|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Giữa tháng Tư trời nắng nóng như đổ lửa, trên các con đường thưa thớt dần bóng các gánh hàng rong, các xe hủ tiếu cũng hiếm hoi dần. Các quán cà phê vỉa hè cũng trở nên ế ẩm, chỉ có vài quán lác đác dăm ba người khách thuộc tầng lớp lao động.
Hùng nhìn tôi khẽ thở dài, hỏi:
– Em có nghe tin trên đài phát thanh thành phố chiều qua không?
Tôi gật đầu. Hùng tiếp:
– Em tính thế nào? Giọng anh chợt chùng xuống. Chuyến này quân giải phóng vào anh e là lành ít dữ nhiều, chúng sẽ không tha cho những người tri thức như em hay những người lính quốc gia như anh, và ngay cả những người dân thường vô tội, anh sợ cũng khó mà thoát khỏi bàn tay bạo tàn của những gã lính khát máu, với chúng việc giết người bên kia chiến tuyến như đã thành niềm vui rồi.
Những lời của Hùng thật sự khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi đã từng chứng kiến những hành động táng tận lương tâm của phía Việt Cộng, mới tuần trước đây thôi, họ đã cho người gài mìn trong một quán ăn khiến hơn hai mười người dân thường thiệt mạng, tháng trước là một vụ ném mìn vào trường học khiến mười em học sinh chết oan uổng. Ngoài ra suốt từ năm 1960 đến năm 1969 họ đã thực hiện hàng trăm cuộc khủng bố lớn nhỏ, và trong các cuộc khủng bố ấy kẻ gánh đau thương nhất dĩ nhiên là những người dân vô tội.
Gia đình tôi vốn là người Miền Bắc di cư vào Sài Gòn, cha tôi bị giết hại trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954, vì trốn chạy sự thanh trừng của Việt Cộng mẹ con tôi đành gạt nước mắt từ giã quê hương dắt díu nhau vào đây mong tìm thấy cuộc sống tự do. Trái ngược hẳn với tuyên truyền của Bắc Việt, chính quyền Miền Nam không hề đàn áp hay đối xử tàn tệ với dân, đến Sài Gòn chúng tôi được sống trong vùng trời bình đẳng, bác ái, mọi chính sách của chính quyền đều đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tôi được nhận vào học trường Sư Phạm Sài Gòn, ra trường trở thành giáo viên với mức lương ưu đãi đủ để nuôi sống bản thân và mẹ. Anh tôi là sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được đối xử theo chế độ quân nhân. Có thể nói từ địa ngục mẹ con chúng tôi đã tìm thấy thiên đường thật sự. Giờ đây nếu bộ đội Bắc Việt kéo vào Sài Gòn, chắc chắn họ sẽ xới tung đời sống yên bình của người dân, trong đó có cả gia đình tôi. Liệu rồi họ có thật sự đưa lại tương lai tương sáng cho chúng tôi như lời họ vẫn ra rả tuyên truyền hay chăng? Hay họ sẽ đẩy tất cả chúng tôi sa vào địa ngục trần gian một lần nữa?
– Em cũng chưa biết, thế ý anh thế nào? Tôi hỏi Hùng trong khi mắt nhìn những cánh phượng nở rộ trên cành, như đang đốt cháy dãy phố trước mặt.
– Anh sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với lũ chúng nó, chúng nó là những kẻ khốn nạn không thể để chúng nó dày xéo Hòn Ngọc Viễn Đông này. Hùng nói, hai mắt vằn lên sự căm thù. Là một người lính Việt Nam Cộng Hòa anh không thể đứng nhìn những người dân vô tội bị chết dưới tay lũ ma quỷ Việt Cộng.
– Có chuyện gì mà sôi nổi vậy hai bồ. Nguyệt Sương, cô chủ quán có thân hình bốc lửa vừa nói vừa tiến về phía bọn tôi. Sương cũng là dân Miền Bắc.
– Chào bồ. Tôi nói, có gì đâu, chúng tớ đang bàn về chuyện Việt Cộng sắp xâm lược Sài Gòn.
Nguyệt Sương ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, mím môi:
– Thế hả, sao tớ không hay biết điều đó nhỉ?
– Chiều qua đài phát thanh Sài Gòn mới đưa tin đấy, chẳng nhẽ cô em không nghe? Hùng nói.
