1. Head_

    Trúc Phương

    (.0.1939 - 18.9.1995)

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) (Đinh Cường) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      22-12-2019 | VĂN HỌC

      Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946)

        ĐINH CƯỜNG
      Share File.php Share File
          

       

      Ô Hay! buồn vương cây ngô đồng
      Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông
      (Tỳ Bà - Bích Khê)


          Thi sĩ Bích Khê
          (ảnh gia đình BK tặng ĐC)

      Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình Nho giáo, cha là ông Lê Mai Khê, mất sớm, mẹ là bà Phạm Thị Đoan. Ông nội làm quan dưới triều Tự Đức. Ông thân sinh là người thông uyên Hán học, có dự vào những cuộc vận động xuất dương của cụ Phan Chu Trinh.


      Gia đình gồm 8 anh chị em, Bích Khê là con út. Anh chị em Bích Khê phần đồng đều có tâm hồn văn nghệ. Gia đình không được giàu có, nhưng vì là con út nên Bích Khê được hưởng đầy đủ sự nuông chiều. Lớn lên tại quê nội ở thị xã Thu Xà, một làng ở gần biển cách tỉnh Quảng Ngãi 10 cây số với người anh trưởng và hai người chị, còn người chị kế ở Sài Gòn.


      Thi sĩ Bích Khê đã ra chào đời giữa 2 yếu tố thiên nhiên: núi và sông. Sông Trà Khúc xanh trong uốn mình giữa 2 ngọn núi Thiên Ân, Thiên Bút. Mà sau này lớn lên Bích Khê đã cảm hứng làm bài thơ Đường sau đây:


      Trên Núi Ấn Nhìn Sông Trà


      Trà giang Thiên Ấn chuông gầm sóng

      Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm thành

      Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc

      Một giải sông Trà chảy rậm xanh

      Xót hồn cổ độ sương vài giọt

      Xịch bóng tà huy nguyệt mấy canh

      Nghìn dặm cổ nhân đâu có tá?

      Cánh chim kêu lạnh đập trong cành.


      Khi còn nhỏ, Bích Khê đã tỏ ra thông minh xuất sắc nhưng rất biếng học. Bị thầy quở phạt luôn vì tội không thuộc bài. Có lần không chịu đi học, Bích Khê bị mẹ bó tròn vào cột đánh. Sau đó Bích Khê mới bắt đầu lo học và ham học. Đúng 13 tuổi, ra Đồng Hới học tiểu học. Vài tháng sau hai đầu gối bị sưng to nên phải vào nằm nhà thương. Nơi đây Bích Khê vừa rên vừa học. Năm sau Bích Khê đỗ đầu kỳ thi Tiểu học Pháp-Việt toàn tỉnh. Gia đình cho ra Huế theo ban Trung học tại trường dòng Pellerin. Học xong ban Thành chung vào năm 1932, Bích Khê lại ra Hà Nội học tư.


      Về văn chương, tài năng của Bích Khê phát triển rất sớm. Năm 12 tuổi thiên tài Bích Khê đã phát lộ trong một vài bài thơ Đường luật mà ông thân sinh phải ngạc nhiên, nên hễ có bạn đến chơi nhà là ông đem khoe tài con mình.


      Nét mặt lúc nào cũng trầm buồn, cuộc đời Bích Khê luôn luôn thay đổi và kéo dài những chuỗi ngày đau yếu.


      Nhân dịp hè, Bích Khê rời Hà Nội, xin ở nhà tự học dư tiền nuôi một người bạn nghèo. Tuy gia đình không bằng lòng, Bích Khê vẫn thực hiện theo ý muốn. Tháng sau, Bích Khê cùng người bạn vào Phan Thiết sống với người anh ruột đang làm việc tại đó. Bích Khê luôn luôn hy sinh vì bạn. Sợ cuộc sống không được đầy đủ, Bích Khê bàn với bạn mở một trường tư. Nhờ sự vận động của người chị và sự giúp đỡ của 2 anh, trường được mở. Bích Khê thấy cần phải sống tự lập nên cùng chị và bạn đi ở riêng. Người chị mở cửa hàng bán dụng cụ học trò để giúp sự sống cho trường lúc ban đầu chật vật.


      Trường mở được 2 năm, Bích Khê rời Phan Thiết trở về quê sống với mẹ. Gia đình dọn riêng cho Bích Khê một chái rộng với một giường ngủ, một bàn viết và hai ghế ngồi. Với tính rụt rè, Bích Khê ít giao thiệp nên chẳng quen mấy ai. Sống cạnh mẹ hiền và say đắm với nàng thơ, cửa phòng Bích Khê luôn luôn khép kín mài miệt đến nỗi đau ngực, gia đình đưa ra Huế soi điện mới biết là phổi yếu, nên Bích Khê phải nằm dưỡng bệnh ở đây hơn một năm. Bệnh lành Bích Khê lại về sống bên mẹ. Lúc ấy vào năm 1936. Lần này, Bích Khê xin mẹ lên núi ở. Chán núi Bích Khê lại xuống biển, và sau cùng lại đòi vào ở hẳn trong chùa, ăn trường trai và tụng kinh Phật. Ở chùa lâu ngày Bích Khể cảm thấy câu kinh tiếng mõ làm át tiếng thơ, hồn thơ không được phóng túng, nên lại rời khỏi cảnh tịch mịch ấy, trở về với tổ ấm gia đình.


