|
Song Linh(15.12.1940 - 24.1.1970) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Chúng tôi ba thằng - quen nhau rồi thân nhau từ tuổi thanh xuân ở chốn quân trường cho đến ngày nay: đầu bạc răng long nơi đất khách, quê người. Bỗng dưng, sau khi xảy ra đại dịch Corona và “dịch” chống phân biệt chủng tộc, có một thằng tuyên bố: không thèm chơi với nhau nữa… Lạ chưa?
Nhớ lại ngày nào: cuộc đời chưa vương vấn bụi trần ai với bao hoài bão. Tuy cá tính mỗi đứa một khác: - Một thằng tính nóng như Trương Phi, hay kỳ co, cố chấp - Một thằng ở dưới đất mà hay nói chuyện trên trời, ăn cơm dương gian mà hay bàn chuyện âm phủ - Còn tôi là thằng sớm “ngộ” được cái lẽ vô thường trong kiếp nhân sinh và “thấm” câu chuyện “Tái ông thất mã”- thành, bại, được, thua, trong cõi đời chỉ là giấc mộng phù du…Cho nên tôi giữ được sự thanh thản…và dung hòa các ý kiến cực đoan, mỗi lần hai đứa kia cãi nhau dữ dội.. Nhờ đó giữ được tình bạn lâu bền. Nhưng nguyên nhân sâu xa để thân nhau và tình bạn ba đứa keo sơn là do cùng chung lý tưởng, cùng chung trường Mẹ và có hoàn cảnh giống nhau.
Những ngày ở quân trường, chỉ có một con đường tiến tới: học tập chuyên cần để được tốt nghiệp (không phải mang thân phận hẩm hiu bị đuổi ra khỏi trường sớm, mang lon Trung sĩ). Bảy ngày trong tuần thì hết năm ngày lăn lộn ở thao trường trong mùa học Quân sự. Mùa Văn hóa: ban ngày lên giảng đường, đêm về đèn sách… Chỉ còn hai ngày cuối tuần - nhưng có bao việc phải làm: tạp dịch doanh trại, đào giao thông hào, lau súng, lau giày…Gắng làm cho xong công tác để buổi chiều còn ra tiếp “em” đang chờ ở Câu lạc bộ/SVSQ. Thế là mất toi ngày Thứ Bảy. Sáng Chủ Nhật - diện bộ quân phục dạo phố: mùa Đông Jasper, mùa hè worsted - bút nịt, phù hiệu Alpha bằng đồng sáng chói, giày da bóng lộn, đầu tóc ngắn gọn, ra sân sắp hàng ngay ngắn chờ các quan to khám xét. Xui xẻo hôm nào, gặp quan khó tính - vạch lá tìm sâu - không cho hưởng ngày phép cuối tuần, coi như đi đoong ngày Chủ Nhật – gác kiếm buồn xo, nằm nhà đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung - giải sầu…
Được ra phố, có đứa vui, thằng buồn. Vui là những đứa có bồ hẹn hò dạo phố, lên Sân Cù hay xuống Thung Lũng Tình Yêu tình tự. Buồn là những thằng chẳng ai ưa mà nó cũng chẳng ưa ai… Hắn dạo quanh khu Hòa Bình một vòng rồi vào rạp ciné - Ngủ! Ngủ để lấy lại sức cho tuần sau. Thế là xong một ngày Chủ Nhật.
Còn ba thằng chúng tôi - buồn, vui tùy thời. Hôm nào trời đẹp, phố xá đông vui, các “em đà lạt” rời nhà ra phố, khoe nét đẹp trời cho. Chúng tôi có dịp “liếc mắt đưa tình”- đó là nói theo lối văn chương, còn tiếng thông thường thời ấy là “đá lông nheo” hay “rửa mắt”… Như thế đã là vui. Hôm nào trời lạnh, sương mù che lối, ba thằng vào Café Tùng; hôm nào nắng to, trời nóng thì đến Nhà Thủy Tạ ăn kem, tán chuyện tầm phào “nhân gian phàm tục”. Chữ nghĩa khô khan trong các bài học: chính trị, kinh tế, xã hội… gác sang một bên để nói về một đề tài hấp dẫn hơn là “tình yêu và con gái”; còn lại là những chuyện bá vơ. Thế mà cũng có những lúc cãi nhau ỏm tỏi.