– Có lẽ em bận bịu quá nên không để ý. Nguyệt Sương thở dài. Chẳng trách hôm nay quán xá ế ẩm thế. Mọi ngày giờ này khách uống cà phê đã đông rồi.
Một loạt tiếng súng vang lên từ cuối dãy phố, Hùng đứng phắt dậy. nói nhanh:
– Có chuyện rồi, Thúy Hạnh em uống xong cà phê thì bắt xe về nhà ngay luôn nhé, anh phải đi đây, hẹn gặp lại em.
Dứt lời Hùng lao đi, tôi nhìn theo bóng Hùng dần khuất lòng chợt dâng lên những cảm xúc lo âu. Tôi nghĩ đến Thuận, anh trai tôi. Không biết giờ này anh thế nào, cuộc chiến phi nghĩa này sẽ đưa chúng tôi về đâu? Nếu Thuận có mệnh hệ nào chắc mẹ tôi khó mà sống nổi. Thuận à, hứa với em anh phải sống và trở về với mẹ và em nhé.
Nước mắt rơi làm nhòe khóe mi tôi, gió hạ thổi qua làm khô ngay lập tức.
– Thôi đừng suy nghĩ nhiều chi cho tiều tụy dung nhan bồ ơi, Nguyệt Sương cười tươi, mình tin cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc và đời sống dân Sài Gòn chúng ta sẽ lại thanh bình như cũ thôi.
– Mình cũng mong như vậy.
Tôi cầm tay Nguyệt Sương rưng rưng.
Chiều hạ gió dịu dàng lướt qua những hàng phượng, tiết sinh hoạt hôm nay không khí trầm hẳn so với ngày thường, tôi ngồi trên bục giảng lòng rối bời suy nghĩ, mấy hôm nay thông tin từ chiến trường khiến người dân thường như tôi vô cùng lo lắng. Lính Việt Cộng đã chiếm hầu hết các cứ điểm quan trọng của phía Việt Nam Cộng Hòa.
– Cô ơi, đến khi nào thì kết thúc chiến tranh vậy cô?
Một đứa học trò đột ngột hỏi khiến tôi giật mình thoát khỏi chuỗi suy tư.
– Yên tâm đi em, chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc thôi. Tôi vừa nói vừa đưa mắt nhìn xuống lớp, những khuôn mặt ngây thơ đầy nét sợ hãi của họ trò làm tôi cảm thấy xấu hổ vì lời nói dối của mình.
Chính tôi cũng đâu có biết khi nào cuộc chiến này mới chấm dứt. Mà cho dù có chấm dứt thì cái còn lại sẽ là gì? Liệu tôi có còn cơ hội dẫn tụi nhóc đi chơi công viên như ngày nào? Liệu tôi có còn được Hùng dắt tay đi dạo trên bờ sông Sài gòn mỗi tối cuối tuần để nghe gió giỡn đùa mái tóc và nghe Hùng hát những khúc bolero về những người lính Cộng Hòa? Và tụi học trò nữa, chúng có còn được tự do vui chơi chạy nhảy hay không?
Ngày mai cái gì đang chờ đợi tôi và người dân Sài Gòn?
– Cô ơi, nhà cậu em ở Gò Vấp đã bị chết cả nhà hôm kia rồi, em sợ quá cô ơi.
Cậu nhóc đeo kiếng cận cuối lớp vừa kể vừa nức nở. Cả lớp quay lại nhìn, mặt đứa nào đứa nấy xám ngoét. Tôi cố trấn an:
– Các em đừng sợ, cuộc chiến sắp kết thúc rồi.
Tôi nắm chặt hai tay vào nhau, chiếc bút trên tay tưởng chừng sắp gãy.
Đã có quá nhiều người vô tội chết oan ức vì cuộc chiến vô nghĩa này. Nó còn kéo dài bao lâu nữa đây? Tại sao quân Bắc Việt cứ phải tấn công vào Sài Gòn? Tại sao họ không để người dân Sài Gòn được sống bình yên theo thể chế chính trị riêng? Chẳng lẽ chỉ vì họ muốn thống nhất hai miền mà xem tính mạng của nhân dân không bẳng cỏ rác?