      Bích Khê sống mát mẻ bên lòng mẹ, lòng chị. Nhờ hoàn cảnh tốt, tình gia đình đậm đà nên Bích Khê ở nhà được một thời gian khá lâu. Trong thời kỳ này ông sáng tác rất nhiều thơ Đường luật, gửi đăng ở các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới với bút hiệu Lê Mộng Thu hoặc Bích Khê. Bích Khê đã tỏ ra rất xuất sắc ở những bài thơ ấy và rất được hoàn nghênh (1). Cho nên thơ Đường cũng đã chiếm một địa vị quan trọng trong thi nghiệp Bích Khê. Sau Bích Khê chuyển sang làm thơ mới như các thi sĩ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Thái Can... và gửi đăng báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn.


      Bích Khê bắt đầu đọc say mê Paul Valéry, Mallarmé, nghiên cứu Baudelaire, Verlaine, Rimbaud. Năm 1938, nhân có một tâm trạng buồn, Bích Khê lại rời gia đình vào Phan Thiết, và lại mở tư thục để kiếm sống. Trường càng ngày càng đông học sinh, nên phải mở thêm lớp học tối để dạy các học trò lớn. Và chính ở lớp tối này đã để lại trong cuộc đời tình ái Bích Khê một cuộc tình duyên hết sức thơ mộng mà cũng là một kỷ niệm đầy đau thương. Trong số học sinh lớp tối, Bích Khê để ý đến một cô học trò tên N., cô này có cử chỉ dịu dàng và tính nết dễ thương, rồi Bích Khê yêu, yêu với lòng chân thành, si mê. Tuy là thầy nhưng Bích Khê không lớn tuổi hơn N. lắm, và N. đã đáp lại bằng một niềm yêu thương thầm kín. N. đẹp, có đôi mắt thật buồn - buồn như biết trước chuyện tình sẽ tan vỡ, dù rằng mối tình trở nên khăng khít giữa hai người. Thời gian làm tăng thêm sự thắm thiết ấy. Vì cảm thấy cần phải gần nhau hơn trong cuộc đời, nên Bích Khê và N. định việc kết hôn. Bích Khê biên thư bày tỏ cùng gia đình. Bà thân mẫu mừng khi hay tin con mình chịu lấy vợ. Bích Khê vẫn thường nói không thích lấy vợ. Bà liền vào Phan Thiết để cậy người đến hỏi ý kiến gia đình N. nhưng một sự bất ngờ mà chính Bích Khê tưởng không thể xảy ra được, là gia đình N. từ chối, bảo rằng đã hứa với một người khác. Trước sự phản đối và ép buộc của gia đình, N. bạo dạn bày tỏ là chỉ yêu một mình Bích Khê thôi. Gia đình vẫn không chịu, N. buồn ốm nặng và như phát điên, thuốc thang vẫn không khỏi. Gia đình N. thấy con càng ngày càng rối loạn thần kinh nên đành ưng thuận cho người mời gia đình Bích Khê đến tính việc hôn nhân. Nhưng vì lòng tự ái quá cao, Bích Khê từ chối. Sau đó Bích Khê và N. vẫn thường thư từ an ủi nhau và thỉnh thoảng gặp nhau thương khóc cho mối tình. Cũng từ đó, thơ đau thương của Bích Khê tuôn ra lai láng. Bích Khê thường liên lạc với thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn để trao thơ mình cho Hàn xem. Chính Hàn Mặc Tử đã khích lệ Bích Khê rất nhiều. Hàn biết Bích Khê có tài nên càng khiêu khích để Bích Khê nảy bật tài ra:

      “Suốt trong năm 1938, tôi hết sức khích lệ chàng, mong mỏi ở chàng một thi sĩ xuất sắc, cao cường. Cái hy vọng của tôi sốt sắng quá, nóng nảy quá, đã một lần đưa tôi vào sự thất vọng chán chê và tức bực. Gần cuối năm ấy, chàng gửi ra cho tôi nhiều thơ, mà tôi chẳng lựa được bài nào cả. Tôi gửi trả lại chàng kèm với bức thư mà tôi đã dùng rất nhiều lời khiêu khích mỉa mai (cốt làm cho chàng tức). Quả nhiên chàng giận run người lên và vội trả lời thề với tôi rằng: Trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến làm thi sĩ nữa.


      Ngờ đâu sự hằn học của chàng đã bật nảy thiên tài của chàng ra. Không đợi đúng sáu tháng, chỉ trong vòng ba tháng thôi, chàng đã viết được một tập thơ, viết bằng máu huyết tinh tủy và châu lệ, và tất cả say sưa, đắm đuối của một hồn thi sĩ.” (Bích Khê, thi sĩ thần linh, bài của Hàn Mặc Tử trong tạp chí Trong Khuê Phòng số 98 ngày 10/6/1939) (2).

      Cuối năm ấy, thi phẩm Tinh Huyết ra đời (3). Bích Khê không muốn sống nghề dạy học ở Phan Thiết nữa, cùng chị về Quảng Ngãi rồi lại cùng bạn làm một cuộc sống gần miền Nam để sáng tác và dịch sách.


      Bích Khê gửi thư cho André Gide xin dịch quyển “Retour de L'U.R.S.S” (4) (Ở Nga về) Tác giả từ Algérie gửi thư sang cho phép. Dịch xong nhưng không có tiền xuất bản, bản thảo cũng bị thất lạc sau nhiều lần gửi gắm.


