1. Head_

    Trúc Phương

    (.0.1939 - 18.9.1995)

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đàn Anh Đinh Hùng... (Ký Giả Lô Răng) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      19-5-2016 | VĂN HỌC

      Đàn Anh Đinh Hùng...

        KÝ GIẢ LÔ RĂNG
      Share File.php Share File
          

       


         Thi sĩ Đinh Hùng
        (1920 - 1967)

      Khi mới "dinh tê" về thành đầu năm 1950, vì một sự tình cờ, tôi gặp Nguyễn Minh Lang, nhà văn mới nổi của Hà Nội. Anh thường đến thăm một hiệu sách đầu phố hàng Giấy để xem tác phẩm mới xuất bản của mình (cuốn Cỏ dại?) được đón nhận ra sao? Nhà ông bác tôi ở gần đó, tôi mới hồi cư nên hay đến hiệu sách xem "nhờ" sách báo, một đặc ân của H., cô chủ cửa hàng dành cho một tên "vừa đi kháng chiến về". Những tên này thường mang dấu hiệu của thất cơ lỡ vận, người gầy ốm (có khi còn sốt rét chưa khỏi), quần áo nhôm nhoam, mặt mũi xác xơ, ngơ ngác.


      Cô chủ cửa hàng, không đi tản cư nên thèm nghe những chuyện "ngoài bưng". Tôi được quen cô H. là vì thế. Một bữa, H. giới thiệu tôi với Nguyễn Minh Lang (NML). Thấy tôi thuộc nhiều thơ kháng chiến, NML mời tôi tới dự một buổi họp mặt tại một căn gác phố hàng Bông. Nơi đây là nhà của chị Căn, bà chị của Nguyễn Thiệu Giang đã dành một căn gác cho cậu em tiếp đãi bạn bè. Ở đó ngoài NML còn có Thanh Nam, Vũ Đức Vinh, Phan Nghị và một khuôn mặt tôi kính trọng từ lâu: thi sĩ Đinh Hùng. Anh là chef de file của những nhà văn trẻ ở Hà Nội lúc đó. Thời tiền chiến (trước 1945) tôi đã từng say mê "Kỳ Nữ" của anh qua lời giới thiệu nhiệt tình và trang trọng của chủ soái thơ mới Thế Lữ "Một Rimbaud VN". Theo tôi, anh là nhà thơ tượng trưng (Symbolique) đặc sắc của thi ca tiền chiến:

      ... Ôi vô lương trong một phút không ngờ

      Ta đã muốn trở nên người vô đạo

      Tất cả em đều bắt ta khổ não

      Và oán hờn, căm giận đến đau thương

      Và yêu say mê mệt đến hung cuồng

      Và khát vọng đến vô tình, vô giác...

      (Kỳ nữ)

      Anh chỉ vẽ, thúc dục chúng tôi "làm văn nghệ". Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Vũ Đức Vinh đều có tác phẩm trình làng. Phan Nghị với những bài phóng sự nóng bỏng đang là nhà báo "ăn khách". Đàn anh Đinh Hùng một bữa bảo tôi "Viết đi chứ". Tôi chỉ cười trừ, lảng tránh. Tôi tự nghĩ việc trước thư, lập ngôn là trọng, mình tài sức được đến đâu? Tốt hơn hết là mình chỉ nên là bạn của văn nghệ mà không làm văn nghệ.


      Nhưng chinh chiến đã mang đi bạn bè. Năm 1951, Huy Quang Vũ Đức Vinh bị động viên đi khóa 1 Nam Định. Năm sau (1952) tôi vào khóa 2 Thủ Đức. Dù muốn dù không, chúng tôi đâu còn chọn lựa nào khác. Đi kháng chiến không xong vì cuộc chiến này không phải của mình; người Mác Xít Lê Nín Nít chiến đấu cho chủ nghĩa của họ trước khi cho dân tộc. Nhưng chúng tôi có bao giờ muốn "đi lính cho Tây"? Cái "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" của đám thanh niên mớii lớn chúng tôi là vậy. Chỉ sau này, khi chúng tôi đã vào Nam theo hiệp định Genève 1954, nền Đệ nhất Cộng hòa mới mở ra cho miền Nam VN một tương lai mới, một chủ quyền mới. Thực dân Pháp đã rút hết về nước, người VN từ vĩ tuyến 17 trở vào đang có thời cơ thiết lập một nhà nước có Độc lập, Tự do thật sự.


