1. Head_

    Giản Chi

    (..1904 - 22.10.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Việt Kiều (Trần Kiêm Đoàn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2004 | TRUYỆN

      Việt Kiều

        TRẦN KIÊM ĐOÀN
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Huy lúng túng một cách trẻ thơ. Tâm trạng nổi loạn đang lắng xuống thành sự tò mò bỡ  ngỡ của một người đang đi trên đường cái., bỗng dưng có người mời gọi bước vào ngưỡng cửa khu rừng huyền bí. Huy đang ở trên đà của sự hằn học bất chấp, hơn là nỗi đam mê ong bướm và thể xác nên "gọi hàng" miễn cưỡng.

      - Cũng được.  Phản ứng đầy cảm tính của Huy làm cho người đàn ông hoài nghi:

      - Tốt lắm! Vì món "hàng" đặc biệt này cần bán gấp chiều hôm nay, nhưng việc mua bán này đòi hỏi một số điều kiện mà chúng tôi rất hy vọng rằng ông đều hội đủ.  Huy nhìn dáng tiều tụy của mình trong gương, hỏi lại như thách thức một cách mệt mỏi:

      - Tiền?

      Người đàn ông thản nhiên trả lời:

      - Thưa ông, chuyện tốn kém chút đỉnh trong cuộc chơi thì tất nhiên là phải có rồi. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt vì người bán hàng ra điều kiện rằng, người mua bắt buộc không phải là ngoại kiều, ba Tàu Chợ Lớn, Việt kiều hay lính tráng ba gai nên "giá bán" chỉ còn một phần ba thường lệ: hai cây cộng thêm năm chỉ dịch vụ!

      Không để cho Huy kịp có phản ứng, người đàn ông già kinh nghiệm nhanh chân sút bóng vào lưới: - Rõ ràng nhìn ông không phải là ngoại kiều, Việt kiều, ba Tàu hay lính tráng ba trợn rồi nên việc "nhỏ" còn lại là xin ông gởi trước đủ số "lệ phí".


      Mọi việc sắp xếp còn lại, công ty chúng tôi bảo đảm sẽ lo liệu thật đẹp, nếu khách không thỏa mãn sẽ xin hoàn lại cả vốn lẫn lời. Thời buổi kinh tế thị trường chơi theo kiểu Mỹ mà ông!

      Huy thắc mắc:

      - Tại sao khách hàng lại trừ ra ngoại kiều, ba Tàu, Việt kiều và lính tráng ba gai vậy?

      Người đàn ông nheo nheo mắt cười mát mẻ:

      - Thì cũng là con gái trí thức, nhà lành sa cơ thất thế phải bán của trời cho nhưng vẫn cố gìn vàng giữ ngọc theo kiểu: "có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con" ấy mà. Ngoại kiều thì mua gái như mua đồ chơi. Việt kiều về quê hương kiếm gái là Việt kiều "hoảng", đa số là những thành phần sống lông bông nơi xứ người. Lính tráng ba gai là hạng kiêu binh coi trời như ngọn rau má và dùng người để phá người chơi!

      Huy thở dài: 

      - Bỗng dưng mình cũng ở trong dòng nước đục.

      Chừng như đọc được ý của người đối diện, gã đàn ông quản lý cười dòn tan, nhưng cái dòn đầy gượng gạo hơn là sự cảm kích phát xuất tự đáy lòng.


      2.


      Ad-22 Ad-22

      Người thanh niên đưa Huy đến điểm hẹn, dặn dò:

      - Xong việc, xin ông khóa trái cửa và ném cái chìa khóa vào nhà. "Hàng" đang chờ ông trong ấy. Ông cứ việc thoải mái vào nhà. Thức ăn, bia, rượu mạnh đều có sẵn trong tủ lạnh.

      Gã thanh niên nheo mắt trái làm hiệu theo cái cười đồng lõa, nhưng cũng rất đểu:

      - Chúc "chú rể, cô dâu" một đêm hạnh phúc nhé!