Vừa qua tuổi học trò thơ mộng, bước vào đời qua ngưỡng cửa Quân trường với nhiều thử thách. Tâm hồn người SVSQ như một tờ giấy trắng mới viết lên đôi điều lý tưởng và vẽ lên đó trái tim đầy nhiệt huyết…
Thời gian ở Quân trường với bao kỷ niệm rồi cũng qua mau. Ba đứa cùng ra chiến trường. Chọn cùng Đơn vị - Sư Đoàn 5 BB. Và bây giờ cũng chỉ có một con đường để tiến tới: Thi hành nhiệm vụ và phục vụ lý tưởng Quốc Gia, Dân tộc.
Dần dà, tờ giấy trắng viết thêm nhiều chữ: Tại sao?
Những ngày đầu ra đơn vị, theo đoàn quân làm nhiệm vụ an dân, tôi cũng “say miền đất lạ” (1) như anh anh bộ đội miền Bắc mới vào miền Nam: Những đồn điền cao su Dầu Tiếng, Hớn Quản bạt ngàn - di hành cả ngày chưa ra khỏi. Rồi có lúc dừng quân dưới những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm mát rượi – thơm phức mùi măng cụt, sầu riêng…
Nhưng rồi, chiến tranh đã tàn phá quê hương. Những lời ca phủ dụ: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (thơ của Phạm Tiến Duật – Hoàng Hiệp phổ nhạc trong bài ca Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây) nghe thấy xót xa… Than ôi! Trước mặt “con đường ra trận” là cạm bẫy, chông gai, là chết chóc, hận thù. Đằng sau “con đường ra trận” là cảnh tượng quê hương đổ nát, điêu tàn và để lại trong lòng người nỗi buồn vô hạn… Nghĩ lại mà thương cho tuổi trẻ Việt Nam.
Cuộc chiến leo thang, mỗi ngày thêm khốc liệt. Tôi được mai mối do bà già xếp đặt - cưới vợ để kiếm đứa con thừa tự. Còn ‘thằng kỳ co’ cứ nghêu ngao câu hát của Nhật Trường: “Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới…Anh viết rồi, anh lại xé em ơi! Bởi anh không muốn thấy người yêu nhỏ bé, một sớm nào thành góa phụ ngây thơ…” ‘Thằng hay nói’ thường khích ‘thằng kỳ co’: “Thời buổi này mà mày còn ‘quân tử Tàu’. Phải hát: Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới… Anh viết rồi, lại viết tiếp em ơi! Bởi anh không muốn thấy người yêu nhỏ bé, một sớm nào thành mệnh phụ phu nhân…” Thế nhưng đến ngày “tan hàng” ‘thằng kỳ co’ vẫn còn độc thân.
Sau ngày 30- 4- 1975, “trang giấy cuộc đời” viết thêm nhiều chữ: Tại sao? Và trên đó có thêm những dòng tủi hận. Ba thằng giờ đây cùng chung hoàn cảnh và cùng nỗi ưu tư trong chốn lao tù, làm cho tình bạn chúng tôi càng thêm gắn bó.
Trong suốt những năm dài ở tù, từ Nam ra Bắc ba thằng chúng tôi thường sống chung cùng trại, vì lúc ghi tên “tự nguyện” vào tù cùng ngày, cùng chỗ (Phường 7- Quận Nhất - Sài Gòn) nên có dịp nâng đỡ nhau về tinh thần lẫn vật chất. Hai thằng chúng tôi có vợ tiếp tế, thăm nuôi; ‘thằng kỳ co’ là con “bà phước” (2). Nhưng chúng tôi có thức gì, nó có thức ấy. Chỉ ngặt cái tính kỳ co làm cho nó khổ - hết bị cùm thì vào chỗ kiên giam.
Trong tù, ‘thằng nói chuyện trên trời’ đâm ra “phây phả” nhờ cái tài nhớ dai – đêm đêm hắn kể chuyện Kiếm hiệp Kim Dung, được anh em cung cấp cà phê, thuốc lào, đôi khi được tán đường, khúc sắn… Tôi và ‘thằng kỳ co’ cũng được hưởng “lộc rơi”. Khi có lịnh cho thăm nuôi, ‘thằng hay nói’ lại thêm “khấm khá” nhờ: “Nói những chuyện trên trời và ăn cơm ‘tù’nói chuyện âm phủ” – Hắn xem bói! Không hiểu làm sao mà nó nói đâu trúng đó… Một hôm đang cuốc cỏ sắn trên đồi, hắn chỉ mặt một tên, nói: “Ngày mốt ngươi có thăm nuôi”. Quả nhiên ngày mốt, người tù ấy có vợ ra thăm nuôi. Và nó có chút quà… Cứ thế phát huy - nó nổi tiếng… thân chủ mỗi ngày một đông. Anh tù nào lâu ngày không được thăm nuôi, tìm đến nó hỏi thăm tin tức. Hắn lim dim như đang lên đồng, rồi phán: “Nhà ngươi phải đợi hai… tuần”. Không ngờ trúng phóc… Thế là được thân chủ “hậu tạ”.
