|
Hùng Lân(23.6.1922 - 17.9.1986) | Lê Thương(8.1.1913 - 17.9.1996) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thưa Quí Hội,
Được biết qua báo chí, Hội đồng tuyển trạch của Quí hội quyết định chọn trao cho tác phẩm Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, giải nhất Bộ Môn truyện dài 1974 do Hội Văn Bút Việt Nam tổ chức.
Ở nơi xa, rất tiếc tôi không có mặt để chia vui cùng Quý Hội và tác giả đoạt giải trong buổi lễ trao giải tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 1974. Là một người lâu nay cũng theo đuổi việc sáng tác văn nghệ và thường theo dõi những hoạt động liên tục và thực tiễn của Quý Hội, tôi xin mạn phép gửi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến Quý Hội và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong ngày mà tôi dự đoán là có sự họp mặt rất đông đảo của quý vị văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và hội viên của Quý hội nói riêng.
Một lời chào mừng có lẽ trở thành khách sáo và thừa thãi nếu không kèm theo những cảm nghĩ, ý kiến chân thành và xây dựng của mình gửi đến những người mình muốn chào mừng. Những lời sau đây của tôi gửi đến Quý Hội cũng vì lý do đó.
Trước hết tôi xin thành thực ca ngợi và chia mừng cùng Quý Hội về sự lựa chọn tác phẩm trúng giải. Ca ngợi, vì một tác phẩm xứng đáng như Đường Một Chiều, khi đoạt giải nhất, đã chứng tỏ một tinh thần thưởng ngoạn và thẩm định văn chương rất tinh tế của Quý Hội. Chia mừng, vì khi tác phẩm đoạt giải là một tác phẩm có giá trị thực sự, thì uy tín của cơ quan trao giải, của Quý Hội, đã tăng thêm rất nhiều.
Vì không có gì đáng buồn hơn khi người ta không tìm ra được một tác phẩm nào xứng đáng để trao giải. Và càng tệ hơn nữa, càng đáng buồn và xấu hổ hơn nữa, nếu người ta vì một lý do tình cảm riêng tư nào đó, phải trao giải cho một cuốn sách không xứng đáng. May mắn thay, năm nay, 1974, Quý Hội đã tránh được điều đáng buồn đó.
Tôi đã hân hạnh được đọc bản thảo truyện dài Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác. Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo, nội dung chứa nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng, lôi cuốn. Những đặc điểm đó khiến Đường Một Chiều đích thực là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa.
Tác phẩm ấy đặt độc giả trước một bi kịch. Bi kịch của con người bị đứng trước, bị đẩy đưa trên con đường chỉ có một chiều, không thể, và có lẽ không thể bởi vì yếu đuối không tìm ra một chiều đi khác, một lối thoát nào khác, cũng không thể dừng lại hay quay đầu trở ngược chiều chạy trốn. Và cuối cùng, con đường một chiều ấy đã dẫn nhân vật chính của câu chuyện đến tội ác. Sau đó, người tội nhân trẻ tuổi (đáng thương hay đáng ghét?) không đợi sự trừng phạt của luật pháp, y tự sát (hối hận? sợ hãi? hay thất vọng?)
Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăn suy nghĩ khi đọc sách thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự tìm lấy câu trả lời riêng cho mình.
Trang cuối cùng của truyện Đường Một Chiều khép lại cuốn sách, đồng thời mở ra những thao thức mới. Định mệnh hay trách nhiệm của hành động tự ý? Tính dục hay tình yêu? Có tội hay vô tội? Thù hận hay tha thứ? Công lý sáng suốt hay chỉ là sự trừng phạt máy móc độc đoán? Những câu hỏi đó có lẽ một ngày kia sẽ đối diện thách thức trước mặt chúng ta, nếu chúng ta chẳng may đã bị đi trên con đường một chiều, như nhân vật trong truyện. Hay có thể giữa thời đại tù túng, gắt gao, bạo tàn này chúng ta đã phải đi trên con đường một chiều đó rồi.
