24-09-2012 | VĂN HỌC
Di Sản Thơ Văn Hàn Mặc Tử và Vụ Án Trần Thanh Mại
QUÁCH TẤN
Tôi được tin Tử mất có hơi muộn nên không ra
đưa đám kịp. Mãi đến ngày lễ Phục Sinh
(Pâques) năm 1941, tôi mới ra Qui Hòa viếng mộ Tử.
Khi chôn, gia đình Tử đã có ý chôn dưới gốc
một cây phi lao để sau này dễ nhận. Nhưng sợ cây
phi lao có ngày gãy mục, tôi rinh thêm một viên đá
lớn chôn dưới chân mồ. Vì đời thường bể dâu, cẩn
thận được chút nào hay chút nấy.
Anh Nguyễn Văn Xê gặp tôi, mừng rỡ lẫn
buồn thương! Anh kể cho tôi nghe những gì đã xảy
ra từ khi Tử vào bệnh viện. Và bà Phước săn sóc
cho Tử trong những ngày tàn, an ủi tôi:
- Pierre Francois là người ngoan đạo, linh
hồn chắc được về cùng Chúa. Tôi luôn luôn cầu
nguyện cho Pierre.
Tôi hết sức cảm động và tự nhủ:
- Gần những tấm lòng vàng của bà Phước và
anh Xê, Tử chắc khỏi bơ vơ trong những ngày xa
nhà cách bạn.
Dòng lệ bỗng nhiên tuôn và long tôi trở nên
êm dịu.
Nhân lúc tôi ra thăm mộ Tử, gia đình Tử theo
ý muốn của Tử lúc sinh thời, làm giấy giao bản
quyền những văn thơ của Tử cho tôi giữ. Tôi thâu
thập tất cả những bút tích của Tử và nhũng thơ từ
của Tử còn sót lại, đem hết về Nha Trang.
Lúc ấy tôi đã gặp Chế Lan Viên và đã trở nên
đôi bạn thiết.
Chế Lan Viên cùng tôi xem xét và sắp xếp lại
những bản thảo của Tử. Rồi tự tay tôi đánh máy
mỗi tập văn thơ ra làm nhiều bổn, gởi ra nạp bản
tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục Huế, mỗi tác phẩm hai
bổn theo thể lệ đương thời, và chia nhau giữ mỗi
người một bộ.
Các bạn phương xa đến chơi cùng tôi, ai nấy
cũng muốn xem bút tích của Tử. Nhưng ai nấy khi
cầm đến cũng có ý ngại. Lòng e ngại làm thương
tổn tình bạn thiêng liêng. Để giữ tình thiêng liêng
được trăm phần trọn vẹn, tôi tìm cách sát trùng.
Không phải là việc dễ.
Tôi chợt nhớ đến viện Pasteur Nha Trang.
Nhưng dễ gì mà nhờ được, trong khi mình không
quen biết một Bác sỹ nào ở trong viện. Tôi đánh
liều đến thẳng bàn giấy ông Giám đốc là ông
Jacotot. Ông vồn vã đón tiếp. Sau khi nghe tôi
trình bày mọi nỗi, ông cười:
 Thi sĩ Quách Tấn
- Tuy tôi không đọc được thơ Hàn Mặc Tử,
nhưng tôi đã được nghe nói đến danh nhà thi sỹ
xấu số. Những bút tích của một nhà thơ như Hàn
Mặc Tử thật quí báu vô ngần. Nhưng sanh mạng
của con người cũng rất quí báu...
- Bởi vậy, tôi phải đến cầu cứu Bác sỹ.
- Tôi chưa nghĩ ra cách sát trùng thích ứng.
Dùng hơi nước thì mực phai lạt hết. Dùng hơi lửa
thì giấy dòn nát hết. Tuy vậy, ông hãy gói tất cả các
bản thảo cùng giấy tờ quan trọng cần sát trùng, bỏ
vào một hộp bằng giấy bìa cứng, cột ràng kỹ lưỡng,
rồi đem đến cho tôi. Tôi sẽ tìm cách giúp ông.
Tôi theo lời.
Ông hẹn tôi một tuần nhật đến xem kết quả.
Tuần sau tôi đến, ông sai bưng hộp tài liệu của
Tử ra, mùi giấy sấy bay thơm phức. Ông cười:
- Bây giờ chúng ta có thể nhai nuốt từng
búng cũng không sợ bẩn và sợ lây.
Tôi hết sức cảm kích và sắp ngỏ lời tạ ơn, thì
ông cười, ngăn lại:
- Nét mặt ông đã nói cho tôi rõ hết nỗi lòng
của ông rồi. Huống nữa đó là một việc chung cho
văn hóa.