      Huy e dè bước vào ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn nằm ẩn sau tàng cây xanh. Phòng khách trang trí rất trang nhã và mỹ thuật. Ðiểm khác biệt với nhà Âu Mỹ là cái tủ lạnh để ngay trong phòng khách như một vật trang trí và phòng ngủ cách phòng khách chỉ bằng cái màn voan trắng nhạt điểm hoa hồng. Huy bỡ ngỡ nghe tim đập thình thịch như kẻ trộm nhát gan. Huy biết có người đang đợi sau bức màn mỏng, nhưng sao cái màn mỏng manh như gió thoảng ấy bỗng thành cao vời vợi khó vượt qua. Huy không biết đã ngồi lặng im trong căn phòng nhỏ đến bao lâu, cho đến khi có tiếng nói vọng ra, nửa như bực dọc, nửa như van lơn làm Huy càng ngỡ ngàng, im tiếng:

      - Xin lỗi ông khách, tôi đã sẵn sàng!

      Huy hoang mang nghĩ vẩn vơ như tuổi nhỏ trong xóm nghèo ngày xưa chơi diều giấy. Mê bay cao, nhưng lại sợ diều căng gió đứt dây bay mãi lên trời không về nữa. Giờ đây Huy đang cay đắng với cái mặt trái dễ sợ của đồng tiền, nếu cộng thêm với sự thực nhầy nhụa, trần truồng của thể xác, Huy chắc là con diều giấy căng gió, bềnh bồng thuở xưa trên cánh đồng làng sẽ bay mãi không bao giờ về lại.


      Huy thở dài cùng lúc với tiếng chân của "hàng" từ trong phòng vén màn bước ra. Huy bất chợt ngước lên và chạm ngay tia mắt nhìn lạ lùng của người con gái vô danh, chưa một lần quen biết. Cả khách lẫn "hàng" đều không kham nổi sự ngỡ ngàng nên đều ngó lãng qua phía khác để tránh cái nhìn câm lặng nhưng đá sỏi cũng phải se mình. Im lặng kéo dài, nhưng tiếng nói lao xao từ ký ức hiện về, từ khổ đau dồn lại đã âm thầm từng đợt tràn qua da thịt, cảm quan và suy tưởng của mỗi người. Huy muốn bương ra khỏi đợt sóng ngầm của im lặng, lên tiếng trước:

      - Xin lỗi, tôi hút thuốc có làm phiền cô không?

      Người con gái quay nhìn Huy tỏ vẻ ngạc nhiên. Huy có dịp quan sát người đối diện. Ðôi mắt ướt, buồn thăm thẳm của cô ta hiện trên khuôn mặt thanh tú không son phấn trông giống như những cọng lá me cong rủ xuống buổi chiều. Cô gái có khuôn mặt thon, hiền và thanh thoát tự nhiên dễ làm cho những dục vọng lắng xuống và làm cho người ta muốn cất cái bóng dáng thanh thanh làm kỷ niệm hơn là để thỏa mãn dày vò. Cô ta trả lời Huy một cách nhỏ nhẻ và chịu đựng:

      - Dạ không, ông cứ hút tự nhiên. Ở đây đàn ông có ai là không hút thuốc đâu mà ông ngại.

      Ðiếu thuốc tàn chẳng giúp gì được Huy. Nhìn dáng chở đợi của cô gái từ mái tóc dài buộc cao bằng cái khăn tay màu tím nhạt, đến bộ áo quần kiểu bà ba vừa vặn, đơn sơ, Huy cũng nghe được nổi xôn xao gợn lên nhè nhẹ. Nhưng nỗi xôn xao thiếu sức nóng đam mê để cháy đỏ thành lửa dục tình mà chỉ hiện rõ lên từng hồi như những đụn mây xám quê hương lãng đãng trôi đi và mất hút sau lũy tre làng vào những buổi chiều quê xưa có mưa giông đầu mùa hạ.