Hắn nổi tiếng - lời hắn nói ra như thánh, như thần. Bởi vậy mới có chuyện cười ra nước mắt: Một ông Đại tá, nghe bạn tù kể: “Vài tháng nữa, Mỹ sẽ cho trực thăng đến trại bốc hết tù nhân ra Hạm Đội 7- Đó là lời của hắn!”. Ông bạn tù nhấn mạnh: “Đó là lời của hắn” giống như ông Linh mục, sau mỗi lần trích dẫn một câu trong Thánh kinh: “Đó là lời của Chúa”. Bởi vậy, ông Đại tá viết thư về nhà bảo vợ đem cho ông bộ đồ côm lê (complet), sơ mi, cà vạt để chờ ngày lên trực thăng, không phải tiếp tế đồ ăn nữa. Bà vợ làm y lời ông dặn. Ông ôm bộ côm lê đến hơn bốn tháng, bụng đói meo mà chưa thấy trực thăng đến đón. Bạn tù cười thương hại… Còn ông Đại tá bắt đầu chửi đổng…
Cũng may, ngày 2-9 năm ấy, hắn cùng mười lăm người nữa được thả, trong đó có tôi, nên không nghe lời đàm tiếu sau đó thế nào. Trên chuyến tàu xuôi Nam, tôi hỏi hắn: “Mày học được cái nghề nham độn, bói toán hồi nào mà xem mày nói có vẻ chuyên nghiệp” - “Học mẹ gì, ghiền thuốc lào mà ngửa tay xin coi trơ trẽn, nên tán phét kiếm bi thuốc lào, may sao: nói đâu trúng đó” - “Thì ra thế, tao cứ tưởng mày có thần nhập”. Hắn cười khoái trá…
Trong những ngày đầu về lại Sài Gòn, hai đứa tôi rách như xơ mướp - một vợ hai con chạy gạo mỗi ngày- làm đủ thứ nghề, đầu tắt mặt tối… vợ con vẫn đói. Cùng đường, hắn trở lại nghề thầy bói. Không ngờ Trời cho nó hưởng lộc – nói đâu trúng đó. Thế là, nó lại nổi tiếng - khấm khá mà khỏe tấm thân, bạn bè cũng được hưởng ké lộc Trời…
Một năm sau ‘thằng kỳ co’ được thả - thân tàn ma dại. Ba thằng gặp lại nhau mừng mừng… tủi tủi… Nhưng vẫn không bỏ cái tật châm chích, mặc dù trong lòng thương nhau như ruột thịt. ‘Thằng hay nói’ nhìn ‘thằng kỳ co’, bảo:
- Tao tưởng mày ở lại đất Bắc, lo cơm nước cho vua Hùng Vương và hưởng nhang khói nơi Đền Hùng.
- Chết cái chó nào được - phải sống để xem tụi nó chết chớ mày. ‘Thằng kỳ co’ đáp.
Tôi xen vào để hai đứa khỏi cãi nhau:
- Chuyện trước mắt là lo chăm sóc sức khỏe và nơi ăn chốn ở cho mày.
‘Thằng hay nói’ đề nghị:
- Bây giờ nó ở lại nhà tao - tao lo thuốc thang, vỗ béo cho nó năm, ba tháng. Khi nào “da trắng tóc dài” cho nó ra riêng tìm nơi nương tựa.
Cả ba đứa đồng ý như vậy... Sau ba tháng tá túc nhà ‘thằng hay nói’, ‘thằng kỳ co’ về ở với bà chị bên Phú Nhuận. Hắn thuê chiếc xích lô, chạy rông kiếm sống, cũng đắp đổi qua ngày. Thỉnh thoảng hai thằng tôi mời nó ghé nhà, ăn bữa cơm thân mật với gia đình. Tuy đạm bạc, nhưng cảnh sum họp, đầm ấm làm nó thèm một mái ấm gia đình, nhất là nó thích có một đứa con. Nhiều hôm thấy nó ôm nựng thằng con trai của tôi,
Mắt nó rưng rưng. Tôi hiểu lòng nó…
Từ đó, hai thằng tôi cùng với hai bà vợ, cố mai mối, tìm cho nó một ‘cô vợ’. Chính bản thân nó cũng nỗ lực… Nhưng thời gian lạnh lùng trôi qua, người ta nhìn nó dưới con mắt thương hại, chứ chưa gặp ai tỏ vẻ thương yêu… Có khi còn nghe những lời cay đắng: “nghèo mà ham hay đừng mơ mà thất vọng”. Nó ôm nỗi buồn cô đơn và mối hận đàn bà. Nó tự nhủ: “Cam phận hẩm hiu, chớ nên mơ đến một mái ấm gia đình”.