      Mọi người nô nức trước sự khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa của chí sĩ Ngô Đình Diệm. Đàn anh Đinh Hùng và những người bạn tôi ở Sài Gòn đang đứng trong hàng ngũ những người góp tay xây dựng chính quyền mới. Theo lời nhà thơ Thái Thủy, người duy nhất trong ban biên tập Tao Đàn còn sót lại ở Mỹ bây giờ, chưa bao giờ đài phát thanh quốc gia đầu đường Phan Đình Phùng (ngày xưa là dường Richaud) quy tụ được đông đảo anh em văn nghệ sĩ đến như thế. Nghệ sĩ cải lương, tân, cổ nhạc, kịch nói, kịch thơ, hát bội; các nhà văn nhà thơ tới viết bài bình luận hay hội thảo bàn tròn. Các đài của Pháp cũ như Pháp Á, Con Nhạn đã đóng cửa nhưng có mật lệnh từ dinh Độc Lập tới bộ Thông tin (ông Trần Chánh Thành) là không để một nghệ sĩ nào "mất việc". Giám đốc đài lúc đó là ông Đoàn Văn Cầu, nguyên Văn hóa vụ trưởng, cánh tay mặt của ông Trần Chánh Thành, đã cố gắng biến đài phát thanh quốc gia thành một trung tâm "văn hóa". Ngoài việc sắp xếp công việc cho văn nghệ sĩ ông còn tìm cách tăng thù lao cho anh em.


      Ban Tao Đàn ngày ấy mỗi tuần trình diễn 6 lần, chỉ trừ thứ 7 (có tuồng cải lương), đồng bạc VN lại đang có giá nên lương tiền anh em rất khá. Ngày ấy, nhạc sĩ Ngọc Bích và nhà thơ Thanh Nam trong ban Tao Đàn là tác giả của bài "Suy tôn Ngô tổng thống" nên chắc thù lao hậu hĩ. Nhà thơ Đinh Hùng mới đùa anh em, làm một đôi câu đối như sau:


      Tậu xế Simca, Ngọc Bích suy tôn tổng thống

      Mua nhà phố chệt, Thanh Nam truất phế bù nhìn.


      Từ đó về sau, đài phát thanh quốc gia (lúc ấy chưa có TV) không đơn thuần là một cơ quan thông tin mà còn được coi là "hàn thử biểu" của tình hình. Chức vụ giám đốc đài phát thanh (sau này có lúc tự trị lên hàng Tổng giám đốc) là một chức vụ "nhạy cảm" có tính cách chính trị hơn là kỷ thuật. Anh em trong nghề "báo nói" có truyền tai với nhau rằng: "Trong số khá đông những nhà giám đốc phát thanh có 3 người để lại dấu ấn khó quên". Đầu tiên là ông Đoàn Văn Cầu, thời Đệ nhất cộng hòa vừa kể. Ông là người hết Zòng lo cho anh em nghệ sĩ. Người thứ 2 là Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh. Ông là người có những cải tổ về nhân sự. Ông và bào đệ Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách đã mở những lớp huấn luyện căn bản đào tạo phóng viên có tính cách chuyên môn cao. Có lẽ đây là tiền đề cho hai ông sau này mở phân khoa báo chí tại trường đai học, làm nhẹ đi phần nào cái xước danh "làm báo nói láo ăn tiền".