      Năm 1940, Bích Khê trở về sống với người anh thứ ở Sông Cầu rồi về Thu Xà để dự lễ cưới của chị. Cũng trong năm đó, chứng bệnh đau phổi trở lại với Bích Khê. Bích Khê lại ra Huế. Nằm chữa bệnh tại bệnh viện lao Pasquier một thời gian rồi về nhà tự điều trị. Thấy Bích Khê yếu nhiều, gia đình thêm lo lắng. Người chị đã đi theo chồng nhưng vẫn về an ủi và chăm sóc em thật chu đáo.


      Sau những ngày chán chê cuộc sống, yếu đi vì đau ốm, tâm hồn Bích Khê bắt đầu thấy cô đơn. Chiều chiều Bích Khê ra sân ngồi nhìn bốn phương trời như tìm kiếm những người bạn thơ xa xôi. Lòng ao ước gặp lại một người quen trên dặm mòn:

      Ôi chiều mùa thu sao mà buồn

      Tầng khói biếc đầy... tràn về thôn

      Giòng sông như đờ không muốn chảy

      Có phải hôm nay chở nặng hồn?


      Gió về mang cả mùi lăng tẩm

      Buồn cất lên đền những miếng đen

      Người viễn khách, lòng sầu vạn cổ

      Dặm mòn muốn gặp một người quen!

      Thỉnh thoảng thơ Quách Tấn gửi đến, Bích Khê đọc rồi hoa lại, thấy đỡ buồn hơn. Có lần Chế Lan Viên đến thăm, Bích Khê mừng ra nước mắt.


      Mặc dù thuốc thang đầy đủ, tẩm bổ rất nhiều nhưng càng ngày Bích Khê càng xanh xao tiều tụy. Một hiện tượng lạ là cách bốn, năm năm trước, khi nằm dưỡng bệnh lần đầu ở nhà thương Huế, Bích Khê nằm mộng thấy một nàng tiên hiện ra giơ cao tay rải những mảng bông vải. Bông bay trắng xóa rồi rơi xuống đất ráp lần thành chữ và thành bốn câu thơ. Bốn câu thơ ấy cho Bích Khê biết là sẽ chết vào Lập Xuân. Vì thế nên cứ năm nào đau, Bích Khê cũng ngại mùa xuân. Nhưng bao mùa xuân qua Bích Khê vẫn sống, nên hết tin ở cái chết vào mùa xuân của mình.


      Đến năm 1945, điều mộng ấy lại tái hiện một hôm, giữa đêm trăng sáng, Bích Khê bảo người nhà dìu ra sân ngắm trăng. Ánh sáng xanh dịu của trăng đã khêu lại tâm sự ngày cũ. Mối tình xưa, người xưa lại trở về sống trong hồn thi sĩ.

       

      Sáng hôm sau Bích Khê trao cho chị bài thơ “Làng Em” và nói: “Em mong một bóng hình trở lại, nhưng em biết không bao giờ”:

      Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh!

      Anh có khi nào trở lại chưa?

      Ngày đi chậm lắm. Giòng sông biếc

      Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa.

      Nơi đây: thành phố đời ngừng mạch

      Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ

      Đường lên hội quán sương khuya xuống

      Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?


      Anh có khi nào còn trở lại,

      Chờ lúc hoàng hôn trăng đã lên

      Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy

      Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền

      Là lúc đêm về trên mái ngói

      Những nhành nhãn muộn cánh dơi bay

      Em đang nổi bệnh trong phòng vắng

      Tình đệm theo trăng sáng sáng đầy..

      (Trong tập Tinh Hoa, chưa xuất bản)

      Rồi như là trăng sao mang niềm cảm nghĩ ấy đến cho N. Một hôm, thình lình Bích Khê nhận được thư N. gửi thăm, cho biết đã có chồng và hai con. Nàng xin phép Bích Khê cho nàng được đến thăm, vì tình xưa vẫn không chết trong lòng nàng. Bích Khê nửa mừng nửa ngại. Cả nhà đều vui mừng sắp được tiếp N., vì cho đó là niềm an ủi cuối cùng cho những ngày tuyệt vọng của Bích Khê. Thư trả lời đồng ý. N. từ Sài Gòn ra Thu Xà. Hai người gặp nhau nghẹn ngào. Ở lại Quảng Ngãi mấy hôm rồi nàng từ giã, để lại cho khóm lan bên ngõ một hồn đau, một xác gầy. Bích Khê tiễn nàng ra cửa với một cảm giác vĩnh biệt. Cách mười hôm sau Bích Khẽ nhận được một giỏ cam của N. từ xa gửi về, và cũng từ đó Bích Khê không bao giờ trông thấy bóng nàng nữa...


      Sức khỏe mỗi ngày một xuống, căn bệnh lại càng tăng lên. Bích Khê cảm thấy thất vọng, tìm đủ cách đánh bại vi trùng, nên ai bày gì Bích Khê đều bảo gia đình làm theo và dù thuốc cay đắng, nhờm gớm thế nào Bích Khê cũng uống được. Bích Khê còn chịu khó theo phương pháp nằm luôn trên giường (repos absolu) không đi đứng nữa. Chính phương pháp này đã làm cho các gân tê bại, nên có lúc Bích Khê không đứng vững được. Bài thơ rải bông trong mộng lại nhắc nhở cho Bích Khê chết ở Lập Xuân. Bích Khê tin là mình chết ở mùa xuân này: “Xuân năm nay chắc quá chị ạ. Vì đã biết sức em”. Tháng sau Bích Khê trao cho chị 2 bài thơ “Nấm mộ”:

      Mây, tuyết, thời gian bay tợ nhạc

      Hồn tôi đã thoát để tiêu dao!