Thế rồi, một ngày có thông cáo: Các Sĩ quan của Quân lực VNCH đã trải qua trên ba năm trong các trại tập trung cải tạo của Việt cộng được đi định cư ở Hoa kỳ theo chương trình HO. Vậy là: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/ Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa." (Kiều- Nguyễn Du).
Lúc này, hắn có nhiều “mối”: người xưa tìm về… bạn mới tìm đến… với những lời yêu thương tha thiết!? Có những cô gái tuổi đời chưa quá hai lăm, xinh như mộng… trước đây có nằm mơ cũng không gặp được. Thế mà giờ đây ngỏ lời: “nâng khăn sửa túi”.
“Trang giấy cuộc đời” ghi thêm sự hoài nghi và trần trụi. Hắn không trách “thế thái nhân tình”, chỉ buồn cho một thế hệ lao lung. Hắn hững hờ với đàn bà - nhuốm chút đắng cay. Hắn cam chịu số phận hẩm hiu, không nghĩ đến chuyện lập gia đình - chỉ chờ ngày ra đi…
Lần lượt, ba đứa lên đường theo chương trình HO, cùng định cư ở Quận Cam, Tiểu bang California – Bây giờ, “cuộc đời đã được sang trang”. ‘Thằng kỳ co’ không còn mang mặc cảm thua thiệt, không còn mang tâm trạng hoài nghi: “lòng người biển lận”. Không còn hờ hững với đàn bà. Hắn bắt gặp tình yêu chân thật - hắn cưới vợ… Xây dựng một mái ấm gia đình như ước mơ.
Những ngày đầu trên vùng đất mới còn bỡ ngỡ trước bao điều lạ lẫm… Nhưng lòng người thời đó sao mà nhân ái và hào sảng: Những người Mỹ bản xứ hết lòng hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Đồng hương đến trước cũng hết lòng đùm bọc, yêu thương giúp chúng tôi sớm ổn định cuộc sống trong một xã hội văn minh. Và chúng tôi bắt đầu thực hiện “Giấc mơ Mỹ” (American Dreams). Bây giờ nhìn lại đoạn đường đã qua, lòng còn xúc động và nhớ ơn…
Như bao nhiêu người Việt được định cư trên miền “Đất hứa” đều được an cư lạc nghiệp, con cái học hành thành đạt, có việc làm tốt… Ba thằng chúng tôi không ngoại lệ. Tình bạn chúng tôi vẫn gắn bó. Từ ngày về hưu, ba thằng thường gặp nhau nói chuyện chăm sóc khu vườn sau nhà: hướng dẫn cách trồng cây thanh long sao cho sai quả, tặng nhau những giống cây ăn trái như bưởi, táo, hồng giòn v.v… Những buổi sáng cuối tuần, rủ nhau ra quán cà phê, nhâm nhi… tán phét chuyện lạ bốn phương, hay chuyện thời sự sốt dẻo. Nhưng bao giờ hai thằng ‘kỳ co’ và ‘nói chuyện trên trời’ cũng có ý kiến trái ngược nhau trong cùng một vấn đề. Nên tôi phải dung hòa ý kiến trước khi ra về.
Thường thì chúng tôi gặp nhau khoảng 9 giờ sáng. Một hôm ‘thằng kỳ co’ phone cho tôi: “Hôm nay mày ra sớm, khoảng 8 giờ, tao có chuyện quan trọng muốn nói riêng với mày, trước khi nó đến” – “Chuyên gì mà có vẻ bí mật thế?” – “Thì ra đó sẽ biết…”. Tôi đồng ý.
Buổi sáng trời trong, nắng sớm vừa lên, gió mát hiu hiu… Tuy còn sớm, nhưng trong quán đã có khách lai rai, hương thơm cà phê lan tỏa làm tôi nhớ đến quán Thu Hương, trên đường Hai Bà Trưng, Tân Định năm nào. Hắn đứng bên hiên chờ tôi. Vừa trông thấy hắn gọi: “Đúng giờ quá hén”. Hắn đưa tôi vào chiếc bàn cuối dãy. Chờ cô bé đến lấy “order” xong, hắn bắt đầu câu chuyện:
- Như mày đã biết, hồi nào đến giờ, tao với nó nói chuyện tào lao, châm chọc nhau thì nhiều, chứ ít khi nói chuyện đàng hoàng, mà đây là chuyện đàng hoàng, nên nhờ mày cố vấn.