      3.


      Cái đồng hồ treo tường vừa điểm chưa dứt chín giờ, cô gái đã kêu lên hoảng hốt: - Thôi chết! Ðến giờ hẹn rồi. Tôi phải đi gặp người ta. Ðây là chuyện sống chết của ... của tôi. Sự hấp tấp đột ngột của cô gái làm Huy nhìn cô ta ngạc nhiên. Với giọng nói sũng nước mắt, cô gái nói với Huy nửa như van xin, nửa như quyết đoán:

      - Tôi xin đi công chuyện chừng nửa giờ sẽ về lại đây. Tôi chưa bao giờ gạt ai cả. Ông khách có tin tôi không?

      Huy nghĩ đến loài chim vạc ăn đêm với tiếng kêu xao xác về khuya và đáp một cách lửng lơ:

      - Tôi không có lý do để tin tưởng hay hoài nghi ai cả, nhưng nếu có việc, cô cứ đi tự nhiên.    

      Cô gái có vẻ vội vàng và căng thẳng quên cả tiếng cám ơn, chạy nhanh ra cửa. Huy mệt mỏi nhìn một lượt quanh căn nhà hiu quạnh.

      Thân phận con người trên quê hương này cũng như những sợi tóc bạc, mỗi ngày có ráng nhổ năm ba sợi để thách thức với thời gian thì tuổi già vẫn đến. Huy quyết định ném trả chìa khóa nhà trở lại như lời dặn "sau khi đã nhận hàng".

      Quê hương cũng như người con gái bán trinh; trong một thoáng bỗng trở thành quá khứ với Huy. Cũng trong một thoáng đó, Huy bỗng cảm thấy niềm tự do tuyệt đối: không bên đó, không bên này, không níu kéo, không thân thích, không đam mê, không tình tự ...


      Huy khóa trái cửa và nghe tiếng chìa khóa rơi xuống nền xi măng phía trong, rồi bước xuống bậc cấp lẫn trong bóng đêm Sài Gòn mát lạnh. Ra gần khỏi ngõ, chân Huy đạp lên một vật gì đó trơn tuột một cách bất thường, Huy đá ra phía sáng thì hóa ra là cái ví con thường được các bà cất trong ví mẹ xách tay. Huy cầm lên xem và thấy những xấp tiền mười nghìn đồng Việt Nam dày cộm. 

      Lục trong ngăn nhỏ, cái thẻ sinh viên trường đại học ... mang tên Hoàng Thị Giáng Châu với tấm hình rõ ràng là cô gái "hàng" vừa bương bả ra đi. Huy linh cảm có sự cố nghiêm trọng nào đó đang xảy ra cho cô gái không may nên chạy nhanh ra phía ngả ba đường cái. Mấy người phu xe ôm đang phì phà hút thuốc trò chuyện, Huy hỏi ngay:

      - Mấy chú nãy giờ có thấy cô gái mặc quần áo trắng chấm hồng ra đây kêu xe đi về đâu không?

      Một người phu xe trẻ nhanh miệng lên tiếng:

      - Có, anh Hai Cù Nèo vừa chở cổ đến nhà thương tim của Tây trên đường lên Chợ Lớn rồi. Huy gọi xe ngay đến đó và được biết cô gái đang thăm thân nhân ở trong khu giải phẫu.
             

      4.


      Ðêm muộn, phòng đợi bệnh viện vắng hoe. Có tiếng tranh cãi từ phía cuối hành lang tối om. Huy nhận ra ngay tiếng nói của cô gái "hàng" và giọng khàn khàn của một người đàn ông lớn tuổi.

      - Rất tiếc là tôi không đủ thẩm quyền để giúp mẹ cô ...