      Những tờ thơ nát đầy hơi hám

      Tay khách đa tình sẽ chuyển trao


      Rồi những mùa thu vô hạn thương

      Trở về dưới biếc chập chờn hương

      Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ

      Muốn thổi tiểu vàng giữa khói sương


      Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh

      Về chốn thôn già viếng mả tôi

      Dẫy cỏ xôn xao, mây lớp phủ

      Trên mồ con quạ đứng im hơi. (5)

      (Trong tập Tinh Hoa, chưa xuất bản)

      “Đề bia dụng trước mộ” gồm có 4 câu:

      “Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng

      Bút thần: sông lạnh bóng sao rơi

      Sau nghìn thu nữa trên trần thế

      Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”

      Bệnh tình Bích Khê càng đi lần vào tuyệt vọng. Gia đình vẫn lo đầy đủ cho đến phút cuối cùng. Vì Bích Khề biết trước cái chết của mình nên vẫn tươi tỉnh nói chuyện nhiều và vui vẻ an ủi gia đình. Bích Khê cứ luôn tụng niệm “Di Lạc Tôn Phật” và tin tưởng ngày nhắm mắt có Phật đến rước. Nhờ sức tin tưởng mãnh liệt ấy, nên sự chết đối với Bích Khê như Bích Khê sắp trở về quê, cái quê hương đầy hương hoa phúc hạnh.


      Qua mùa đông, trời bắt đầu lập xuân. Bích Khê sửa soạn cho mình cái chết. Bích Khê xin mẹ may một bộ đồ trắng mới và gọi chị lại nhờ chép lời di chúc trao cho mẹ, căn dặn mẹ phải làm đúng.

      Đây là những lời di chúc của Bích Khê để lại:

      1. Khi chết không được khóc

      2. Chết xong lịm liền chôn liền

      3. Đám rất giản dị, một cái hòm vừa kín, một tấm drap đắp điếm thi hài và khi chôn không cờ trống.

      4.Những bà con, bạn bè đến phúng điếu, tiền bạc không nhận, phải đem trả tận nhà.

      5.Ngày cúng giỗ chỉ một nén hương, một bình hoa, không cúng cơm cá.

      Tập thơ “Tinh Hoa” chị và anh rể mang quyền xuất bản

      Một tối sau khi ăn cháo xong, Bích Khê gọi mẹ lên ngồi một bên, nói cho mẹ biết là còn ba ngày nữa, nhằm ngày rằm, Bích Khê sẽ chết. Và nói cho người xuống chùa Phú Thọ xin phép mời một vị sư, bạn cũ của Bích Khê, lên ở với Bích Khê 3 ngày đêm để tụng kinh cho Bích Khê nghe. Đến đêm thứ ba thì Bích Khê trút hơi thở cuối cùng. Đúng như lời Bích Khê nói. Lúc ấy là 12 giờ khuya ngày 15 tháng 12 năm Ất Dậu (tức ngày 17-1-1946).

       

      Cái chết đến với Bích Khê nhẹ nhàng quá, nhưng cũng chua xót làm sao. Người ta nghĩ đến bệnh lao. Nghĩ đến những thi sĩ, văn sĩ chung số phận: John Keats, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng... Và nhất là với tuổi 30 - tuổi mà những thiên tài thường về với Trời - Khi mùa xuân tới, khi cảnh vật chung quanh hồi sinh lại thì Bích Khê qua đời. Bích Khê qua đời giữa mùa xuân tao loạn, nên ngày chết bạn xa không ai về được. Nấm mộ được đặt trên miếng đất của Hội Quán ở Thu Xà. Và qua mười năm khói lửa cũng chỉ một con quạ đứng im hơi trên nấm mồ...


      Bích Khê và Thơ


      Tác phẩm Bích Khê gồm có:

      - Tinh Huyết (thơ) xuất bản năm 1939

      - Đẹp –1949 thơ chưa xuất bản

      - Tinh Hoa 1938-1944 thơ chưa xuất bản

      - Ngũ Hoành Sơn (thơ) chưa xuất bản

      - Lột Truồng (thiên tự thuật) chưa xuất bản

      - Mấy dòng thơ cũ (1930-1936) không xuất bản


      Nói đến thơ Bích Khê, tôi nghĩ ngay đến nguồn thơ tượng trưng trong đó gồm có đủ những chất huyền diệu và trụy lạc, có đủ màu sắc trừu tượng và cụ thể. Hàn Mặc Tử đã ví thơ Bích Khê như một đóa hoa thần dị, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc. Hoài Thanh cho rằng: “Tôi đã gặp trong Tinh Huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam:

      Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

      Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”

      (Thi nhân Việt Nam 237)