      Người thứ 3 đưa phát thanh lên một tầm cao mới là Huy Quang Vũ Đức Vinh, người anh em cũ tại căn gác phố hàng Bông Hà Nội, là thành viên biên tập ban Tao Đàn xưa, người đã đưa đài phát thanh quốc gia lên qui chế tự trị (tách ra khỏi bộ Thông tin). Nhưng cái đáng kể là thời kỳ Vũ Đức Vinh thì tin tức nhanh hơn, đáng tin hơn. Đây cũng là thời gian xuất hiện những nhà báo trẻ đầy tự tin vào chức nghiệp của mình như Vũ Ánh, Nguyễn Thiên Ân, Lê Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Tiến...


      Trong những tháng ngày ở với Thanh Nam trong ngõ Nancy (Phan văn Trị) lúc rảnh rỗi, tôi thường theo anh em, bè bạn lên đài phát thanh xem ban Tao Đàn trình diễn. Trước ngày thu khoảng một ngày, anh Đinh Hùng trưởng nhóm mới ngỏ ý với Thái Thủy (thư ký của ban biên tập) là trong chương trình sắp tới Đinh Hùng, Thanh Nam, Huy Quang (đôi khi cả Tô Kiều Ngân nữa) mỗi người "nói" bao nhiêu phút, đề tài gì. Thư ký Thái Thủy sau khi thiết lập bảng "phân công" có bổn phận sửa soạn sẵn một số bài vở dự trữ để nếu cần "lấp khoảng trống" (bouche trou) và tham khảo với anh Đinh Hùng về việc đề nghị nghệ sĩ diễn ngâm cho từng bài.


      Ngày ấy kỹ thuật thu thanh còn thô sơ nên trách nhiệm của nghệ sĩ khả nặng nề. Vào phòng thu âm, đèn đỏ bật lên (on air) là nghệ sĩ trình diễn thẳng (vivant) từ đài phát thanh tới thính giả. Một lời đã nói ra rồi là "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", hay dở; đúng sai gì cũng không thể nào sửa chữa được nữa; không như bây giờ, kỹ thuật tân tiến, nghệ sĩ, ca sĩ thu thanh trước vào băng, dĩa, chuẩn bị thật chu đáo, o ép từng câu, từng chữ cho thật vừa ý rồi đến giờ bấm máy phát đi. Vì vậy nên ngày nay có hiện tượng ca sĩ "nhép" tức là trình diễn trước khán, thính giả hằng nghìn hằng vạn người mà chỉ "nhép" môi, băng dĩa đã hát thay cho ca sĩ. Tiện lợi thì thật là tiện lợi nhưng nó mất đi một cái rất quí: cái thật. Đây là máy hát, không phải là người hát. Đứng về phương diện bản lĩnh, người nghệ sĩ một mình đứng trước cử tọa nó chứng tỏ sự tự tin, nếu không muốn nói là hào khí của người làm nghệ thuật trong khi người ca sĩ "nhép" đã tự rút lui, nhờ kỹ thuật hành nghề giúp.


      Nhưng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Ban Tao Đàn năm ấy (1956) đã lâm vào một tình trạng nguy cơ khi trình diễn "vivant" trên đài. Buổi trình diễn khá quan trọng vì là đêm Giao thừa, ban Tao Đàn kiểm điểm lại qua thi văn những thành tựu của nền Đệ nhất Cộng hòa, Hiến pháp 26.10 vừa ban hành, một triệu người di cư đã bắt đầu an cư lạc nghiệp, tình trạng sứ quân đã bị dẹp tan, chí sĩ Ngô Đình Diễm đang mở ra một thời cơ đầy hứa hẹn cho miền Nam vĩ tuyến 17. Bài suy tôn Ngô tổng thống muôn năm đang được hát khắp nơi. Trong chương trình đêm ấy có bài thơ (của nhà thơ Dương Vy Long thì phải) nói lên sự nô nức của phong trào "Cộng đồng đồng tiến" do dinh Độc Lập khởi xướng. Bài thơ có câu "Chúng ta mang hình Ngô lãnh tụ đi đầu". Một nhà ngâm thơ nữ (tôi không còn nhớ được tên) không biết vì hào hứng quá hay mải lo ra vì Giao thừa sắp đến nên bỏ quên cái dấu huyền trong chữ cuối của câu thơ. Câu thơ đang ở thế khẳng định một phong trào đang lớn mạnh bỗng rơi vào một tình thế tiêu cực vu vơ: "Chúng ta mang hình Ngô lãnh tụ đi đâu?". Chỉ một cái dấu huyền thôi nó đảo ngược hết ý của bài thơ. Trong cái thế nhà nước đang xây dựng một nền cai trị "độc tôn", ban Tao Đàn trong một chương trình cả nước nghe, lại hỏi rằng "Chúng ta mang hình Ngô lãnh tụ đi đâư" thì nó vừa phạm thượng vừa vô chính phủ một cách cực kỳ. Câu thơ vừa ngâm xong, trưởng ban Đinh Hùng và ban biên tập "toát mồ hôi" (dù đang trong phòng lạnh). Đinh Hùng ra dấu là anh em không nên nhắc đi nhắc lại chuyện này, hi vọng là thinh giả không để ý, quên đi trong đêm Giao thừa nhiều cuộc vui, nhiều tiếng động.