- Chuyện gì mà quan trọng thế? Tôi hỏi.
- Cuối tuần rồi thằng con trai về tỉ tê… đòi mẹ cưới vợ cho nó. Con bồ cho biết là mẹ nó khó lắm, lễ nghi phải theo phong tục Việt Nam, nghĩa là có ba lễ: Nói, Hỏi, rồi mới Cưới. Hỏi kỹ ra mới biết là con gái của hắn. Hồi nào đến giờ, tao thấy mấy đứa nhỏ chơi thân với nhau như anh em, đâu ngờ tụi nó lén lút yêu nhau. Vậy cũng tốt, nhưng tao nghĩ đến việc phải “vòng tay” thưa vợ chồng nó ê mặt quá… Nhưng thôi thương con cũng phải đành. Chỉ ngại vợ nó người Huế, khó giàn trời, mày đã biết rồi… Vợ chồng tao người Nam có biết “răng, mô” cho phải phép, nên nhờ mày làm trung gian hỏi ý: “muốn sao tao làm vậy”, cho vui vẻ cả làng…
Vừa xong câu chuyện thì ‘thằng hay nói’ đến. Nó nhìn ‘thằng kỳ co’ nói oang oang:
- Ông Trump được Thượng Viện tha bổng rồi, mày có buồn không?
‘Thằng kỳ co’ “căm” lắm, nhưng ráng nhịn, vì hôm nay nó muốn bàn chuyện quan trọng cho thằng con trai, nên im lặng. Tôi phải lên tiếng:
- Hôm nay, bỏ chuyện chính chị, chính em sang một bên… Cùng bàn một chuyện quan trọng.
- Chuyện gì mà quan trọng dữ vậy? ‘Thằng hay nói’ hỏi.
- Chuyện yêu đương của mấy đứa nhỏ nhà tụi bay. Con trai nó, mê con gái mày, con gái mày cũng yêu con trai nó. Tụi mày tính sao?
‘Thằng hay nói’ cười cười nhìn thằng ‘kỳ co’, bảo:
- Chuyện đó dễ thôi. Đứa nào có con trai thì mang trà, rượu đến nhà gái “vòng tay” thưa gởi đàng hoàng là xong ngay.
Một lần nữa ‘thằng kỳ co’ “căm” với hai chữ “vòng tay”, nhưng nó ráng giữ im lặng để tôi lên tiếng:
- Hổi nào đến giờ tụi mình chơi thân, cứ gọi nhau “mày, tao”. Lẽ ra, qua tuổi bảy mươi, có sui, có gia, con cháu đầy đàn, nên thay đổi cách xưng hô cho con cháu tôn kính tuổi già… Các bà nhiều lần thấy khó chịu khi chúng mình gọi nhau “mày, tao” . Nay tụi mày sắp làm sui gia với nhau, nên sửa cách ăn nói, nghe cho phải phép, chứ cứ “mày mày, tao tao” mãi không tiện. Chẳng lẽ hôm đám hỏi, giữa quan viên hai họ mà nói: “Hôm nay ‘vợ chồng tao’ đến xin ‘vợ chồng mày’ làm đám hỏi cho con…” nghe sao được.
‘Thằng kỳ co’ trả lời:
- Thú thực đổi cách xưng hô: mày mày… tao tao bằng anh anh… tui tui nghe không “mặn” và mất hứng khi nói chuyện. Nhưng thôi, đến lúc đó sẽ tùy cơ ứng biến, tự động sẽ ra lời lịch sự…
- Đừng có chủ quan. Tao kể tụi mày nghe một giai thoại: “Hồi đó có anh thanh niên miền Nam, hiền lành chất phác, mới học ở Liên xô về, Lê Đức Thọ có ý muốn nâng đỡ, cho anh ta điều khiển buổi chào cờ đầu năm ở Phủ Chủ Tịch, coi như ra mắt bá quan văn võ. Tới giờ hành lễ, anh thanh niên ra trước sân cờ, dõng dạc, hô: Đụ… mẹ…Chào cờ! Chào!
Cả đám “quần thần” tá hỏa – ôm bụng cười thầm…
- Đấy, con người thường nói, hay làm theo phản xạ, nên phải tập ngay bây giờ. Tôi nhắc nhở hai đứa.