      Ở đây chúng tôi thấy cũng cần phải nhắc đến 2 bài thơ Pháp, đã bắt đầu cho nguồn thơ tượng trưng và huyện diệu ấy là Charles Baudelaire (1821-1867) tác giả “Les Fleurs du Mal” (1857) mà Arthur Rimbaud đã gọi là “Nhà tiên tri, Vua thi sĩ, Một vì Chơn Chúa” (Le premier voyant, Roi des poètes, Un vrai Dieu) và Paul Valéry (1871-1945) tác giả tập thơ “Charmes” (1922) mà Bích Khê đã ít nhiều chịu ảnh hưởng, nhưng “chịu ảnh hưởng với một tài trí thông minh, khiến người đọc chỉ biết phục thiện mà không dám chê. Vẫn biết tài bắt chước mô phỏng, ai cũng có thể làm được, song lẽ nếu không phải một chân tài, sự mô phỏng sẽ trở nên vụng về sống sượng”. (Hàn Mặc Tử - Tựa tập Tinh Huyết, trang VIII)


      Với Tinh Huyết (6) tập thơ làm bằng tim, óc, thịt và máu, cùng những ý tưởng thanh cao và tội lỗi. Bích Khê yêu một thể thơ trụy lạc và nghệ thuật đi đến chỗ thắm chín tuyệt đích. Thơ Bích Khê ví như cái cầu vồng, đi từ mầu trắng bâng khuâng tới mầu gay gắt, ray rứt, điên cuồng, chỉ khi nào hiểu mới thấy được những màu kia. Bích Khê đã phát ra một sự rung động mới mẻ (un frisson nouveau), thường dùng những biểu tượng (symboles) để diễn tả - nghĩa là dùng những hình ảnh và những ý tưởng khác lạ có đủ ma lực gợi ra hay làm sáng tỏ đối tượng. Ta hãy nghe Bích Khê bày tỏ sự trần truồng một cách rất thanh tao:

      Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ

      Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?

      Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?

      Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.

      Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

      Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

      Mắt ngời chân rung ánh sóng nghê thường;

      Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.

      Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

      Vài chút trăng say đọng ở làn môi.

      (Tranh lõa thể - Tinh Huyết trang 41)

      Thi sĩ họa với tiếng, tìm góp mùi hương vào trong nhịp và chữ. Với những hương, những sắc, thi sĩ đã dùng các biểu tượng “đũa ngọc” để ví với hàng nước mắt, “tuyết” là da nàng; thi sĩ còn thấy nhan sắc lên hương và nhìn mái tóc đen mướt u huyền mà tưởng chừng như đêm đang ngủ mơ. Bài thơ vì thế trở nên huyền diệu, cám dỗ được ngũ quan ta. Ngoài hình ảnh tân kỳ, biểu tượng đặc sắc, thơ Bích Khê còn hay về nhạc điệu. Bích Khê coi nhạc điệu là một yếu tố cần thiết trong việc truyền cảm. Bích Khê đã dùng những vần, những tiếng có âm thanh phù hợp với ý để tạo ra một âm điệu thần tình. Mơn man ta như một điệu đàn ngọc, một nỗi buồn rất Đông Phương trong bài Tỳ bà:

      Vàng sao nằm im trên hoa gầy

      Tương tự người xưa thôi qua đây

      Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề

      Hoa vừa đưa hương gây đê mê


      Tôi qua tim nàng vay du dương

      Tôi mang lên lầu lên cung Thương

      Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

      Tình tang tôi nghe như tình lang


      Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

      Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

      Đâu tìm Đào nguyên cho xa xôi

      Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi.


      Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

      Buồn sang cây tùng thăm đồng quân

      Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

      Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

      (Tinh Huyết trang 25)

      Lời thơ êm như nhung, buồn tẻ như hoàng hôn, đằm thắm phát từ những khúc đàn cổ như Lạc Mai Hoa, Hoàng Hoa, Trường Hận Ca... Thật là cả một trời yêu thương buồn da diết. Nhưng âm nhạc vốn là tiếng nói chung, nên Bích Khê lại sành cả những điệu đàn Tây Phương nữa. Bài nhạc dưới đây với những vần và ý thật mới lạ:

      Ô! Nắng vàng thơm... rung rinh điệu ngọc,

      Những cành hồng đơm, những cành hồng đơm

      Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương;

      Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.

      Từ ở phương mô nhạn mang thơ về,

      Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu.

      Đây giây trinh bạch khóc mướt trong mơ;

      Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ?

      Ô côi lầu mây ánh gì kim cương,

      Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.

      Thơ bay! Thơ bay vô bàn tay ngà,

      Thơ ngà ngà say! Thơ ngà ngà say!

      Nàng ơi! đừng động... có nhạc trong giây,

      Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trời mây,

      Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,

      Ô nàng tiên nương! hớp nhạc đầy hương.

      (Tinh Huyết, trang 28)

      Tác giả cho ta nghe thấy những âm thanh trầm bổng xôn xao, lời thơ mát mẻ và hơi thở lướt thướt như những bản đàn của Schumann, Beethoven, Liszt...


      Và trong bài “Mộng cầm ca” có những câu thơ lay đi láy lại rất khéo:


      Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng

      Của gương hô im lặng tợ bài thơ.

      Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng

      Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.

      Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng

      Của hồn thu đi lạc ở trong mơ...

      (Tinh Huyết trang 24).


      Âm điệu phảng phất như âm điệu tiếng nhạc Valse trong bài “Harmonie du Soir” của Baudelaire:


      “Voici venir les temps où vibrant sur sa tige

      Chaque fleur s'évapore ainsi qu'un encensoir;

      Les sons et les parfums tournent dans l'air du soir;

      Valse mélancolique et langoureux vertige!


      Chaque fleur s'évapore ainsi qu'un encensoir;

      Le violon frémit comme un coeur qu'on afflige;

      Valse mélancolique et langoureux vertige!

      Le ciel est triste et beau comme un grand reposoir."