      Nhưng khi ban Tao Đàn vừa trong phòng thu âm bước ra, tình hình bên ngoài đã cho thấy là bất tường. Cảnh sát sắc phục đã có mặt cùng với ông cò quận 1, ông cò Quyền và ông giám đốc phát thanh Đoàn văn Cầu. Toàn ban Tao Đàn lên xe "bít bùng" về bót quận 1. Ông Đoàn Văn Cầu nói anh em cứ yên trí, ông sẽ tới sau. Tới quận 1, ông cò Quyền nói rằng: chỗ anh em quen biết cả nhưng ông phải thừa hành lệnh của Dinh Độc Lập, từ ông chánh văn phòng ông Cố vấn (Ngô Đình Nhu): trung tá Phạm Thư Đường. Đàn anh Đinh Hùng có quen biết ông trung tá Đường nên mới bắt phone nói chuyện. Ông Đoàn Văn Cầu sau khi tường trình với ông Tổng trưởng Trần Chánh Thành cũng tới xin ông trung tá Đường bỏ qua, nguyên do chỉ vì bất cẩn của một nghệ sĩ. Cũng may là chuyện này chưa tới tai "Ông Cự' hay ông cố vấn nên mới dàn xếp được. Anh em trong ban Tao Đàn nhớ mãi chuyện "mang hình Ngô lãnh tụ đi đâu" vì gần đến Giao thừa anh em mới về dược tới nhà. Hú vía.


      Đàn anh Đinh Hùng rất "có duyên" với cò bót. Đàn anh cũng như các văn nghệ sĩ tiền chiến đồng lứa với anh như thi bá Vũ Hoàng Chương, nhà văn Lê Văn Trương, Nguyễn Mạnh Côn và một số các anh em trẻ sau này đều thuộc đòng "Phi Yến thu lâm". Én bay trong rùng thu nghe thì rất hay nhưng thực ra "phi yến thu lâm" chỉ là cách nói lái của "phiện thú lắm". Đã bập vào cái thú chơi này thì khó bỏ, nó trở thành nghiệp dĩ. Thi bá Vũ Hoàng Chương đã có 2 câu thơ chính thức xưng tụng Phù Dung tiên tử: "Có nàng tiên má hồng nâu, Giúp đôi cánh biếc dâng sầu lên khơi". Nhà thơ Đinh Hùng khi cộng tác với báo Tự Do, giữ mục Đàn ngang cung (sau này do nhà thơ Hà Thượng Nhân phụ trách) đã ký tên Thần Đăng (cây đèn thần hay cây đèn dầu lạc).