<Rời trường tôi cho xe chạy chầm chậm qua những con đường quen thuộc, phố xá bây giờ đìu hiu quá, trước kia mỗi khi chiều về không khí vô cùng náo nhiệt vậy mà bây giờ đâu đâu cũng vắng tanh.
Các quán xá dường như không còn bóng dáng các đôi tình nhân, chỉ còn những người lính ngồi bên cốc bia thẫn thờ, chắc là cuộc chiến đã rút hết sinh lực của họ.
Trên vỉa hè, bà cụ bán ổi ngồi bên thúng ổi ế ẩm, bàn tay gầy xua ruồi, tôi ghé vào mua giúp cụ hai kilo, cụ nhìn tôi trìu mến, cảm ơn rối rít.
– Cố giáo đi dạy về hả? Bà cụ hỏi.
Tôi đáp:
– Dạ vâng thưa má.
– Chiến tranh cực quá cô ơi, cụ chấm nước mắt bằng vạt áo đã sờn màu, tự dưng đang yên đang lành họ kéo nhau vào đây dày xéo làm gì cơ chứ, có ai chào đón họ đâu.
Tôi mở cặp lấy thêm năm đồng dúi vào tay bà cụ. Bà cụ từ chối không được đành cầm lấy. Tôi phóng xe đi, lòng bất chợt đau nhói. Phải rồi, có ai trong chúng tôi chào đón những gã lính Việt Cộng đâu cơ chứ? Chúng tôi đang sống thanh bình đâu cần bọn chúng kéo vào giải phóng, mà chúng giải phóng cái gì ở đây? Thay vì mang danh giải phóng Sài Gòn tại sao chúng không giải phóng đời sống đói nghèo của mấy mươi triệu đồng bào Miền Bắc? Hay chúng xâm lược Sài Gòn chỉ để thõa mãn sự khát máu của những tay cầm quyền phía bên kia?
Tôi về đến nhà má tôi đang ngồi thẫn thờ bên mâm cơm nguội lạnh.
– Đi tắm chút xíu đi con rồi ra ăn cơm.
Má nói, giọng nghèn nghẹn.
– Dạ.
Tôi đáp và nhanh chóng đi vào phòng cởi bỏ quần áo, tắm táp qua loa tôi đi ra ngồi xuống bàn ăn, cơm đã được má xới ra.
Sống hơn mười hai năm tại Sài Gòn chúng tôi đã quen với lối xưng hô cũng như cách ăn nói của xứ sở này.
– Ăn hột vịt rán đi con. Má gắp trứng cho tôi, ánh mắt má nhìn tôi rưng rức buồn.
Hình như má có điều gì muốn nói, tôi đọc được điều ấy trong mắt má và cả những cử chỉ của má chiều nay, chúng khác hẳn bình thường.
– Thúy Hạnh à. Má nói.
– Sao vậy má?
Tôi dừng đũa nhìn má kỳ lạ.
– Trưa nay thằng Hai mới ghé về.
– Anh Hai về hả má, tôi thốt lên sung sướng, anh có nói gì không, có hỏi thăm con không, anh có mang quà về tặng má không?
Tôi hỏi liên thanh, khiến má không kịp trả lời. Bàn tay má bưng bát cơm run run, đặt xuống bàn, má khẽ thở dài.
Đoán biết má sắp nói điều gì rất hệ trọng tôi liền thay đổi tính cách sôi nổi, tinh nghịch thường ngày bằng sự điềm tĩnh.
Má nhìn tôi ánh nhìn trìu mến.
– Thằng Hai nó nói, cuộc chiến này có thể phía Việt Cộng sẽ thắng, và nếu nguy cơ đó xảy ra người dân Sài Gòn chỉ còn một cách duy nhất để bảo tồn tính mạng và hy vọng vào một cuộc sống đủ đầy tự do đó là chạy theo những người Mỹ. Nó bảo má bàn với con chuẩn bị tinh thần, nhưng mà, giọng má bỗng đượm nỗi buồn, má già rồi sống còn bao lâu nữa đâu cho nên má nghĩ nếu có cơ hội thoát khỏi móng vuốt Việt Cộng thì chỉ nên một mình con đi thôi, kể từ khi ba con chết dưới tay Việt Cộng má không còn muốn sống trên đời này nữa, nhưng vì anh em con nên má mới gắng gượng sống đến bây giờ. Những tưởng vào đất Sài Gòn này sẽ được yên ổn đâu ngờ, chạy đâu cũng không thoát khỏi sự đe dọa của những kẻ máu lạnh ấy.