Mừng quá, không kịp hỏi thăm cách sát trùng
của Bác sỹ Jacotot như sao, tôi vội ôm hộp tài liệu
về nhà... Chế Lan Viên sung sướng như được của
quí. Tôi thuật lại lời nói của Bác sỹ Jacotot, Chế
Lan Viên nói:
- Mình không nhai nuốt giấy, mà mình nhai
lại thơ Tử một vài lần nữa. Chúng ta phải lo cho Tử
mới được. Chưa ai hiểu Tử một cách thấu đáo.
Anh lo viết về thân thế. Tôi lo viết về văn chương.
Lúc nào rồi thì rồi.
Nhưng trước khi bắt đầu vào việc, chúng tôi
thương lượng cùng Cercle D'Etudes Qui Nhơn và
Nha Trang, tổ chức hai buổi nói chuyện về Tử. Chế
Lan Viên và tôi soạn bài cho giáo sư Nguyễn Đình
thuyết trình. Thính giả khá đông và kết quả cũng
có thể gọi là mỹ mãn.
Kế đó tôi được thư Trần Thanh Mại ở Huế
gởi cho biết rằng cũng vừa tổ chức một cuộc diễn
thuyết về Tử tại Huế và sắp viết một quyển sách nói
về thân thế và sự nghiệp văn chương của Tử. Trần
quân hỏi xin một ít tài liệu. Tôi mừng, bảo Chế Lan
Viên:
- Như vầy là đã có người gánh dùm gánh
nặng cho mình rồi đó. Tôi sẽ gởi hết những giấy tờ
tôi thâu thập được ra cho Mại.
Chế Lan Viên gật đầu :
- Phê bình, khảo cứu không phải là công việc
của bọn mình. Sợ không có người làm mình phải
làm đó thôi. Phải để thì giờ lo sáng tác.
Kế đó chúng tôi đi Sàigòn. Gặp Trọng Miên,
tôi nói chuyện Trần Thanh Mại. Trọng Miên cười
một cách hóm hỉnh:
- Đó là một tay chuyên môn bán xương cốt!
Tôi chưa hiểu Miên muốn nói gì. Trông vẻ ngơ
ngác của tôi, Miền vỗ vai, nói:
- Rồi anh sẽ hiểu.
Đoạn rủ Chế Lan Viên và tôi đến thăm Võ
Doãn Mại là người sẽ đứng ra xuất bản tập sách
của Trần Thanh Mại.
Võ quân tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Kịp
đến giờ đi làm, chủ nhân cầm chúng tôi ở lại:
- Tôi qua ngang sở một tí rồi trở về ngay.
Ở nhà, Trọng Miên lục xấp giấy tờ của Võ
quân để trên bàn giấy, lấy ra một bức thư đưa cho
Chế Lan Viên và tôi:
- Đọc đi, các anh sẽ thấy mưu tâm của Thanh Mại.
Đó là một bức thư của Trần Thanh Mại viết
cho Võ Doãn Mại bàn về việc viết và in sách về Hàn
Mặc Tử. Đại khái rằng:
"Danh tiếng Hàn Mặc Tử đương nổi như phao. Cho sách ra đời lúc này là gãi
nhằm chỗ ngứa của thiên hạ. Sách sẽ bán chạy như
tôm tươi. Tôi cố gắng viết trong một tháng cho
xong. Anh lo tài chánh cho sẵn. Sách ra sớm chừng
nào có lợi chừng nấy".
Tôi nhìn Chế Lan Viên mà thở dài:
- Té ra Thanh Mại viết về Tử không phải vì
nghĩa mà vì lợi!
Trọng Miên nói:
- Vì nghĩa? Khi chưa vào Qui Hòa, Tử có gởi
ra cho Trần Thanh Mại một số thơ mới làm, nhờ
Mại giới thiệu dùm. Mại đọc qua vài bài rồi vất cả
vào sọt giấy và nói với một giọng khinh khi rằng
"Thơ với thẩn!". Nay thấy Tử nổi tiếng, lại lo đầu
cơ! Bán xương cốt Trần Kế Xương, Tuy Lý
Vương xong, nay lo bán xương cốt Tử!
Tôi hiểu ý Trọng Miên.
Trọng Miên muốn nói rằng Trần Thanh Mại
không hiểu thơ, không thể phát huy được tinh thần
của các nhà thơ, của những bài thơ - nhất là thơ
Hàn Mặc Tử - mà họ Trần đề cập.
Nhận thấy Trọng Miên nói đúng, tôi bỏ ý định
giúp tài liệu cho Trần Thanh Mại.
Cách ít lâu, sách Hàn Mặc Tử của Trần Thanh
Mại ra đời.
Sách họ Trần ra đời vào khoảng cuối năm
1941 đầu năm 1942.
Tác giả nhiệt liệt ca tụng thi tài Hàn Mặc Tử,
và cuộc đời đau thương của Tử được trình bày một
cách cảm động, khiến phần đông bạn đọc mủi lòng.
Tôi cũng được tác giả tặng cho cái vinh hiệu là
Mạnh Thường Quân và dành riêng cho một đoạn
trong sách.
Tuy thế quyển sách chẳng những không gây
thiện cảm trong hàng thân yêu của Tử, mà còn
khiến cho gia đình Tử và một số thân bằng cố hữu
của Tử bất bình.
Vì sao vậy?
Vì trong sách:
- Có nhiều điểm không đúng sự thật do tác
giả, hoặc nghiên cứu không kỹ càng, hoặc cố ý
xuyên tạc hay phóng đại.
- Có nhiều văn thơ chưa xuất bản của Tử
bị trích dẫn toàn thiên mà không được sự ưng
thuận của người giữ bản quyền hoặc gia đình Tử.
Những điểm thất thiệt trong sách không làm
thiệt hại đến đời văn chương và sự nghiệp văn
chương của Tử. Chúng chỉ phạm đến danh dự hoặc
chạm lòng tự ái của một số người còn sống, kẻ ít,
người nhiều, đó thôi.
Phản ứng của mỗi người mỗi khác.
Những bạn tôi quen thân như Chế Lan Viên,
Trọng Miên thì nhìn nhau, nhún vai, cười ngạo nghễ:
- Miễn phê bình.
Trần Tái Phùng - cháu gọi Trần Thanh Mại
bằng chú - xé nát quyển sách ném vào giỏ giấy.
Tôi cố giữ thái độ bình tĩnh. Có đôi bạn ngờ
rằng tôi thỏa mãn lắm vì được "đề cao". Tôi chỉ
cười, không cải chính.
Bổn phận của tôi, đối với Hàn Mặc Tử, là giữ
gìn sự nghiệp văn chương của Tử, đừng cho những
kẻ bất lương xâm phạm, và đừng cho thất lạc.
Tuy vậy, tôi coi mẹ Tử như mẹ tôi, và các
người em Tử lúc bấy giờ kính nể tôi như anh ruột,
nên những lời nói của họ Trần động chạm đến
thanh danh gia đình Tử, làm cho tôi khó chịu vô
cùng, nhất là đoạn nói về trường hợp sanh ra Tử.
Họ Trần nói rằng: "Cách vài tuần trước ngày
bà nằm nơi, nhà đoan bắt được mấy đám rượu lậu
to, nên trong nhà ông Nguyễn Văn Toản phải cất
tạm không biết bao nhiêu là vò thứ rượu hảo hạng
ấy. Cả nhà từ chủ nhân cho đến đầy tớ tha hồ múc
uống, uống lấy vui, uống để mà cười.
Bà Nguyễn Thị Duy vì thế mà cũng say lướt
khướt. Đến ngày 22 Septembre bà ở cữ. Bà mụ bảo
là bà sanh thiếu tháng. Bà cũng tin và hối hận vì
mình đã uống rượu. Dẫu sao, đứa bé ra chỉ bằng
con nhái chàng, nằm lỏng lẻo trong lòng bàn tay
một người lớn. Hình thù nó khó trông đến nỗi làm
cho ai nấy cũng phải kinh dị, và lo sợ không thể
nuôi sống nổi".
Tôi hết sức ngạc nhiên :
Ông cụ thân sinh Tử vốn là một công chức có
tiếng là "ngồi trên nguyên tắc", không lý gì lại để
cho người nhà để tay vào những tang vật của Nhà
Đoan (Douane). Còn bà cụ thân sinh Tử là một nội
tướng con dòng thi lễ, có lẽ nào lại đi mua vui trong
việc "say sưa lướt khướt", như thế kia?
Hàn Mặc Tử coi tôi như ruột thịt, không có
việc gì, cũ cũng như mới, lớn cũng như nhỏ, xấu
cũng như tốt, mà Tử dấu tôi. Nhưng tôi chưa hề
nghe nói đến việc bà cụ vì uống rượu lậu mà sanh
Tử thiếu tháng.
Để cho chắc chân tôi đến hỏi thăm bà cụ. Bà
đáp:
- Bác có nói gì với ông Trần Thanh Mại đâu!
Khi ông ấy nhắc đến Trí thì lòng bác đau đớn quá,
bác chỉ trả lời qua loa rồi nước mắt nghẹn cả lời...
Ông ấy xưng là bạn của Trí, thì bác cũng hay vậy
chớ lúc sinh thời bác không hề nghe Trí nói đến. Vì
thế đối với ông ấy bác cũng có phần dè dặt, mặc dù
biết rằng ông đến thăm bác với hảo tâm. Không
ngờ ông ấy sao lại ác thế?
Tôi đề nghị bà cụ viết bài phản đối. Bà buồn bã khuyên:
- Thôi con. Em con đã qua đời rồi, để cho nó
yên. Nói qua nói lại làm gì cho thêm tủi.
Lời nói nhân hậu làm sao!
Tôi cảm động hết sức, ứa lệ xin vâng lời.
Nhưng khi nói chuyện cùng chị Như Lễ tôi lại
lén bảo riêng chị nên cải chính. Chị bảo sẽ cải chính
luôn những điểm thất thiệt khác, như việc "cô Lê
Thị Mai nuôi Tử", việc "bỏ không ngó ngàng đến
Tử từ lúc Tử vào Qui Hòa và sau khi Tử mất", v.v...
Như thế là việc "trong gia đình" Tử đã có
người lo. Tôi chỉ còn lo đến những gì liên quan đến
sự nghiệp văn chương của Tử.
Tôi viết thư ra trách Trần Thanh Mại đã trích
quá nhiều thơ của Tử mà không thương lượng
trước với tôi, là người giữ bản quyền, và yêu cầu
họ Trần trả tiền nhuận bút các bài thơ trích cho gia
đình Tử. Họ Trần chẳng những không nhìn nhận
chỗ sơ sót của mình mà còn nói nhiều lời khiếm nhã.
Tôi bàn cùng Chế Lan Viên:
- Đối với những người không biết phục thiện
như họ Trần thì chỉ có Pháp luật mới có thể buộc
họ theo lẽ phải.
Chế Lan Viên đồng ý, nhưng không tin tưởng
Tòa Án Nam Triều có thể giải quyết vấn đề được
thỏa đáng.
Lúc bấy giờ đã ban hành ở Trung Việt, Dụ số 9
ngày 24.3.41 của vua Bảo Đại, minh định quyền sở
hữu trên các tác phẩm văn chương và mỹ thuật.
Điều 8 của Dụ nói rằng:
"Toute édition ou production destinée au
puplic d'une oeuvre littéraire ou artistique, écrit,
peinture, dessin, carte ou plan photographie ou
film cinématographique, composition musicale ou
disque de phonographe, tirée de mauvaise foi, au
mépris des droits des auteurs, ou de leurs héritiers
et cessisonnaires, est une contrefacon, et la contrefacon est un délit".
Nghĩa là :
"Mọi sự xuất bản hay sản xuất cho công
chúng, một tác phẩm văn chương hay mỹ thuật,
văn thi phẩm, họa phẩm, họa bản, họa đồ hay đồ
bản, ảnh, phim ảnh, nhạc phẩm hay dĩa hát, thực
hiện với gian ý, bất chấp quyền lợi của tác giả hoặc
những người thừa kế hay thụ nhượng, là một sự
giả mạo, và sự giả mạo là một tội về tiểu hình".
Trường hợp của Trần Thanh Mại "trích quá
nhiều thơ văn chưa xuất bản của Tử mà không xin
phép người giữ bản quyền" có nằm vào điều 8 của
Dụ số 9 của Bảo Đại chăng?
Tôi đem vấn đề ra thảo luận cùng ông
Agostini, một luật khoa tấn sỹ, làm Phó sứ kiêm
Thẩm phán Tòa án Pháp ở Nha Trang là nơi tôi
đương tòng sự. Ông Agostini nói:
- Sách của Trần Thanh Mại là một quyển
sách phê bình, nếu tôi không lầm. Mà nhà phê bình
có quyền trích thơ văn của thi văn nhân để dẫn
chứng.
Tôi cãi:
- Sách của họ Trần có tánh cách một quyển
truyện ký hơn là quyển văn phê bình. Huống nữa
nhà phê bình chỉ phê bình những tác phẩm đã xuất
bản.
- Tuy vậy họ Trần không có gian ý, và không
làm thiệt hại chi đến Hàn Mặc Tử. Điều 8 của Dụ
Bảo Đại chỉ áp dụng cho những người đạo văn hay
ấn hành trộm lén tác phẩm của người khác.
- Ở Âu Châu đã có xử vụ án nào về việc trích
văn thơ chưa xuất bản chăng?
- Khi Paul Verlaine mới tạ thế, có một nhà
phê bình viết về nhà thi sỹ quá cố, cũng trích nhiều
văn thơ chưa hành thế của Verlaine. Bà quả phụ
Verlaine đưa đơn kiện nhà phê bình. Việc chưa xét
xử thì hai bên nguyên, bị điều định với nhau và đi
đến hòa giải. Đó là vụ kiện duy nhất về ván chương
mà chưa được xử, từ xưa đến nay ở nước Pháp.
- Nếu ông đứng xử vụ Trần Thanh Mại thì
ông xử thế nào.
Ông Agostini cười:
- Tôi sẽ cho ông Mại được miễn tố. Những
văn thơ của Hàn Mặc Tử mà ông Mại trích đó tuy
nhiều thật, song đối với sự nghiệp văn chương của
thi sỹ để lại có thấm gì. Như vậy, theo tôi, ông Mại
có làm thiệt hại gì cho thi sỹ đâu. Trái lại ông ấy còn
có công làm quảng cáo cho Hàn Mặc Tử là khác.
- Nhưng ông ấy nhờ Hàn Mặc Tử mà viết
được sách để bán lấy tiền, thì ông ấy phải chia số
tiền thu được cho gia đình Hàn Mặc Tử với chứ.
- Không có luật nào bắt buộc cả, thì Tòa án
biết dựa vào đâu mà thỏa mãn sự đòi hỏi của anh?
Đó là ý kiến của quan Tòa Pháp.
Tôi đến tìm cụ Hoàng Yến, tuần vũ tỉnh
Khánh Hòa, là người rất có biệt nhãn đối với
khách làng thơ. Tôi trình bày sự việc. Cự nói:
- Trích thơ văn chưa hành thế của người ta
nhiều thế ấy mà không chịu thương lượng trước,
như vậy không thể bảo là "không có gian ý" được.
Còn bảo rằng Hàn Mặc Tử được họ Trần quảng
cáo cho, thì tôi không cho là phải. Vì nếu quả vì mỹ
ý mà "quảng cáo dùm" thì sao lúc thi sỹ còn sống lại
không "dùm" cho, mặc dù có lời sở cậy. Nếu tôi
đứng xử việc này thì nhất định tôi buộc ông Mại
phải trả tiền nhuận bút về những bài thơ bài văn đã
trích dẫn.
Hai ý kiến khác nhau. ông Agostini dựa theo
luật lệ Cụ Hoàng Yến dựa trên công lý.
Sau khi thảo luận cùng Chế Lan Viên một lần
nữa, tôi quyết định đưa vụ này ra Tòa Án Phủ
Doãn Thừa Thiên ở Huế, là nơi ông Trần Thanh
Mại cư trú và sách Hàn Mặc Tử phát hành. Tôi bàn
cùng Chế Lan Viên:
- Xưa nay ở nước ta chưa có vụ án văn
chương nào, nay mình thử gây ra một án lệ, thua
hay được chả cần.
- Đó cũng là một cách quảng cáo thêm cho Tử.
Thế là chúng tôi, một mặt thảo đơn gởi ra
Huế, một mặt tin cho gia đình cùng các bạn thân
của Tử biết rõ công việc để chuẩn bị ra Tòa làm
chứng khi cần.
Biết tin tôi đưa đơn kiện, Trần Thanh Mại nổi
lôi đình, viết bài đăng báo Tràng An Huế, công
kích tôi kịch liệt.
Bị đánh lẽ tất nhiên phải đỡ.
Thế là cuộc bút chiến giữa Trần Thanh Mại và
tôi nổi lên và kéo dài ngót mấy tháng.
Tràng An là một tơ báo được Chánh phủ
Pháp phụ cấp và do nhà doanh nghiệp Bùi Huy Tín
chủ trương. Vì có thế Chánh phủ Pháp, tờ báo
không được quốc dân ủng hộ. Nhưng vì họ Trần
đăng bài ở đó, tôi không tiện đăng bài của tôi ở báo
khác. Tuy vậy cuộc bút chiến vẫn làm sôi nổi dư
luận, mặc dù lúc bấy giờ đệ nhị thế chiến đương nổ
dữ dội, tin tức dập dồn. Bạn đọc chia làm hai phái,
phái bênh vực họ Trần, phái bênh vực tôi, ý kiến
bất nhất. Kẻ khen, người chê, bàn bàn, tán tán, kể
cũng thật là vui.
Nhưng rồi, thấy cuộc "cãi lộn" không đi đến
đâu, và nghe tiếng chì tiếng bấc lâu ngày, khách
bàng quan đã bắt đầu "ngấy" tôi bèn dừng bút. Họ
Trần nói thêm mấy kỳ báo nữa, nhưng thấy nói
một mình, buồn, cũng phải nén lòng nín tiếng,
chấm dứt cuộc tranh đua để chờ kết quả tòa án.
Tôi đầu đơn kiện lúc mùa xuân năm 1942 và
đến mùa thu năm ấy, vụ kiện mới đem ra xét xử.
Vì ở xa và mắc công vụ tôi không có mặt trong
phiên Toa.
Một người bạn quen ỏ Huế vào cho biết kết quả.
Theo lời người bạn thì bữa ấy bên nguyên chỉ
có ông Nguyễn Bá Hiếu, đại diện gia đình Hàn Mặc
Tử, đến dự. Còn bên bị thì có đủ bị cáo và chứng
nhân. Người đến xem đông đầy cả tòa án. Cụ
Trương Xuân Mai, Phủ doãn, ngồi ghế Chánh Án.
Nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, Phủ thừa, ngồi ghế
phụ thẩm. Nhưng ông Chánh Án bảo rằng "vụ này
là một vụ án văn chương mà bên nguyên bên bị đều
là hai nhà văn có tên tuổi", nên ông "nhường lời
phán xét cho ông phụ thẩm là một nhà văn cũng có
tiếng đương thời".
Ông Nguyễn Tiến Lãng với quyển "Hàn Mạc
Tử" của Trần Thanh Mại trên tay, đã cho mọi
người thấy rõ rằng số trang in những văn thơ của
Hàn Mặc Tử gần bằng số trang in những lời trình
bày của họ Trần: Trích thơ văn của người nhiều
như thế mà không xin phép là có tội. Nhưng ông lại
nói rằng họ Trần đã giới thiệu Hàn Mặc Tử một
cách nồng hậu, nhờ vậy mà được nhiều người biết
đến tài nghệ của Tử. Như thế là họ Trần có công
đối với người có ván thơ bị trích.
Sau khi nghe ông phụ thẩm phán xét, ông
Chánh Án kết luận rằng
- Đây là lần đầu tiên, Toà án Nam Triều thọ
lý một vụ kiện về văn chương. Nhưng vụ này lại ở
trong một trường hợp đặc biệt: Bị cáo có tội mà
cũng có công, và công suy ra lại ngang với tội!
Song đó là lấy ý riêng mà xét, chớ chưa có luật,
cũng chưa có lệ minh định lẽ thiệt hơn. Vì vậy Tòa
tuyên bố: Miễn Xử.
Vụ án này hình không ra hình, hộ không ra hộ,
xử không ra xử, không không ra không, cho nên
kết quả không thành được án lệ.
Tuy thế vẫn có lợi.
Vì Hàn Mặc Tử được thêm một tiếng vang.
Và sau đó, các nhà phê bình không còn xem
thường quyền sở hữu của tác giả hoặc của những
người thừa kế, trên những tác phẩm họ trích dẫn.
Hoài Thanh viết quyển Thi Nhân Việt Nam năm
1942, Vũ Ngọc Phan viết bộ Nhà Văn Hiện Đại
năm 1943, đều có thư thương lượng cùng tôi về
việc trích thơ Tử.
Năm 1945, Nha Trang bị tàu bay khủng bố dữ
dội. Tôi phải đem vợ con về Bình Định lánh nạn.
Ở Nha Trang tôi có một ngôi nhà ngói nho
nhỏ. Các bạn thân yêu đều dùng làm nơi tụ họp và
tàng trữ sách quí cùng bản thảo văn thơ.
Sự nghiệp văn chương của Tử cũng để tại đó.
Khi ra đi tôi khóa chặt tủ, đóng kỹ cửa, và gởi
nhà cho người tin cậy là ông Ba Lồ Ô. Vì xe cộ chật
chội, đường sá khó khăn, gia đình tôi chỉ mang
theo được một ít đồ tế nhuyễn. Thêm nữa, Bình
Định tuy là quê hương, nhưng tôi không còn có tài
sản ở đó. Tôi định về gởi vợ con cho ông nhạc bà
nhạc, rồi một mình trở vào Nha Trang cùng Chế
Lan Viên.
Nhưng rồi binh lửa dập dồn, đường giao
thông bị cắt đứt. Tôi bị kẹt ở Bình Định, sự nghiệp
về tinh thần cũng như vật chất đều bỏ ở Nha Trang.
Thời loạn lạc - nhất là dưới thời Việt Minh
nắm Chánh quyền - mạng người như giọt sương
thu trên đọt cỏ. Bè bạn như lá rụng, mỗi người cui
cút mỗi nơi. Tên Hàn Mặc Tử không còn nghe ai
nhắc đến! Tôi cũng không có dịp nào nhắc đến để
người nghe.
Riêng Mai Đình, để chiêu niệm Tử, có bài
Trăng Cũ, rằng:
Trăng cũ giờ đây vẫn sáng trong,
Người mùa xuân cũ cách muôn trùng!
Ai về thăm thẳm trời tinh tú,
Để lại trần gian bóng lạnh lùng!
Từng tập thơ xưa! Từng tập thơ!
Từng trang huyết lệ ngấn trăng mờ.
Hồn ai siêu thoát ngoài nhân thế
Có biết rằng em vẫn đợi chờ?
Trên cõi Thiên đàng ngát ánh sao,
Tình anh tỏa rộng bốn trời cao,
Phiêu diêu anh sống bên mình Chúa,
Dựng một đài thơ ở chốn nào?
Em mãi phiêu linh với bụi đời,
Ngại ngùng mưa gió lúc buồn vui.
Từng đêm trăng sáng, đêm trăng sáng
Biết mấy đau thương, mấy ngậm ngùi!
Cũng muốn theo anh dứt nợ trần,
Đập tan lưu luyến, thoát phàm thân,
Bay qua muôn vạn tầng thanh khí,
Hồn quyết tìm cho thấy cố nhân.
Chút nợ ân tình giả chửa xong,
Đành mang tâm sụ mãi bên lòng.
Sắt son đã chẳng cùng nhau vẹn.
Em phải đem mình gởi núi sông.
Em đã là dân của nước nhà,
Khi quân thù đích dấy can qua.
Máu hồng đương nhuộm trang hùng sử
Em nhẽ nào quên nghĩa quốc gia.
Hăng hái xông pha giũa cuộc đời,
Chút lòng tranh đấu phút nào nguôi.
Bao giờ Tổ quốc ca toàn thắng,
Là lúc tìm anh giũa cõi Trời.
Em chỉ cầu xin một buổi chiều,
Dưới bàn tay Chúa, cạnh người yêu,
Ta tung thơ khắp cho trần thế...
Lạy Chúa đời con khổ đã nhiều.
Lời thơ chân thành, ý thơ nồng hậu. Đọc thơ
lòng tôi luống thẹn cùng Mai Đình! Mối tình thâm
thiết đối với Tử, ngoài Mai Đình còn có ai?
Trong thời kháng chiến, tâm não con người
không mấy lúc thảnh thơi, và cảnh loạn lạc khiến
lòng ngươi thâu hẹp lại, ai lo phần nấy, không mấy
ai nghĩ đến ai. Tuy vậy những đêm yên ổn, một
mình nằm ôn lại quãng đời qua, bâng khuâng kẻ
mất người còn, lắm khi nghĩ thương Tử quá!
Mồ mả Tử ở Qui Hòa không biết có ai coi ngó?
Thơ văn Tử bỏ ở Nha Trang không biết mất hay còn?
Biển cách non ngăn, lấy ai dò tin tức!
Mùa đông năm 1954, sau ngày ký Hiệp định
Genève, tôi huề quyến vào Nha Trang.
Vườn cũ còn y. Gốc mận ba cành vẫn xanh
tốt. Ngôi nhà nhỏ chỉ hư hỏng sơ sơ. Nhưng đồ đạc
trong nhà cùng sách vở giấy má không còn một
mảy! Hỏi thăm ông lão láng giềng, ông đáp:
- Nhật lật Pháp, Nha Trang bình an. Việt
Minh cướp chánh quyền, Nha Trang cũng không
lấy gì làm chộn rộn. Nhà anh vẫn đóng kín cửa và
ông Ba Lồ Ô vẫn ngày ngày rượu say nằm hát
nghêu dưới bóng mận... Nhưng rồi Pháp đổ bộ lên
Nha Trang, giặc giã nổi dậy. Đồng bào, ai theo Việt
Mình thì bị Pháp khủng bố, ai theo Pháp thì bị Việt
Minh khủng bố, án không yên, ngủ không yên!
Phần đông người ở đây đều bỏ nhà bỏ cửa, chạy
tản cư hết. Ông Ba Lồ Ô theo con chạy về Huế và
mất ở đó. Tôi lên nhà quê ở cùng lũ cháu, thỉnh
thoảng lén về thăm nhà. Nhà ai cũng vậy, không
ngươi coi ngó, đồ đạc bị bọn Việt gian lấy sạch. Về
phần anh, thì chúng chỉ khiêng bàn, ghế, giường,
tủ. Còn sách vở, giấy má thì chúng vất bỏ lại, không
ai thèm lấy, gió bay trắng cả trong ngoài...
Thế là tất cả sản nghiệp tinh thần của bạn của
mình đều bị hủy hoại hết! Thật đau đớn quá!
Thấy tôi buồn, ông lão an ủi:
- Trong thời ly loạn giữ được tấm thân cũng
đã quá sức khó, huống hồ những vật ngoài thân.
Đã biết vậy, song không thể dựa vào hoàn
cảnh để trút trách nhiệm của mình.
Sản nghiệp tinh thần bị hủy hoại thật là to tát.
Nhưng đối với di tích của Tản Đà, Bích Khê..., tôi
chỉ thương tiếc mà thôi. Còn đối với những di cảo
của Hàn Mặc Tử, tôi có bổn phận phải gìn giữ, mà
không gìn giữ được, lòng tôi bứt rứt không yên!
Đối với bạn, đối với nền văn học nước nhà, tội tôi
không phải nhỏ!
Nhân soạn các giấy tờ về ngôi nhà ở Nha
Tang, tôi tìm thấy tờ biên lai của Bộ Quốc Gia
Giáo Dục Huế nhận những thi phẩm của Hàn Mặc
Tử mà tôi gởi ra nạp bản ngày trước. Tôi mừng
quá, định viết thư vào Sài gòn, xin Bộ Giáo Dục cho
tôi xin bản sao các tập thơ của Tử. Nhưng một ông
bạn đã sống trong vùng Quốc gia suốt thời khói
lửa, bảo tôi:
- Sách vơ, giấy tờ lưu trữ ở Thư Viện Bảo
Đại và ở các Bộ tại cựu Thần Kinh lớp thì bị Việt
Minh đốt, lớp thì bị trận lụt năm 1951 trôi, lớp bị
thất lạc vì tản cư... Các tập thơ của Tử làm gì còn
mà hỏi. Huống hồ Bộ Quốc Gia Giáo Dục trước
kia và Bộ Quốc Gia Giáo Dục ngày nay đâu phải là
một. Anh viết thư chỉ mất công và tốn tiền tem vô
ích mà thôi.
Gặp lại mấy ông bạn cũ Trọng Miên, Hoàng
Diệp, Nguyễn Tuân, Ái Mỹ..., tôi hỏi thăm có giữ
được gì của Tử chăng, thì ai nấy đều thở dài:
- Tấm thân còn sống sót, tưởng cũng đã may
lắm rồi!
Năm 1957, tôi đổi ra Huế. Nhân ngày kỷ niệm
Tử do anh em văn nghệ sỹ Thần Kinh tổ chức, tôi
có trình bày việc tôi để mất các di cảo của Tử và
thành thật nhận lỗi trước anh em. Anh Hoàng
Diệp cho biết:
- Nghe nói anh Trần Tái Phùng còn giữ đủ
các tác phẩm của Tử. Anh thử hỏi xem...
Tôi tìm đến Trần Tái Phùng. Trần quân cho
biết chỉ thiếu có tập Gái Quê và Lệ Thanh Thi Tập.
Tôi xin sao lại các tập kia. Trần quân hứa sẽ thỏa
mãn. Song ngày qua, tháng qua và năm qua, chữ sẽ
vẫn còn y nguyên chữ sẽ. Tuy vậy tôi vẫn được yên
tâm, vì biết rằng không kíp thời chây, thế nào Trần
quân cũng cho sách ra đời, chớ chẳng lẽ lại ôm đi
tìm Tử nơi U huyền để giao trả lại.
Riêng tiếc những bức thư Tử gởi cho tôi trong
10 năm thân thiết! Có trên năm sáu trăm bức, vì
mỗi tuần chúng tôi gởi cho nhau ít ra cũng một
bức. Khi thì bàn chuyện văn chương, khi thì kể
niềm tâm sự ...
Tất cả những gì xảy ra hằng ngày về chúng tôi,
về thiên hạ mà chúng tôi để ý đến, dù là những việc
"không mấy nên thơ" chúng tôi cũng đều "phúc
trình" cho nhau biết.
Nhưng năm 1939, gặp gỡ Liên Tâm là một bạn
gái mộ văn chương, tôi lại dấu Tử, vì có cảm giác
sờ sợ như một anh chồng ngoại tình đi chơi về
khuya. Sau Tử dò biết, gởi vào một bài thơ trách rằng:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời.
Mây nước bao la tình lẳng lặng,
Khói sương mờ mịt nhớ chơi vơi.
Tương tư mộng thấy năm canh mộng,
Luyến ái trời vương bốn phía trời.
Ta nhớ ta thương, mình tệ quá!
Có ai khăng khít lại quên ai!
Tôi viết thư ra phân trần và chép cho Tử xem
bài thơ "Sợi Tơ Mành", Liên Tâm tặng tôi:
Thành xa mấy bận trống sang canh,
Thổn thức mình riêng cảm phận mình.
Cao cả chưa đền ơn chín chữ,
Nặng nề thêm ngán nợ ba sinh!
Chòm hoa dưới nguyệt so le bóng,
Tiếng hát bên sông bận bịu tình.
Nhện báo tin gì sa trước mặt?
Gió đưa lăng líu sợi tơ mành.
Xem thơ cảm động, Tử viết thư vào "xá tội
chúng sinh". Trong thư có câu:
Lòng riêng riêng cũng kính yêu
Người thương thương lắm phải chìu người thương.
Trong những bức thư của Tử thường có
những vần thơ đẹp như thế. Nhưng Tử không đem
vào các tập thơ.
Ngoài những vần thơ đẹp, ngoài những nỗi
niềm tâm sự, trong các thư còn nhiều mẫu chuyện
nói rõ những trường hợp sáng tác của một số thơ
Tử, còn nhiều ý kiến về Thơ... Đó là những tài liệu
có thể giúp cho các nhà phê bình khám phá được
nhiều bí ẩn trong thơ và trong tâm hồn Tử.
Những tập thơ của Tử còn mong có ngày ra
đời, đến những bức thư kia đã mất rồi, tất nhiên là mất hẳn!
Thật đáng tiếc biết bao nhiêu !
Đó là về phần văn chương. Còn về phần thân xác?
Quách Tấn
Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử (Hồi Ký), Quê Mẹ, Paris 1988

|