      Thời Đệ nhất Cộng hòa, phong trào bài trừ tứ đổ tường lên rất mạnh, các "tiên ông" bị bố thường xuyên. Đinh Hùng vì quảng giao, anh em, đệ tử nhiều, vác "bazoka" đi bắn nhiều nơi, nhiều chỗ nên hay bị phú lít hỏi thăm sức khỏe. Vũ Đức Vinh, Thái Thủy và tôi đã hơn một lần tới các quận cảnh sát "lãnh" đàn anh ra. Sau này, có tuổi một chút, anh mới ít đi giang hồ vặt, nằm hít ở nhà. Bàn tĩnh ở giữa, chung quanh là từng chồng sách, báo. Nhà anh ở đường Trần văn Thạch, cạnh chợ Tân Định, trèo một cái cầu thang bằng gạch mới lên tới nơi. Anh càng có tuổi, người càng nhỏ lại. Nhiều khi khó tìm thấy anh trong đống sách, báo càng ngày càng rậm rạp. Vì phải viết nhiều, cho Tao Đàn, cho các báo nên anh phát triển mạnh mẽ khả năng vừa nằm vừa viết của anh. "Bạn hít của anh là ai?" một bữa tôi mới hỏi Thất Thủy. Thư ký của ban Tao Đàn trả lời: "Tôi nói chuyện này, ông tin hay không tùy ông nhưng đó là chuyện thật. Khi anh Đinh Hùng mất được vài tháng (1967), chị Đinh Hùng mới bảo tôi tới dọn dẹp hộ đống tài liệu, sách báo nơi anh Đinh Hùng thường nằm viết ngày xưa; vất vả lắm mới xong. Khi dọn dẹp, rũ từng chồng sách vở, tôi thấy hằng mấy chục con thạch sùng chết khô từ đó rơi ra. Đó là những bạn hít không biết nói của đàn anh đấy"...


      Cuối năm 1956 và đầu năm 1957 một số anh em ở nhà Thanh Nam trong ngõ Nancy (Phan văn Trị) lấy vợ (Vũ Quang Ninh, Phan Lạc Phúc) dời bỏ nơi này. Buồn tình mấy nhà "độc thân dai dẳng (célibataires endurcis) mới dọn nhà sang khu Nguyễn Thiện Thuật một thời gian rồi kéo nhau lên đóng trụ tại building Cửu Long đường Hai Bà Trưng. Buồng trên building nó nhỏ như cái lỗ mũi mà lại ở những 3 người (Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư) nên không còn chỗ cho anh em hội họp; "vũ sư" Hoàng Thư không còn khả năng tập múa "Trấn thủ lưu đồn". Thời gian này (cuối thập niên 50 đầu 60), chúng tôi có một nơi tập họp không kém phần ấm cúng: nhà mới của Phạm Đình Chương trong một con hẻm rộng đường Võ Tánh (Frères Louis cũ), đằng sau tòa đại sứ Phi Luật Tân gần chợ Thái Bình. Sau vụ Khánh Ngọc, đại gia đình Hợp ca Thăng Long phân tán không còn ở trong căn biệt thự lớn đường Bà huyện Thanh Quan nữa. Phạm Duy, Thái Hằng đem gia đình đi ở nơi khác. Phạm Đình Chương đưa con nhỏ và thân mẫu về khu nhà mới cùng với đôi tài danh đang lừng lẫy Thái Thanh, Lê Quỳnh (Ý Lan bấy giờ mới chập chững biết đi).


      Chính tại ngôi nhà này chúng tôi Thanh Nam, Mai Thảo, Thái Thủy và tôi cuối tuần thường đến "hầu bài" bà thân của Chương để được ăn những búa cơm nhớ mãi: canh cua raư~đay, cà pháo, đậu rán (chắc cũng ít người biết Thái Thanh, giọng hát vượt thời gian cũng là người nấu món ăn dân tộc rất cừ). Những ngày lễ, Tết chúng tôi cũng thường đến nhà Chương ăn nhậu. Thời kỳ này, Ngọc Bích đã dời khỏi Tao Đàn, người thay thế anh chơi piano là họ Phạm. Lúc này Chương rất gần gũi tác giả Mê Hồn ca. Đây là thời cơ xuất hiện bản tình ca trác tuyệt Mộng dưới hoa "Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng, Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng", thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương.