      (Les fleurs du Mal. Trang 158, phần Spleen et idéal)


      Nhờ có nhạc điệu, thi sĩ đã truyền sang tâm hồn người đọc một cách dễ dàng. Cho nên Bích Khê còn là một nhạc sĩ. Bích Khê đã đi tìm cái Đẹp, cái Thực theo đúng bản thể của nó. Nên ngoài âm thanh ra, Bích Khê còn làm sáng tỏ những đối tượng bằng màu sắc hoặc trừu tượng hoặc cụ thể. Bích Khê yêu cảm sắc đẹp thắm chín của đàn bà, những âm điệu êm trong cùng những cơn mê ám kỳ dị. Bích Khê đã nói lên những cái bên trong, vĩnh cửu của tâm hồn mình. Đem những cái nhơ bẩn, những tiếng nói câm kết thành Tình, thành Nhạc, khiến cái vô hình trở nên hữu hình. Bích Khê đã làm những việc mà người khác không làm được, như Paul Valéry đã thấy: “Theo mắt tôi thấy, người ta biết thi sĩ ở những cái mà họ tôn sùng và những chỗ phóng khoáng của họ, những cái không giống với phần đông mọi người.” (Le poète, à mes yeux se connaît à ses idoles et à ses libertés, qui ne sont pas celles de la plupart.)


      Bích Khê đã đem vào trong thơ những trạng thái khác thường và đặc biệt của trí não, bày tả cái cụ thể rất tầm thường nhưng ta vẫn tìm được một cảm giác mới, là nhờ tác giả đã truyền sang cho chúng ta một nguồn cảm tinh thần:


      Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!

      ... Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!

      Mát làm sao! mát rợn cả châu thân -

      Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực.

      Ôi! thớ thịt có đàn lên cung bực

      Hồn tôi ôm gót ngọc, lắng âm thanh...

      (Bàn Chân-Tinh Huyết trang 48)


      Với những màu sắc mầu nhiệm:


      Ô trời hôm nay sao mà xanh!

      Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành

      Nhung mây tê ngời sao kim cương,

      Dạ lan tê ngời say men hương;


      Lầu ai ánh gì như lưu ly?

      Nụ cười ai trắng như hoa lê?

      Thủy tinh ai để lòng gương hồ?

      Không gian xà cừ hay san hô?

      (Nghê thường-Tinh Huyết trang 37)


      Thơ Bích Khê là cái hợp đề của muôn vàn sự thắc mắc, xao xuyến trong lòng, trong hồn, trong da thịt, với sắc màu đậm đà, huyền diệu, đã đem lại cho người đọc một cái gì mới mẻ, mà trong đó hồn thơ, điệu thơ, ý thơ đã gây nên bởi cái cảm giác thông minh, thành thật. Thơ siêu việt của Philippe Soupault cũng bắt đầu từ cái thật, do đó những tâm hồn khát khao nguồn Đẹp tìm thấy ở Bích Khê một sự khoái trá vô cùng.


      Ta vừa ra khỏi địa hạt huyền diệu, địa hạt mà “Bích Khê muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry.” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam - trang 33)


      Bây giờ ta hãy vào thăm địa hạt trụy lạc của Bích Khê, nơi mà thi sĩ đã đụng chạm trụy lạc và thanh cao, vật dục và tinh thần, thi sĩ đã đắm chìm vào ảo mộng có khi đến phi luân lý. Nhưng vì “Dù phải bị tử hình hay trụy lạc, Thơ không thể hòa hợp với khoa học hay luân lý. Thơ không có thực tế làm đối tượng, thơ chỉ là thơ”

      (La poésie ne peut pas, sous peine de mort ou de déchéance, s'assimiler à la science ou à la morale. Elle n'a pas la Vérité pour objet, elle n'a qu'Elle-même. - Baudelaire-Les Fleurs du Mal, trang 23)


      Đây là cơn mê của người ham khoái lạc:


      “Tôi vồ người như một miếng mồi ngon;

      Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son;

      Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc...

      Tôi giật nẩy rồi cười lên sằng sặc,

      Hai tay cào đôi vú trắng như bông”.

      (Xác thịt)


      Sắc dục tỏa ra mãnh liệt đến điên cuồng:


      “Người đã ôm một sắc đẹp trong người

      Cho mơ màng cho rạo rực no tươi...

      Một xác thịt trần truồng cho rởn óc.

      Một tình dục cho miệng sang hơi độc

      Đến hả hê nên cười sặc như điên (7).“


      Chưa đủ, thi sĩ còn muốn cho não cân tẩm thuốc phiện, và mạch máu ngấm đầy rượu nồng:


      Còn đây! còn đây! tiếng rượu hú ma

      Từ thuốc phiện thu nhập khí mồ hoa;

      Ừ, tội chi ta không vào địa ngục

      Đặng xin nốt ngọc oan ương thề thốt,

      Giam chung thân mà sáng quá thiên đường;

      Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương.

      Baudelaire! Người là Vua Thi Sĩ!

      Cho xin chụm bao nhiêu mùi thi vị

      Phà hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai...

      (Ăn mày-Tinh Huyết trang 71)


      để rồi:


      “Rạng mai có kẻ đi về đấy

      Ôi! người say rượu chết nằm queo!

      Ngọc sương nức nở tan thành lệ!

      Hơi rượu say nồng vẫn quyện theo!”