Điểm đáng đề cao hơn nữa của truyện Đường Một Chiều, tác phẩm thứ 5 của Nguyễn Mộng Giác, là thêm một lần nữa chứng tỏ cái ý hướng trách nhiệm của tác giả đối với xã hội. Truyện của Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng từ chối làm chiều lòng những kẻ trưởng giả giầu sang, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ chán chê rồi học đòi triết lý thời trang rằng cuộc đời là hư vô, phi lý, buồn nôn.
Hư vô chỉ là một trang thái có thực đối với những người bất hạnh, mất hết tất cả vì cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn đang tiếp tục từng ngày, gieo rắc sự hủy diệt giữa lòng đất nước.
Phi lý chỉ là một nhận thức đích thực đối với những người khốn khổ gặp hết sự bất trắc này đến họan nạn khác, bị giáng xuống trên đầu hết tai ương này đến tang tóc khác vì chiến tranh.
Buồn nôn chỉ là một cảm giác thực sự đối với những người bị chứng kiến, hoặc không sợ hãi trốn tránh quay mặt đi, mà can đảm chứng kiến tận mắt như một chứng nhân, những cái chết đau thương tức tưởi, những đổ vỡ kinh hoàng, những tội ác nhầy nhụa của chiến tranh và vì chiến tranh. Những tiếng hư vô, phi lý, buồn nôn, chỉ có nghĩa thực sự khi phát xuất từ trái tim của những con người bị đày đọa như thế. Bằng không, nó chỉ là những sáo ngữ của tiểu thuyết phóng tác, nhai lại những sản phẩm nhập cảng mờ ám và trái phép để lòe bịp trẻ con.
Và đáng quý thay, các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác từ trước tới nay đã phủ nhận và không tham gia vào trò chơi chữ nghĩa triết lý phòng trà đó. Truyện dài của Nguyễn Mộng Giác có một nội dung gắn liền với đời sống và tình cảnh quẫn bách của những con người bị đeo một số phận nghiệt ngã, đang vùng vẫy kêu cứu giữa cả một cộng đồng nhân sinh cùng chung một nỗi khốn khó vì chinh chiến.
Nói rõ hơn, văn chương của Nguyễn Mộng Giác đứng cùng phía hướng đến và nhằm phục vụ khối đa số quần chúng bất hạnh trong xã hội VN ngày nay. Sự phục vụ quần chúng, phục vụ con người của tác giả có đem lại kết quả mỹ mãn hay không qua những tác phẩm văn chương? Điều đó có lẽ không tùy thuộc vào riêng tác giả mà tùy thuộc đến vấn đề chung là sức mạnh của văn chương liệu có thực hiện thành công ý hướng tốt đẹp đó hay không?
Đây là một vấn đề cốt yếu và rộng lớn không thể bày giải hay trả lời trong một vài lời ngắn ngủi. Đối với những nhà văn chân chính, chỉ cần biết một điều này: là dầu cho sứ mệnh văn chương có được hoàn tất ở cuối đường hay không, điều đáng quý hơn cả là biết và dám nhận lãnh sứ mệnh đó ngay trong phút khởi hành ở đầu đường.
Thưa Quý Hội,
Tôi rất tiếc những lời trên đây của tôi chắc là không được đưa ra thêm một ý kiến nào mới lạ hơn ý kiến của Quý Hội khi nhận định về tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác. Và nhận định của Quý Hội thì đã được biểu lộ một cách hùng hồn hơn bất cứ những lời lẽ văn hoa nào, chỉ với một sự lựa chọn trao giải văn chương năm nay cho tác phẩm Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác.
Thưa Quý Hội,
Lời chào mừng của tôi xét ra có thể chấm dứt nơi đây nếu thời cuộc nước nhà hiện nay không xẩy ra những biến cố rất lớn, mà đáng mừng thay, Quý Hội hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vận động chung. Tôi muốn nói công cuộc tranh đấu đòi hỏi quyền tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản mà Hội Văn Bút Việt Nam đang liên kết chặt chẽ với các đoàn thể khác tại Việt Nam.