      Tiếng người đàn ông nghe đầy vẻ bực dọc, trong lúc tiếng cô gái vẫn cầu khẩn:

      - Thưa ông quản lý, hôm qua ông đòi tám triệu cho ca mổ của mẹ cháu. Cháu đã "chạy" hết mình để có tiền lo cho mẹ. Giờ mẹ cháu đang chờ trên bàn mổ, chết sống cận kề, ông lại hỏi thêm tiền ... Trời ơi! Cháu biết đào đâu cho ra tiền bây giờ. Mẹ ơi! Con đành ngồi nhìn mẹ chết tức tưởi vậy sao hả mẹ?!

      Người đàn ông vẫn lạnh lùng:

      - Rất tiếc tôi phải về ngủ, má cô có trực ban lo. Tôi nghe tiếng khóc than ngán như ăn cơm độn nên cô có nói thêm cũng vô ích thôi. Tôi không tự chế ra máu hay biến đá sỏi ngoài đường thành thuốc men dụng cụ nhà thương được. Tất cả đều phải đi mua, mà đi mua thì phải có tiền chớ!

      Cô gái chắp tay quỳ xuống cản đường:

      - Xin ông cứu cho mẹ cháu một lần. Thiếu tiền, cháu sẽ ký nợ suốt đời cũng được.

      Người đàn ông ngửa mặt lên trời cười khan:

      - Suốt hơn 30 năm tôi đã ăn bánh vẽ đã đời rồi cô em, nên giờ cái gì phải cầm chắc trong tay tôi mới tin. Lời nói suông gió thoảng bụi tre, không làm tôi đổi ý được đâu.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Ông ta vừa nói, vừa nghênh ngang bước đi, cái bụng phệ đẩy cô gái chúi nhào về phía trước. Bước ngang qua phòng đợi, Huy đã đứng sẵn ở đó, vỗ lên vai ông ta, nói nhỏ:

      - Này chú quản lý, tôi muốn nói chuyện với chú một lát được không? Người đàn ông ngạc nhiên càu nhàu:

      - Lại có chuyện. Chuyện gì nữa đây?

      Huy đáp gọn lỏn nhưng lại thừa sức mạnh níu ông ta đứng lại:

      - Tiền!

      - Tiền gì?

      - Tiền để ông ở lại lo cứu người đàn bà đang nằm trên sàng mổ.

      Người đàn ông nhíu lông mày quan sát Huy từ đầu đến chân, vẻ nghi ngờ. Huy tấn công ngay bằng cách lôi ra cọc tiền còn bao giấy ngân hàng, đưa ra trước mặt ông ta:

      - Thiếu bao nhiêu nữa là đủ?

      Người đàn ông ngồi bệt xuống sàn hành lang, hấp tấp mở cặp và giấy bút ra tính toán. Huy gạt ngang:

      - Khỏi! Hồi nãy tôi nghe ông tính với cô ấy rồi, giờ ông chỉ cần nhắc lại thôi.

      Người đàn ông quản lý bụm tay nói một cách nhỏ nhẹ và lễ độ không ngờ:

      - Dạ thưa ông, còn thiếu một triệu mua dụng cụ chuyền máu và xê-rom, hai triệu bồi dưỡng bác sĩ, một triệu cho y tá và lao công, bốn trăm năm chục nghìn linh tinh. Tất cả tiền "phát sinh" là bốn triệu, bốn trăm năm chục nghìn ...

      Huy cười một cách chua cay:

      - Tính toán vậy thì ép quá! Còn chú quản lý thì hy sinh uống nước lạnh sao? Không ổn rồi. Vậy tôi đưa chú chẵn năm triệu.

      Người quản lý mặt mày hớn hở như ông Ðịa cười tiền, le lưỡi thấm nước bọt đếm từng tờ bạc một. Người con gái ôm mặt ngỡ ngàng nhìn cảnh diễn ra như câu chuyện kể về một cuộc đời nào đó xa lạ với mình, rồi run rẩy nói với Huy:

      - Tôi sợ quá! Tôi không hiểu gì hết. Không hiểu chuyện gì đang xẩy ra cho mẹ tôi đây?