Tôi cầm lấy hai bàn tay xương xẩu của má, lòng tôi run lên từng chập, tôi nức nở:
– Má đừng nói thế, nếu mà không đi con cũng không đi, liệu con có thể sống vui vẻ khi không có má bên cạnh chăng? Má à, dù bất cứ giá nào má cũng phải đi cùng con má nhé.
Má rút tay khỏi tay tôi, bàn tay gầy của má vỗ nhẹ lên tay tôi, má cười:
– Thôi con ăn tiếp đi, ăn hết má xới tiếp, hôm nay má nấu canh điên điển đấy, món con thích nhất nên ăn nhiều chút nhen. Chuyện đó chờ đến lúc hẵng tính con ạ.
– Vâng thưa má. Tôi đáp và bưng bát cơm ăn tiếp. Trong thâm tâm tôi cứ lởn vởn ý nghĩ về cuộc ra đi sắp tới, tôi hiểu tính má tôi, một khi má đã quyết thì chẳng có gì lay chuyển nổi, má nói không đi thì chắc chắn là má sẽ không bao giờ đi, nếu vậy tôi cũng chỉ còn mỗi cách ở lại cùng má, cùng lắm là hai má con chết oan ức dưới gót giày Việt Cộng.
Đêm nặng nề trôi qua, tôi nằm thao thức nghe tiếng thở dài của má, lẫn trong tiếng thạch sùng trên vách. Xa xa tiếng súng vẳng lại. Ngoài phố lác đác tiếng rao quà đêm.
Cuộc chiến càng ngày càng trở nên dữ dội, khắp nơi khói lửa tơi bời, xác và máu người dân vô tội mỗi ngày một tràn ngập thôn ấp, đường xá.
Đài phát thanh thành phố liên tục phát đi những bản tin nóng bỏng. Khắp thành phố đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về cuộc chiến. Tiếng nguyền rủa than oán được buông ra ở bất cứ tầng lớp nào.
Trường học đóng cửa, lũ học trò ở nhà cùng cha mẹ chúng thu dọn hành lý chuẩn bị tư thế chạy giặc. Không có việc làm tôi chán nản ra quán cà phê kiếm chốn giải buồn. Hơn tuần nay Hùng bặt tăm. Có lẽ cuộc chiến đang hồi ác liệt khiến anh không có thời gian dành cho chuyện yêu đương. Tôi nhờ Hùng da diết nhưng tôi không trách anh. Anh còn phải cầm súng chiến đấu vì lý tưởng, cũng như Thuận anh trai tôi, họ là những người hy sinh cuộc sống riêng tư của mình để bảo vệ đời sống bình yên cho nhân dân.
– Uống đi bồ, cứ sống vui vẻ lên, tuy cuộc chiến cam go nhưng chúng ta cũng không nên vì thế mà chán nản.Nguyệt Sương đặt ly nước cam xuống trước mặt tôi, miệng vẫn giữ nụ cười tươi tắn.
– Cảm ơn bồ. Tôi nhấp một ngụm nước cam, đá lạnh khiến người tôi dịu hẳn đi.
Thằng nhỏ bán báo rao ầm ĩ “Ai báo đê báo đê, Việt Cộng mới chiếm Ắp Bắc và gài mìn làm chết hơn trăm người dân vô tội. Hãy đọc tin tức hàng ngày để thấy sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến”.
Gọi thằng nhóc tôi mua một tờ. Càng đọc toàn thân tôi càng run lên vì căm phẫn.
– Ôi tin gì vài ba tờ báo lá cải ấy hả bồ. Nguyệt Sương chống cằm nhìn tôi. Bản thân tôi đã từng chứng kiến những hành động tốt đẹp của những người lính Cộng Sản rồi, cho nên tôi chẳng tin họ ác đến mức ấy.
Quen Nguyệt Sương hơn hai năm nay thấy tính tình nhỏ vui vẻ hòa nhã nên tôi rất thích ghé quán cà phê của nhỏ, nhưng hôm nay những lời lẽ bênh vực Việt Cộng của nhỏ khiến tôi cảm thấy cay ghét nhỏ ghê gớm.
Tôi hơi sẵng giọng:
– Bồ nói thế là có ý gì, bộ những vụ khủng bố của Việt Cộng lâu nay bồ không nghe hay sao, chẳng nhẽ đó cũng là tuyên truyền láo của chính quyền Sài Gòn?
– À cái đó thì cũng chẳng biết được. Nguyệt Sương nói. Chúng ta chỉ là dân thường làm sao hiểu được chiêu thức của những tay cầm quyền, sao bồ không nghĩ những cuộc khủng bố ấy là do chính quyền Sài Gòn dựng lên hòng bôi nhọ phía Bắc Việt?
– Hừ bồ nói thế mà nghe được sao – tôi gắt – bồ thử so sánh xem chính sách đối với đời sống người dân của chính quyền Saì Gòn có gì không tốt nào, cớ gì họ phải bịa ra những chuyện đó làm gì, họ tuyên truyền láo về Việt Cộng cũng đâu đem lại niềm tin thêm cho dân chúng.
Rút tiền đặt lên bàn, tôi không thèm chào Nguyệt Sương như ngày thường, lặng lặng nổ máy lao đi trên con đường nóng như nung. Trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng người dân tay xách nách mang. Có lẽ họ đang trên đường chạy nạn. Mặt mày người nào người nấy phờ phạc thấy rõ. Tôi dừng xe hỏi một người đàn bà đang bồng con nhỏ:
– Các chị từ đâu chạy tới đây?
Người đàn bà mặt mày hớt hải:
– Chúng tôi từ Ấp Bắc, khủng khiếp quá cô ơi, nửa đêm mọi người đang ngủ say bỗng nghe tiếng nổ như trời long đất lở, phút chốc hàng chục ngôi nhà bốc cháy, mùi da thịt khét lẹt, tiếng kêu than dậy đất. Tại sao chúng tôi lại phải chịu cảnh khốn khổ khốn nạn thế này cơ chứ. Chị ta khóc nức lên.
Vậy là báo chí đã không đưa tin láo. Tự dưng tôi có cái nhìn khác về Nguyệt Sương. Thật sự cô ta là ai. Có đúng là cô gái ấy chỉ là người bán cà phê đơn thuần? Biết đâu cô ta chẳng là điệp viên do Việt Cộng gài cắm. Những ý nghĩ thoáng qua đầu tôi. Như một điều tra viên tôi sắp xếp lại những chi tiết về Nguyệt Sương. Mỗi ngày ngồi uống cà phê tại quán Nguyệt Sương tôi vẫn thường thấy có một người đàn ông đem hoa quả đến bán cho cô ta, trong khi trao đổi hàng và tiền cử chỉ của họ khá lạ lùng. Đúng rồi, chắc chằn cô ta là điệp viên của Việt Cộng, tôi phải thông báo việc này cho Hùng gấp.
Tôi cho xe chạy đến doanh trại đóng quân của Hùng. Sau khi nghe tôi trình bày tôi là người yêu của Hùng, tay bảo vệ bảo tôi chờ và chạy vào báo cáo. Mười phút sau Hùng xuất hiện trong quân phục người lính. Trông anh mệt mỏi và tàn tạ rất nhiều.
– Có việc gì mà em đến tìm anh vậy Hạnh?
– Anh Hùng à, em có chuyện về Nguyệt Sương muốn nói với anh.
– Con nhỏ bán cà phê ấy hả?
– Vâng.
Sau khi nghe tôi nói xong suy nghĩ của mình. Hùng vội vã bảo tôi ngồi lên xe để anh đèo đến quán của Nguyệt Sương.
– Bằng mọi giá chúng ta phải điều tra cô ta – Hùng nói – cuộc chiến này đang bước vào giai đoạn cao trào, máu người dân vô tội đang đổ vì những kẻ trá hình như cô ta.
Hùng cho xe phóng nhanh. Trưa hè gió nóng lồng trong nắng cháy. Tôi ngồi sau Hùng lòng mơ màng nghĩ về ngày mai.
Chúng tôi đến nơi, quán cà phê Nguyệt Sương đã đóng cửa. Cùng lúc ấy một tiếng nổ long trời vang lên từ nhà hàng ăn nhanh cuối dãy phố. Khói lửa bốc lên mù mịt. Hùng cho xe phóng về phía ấy. Từ đám cháy một chiếc xe máy lao ra, điều khiển là một gã đàn ông trung niên, ngồi phía sau là một cô gái tóc dài. Tôi nhìn nhanh và giật mình khi nhận ra đó là gã đàn ông vẫn giao hoa quả cho Nguyệt Sương và cô gái ấy không phải ai xa lạ chính là Nguyệt Sương.