Tôi rất tiếc không nhớ rõ chi tiết bản Hiến Chương của Hội Văn Bút thế giới, hay Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhưng tôi chắc chắn là bất cứ một bản Hiến chương nào, bất cứ một Tuyên ngôn nào của bất cứ một tổ chức nào nếu muốn có đủ uy tín để quy tụ mọi người thì điều kiện tiên quyết là phải đòi hỏi cho con người quyền Tự do Tư tưởng.
Quý Hội đang tranh đấu cho quyền Tự do Tư tưởng. Tôi hân hoan vui mừng trước cuộc tranh đấu đó và thành thật cầu chúc Quý Hội thành công. Vì sự thành công của Quý Hội chắc chắn sẽ đem lại một làn gió mới và làm phục sinh hoạt động văn hóa nước nhà. Với quyền tự do sáng tác, xuất bản báo chí, văn hóa văn chương Việt Nam chắn chắn sẽ phồn thịnh phát triển tương xứng với sự làm việc của các văn nghệ sĩ chứ không èo uột, mờ nhạt, kém cỏi một cách bất công như hiện nay. Nghĩa là dầu cho các văn nghệ sĩ có nỗ lực làm việc đến đâu, mà nếu không được tự do xuất bản thì công lao của họ, tác phẩm của họ cũng sẽ mãi mãi bị vùi dập một cách oan uổng trong bóng tối hay chỉ được xuất hiện dưới dáng vẻ khập khiễng, thiếu hụt, trái ý một cách đau lòng cho những kẻ sáng tạo.
Bốn ngàn năm văn hiến của nước Việt Nam không phải là một món đồ cổ bám đầy bụi bặm, mỗi năm đôi ba lần lại được khiêng ra, cho vào trong những bài diễn văn bóng bẩy. Bốn ngàn năm văn hiến ấy chỉ có nghĩa, chỉ là một niềm hãnh diện thực sự khi được chúng ta, những người hoạt động trong lãnh vực văn hóa và sáng tác nghệ thuật ngày đêm cố gắng làm việc để tiếp nối. Ngược lại, những người cứ nhắc nhở mãi đến bốn ngàn năm văn hiến, mà một mặt lại ngăn chặn, cắt bỏ những tác phẩm nghệ thuật là chất liệu nòng cốt để xây dựng văn hiến thì dầu cho là cắt bỏ một phần, một đoạn cũng vẫn giống như là chỉ cắt bỏ một con số 4 trong hàng số 4.000 năm đó. Những người đó phải chịu trách nhiệm nặng nề đối với con số không to tướng của nền văn hóa nước nhà.
Thưa Quý Hội,
Đến đây thì những lời chào mừng của tôi gửi đến Quý Hội mới thật sự xét ra nên chấm dứt thật. Xin kính chào Quý Hội, Quý vị văn nghệ sĩ hiện diện và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người mà hiện đang nhận lãnh vinh dự trong ngày hôm nay, cũng là nhờ ở một tinh thần làm việc hăng say và một tấm lòng tha thiết đối với văn nghệ rất đáng ca ngợi.
HOÀNG NGỌC TUẤN Qui Nhơn ngày 3-11-1974
- Chào mừng Hội Văn Bút Việt Nam nhân ngày trao Giải thưởng truyện dài năm 1974 Hoàng Ngọc Tuấn Tạp luận
- Dưới Chế Độ Độc Tài Hoàng Ngọc Tuấn Nhận định
- Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện là cái quái gì vậy? Hoàng Ngọc Tuấn Nhận định
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
• Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)
• Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)
• Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)
• Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)
• Vùng Hoa Thịnh Đốn: Ra Mắt Sách Ngô Minh Hằng (Huỳnh Mai Hoa)
• Giáo Sư Nguyễn Văn Bông - Tài năng, đức độ và bi kịch (Trần Văn Chi)
• Tưởng Nhớ Một Trí Thức Miền Nam Việt Nam Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân (Triệu Huỳnh Võ)
• TẠP CHÍ NGÔN NGỮ -Ấn bản đặc biệt- TRỊNH Y THƯ: Văn Chương Nghệ Thuật & Những Điều Khác (Văn Học Press)
• Phỏng Vấn Tiến sĩ Phan văn Song Chủ Tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng (Việt Luận)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |