng:

      - Tình cờ Lễ nghe tin, phải phôn về tận nhà Phố ở Việt Nam để hỏi số cầm tay đó.

      - Thôi! Ðể Lễ được yên tĩnh.

      Phố ngạc nhiên thấy giọng mình không hờn dỗi.

      - Ngày mai Lễ có một buổi họp ở chỗ Phố đang học. Từ Paris Lễ lấy xe lửa xuống. Xong việc mình gặp một chút nhé! Hẹn nhau ở đâu?

      - Trước cửa nhà thờ Toussaints - Phố chọn địa điểm ngay, dường như cô đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi.

      Khác với thói quen hay mất ngủ thường ngày, đêm ấy Phố chìm vào giấc mộng thật nhẹ nhàng. Cô đến chỗ hẹn trễ hai phút. Lễ đứng đó, mặt sáng bừng, áo khoác đen hợp với anh hơn bất cứ trang phục nào. Phố thật lòng:

      - Lễ đẹp ra nhiều quá, rất đẹp!

      Anh cười, mắt tinh nghịch:

      - Nếu trước kia Phố khen thế này, Lễ đã không đi tu!

      Hai người nhìn nhau, thoáng chốc nhận ra một phần đời của mình. Dẫu sao, cũng không thể phủ nhận. Nhưng Phố biết, cô có khen anh bao nhiêu, thậm chí có bày tỏ tình cảm với anh chăng nữa, Lễ vẫn chọn con đường hiện nay. Hai người vào một nhà hàng nhỏ, Lễ giúp Phố cởi áo khoác. Cô gật đầu hài lòng "có tiến bộ!" làm anh mỉm cười, hồng đôi gò má giá lạnh. Lễ kể cho Phố nghe chương trình học của anh mà hầu như cô chẳng hiểu gì. Song cô vẫn lắng nghe chăm chú.

      - Dạo này Phố hay đi lễ lắm - Cô khoe - Nếu rảnh hơn Phố còn đọc Kinh Thánh, để tìm hiểu ...

      - Muốn vô đạo hay yêu ai có đạo? - Lễ hỏi, giọng tỉnh rụi.

      - Không - Phố thành thực - Ở đây cô đơn, buồn và bị nhiều áp lực. Nếu có đức tin và một tôn giáo để dựa vào thì tốt hơn ... A! Phố có quen một linh mục người Việt Nam, cũng nhờ anh ta ...

      Cô hào hứng kể cho Lễ nghe lần tình cờ gặp anh Vũ và mối quan hệ thân thiết của hai anh em. Lễ làm bộ nghiêm:

      - Thì ra! Hèn gì mà ham đi lễ. Thôi, đừng cám dỗ người ta!

      - Nếu cám dỗ được, Phố đã lựa người trẻ hơn, đẹp trai hơn và chưa trải qua nhiều năm thử thách.

      - Ơn Chúa!


      Anh vẫn cố tình đùa. Phố cười, lòng thanh thản:

      - Phố tôn trọng con đường mỗi người đã chọn. Ðó thực sự là lý tưởng sống. Còn như Phố, chinh phục con đường học vấn, lấy hết bằng này đến bằng kia. Ðể rồi, đôi lúc giật mình tự hỏi - "Vì lẽ gì?". 

      Lễ nhìn cô chăm chú:

      - Ðó cũng là lý tưởng! Có kiến thức để giúp bản thân và người khác sống tốt hơn!

      Phố gục gặc đầu, anh lúc nào cũng hiểu cô hơn chính bản thân mình. Lễ đặt tay lên vai cô, chậm rãi:

      - Cảm ơn Phố giờ đã hiểu cho Lễ. Cũng có thể chưa thật hiểu, vì Phố không có đạo, không sanh ra trong môi trường tràn ngập đức tin, nhưng dù sao Phố cũng thông cảm cho Lễ - anh dừng lại, nhìn cô ấm áp - Thật lòng, Lễ luôn ray rứt vì đã làm Phố hụt hẫng. Dù chọn con đường hiến dâng cho mọi người, Lễ cũng có nhu cầu tình cảm cho riêng cá nhân mình ...


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      6.


      Anh Vũ thắc mắc vì sao Phố nhất định đòi gặp. Cô nói trong điện thoại:

      - Em cần có người nghe em xưng tội. Không tìm anh còn biết tìm ai?

      Cô chờ anh trước cửa nhà thờ, lần đầu tiên anh thấy cô mặc váy, khăn choàng màu hồng và mang giày cao.

      - Nhìn gì dữ vậy? Trời xuân ấm lên rồi - Phố tươi tắn - Anh cũng nên mặc veste nhẹ thôi ... 

      - Có chuyện gì? - Anh Vũ làm bộ cáu - Anh bận lắm đó! Cho em mười phút.

      - Em muốn xưng tội! - Phố ngồi xuống bậc thềm - Trong cuộc đời linh mục của anh, đã có ai xưng tội "Thưa cha, con yêu người!" chưa?

      - Không đến mức sỗ sàng như vậy! - Anh nhìn Phố lạ lẫm trả lời.

      - Vậy anh từng rung động với ai chưa? Thời trẻ, trước khi vào trường dòng, anh cũng biết yêu thương mà ...

      Anh tiếp tục nhìn cô bằng ánh mắt lạ lùng. Cô nhận ra sự lo ngại anh cố che giấu.

      - Dẫu không thể lập gia đình vì muốn cống hiến cả cuộc đời cho giáo hội, những linh mục cũng có quyền luyến ái chứ?! - Phố vẫn sôi nổi dù biết người đối diện dần dần không thoải mái - Và dù không thể sống chung, họ cũng có quyền giữ trong tim hình ảnh của người mình yêu chứ?!

      Lần đầu tiên Phố nhận ra anh Vũ bối rối. Cô vẫn tiếp tục bộc lộ lòng mình:

      - Tình yêu không có tội. Bởi ở đâu có tình yêu, ở đó có sự hiện diện của Chúa ...

      - Hôm nay em làm sao vậy? - Anh Vũ không kiên nhẫn dù vẫn cố khôi hài - Bộ học nhiều quá nên thần kinh có vấn đề hả?

      - Em đang yêu - Phố thành thực - Tại sao những người đàn ông lý tưởng đều trở thành linh mục?


      Anh Vũ run run sờ trán cô. Phố nhẹ nhàng gạt tay anh ra.

      - Em rất tỉnh và ý thức được tình cảm của mình - Phố đứng dậy chuẩn bị đi - Em yêu một người không bao giờ có thể cho em cuộc sống lứa đôi. Và, em chấp nhận. Yêu bao giờ cũng thú vị hơn được yêu ...

      Phố bỏ đi. Sau lưng cô, vị linh mục không còn trẻ nhíu mày hoang mang.

      Tiếng giày cao gót gõ xuống những viên đá lót đường, Phố nghe tim mình đều nhịp.


      Dương Thụy


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giáo Đường Xuân Dương Thụy Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)

      Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)

      Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)

      Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)

      Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng (Trần Hồng Văn)

      Trăm nghìn nhánh khổ (Vũ Thế Thành)

      Một Đêm (Trần Yên Hòa)

      Cây Thập Tự Giá (Trần Hồng Văn)

      Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)