      Huy nhẹ nhàng an ủi:

      - Ðiều cô cần hiểu trong lúc này là phải cấp tốc cứu sống mẹ cô trước đã.

      Huy trao lại cái ví nhặt được ở ngôi nhà cũ cho cô gái đang bận rộn tính toán với viên quản lý về ca mổ, rồi im lặng rút lui. Huy đi quanh co trong các con đường hẻm để đừng ai nhận ra mình rồi thuê xe trở về phòng trọ.

      5.


      Thức giấc, Huy đếm thêm một ngày chờ đợi vô vị. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Huy nói như thói quen mỗi buổi sáng cô phụ trách phòng đến làm công tác vệ sinh:

      - Cứ vào!

      Mùi nước hoa nhè nhẹ rất lạ làm Huy ngước lên. Cô gái "hàng" hiện ra một cách quá bất ngờ làm Huy kêu lên sửng sốt:

      - Là cô?! Sao cô biết tôi ở đây? 

      Người con gái trả lời một cách dửng dưng khiến Huy cảm thấy lạ lùng như đang tham dự vào một vở kịch không có chủ đề:

      - Thưa ông, tôi đã nhờ công ty "Ða Nhiệm" tìm và họ tự hào là có thể tìm ra cây kim lạc giữa hè phố Sài Gòn.

      Huy rất băn khoăn về thái độ của cô gái. Dù không tự cho mình là kẻ ban ân, nhưng ít nhất Huy chưa hề làm gì để gây sự bất mãn nơi người con gái còn xa lạ này. Huy lên tiếng:

      - Xin lỗi, không biết hôm nay cô đến đây gặp tôi có chuyện gì?

      Cô gái cúi mặt, giọng nói buồn nhưng rắn rỏi:

      - Tôi đường đột đến đây làm phiền ông là một điều thật tình tôi không muốn, Nhưng thưa ông, tôi cũng có một cuộc đời riêng để sống, dù cho đó là kiếp sống hèn mọn, chua cay, tôi cũng phải cưu mang thân phận của chính mình.


      Ông đã rất cao thượng, hào hiệp khi bỏ ra một số tiền lớn "mua hàng" rồi lặng lẽ bỏ đi. Tôi cảm ơn ông vô cùng, nhưng tôi chỉ mong có sự đổi chác công bằng của đôi bên thuận mua vừa bán. Tôi sợ lắm. Sợ nợ nần không trả nổi, sợ mình yếu đuối, sợ bị khinh chê, sợ lạm dụng lòng cao thượng của người khác để sống. Tôi vụng về, không giải thích hết được nổi lòng mình, nhưng chắc ông hiểu cho tôi là tôi chỉ muốn chịu trách nhiệm cho đời mình, mình làm thì mình chịu, dù trong tủi nhục và cô đơn.

      Dáng chịu đựng và cương nghị của cô sinh viên làm Huy cảm thấy nhói lên cái cảm giác so sánh với cuộc đời sinh viên vô tư, được ưu đãi về vật chất ở Mỹ. Dường như cái cảm giác "tiền trao cháo múc" không còn lưu lại dấu vết nào trong lòng Huy. Lần đầu Huy lẳng lặng bỏ cuộc chơi vì sợ đối diện với kinh nghiệm cay đắng, lừa đảo của đồng tiền. Lần thứ hai trong bệnh viện, lòng Huy đã mềm lại vì hình bóng của mẹ, những bà mẹ già đau khổ. Huy cố gắng làm cho không khí bình thường trở lại:

      - Cô yên tâm, chuyện đâu còn đó. Ðiều tôi muốn biết trước hết là tình hình sức khỏe của bà cụ thế nào?

      - Dạ, tốt lắm. Sau ca mổ kịp thời mẹ tôi đã hồi sức rất nhanh. Cám ơn ông ...