Bọn chúng gài mìn quán ăn nhanh vì phát hiện ra những người sỹ quan Cộng Hòa đang tập trung ăn trưa tại đó.
Xe cứu hỏa và xe cứu thương được điều đến ngay sau vụ nổ. Cả khu phố trở nên hỗn loạn. tất cả mọi người đều thể hiện sự âu lo ra mặt, dường như họ đang nhìn thấy cái chết của mình lởn vởn quanh đây. Sau nửa tiếng đồng hồ cuối cùng lửa cũng được dập tắt, lần lượt nạn nhân được đem ra. Tôi nhận ra Thuận trong số đó. Tôi lao lại, giữ lấy cáng, òa khóc gọi liên hồi:
– Anh ơi, anh trai của em.
Chiếc càng được đặt xuống, Thuận hé mắt nhìn, nhận ra tôi anh khẽ cười, nụ cười đau đớn:
– Hạnh à, em phải không?
– Em đây, em gái anh đây, anh đau lắm phải không?
Nụ cười trên môi Thuận đang úa dần đi:
– Đừng khóc em gái của anh, anh sắp về với cha chúng ta rồi, nhớ lời anh dặn em phải mạnh mẽ lên mà sống, bằng mọi giá… Thuận hộc lên một tiếng, máu trào lên miệng, tôi đưa tay vuốt ngực Thuận. Anh thở hắt ra gắng gượng tiếp:
– Em hãy đưa mẹ rời khỏi đất nước khốn khổ này. Đừng nghe lời tuyên truyền của lũ Cộng Sản, hứa với anh, không được ở lại. Vĩnh viễn chẳng có thiên đường tự do bác ái nào đâu em gái ạ, từ miệng chúng nó chỉ có áp bức và lừa dối mà thôi.
Tôi nắm bàn tay của Thuận, nước mắt tôi tuôn lả chã thay cho lời hứa. Tay Thuận lỏng dần, lỏng dần… Tim Thuận ngừng đập, trước mắt tôi mọi thứ nhòa đi.
Đài phát thanh thành phố phát đi bản tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng quân Bắc Việt vô điều kiện. Mẹ tôi ngồi bên mâm cơm nước mắt chan hòa, làn khói hương bảng lảng trước di ảnh của Thuận. Tôi nghe lòng mình dồn lên từng cơn đau. Hết thật rồi, cuối cùng Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại.
Hùng cầm tay tôi. Biển lộng gió, những con thuyền đang trong tư thế ra đi. Tôi nghe lòng mình se thắt. Với tôi, người con gái mỏng manh như chiếc lá bập bềnh trên dòng sông đời sống ở đâu cũng vậy. Nhưng với Hùng thì khác, anh là người đàn ông của lý tưởng sống tự do và sẵn sàng bùng nổ. Anh không muốn sống vật vờ như những cái xác vô tri giữa xã hội nghẹn ngụa mùi giả tạo và lọc lừa.
Tôi đưa tay vuốt lại mái tóc đang bị gió sớm làm rối:
– Anh không thể ở lại cùng em sao?
Giọng anh buồn buồn:
– Tại sao em không đi cùng anh?
Tôi nén tiếng thở dài:
– Em còn có mẹ, em không thể bỏ mẹ em ở lại để đi tìm cho riêng mình tương lai, mà cái tương lai ấy em cũng không dám chắc nó có tốt đẹp hơn cuộc sống bây giờ không?
Hùng cười mũi:
– Cuộc sống này mà em cho là nó tốt đẹp sao? Sự bất công oằn nặng bao kiếp người, mỗi cá nhân không có tiếng nói, mọi người sống như lũ rối đã được người ta tạo ra từ một khuôn mẫu chung, đến cái cười cái khóc cũng phải theo chỉ đạo của một lớp người độc đoán.