      (Người say rượu - Tinh Huyết trang 54)


      Hình ảnh “người say rượu chết nằm queo” gợi nhớ đến cái chết của một Tản Đà, một Edgar Poe ... Ở những bài thơ dâm cuồng này, ta thấy Bích Khê rất giống Baudelaire, là tuy dâm cuồng nhưng “gợi dục tình thì ít, mà là cho người ta ghê rợn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ổ thì nhiều” (Hàn Mặc Tử— Tựa tập Tinh Huyết, trang XVII)


      Và đôi lúc ta cũng gặp được cái chất trụy lạc rất thầm kín, rất Lý Bạch:


      Ồ! Mộng đêm thu, mây vút xa,

      Say sưa lộ sắc cạnh Đào hoa:

      A ha! Lý Bạch! hồn ba lệ!

      Rượu nốc vào: rung khúc đập ca...

      Mộng trắng phau phau, vót cung nga:

      Xuân Hương! người ngọc, máu say ngà!

      Nhấn dây tơ loạn, – buồn lơi lả,

      Đờn phất hương trăng, nẩy điệu ra...

      (Mộng-Tinh Huyết, trang 43)


      Nhưng nếu Tội Lỗi đã có trong thơ thì Đạo Đức cũng là một nguồn cảm hứng. Vì thế, Bích Khê đã biết hướng hồn mình về một yếu tố duy nhất để chuộc lỗi, yếu tố ấy đã khơi dậy ở những cái gì sáng láng, thanh cao:

      Thơ Bay


      Thơ bay lên trên đỉnh núi Nga my

      Gạ chơi mây nước phương phi

      Lột mầu sắc tướng trong ni;

      Mộng qua, bắt mộng đồ mi lờ đờ!

      Thơ bay lên tới động Dương Quý Phi

      Gạn xin nước mắt lưu ly

      Của không nàng tiếc làm chi!

      Mắt tôi ráo lệ lấy gì xốn xang!

      Thơ bay lên cho đến gã Vương Duy

      Ghé xem bức tranh Quí Phi

      Tinh thần lộ cả uy nghi;

      Càn Khôn chụp ở hàng mi trập trùng!

      Thơ bay lên cho đến chàng Phụng Kỳ

      Gạn nghe thần nhạc lâm ly—

      Ánh ra màu sắc tinh vi:

      Rưng rưng yến sáng những gì chiêm bao!

      Thơ bay về tăm mát suối âm ty

      Xác tôi chết lạnh trôi đi

      Lấy ai siêu độ từ bi;

      Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng!

      (Tinh Huyết trang 74-75)

      Ở điểm này ta thấy Bích Khê đã chịu ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử. Thơ Bích Khê đầy những hình ảnh tân kỳ: Nhạc và Lệ, Đẹp và Dâm, Cuồng và Ánh sáng và Châu họp lại thành một dòng Tinh Huyết, mà Bích Khê đã say mê đắm đuối đến điên cuồng vì thơ. Nhưng rồi, khi nghệ thuật đã đến chỗ thắm chín, thơ Bích Khê sẽ đi đến đâu?


      Cũng như những thiên tài khác, sau khi đã sống, đã chán chường cõi đời ô trọc, thi sĩ cảm thấy tâm hồn mình cần phải siêu thoát nên đã nâng thần trí và hồn tính lên với Trời, hướng đến vô cùng. Nhưng như Chateaubriand tìm mãi cái vô cùng (vers l'infini) không thấy, thi sĩ mới nhận ra rằng chỉ còn một thế giới đời đời là Tôn Giáo mới làm thỏa mãn được tâm hồn mình. Trái với Hàn Mặc Tử là người của Thiên Chúa Giáo, Bích Khế hướng về Phật giáo để ca ngợi cái huyền bí tuyệt đích.

      “Lúc trăng lên vừa có ngọc ra đời:

      Ngọc thơm tho như là hương trinh nữ,

      Ngọc cao quý ánh muôn màu cẩm tú,

      Yến hào quang nẩy bật miếng phong cầm;

      Ngọc đây là thâu góp vị muôn xuân

      Và anh hoa của một bầu nhược thủy;

      Ngọc mầu nhiệm nên pháp danh Như ý,

      Kết tinh bằng tứ tượng với âm dương;

      Ngọc chơn nhơn cho phật tử cúng dường

      Và chiêm ngưỡng giữa kỳ hoa dị thảo;

      Ngọc là chúa của kim cương thất bảo

      Chan chói ra trùm suốt cả không gian,

      Lĩnh hội từ hơi thở của đêm vàng

      Đêm huyền diệu của một trời châu báu;

      Ngọc có thân xẻ ra muôn mạch máu

      Mớm cho người lạnh ớn cả hàm răng;

      Ngọc chia hồn để nhập mỗi đường trăng

      Cho trăng sửng, trăng rờn, trăng chuyển động.

      Ngọc phép tắc trổ ra muôn sắc tướng

      Chạm vào người run rẩy cả châu thân;

      Ngọc đồng trinh nên thanh bạch trăm phần;

      Ngọc ra đời - Tình tôi run đến óc...”

      (Ngọc - Tinh Huyết trang 72-73)

      Thi sĩ cho rằng:


      “Có say khướt mới đào muôn tứ ngọc,

      Có điên rồ mới hớp trăng sao,

      Có dâm cuồng mới dâng cả lên cao

      Nơi chu lưu một nguồn thơ bất tuyệt

      Nơi trí người tạo ra rồi xoá hết,

      Nghiễm nhiên người là chúa tể vô biên”


      Và đã tự hào:


      “Ta là Thơ! Phàm tục hãy quy y

      Ta sáng suốt chiếu ra mầu Phật tánh”


      *


      Sau mấy năm khắc khoải với vi trùng lao, Bích Khê chết. Bích Khê để lại cho N. một tình yêu bất diệt. Và để lại cho trần gian những tác phẩm quý hiếm.