      - Xin lỗi, cho tôi được ngắt lời là nãy giờ cô dành cho tôi tiếng "cám ơn" hơi nhiều. Tôi không dám nhận vì tôi hiểu ... Tôi cũng có một người mẹ già. Xa mẹ hơn mười năm, tôi về thăm, nhưng mẹ không còn nữa ...

      Tiếng Huy nghẹn lại. Khi người con gái ngẩng lên và bắt gặp một giọt nước mắt long lanh của Huy, ái ngại hỏi:

      - Nghĩa là ... ?


      Huy cũng nhìn lên và cảm thấy như vết thương vô hình của mình được băng bó bởi đôi mắt đó, đôi mắt thăm thẳm như cọng lá me cong rủ xuống buổi chiều ...

      Ðã lỡ để cho một người con gái mới gặp nhìn thấy một giọt nước mắt của mình, Huy cảm thấy như đứa bé quê ngày xưa buồn ngủ gặp ổ rơm, có cái áo cũ của mẹ cuộn tròn làm gối. Huy đã để cho tâm hồn của mình nằm xuống giữa bình an và ngủ say trong câu chuyện kể về nỗi bất hạnh của đứa con vừa mất mẹ. Huy ngạc nhiên và xúc động với chính mình khi tự nhiên đưa tay tiếp cái khăn mù-xoa còn ướt nước mắt của cô gái để lau nước mắt cho mình.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      6.


      Những ngày ngắn ngủi còn lại, Huy đến với Sài Gòn, mỗi con đường không phải chỉ có thuần tên gọi lạnh lùng, vô nghĩa, mau quên mà còn mang những lưu luyến bâng khuâng vì có thêm dấu ấn cảm xúc của hai người.

      Ðêm hội ngộ mà cũng là chia tay cuối cùng, Huy thấy mình như trẻ lại với cả một thời quá khứ khi tham dự vào đêm liên hoan Tết của sinh viên. Huy khám phá nguồn rung cảm của mình vẫn còn rộn ràng như buổi ban sơ sau bao nhiêu năm ngỡ như đã khô cạn trong thế giới làm việc ngày lại ngày, buồn thiu, cô độc.


      Châu, người con gái "hàng" hôm trước đang thánh thót tỏa hào quang trong ánh đèn màu, hát bản "Ngậm Ngùi" trên sân khấu giảng đường đại học. Huy miên man uống từng giọt âm thanh cao vút và dìu dặt, lặng lờ với cơn say đời chếnh choáng như thế giới chẳng còn ai ngoài một người hát cho một người nghe. 

      Khi Châu trở lại bàn, Huy nói nhỏ như đang tình tự với giòng sông nước ngọt quê hương:

      - Châu hát thật tuyệt vời, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy một chút gì đó hơi vương vướng trong ý thơ của Huy Cận mà chỉ khi nào hát lên mới thấy rõ.

      Cô gái khuấy ly nước chanh, nói như nhắc:

      - Vì "Ngủ đi em! Mộng bình thường" phải không anh? Như ai vừa gọi tên cho một ý nghĩ còn mơ hồ, Huy biểu đồng tình một cách sảng khoái:

      - Ðúng! Ðã mộng là phải "mộng phi thường", còn nếu chỉ muốn "bình thường" thì đâu cần phải mộng.


      Cô gái cắn cái muỗng phô hàm răng đều đặn trắng ngà, rồi gõ nhè nhẹ lên thành ly, nói trong nỗi gợi nhớ:

      - Lâu lắm rồi, Châu cũng nhiều lần suy nghĩ như anh. Nhưng thực tế con người và đất nước của mình thì chỉ ước "mơ tầm thường" còn chẳng được, nói chi tới "mộng bình thường"! Châu đang ước mơ những giấc mộng bình thường cho mình, cho người, cho những thân phận Việt Nam hôm nay mà sao vẫn thấy còn quá xa vời như ảo ảnh đó anh!