Tôi im lặng. Hình như gió sớm càng lúc càng thổi dữ hơn. Xuyên thấu vào từng mạch máu lòng tôi mà băm vằm mổ xẻ. Tôi và mẹ tôi cùng bao nhiêu con người đang sống dưới vực thẳm âm u và đen tối như đám phù du không phân biệt phương hướng, tôi biết làm gì bây giờ? Tôi không phải là Hùng. Anh dám làm theo tư tưởng của anh còn tôi, tôi sợ sự hỗn loạn. Một kiếp người sống được bao lâu, khổ đau hay vui sướng có nghĩa gì? Tại sao cứ phải trầy trật kiếm tìm miền đất hứa?
Hùng quay lại nhìn tôi. Trong đôi mắt của anh chiều nay một bếp lửa đang bùng phát, như muốn thiêu trụi những gì hiện hữu trước mặt…
– Cộng sản cho rằng chúng đã thắng, chúng đã giải phóng Sài Gòn thống nhất non sông, nhưng thực ra chúng chẳng giải phóng được cái gì hết, chúng chỉ gieo rắc sự khốn nạn và tàn phá mà thôi. Nghe anh em hãy đưa mẹ đi cùng anh, lẽ nào em đã quên lời em hứa với Thuận?
Hùng nằm chặt tay tôi, giọng anh như sóng biển vỗ vào hồn tôi.
– Em không quên lời hứa với anh Thuận, nhưng mà mẹ không chịu đi, em không thể để mẹ ở lại chỉ vì tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Hãy hiểu cho em. Tôi gục đầu vào vai Hùng nức nở. Bàn tay Hùng vuốt nhẹ mái tóc tôi.
Tiếng còi tàu vang lên đầy giục giã. Cảm giác ấm áp rời xa tôi, tôi ngẩng lên Hùng đã bước lên boong tàu. Làn khói tàu bốc lên ngập trời. Biển gào thét.
Suốt một thời gian dài tôi sống trong nỗi đớn đau khi nghĩ Hùng không còn trên đời này nữa. Khi nghe tin những chuyến tàu vượt biển đã bị quân Bắc Việt đánh chìm ngoài đại dương, và những thuyền nhân đã thành mồi cho cá tôi khóc đứng khóc ngồi suốt cả tháng ròng.
Mười năm sau tôi nhận được thư, là thư của Hùng, anh nói, anh may mắn được một tàu đánh cá cứu sống, sau nhiều ngày lênh đênh anh đã đến nước Mỹ.
Chớp mắt bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày Hùng rời Sài Gòn theo tiếng gọi tự do. Mẹ tôi đã thành người thiên cổ. Tôi vẫn ở vậy cho đến bây giờ, tôi không muốn lấy chồng, hình bóng Hùng vĩnh viễn ở trong tôi.
Bao lâu rồi tôi khắc khoải chờ ngày hòa giải dân tộc để được gặp lại Hùng nhưng càng chờ tôi càng thất vọng tràn trề. Mà có lẽ nếu có ngày hòa giải đó chắc gì Hùng đã chấp nhận quay về? Tôi hiểu tính Hùng, một khi đã bị người ta cướp đi giấc mơ Hùng sẽ không bao giờ quên, Hùng không như tôi có thể dễ dàng xóa thù hận để sống, dù cuộc sống có nặng nề mệt mỏi. Năm nhân mạng nhà Hùng đã chết vì súng đạn của bộ đội Bắc Việt, mối hận ấy mãi mãi hằn sâu trong tâm tưởng Hùng.
Theo lời kể của Hùng sau khi định cư bên Mỹ, ba năm sau anh lấy vợ sinh con. Bây giờ anh đã thành ông nội ông ngoại của hai đứa cháu. Tôi thật sự mừng vui cho Hùng.
Còn tôi bốn mươi năm qua, dù tôi vẫn sống với nụ cười trên môi giữa dòng đời trong đục lẫn lộn này nhưng mỗi khi tháng Tư về vết sẹo tự sâu thẳm trái tim tôi lại nhói lên những cơn đau xưa cũ.
Ngoài kia nắng tháng Tư rưng rức buồn. Hơn bốn mươi năm rồi sao như mới hôm qua.
- Sẹo Tháng Tư Trương Đình Phượng Truyện ngắn
- Ngôn ngữ mới hành trình của thơ ca tới trái tim hay sự dị dạng của thời đại Trương Đình Phượng Nhận định
- Những đôi mắt ngủ quên Trương Đình Phượng Thơ
- Con đường mới | Mở cửa Trương Đình Phượng Thơ