      Tết nào cứ vào mùng 2 là chúng tôi tụ họp tại nhà Phạm Đình Chương vui Xuân, đón Tết. Bà thân Chương và Thái Thanh làm đủ mọi thức ăn dân tộc, cổ truyền bánh chưng, bánh tro, thịt đông, dưa chua, giò mỡ, giò nạc, bún thang... cũng như tổ chức mọi thứ trò vui trong nhà như rút bất, đánh chắn, cá ngựa, bầu cua cá cọp, ai thích món nào, chơi món đó. Quá nửa buổi rồi, Thái Thanh kêu gọi mọi người nghỉ tay ăn "thang" cho nóng. Nhìn đi nhìn lại không thấy anh Đinh Hùng đâu? Tôi mới đi ra sân trước nơi đậu xe xem có Đinh Hùng ngoài đó không. Từ khi dọn về đây ẩn dật, Chương chán đời, ăn mặc xuề xòa, đi dép không quai lẹt xẹt, để một hàm râu mép chàm ràm, rậm rịt. Tụi tôi mới có một tên mới để gọi Chương "râu kẽm". Râu kẽm đang phóng túng hình hài, ít ăn ít nói hẳn đi, mà có nói cũng thường "hừ" một tiếng giọng mũi. Một nhát hẻm hư vô đã làm thay đổi Phạm Đình Chương. Trước đây Chương có chiếc xe Studebaker dài thòng, rất à la mode, bây giờ Chương đổi xe, đi một chiếc 203 xập xệ. Tôi nhìn vào chiếc 203 thấy Đinh Hùng đang ngoẹo đầu nằm ngủ trên băng sau. Đàn anh chắc uống khá nhiều vừa rượu ta, vừa rượu tây nên thiếp đi chưa kịp dậy. Anh ngủ rất say, như chìm vào một cơn mộng nào sâu thẳm. Sợ ở ngoài này gió máy, tôi lựa thế ôm anh vào trong nhà. Đàn anh càng ngày càng nhỏ đi, anh nặng chắc không quá 40 kí. Vào tới nơi, đặt nằm xuống rồi anh vẫn còn chưa tỉnh. Một vài ngọn tóc xõa xuống mặt, tôi khẽ vén lên. Anh nằm ngủ bình yên miệng hơi hé ra. Tôi chợt nhớ 2 câu thơ của anh tôi yêu thích từ hồi tiền chiến "Thèm ăn một chút hương man dại, Và ngủ như loài muông thú kia". Ở bên anh bao nhiêu năm nhưng lúc ấy tôi nghĩ là tôi gần anh nhất. Anh thèm ăn mọi thứ thực phẩm trần gian (nourritures terrestres), bây giờ anh ngủ như một động vật đơn sơ, thầm lặng.


      Thời gian trôi đi 1960-1967. Đã bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu bao nhiêu sự kiện trọng đại đã xảy ra tại miền Nam vĩ tuyến 17. Anh em tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đệ nhất Cộng hòa kết thúc tức tưởi, Việt Cộng nổi dậy khắp nơi, chế độ quân nhân tạm thời cầm quyền xây dựng nền Đệ nhị Cộng hòa. Chủ soái ban Tao Đàn, thi sĩ Đinh Hùng, đang thoi thóp trong nhà thương Bình Dân với căn bệnh trầm kha ung thư bao tử, thời kỳ cuối. Anh được vô đây điều trị là nhờ sự đích thân can thiệp của Giáo sư Bác sĩ Phạm Biểu Tâm. Nhưng ung thư là bệnh nan y, các bác sĩ dù tận tâm đến đâu cũng "chữa được bệnh, không thể chữa được mệnh". Thân nhân, bạn bè đều rõ là những ngày cuối của anh sắp tới. Lúc đó Huy Quang Vũ Đức Vinh. người bạn xưa "Chí lớn chia nhau đầy gác nhỏ", thành viên cũ ban Tao Đàn, đang là tổng giám đốc hệ thống phát thanh quốc gia. Kẻ viết bài này đang phụ trách biên tập cho tờ Tiền Tuyến, cơ quan ngôn luận của Quân lực. Một buổi sáng đầu mùa thu năm 1967, Huy Quang hốt hoảng gọi cho tôi: "Anh Đinh Hùng mất rồi, tôi cho xe sang đón; chúng ta phải tới nhà thương Bình Dân ngay". Chúng tôi tới bệnh viện hồi 10 giờ sáng, cái nắng cuối mùa hè vẫn còn gay gắt. Anh đã được chuyển từ phòng bệnh xuống "nhà xác". Chúng tôi đang đi bộ tìm đường bỗng nghe một tiếng khóc rẻ lên "Chú Vinh ơi, chú Phúc ơi, anh Hùng anh ấy chết rồi". Từ một gốc cây, chị Đinh Hùng đầu tóc rối bù, áo quần sốc xếch chạy ra, vừa khóc vừa chỉ tay: "Anh ấy nằm ở trong kia kìa". Lại phải đi tìm ông "gác gian" lấy chìa khóa nhà xác. Lúc ấy có một người anh em, cựu thành viên Tao Đàn tìm đến, bạn Thiếu Lang.