      Những nhận thức và ước mơ của tuổi trẻ giàu suy tư làm cả hai chia xẻ trong im lặng.


      Lúc chia tay, vẫn đôi mắt lá me cong huyền hoặc của Châu nhìn vào mắt Huy thật sâu, nhẹ nhàng đọc lại lời hát với một chút gởi gắm, bao dung:

      - Ngủ đi anh: Mộng bình thường!

      Huy chới với phản ứng với cơn lũ tình cảm đầu mùa:

      - Ngủ đi em: Mộng bình thường!

      Về phòng trọ, Huy trăn trở hoài không ngủ được. Huy mường tượng không biết từ thời dựng nước, phải mất bao nhiêu nghìn năm cho những cặp tình nhân Việt Nam mới khám phá hết cái tinh hoa diệu kỳ của tiếng nói để đi từ Ông và Tôi, Anh và Tôi, để tới đỉnh cao chót vót: Anh và Em. Và, hai người gọi nhau Anh, Em từ đó ...


      7.


      Phi trường Tân Sơn Nhất trên mảnh đất quê hương dịu hiền, sương gió, ngỡ như sẽ muôn đời xa lạ với Huy đã may áo mới, đã có một linh hồn tình quê và một bóng dáng tình tự. Sáng hôm nay, nơi đó thành nơi "tống biệt". Hình ảnh quê hương trong phút này đối với Huy là những cánh hoa păng-xê thêu màu tím trên chéo tà áo dài trắng lất phất gió mùa Xuân của Châu. Hành khách đang lần lượt vào phòng cách ly. Huy cầm bàn tay búp măng bé bỏng của Châu mà nghe những rung động xôn xao muôn phương đang dồn lại. Chỉ một thoáng ấp ủ bàn tay ấm, một linh hồn vẫn có được nguồn cảm xúc miên man hơn là nghìn đêm ngự trị cả cung A Phòng lạnh lùng không tình, không nghĩa.


      Châu nhìn đăm đăm hướng đi xa tắp sắp mang Huy về bên kia và Huy đang cố níu lại những khoảnh khắc gần gũi với quê hương có nụ tình vừa mới chớm bên này.

      Cũng chỉ là chút trao đổi vội vàng lúc chia tay, nhưng trong mỗi thế giới riêng tư họ đã nói với nhau hơn muôn vạn lần như thế:

      - Anh đi bình an. Về Mỹ nhớ thư cho em.

      - Chờ tới Mỹ lâu quá, anh sẽ viết thư cho em ngay trên máy bay. Em ở lại ngoan, học giỏi và hát cho thật hay, nghe em!

      Rồi như chuyện xưa, có "cánh hạc bay lên vút tận trời"; nhưng "cánh hạc" hôm nay sẽ mang những người tình về lại với nhau. Quê hương, dù vinh quang hay khốn khổ, vẫn là nơi đất nhớ, không phải là chốn Ðào Nguyên để tưởng, nên sẽ có chung một ngày về mà chẳng có ai là người lạc bước.


      Trần Kiêm Đoàn

      (Tuần Báo Ðời số 12, 26-7-2003)

      * Ðây là phần sau của truyện, phần đầu đăng trên Tuần Báo Ðời số 11, 19-7-03. 

      * Ảnh trích từ Trần Ðại Lộc Photography, VAALA 1998.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022
      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa Sĩ Thanh Trí Về Với Sắc Màu Vĩnh Cữu Trần Kiêm Đoàn Tưởng niệm

      - Hoài niệm Đinh Cường Trần Kiêm Đoàn Hoài niệm

      - Ân Tình Mẹ Trần Kiêm Đoàn Thơ

      - Việt Kiều Trần Kiêm Đoàn Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)

      Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)

      Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)

      Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)

      Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng (Trần Hồng Văn)

      Trăm nghìn nhánh khổ (Vũ Thế Thành)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)