      Đời Bích Khê ngắn ngủi, buồn đau, tuy rằng được mẹ và chị chiều chuộng. Nhưng dù buồn đau, Bích Khê cũng đã hướng lòng lên cao để đạt đến cái Đẹp và cái Thật. Bích Khê đã sống và chỉ sống vì Thơ. Thơ Bích Khê đi sâu vào tận đáy hồn ta và ở mãi đấy.


      Phải chăng cuộc đời ngắn ngủi và tính cách thuần túy của thơ đã khiến cho chúng ta mến cảm và yêu thơ Bích Khê.


      Mùa thu lại về. Ở đây tìm đâu ra vàng rơi cây ngô đồng, mà là cả muôn trùng rừng phong muôn trùng sắc lá. Và con quạ đen kia làm nhớ con quạ đậu trên nâm mồ thi sĩ Bích Khê ở Thu Xà khi tôi về thăm năm xưa nào xa lắm...


      Bút tích của Bích Khê

      ---------------

      (1) Sau này Bích Khê gom lại thành tập “Những vần thơ cũ”, gồm 89 bài thơ Đường, Hát nói và các thể, nhưng không xuất bản.

      (2) Bài này lấy làm tựa tập Tinh Huyết

      (3) Do Trọng Miên xuất bản, in trong ngày 30 tháng 12 năm 1939 tại nhà in Thụy Ký - 98 phố Hàng Gai - Hà Nội.

      (4) Nhà xuất bản Gallimard 5 Novembre 1936

      (5) Trong bức thư đề ngày 7-1-1941 gửi cho Hoài Thanh, Bích Khê nói thích nhất là bài này và bài Duy Tân

      (6) Tựa của Hàn Mặc Tử; Bạt của Trọng Miên – Tập thơ gồm có 4 phần:

      - Nhạc và Lệ tặng Hàn Mặc Tử (trang 23 đến trang 38).

      - Đẹp và Dâm tặng Trọng Miên (trang 41 đến trang 54)

      - Cuồng và Ánh Sáng tặng hai anh Thoại và Hường (trang 57 đến trang 81)

      - Châu (trang 85 đến trang 105).

      (7) Đoạn này trong tập Tinh Huyết bị kiểm duyệt bỏ.


      Đinh Cường

      (chỉnh lại từ bài viết cũ đã đăng trên tạp chí Văn Hóa Á Châu, số 22, tháng 1- 1960 – Sài Gòn. cám ơn Quang Dũng đã đánh máy lại và Nguyệt Mai edit)


      Đinh Cường
      Thư Quán Bản Thảo số 87, tháng 12-2019
      Chủ đề: Đinh Cường & Bích Khê, giới thiệu: Tạp chí Văn Hóa Á Châu

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Khi nhận và đọc Không Hẹn Mà Đến của Huyền Chiêu-Khuất Đẩu nhớ nhà ga Ninh Hòa Đinh Cường Thơ

      - Họa sĩ Trương Thị Thịnh - Người phụng hiến cho nghệ thuật Đinh Cường Hồi ức

      - Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) Đinh Cường Khảo luận

      - Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội Đinh Cường Nhận định

      - Đoạn Ghi Nhớ Đỗ Long Vân Đinh Cường Thơ

      - Tạ Tỵ, Người Họa Sĩ Luôn Ưu Tư Về Những Cái Mới Đinh Cường Nhận định

      - Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà Và Màu Nâu Đất Buồn Đinh Cường Khảo luận

      - Từ Bức Chạm Gỗ Xưa "Mèo Ngoạm Cá" Tới Vài Nét Về Điêu Khắc Cổ Việt Nam Đinh Cường Khảo luận

      - Tìm Lại Nét Đẹp Trong Tranh Dân Gian Việt Nam Đinh Cường Khảo luận

      - Kỷ niệm 13 năm ngày mất nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị Đinh Cường Hồi ức

    3. Bài viết về nhà thơ Bích Khê (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Bích Khê

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) (Đinh Cường)

      Vài suy nghĩ về thơ Bích Khê (Trần Hoài Thư)

      Bích Khê (1916 - 1946) (Nguyễn Tấn Long)

      Suy nghĩ về thơ Bích khê (Phạm Duy)

      Bích Khê (1916-1946)  (Thụy Khuê)

      Thi pháp Bích Khê  (Thụy Khuê)

      Bích Khê và thơ tượng trưng  (Tam Ích)

      Thơ Bích Khê trên sách báo Việt trước 1945  (Lại Nguyên Ân)

      Về bài thơ “Tỳ bà” của Bích Khê  (Hoài Nguyễn)

      Hành trình thi ca của Bích Khê  (Trần Hoài Thư)

      Bích Khê, Người có những câu thơ hay nhất Việt Nam  (Lê Ngọc Trác)

      Bình thơ Bích Khê

      Tiểu sử Bích Khê  (wiki)

       

      Tác phẩm của Bích Khê

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang nhà Bích Khê

      Thơ Bích Khê  (thivien.net)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)

      Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)

      Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)

      Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)

      Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)