      Mở cửa bước vào thấy trên một cái bệ xi măng có một brancard sắt, trên brancard có thi thể anh Đinh Hùng nằm đấy. Năm xưa ở nhà Phạm Đình Chương anh đã nhỏ bé rồi, bây giờ anh còn ngót lại nhiều hơn nữa, nằm không đầy nửa cái brancard. Thiếu Lang quay sang hỏi chị Đinh Hùng và chúng tôi: "Đã có ai đem tiền đi đường cho anh ấy chưa?". Không ai hiểu câu hỏi của Thiếu Lang. Anh vội nhìn xuống, nhìn vào miệng Đinh Hùng còn mở hé mà nói rằng "Giúp tôi một tay". Bằng một chiếc đũa, Thiếu Lang cạy miệng mười vừa mất để vào ít đồng tiền kẽm mà nói: "Để anh đi đường tới cõi siêu sinh tịnh độ". Thiếu Lang có mang theo một bó nhang nhưng trên bệ xi măng không có chỗ nào thắp hương cả. Anh nhìn quanh quẩn thấy ở góc phòng có một vỏ chai xá xị; anh liền bật lửa thắp nhang cắm vô vỏ chai xá xị vừa khấn vừa vái: "Xin anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho gia đình, cho anh em, bè bạn".


      Tôi cúi xuống chiếc brancard, như năm trước gỡ một vài ngón tóc vừa xõa xuống mặt anh vừa nói: "Xưa anh ngủ một giấc trưa, bây giờ xin anh ngàn thu an giấc".


      Ký Giả Lô Răng

      Ngày Nay Minnesota số 418-419-420
      Ngày 1-15-1 tháng 11-12, 2006

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Kỷ Niệm 'Tao Đàn' Phan Lạc Phúc Hồi ức

      - Chia Tay 'Tao Đàn' Phan Lạc Phúc Hồi ức

      - Con đường bè bạn Phan Lạc Phúc Bút ký

      - Văn Cao: Giấc mơ một đời người Phan Lạc Phúc Tạp bút

      - Nhớ Phạm Đình Chương Phan Lạc Phúc Tạp bút

    3. Bài Viết về nhà thơ Đinh Hùng (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Đinh Hùng

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Thi Sĩ Đinh Hùng Người Làm Thơ Tình Kiệt Xuất (Huyền Viêm)

      Đinh Hùng (Võ Phiến)

      Đàn Anh Đinh Hùng... (Ký giả Lô Răng)

      Phỏng vấn nhà thơ Đinh Hùng (Nguiễn Ng. Í)

      Đinh Hùng (Tạ Tỵ)

      Thi Giới Đinh Hùng (Đặng Tiến)

      Thơ Đinh Hùng: Hai thế giới (Nhị Linh)

       

      Tác phẩm của Đinh Hùng

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Mê hồn ca (1954)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)

      Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)

      Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)

      Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)

      Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)